Chất, không phải lượng, làm nên một giáo sư

Xin giới thiệu đến các bạn một bài ‘ý kiến’ tôi viết cho báo Tuổi Trẻ về vấn đề công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) ở Việt Nam. Mấy ngày qua, dư luận báo chí ồn ào chung quanh vấn đề các ứng viên GS/PGS công bố nghiên cứu của họ trên các tập san dỏm (predatory journals). Các ứng viên và cả một chủ tịch hội đồng ngành giáo dục học thì nói rằng họ không biết đó là tập san dỏm. Nhưng trong bài này tôi muốn nhìn vấn đề ở góc cạnh lớn hơn: đó là sự lệ thuộc vào số lượng bài báo khoa học để đề bạt chức danh GS/PGS. Tôi nghĩ sự lệ thuộc đó chỉ nhận dạng những ứng viên tầm thường, chứ không phát hiện được nhân tài.

______

Bộ tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS) đã trải qua nhiều thay đổi, nhưng về bản chất thì vẫn không thay đổi: lệ thuộc vào con số. Chẳng hạn như Quyết định 37/2018 qui định rằng ứng viên chức danh PGS phải là tác giả chính của ít nhất 3 bài báo khoa học trên các tập san “uy tín”; ứng viên GS là 5. Ngoài ra còn có những qui định về chuyển đổi và tính điểm khá phức tạp, nhưng tất cả vẫn đặt nặng định lượng hơn là phẩm chất.

Những qui định mang tính định lượng như thế thật ra là khá thấp so với mặt bằng khoa học ở Việt Nam ngày nay. Chẳng những thấp mà cách hành văn chung chung của bộ tiêu chuẩn đó còn mở đường cho nhiều chiêu trò và lạm dụng. Không định nghĩa rõ thế nào là một “bài báo khoa học” thì ứng viên có thể dùng các bài không phải là nghiên cứu nguyên thuỷ mà vẫn có thể đáp ứng tiêu chuẩn một cách dễ dàng. Sự mập mờ về khái niệm “tập san uy tín” là cơ hội để ứng viên liệt kê các bài báo trên các tập san dỏm hay các tập san chất lượng rất thấp để đạt được tiêu chuẩn đề ra. Ứng viên cũng có thể dùng tiểu xảo như công bố hàng chục bài báo nho nhỏ và tầm thường trên một tập san vô danh nào đó thuộc danh mục Scopus hay ESCI trong một thời gian rất ngắn để vượt qua tiêu chuẩn. Đó chính là những lùm xùm trong mỗi đợt xét duyệt chức danh GS/PGS trong thời gian gần đây.

Con số bài báo khoa học phản ảnh mức độ hoạt động khoa học của một ứng viên chứ không phải là thành tựu của nghiên cứu khoa học, càng không nói lên phẩm chất khoa học. Tiêu chuẩn công nhận chức danh GS/PGS đặt nặng vào lượng mà bỏ qua phần chất, đó là một sai lầm.

Trong khoa học, phẩm chất và tầm ảnh hưởng của nghiên cứu quan trọng hơn số bài báo khoa học. Ở các đại học nước ngoài, các hội đồng bổ nhiệm không khi nào đề cập đến số bài báo khoa học mà nhấn mạnh đến phẩm chất khoa học. Thường bộ tiêu chuẩn ghi rõ rằng ứng viên giáo sư phải có những đóng góp quan trọng vào chuyên ngành với tầm ảnh hưởng cấp quốc gia (nếu là PGS) và cấp quốc tế (nếu là GS). Riêng cấp GS, ứng viên còn phải chứng minh rằng họ đóng vai trò lãnh đạo trong các hội đoàn quốc tế. Chính phẩm chất khoa học, tầm ảnh hưởng và lãnh đạo làm nên một giáo sư.

Một ứng viên giáo sư có thể có hàng trăm bài báo khoa học, nhưng nếu những bài báo đó chỉ xuất hiện trên những tập san khoa học tầm thường (chỉ số ảnh hưởng thấp) thì ứng viên đó có xứng đáng với chức danh GS/PGS? Theo qui định hiện hành ở Việt Nam thì câu trả lời, thật nghịch lý, là… xứng đáng!

