Phong toả mãi mãi?

Dĩ nhiên là làm gì có chuyện phong toả mãi mãi, nhưng câu hỏi là chừng nào thì ngưng phong toả? Hôm qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi các tiểu bang nên bỏ chánh sách phong toả, khi tỉ lệ tiêm vaccine đạt 70-80% ở người trên 16 tuổi (hiện nay thì đạt 53% liều 1 và 30% 2 liều). Ông còn nói một ý mà tôi tâm đắc (vì đúng ý mình): mục tiêu của chúng ta là sống chung với con virus, chớ không phải sống trong nỗi sợ hãi con virus (“That is our goal – to live with this virus, not to live in fear of it”) [1].

Bài dưới đây do tôi lược dịch từ bài của cây bỉnh bút Chris Uhlmann trên tờ Sydney Morning Herald, với tựa đề “Scott Morrison has little control over Australia’s destiny or his own”. Tôi sửa tựa đề lại cho hợp với nội dung hơn: ‘phong toả mãi mãi?’ Sở dĩ tôi thấy bài này đáng chú ý là vì tác giả nói khác với ‘dàn đồng ca’ về phong toả. Tôi rất thích câu nói ‘lầm lỗi là con người, nhưng kiên trì với lỗi lầm là độc ác’ mà tác giả trích từ nhà hiền triết Lucius Annaeus Seneca.

_____

Thủ tướng Scott Morrison ‘cai trị’ nước Úc, nhưng ông không thể đi lại trong nước. Ông thủ tướng là một tù nhân ở thủ đô Canberra, và vốn chánh trị của ông trong kì bầu cử sắp tới sẽ trồi hay sụt tuỳ vào sự ngông cuồng của các thủ hiến tiểu bang.

Ông có thể quay về nhà ông ở Sydney, nhưng điều đó có nghĩa là ông sẽ bị cách li vì Sydney đang bị phong toả, và cho đến nay chưa có dấu hiệu cho biết lúc nào lệnh phong toả sẽ giở bỏ.

Ở thủ đô Canberra, nơi được xem là ‘điểm nóng’, ông cũng không thể đi lại các tiểu bang khác, nếu không muốn bị hạn chế bởi chánh sách phong toả. Những hạn chế này có thể kéo dài đến Noel, hay thậm chí năm tới.

Ngay cả sự đi lại của ông trong vùng lãnh thổ cũng bị hạn chế bởi lệnh của Cố vấn Y tế. Cái lệnh này (của Cố vấn Y tế) là hành động cuối cùng trong Sân khấu Lố Bịch ở Úc. Chánh phủ thủ đô Canberra không có quyền quyết định Quốc hội Liên bang có thể nhóm họp hay không, nhưng nếu có quyền thì họ có thể ra lệnh không cho Quốc hội Liên bang họp.

Nhưng ông Morrison chấp nhận mọi hạn chế, bởi vì ông ấy biết rằng ông không thể thắng các thủ hiến tiểu bang. Có lẽ ông nghĩ đúng. Thành ra, người dân Úc đã bị điều kiện hoá bởi nỗi sợ hãi để chấp nhận ý niệm rằng COVID-19 là tương đương với dịch hạch, và đa số phải học cách thương yêu Anh Cả và ghét những kẻ bất đồng quan điểm.

Bạn có thể gọi đó là Hội chứng Stockholm, nhưng nên nhớ rằng ở Thuỵ Điển người ta chọn một hướng đi khác. Còn ở đây, dĩ nhiên, những kẻ ‘cognoscenti’ [ý mỉa mai chỉ người thông thái] phán rằng để cho 14,000 người chết vì bệnh này là một sự thất bại. Thế nhưng, chúng ta định nghĩa thành công là gì?

Theo một phân tích về tỉ lệ tử vong, Thuỵ Điển có tỉ lệ tử vong giống như các nơi khác bị phong toả. Trong khi chúng ta theo đuổi chánh sách ‘zero covid’ một cách ngu xuẩn, chúng ta mất đi quyền tự do, cuộc sống và giáo dục bị huỷ hoại, và tự đóng cửa mình với thế giới bên ngoài.

Như đã từng nói trước đây, sau 230 năm chúng ta đã thiết lập được một nhà tù hoàn hảo. Chúng ta đã sáng chế ra một khái niệm vô lí rằng “tự do” không phải là quyền lợi, nhưng là món quà được các thủ hiến ban phát, và cảnh sát phàn nàn rằng “tụ tập trong gia đình phi pháp”.

