Tình trạng bất định trong sự nghiệp khoa học: Sao trông giáo sư âu lo thế?

Trong cái nhìn của công chúng, những nhà khoa học đạt tới vị trí giáo sư là những người nhàn hạ ngồi trong tháp ngà, thỉnh thoảng đưa ra những ý kiến chẳng ăn nhập gì với thực tế. Nhưng trong thực tế ở các nước phương Tây, hầu hết những giáo sư đều rất vất vả và sự nghiệp của họ rất ư là chông chênh, bất định. Bài này của tôi trên Tuổi Trẻ chỉ để nói lên lời nói của người trong cuộc.

—-

https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20191217/tinh-trang-bat-dinh-trong-su-nghiep-khoa-hoc-sao-trong-giao-su-au-lo-the/1549776.html

Thông thường, công chúng khi nhìn vào giới khoa học thường hình dung đó là một nhóm người khá lạ thường. Họ có vẻ lập dị, có thể bỏ cả đời để theo đuổi một vấn đề rất nhỏ nào đó chẳng có liên quan gì đến thực tế. Họ cũng viết bài báo, nhưng chẳng mấy người hiểu họ viết gì vì những từ ngữ có vẻ bí hiểm, xa rời thực tế. Thần thái thì lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu suy nghĩ về một vấn đề nào đó mà người đối diện không rõ. Ngay cả cách họ ăn mặc trong labo cũng khác thường, chẳng khác gì thầy cúng sắp làm phận sự. Tóm lại, trong cái nhìn của công chúng, giới khoa học là những người bất bình thường.

Chẳng những bất thường mà còn có phần … vô dụng. Vô dụng vì họ nói năng bằng những chữ mang tính không chắc chắn (như ‘có thể’, ‘có lẽ’, ‘khả năng’). Họ nghiên cứu thì lệ thuộc vào tiền thuế của người dân, nhưng người dân – qua cái nhìn kinh tế – thì chẳng hưởng lợi ích bao nhiêu từ họ

Tuy nhiên, thần thái đăm chiêu và tính cách hơi bất thường đó có thể hiểu được, nếu công chúng chịu khó đi vào thế giới của hoạt động khoa học và lắng nghe tâm tư của họ. Bài này giúp bạn đọc “xâm nhập”’ vào thế giới riêng tư đó để giúp công chúng và giới khoa học cảm thông nhau hơn.

Nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Ít ai biết rằng đằng sau những người làm nghiên cứu khoa học là vô số “nỗi niềm biết tỏ cùng ai”. Kể ra những nỗi niềm này thì cần đến một cuốn sách, nhưng ngắn gọn và trên hết là nhà khoa học thường phải đối diện với một tương lai bất định. Hôm nay mình còn tồn tại, được mời mọc đi đây đi đó, được bay xa và bay cao; ngày mai sẽ ra sao lại rất khó đoán được, vì tất cả phụ thuộc vào nguồn tài trợ. Mà, tài trợ thì càng không thể đoán trước được. Cái tương lai bất định và nỗi ám ảnh chông chênh đó đeo đuổi nhà khoa học từ lúc mới bước chân vào sự nghiệp nghiên cứu cho đến những ngày cuối sự nghiệp, thậm chí cuối đời.

Sau khi xong chương trình tiến sĩ, đa số nghiên cứu sinh phải tìm một vị trí hậu tiến sĩ (postdoc). Theo thống kê của Royal Society (Viện hàn lâm khoa học Anh), chỉ có 30% người tốt nghiệp tiến sĩ tìm được một vị trí hậu tiến sĩ. Và, chỉ có 10% hậu tiến sĩ còn tồn tại trong hệ thống nghiên cứu khoa học. Hơn thế nữa, chỉ có 3,5% trong số tốt nghiệp tiến sĩ tìm được việc làm nghiên cứu khoa học trong các đại học.