Đề ra số lượng bài báo khoa học như là một tiêu chuẩn đã dẫn đến hàng loạt hành vi vi phạm đạo đức khoa học và đạo đức công bố. Những hành vi này bao gồm: công bố trên tập san dỏm, hoặc những tập san có chất lượng rất thấp mà bất cứ nhà khoa học nghiêm túc nào đều không muốn có tên trên đó; trả tiền cho các ‘tác giả ma’ soạn giùm bài báo; mua bài báo khoa học; trả tiền cho các nhóm chuyên giả tạo dữ liệu để có ‘nghiên cứu’; tra tấn dữ liệu cho đến khi có kết quả theo ý muốn; thậm chí giả tạo danh tánh chuyên gia bình duyệt để tự duyệt bài báo của mình. Tất cả những hành vi đáng ngờ đó chỉ nhằm đạt được số bài báo theo qui định để được công nhận chức danh GS/PGS. Nhưng loại bài báo khoa học đó không tạo ra kiến thức mới mà chỉ làm nhiễu khoa học.

Những qui định hiện hành về công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh PGS/GS còn nhiều khiếm khuyết. Dựa vào các danh mục như Scopus và Pubmed hay ESCI một cách vô điều kiện dễ dẫn đến sai lầm về việc đánh giá và nhận dạng tập san dỏm. Sự lệ thuộc vào số lượng bài báo gián tiếp khuyến khích nghiên cứu chất lượng thấp, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín khoa học quốc gia. Bộ tiêu chuẩn mới cần phải soạn chặt chẽ hơn, khoa học hơn, đặt phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn số 1 và xem tác động của của nghiên cứu là một thước đo của thành tựu cho việc công nhận các chức danh giáo sư.

Link: https://tuoitre.vn/chat-khong-phai-luong-lam-nen-mot-giao-su-20220225073011606.htm

Vài ý kiến về xét duyệt công nhận chức danh giáo sư ngành y 2020

Đọc qua những tin không hay về việc xét công nhận chức danh giáo sư năm nay [1,2], đôi khi tôi cũng muốn có vài lời bình luận, vì thấy có gì đó không hợp lí hoặc hiểu lầm. Nhưng nghĩ lại thì thôi, không muốn nói nữa. Một cảm giác chán chường và thất vọng. Chỉ chia sẻ ở đây như là những cảm nghĩ cá nhân như là một trang nhựt kí.

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

Trước hết là con số 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành y và dược được cho là “khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” [1]. Hai ngày sau, lại thêm 21 ứng viên được thông qua nhưng không đủ tiêu chuẩn [2]. Tức là có tổng cộng 37 ứng viên không đạt tiêu chuẩn nhưng đã được thông qua!

Hội đồng nói rằng sẽ rà soát lại. Nhưng nếu rà soát lần này thì tại sao không rà soát luôn các ứng viên của các năm trước? Các ứng viên sẽ đặt câu hỏi như thế.

Ai sẽ là người xem xét lại?

Chẳng lẽ để cho Hội đồng giáo sư xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua? Đây là vấn đề khó vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà còn kĩ năng đánh giá các tập san khoa học.

Thật ra, tôi thấy ngay cả những người đánh giá và kết luận rằng các ứng viên ‘gian lận’ hay ‘đạt’ cũng có sai sót hiển nhiên. Chẳng hạn như có tập san họ đánh dấu là “OK” hay “Q1” [3], nhưng thật ra đó là tập san dỏm hay gần dỏm! Từ đó, ‘kết luận’ của họ cũng sai.

Do đó, cần phải đánh giá lại những kết luận của người ngoài ngành khác đã đánh giá. Theo tôi thì phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.

Đánh giá tập san?

Bình luận về vấn đề này, chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành y cho biết đại khái rằng “hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết.” Tôi nghĩ là anh ấy đề cập đến bài báo trên New England Journal of Medicine và Lancet bị rút xuống. Nhưng sự rút xuống 2 bài báo đó không hề làm suy giảm uy tín của New England Journal of Medicine và Lancet, và cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề mà báo chí đang nêu lên.