Một trong những khía cạnh quan ngại nhứt là vai trò của truyền thông, họ chấp thuận chủ nghĩa độc đoán vô điều kiện. Truyền thông đã trở thành những con két tung hô cho công cụ phong toả và những con cú vọ theo dõi tội phạm tư tưởng [lấy từ ý của tác phẩm 1984]. Những kẻ lớn tiếng nhứt trong vụ kêu gọi tự do cho người tị nạn cũng chính là những kẻ đang lớn tiếng nhứt kêu gọi bỏ tù các tiểu bang.

Người viết bài này từng nói rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ tranh luận giữa bệnh lí và chữa bệnh cái nào tệ hơn.  Đã có nghị luận rằng chúng ta không nên đảo ngược sự cân bằng lợi ích để ưu tiên cho người già trên người trẻ. Đã có lí giải rằng chánh trị gia không nên để cho các bác sĩ hay chuyên gia y tế quyết định. Những ý tưởng này rõ ràng là khó nghe, nhưng đó là những nghị luận chúng ta cần phải có.

Một số kẻ sùng bái chánh sách phong toả có vẻ đang lên một kế hoạch về lối sống phong toả. Có những cảnh báo từ những “chuyên gia thông thái” rằng không nên hi vọng vào tỉ lệ tiêm chủng, bởi vì tương lai hoàn hảo là tương lai của những giới hạn như là căn bệnh trở thành endemic vậy.

Đây là Hội chứng Vũ Hán. Tạp chí The Economist ghi nhận rằng những quốc gia theo đuổi chánh sách xóa bỏ Covid là những ốc đảo độc tài. Chúng ta đang là một ốc đảo độc tài. Nếu đây là một nhúm bộ trưởng và những cố vấn y tế phản ứng trước đại dịch hạch năm 1666, một bệnh thật sự đáng sợ, chúng ta có thể đóan rằng chúng ta vẫn sẽ bị phong toả dài dài.

Như là một màn diễn, biến thể Delta đang ‘hạ cánh’ xuống ‘mặt đất zero’ của Vũ Hán. Nhà dịch tễ học hàng đầu của tàu, Zhang Wenhong, bắt đầu chất vấn chánh sách phong toả tàn bạo để kiểm soát con virus. Zhang viết rằng “Thế giới cần phải học sống chung với con virus. Điều khó khăn là chúng ta không biết có trí tuệ để sống chung với đại dịch về lâu dài“. 

Chúng ta không có cái trí tuệ đó; chúng sẽ phải học qua kinh nghiệm đau thương.

Sự bất lực của Thủ tướng Morrison còn sâu xa hơn là những hạn chế về tự do của ông ấy, bởi vì các thủ hiến là người quyết định Úc đi theo hướng nào trong cuộc khủng hoảng này.  Ai còn tin rằng họ diễn giải con đường tiêm chủng theo cùng một nghĩa? Họ (các thủ hiến) đã dần dần nhận ra rằng chiến lược Zero Covid không còn khả thi nữa và chúng ta sẽ phải sống chung với con virus.

Không có lần xuống ngựa nào không có có rủi ro. Con đường duy nhứt để thoát khỏi tình trạng hiện nay là tiêm chủng và phơi nhiễm.

Nhưng chúng ta không thể tiếp tục làm những gì chúng ta làm. Như nhà hiền triết  Lucius Annaeus Seneca nhận xét 2000 năm trước: “Errare humanum est, sed perseverare diabolicum” (lầm lỗi là con người, nhưng kiên trì với lỗi lầm là độc ác).

Nguồn: https://www.smh.com.au/national/scott-morrison-has-little-control-over-australia-s-destiny-or-his-own-20210817-p58jdy.html

Trường hợp Thuỵ Điển

Tỉ suất tử vong ở Thụy Điển qua các trận dịch từ 1860 đến nay. Những điểm màu đỏ là khi dịch xảy ra. Tác giả kết luận rằng tỉ lệ tử vong của dịch SARS-Cov-2 tương đương với các trận dịch cúm mùa, nhưng đây là trận dịch nguy hiểm nhứt kể từ trận dịch Tây Ban Nha.