Tìm được vị trí hậu tiến sĩ không dễ chút nào, vì số vị trí thì ít mà số ứng viên thì nhiều. Các labo có tiếng chỉ tuyển nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ dựa vào công trình khoa học đã công bố. Không phải dựa vào là số lượng bài báo, mà là phẩm chất khoa học của bài báo và tập san. Một hay 2 bài trên các tập san lừng danh như Science và Nature vẫn chưa đủ. Đối với đa số đại học, có bài được xếp vào nhóm được trích dẫn cao (highly cited) cũng chưa đủ để đảm bảo một vị trí hậu tiến sĩ. Còn các labo khác thì ít ai chịu đọc lí lịch khoa học của ứng viên nếu không có ít nhất 5 bài trên tập san top trong chuyên ngành. Ngay cả tìm được một vị trí thì thời gian cũng chỉ 5 năm là tối đa, chớ không có cố định.

Từ hậu tiến sĩ đến chức vụ giáo sư đại học cũng là một con đường dài và gian nan. Chỉ có 0,45% (tức khoảng 5 người trên 1000) sau này trở thành giáo sư thực thụ. Số người thành giáo sư thực thụ và có labo độc lập lại còn hiếm hơn nữa. Thời gian từ khi tốt nghiệp tiến sĩ đến khi được bổ nhiệm giáo sư trung bình là 20 năm. Nhưng dù đã đạt được chức vụ giáo sư, ở rất nhiều đại học và viện nghiên cứu họ cũng không “an toàn”.

Chức vụ giáo sư thường có nhiệm kì chỉ 5 năm. Còn các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu thì thời gian hợp đồng chỉ 1 năm. Sau 5 năm (hay 1 năm), họ phải chứng minh đã làm “được việc” để được tái bổ nhiệm. Không ít giáo sư không được tái bổ nhiệm, và tương lai thất nghiệp (hay nghỉ hưu sớm) là một viễn cảnh rất thật. Đó chính là lí do tại sao rất nhiều giáo sư thường có vẻ lo âu và … bất bình thường.

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Tình trạng bất định trong khoa học ngày nay bắt nguồn từ vấn đề tài trợ cho nghiên cứu khoa học (thuật ngữ khoa học gọi là ‘grant’) mà tôi cần giải thích thêm. Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ grant. Có grant thì mới có tiền. Có tiền thì mới mướn nhân viên cộng sự. Có nhân viên cộng sự thì mới thực hiện được nghiên cứu. Có nghiên cứu thì mới có bài báo khoa học. Có bài báo khoa học thì mới được hội nghị mời diễn thuyết. Có bài báo khoa học và có diễn giảng thì người ta mới tài trợ grant cho nghiên cứu. Do đó, vòng tròn nghiên cứu khoa học bắt đầu bằng cái grant, nhưng kết thúc cũng là … grant!

Có nhiều loại grant: tài trợ cho một công trình/ý tưởng nghiên cứu; tài trợ cho một chương trình nghiên cứu; tài trợ cho cơ sở vật chất; tài trợ cho cá nhân nhà khoa học (fellowship), v.v.

Fellowship là quan trọng nhất, vì qua đó mà nhà khoa học có lương bổng để tồn tại [thường là] 5 năm. Khi nhà khoa học tồn tại thì mới xin các grant khác, hay theo cách nói của người Việt là an cư rồi mới lạc nghiệp.

Nhưng thành công trong grant thì chẳng những rất cạnh tranh (trong số 2000 người đệ đơn chỉ có chừng 100 người được) mà nhiều khi kết quả gần như là một trò chơi xổ số. Ngay cả những khôi nguyên Nobel cũng không thể đoán được mình sẽ có grant trong năm tới hay không.

Nhiều nhà khoa học cấp cao mỗi năm phải bỏ ra rất nhiều thì giờ chỉ để viết grant. Có người nói rằng gần 70% thời gian của họ là chỉ để nghĩ ra ý tưởng mới và viết grant xin tài trợ. Nhưng tính trung bình, tôi nghĩ con số là khoảng 40-50%.

Do đó, trái với suy nghĩ của công chúng là giới khoa học chỉ ngồi trên tháp ngà suy nghĩ chuyện đâu đâu, trong thực tế họ bỏ ra rất nhiều thì giờ để viết. Không phải chỉ viết bài báo khoa học, mà phần lớn là viết grant xin tài trợ! Viết rất nhiều, nhưng tài trợ thì chẳng bao nhiêu. Như một bài hát là “Cho rất nhiều, song nhận chẳng bao nhiêu”.