Nhưng ở đây, chúng ta không nói đến các tập san lừng danh đó; chúng ta nói đến những tập san mà các ứng viên đã công bố và gây ra tranh cãi. Tôi tò mò nhìn qua danh sách tập san mà các ứng viên công bố [3], và tôi nghĩ có thể nói rằng tất cả (danh sách dưới đây) đều có thể xem là phi chánh thống hay gần như phi chánh thống (hiểu theo nghĩa chẳng thuộc hiệp hội y khoa nào cả) hay không/hiếm ai trong chuyên ngành biết đến:

  • American Journal of Case Report
  • Archives of Pharmacy Practice
  • Asian Journal of Pharmaceutics
  • Biomedical Journal of Scientific and Technical Research
  • Catalysts
  • Child’s Quality of Life in Asia
  • Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and Therapy
  • European Journal of Anatomy
  • Farm Sci Asian
  • Genetics and Molecular Research
  • International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences
  • International Journal of Medical Sciences and Health Research
  • International Journal of Environmental Research and Public Health
  • Journal of Clinical and Diagnostic Research
  • Journal of Medical Sciences – Pakistan
  • Journal of the Pakistan Medical Association
  • Journal of Vascular Medicine and Surgery
  • Malaysian Journal of Medical Sciences
  • Open Dermatology Journal
  • Pharmaceutical Chemistry Journal
  • Research Journal of Pharmacy and Technology
  • Systematic Reviews in Pharmacy

Bất cứ ai có kinh nghiệm gian nan trong nghiên cứu và công bố khoa học chỉ cần nhìn qua vài bài báo tiêu biểu trên các ‘tập san’ trên cũng thấy … kì kì. Những đặc điểm chánh có thể rút ra từ những ‘tập san’ này là (tôi nghĩ đây không hẳn là tập san nghiêm chỉnh):

  • Tên tập san rất chung chung, như Journal of Medical Sciences, Genetics and Molecular Research, Biomedical Journal of Scientific and Technical Research, Journal of Clinical and Diagnostic Research, v.v.
  • Ban biên tập không biết nói sao. Có tổng biên tập là bác sĩ phẫu thuật, chưa bao giờ công bố một bài nào trên tập san chánh thống. Lại có tổng biên tập chưa bao giờ công bố trên tập san mà ông làm sếp. Còn ban biên tập có khi chỉ là … postdoc!
  • Giao diện internet của các tập san này rất đơn giản, như là một website cá nhân, chớ không giống một tập san khoa học.
  • Tiếng Anh thì rất kém, và có khi viết sai. Ví dụ như có ‘tập san’ viết là “Impact Factor An Index”, ai mà hiểu nổi có ý nghĩa gì.
  • Bài báo thì vô cùng đa dạng. Có khi tập san với tên là dược khoa nhưng cũng công bố bài về chất lượng cuộc sống.
  • Bài báo thì đa số là đơn giản. Có khá nhiều bài chỉ … 3 trang!
  • Thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố có khi chỉ trên dưới 10 ngày.

“Gian lận”?

Kế đến là chữ “gian lận”. Tôi nghĩ dùng chữ đó cho đồng nghiệp là quá nặng nề. Bình tâm nghĩ và xem lại, các ứng viên đâu có gian lận. Họ khai đầy đủ bài báo họ công bố, tập san công bố, chi tiết về năm và số báo, v.v. Tôi nghĩ không thể nói các ứng viên gian dối được.

Vấn đề là đạo đức công bố (tức publication ethics) mà tôi nghĩ ở Việt Nam ít ai biết đến. Ở Đại học New South Wales bất cứ ai được bổ nhiệm chức vụ khoa bảng phải theo học một khoá học về Scientific Integrity (8 môn học), trong đó có môn Đạo đức Công bố. Học viên phải học cách phân biệt giữa tập san chánh thống và tập san dỏm, và qui ước là không công bố trên tập san dỏm. Công bố trên các tập san đó được xem là vi phạm đạo đức công bố. Các bạn có biết tại sao vi phạm?

Các ứng viên giáo sư lần này vì lí do gì đó công bố đã công bố trên một số tập san được xem là phi chánh thống. Cũng có thể xem đây là các tập san dỏm, và đó là vấn đề.

Open Access là dỏm?

Nhiều người trong các hội đồng giáo sư ở VN cho rằng các tập san Open Access (Mở) và các tập san có trả ấn phí để công bố là “kém chất lượng”. Quan điểm này rất sai. Cái sai lầm có lẽ là do lẫn lộn giữa thể loại tập san và mô thức công bố:

1. Các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại: chánh thống và phi chánh thống.

2. Mô thức công bố có thể là ‘Đóng’ hay ‘Mở’. Mô thức ‘Đóng’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. ‘Mở’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao, nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

3. Tập san chánh thống (như Nature, Science, Lancet, New England) cho phép tác giả chọn mô thức công bố Đóng hay Mở.

4. Tất cả các tập san dỏm đều dùng mô thức xuất bản Mở.

Do đó, người ta có thể lầm ở điểm thứ 4 và đánh đồng Open Access là dỏm. Nhưng như các bạn thấy điểm thứ 3 giải thích rằng Open Access của các tập san chánh thống thì không thể xem là dỏm hay có phẩm chất thấp được (xem Giản đồ).