Thuỵ Điển là một trường hợp rất đặc biệt đối với dịch Covid: không có chánh sách phong toả. Chính vì thế mà Thuỵ Điển là trường hợp gây ra rất nhiều tranh cãi về hiệu quả của phong toả trong giới y tế và chánh trị. Vậy tỉ lệ tử vong ở Thuỵ Điển ra sao?

Nếu các bạn hỏi google rằng Thuỵ Điển đã thành công hay thất bại trong chiến lược kiểm soát dịch Vũ Hán, thì tuyệt đại đa số sẽ gặp những bài cho rằng Thụy Điển đã thất bại. Những người chỉ trích Thụy Điển xuất phát từ giới y tế, kinh tế, và chánh trị. Người thì cho rằng con số tử vong ở Thuỵ Điển tăng quá cao (nhưng không thấy con số), kẻ cho rằng chánh sách Thuỵ Điển đang theo đuổi chẳng khác gì … diệt chủng. Rất ư là nặng nề. Và, cảm tính nữa. Đọc qua những ý kiến và quan điểm của phe theo chánh sách phong toả bạn sẽ thấy hình như đó là một dàn đồng ca, chớ ít có nghị luận. Dàn đồng ca này cũng hiện diện ngay trong các tập san y khoa, thậm chí tập san lừng danh.

Nhưng không phải ai cũng theo chánh sách phong toả. Vẫn có những người không hẳn dám ủng hộ Thuỵ Điển một cách trực tiếp, nhưng họ biện luận ủng hộ một cách gián tiếp. Họ dùng mô hình dịch tễ học, họ trình bày những dữ liệu khoa học cho thấy tỉ lệ tử vong ở Thuỵ Điển chẳng khác gì so với những nước bị phong toả. Nhưng những người này không nhiều, và họ cũng khó có được cơ hội để trình bày quan điểm vì như tôi nói trước đây khoa học trong thời dịch bệnh này đã bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt.

Chỉ số ‘Tử vong bội’

Câu hỏi quan trọng là dựa vào chỉ tiêu gì để nói phong toả (hay một can thiệp qui mô cộng đồng) có hiệu quả hay không có hiệu quả? Nhiều người nghĩ ngay đến số ca lây nhiễm là chỉ tiêu chánh, và theo đó, nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian phong toả thì coi như chánh sách đó không có hiệu quả. Nhưng vấn đề là đa số ca nhiễm là nhẹ, nên dự vào chỉ tiêu đó có thể không khách quan.

Một chỉ tiêu khác là số ca tử vong và số ca nhập viện. Số ca tử vong không chỉ đơn giản là bao nhiêu ca, mà phải so sánh với mức độ ‘kì vọng’. Lí do là như sau: nếu không có dịch covid thì người ta vẫn chết, và nguyên nhân tử vong có thể là thường do các bệnh lí không lây (bệnh mãn tính). Do đó, người ta lấy con số tử vong quan sát được trong một thời gian (tạm chí hiệu O) chia cho con số tử vong kì vọng (hay con số tử vong bình thường, tạm gọi là E). Nếu tỉ số này R = O / E bằng 1 thì dịch không có ảnh hưởng đến tử vong; nếu R > 1 thì dịch có ảnh hưởng đến tử vong. Trong dịch tễ học, chỉ số R gọi là ‘excess death’ (tạm dịch là ‘Tử vong bội’). Nói thì dễ, nhưng mô hình thì không dễ chút nào.

Do đó, khi nói đến hiệu quả của phong toả hay bất cứ biện pháp can thiệp y tế cộng đồng nào, chúng ta phải đòi hỏi cho được con số R hay ‘excess death’. Không có con số đó thì tất cả chỉ là ý kiến cá nhân hay nói chuyện tầm phào thôi.

Hiệu quả của phong toả?

Gần đây, đã có một nghiên cứu sử dụng chỉ số R [1] để đánh giá chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển. Nghiên cứu này thú vị vì tác giả so sánh tỉ lệ tử vong và R theo thời gian, tính từ đầu thế kỉ 20 đến nay. Trong thời gian đó, Thuỵ Điển đã trải qua 15 trận dịch như 1889 (Dịch Cúm Nga), 1918 (Dịch Cúm Tây Ban Nha), 1922, 1927, 2931, …, đến 2020 (dịch Vũ Hán).

