Nên ưu tiên tiêm vaccine cho ai?

Đây là một câu hỏi hơi tế nhị, nhưng rất cần thiết trong tình hình nguồn vaccine hạn chế và dịch bệnh tăng nhanh như hiện nay. Việt Nam có một danh sách ưu tiên, nhưng tôi nghĩ cần phải xem lại danh sách này vì nó không phản ảnh đúng tình hình dịch bệnh, và cái note này có thể xem như là một ý kiến về khung giá trị và nhóm cần được ưu tiên.

Đây là đề nghị của tôi dựa trên 4 giá trị xã hội. Không phân biệt giữa ‘quan’ và dân, chỉ dựa vào nguy cơ lây nhiễm.

Theo báo LĐ, các giới chức Việt Nam đề ra 16 ‘đối tượng’ được ưu tiên chích vaccine [1]. Theo qui định này, nhân viên y tế (kể cả người tham gia chống dịch), kế đến là quân đội và công an, cán bộ ngoại giao, hải quan, giáo viên, v.v. Đa số là công nhân viên, còn dân thì đứng hạng thứ 9 trở đi. Tôi không hiểu sao nhân viên ngoại giao được ưu tiên hơn người dân trên 65 tuổi.

Không biết các bạn nghĩ sao, nhưng là người đọc tôi cảm thấy hình như có sự phân biệt giữa ‘quan’ và dân. Danh sách này nói lên một cách rõ ràng là quan có ưu tiên cao hơn dân. Có lẽ thứ tự này hơi thất sách về mặt chánh trị, bởi vì Nhà nước vẫn hay nói quan chức là đầy tớ của dân. Nhưng đó là vấn đề chung mà Nhà nước phải suy nghĩ lại.  

Vấn đề cụ thể tôi muốn nói là danh sách ưu tiên đó nó có vẻ không dựa trên một nguyên lí xã hội nào cả? (Xin nói lại rằng xác định ưu tiên hoá tiêm vaccine là một đề tài nghiên cứu khoa học). Nguyên lí xã hội mà tôi muốn nói là bình đẳng và tôn trọng. Đáng lí ra đứng trước tình hình dịch bệnh, mọi người trong xã hội phải bình đẳng; không nên phân biệt theo vai vế, quan hay dân. Bảo vệ cho dân cũng là bảo vệ cho quan, do đó, phân biệt quan dân không nên nằm trong ‘phương trình’ ưu tiên hoá.

Nguyên lí và giá trị xã hội

Vậy thì ưu tiên hoá vaccine nên theo tiêu chuẩn nào? Theo tôi là phải xác định mục tiêu mà chúng ta (xã hội) muốn đạt được trong kiển soát dịch. Mục tiêu mà tôi có đề cập hôm trước là: (1) bảo toàn hệ thống y tế; (2) giảm nguy cơ tử vong và bệnh nặng; và (3) trao quyền cho người dân quản lí nguy cơ. Tôi rất vui khi giới lãnh đạo thành phố đã nhắm đến mục tiêu 1 và 2 (theo như một tuyên bố gần đây).

Ở đây, chúng ta có thể triển khai 3 mục tiêu đó thành 4 giá trị xã hội như sau:

Thứ nhứt là bảo vệ sức khoẻ. Mục tiêu tối hậu là giảm nguy cơ tử vong, giảm gánh nặng của dịch đè lên hệ thống y tế, và bảo vệ các dịch vụ thiết yếu như y tế.

Thứ hai là bình đẳng và tôn trọng. Trong mục tiêu này, chúng ta xem lợi ích của tất cả các nhóm là như nhau. Chúng ta cung cấp vaccine cho những cá nhân và nhóm đạt tiêu chuẩn ưu tiên.

Thứ ba là công bằng. Các nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm hay các cá nhân nghèo cần được ưu tiên trong việc tiếp cận vaccine.  