Thế nào là ‘bài báo khoa học’?

Một vấn đề khác nữa là khái niệm ‘bài báo khoa học’. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng hội đồng không nói bài báo đó là gì! Có nhiều loại bài báo khoa học:

  • Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, dữ liệu lần đầu được công bố;
  • Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo nghiêm chỉnh, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;
  • Bài tổng quan (review), tức là tổng quan y văn từ những bài đã công bố trước đây;
  • Bình luận, tức những “Letter to the Editor”, “Commentary”, “Debate”, “Editorial”.

Nếu xét đề bạt, người ta chỉ xem bài nguyên gốc. Còn các bài khác không được tính, nhưng được dùng để đánh giá ứng viên. Còn ở VN, bài nào cũng có giá trị như nhau, vì người ta chỉ quan tâm “công bố quốc tế”! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Vô lí chưa. Do đó, khái niệm bài báo khoa học phải xem lại.

Tóm lại, đây không phải là gian lận công bố khoa học, mà là đạo đức công bố khoa học. Cách đánh giá tập san y khoa của hội đồng giáo sư ngành y và cả người đánh giá lại có vấn đề, vì lẫn lộn giữa tập san chánh thống, tập san phi chánh thống và tập san ‘săn mồi’. Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần phải có một hội đồng độc lập với những thành viên giàu kinh nghiệm về công bố khoa học thì mới công bằng. Vấn đề sau cùng là ở hội đồng, chớ không phải ứng viên.

***

[1] https://vnexpress.net/16-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-to-cao-khai-gian-4180696.html

[2] https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/chi-tiet-16-ung-vien-gspgs-bi-to-gian-doi-va-ket-qua-tham-dinh-cua-gs-nguyen-ngoc-chau-1738811.tpo

Tiêu chuẩn giáo sư: lượng và phẩm

Qui định mới về công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS) yêu cầu ứng viên giáo sư phải là tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học, và phó giáo sư 2 bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt. Có thể xem yêu cầu về công bố khoa học là một điểm ‘tiến bộ’, nhưng vẫn chưa đủ và chưa hợp lí, vì chưa xem trọng phẩm chất khoa học.

Có lẽ điểm mới và cũng có thể xem là tiến bộ là yêu cầu công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt. Tuy nhiên, sự tiến bộ này chỉ so với trước đây, chứ chưa phải so sánh với các đại học thuộc các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới. Theo Socrates, một trong những vai trò của giáo sư là học giả, hiểu theo nghĩa ‘scholar’ trong tiếng Anh. Chính cái ‘học giả tính’ này phân biệt giữa giáo sư đại học và thầy cô giáo trung học (cho dù cả hai nhóm đều hành nghề dạy học). Học giả hiểu theo nghĩa thông thường là người có kiến thức uyên thâm và sản sinh ra tri thức mới. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động sản sinh ra tri thức mới và giúp nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu. Do đó, công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt phải là điều kiện cần cho qui trình bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nhưng công bố khoa học quốc tế vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Trên thế giới có hàng trăm ngàn tập san khoa học (journals) − không nói đến tạp chí (magazine) − nhưng trong số này chỉ có chừng 11000 đến 25000 được công nhận, tuỳ theo danh mục. Ngay cả trong số những tập san được công nhận, phẩm chất khoa học và uy tín cũng rất khác nhau. Chẳng hạn như tập san Medical Journal of Australia không thể xem ngang hàng với New England Journal of Medicine. Ngay cả trong một chuyên ngành cũng có nhiều tập san và uy tín cũng rất khác nhau. Do đó, đánh đồng “công bố quốc tế” giữa các tập san có thể dẫn đến đánh giá sai.

