Hôm về Việt Nam tôi được tặng nhiều sách, trong đó có cuốn “Điệu buồn phương Nam“, mà tôi rất muốn giới thiệu đến các bạn xa gần, đặc biệt là dân miền Tây (kể cả Kiên Giang), đọc nhân ngày 30/4.

Điệu buồn phương Nam là tập hợp 57 đoản văn và truyện ngắn của tác giả Kim Chi. Theo lời giới thiệu của tác giả Trần Văn Chánh, Kim Chi tốt nghiệp ngành quản lí môi trường và đang làm việc cho một đại học ở Bình Dương, tức chẳng dính dáng gì đến văn chương. Thật vậy, tác giả không phải — và cũng không tự nhận mình — là một nhà văn, mà chỉ là một người mê văn chương và viết văn như là một thú tiêu khiển.
Kim Chi sanh ra và lớn lên ở huyện Gò Quao thuộc tỉnh Kiên Giang. Tính ra thì Kim Chi là đồng hương của tôi, và Gò Quao chỉ cách huyện tôi chừng 20 km mà thôi. Mặc dù Gò Quao là một nơi được xếp vào nhóm nghèo khó, nhưng qua hé lộ gián tiếp, tác giả xuất thân từ một gia đình khá giả. Ở trang 163, tác giả viết “Khác với ‘bọn địa chủ tham lam độc ác’ vẫn được mô tả trong văn học cách mạng, ông nội tôi rất yêu nước.” Một câu văn ngắn như thế không chỉ tiết lộ gia thế, mà còn gián tiếp phản bác những luận điệu tuyên truyền dối trá về những người được gọi là ‘địa chủ’ ngày xưa ở miền Tây.
Lớn lên từ một vùng đất tương đối mới và hoà quyện mình vào văn hoá sông nước, nên những bài bút kí, tuỳ bút và truyện ngắn của Kim Chi phản ảnh đời sống và sinh hoạt của người miền Tây, đặc biệt là chung quanh Gò Quao và vùng lân cận như U Minh. Đó là những mối tình dân dã trong làng, những cuộc hôn nhân miệt quê, những tình duyên éo le, những phiên chợ quê cùng những nét văn hoá đặc thù miền sông nước, v.v. Có những câu chuyện (như “Tưởng bở”, “Hận đống rơm”) làm cho độc giả thấy tức cười vì sự ngây ngô của các nhân vật, nhưng cũng có những chuyện về sự biến thái tình người sau 1975 hay trong thời ‘chuyển tiếp’ làm cho độc giả thấy trăn trở về đạo đức truyền thống miệt quê bị sứt mẻ. Những nhân vật và những cá tánh được mô tả trong sách rất đậm nét đời thường. Độc giả sẽ bắt gặp những người như Ba Cọp, Ba Bò, Tư Đờn, Sáu Hô, Chín Móm, v.v. mà bất cứ ai lớn lên ở miền Tây đều có thể liên tưởng đến những người hàng xóm của mình. Tác giả không đặt nặng việc phân tích tâm lí của các nhân vật, mà chỉ kể chuyện và quan sát.
Tất cả những câu chuyện được viết bằng một văn phong trong sáng, rặc Nam bộ, y như cách nói chuyện của người miền Tây. Độc giả sẽ thích thú khi bắt gặp những câu văn và những chữ đậm chất miền sông nước như tui, ảnh, chỉ, dìa, gởi, hổng, đặc khừ, làm phước, chắc ăn như bắp, v.v. Hãy đọc một đoạn tác giả mô tả nhà gần trường học:
“Nhà tui chỉ cách trường Cấp III có 7 cây số nhưng tui phải trọ học vì lội bộ thì qua nhiều cầu khỉ tui đi hông giỏi, không lọt cầu này thì té mương kia. Chèo xuồng thì tui hông rành, cà rịch cà tang, tới trường là trễ. Mới đầu má cũng định cất cho tui cái chòi gần trường giống như lũ học trò xứ tui nhưng má sợ tui hư nên cuối cùng má mới gởi cho người bà con bên nội, nhà chỉ cách trường một con kinh.” (trang 124).
