Lệ Thu, người ca sĩ mà tôi mến mộ nhứt, đã qua đời cách đây khoảng 1 giờ ở California, thọ 78 tuổi. Theo báo chí và giới nghệ sĩ bên California thì bà bị nhiễm virus Vũ Hán vài tuần trước và đã nằm viện thở máy hơn 1 tuần. Sự ra đi của Lệ Thu để lại một khoảng trống âm thanh trong bầu trời âm nhạc Việt Nam.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sanh ngày 16/7/1943 tại Hải Phòng. Bà cùng thân mẫu di cư vàoNam năm 1953. Bà bắt đầu sự nghiệp ca hát từ năm 1959 tại phòng trà Bồng Lai ở Sài Gòn. Trong một lần trả lời phỏng vấn, bà cho biết nghệ danh ‘Lệ Thu’ là bà tự đặt nhằm giấu gia đình để đi ca hát.
Lệ Thu trở thành một ca sĩ bậc nhứt của miền Nam Việt Nam. Khi nghĩ lại những ca sĩ nổi tiếng thời đó chuyên ca dòng nhạc tình, tôi nghĩ ngay đến Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly là hai người nổi tiếng nhứt. Không nói ra thì ai cũng biết ca khúc làm bà nổi tiếng nhứt là “Nước mắt mùa thu” của Phạm Duy. Tôi đọc đâu đó thì biết rằng ca khúc đó do Phạm Duy viết cho bà.
Nhưng ngoài Phạm Duy, Trường Sa với ‘Xin Còn Gọi Tên Nhau‘, Trịnh Công Sơn với ‘Chiếc Lá Thu Phai‘ đều là viết cho Lệ Thu! Thích nhứt là bài của Trường Sa:
Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ…
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nhạc sĩ Trường Sa nói: “Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa Thu Trong Mưa. Sau khi bài được thâu dĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em… tiếp theo nữa là Sầu Muộn, Còn Mãi Xa Người, Một Mai Em Đi, Nụ Cười Tím, Như Hoa Rồi Tàn… Lệ Thu đã chắp cánh cho một số ca khúc của tôi bay xa đến tận hôm nay. Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quý Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sĩ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một…” [1]
Danh đi với tài. Trong một lần trả lời phỏng vấn của Jimmy Nhựt Hà, bà tiết lộ rằng với một hợp đồng ca cho phòng trà, bà trở thành khá giàu có. Ngày 30/4/1975 Lệ Thu đã ra đến phi trường Tân Sơn Nhứt để đi Mĩ, nhưng bà quyết định quay về để chăm sóc cho mẹ già ở Việt Nam. Năm 1979 nhờ sự giúp đỡ của chồng cũ của ca sĩ Khánh Ly, Lệ Thu vượt biên đến Pulau Bidong (Mã Lai) và định cư ở Mĩ từ 1980 đến nay. Thời gian ở Mĩ, Lệ Thu vẫn ca hát và vẫn là một danh ca số 1 của làng nhạc hải ngoại.
Tôi tự xem mình là người yêu nhạc Việt Nam. Và, người làm cho tôi yêu nhạc Việt và tiếng Việt chính là ca sĩ Lệ Thu. Thời thanh niên thuộc thập niên 1970s, là sinh viên, tôi say mê tiếng hát Lệ Thu qua những ca khúc trữ tình và đẹp của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Từ Công Phụng, v.v. Lệ Thu trình diễn ca khúc nào cũng rất tự nhiên nhưng trang trọng; Lê Thu biểu lộ cảm xúc của ca khúc nhưng không làm dáng; Lệ Thu ngân nga và nhả chữ vừa đúng mà không ‘khoe’ giọng. Quả thật ngày nay rất khó có một tiếng hát như Lệ Thu. Gọi là “tiếng hát để đời” hay “tiếng hát huyền thoại” là đúng chớ không có gì quá đáng.
Cá nhân tôi từ ngày còn ở Việt Nam đến khi ra nước ngoài cho đến nay, lúc nào tôi cũng thu thập tất cả các tape nhạc và CD nhạc Lệ Thu. Hơn 40 năm ở nước ngoài tôi chỉ đi nghe nhạc 2 lần, chỉ vì 2 lần đó có Lệ Thu hát ‘live’. Ngày nghe tin Lệ Thu qua đời tôi nghe lại tất cả những tape nhạc và CD cũ kĩ đó như để tưởng nhớ đến một giọng ca mà mình trưởng thành theo năm tháng. Nay thì Lệ Thu đã đi về cõi vĩnh hằng. Nói như Trịnh Công Sơn là “Vắng một người thế giới trở nên hoang vu“, vắng tiếng hát Lệ Thu trên bầu trời nhạc Việt làm cho nhiều người, kể cả tôi, hụt hẫng. Xin có đôi dòng chia sẻ và chia buồn đến gia đình người ca sĩ đã làm cho tôi yêu nhạc Việt!
PS: Các bạn mến mộ Danh ca Lệ Thu có thể vào đường link dưới đây để lại suy tưởng hay cảm nhận của mình:
https://www.forevermissed.com/casilethu/about
___
Loạt bài phỏng vấn Lệ Thu do Jimmy Nhựt Hà thực hiện:
Phần I
Phần II:
Phần III: