Kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ở Sydney

Hôm qua (10/11/2018), một nhóm nghệ sĩ gốc Việt tổ chức buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương tại Bryan Brown Theatre, thành phố Bankstown. Đó là một buổi sinh hoạt văn nghệ rất có ý nghĩa về sự duy trì văn hóa Việt Nam ở hải ngoại, và công lớn thuộc về những nhạc sĩ, nhạc công và nhất là các nghệ sĩ Cải Lương thuộc thế hệ lớn lên ở Úc.

Một sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa

Cộng đồng người Việt ở Sydney tương đối nhỏ, nhưng những sinh hoạt mang tính văn hóa thì ý nghĩa không hề nhỏ. Tiêu biểu cho sinh hoạt giàu ý nghĩa đó là buổi lễ kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương ngày hôm qua. Đó là một dịp để không chỉ ôn lại hành trình hình thành và phát triển nghệ thuật Cải Lương, mà còn là một buổi lễ vinh danh bộ môn nghệ thuật truyền thống. Đó cũng là một buổi “seminar” để quảng bá lịch sử và nghệ thuật Cải Lương đến người nước ngoài. Hơn 80 năm trước, đoàn cải lương Phước Cương đã đem nghệ thuật Cải Lương đến khán giả Paris, thì hôm nay một nhóm nghệ sĩ trẻ gốc Việt chẳng những làm công việc quảng bá đó mà còn làm sống lại và giới thiệu sân khấu cải lương đến người Úc.

MC của chương trình kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương. Anh này người Huế, nhưng thích Cải Lương và nói năng hết sức duyên dáng (tiếng Anh và tiếng Việt)

Tiến sĩ Mai Viết Thủy nói lời chia sẻ về Cải Lương. Ngày xưa, thân phụ của anh rất thích Cải Lương và từng lập một đoàn hát. Không ngờ anh ấy là dân Kiên Giang, quê ở Gỏ Quao.

Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên tuyên bố khai mạc bổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương.

Bà Clare Raffan nói lời chào mừng khán giả đến với Thành phố Bankstown.

Sự ủng hộ của đồng hương Việt tại Sydney và của người Úc thật đáng ghi nhận ở đây. Trước khi buổi sinh hoạt diễn ra, anh bạn tôi trong ban tổ chức tỏ vẻ lo lắng về số khách đến tham dự, do nghệ thuật cải lương không phải là tân nhạc vốn có sức hấp dẫn cao đối với đa số khán giả gốc Việt. Thế nhưng, tất cả những lo lắng về số lượng trở thành mối lo lắng về số ghế ngồi! Khán phòng của Bryan Brown Theatre chừng 200 ghế ngồi đầy kín khách đến dự buổi sinh hoạt. Một số khách đến sau đành phải đứng, vì không có chỗ để thêm ghế. Tôi biết có khán giả đi từ Adelaide (cách Sydney 1000 km) đến đây chỉ để dự buổi sinh hoạt về cải lương! Số khán giả đến tham dự nhiều hơn dự đoán của ban tổ chức, và đó là một tín hiệu tuyệt vời. Tín hiệu là người Việt, dù ở ngoài quê hương, vẫn trân trọng văn hoá truyền thống Việt Nam.

Nhưng điều đáng nói hơn nữa là trong số khách đến dự, có khá nhiều người Úc. Trong số người Úc đó, có cả cả bà Phó thị trưởng Bankstown tên là Clare Raffan, rất dễ mến và hoạt bát. Tôi ngồi bên cạnh một cô người Úc đang là sinh nghiên nghiên cứu nhạc thuộc Đại học Quốc gia Úc ở Canberra. Nghe nói cô ấy biết cả tiếng Việt, nên theo dõi buổi diễn sân khấu rất chăm chú. Nhìn quanh khán phòng tôi ngạc nhiên chừng 1/3 khán giả là người trẻ, có lẽ trưởng thành sau 1975 hay ở Úc. Sự ủng hộ nồng nhiệt chắc chắn làm cho ban tổ chức có lí do để mừng, nhưng đó còn là một phát biểu “về nguồn” của giới trẻ ở nước ngoài.

Ban tổ chức có tham vọng cao, nên họ thiết kế một chương trình sinh hoạt khá dài và phong phú. Chương trình khởi đầu đúng 1 PM, và kết thúc sau 5 PM. Có lẽ do sự hấp dẫn của chương trình, nên đại đa số khán giả thì dự từ đầu đến cuối.

Chương trình được bắt đầu bằng phát biểu khai mạc của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Tôi rất tâm đắc khi anh Tuyên nói lời ghi nhận những người Úc gọi là “Custodian” hay chủ nhân của mảnh đất chúng ta đang sinh sống. Đây không phải là một mĩ từ, mà là một sự ghi nhận nghiêm chỉnh và thành khẩn của chúng ta — những người Việt tị nạn — về chủ quyền của người thổ dân. Anh Tuyên nói rằng Úc là một “Nước May Mắn”, và người Việt là một cộng đồng may mắn nhất ở đây. Sự kiện văn hóa này cũng là một phát biểu cảm ơn đến nước Úc đã dung nạp và cho người Việt một cơ hội để đóng góp vào một xã hội Úc đa văn hóa.

Kế đến là phát biểu của bà Phó thị trưởng thành phố Bankstown. Bà cho biết Bankstown là một thành phố chỉ 160 ngàn dân nhưng rất đa dạng, với hơn 120 sắc tộc đang định cư ở đây. Cộng đồng người Việt tuy không phải là lớn nhất, nhưng là cộng đồng năng động nhất và có nhiều đóng góp nhất trong việc làm giàu văn hóa địa phương. Buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 nghệ thuật Cải Lương là một trong những đóng góp của cộng đồng Việt Nam trong việc phong phú hóa nền văn hóa địa phương.