Thứ tư là bảo vệ đôi bên. Mục tiêu này có nghĩa là bảo vệ những người có nguy cơ cao bị nhiễm (như nhân viên y tế và người nghèo) cũng là một cách bảo vệ những người có nguy cơ thấp trong cộng đồng.

Vấn đề kế tiếp là sau khi đã xác định giá trị chúng ta cần đạt đến, thì chúng ta phải làm gì cụ thể? Nếu Việt Nam có đủ vaccine thì chúng ta chẳng cần đặt ra vấn đề ưu tiên hoá, nhưng vì vaccine quá hạn chế nên ưu tiên hoá là điều cần thiết. Tôi đề nghị để đạt 4 giá trị trên, danh sách ưu tiên hoá như sau:

Nên ưu tiên cho ai?

1.  Nhân viên y tế (kể cả những người tham gia chống dịch) công và tư nhân. Đây là những người có nguy cơ cao bị nhiễm vì họ tiếp xúc nhiều người có nguy cơ cao hay bệnh nhân. Bảo vệ họ đáp ứng Giá trị 1.

2.  Những người chăm sóc người bị nhiễm tại nhà, nhứt là những căn hộ nhỏ hẹp có nguy cơ lây nhiễm cao. Đây là những người cần được ưu tiên để đáp ứng Giá trị 1 và 4. Ở Việt Nam, nhà cửa thường chật hẹp, mà cách li người bị nhiễm ở điều kiện như thế sẽ dẫn lây lan cho người trong nhà. Do đó, tôi đề nghị phải ưu tiên tiêm vaccine cho những người tiếp xúc gần hay chăm sóc người đang bị nhiễm trong nhà. Đây là giải pháp đơn giản và thực tế nhứt để giải quyết vấn đề cách li tại nhà.

3.  Những người cao tuổi (chẳng hạn như 65 tuổi trở lên). Kinh nghiệm ở nước ngoài, đa số các ca nhiễm là cao tuổi, và những người này cũng thường có những bệnh đi kèm có liên quan đến Covid19. Ưu tiên vào nhóm này đáp ứng Giá trị 1 và 3. Nhiều nghiên cứu mô hình dịch tễ học [2,3] cho thấy tập trung vaccine cho nhóm này sẽ đem lại hiệu quả lớn. Nếu có số liệu từ Việt Nam chúng tôi cũng có thể giúp làm mô hình như thế một cách dễ dàng.

4.  Những người không cao tuổi nhưng làm những việc có tiếp xúc với nhiều người (như buôn bán lẻ, giáo viên, giới chức, công an, v.v.). Đây là những người có nguy cơ tương đối cao vì công việc của họ. Do đó, ưu tiên nhóm này đáp ứng Giá trị 1, 3 và 4.

Cách ưu tiên hoá trên không dựa vào yếu tố ‘quan’ và dân, mà lấy nguy cơ bệnh và giá trị xã hội để phân định. Quan hay dân không quan trọng; quan trọng là họ có nguy cơ cao hay thấp, và chúng ta nên tập trung vaccine vào nhóm có nguy cơ cao.

________

[1] https://laodong.vn/y-te/16-nhom-doi-tuong-uu-tien-tiem-phong-vaccine-covid-19-nam-2021-2022-932932.ldo

[2] https://journals.plos.org/ploscompbiol/article?id=10.1371/journal.pcbi.1008849

[3] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1201971220325996

Hiện nay, danh sách 16 ‘đối tượng’ được ưu tiên tiêm vaccine là:

1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân);

2. Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…);

3. Lực lượng Quân đội;

4. Lực lượng Công an;

5. Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam4;

6. Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh;

7. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước;

8. Giáo viên, người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người;

9. Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi;

10. Người sinh sống tại các vùng có dịch;

11. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội;

12. Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

13. Các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế… cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch;

14. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo;

15. Người lao động tự do;

16. Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và đề xuất của các đơn vị viện trợ vaccine cho Bộ Y tế.