Chuyện covid miệt quê

Chúng ta thường chỉ quan tâm đến chuyện covid ở thành thị, và điều này cũng hợp lí thôi, vì đó là những ‘epicenter’ (tâm dịch). Nhưng chuyện covid miệt quê có khi … cười ra nước mắt.

Vùng quê tôi cách Rạch Giá (nay là ‘thành phố’) chừng 20 km về hướng Hậu Giang, Cần Thơ. Người dân ở đó sống chung quanh những con sông, kênh, rạch, và đa số làm nghề nông. Đa số người trẻ đi làm công nhân ở các tỉnh thành khác (như Sài Gòn, Long An, Bình Dương), và miệt quê giờ đây chủ yếu là người xồn xồn hay cao tuổi. Mấy năm gần đây, theo đà đô thị hoá nên mật độ dân số tăng đáng kể. Rồi đường xá được làm mới nên việc giao thông đi lại giữa vùng quê và Rạch Giá rút ngắn đáng kể. Ngày nay, người ta có thể lái Honda đi lên Sài Gòn và ra tuốt Bình Dương luôn.

Trong trận dịch này, như chúng ta có thể đoán được là nhiều công nhân quay về quê vì không thể trụ lại ở các khu công nghiệp hay Sài Gòn. Chẳng ai biết họ có bị phơi nhiễm hay không, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài ca dương tính, và cùng với báo đài ra rả mỗi ngày, đủ làm cho miệt quê yên bình trở nên … nhốn nháo.

Chích vaccine nanocovax cho học sinh?

Hôm qua, em tôi từ miền Tây điện qua hỏi ‘… bộ vaccine nanocovax được cho chích hả?’ Tôi hỏi sao có câu hỏi đó thì nó nói ‘vì nghe nói là tháng tới sẽ chích cho học sinh lớp 6 đến 12‘. Tôi giải thích rằng vaccine đó còn đang thử nghiệm, chưa có kết quả; chừng nào kết quả tốt thì Bộ Y tế mới ngồi xuống thẩm định và phê chuẩn.

Câu chuyện về ‘vaccine made in Vietnam’ rất lẫn lộn. Bắt đầu từ tháng 6 (có thể trước đó) báo chí đã chạy những cái tít về hiệu quả ‘sinh miễn dịch’ 99%, rồi ‘Hiệu quả 90%’, hay ‘chẳng kém vaccine ngoại’. Có những cái tít như ‘có thể đạt hiệu quả 90%’ làm tôi không hiểu nổi, vì tại sao “Có thể” ở đây. Hình như bất cứ bản tin nào cũng kèm theo câu đề nghị phê duyệt khẩn cấp.

Nhưng trong thực tế thì vaccine vẫn còn đang thử nghiệm, và cách dùng chữ đó gởi một thông điệp sai lệch (misleading) đến công chúng. Mới đây, cái thông điệp còn gây lẫn lộn hơn nữa. Có báo chạy cái tít ‘Hội đồng Đạo đức: Chưa thể đánh giá hiệu lực bảo vệ của vắc xin Nanocovax‘ (28/8). Nhưng trước đó 1 ngày cũng chính báo này viết ‘Hội đồng Đạo đức đã thông qua kết quả thử nghiệm vắc xin Nanocovax‘.

May be an image of text
Những tựa đề dễ gây lẫn lộn và mang tính gây áp lực.

Công chúng chỉ đọc và thấy chữ ‘thông qua’ và hiểu rằng đã được phê chuẩn. Có thể nói rằng báo chí đóng vai trò đưa tin lẫn lộn. Nhưng báo chí không thể đưa tin mà không có nguồn, và câu hỏi là nguồn từ đâu.

Qui ước Ingelfinger

Trong khoa học có Qui ước Ingelfinger (Ingelfinger Rule) mà tôi từng đề cập hơn 10 năm trước đây [1]. Theo Qui ước Ingelfinger, nhà khoa học không được tiếp xúc báo chí phổ thông để nói về một nghiên cứu nếu nghiên cứu đó chưa được công bố trên một tập san khoa học. Qui ước này được Bs Franz Ingelfinger (lúc đó là Tổng biên tập Tập san New England Journal of Medicine) đặt ra vào thập niên 1960 để bảo đảm thông tin đến với công chúng đã qua bình duyệt bởi đồng nghiệp, và tránh tình trạng lẫn lộn. Qui ước này được tuân thủ khá nghiêm ngặt [1].