Lịch sử và khoa học Cải Lương

Buổi sinh hoạt có một số bài thuyết trình có phẩm chất khoa học cao. Một trong những bài thuyết trình đó là bài của anh bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp, về lịch sử hình thành của nghệ thuật Cải Lương Nam Bộ trong giai đoạn 1930 – 1945. Anh Hiệp là người làm nghiên cứu khoa học, nhưng anh còn có một ‘nghề tay trái’ là một nhà khảo cứu về văn hóa. Anh đã từng xuất bản nhiều sách về lịch sử Sài Gòn, lịch sử kinh tế Nam Bộ, và có nhiều phát hiện rất thú vị về Cải Lương. Xuất thân từ khoa học, nên những bài khảo cứu về văn hóa của anh cũng giàu khoa học tính. Bài diễn thuyết của anh Hiệp đã đưa khán giả về những năm đầu thế kỉ 20 ở Sài Gòn, Mỹ Tho, hay nói chung là miền Tây qua những hình ảnh được sưu khảo rất cẩn thận và công phu. Những cái tên các nghệ sĩ và ông bầu lừng danh trong nghệ thuật Cải Lương được nhắc đến trong thời đó như Năm Phỉ, Thầy Năm Tú, Ba Đợi, Tư Triều, v.v. như là một ghi nhận những đóng góp của họ cho sự ra đời của nghệ thuật Cải Lương.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trình bày về quá trình hình thành Cải Lương.

Một bài thuyết trình khác cũng mang tính học thuật là của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Nếu Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp nói về lịch sử Cải Lương, bài của Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên cung cấp cho khán giả những cách nhìn và những cái nhìn tinh tế về nghệ thuật Cải Lương mà có lẽ đa số chúng ta không để ý đến. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên trình bày những khám phá hết sức thú vị về đoàn Cải Lương Việt Nam sang biểu diễn lần đầu ở Pháp vào thập niên 1930s. Đó là đoàn hát Phước Cương đã được mời trình diễn trong một Hội chợ Quốc tế ở Paris vào năm 1931. Trong Hội chợ, có nhiều đoàn nghệ thuật từ các nơi trên thế giới, và đoàn Việt Nam diễn tuồng cải lương Xử Án Bàng Quý Phi (hay Sủng Phi), với diễn viên chính là cô đào Năm Phỉ. Khán giả có dịp nghe lại những giọng nói và tiếng hát đã được thu thanh vào thời đó. Báo chí Pháp nhiệt liệt khen ngợi tài nghệ của đoàn cải lương bằng những chữ mà tôi có khi nghĩ họ “nói quá”. Nhưng nghĩ lại thì không “nói quá” chút nào, vì quả thật những vị tiền bối đã rất có tài để “đem chuông đi đấm xứ người”, và họ đã làm cho chúng ta có quyền tự hào về tài sắc của nghệ thuật Cải Lương.

Nghệ sĩ Kim Phượng khai mạc với một bài vọng cổ ngọt ngào không chịu được 🙂

Bài học từ Tuyệt Tình Ca

Sự tự hào đó cũng được duy trì qua tài nghệ của các diễn viên Cải Lương tại Sydney. Đó là những diễn viên còn rất trẻ và được đào tạo ở Úc như Kim Phượng, Ái Thanh, Thạch Vũ, Lê Trí và Minh Quang. Dưới sự đạo diễn của nghệ sĩ Ngọc Hà (người từng có thời làm việc chung với Văn Vĩ ở trong nước), các nghệ sĩ đã diễn lại một trích đoạn trong tuồng Tuyệt Tình Ca. Xin nhắc lại tuồng Tuyệt Tình Ca hay Ông Cò Quận Chín. Vở tuồng Ông Cò Quận Chín xoay quanh câu chuyện xảy ra thời trước chiến tranh ở hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang ngày nay. Ông giáo Hương là người Mỹ Tho được điều về dạy học ở Vĩnh Long, nơi đây ông quen với cô giáo Lê Thị Lan, và hai người ở với nhau có 2 con. Đứa con gái lớn tên là Lê Thị Trường An và đứa con trai tên là Lê Long Hồ, lấy tên hai địa danh nổi tiếng ở Vĩnh Long. Rồi chiến tranh xảy ra, loạn lạc khắp nơi, ông giáo Hương về Sài Gòn làm cảnh sát trưởng Quận 9 (gọi là “Ông Cò Hương”) và xây dựng một gia đình mới. Một hôm, nhân viên cảnh sát của ông cò Hương bắt một cô gái tên Thoa, nghi ngờ hành nghề bán hương phấn. Ông Cò Hương phỏng vấn cô gái, và định mệnh trớ trêu, người con gái đó lại chính là Lê Thị Trường An, đứa con gái ông thương như ngọc như ngà. Hai cha con trùng phùng trong nước mắt. Sau đó, ông Cò Hương cùng con gái về thăm vợ cũ lúc này đang sống trong cảnh nghèo túng trong một căn nhà lá ọp ẹp ở Vĩnh Long, và mắc bệnh lao.