Tiền khủng phải chi cho xuất bản và hội nghị

Ngay cả khi có may mắn nhận tài trợ thì lại phải chi cho rất nhiều khoản chi khác trong công bố khoa học và hội nghị mà người ngoài không thấy. Giáo sư Kathryn Rudy (nhà sử học Canada) liệt kê 7 khoản chi cho công tác phí, chi phí mua bản quyền bài báo hay hình, chi phí công bố sách, chi phí công bố bài báo khoa học, v.v.

Trong các khoản chi đó, tôi chú ý đến chi cho xuất bản sách. Bà viết rằng khi nộp bản thảo cuốn sách cho nhà xuất bản, họ đòi ấn phí 36.000 USD trước khi gửi ra ngoài để bình duyệt. Trong khoa học xã hội, xuất bản sách là một trong những tiêu chuẩn để được đề bạt chức vụ giáo sư, mà xuất bản sách với cái giá này thì quả thật là khó khăn cho họ.

Đối với khoa học thực nghiệm như chúng tôi thì xuất bản sách không quan trọng, nhưng chúng tôi phải chi nhiều khoản khác như hội nghị, xuất bản bài báo, lưu trữ dữ liệu. Dự hội nghị rất quan trọng, vì đó là hình thức duy trì sự hiện diện và cái mà giới đại học thường nói là ‘visibility’. Duy trì visibility cho labo nghiên cứu và cho cả viện/trường trên trường quốc tế giúp nâng cao hạng của đại học; do đó, các giáo sư thường phải có mặt trong các hội nghị quan trọng trong chuyên ngành.

Mỗi năm, tôi phải đi dự một số hội nghị quan trọng, thường là 3 hội nghị ở Âu châu, Mĩ, và Úc. Chi phí hội nghị ngày càng đắt đỏ: hơn 20 năm trước, chi phí ghi danh hội nghị ASBMR (khoảng 5000 người) chỉ chừng 150 USD, nhưng ngày nay là 600 USD.

Đi dự hội nghị là phải mua vé máy bay, và một chuyến đi Mĩ giá trung bình là 5000 USD. Ngoài vé máy bay, còn phải đặt phòng khách sạn, và mỗi hội nghị 5 ngày thì tiền phòng cũng xấp xỉ 1000 USD. Như vậy, chỉ 1 hội nghị thì chi phí cũng cỡ 7000 USD. Hội nghị Âu châu cũng có chi phí cỡ đó, nhưng hội nghị ở Úc thì chỉ chừng 2000 USD.

Nhưng đó là chi phí cho 1 cá nhân, chúng tôi còn phải lo chi trả cho thành viên của nhóm. Nếu nhóm có 3 người đi thì chi phí xấp xỉ 15,000 USD cho nước ngoài cộng với 5000 USD cho hội nghị địa phương. Tính trung bình, mỗi năm labo chúng tôi chi gần 20,000 USD chỉ cho hội nghị!

Ngoài chi phí hội nghị, giới khoa học còn phải trả ấn phí xuất bản. Làm nghiên cứu khoa học là phải công bố kết quả nghiên cứu. Ngày nay, công bố khoa học cũng phải trả ấn phí. Nếu tập san chuyên ngành do hiệp hội chuyên môn quản lí thì cái giá là khoảng 1000 USD mỗi bài. Nếu công bố trên các tập san Mở (Open Access) thì có thể dao động từ 1500-5000 USD. Tập san danh tiếng (như Nature, Cell) thì ấn phí (trên 5000 USD một bài) càng cao. Mỗi năm, tính trung bình labo tôi chi ra khoảng 10.000 USD cho xuất bản phí. Tất cả những chi phí đó đều lấy từ các grant tài trợ cho nghiên cứu. Do đó, một lần nữa, vai trò của grant rất ư quan trọng.