Cứ mỗi lần có dịch như thế thì số ca tử vong tăng cao (còn gọi là excess death hay tạm dịch là ‘Tử vong bội’). Nếu tính số ca tử vong bội trên 100,000 dân số thì dịch Cúm Nga 1889 là 105.5, dịch Tây Ban Nha là 679.1, và dịch Vũ Hán là 50.5. Các bạn có thể xem qua biểu đồ mà tôi trích từ bài báo dưới đây để thấy số ca tử vong bội qua mỗi trận dịch.

Nhìn như thế chúng ta thấy dịch Vũ Hán có gây ra tử vong trội, nhưng không quá cao, thậm chí thấp hơn, so với các trận dịch lịch sử trước đây. Tác giả kết luận rằng tỉ lệ tử vong của dịch SARS-Cov-2 tương đương với các trận dịch cúm mùa, nhưng đây là trận dịch nguy hiểm nhứt kể từ trận dịch Tây Ban Nha (Nguyên văn: “The mortality dynamics of the SARS-CoV-2 outbreak is shown to be similar to outbreaks due to influenza virus, and in terms of the number of excess deaths, it is the worst outbreak in Sweden since the ‘Spanish flu’ of 1918–1919”) [1].

Nghiên cứu từ Đan Mạch

Vào cuối năm ngoái, miền bắc Đan Mạch (có tên là Jutland) nơi mà kĩ nghệ chánh là làm lông chồn. Và, tại đây được ghi nhận có nhiều ca nhiễm nCov, có lẽ từ động vật. Vậy là chánh phủ Jutland ra lệnh phong toả 7 thị trấn (trong số 11) trong vùng. Bốn thị trấn còn lại cũng bị phong toả nhưng là loại “phong toả mềm”, xem như không có phong toả.

Thế là các nhà nghiên cứu xem đó là một thí nghiệm tự nhiên. Họ thu thập dữ liệu và phân tích rất thú vị. Họ so sánh số ca nhiễm và tử vong giữa 2 nhóm phong toả. Trước khi triển khai chánh sách phong toả, những thị trấn sắp bị phong toả có số ca dương tính là 0.15 trên 1000 ngày, còn nhóm được xem là không bị phong toả có tỉ lệ là 0.14. Trong thời gian phong toả, tỉ lệ dương tính ở nhóm phong toả tăng lên 0.69 trên 1000 người, còn nhóm ‘không phong toả’ có tỉ lệ là 0.82 trên 1000 người. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng theo dõi và tuân thủ giãn cách xã hội làm cho việc phong toả không cần thiết, ít ra là trong vài tình huống [2].

Tranh cãi

Nhưng chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển, như tôi đề cập trên, gây ra rất nhiều tranh cãi. Tiêu biểu cho tình trạng này là bài báo của Bs Horst Herb trên RACGP (Úc) cho rằng việc theo đuổi chánh sách phong toả và bác bỏ các biện pháp khác mà không tính toán đến tác hại của phong toả là sai. Ý kiến nay lập tức bị vài đồng nghiệp tấn công là ‘tài tử’, là sai trái, nhưng cũng có đồng nghiệp ủng hộ.

Nhưng nhìn qua con số tử vong thì quả thật Thuỵ Điển chẳng khác gì so với Tây Ban Nha và Đức — theo như một phân tích công bố trên PLoS ONE [4]. Đây là những phân tích đàng hoàng và bài bản, chớ không phải những trang báo như NYTimes hay PolitiFact và nhứt là những trang “Fact Check” có khi rất ư là … bậy bạ.

Người đằng sau chánh sách không phong toả của Thuỵ Điển là nhà dịch tễ học Anders Tegnell, cố vấn cho chánh phủ. Bề ngoài ông là một người trông có vẻ thư sinh, nhưng bên trong là một người với ý chí sắt thép. Ông là ‘đối tượng’ của rất nhiều chỉ trích từ đồng nghiệp, thậm chí có đe doạ ám sát! Nhưng ông cũng là một ‘anh hùng’ đối với nhiều người khác. Có người còn xâm hình ông trên cánh tay như là một lời cám ơn đã duy trì sự tự do cho người Thụy Điển.