Các nghệ sĩ diễn lại đoạn ông Cò Hương phỏng vấn cô gái tên Thoa đến đoạn ông về thăm người vợ cũ là cô giáo Lan. Nghệ sĩ Minh Quang (em ruột của nghệ sĩ Minh Vương) đóng vai ông cò Hương, Ái Thanh vào vai cô Thoa (Trường An), Thạch Vũ nhập vai Long Hồ, và Ngọc Hà trong vai cô giáo Lan. Tất cả các nghệ sĩ đã nhập vai một cách tuyệt vời. Ái Thanh vào vai cô Thoa chẳng khác gì Bạch Tuyết trước đây. Ái Than đã làm nổi bậc rằng Thoa ngày nay không còn là một cô gái đậm chất quê nữa, mà đã trở thành một cô gái tân thời và có cái nhìn xã hội đầy thách thức. Với vóc dáng dễ nhìn, trong bộ trang phục thời trang, và cái nhìn khinh khỉnh vào ông Cò Hương, Ái Thanh cho thấy Thoa là một cô gái hận đời, khinh bạc đám đàn ông lợi dụng cái giàu của họ để mua vui trên thân xác của những cô gái nghèo. Đó là một cô gái bướng bỉnh bề ngoài, nhưng rất yếu đuối nội tâm. Đến khi Long Hồ (Thạch Vũ) xuất hiện thì lại là một thanh niên ham học, cũng tân thời nhưng đầy tình nghĩa với người chị (Thoa), và không chấp nhận bất cứ một sự thoái hóa đạo đức nào. Đó là mẫu mực của một người thanh niên tân học thời đó. Hai nghệ sĩ lớn tuổi hơn là Lê Trí và Ngọc Hà cũng đã nhập vai không thể nào chê được. Ông Cò Hương đeo kiếng xệ xuống sóng mũi, mặc áo trắng, và cách nói y chang như nghệ sĩ Út Trà Ôn trước đây. Ngọc Hà trong vai cô giáo Lan cũng là một vai diễn xuất sắc. Từ cái áo bà ba, màu áo, đến vóc dáng gầy gò và cách ho đúng với bệnh lao, Ngọc Hà quả thật làm sống lại nhân vật cô giáo Lan trong vở tuồng cải lương bất hủ này. Những trích đoạn và cách diễn cảnh ông Cò Hương gặp lại cô giáo Lan có thể nói là làm cho khán giả … xé lòng. Tôi nhìn chung quanh thấy rất nhiều người, nam cũng như nữ, dùng giấy tissue rất nhiều. Họ đang khóc. Chính tôi cũng có lúc dùng đến giấy tissue lau nước mắt. Những giọt nước mắt của khán giả là một minh chứng thực nhất và tốt nhất cho tài diễn xuất của các nghệ sĩ. Các diễn viên Sydney diễn quá tuyệt vời. Tôi không dùng chữ tuyệt vời một cách tùy tiện, nhưng trong trường hợp này tôi phải dùng chữ đó để nói về tài nghệ diễn xuất của họ.

Nhân vật ông cò Hương trong vở tuồng Tuyệt Tình Ca vẫn còn tính thời sự ngày nay. Ngay cả cách gọi “ông cò” đã nói lên tính thân mật của người làm dịch vụ cảnh sát. (Thử tưởng tượng vở tuồng đó có cái tựa đề như Ông Công An Quận Chín thì chắc dân chúng sẽ phỉ nhổ thế nào.) Ông cò Hương là một người của công quyền, ông bị dằn co giữa một bên là tình cảm gia đình (con gái ông) và một bên là luật pháp (cấm hành nghệ mại dâm) mà ông có vai trò bảo vệ. Cuối cùng thì cái tình cảm gia đình phải nhường cho sự ưu tiên của pháp luật. Tôi nghĩ ý nghĩa của vở tuồng Tuyệt Tình Ca vẫn còn là một bài học cho Việt Nam ngày nay.

Tại sao 100 năm?

Tại sao 100 năm nghệ thuật cải lương? Có lẽ một số bạn đọc đặt câu hỏi này, bởi vì trong thực tế thì nghệ thuật cải lương đã được hình thành từ những năm đầu thế kỉ 20, trước 1918. Thật vậy, điểm qua lịch sử hình thành bộ môn nghệ thuật Cải Lương, chúng ta dễ dàng thấy trước 1918 đã có một số hoạt động mang dấu ấn Cải Lương, nhưng dưới danh nghĩa ‘đờn ca tài tử’. Thật ra, ngay từ năm 1906 đã có phong trào đờn ca tài tử ở Mỹ Tho (lúc đó, Mỹ Tho là thành phố lớn thứ 3, sau Sài Gòn và Hà Nội).

Nhưng cần phải có một thời gian hơn 10 năm thì phong trào đờn ca tài tử mới trở thành có tổ chức hơn dưới danh nghĩa gánh hát. Năm 1917 có một gánh hát, tuy chưa gọi chính thức là ‘Cải Lương’, nhưng diễn tuồng Cải Lương Lục Vân Tiên. Ngày 15/3/1918, ông bầu Năm Tú cho khai trương gánh hát gọi là “Gánh hát Thầy Năm Tú Mỹ Tho” và diễn tuồng đầu tiên là Kim Vân Kiều suốt 3 đêm liền. Do đó, các nhà nghiên cứu văn hóa lấy cái mốc 1918 là năm Cải Lương ra đời. Thật ra, cái mốc 100 năm chỉ là một biểu tượng [hơn là một con số mang tính khoa học cân đo đong đếm] về một lịch sử phong phú của Cải Lương.

Cải Lương và cải lương

Cải lương nhìn chung là một nghệ thuật độc đáo, hiểu theo nghĩa không phải là hát bội, mà cũng không là kịch nói. Nó kết hợp giữa hát theo giai điệu ngũ cung và kịch nói. Có lẽ chính sự kết hợp này mà cải lương giúp cho người thường dân một phương tiện để bày tỏ quan điểm và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Mượn cải lương để nói những điều cao xa mà lại rất gần.

Cải Lương, theo cách giải thích của Giáo sư Trần Văn Khuê, là “Cải lương là sửa đổi cho trở nên tốt hơn“. Đó là cách giải thích hợp lí, vì đoàn hát Tân Thinh khi ra mắt khán giả năm 1920, họ ghi rõ đoàn hát cải lương, và kèm theo đôi liễn nói lên những đặc điểm chính của nghệ thuật Cải Lương:

Cải cách hát ca theo tiến bộ

Lương truyền tuồng tích sánh văn minh

Như vậy, Cải Lương là một danh từ riêng. Do đó, tôi rất tâm đắc khi Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên và các bạn trong Ban tổ chức không dịch sang tiếng Anh hai chữ đó, mà giữ nguyên “Cải Lương” cho khán giả nước ngoài.