Nhà khoa học = nhà ngoại giao + quản lí

Mỗi labo nghiên cứu khoa học ngày nay có thể xem như là một doanh nghiệp nhỏ. Trong cái doanh nghiệp đó, giám đốc là giáo sư hay người đứng đầu labo; vận hành khoa học và thí nghiệm là các hậu tiến sĩ; “công nhân” là các nghiên cứu sinh. Tất cả tiền điện, nước, in ấn, vệ sinh…labo đều phải trả tiền cho viện nghiên cứu hay trường đại học. Một labo nho nhỏ (5 người) thì chi phí này có thể lên đến 20.000 USD. Tất cả các tiền này cũng phải trích từ grant được tài trợ.

Do đó, nhà khoa học ngày nay không chỉ đơn thuần làm nghiên cứu khoa học, mà còn phải … hơn thế nữa. Cái ‘hơn thế nữa’ ở đây bao gồm khả năng quản lí và khả năng ngoại giao. Quản lí cơ sở vật chất, quản lí nhân sự, quản lí ngân sách, quản lí các mối liên hệ là những kĩ năng không thể thiếu được của một nhà khoa học. Quản lí tài chánh càng ngày càng trở thành một kĩ năng vô cùng quan trọng vì nếu làm không tốt thì rất dễ bị … sạt nghiệp. Kĩ năng ngoại giao vô cùng quan trọng, vì nói cho cùng nhà khoa học phải sống trong ‘bộ lạc’, và làm quen với các nhân vật quan trọng trong bộ lạc là kĩ năng sống còn.

Cạnh tranh dữ dội

Hầu hết các nhà khoa học chọn nghiệp nghiên cứu đều đối diện với một tương lai bất định suốt đời. Tình trạng bất định xuất phát từ nguồn tài trợ cho khoa học càng hiếm và cạnh tranh rất cao. Dĩ nhiên, những người có lương từ các đại học thì tình trạng bất định không nghiêm trọng (vì họ có lương ổn định) như các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu độc lập. Nhưng ngay cả các giáo sư đại học cũng thích có fellowship vì có tài trợ đó họ không lệ thuộc vào trường đại học mà còn có ‘prestige’ trong chuyên ngành. Fellowship là một dạng của grant.

Để biết tính cạnh tranh như thế nào, có thể xem qua vài con số về công bố khoa học trong đợt tài trợ fellowship vừa qua của Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Úc (NHMRC). Có 2 loại fellowships chính: loại dành cho các nhà khoa học sau tiến sĩ 10 năm (gọi là EL) và loại dành cho các nhà khoa học cấp phó giáo sư trở lên (tức đã ‘thành danh’).

Để có một fellowship loại EL ứng viên phải có ít nhất 30 bài báo khoa học trong lí lịch và những bài báo này phải có tác động ít nhất là 2 lần so với trung bình. Ứng viên loại ‘thành danh’ phải có ít nhất là 100 bài báo khoa học, và tác động nghiên cứu phải cao ít nhất là 3 lần trên trung bình.

Ba phần tư ứng viên rớt trong giai đoạn đầu tuyển chọn; chỉ có 25% vào vòng ‘chung kết’, và chỉ có 11% trong số vào vòng chung kết đạt được fellowship. Do đó, cường độ cạnh tranh để có grant dạng fellowship rất cao, và giới khoa học gốc Á châu hay nữ thường bị thiệt thòi.

Đấy là những lý do khiến giới khoa học cấp giáo sư nom có vẻ ‘bất thường’, mà lí do đơn giản và gần nhất là họ phải lo đến tương lai mất việc do không có grant – tài trợ. Nhưng bài viết cũng muốn nhắn đến các bạn đang theo học tiến sĩ hay đang làm nghiên cứu hậu tiến sĩ nên lưu tâm đến tình trạng bất định trong sự nghiệp khoa học.

Đã chọn sự nghiệp nghiên cứu thì phải biết trước tình trạng này và chuẩn bị cho sự chông chênh trước mặt. Nói như vậy không có nghĩa là không chọn sự nghiệp nghiên cứu, vì chọn lựa là quyết định cá nhân. Ai cũng muốn thành công trong sự nghiệp, nhưng thành công chỉ đến với những người chọn con đường khó khăn và chông gai, chớ không bao giờ đến với những người lựa chọn con đường trơn tru.