Đọc đoạn văn trên là biết ngay của người miền Tây. Rất tiếc là những phương ngữ này đang dần dần biến mất trên văn đàn và báo chí. Thật ra, ngay cả chính tác giả cũng thỉnh thoảng tỏ ra ‘hương đồng gió nội bay đi ít nhiều’ khi dùng những chữ như ‘tiểu thư’ thay vì ‘tiểu thơ’ (trong “Hồi đó tôi có dáng vẻ rất tiểu thư“, trang 148), hay thậm chí “Zậy là” (trang 149) hay “dzô dziên” (trang 130). Cũng có thể sự đánh mất cái chất văn miền Tây đó là do bàn tay của người biên tập quyển sách.
Tác giả còn tỏ ra là một người hóm hỉnh và có phần lí lắc. Trong bài “Ghen kiểu … Tây” (trang 58), tác giả bắt đầu bằng một câu văn như sau: “Không biết tại sao nhưng quả thực người miền Tây, kể cả Tây đui hay Tây xịn, đều có tính cách rất là phóng khoáng và nghệ sĩ. Riêng dân miền Tây quê tui thì phóng khoáng và nghệ sĩ cả trong chuyện đánh ghen.”
Hoặc có những truyện mà tác giả kết thúc bằng một câu văn làm cho độc giả phải … ngẩn ngơ. Chẳng hạn như trong truyện “Chân tình” (trang 88), tác giả viết về một chị cựu học sinh của trường Marie Curie (một trường danh giá ở Sài Gòn) đem lòng thương một chàng trai trẻ hơn chị đến 10 tuổi, giúp cho anh này ăn học thành tài, thậm chí còn đứng ra cưới vợ và nuôi con cho anh ta. Rồi khi anh ta trở thành giám đốc, chị làm tạp vụ cho anh ấy, để rồi chính anh ấy cho chị nghỉ hưu:
“Rồi một ngày kia chị nhận được quyết định về hưu từ tay anh. Anh đưa cho chị mà không nói thêm gì, chỉ lạnh nhạt chào rồi vội vã bước lên xe cùng vợ con cho một chuyến du lịch dài ngày. Chị thu xếp đồ đạc về quê, ở nhờ nhà một người chị gái cũng không chồng như chị” (Trang 91).
Độc giả Kiên Giang sẽ đọc thấy những địa danh quen thuộc như sông Cái Lớn (mà tác giả viết là “Cái lớn”), Miệt Thứ, xóm Cái Bần Lớn, Cả Bần, chợ Chà Quơn, chợ Thuỷ Liểu, v.v. Tôi tin rằng người Kiên Giang, đặc biệt là Gò Quao, sẽ rất thích thú khi thấy hay tự tìm thấy mình trong những địa danh đặc thù đó xuất hiện trên trang giấy và trong các bài tản văn.
Không chỉ là những địa danh quen thuộc, mà ngay cả cách đặt tên cho con cái cũng rất gần gũi với người miền Tây. Trong truyện “Độc chiêu” tác giả viết về một gia đình có những người con được đặt tên theo thứ tự: Chơi, Bời, Tiền, Bạc, Ngàn, Triệu, Được, Sang, Giàu! Đọc những tên đó làm tôi nhớ đến gia đình bác Ba Tễ (là chỗ quen biết rất thân với Ba Má tôi) đặt tên cho con là Quyết, Chiến, Sinh, Bình, Tồn, và Tiến. Nhưng sau 1975, bác lại sanh thêm hai người con nữa, và thế là bác đặt tên Yên, Lành. Vậy là tôi có những người anh và chị mà tên đọc lên như là một câu văn: Quyết Chiến Sinh Bình Tồn Tiến Yên Lành. Những cách đặt tên như thế cũng nói lên ước vọng của người dân miền Tây trong thời chiến.
Tóm lại, Điệu buồn phương Nam là một tập đoản văn nhẹ nhàng viết về những sinh hoạt đời thường ở miền quê Tây Nam Bộ sau 1975. Đã có nhiều người viết về miền Tây Nam Bộ, nhưng Kim Chi khác với những tác giả khác ở văn chương dày đặc những phương ngữ Nam Bộ cùng một văn phong tự nhiên, và chính đặc điểm này làm cho tác giả trở thành một người kể chuyện vừa gần gũi vừa có duyên và có khi hỏm hỉnh.
Đối với các bạn nào yêu văn chương Nam Bộ hay muốn tìm hiểu về tâm lí và tánh khí của người miền Tây thì Điệu buồn phương Nam nên có mặt trong tủ sách gia đình.