Và nhìn về tương lai

Buổi sinh hoạt kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương cùng những diễn xuất của các nghệ sĩ làm tôi suy nghĩ về tương lai của nghệ thuật truyền thống này. Mấy năm gần đây, công chúng tỏ ra quan tâm về sự suy sút của nghệ thuật cải lương ở trong nước, và tôi nghĩ quan tâm này cũng có cơ sở. Trong giới thanh niên, số người yêu thích Cải Lương chẳng những không nhiều, mà còn có xu hướng suy giảm theo thời gian. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm cách nhận ra những nguyên nhân của tình trạng này. Riêng tôi nghĩ rằng Cải Lương cần phải làm mới một lần nữa thì mới có khả năng hấp dẫn khán giả tốt hơn trong tương lai.

Tôi đã xem qua khá nhiều tuồng cải lương gần đây do các nghệ sĩ trẻ trình diễn, và thấy 2 xu hướng chung: thiếu sự độc sáng ở người nghệ sĩ và thiếu những vở tuồng mới. Tuy các nghệ sĩ trẻ ngày nay có chất giọng tốt, nhưng hình như họ chưa tạo cho mình một phong cách hay một làn hơi riêng như những người đi trước trong thập niên 1960 – 1970. Rất khó phân biệt giọng ca của các nghệ sĩ trẻ bây giờ vì họ đều có giọng hát giông giống nhau. Ngoài ra, các vở tuồng cải lương ngày nay có vẻ nhiều hơn trước, nhưng chất lượng thì không cao như khán giả kì vọng. Một số vở tuồng được dàn dựng, theo tôi là, quá hấp tấp và chất lượng nghệ thuật giống như một tác phẩm loại “mì ăn liền”. Cũng có thể đây là “thời kì quá độ” để nghệ thuật cải lương Việt Nam tìm một định hướng mới hơn.

Có người cho rằng cải lương không còn khả năng thu hút khán giả trẻ như thời thập niên 1970s. Nhưng lấy kinh nghiệm cá nhân và qua buổi diễn ở Bankstown vừa qua, tôi nghĩ chúng ta có lí do để hi vọng rằng nghệ thuật Cải Lương sẽ phát triển trong tương lai, khi đời sống kinh tế được nâng cao và người ta sẽ tìm về những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật Cải Lương. Thuở còn đi học, dù rất mê Cải Lương, tôi ít khi nào dám thố lộ với bè bạn vì sợ bị chê là “dân cải lương”, tức đồng nghĩa với quê mùa. Nhưng bây giờ tôi lại thấy Cải Lương mới đích thực là một nghệ thuật của dân tộc, và không ngần ngại nói tôi yêu Cải Lương.

Thật ra, đó cũng chỉ là một tình cảm tự nhiên. Càng sống trong thế giới văn hóa của người khác, người ta có khao khát tìm về nguồn cội, về bản sắc văn hóa của mình, mà Cải Lương là một bản sắc văn hóa dân tộc. Ở phương Tây người ta có nghệ thuật opera, một loại hình nghệ thuật thuộc vào hàng trưởng giả; còn ở Việt Nam chúng ta có hát bội, chèo, và Cải Lương thu hút mọi thành phần trong xã hội. Nói như một số nhà phê bình văn học Tây phương, nếu hát bội phản ánh chủ nghĩa anh hùng, chèo nói lên cái trào lộng, thì Cải Lương thể hiện cái trữ tình và đạo lí của dân tộc. Mỗi vở tuồng cải lương hàm chứa nhiều bài học đạo lí ở đời, và lúc nào cũng có những câu mà chúng ta hay nói theo Tây là “key messages”. Những thông điệp chính thường là ở lành gặp hiền, làm ác thì sẽ trả giá sau này, yêu thương gia đình, kính trọng bề trên nhường kẻ dưới, và tử tế với bạn bè. Những thông điệp đó vẫn còn mang tính thời sự ở Việt Nam ngày nay. Tuồng cải lương nào dù éo le thế nào thì cũng có một kết thúc có hậu: thiện thắng ác. Có một đặc điểm chung là các tuồng cải lương Việt Nam không bạo động như các vở tuồng hồ quảng của Tàu.


Giới trẻ trong nước ngày nay thích chạy theo phong trào nhạc hip hop, và một ngày nào đó trong tương lai, họ cũng sẽ như giới giới trẻ ở nước ngoài hiện nay đang có xu hướng về nguồn và tìm về với tình tự dân tộc qua các giai điệu cải lương. Tất cả các nghệ sĩ cải lương trong nước ra ngoài trình diễn đều được đón nhận nồng nhiệt. Có người phải lái xe hàng trăm cây số chỉ để nghe lại những “giọng ca vàng” một thời như Minh Vương, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Sang. Cần phải tận dụng công nghệ thông tin và internet để xây dựng nhiều “ngôi nhà” Cải Lương cho thế hệ mai sau.


Tôi nghĩ Cải Lương rất cần những cơ sở khoa học và lí luận. Có người cho rằng [và tôi đồng ý] rằng nghệ thuật Cải Lương là một trong những bộ môn nghệ thuật thuần Việt Nam. Chỉ người Việt Nam mới có Cải Lương. Nhưng để phát triển, Cải Lương cần có những nghiên cứu mang tính lí luận và khoa học. Chỉ có lí luận và khoa học thì bộ môn nghệ thuật này mới có thể thành một bộ môn “Cải Lương học” nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ, không biết có quá hay không, rằng một ngày trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ Cải Lương sẽ đưa bộ môn này vào một di sản văn hóa của thế giới như trường hợp của nhã nhạc Huế. Những buổi sinh hoạt như kỉ niệm 100 năm nghệ thuật Cải Lương ở Sydney vừa qua là một đóng góp có ý nghĩa cho mục tiêu cao cả đó.