Những ngộ nhận về giáo sư

Mấy tuần nay, các diễn đàn báo chí ồn ào chung quanh vấn đề phong (hay ‘công nhận’) chức danh giáo sư. Người ta ngạc nhiên về con số tăng “đột biến”, và từ đó đặt dấu hỏi về tiêu chuẩn giáo sư. Báo Tuổi Trẻ có nhã ý mời tôi viết 2 bài để giải thích ý nghĩa và tiêu chuẩn chức danh (hay chức vụ) giáo sư. Bài này bàn về 10 ngộ nhận rất phổ biến ở trong nước.

https://tuoitre.vn/nhung-ngo-nhan-ve-giao-su-20180124083725667.htm

Những ngộ nhận về giáo sư

TTO – Ở nhiều nước, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư thu hút nhiều sự chú ý của giới báo chí và công chúng. Từ con số giáo sư và phó giáo sư (gọi chung là “giáo sư”) được xem là tăng đột biến, có nhiều câu hỏi về qui trình và tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư.

Đã có nhiều ý kiến bàn về chức danh giáo sư ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Âu châu, Mỹ và Úc. Tuy nhiên tôi thấy có nhiều ngộ nhận cần phải được giải thích lại cho rõ ràng hơn.

Ngộ nhận 1: Giáo sư là phẩm hàm, chức danh hay chức vụ? Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa bên Đông Âu, giáo sư trong các đại học được xem là một phẩm hàm (honour hay order) do Nhà nước ban tặng và đương sự giữ hàm đó suốt đời.

Nếu xem giáo sư là một phẩm hàm thì chữ “chức danh giáo sư” có thể dùng. Nhưng ngày nay, nhiều đại học Đông Âu đã theo mô hình đại học Mỹ, nơi mà giáo sư được xem là một chức vụ khoa bảng (academic position), thường do trường đại học đề bạt hoặc bổ nhiệm.

Người ta bổ nhiệm hay đề bạt một cá nhân, chứ không ai “bổ nhiệm chức danh.” Do đó, ở Mỹ và Úc không có trường nào “công nhận chức danh giáo sư”; họ chỉ bổ nhiệm hay đề bạt “chức vụ giáo sư” như là một hình thức công nhận những đóng góp quan trọng và xuất sắc của các ứng viên.

Ngộ nhận 2: Chỉ có hai bậc giáo sư? Ở Việt Nam chỉ có hai bậc giáo sư là “Phó giáo sư” và “Giáo sư”, nhưng nhiều đại học trên thế giới có 3 bậc giáo sư: Giáo sư trợ lí (Assistant Professor), Giáo sư dự bị (Associate Professor), và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Ở Úc có thời theo hệ thống của Anh, nên một số đại học còn duy trì hệ thống 4 bậc: Giảng viên (Lecturer), Giảng viên cao cấp (Senior Lecturer), Giáo sư dự bị (Associate Professor) hay Reader, và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Lưu ý rằng tuy mang danh là “Giáo sư trợ lí” nhưng những người giữ chức vụ này không phải là phụ tá cho giáo sư nào cả, mà họ là những nhà khoa học độc lập.

Ngộ nhận 3: Giáo sư chỉ dành cho người giảng dạy? Trong thực tế, chức vụ giáo sư có thể dành cho người giảng dạy đại học, nhưng cũng dành cho những người chuyên làm nghiên cứu khoa học, hoặc những người vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học.

Các đại học phương Tây đề bạt chức vụ giáo sư theo 2 ngạch: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cũng là chức vụ và danh xưng “giáo sư”, nhưng mỗi ngạch có những tiêu chuẩn khác nhau. Những giáo sư theo ngạch nghiên cứu rất ít giảng dạy; nếu có giảng dạy thì qua hướng dẫn nghiên cứu sinh. Trong khi đó, những giáo sư theo ngạch giảng dạy vẫn phải làm nghiên cứu khoa học.

Ngộ nhận 4: Giáo sư phải là người của đại học? Không hẳn như thế. Đa số giáo sư là người của trường đại học (hiểu theo nghĩa trường đại học trả lương); tuy nhiên, một số không ít các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc bệnh viện vẫn có thể giữ chức vụ giáo sư nhưng không do đại học trả lương.