Những qui định cứng về con số bài báo (như 3 cho cấp giáo sư và 2 cho cấp phó giáo sư) có phần phiến diện, vì không phản ảnh phẩm chất. Như nói trên, một công trình trên những tập san như New England Journal of Medicine, Nature, Nature Genetics, Science, Cell có giá trị nhiều lần so với nhiều bài trên những tập san có uy tín thấp, bởi vì phẩm chất khoa học của các công trình trên những tập san lừng danh đó cao hơn nhiều so với tập san ‘làng nhàng’. Ngay cả trong cùng một chuyên ngành, người ta chỉ cần nhìn vào tên tập san là đã có ý tưởng về đẳng cấp và phẩm chất khoa học ra sao. Do đó, qui định cứng về con số bài báo sẽ dẫn đến tình trạng chạy số mà xao lãng phần phẩm chất nghiên cứu khoa học. Trong nhiều trường hợp, phẩm quan trọng hơn lượng.

Một trong những vấn nạn khoa học hiện nay là hiện tượng “tập san dỏm” hay “predatory journals”. Đây là những tập san không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Các trạm xuất bản này càng ngày càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Trong nhiều trường hợp, chỉ có người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học mới có thể phân biệt tập san dỏm và tập san chính thống. Trên thế giới ngày nay có đến hơn 12000 tập san dỏm và gần 1000 trạm xuất bản dỏm. Đa số những tập san dỏm đều có mã số ISSN, thậm chí có trong danh mục có tiếng như Scopus! Do đó, qui định “công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN” chưa đủ phân định để loại bỏ các tập san dỏm.

Có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam và một số đại học ở Việt Nam đưa ra những con số về bài báo khoa học để bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Ở các nước tiên tiến, không có một đại học nào đề ra những qui định định lượng cụ thể như thế. Vấn đề không phải là công bố khoa học, mà công trình khoa học có tác động hay không. Tác động trong chuyên ngành và tác động xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều bài báo khoa học không bao giờ được trích dẫn (tức không có tác động), và số được triển khai trong thực tế càng ít hơn. Do vậy, không thể nào chỉ nhắm đến con số bài báo, mà còn phải xem xét đến tác động của nghiên cứu khoa học qua các chỉ số trắc lượng khoa học và đánh giá của chuyên gia trong chuyên ngành. Cái khiếm khuyết của định lượng hoá trong nghiên cứu khoa học là nó biến một ứng viên thành một con số. Nhưng con số thì không bao giờ phản ảnh đầy đủ đóng góp của một nhà khoa học.

Cần phải nói thêm rằng, khái niệm ‘giáo sư’ không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một lãnh đạo khoa học. Lãnh đạo thể hiện qua vai trò trong các hội đoàn quốc tế và quốc gia. Nói cách khác, giáo sư phải là một thành viên có đóng góp quan trọng cho nền ‘cộng hoà học thuật’ (mượn khái niệm ‘cộng hoà văn chương’). Dĩ nhiên, công bố khoa học chỉ là một thành tố quan trọng nhưng nó vẫn chưa đủ để tạo nên tư cách lãnh đạo của một giáo sư.

Tóm lại, những qui định mới về chức danh giáo sư và phó giáo sư tuy có một chút tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa so với các nước trong vùng và các nước tiên tiến. Những tiêu chuẩn định lượng hoá tưởng là khoa học, nhưng thật ra là phi khoa học, bởi vì không ai có thể đánh giá một nhà khoa học qua những con số. Con số bài báo khoa học không thể phân biệt được phẩm chất khoa học và tác động của các công trình nghiên cứu, mà có thể giúp mở cánh cửa cho sự xâm nhập của các tập san dỏm vào môi trường học thuật ở Việt Nam.

Bài đã đăng trên VNexpress: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-so-bai-bao-khoa-hoc-khong-phan-anh-chat-luong-giao-su-3811082.html

Chuẩn giáo sư và “căn bệnh thời đại”

Tâm lí “bộ lạc” thường ngự trị trong suy nghĩ và nhận thức về chức danh giáo sư, và thường dẫn đến những so sánh phiến diện. Những cơ sở dữ liệu trắc lượng khoa học như Scopus, ISI và Google Scholar làm cho giới khoa học trở nên ám thị về năng suất khoa học của họ và của người khác.