TB: Một số hình ảnh trích đoạn tuồng Ông Cò Quận Chín.

Cảnh khi ông cò Hương thẩm vấn có gái tên Thoa

Cảnh khi Thoa (Trường An) gặp người em là Lê Long Hồ trong đồn cảnh sát.

Cảnh ông cò Hương nhận ra cô gái là con mình.

Cảnh khi Lê Long Hồ gặp mẹ là cô giáo Lan

Cảnh khi ông cò Hương gặp lại vợ cũ là cô giáo Lan. Đoạn này làm biết bao người khóc.

Đoạn ông cò Hương phải đặt luật pháp trên tình cảm gia đình. Cảnh sát phải bắt Trường An.

Chụp hình lưu niệm. Tôi chỉ ké thôi. Người đứng bên phải sau cùng là Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên.

Từ trái sang phải: Thạch Vũ, Kim Phượng, Ái Thanh, Ngọc Hà, và tôi. Lâu lâu chụp một tấm hình làm kỉ niệm.

Kỉ niệm 100 năm nghệ thuật cải lương: tưởng nhớ Út Bạch Lan

Fb nhắc nhở 2 năm trước tôi có viết một cái note về Nghệ sĩ Út Bạch Lan nhân ngày bà qua đời, và nhân dịp tôi muốn chia xẻ cái note đó cộng thêm vài suy nghĩ mới về nghệ thuật cải lương. Thật ra, chừng 10 năm trước, tôi có viết một bài cảm nhận về cải lương (1) mà không ngờ rằng bài đó được đón nhận rất nồng nhiệt và được trích dẫn trong một nghiên cứu về cải lương công bố trên một tập san khoa học (2).

Có lẽ ít ai biết rằng nghệ thuật Cải Lương đã tròn 100 tuổi. Những ngày đầu của cải lương, đã có vài nghệ sĩ tiền bối từng sang Pháp biểu diễn cải lương và được báo chí Pháp khen nức nở thời đó (3).

Cũng nhân dịp này xin giới thiệu cùng các bạn nào đang ở Sydney là ngày thứ Bảy này (10/11/2018) sẽ có một buổi lễ kỉ niệm 100 năm Ngày Cải Lương được tổ chức tại Bryan Brown Theatre (trong thị sảnh Hội đồng thành phố Bankstown) từ 1 PM đến 5 PM (4). Chương trình sẽ rất phong phú:

(a) sẽ có những bài nói chuyện về nghệ thuật cải lương;

(b) biễu diễn đàn;

(c) trình diễn cải lương

(d) có sự tham dự của các nghệ sĩ cải lương tại Sydney và chính khách Úc.

Nếu các bạn quan tâm đến cải lương, thì nên tham dự buổi sinh hoạt văn hóa này. Một trong những người tổ chức là bạn tôi, Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên, sẽ rất hân hạnh chào đón các bạn. Chi tiết chương trình và ghi danh tại đây:

https://www.eventbrite.com.au/e/cai-luong-centenary-an-australian-connection-tickets-50032883702

=======

Nghệ sĩ Út Bạch Lan trong bộ đồ bà ưa thích

Một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất và dễ mến nhất mới qua đời: Út Bạch Lan. Bà thọ 81 tuổi, nhưng tính tuổi ta là 82. Bà là một nghệ sĩ thuộc một thế hệ sáng chói nhất của văn nghệ miền Nam trước 1975. Dù bà chẳng mang một danh hiệu ‘ưu tú’ hay ‘nhân dân’ gì cả, nhưng bà là một nghệ sĩ của quần chúng đích thực. Cuộc đời và sự nghiệp của bà là một phản chiếu tiêu biểu của người miền Nam thật thà và chân chất từ suy nghĩ, lời nói, đến việc làm và những vai diễn trên sân khấu.

Không hiểu tại sao và từ khi nào mà báo chí VN sau này gọi Út Bạch Lan là “sầu nữ”, vì ngày xưa báo chí miền Nam gọi bà “Nữ hoàng vọng cổ”. Bà có một cái tên rất Nam bộ: Đặng Thị Hai. Bà sinh ra ở Đức Hòa, Long An. Năm 10 tuổi bà theo mẹ tha hương ở Sài Gòn, và mẹ bà kết nghĩa chị em với một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ có một đứa con trai. Đứa con trai đó chính là Văn Vĩ, một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng cải lương về sau, và Út Bạch Lan xem Văn Vĩ như là anh ruột. Út Bạch Lan sau này hát chung nghệ sĩ nổi danh Thành Được, và “cặp bài trùng” này làm sóng gió sân khấu cải lương trước 1975. Sau này hai người nghệ sĩ trai tài gái sắc này thành hôn với nhau, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì hai người chia tay, và bà sống độc thân đến ngày qua đời và nuôi 4 đứa con rơi của chồng! (5)

Nói đến Út Bạch Lan, tôi nhớ ngay đến hai tuồng cải lương “Nửa đời hương phấn” và “Ông cò Quận 9” (có khi còn gọi là “Tuyệt tình ca”). Thời nay thì chắc chẳng mấy ai, nhất là các bạn trẻ, nhớ đến hai vở tuồng đầy nước mắt này. Để tôi tóm tắt câu chuyện trong tuồng (có thể tôi quên vài chi tiết):