Ở Đức, có cả 5 “con đường”, kể cả giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo khoa học, để một ứng viên được thăng tiến và đề bạt vào chức vụ giáo sư.

Đó là chưa kể một số giáo sư kiêm nhiệm, nhưng họ phải đề chức danh trước tên là “Adjunct Professor” chứ không được đề là “Professor”. Một số người sau khi rời đại học và không còn giảng dạy (có thể là nghỉ hưu) vẫn có thể được quyền dùng danh xưng giáo sư, nhưng kèm theo chữ “Emeritus”.

Danh xưng “Emeritus Professor” không phải “tự động” sau khi nghỉ hưu, mà phải do hội đồng khoa bảng của đại học quyết định trao tặng cho những người đã có những đóng góp quan trọng cho trường đại học khi còn tại chức.

Ngộ nhận 5: Mỗi bộ môn trong đại học chỉ có một giáo sư? Điều này không đúng với thực tế. Ở nhiều nước, kể cả Mỹ, Úc, Canada, Đức, Anh, mỗi bộ môn có thể có nhiều giáo sư thực thụ. Dĩ nhiên, mỗi bộ môn chỉ có một giáo sư trưởng bộ môn.

Cần nói thêm rằng ở nước ngoài, nhiều giáo sư không muốn làm trưởng bộ môn vì họ không muốn những công việc hành chính làm ảnh hưởng đến nghiên cứu của họ và do đó, nhiều nơi có chế độ luân lưu trưởng bộ môn.

Ngộ nhận 6: Công bố nhiều bài báo khoa học mới xứng đáng giáo sư? Bổ nhiệm chức vụ giáo sư không tuỳ thuộc vào năng suất nghiên cứu khoa học (thể hiện qua số bài báo khoa học đã công bố), mà tuỳ thuộc rất lớn vào chất lượng và tác động xã hội của nghiên cứu khoa học. Do đó, công bố nhiều bài báo không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong đề bạt các chức vụ khoa bảng.

Cũng cần phải nói thêm rằng bài báo khoa học chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn khác như đóng góp cho trường, đóng góp cho quốc gia, đóng góp cho chuyên ngành, uy tín trong chuyên ngành ở tầm quốc tế và phụng sự xã hội.

Ngộ nhận 7: Công bố một hay vài bài báo khoa học trên tập san “đỉnh” là xứng đáng chức vụ giáo sư? Chất lượng nghiên cứu khoa học không phải chỉ thể hiện qua một hay vài báo báo quan trọng. Do đó, có nhiều người ở nước ngoài dù có các công trình trên các tập san hàng đầu như Science, Nature, Cell… nhưng vẫn chưa đủ chuẩn để được đề bạt lên chức vụ giáo sư.

Khi đề bạt chức vụ giáo sư, hội đồng phải xem xét cả quá trình dài của ứng viên, chứ không phải chỉ vài trường hợp cá biệt hay ngoại lệ.

Ngộ nhận 8: Giỏi chuyên môn và viết nhiều sách mới xứng đáng giáo sư? Có nhiều người hiểu lầm rằng hễ giỏi chuyên môn là xứng đáng chức vụ giáo sư, nhưng quan điểm này không đúng và không khoa học. Vấn đề là ai đánh giá và dựa vào tiêu chí gì để đánh giá là “giỏi”.

Như có đề cập trên, trình độ chuyên môn chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nói chung, viết sách không phải là một tiêu chuẩn cần thiết để được đề bạt chức danh giáo sư. Tuy nhiên, có vài nơi và vài chuyên ngành, người ta xem sách là một chứng cứ về nghiên cứu khoa học nên vẫn được xem xét như là một tiêu chuẩn để đề bạt.

Ngộ nhận 9: Giáo sư phải có bằng tiến sĩ? Ngày nay, đa số các giáo sư có bằng tiến sĩ, nhưng chỉ có một số ít tiến sĩ trở thành giáo sư. Tuy nhiên, văn bằng tiến sĩ không phải là điều kiện cần để trở thành giáo sư. Trong thực tế, ở các nước đang phát triển và ngay cả ở các nước tiên tiến, có nhiều bác sĩ và không ít nhà khoa học với bằng cao học (masters) vẫn có thể được bổ nhiệm làm giáo sư.

