“Cận huyết thống” (inbreeding) và ‘hồng phúc của dân tộc’

‘Inbreeding’, nói ngắn gọn, là hiện tượng những người trong dòng tộc kết hôn với nhau. Mở rộng ra, khái niệm này còn áp dụng trong khoa bảng và chánh trị, và nó gây nhiều tác động xấu đến xã hội và dân tộc.

Hiện tượng inbreeding rất phổ biến trong thời phong kiến ở các vương triều từ Tây sang Đông. Ở Việt Nam, triều đại Nhà Trần nổi tiếng về inbreeding vì các thành viên trong hoàng tộc lấy nhau. Họ quan niệm rằng các cuộc hôn phối trong cùng dòng họ là nhằm duy trì sự cai trị của họ vĩnh viễn, không cho người ngoài hoàng tộc vào ‘bộ lạc’ cai trị. Quan điểm này vẫn còn tồn tại ở vài nước theo thể chế toàn trị.

Dĩ nhiên, quan niệm inbreeding là sai và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sự ảnh hưởng xấu không chỉ về sức khoẻ mà còn là ý thức hệ. Ngày nay chúng ta thấy phong tục cận huyết thống ở các nước lạc hậu bên Trung Đông để lại nhiều hậu quả xấu như thế nào.

Nhưng hiện tượng inbreeding sau này bị lan truyền sang các lãnh vực như khoa học (scientific inbreeding) và chánh trị (political inbreeding). Trong khoa bảng, ở các nước đang phát triển hay theo hệ thống của Nga (Liên Xô cũ), hiện tượng inbreeding khá phổ biến và từng là một đề tài nghiên cứu. Thống kê cho thấy gần 90% những người tốt nghiệp tiến sĩ ở lại nơi họ được đào tạo, chỉ có 10% sang các đại học khác. Ở Mã Lai và Ấn Độ, đa số những người tốt nghiệp tiến sĩ ở lại trường tiếp tục làm việc, và trong nhiều trường hợp họ ở đó suốt đời.

Ở Việt Nam, tuy chưa có nghiên cứu, nhưng qua quan sát nhiều ca tiêu biểu cho thấy tình trạng inbreeding khoa bảng cũng khá phổ biến, với nhiều người tốt nghiệp được “giữ lại” công tác tại trường họ đã tốt nghiệp. Sanh ra từ lò kinh tế thì lại về làm cho lò kinh tế. Không muốn thoát khỏi cái lò đào tạo gốc. Thêm vào đó là các đại học thiếu nhân sự và Việt Nam không có hệ thống đào tạo hậu tiến sĩ, nên tình trạng inbreeding càng cao.

Trong chánh trường, tình trạng inbreeding rất rõ rệt ở các nước toàn trị, độc đảng. Chẳng hạn như ở bên Tàu, hệ thống nhận dạng và đào tạo lãnh đạo bên đó nếu nhìn từ ngoài thì rất chặt chẽ. Ngay từ tuổi thiếu niên đã có hẳn một thiết chế xã hội và đầy đủ ban bệ cho giới cầm quyền. Đến tuổi thanh niên và sau thanh niên, có cả một hệ thống nhận dạng, đào tạo, và bồi dưỡng những người lãnh đạo. Nhưng tất cả họ đều học một học thuyết duy nhất, gần như là một tôn giáo; họ không được tham khảo các học thuyết khác hay có tham khảo thì cũng qua loa, không đến nơi đến chốn. Họ giao du và ‘kết hôn chánh trị’ với những người trong cùng ‘tôn giáo’ chứ không được ra ngoài tôn giáo. Lại thêm tình trạng ‘cha truyền con nối’ (ví dụ như Mao) nên hiện tượng inbreeding chính trị rất ư là phổ biến.

Cũng như những đứa con từ những cuộc hôn nhân đồng huyết thống thường có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, những lãnh đạo được sản sanh qua hệ thống inbreeding chánh trị cũng có nguy cơ bị dị tật chánh trị. Điều này có thể thấy qua cách họ phát biểu lung tung và những việc làm chẳng giống ai trong thế giới văn minh. Những phát biểu của họ rất giống nhau, từ chữ đến câu văn và ý tưởng đều giống giống nhau, cứ như là rập khuôn.