Ông sanh năm 1956, tốt nghiệp từ trường y thuộc Đại học Lund (nổi tiếng) vào năm 1985. Sau đó, ông lấy bằng tiến sĩ ở đại học Linkoping vào năm 2003 và cao học về dịch tễ học ở London School of Hygiene & Tropical Medicine. Ông có thời gian làm việc cho WHO ở Lào trong một chương trình tiêm chủng (1990 – 1993). Sau đó ông làm việc ở Zaire (Phi châu) và đã qua các trận dịch Ebola, Smallpox. Do đó, ông có kinh nghiệm về dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm ở các nước nghèo. Nhưng có điều hơi buồn cười là có người không ưa ông nói rằng ông chẳng biết gì về dịch tễ học!

Tóm lại, Thuỵ Điển là một trường hợp rất thú vị để đánh giá hiệu quả của chánh sách phong toả. Tôi nghĩ vẫn còn quá sớm để nói chánh sách của Thuỵ Điển là có hay không có hiệu quả (cho dù vài chứng cớ tích cực ban đầu). Mỗi một nước có những vấn đề đặc thù về con người, địa lí, môi sinh, văn hoá, khoa học; chẳng có nước nào giống nước nào, nên khó nói Thuỵ Điển là bài học cho mọi nơi. Úc thì không theo mô hình của Thuỵ Điển vì Úc bảo thủ hơn, dù chánh sách phong toả ở Úc chưa thấy đem lại hiệu quả. Còn Việt Nam thì sao? Có lẽ câu trả lời phức tạp hơn là lí thuyết.

Một cách nghĩ về hiệu quả và hậu quả của phong toả. Hình này là do Bs Phan Xuân Trung vẽ và tôi thấy rất dễ hiểu tại sao số ca tử vong tăng trong khi phong toả.

_____

[1] https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpubh.2021.579948/full

[2] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.12.28.20248936v1

[3] https://www1.racgp.org.au/newsgp/gp-opinion/was-the-swedish-approach-to-covid-19-really-a-mist [4] https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0255540

Trị giá ‘Sanh mạng Thống kê’ trong mùa dịch Vũ Hán

Sanh mạng của bạn trị giá bao nhiêu? Đó là câu hỏi rất đụng chạm và khó có câu trả lời đúng vì có quá nhiều yếu tố (sinh học, kinh tế, đạo đức). Nhưng thay vì hỏi câu đó, chúng ta có thể đặt một câu hỏi khác liên quan đến khái niệm ‘Sanh mạng thống kê’ mà tôi muốn chia sẻ dưới đây. Hi vọng rằng đọc xong cái note này các bạn (nhứt là giới lãnh đạo thành phố) có một suy nghĩ mới mẻ về chống dịch.

May be an image of 3 people, money and text

1.  Lượng giá sự mất mát

Theo số liệu của HCDC, tính đến ngày 28/7 TPHCM đã ghi nhận 77,956 ca ‘mắc bệnh’ (nhưng tôi nghị họ nói ‘dương tính’ nCov). Trong số này, có 929 ca tử vong [1], và tỉ lệ tử vong là 1.2% [1].

Câu hỏi đặt ra là chúng ta đánh giá sự mất mát trên như thế nào? Câu trả lời là có nhiều cách. Đứng trên phương diện dịch tễ học, tôi có thể đánh giá số năm tuổi thọ mất đi như là một chỉ số phản ảnh sự mất mát. Nếu một người nam 50 tuổi chết vì covid, thì người này mất đi 21 năm sống (do tuổi thọ trung bình ở nam giới Việt Nam là 71). Nhưng nếu một phụ nữ 75 tuổi qua đời vì covid thì số năm mất của người này chỉ 1.3. Do đó, tổng số năm-người mất chính là cách thể hiện sự mất mát.

Một cách đánh giá sự mất mát nữa là qua … kinh tế. Giới kinh tế thì lúc nào cũng nghĩ đến tiền, đến dollar. Họ hay hỏi những câu hỏi như ‘một sanh mạng đáng giá bao nhiêu’. Cách suy nghĩ đó sau này lan dần sang y khoa, và người ta có chỉ số QALY để đánh giá một liệu pháp can thiệp. Nhưng đó là cách lượng giá 1 cá nhân, và tôi sẽ không nói về QALY ở đây (bạn nào muốn tìm hiểu thì có thể đọc sách ‘Y học thực chứng’ của tôi, hay bài này trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn [2]).