Nửa đời hương phấn nói về cuộc đời của một cô gái quê ở Lái Thiêu tên The lên Sài Gòn (cô đổi thành Hương) tìm việc làm để giúp ba má dưới quê, nhưng cuộc sống phồn hoa đô thị đẩy đưa Hương vào con đường buôn hương bán phấn (nghe quen quen!) Hương yêu say đắm một anh chàng, nhưng gia đình anh chàng này không chấp nhận cuộc tình, mà ngay cả cha mẹ ruột của Hương cũng ruồng bỏ nàng khi biết nàng làm nghề hương phấn đó. Số phận éo le (cải lương mà!) khi người yêu của Hương lấy vợ, mà người vợ chính là em ruột của Hương. Thế rồi Hương cắt tóc đi tu. Cái đoạn Hương xuống tóc đi tu và đoạn Hương gặp vợ chồng em gái ở chùa làm xé lòng người. Lời ca như tiếng nấc mà Út Bạch Lan diễn hết sức thực: “Má ơi! mái tóc dài óng ả, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Rồi nơi phồn hoa trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa.” Hồi đó, cứ mỗi lần xem đến đoạn này tôi khóc một cách tự nhiên. Sau này lớn lên, tôi không dám xem đoạn diễn đó nữa.

Nhưng vở tuồng Ông Cò Quận Chín mới là “tuyệt chiêu” của Út Bạch Lan. Tôi nghĩ vậy. Tuồng Ông Cò Quận Chín xoay quanh câu chuyện xảy ra thời trước chiến tranh ở hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang ngày nay. Ông giáo Hương (do Út Trà Ôn thủ diễn) là người Mỹ Tho được điều về dạy học ở Vĩnh Long, nơi đây ông quen với cô giáo Lê Thị Lan (do Út Bạch Lan đóng), hai người ở với nhau và có 2 con. Đứa con gái lớn tên là Lê Thị Trường An (Bạch Tuyết đóng vai) và đứa con trai tên là Lê Long Hồ (thủ diễn bởi Thanh Sang), lấy tên hai địa danh nổi tiếng ở Vĩnh Long. Rồi chiến tranh xảy ra, loạn lạc khắp nơi, ông giáo Hương về Sài Gòn làm cảnh sát trưởng Quận 9 (gọi là “Ông Cò Hương”). Một hôm, ông cò Hương bắt một cô gái hành nghề bán hương phấn, nhưng định mệnh trớ trêu (cải lương mà) người con gái đó lại chính là Trường An. Hai cha con trùng phùng trong nước mắt. Đoạn hai cha con gặp nhau, cả hai nghệ sĩ Út Trà Ôn và Bạch Tuyết làm cho bao nhiêu người xem phải rơi nước mắt.

Ông Cò Hương (cùng con gái) về thăm vợ cũ lúc này đang sống trong cảnh nghèo túng trong một căn nhà lá ọp ẹp ở Vĩnh Long, và mắc bệnh lao. (Phải là bệnh lao mới lâm li!) Hai đoạn trong tuồng này làm khán giả đàn ông nhất cũng phải lau nước mắt: đó là đoạn ông cò Hương gặp lại con gái mình trong văn phòng (phút 48 đến 55 trong video), và đoạn ông gặp lại người vợ cũ (cô giáo Lan, phút 1 giờ 13 – 1 giờ 23). Trời ơi, đoạn ông cò gặp vợ cũ, cả hai người — Út Trà Ôn và Út Bạch Lan — đều diễn trên cả tuyệt vời. Ngay cả bây giờ, ở độ tuổi này, mà tôi vẫn ngại nghe lại hai đoạn đó!

https://www.youtube.com/watch?v=wlBs6Vjc1l4

(tuồng Ông Cò Quận Chín)

Có những lời ca rất cổ mà cũng rất thật: “… Phải! Tôi còn sống đây. Tôi vẫn còn đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng chừng như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc. […] Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẫn khuất giữa sông…đầy. “

hay như câu trách móc đàn ông … mê vợ bé: “Trưa nào ngồi vá áo cho thằng Hồ với con An, tôi cũng nghe văng vẵng tiếng người hàng xóm hát ru con … Ầu ơ, gió đưa bụi chuối sau hè / Anh mê vợ bé à ơi … anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ.

[…] Phải mình chính là con chim Dương Nga ở vùng băng tuyết.

Sanh con ra đời lúc trời mới vào đông.”

Lời ca cùng với tiếng hát nức nở của Út Bạch Lan thật là xé ruột! Có điều thú vị là khi tuồng cải lương được soạn vào năm 1965 thì Sài Gòn chưa có quận 9. Cái Quận 9 trong tuồng chỉ là … giả tưởng. Phải hai năm sau thì Thủ Thiêm mới chính thức trở thành Quận 9.

Mỗi vở tuồng cải lương hàm chứa nhiều bài học đạo lí ở đời, và lúc nào cũng có những câu mà chúng ta hay nói theo Tây là “key messages”. Những thông điệp chính thường là ở lành gặp hiền, làm ác thì sẽ trả giá sau này, yêu thương gia đình, kính trọng bề trên nhường kẻ dưới, và tử tế với bạn bè. Những thông điệp đó vẫn còn mang tính thời sự ở Việt Nam ngày nay. Tuồng cải lương nào dù éo le thế nào thì cũng có một kết thúc có hậu: thiện thắng ác. Có một đặc điểm chung là các tuồng cải lương Việt Nam không bạo động như các vở tuồng hồ quảng của Tàu.