GS. Nguyễn Văn Tuấn hiện đang giữ chức giáo sư của ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney (Úc) cho biết, hệ thống giáo dục Úc không quá máy móc các tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư. Thực tế nước này có rất nhiều trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”. Dân trí trân trọng giới thiệu bài viết “Sự đa dạng của chức vụ và danh xưng giáo sư” của GS. Nguyễn Văn Tuấn:

Những chuyện “khó tin” về bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở Úc

Chức danh giáo sư là một đề tài của nhiều bàn luận. Gọi “giáo sư” là học hàm, chức danh, hay chức vụ, mỗi người hiểu một cách khác nhau. Những hiểu biết đó tùy thuộc vào tầm nhìn cá nhân, bối cảnh và kinh nghiệm của người phát biểu.

Những tranh luận này thường nói lên những sự vô lí hay những tiêu chuẩn của chức danh cao nhất trong các bậc thang khoa bảng. Cũng có nhiều người so sánh tiêu chuẩn và qui trình bổ nhiệm chức danh giáo sư ở Việt Nam với nước ngoài. Ở đây, tôi chỉ chia sẻ cùng các bạn tính đa dạng của chức danh giáo sư ở nước ngoài, mà cụ thể là nước Úc này, để thấy rằng người ta không quá máy móc trong các tiêu chuẩn và bổ nhiệm như nhiều người nghĩ.

Tôi không đề cập đến những trường hợp được đề bạt hay bổ nhiệm qua một qui trình chuẩn và dựa trên các tiêu chuẩn khoa bảng nghiêm chỉnh. Theo qui trình chuẩn, các ứng viên phải trải qua những chức vụ như tutor (trợ giảng), lecturer (giảng viên) hay assistant professor (giáo sư trợ lí), senior lecturer (giảng viên cao cấp), associate professor (ở Việt Nam dịch là phó giáo sư), và professor (giáo sư thực thụ).

Nếu một người có thành tích tốt thì đoạn đường từ tutor lên professor phải tốn ít nhất 15-20 năm. Rất nhiều người chỉ dừng lại ở chức associate professor và nghỉ hưu.

Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” trong hệ thống đại học. Và, những bổ nhiệm này hoàn toàn được phê chuẩn nghiêm chỉnh. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những trường hợp [có thể xem là] ngoại lệ trong việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở vài đại học danh tiếng ở Úc.

Trường hợp 1: từ giám đốc tập đoàn thành giáo sư hiệu trưởng đại học

Chúng ta thường nghĩ rằng hiệu trưởng đại học phải là người trong khoa bảng, và chức danh tối thiểu phải là professor hay associate professor. Đó là cách hiểu cổ điển; đối với đại học hiện đại được xem là một “tập đoàn”, thì việc bổ nhiệm người ngoài đại học là chuyện khá bình thường.

Ví dụ như Đại học New South Wales (nay đổi tên chính thức là “UNSW Sydney”) từng có tiền lệ bổ nhiệm một tổng giám đốc của một tập đoàn báo chí Fairfax làm hiệu trưởng và giáo sư đại học. Thật ra, trước khi làm tổng giám đốc của Fairfax, ông cũng từng có thời làm giám đốc trường quản trị kinh doanh của UNSW Sydney.

Ông có bằng MBA nhưng không có bằng tiến sĩ. Nhưng khi ông được bổ nhiệm hiệu trưởng của UNSW Sydney, thì người ta phải tìm cho ông một chức danh cao nhất, và đó là “professor“.

Trường hợp 2: chuyên viên cấp trung trở thành giáo sư đại học và nắm giữ phần nghiên cứu khoa học

Chuyện có vẻ khó tin, nhưng hoàn toàn có thật ở một đại học Úc. Ông ấy là một chuyên gia về máy tính và từng làm việc cho một tập đoàn máy tính lừng danh của Mĩ. Ông ấy chưa có bằng tiến sĩ, nhưng có bằng cao học (masters). Ông ấy được đánh giá và có tiếng là một nhà quản lí giỏi. Thế là đại học bổ nhiệm ông vào chức phó hiệu trưởng, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học.

Nhưng ở chức vụ đó thì phải có một chức danh khoa bảng cho xứng đáng để có chính danh nói chuyện với các giáo sư khác. Thế là trường đại học đề bạt ông ấy lên chức giáo sư thực thụ (professor)! Tôi chưa thấy một đại học nào khác ở Úc có trường hợp này.

Trường hợp 3: từ lecturer (giảng viên) lên thẳng professor (giáo sư)

Trong hệ thống chức vụ khoa bảng ở Úc thì một nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và đã qua hậu tiến sĩ, phải kinh qua 3 bậc (lecturer (giảng viên), senior lecturer (giảng viên cao cấp), và associate professor (giáo sư trợ lí) trước khi đến chức professor (giáo sư) và mỗi bậc cần khoảng 3-5 năm. Nhưng có vài học Úc bổ nhiệm giáo sư không theo các nấc thang khoa bảng bình thường đó.