Cách lượng giá ít đụng chạm hơn là dựa vào … xác suất. Và, một khái niệm rất thú vị trong xác suất và mạng sống con người có tên là ‘Statistical Life’ (mà tôi dịch là ‘Sanh mạng Thống kê’). Giới kinh tế học có cách lượng giá một Sanh mạng thống kê, và họ gọi là ‘Value of a Statistical Life’ (VSL).

2.  “Sanh mạng thống kê” là gì?

Khái niệm Sanh mạng thống kê xuất phát từ Nhà kinh tế học Thomas Schelling (1921 – 2016), cựu giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard. Ông được trao giải Nobel về kinh tế học năm 2005 về những công trình nghiên cứu liên quan đến lí thuyết trò chơi (game theory). Năm 1968 Schelling có một phát kiến rất thú vị mà ông gọi là ‘Statistical Life‘  và cách lượng giá sang mạng thống kê là ‘Value of Statistical Life‘.

Không bàn đến triết lí đằng sau của VSL (rất hay) mà chỉ đi thẳng vào ý nghĩa của nó. VSL là một ước số, hay một cách định lượng giá trị mà xã hội chấp nhận để giảm nguy cơ tử vong. Ví dụ như để giảm nguy cơ tử vong từ Covid19 từ x1 xuống còn x2, xã hội phải chi ra một số tiền và số tiền đó được cộng đồng chấp nhận.  Khái niệm Sanh mạng thống kê, do đó, không phản ảnh một cá nhân nào cả, mà phản ảnh nguy cơ (và nguy cơ hay risk thì đo lường qua xác suất). Xác suất là một khái niệm quần thể (trong trường hợp này), thành ra VSL chỉ áp dụng cho một quần thể. Phải dong dài, rào trước đón sau vậy để các bạn không hiểu lầm.

Khái niệm VSL có thể giải thích một cách đơn giản như sau. Giả dụ chúng ta có một quần thể mà nguy cơ tử vong trong một năm là 1 trên 10,000 (hay 0.01%). Nếu mỗi người đồng ý mua bảo hiểm 300 USD một năm để chấp nhận nguy cơ đó, thì 10,000 người sẽ trả 3 triệu USD (10,000 * 300) để chấp nhận 1 người tử vong. Trong trường hợp này, VSL là 3 triệu USD.

Một ví dụ khác cho dễ hiểu khái niệm VSL hơn. Nếu một tập đoàn khai thác khoáng sản gồm 5000 công nhân làm việc trong môi trường mà xác suất tử vong mỗi năm là 1 trên 5000. Công nhân đồng ý nhận thêm lương 2000 USD mỗi năm cho nguy cơ đó. Suy ra, VSL cho công việc này là 10 triệu USD. Nói cách khác, công nhân chấp nhận đánh ván bài sanh mạng thống kê với nguy cơ dù chỉ 1 trên 5000.

VSL khác biệt giữa các quốc gia, tuỳ vào mức độ giàu có của nền kinh tế. Ở Úc, chánh phủ dựa vào VSL chừng 4.9 triệu AUD, còn ở Mĩ thì 10 triệu USD (JAMA 12/10/2020). Còn ở Việt Nam thì chúng ta chưa có ai quan tâm đến con số này. Tuy nhiên, một phân tích kinh tế của Kip Viscusi ước lượng rằng VSL của người Việt là 342,000 USD (giá 2017), còn China là 1.364 triệu USD [3].

3.  Lượng giá sách lược chống dịch qua VSL

Khái niệm VSL cũng có thể áp dụng cho các chương trình can thiệp dịch Covid-19. Tập san JAMA có một bài về VSL đọc cũng hay, và tôi lấy ý tưởng từ bài này.

Như tôi hay nói ngay từ những tuần đầu tiên của lần bộc phát này là mục tiêu của chống dịch phải tập trung vào giảm thiểu tác hại của dịch. Giảm thiểu số ca tử vong, giảm số ca nhập viện. Còn con số dương tính mỗi ngày không quá quan trọng như tác động của dịch.

TPHCM (và nhiều nơi khác) đang áp dụng chánh sách phong toả. Điều này cũng đúng, nhưng lợi ích và tác hại của phong toả không phải là chuyện dễ bàn vì có quá nhiều bất định [5].