Út Bạch Lan đúng là người sống với triết lí vô thường. Ở đỉnh cao của danh vọng, bà vẫn bình thản như không có gì. Ở buổi hoàng hôn của cuộc đời, dù cuộc sống có phần chật vật, bà vẫn thản nhiên tự tại. Dù bị ông chồng đào hoa phụ bạc, và dù đã chia tay, bà vẫn nuôi con của ông chồng và xem đó là một cách làm phước. Đọc báo thấy bà biết mình sắp đi xa và tự chọn cho mình bức ảnh bà ưa thích, có lẽ vì bức ảnh phản ảnh rất thật cái thần chất của bà, và nhất là chiếc áo bà ba cùng cái khăn rằn là một “chữ kí” độc đáo của văn hoá Nam bộ. Có thể nói không ngoa rằng Út Bạch Lan và những nghệ sĩ cải lương sáng chói cùng thế hệ đã góp phần kiến tạo nên một nền văn hoá Nam bộ được ví von là hơi thở thanh âm của người miền Nam.

===

(1) https://tuanvannguyen.blogspot.com/2007/05/vi-cm-nhn-v-ngh-thut-ci-lng.html

(2) https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/17510694.2014.960685

Luu Trong Tuan: Cai Luong (Renovated Theatre): a cultural transfer journey. Creative Industries Journal Volume 7, 2014 – Issue 2

(3) https://nguoidothi.net.vn/ky-niem-mot-tram-nam-cai-luong-goc-nhin-tu-paris-1931-14638.html

(4) https://www.eventbrite.com.au/e/cai-luong-centenary-an-australian-connection-tickets-50032883702

(5) Có lần tôi đọc được một bài phỏng vấn Út Bạch Lan bên Mĩ mới biết thêm cuộc đời bà rất vất vả. Là nghệ sĩ lừng danh như thế, nhưng bà không giàu. Chẳng những không giàu mà còn phải nuôi 4 đứa con rơi của chồng (tức nghệ sĩ Thành Được). Qua bài phỏng vấn mới biết ông TĐ chưa bao giờ nhận 4 đứa con rơi dù lúc đó ông chỉ ở cách nhà Út Bạch Lan vài phút đi bộ.

Diễn viên đoàn Phước Cương trên sân khấu với chú thích “Bérénice ở An Nam”. Nguồn: Báo L’Ouest-Éclair.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ky-niem-mot-tram-nam-cai-luong-goc-nhin-tu-paris-1931-14638.html

Một số hình ảnh của buổi trình diễn cải lương đầu tiên tại Paris được tác giả bài viết phát hiện trong bộ sưu tập Radauer (www.humanzoos.net) vào tháng 6.2018. Clemens Radauer, nhà sưu tập người Áo cho biết các hình ảnh này được một du khách tham dự Hội chợ Quốc tế Paris chụp lại và có ghi ở phía sau: “Théâtre Annamite Expo Coloniale”. Trong hình, cô Năm Phỉ thủ vai Bàng quý phi đang quỳ ở bên trái chắp tay van nài vua Nhơn Tôn đứng bên phải do kép Bảy Nhiêu thủ diễn.

Nguồn: https://nguoidothi.net.vn/ky-niem-mot-tram-nam-cai-luong-goc-nhin-tu-paris-1931-14638.html

Sài Gòn qua hình ảnh và âm thanh

Chiều hôm qua, tôi có dịp đi dự một buổi “exhibition” về Sài Gòn, mà người MC gọi là “the lost city of Saigon”. Không chỉ là buổi trình chiếu về hình ảnh Sài Gòn xưa và nay, mà còn được thưởng thức vọng cổ thời xa xưa nữa. Có những thông tin thú vị và đậm chất lịch sử mà tôi không biết hay chỉ biết lờ mờ, nhưng qua buổi triển lãm ngày hôm qua tôi mới học được nhiều điều hay về Sài Gòn và cải lương Nam Bộ.

Nói đến Sài Gòn tôi nhớ ngay đến Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, người từng sáng tác ca khúc nổi tiếng “Sài Gòn niềm nhớ không tên”. Ca khúc được sáng tác sau 1975 (nghe nói là lúc ông đi tù cải tạo) rất nổi tiếng, nhưng có lẽ chưa được lưu hành ở Việt Nam, trong đó có câu “Sài Gòn ơi, ta mất người như người đã mất tên”. Không chỉ mất tên, mà Sài Gòn còn mất cả những địa danh lịch sử, những toà nhà mang tính ‘cột mốc’ (landmark), và những con đường hoài niệm của người miền Nam. Nhưng trưa nay, cái thành phố đã mất đó được phục dựng qua những hình ảnh và âm thanh quí báu từ thời Pháp thuộc và sau 1975.

Khách mời buổi triển lãm là kí giả Phúc Tiến (1), Ts Nguyễn Đức Hiệp, và Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên. Trong hơn 90 phút, Phúc Tiến đã làm một “tour guide” qua những địa danh quan trọng, những phố phường mang tính lịch sử, và dạo quanh bờ sông Sài Gòn qua hàng loạt hình ảnh giá trị. Giá trị là vì chúng ta sẽ rất khó tìm được những bức hình được chụp từ đầu thế kỉ 20 hay lúc người Pháp rời Việt Nam. Trước khi người Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam, họ đã thuê một nhiếp ảnh gia Pháp (từ Pháp) sang Sài Gòn để chụp lại tất cả những con đường, những toà nhà, những khu phố Sài Gòn. Đó là những bức hình quí báu mà mãi đến sau này họ mới cho công bố, và Phúc Tiến đã có công tuyển chọn những tấm hình đó trong cuốn sách “Saigon then & now, giữa hai đầu thế kỉ”. Hai đầu thế kỉ là đầu thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21.

Qua những tấm hình đầu thế kỉ 20 và những bản đồ người Pháp còn lưu giữ, chúng ta phải thán phục tầm nhìn của người Pháp. Họ muốn xây dựng Sài Gòn thành một trung tâm kinh tế, một thương cảng để cạnh tranh với Hồng Kông và Singapore lúc đó. Trước khi người Pháp đến Việt Nam, Sài Gòn đã là một đô thị quốc tế, nơi mà nhiều thương gia từ Tàu, Ấn Độ, Hà Lan, Mĩ, Anh, Bồ Đào Nha, v.v. đến lập nghiệp và còn để lại dấu ấn của họ tại Sài Gòn. Chẳng hạn như nhà thờ Tin Lành của người Hà Lan đầu tiên dành cho người theo đạo Tin Lành vẫn còn nguyên vẹn (nhưng nép mình đằng sau quán cà phê).