Ông ấy là một giảng viên thuộc một trường đại học trong nhóm Go8 (tức “Group of Eight”, nhóm 8 trường đại học hàng đầu của Úc [1]), với thành tích khoa học trung bình. Nhưng đùng một cái, một trường đại học nhỏ hơn mới thành lập một trung tâm nghiên cứu về một lĩnh vực “nóng” và cần người làm giám đốc.

Thế là ông ấy được mời về làm giám đốc, và được thăng chức thẳng lên professor. Quá trình thăng chức cho ông ấy làm nhiều người trong khoa ngạc nhiên, nhưng nói chung chẳng mấy ai ganh tị, vì họ thấy ông ấy may mắn và nói cho cùng thì “việc ai nấy làm”.

Trường hợp 4: bổ nhiệm giáo sư làm quản lí

Nhiều trường đại học ngày nay, như nói trên, là những tập đoàn giáo dục. Trong những “tập đoàn” đó, ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, việc kinh doanh và đem tiền về cho đại học trở thành một áp lực cho các giáo sư. Do đó, đại học thành lập rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trong đại học nhưng mang những cái tên rất khoa học.

Thường, các “giáo sư truyền thống” không có khả năng quản lí nên họ hoặc là làm ăn thua lỗ, hoặc không phát triển được doanh nghiệp. Trong bối cảnh như thế, trường đại học có xu hướng bổ nhiệm các chuyên gia từ kĩ nghệ làm giám đốc các doanh nghiệp con, và vì trong đại học, nên phải cho họ một chức danh khoa bảng. Chức danh cao nhất là giáo sư. Đó chính là lí do tại sao có nhiều người mang danh giáo sư nhưng họ chủ yếu làm quản lí chứ không giảng dạy và rất ít nghiên cứu.

Trường hợp 5: bổ nhiệm giáo sư với thành tích khoa học cấp giảng viên

Tại một đại học trong nhóm Go8 của Úc mới có một trường hợp cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người trong giới khoa bảng vì người được bổ nhiệm chức vụ professor có thành tích khoa học rất khiêm tốn. Như là một qui ước bất thành văn, một giáo sư thực thụ (full professor) ở Úc phải có ít nhất 50 bài báo khoa học (thường là 100 trở lên), và tập san công bố phải thuộc loại “coi được”.

Đó là chưa kể đến thành tích… xin tiền. Thế nhưng trong thực tế cũng có người trong một ngành khoa học xã hội, với số công trình (bài báo) nghiên cứu chưa đầy con số 5 và chưa bao giờ có một bài báo nào trên tập san ISI, và chưa có thành tích xin tài trợ từ các cơ quan như ARC, thế nhưng trường đề bạt lên chức giáo sư thực thụ. Sự đề bạt cũng làm nhiều người cau mày, nhưng rồi ai cũng nhún vai nói “tại thời thế, thế thời phải thế”!

Trường hợp 6: bổ nhiệm giáo sư để … bóc lột

Chữ “bóc lột” tôi dùng có vẻ quá đáng. Một dạng bổ nhiệm khác cũng phi truyền thống là giáo sư kiêm nhiệm, hay nói theo tiếng Anh là “conjoint” hoặc “adjunct”. Đây là những trường hợp mà đương sự là một nhà khoa học, thường có bằng tiến sĩ (nhưng không nhất thiết), được các đại học bổ nhiệm làm “conjoint professor” hay “adjunct professor“, có thể tạm dịch là “giáo sư kiêm nhiệm”.

Những người này thường là các bác sĩ cao cấp trong các bệnh viện, hay các chuyên gia cao cấp trong kĩ nghệ, họ có công đóng góp cho đại học qua việc nhận sinh viên về làm thực hành. Đại học bổ nhiệm họ không qua phỏng vấn; họ chỉ cần điền một cái đơn, và hội đồng khoa bảng của đại học xem xét và bổ nhiệm. Tiêu chuẩn bổ nhiệm chủ yếu là đóng góp cho trường qua đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Do đó, ở các trường y ở nước ngoài có rất nhiều giáo sư, nhưng họ chỉ tồn tại ở dạng kiêm nhiệm, vì họ là người của bệnh viện hay viện nghiên cứu. Họ không nhận lương của đại học, nhưng khi họ nghiên cứu và công bố khoa học thì đại học yêu cầu họ phải ghi tên đại học trong bài báo! Nhiều người xem đây là một hình thức bóc lột tri thức rất tuyệt vời!