Chẳng hạn như đầu năm nay, chúng tôi công bố một nghiên cứu trên eLife, thì tập san liên lạc tôi nhắc nhở rằng tôi không được tiếp xúc báo chí để nói về nghiên cứu trước ngày eLife công bố. Họ (eLife), Đại học UTS và Viện tôi thảo ra một thông cáo báo chí, và eLife nhứt định đòi cả 3 thông cáo báo chí xuất bản đúng 1 thời điểm, không ai được công bố trước. Và, sau đó thì tôi mới được phép tiếp chuyện báo chí.

May be an image of text that says 'Ingelfinger rule'
Qui ước Ingelfinger: nhà khoa học không tiếp xúc báo chí đại chúng khi kết quả nghiên cứu chưa qua bình duyệt và công bố.

Tuy nhiên, trong thời đại dịch này thì Qui ước Ingelfinger có khi bị … lờ đi. Chẳng hạn như tập đoàn Pfizer năm ngoái công bố trên báo chí rằng vaccine của họ đạt hiệu quả 95% dù bài báo chỉ mới nộp cho tập san New England Journal of Medicine (NEJM) và chưa qua bình duyệt. Khi bị phê bình về việc làm này, Pfizer cho biết rằng dữ liệu của họ đã được phê duyệt bởi Hội đồng theo dõi dữ liệu và an toàn của nghiên cứu, mà các thành viên cũng là những chuyên gia bình duyệt cho NEJM. Dĩ nhiên, cách giải thích của họ không thoả đáng, nhưng NEJM cũng bỏ qua cho họ vì tình huống khẩn cấp.

Câu chuyện xét nghiệm ở miệt quê

Em tôi mô tả về xét nghiệm ở dưới quê rất đáng báo động. Nó nói nhân viên y tế về ‘ngoáy ngoáy lỗ mũi đau gần chết‘. Tôi hỏi có thấy thay găng tay khi lấy mẫu ở người khác không, thì câu trả lời là không. Hỏi cách xử lí mẫu ra sao, nó nói các mẫu để gần nhau trong cái nắng chang chang. Chỉ cần 15 phút là có kết quả. Tôi đoán là xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

Kết quả ra sao? Lộn xộn cả. Một gia đình bên kia sông có đến chục người dương tính! Hỏi về những triệu chứng quen thuộc, thì mới biết chẳng ai trong họ có triệu chứng gì cả. Tôi không biết kết quả như vậy có đáng tin cậy không nữa. Dĩ nhiên, người dân dưới quê đâu có biết gì về âm tính giả và dương tính giả, họ chỉ biết dương tính là ‘vướng covid’ và thế là nhốn nháo lên.

Ở miệt quê giờ này cũng có chương trình tiêm chủng. Nhưng người dân đã biết ‘vaccine Mĩ’ và ‘vaccine Tàu’ rồi, nên họ dứt khoát không chịu vaccine Tàu. Họ nói chỉ chích vaccine Mĩ thôi.

Tôi không rõ các vùng quê khác ở miền Tây ra sao, nhưng đoán là tình hình chắc chẳng khác gì làng quê tôi. Những làng quê này chưa bao giờ kinh qua hay biết gì về covid. Tôi sợ là với cách xét nghiệm đại trà, thiếu qui trình và thiếu suy tính cẩn thận này sẽ biến nhiều nơi thành tâm dịch và gây lãng phí cho xã hội.

Quan điểm của tôi là không làm xét nghiệm đại trà, chỉ xét nghiệm ở những người hay nhóm có nguy cơ cao thôi. Nếu ở làng quê, nơi chưa bao giờ có ai bị covid, thì chỉ nên xét nghiệm những người ở thành phố hay khu công nghiệp về quê vì họ có nguy cơ cao. Và, cũng nên thực hiện lấy mẫu đúng qui trình và xét nghiệm bằng PCR trong labo đàng hoàng. Vấn đề kế tiếp là phải làm gì với người có kết quả dương tính. Nếu không có kế hoạch cẩn thận thì rất dễ gây bất ổn ở miền quê.

____

[1] https://vietnamnet.vn/khoahoc/2008/02/768656

[2] https://www.bmj.com/content/369/bmj.m1744/rr