Người Pháp rất quan tâm đến mĩ quang của thành phố, và những toà nhà quan trọng cùng vị trí địa lí đều có ý nghĩa cân bằng giữa thế quyền và thần quyền. Bản vẽ “master plan” năm 1880 cho thấy họ muốn xây dựng Sài Gòn (gọi là “Thành Qui & Thành Phụng”) là một trung tâm hành chánh và quân sự, và trung tâm của thành phố là Nhà thờ Nhà nước (nhưng dân gian thì gọi là Nhà thờ Đức Bà). Nhà thờ Nhà nước lúc đó cao 57 mét để tàu bè qua lại có thể thấy và lấy làm tâm điểm.

Nhưng rất tiếc là những gì họ dày công qui hoạch và xây dựng nay chỉ còn là kí ức. Sau những năm tháng chiến tranh, nhiều toà nhà đẹp đã không còn. Ngay cả công trình nhà nguyện Công giáo trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng) do Nguyễn Trường Tộ thiết kế theo phong cách Tây đã bị đánh sập vào năm 1944. Chính quyền VNCH cố gắng gìn giữ nhiều di sản Sài Gòn và họ đã thành công ở mức độ nào đó. Nhưng sau 1975 thì sự tàn phá và kém qui hoạch đã huỷ hoại quá nhiều những di sản của người Pháp và VNCH để lại. Sài Gòn ngày nay là một “lost city.”

May mắn thay, những người trẻ như Phúc Tiến đã có công dựng lại cái “lost city” đó qua những bức hình lịch sử. Phúc Tiến tuy còn tương đối trẻ (sanh năm 1962) nhưng là người có trí nhớ tuyệt vời và một kiến thức uyên bác về Sài Gòn. Anh ấy nhớ từng địa danh, từng nhân vật gắn bó với địa danh, và nhất là năm tháng. Cả khán phòng say sưa theo anh ấy đi một vòng tour lịch sử của một “lost city” suốt hơn một giờ đồng hồ.

Không chỉ thưởng thức bằng hình, khán giả còn được thưởng thức bằng âm thanh. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đã đưa khán giả về thời gian đầu thế kỉ 20 qua âm thanh. Số là đầu thế kỉ 20, Toàn quyền Paul Doumer cử một đoàn hát Nam kì sang Pháp để tham gia đại hội nhạc thế giới, với hơn 30 quốc gia tham dự. Đoàn Việt Nam có một nữ “ca sĩ” không rõ tên hát và thu thanh một bài (được giới thiệu) dân ca. Nhưng nhạc sĩ Lê Tuyên phân tích cho thấy đây không phải là bài dân ca, mà là một bài hát “hạng sang”, một bản tình ca. Thời đó thu thanh bằng sáp, và máy phát thanh cũng rất cầu kì. Nhạc sĩ Lê Tuyên thu âm lại bài ca đó và phát ra cho mọi người nghe. Nhưng rất khó nghe, vì giọng nói hay giọng hát như là tiếng nước ngoài. Chắc chắn đó là giọng hát của người miền Trung, có thể là Huế hay xứ Quảng. Nhưng các nhạc sĩ cũng có thể diễn dịch lời ca. Hoá ra, đó là một bản tình ca nói về người con gái thương nhớ người yêu.

Ts Nguyễn Đức Hiệp giới thiệu về vọng cổ thời đầu thế kỉ 20. Anh Hiệp là một học giả về Sài Gòn và cải lương. Anh, cũng như Phúc Tiến, có công thu thập rất nhiều sử liệu và hình ảnh về Sài Gòn, và đúc kết thành hai cuốn sách. Cải lương ngày xưa ở Nam kì là một bộ môn nghệ thuật dành cho giới trung lưu và có học, chứ không phải “bình dân” sau này. Bài nói chuyện của anh Hiệp được minh hoạ bằng các bài cải lương qua các giọng ca của các nghệ sĩ địa phương (Sydney). Có em của Minh Vương trình bày bài “Tình anh bán chiếu”, và một nữ nghệ sĩ trình bày bài “Dạ cổ hoài lang”. Đó có lẽ là những bài vọng cổ đầu tiên ở miền Nam. Được nghe lại những bài đó cùng trang phục truyền thống vào đầu thế kỉ 20 là một trải nghiệm khó quên.

Những ngày lễ Phục Sinh qua rất nhanh. Nhưng hôm qua bạn bè quần tụ lại để có một sinh hoạt có ý nghĩa về lost city Sài Gòn ở một nơi rất xa Sài Gòn là một hạnh ngộ. Những hình ảnh và âm thanh xưa cũng là một nhắc nhở chúng ta dù đang sống trong cái thế giới hối hả cần phải nhìn lại và học bài học lịch sử bằng cách gìn giữ những di sản của tiền nhân để lại.

——

(1) Kí giả Phúc Tiến, người từng làm phóng viên cho Tuổi Trẻ, và nay là một doanh nhân. Anh đóng góp nhiều hình ảnh quí báu cho buổi triển lãm. Đó là những hình ảnh được trích ra từ hai cuốn sách viết về Sài Gòn của anh. Anh gặp tôi lần đầu, và nói rằng anh đã biết tôi qua hàng loạt bài báo trên Tuổi Trẻ vào thập niên 1990 mà nay mới gặp ở Sydney. Thế là chúng tôi “làm” một bô hình kỉ niệm.