Phong toả thành phố thì ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng có thể giảm nguy cơ tử vong (mục tiêu hàng đầu). Câu hỏi đặt ra là xã hội chấp nhận tổn hại đến nền kinh tế bao nhiêu để cứu người? Hiện nay, chúng ta không có câu trả lời. Nếu tôi là lãnh đạo thành phố, tôi sẽ yêu cầu các chuyên gia kinh tế ĐỘC LẬP đánh giá để còn biết hướng đi sắp tới.

Thôi thì chúng ta thử làm một … tính rợ. Chúng ta biết rằng GDP của Sài Gòn là khoảng 62 tỉ USD một năm. Theo các chuyên gia bên Úc và Mĩ, GDP quốc gia sẽ giảm chừng 10% sau phong toả. Và, nếu lấy con số 10% làm điểm khởi đầu, chúng ta có thể ước tính rằng xã hội chấp nhận trả cái giá 6.2 tỉ USD để cứu người.

Trong tình huống xấu nhứt, 10% dân số thành phố bị nhiễm, tức 1 triệu người. Số ca tử vong sẽ là bao nhiêu trong tình huống xấu nhứt này? Dựa vào infection fatality rate (chớ không phải case fatality rate), có 2 tình huống khác:

  • Tình huống 1: nếu xác suất tử vong là 0.0027 [6], chúng ta kì vọng có 2700 người chết; VSL là 1.05 tỉ USD (2700 * 342000 * 1.14).
  • Tình huống 2: nếu xác suất tử vong cao nhứt là 0.0154 [6], chúng ta kì vọng có 15,400 người chết; VSL là 6.03 tỉ USD.

Ý nghĩa của những con số trên rất quan trọng vì nó liên quan đến chánh sách phong toả. Giả dụ rằng thành phố sẽ thiệt hại 6.2 tỉ USD (vì phong toả), mà VSL có thể chỉ 1.05 tỉ USD, hay nếu cao nhứt cũng là 6.03 tỉ USD.

Nếu xem VSL là một chỉ số của ‘lợi ích’ (cứu người), thì chúng ta thấy rằng lợi ích thấp hơn thiệt hại (harm). Nói cách khác, cách tính rợ VSL gọi ý rằng phong toả thành phố gây ra thiệt hại kinh tế nhiều hơn là lợi ích.  Dĩ nhiên, chưa nói đến thiệt hại khác trong xã hội mà chúng ta chưa tính tới.

Vậy nếu bạn là ông Nguyễn Văn Nên hay/và ông Nguyễn Thành Phong, bạn phải làm gì? Tôi nghĩ bạn trước hết sẽ yêu cầu các chuyên gia có kinh nghiệm và biết tính toán ước lượng lại VSL kĩ hơn. Chẳng hạn như ước lượng VSL theo từng độ tuổi và thành phần kinh tế, như đánh giá nguy cơ tử vong, đánh giá khả năng lây nhiễm, v.v. Cần rất nhiều phân tích.

Nhưng đồng thời, tôi nghĩ bạn cũng sẽ xem xét lại chánh sách phong toả. Có lẽ không phong toả toàn bộ các hãng xưởng và hoạt động kinh tế, và nên để cho các ngành nghề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế hoạt động. (Còn ngành nghề nào thì đó là việc của Chánh phủ). Ngay cả phong toả các ngành nghề ‘không thiết yếu’, cũng phải có thời hạn, chớ không thể kéo dài vô hạn định được.

PS: Xin nói thêm rằng những tính toán trên chỉ là tính rợ thôi vì tôi không có số liệu chi tiết. Mục đích của cái note này là giới thiệu một khái niệm về ‘Sanh mạng Thống kê’, có lẽ mới đối với nhiều bạn, trong việc đánh giá kinh tế về chiến lược chống dịch. Hi vọng rằng các bạn làm bên kinh tế có một đóng góp sau khi đọc bài này.

_____

[1] https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/ban-tin-hang-ngay/thong-tin-ve-dich-benh-covid19-tai-tphcm-cap-nhat-7g-ngay-2972021-878699935da8e5285e4af6b87936df12.html

[2] https://www.thesaigontimes.vn/17652/Luong-gia-mang-song-con-nguoi.html

[3] https://law.vanderbilt.edu/phd/faculty/w-kip-viscusi/355_Income_Elasticities_and_Global_VSL.pdf

[4] https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2771764

[5] https://tuanvnguyen.medium.com/move-away-from-lockdowns-ad24fe2d995b

[6] https://www.who.int/bulletin/volumes/99/1/20-265892.pdf