Trong khoa học cũng thế, inbreeding làm cho khoa học tù túng và khó thoát ra khỏi cái hộp bằng những ý tưởng đột phá. Người được sanh ra trong hệ inbreeding khoa học thường ngơ ngơ, bảo thủ, phát biểu câu nào nghe cũng … quen quen. Những đại học có tỉ lệ inbreeding cao thường có năng suất khoa học thấp, và khó có đột phá. Họ chỉ quen và thoải mái với những gì đã có, nên khó tiếp nhận cái mới. Họ cũng nhìn người ngoài bằng ánh mắt nghi ngờ, như là đe doạ đến việc làm của họ. Đó là một dị tật khó chỉnh sửa của cận huyết thống trong khoa bảng.

Do đó, để phát triển tốt và đột phá người ta tránh tình trạng inbreeding. Đó chính là lí do tại sao các đại học trong khối ‘phương Tây’ mà đứng đầu là Mĩ rất kị inbreeding. Ở Úc, khi sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ, họ được khuyến khích đi làm nghiên cứu hậu tiến sĩ ở một nơi khác, càng xa càng tốt. Khi xong hậu tiến sĩ, họ có thể quay về trường cũ hay một trường khác. Qua những ‘hôn phối’ khoa bảng outbreeding như thế, các đại học Úc lúc nào cũng có ‘máu mới,’ có khi dẫn đến những đường hướng đột phá. Họ không có ‘qui hoạch’ lãnh đạo, mà tìm lãnh đạo từ mọi nơi và mọi chuyên ngành khác nhau. Họ tránh bổ nhiệm người cùng trường làm lãnh đạo. Lúc nào họ cũng có ‘máu mới’.

Tương tự, trong các thể chế dân chủ phương Tây, việc nhận dạng và đào tạo lãnh đạo có thể nói là khá ‘ngẫu nhiên.’ Sự đa dạng hoá xu hướng chánh trị và đảng phái là một cách gián tiếp tránh tình trạng ‘cận huyết thống chánh trị’. Chúng ta thấy ở các nước theo thể chế dân chủ thường có nhiều đảng phái, và mỗi đảng có một chủ trương đường lối riêng (chưa biết đúng sai) nhưng dần dần theo qui luật đào thải thì đảng có ý tưởng hay nhứt được đắc cử. Khi đảng đắc cử ‘làm ăn’ không khá thì một đảng khác sẽ lên thay thế . Và, chu trình cứ thế mà tiếp tục.

Thành ra, trong các thể chế dân chủ, không có tình trạng khủng hoảng lãnh đạo. Trump có ra đi thì có Biden thay thế ngay. Biden nếu chẳng may có mệnh hệ nào thì cũng có người khác thay thế. (Có thể nói rằng hệ thống chánh trị của Mĩ cũng là một dạng cận huyết thống, vì chỉ có 2 đảng chánh luân phiên cầm quyền, người ngoài đảng rất khó vào ‘bộ lạc’).

Ở trên, tôi nói tình trạng cận huyết thống ở bên Tàu, vậy câu hỏi là tình trạng này có xảy ra ở Việt Nam? Dĩ nhiên là có. Nhìn chung thì Việt Nam chỉ là một phiên bản nhỏ của Tàu thôi. Thật ra, nhìn qua các quan chức cao cấp ở Việt Nam ngày nay, và tìm hiểu mối quan hệ của họ với các đời quan chức trước, có thể nói là hiện tượng cận huyết thống đã diễn ra lâu lắm rồi. Những quan chức cao cấp hiện nay đều là con ông này hay cháu bà kia cả, và họ có vẻ tự hào về điều này. Cũng có trường hợp ngoại lệ (như ông VĐĐ), nhưng hiếm.

Ngay cả khái niệm ‘qui hoạch’ cũng là một cách nói inbreeding. Phản ứng trước hiện tượng COCC và 5C tràn lan, đã có người nói rằng con cháu của các quan chức đương quyền mà được làm quan thì phải xem ‘hồng phúc’ của dân tộc! Suy nghĩ này đúng là một xiển dương cho hiện tượng cận huyết thống trong bộ máy công quyền.

Do đó, có lẽ còn lâu lắm mới có những cuộc hôn phối về chánh trị với người ngoài ‘bộ lạc’ (outbreeding). Mà, nếu không có outbreeding, không có ‘máu mới’ thì rất khó kì vọng những đột phá về suy nghĩ và chánh sách. Hình như mấy người lãnh đạo cũng thấy điều này, nhưng chính họ là sản phẩm của một hệ thống cận huyết thống nên cũng rất khó thoát khỏi hệ thống đó.