Đại học không trả lương cũng chẳng cho phụ cấp gì cả, mà chỉ trao cho cái chức danh “conjoint professor” và kẻ được trao chức danh phải làm việc cho họ.

Trên đây chỉ là 6 trường hợp cho 6 loại giáo sư đại học ở Úc. Những trường hợp trên nói lên rằng chức danh hay chức vụ giáo sư ở nước ngoài rất đa dạng. Không phải ai có danh xưng giáo sư đều có thành tích khoa học như nhau. Lí do là vì mỗi trường có một bộ tiêu chuẩn riêng, trường danh tiếng và nặng về nghiên cứu khoa học có tiêu chuẩn có thể cao hơn trường kém danh tiếng.

Thật ra, ngay cả trong trường thì bộ tiêu chuẩn cũng khác nhau giữa các khoa và chuyên ngành. Do đó, khó có thể nói chung chung rằng “nước ngoài người ta làm như thế,” vì nó còn phụ thuộc vào “nước ngoài” là nước nào và theo hệ tiêu chuẩn nào.

Những trường hợp trên đây là ở Úc, nhưng tôi biết một số nước tiên tiến trên thế giới cũng có những bổ nhiệm phi truyền thống như vừa đề cập. Khi đại học phát triển cao và có tiếng, những qui định chỉ là để tham khảo chứ không phải để tuân theo một cách máy móc. Họ đặt ra qui định thì họ có thể sửa qui định.

Hiểu về giáo sư còn phiến diện

Nhiều người quá bận tâm với những tiêu chuẩn cân đo đong đếm hay danh xưng cá nhân, nên cách hiểu về giáo sư còn phiến diện. Tâm lí “bộ lạc” thường ngự trị trong suy nghĩ và nhận thức về chức danh giáo sư, và thường dẫn đến những so sánh phiến diện. Những cơ sở dữ liệu trắc lượng khoa học như Scopus, ISI và Google Scholar làm cho giới khoa học trở nên ám thị về năng suất khoa học của họ và của người khác.

Nhiều người liên tục vào các trang này để xem năng suất của họ và so sánh với các đồng nghiệp khác trên thế giới; họ trở nên bồn chồn, bất an, và có khi tức tối trước thành tựu của đồng nghiệp, nhưng cũng không hài lòng với chính họ. Đó gần như là một căn bệnh thời đại.

Giáo sư là chức vụ dành cho người giảng dạy và/ hay nghiên cứu khoa học; đó là một cách hiểu cũ, không còn thích hợp cho ngày nay nữa. Trong thực tế, các đại học phương Tây (như Úc) có 3 ngạch giáo sư. Ngạch 1 dành cho những người nghiên cứu khoa học; ngạch 2 dành cho những người giảng dạy và họ ít làm nghiên cứu khoa học; ngạch 3 là những người làm quản lí và phục vụ, họ chẳng giảng dạy cũng chẳng làm nghiên cứu khoa học, nhưng họ là quan chức cao cấp và có công lớn gây dựng đại học, nên họ cũng được đề bạt chức professor.

Không nên quá bận tâm với những chức danh hoặc danh xưng phù phiếm, mà nên quan tâm đến cống hiến mang tính thực chất. Nói cho cùng thì mức độ đóng góp vào sự phát triển của khoa học và giáo dục là một thước đo chuẩn nhất và quan trọng nhất. Theo đuổi những danh xưng và tranh cãi về tiêu chuẩn với những con số chỉ làm cho người ta thiếu tập trung -thậm chí quên lãng – khái niệm phụng sự cho khoa học và xã hội.

—-

* [1] Các đại học trong nhóm Go8 bao gồm Đại học Quốc gia Úc (ANU), Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học Queensland, Đại học Adelaide, và Đại học Western Australia. Đây là các đại học “nghiên cứu”, và tiêu chuẩn về chức vụ giáo sư của họ khác với các trường ngoài Go8.

Dân Trí 22/2/2018:

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuan-giao-su-va-can-benh-thoi-dai-20180221211756989.htm