Ngộ nhận 10: Tiêu chuẩn đề bạt hay bổ nhiệm giáo sư giống nhau giữa các đại học? Ở các nước Âu Mỹ, các đại học có những tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư rất khác nhau.

Các đại học càng danh tiếng có những tiêu chuẩn càng cao so với các đại học kém nổi tiếng. Chẳng hạn các đại học trong nhóm “G8” (Úc) hay các đại học trong nhóm “Ivy League” (Mỹ) có tiêu chuẩn cao hơn các đại học vùng hay đại học trong nhóm “state university”.

Tóm lại, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, với những tiêu chuẩn khác nhau.

Tiêu chuẩn không chỉ giới hạn trong số lượng hay chất lượng nghiên cứu khoa học, mà còn bao gồm những khía cạnh đóng góp cho chuyên ngành, cho xã hội, cho trường và cho quốc gia.

Mỗi nước có một hệ thống giáo dục đại học riêng, do đó các tiêu chuẩn về chức vụ giáo sư cũng rất khác nhau giữa các nước. Tuy nhiên, có một mẫu số chung ở các nước Âu Mỹ là các quan chức trong chính phủ không giữ chức vụ giáo sư. Họ có thể được trao tặng danh hiệu “giáo sư”, nhưng họ không phải là giáo sư thực thụ.

Vài năm trước ở Anh có một quan chức rất cao cấp dùng danh xưng “Professor” trước tên bà, nhưng hai đại học Úc đã nhắc nhở rằng bà chỉ có quyền dùng danh xưng “Adjunct Professor” (để người ta biết rằng đó không phải là một chức vụ chính thức).

Việt Nam, sau lần công nhận chức danh giáo sư năm nay, đã có hơn 12.000 giáo sư và phó giáo sư. Đó là một con số khá lớn so với nước láng giềng. Ở Thái Lan, số liệu năm 2015 cho thấy cả nước có 6.343 phó giáo sư và 754 giáo sư.

Tuy nhiên, Thái Lan chỉ có khoảng 150 đại học, trong đó có 14 đại học tự chủ. Nhưng mỗi năm Thái Lan công bố được gần 10.000 bài báo khoa học, cao gấp 2 lần Việt Nam.

Số giáo sư tăng "đột biến" không phải là hiện tượng mới

Tôi mới phát hiện rằng số giáo sư được ‘phong’ trong quá khứ đã có vài lần tăng đột biến, chứ không phải chỉ năm nay. Có năm (1991, 1996) số giáo sư và phó giáo sư cộng lại gần xấp xỉ con số 1000! Biểu đồ dưới đây cho thấy xu hướng phong giáo sư và phó giáo sư trong 38 năm qua.

Chúng ta biết rằng qui chế phong giáo sư được khởi xướng từ năm 1980. Năm đó có đến 83 người được phong giáo sư và 347 người là phó giáo sư. Hai năm sau, số GS và PGS lần lượt là 117 và 664, tính ra tăng 82% so với năm 1980. Lạ lùng thay, đến năm 1986, số người được phong GS giảm xuống chỉ còn 6 người, và số PGS cũng chỉ 10 người! Cá biệt hai năm 1989 và 1997, chỉ có 2 người được phong GS và không có ai được phong PGS. Từ 1998 đến 2000 không có đợt phong giáo sư (?)

Bắt đầu từ năm 2001 trở đi, tình hình có vẻ ‘ổn định’, với tổng số GS và PGS dao động giữa 400 và 700. Nhưng đến năm 2017, như chúng ta thấy có sự tăng đột biến. Số GS/PGS (85 GS và 1141 PGS) năm 2017 tăng 74% so với năm 2016.

Tuy nhiên, nếu nhìn lại những năm trong thế kỉ 20 thì đó không hẳn là quá cao. Chẳng hạn như năm 1992, Nhà nước phong giáo sư cho 247 người, và con số này là kỉ lục trong suốt 38 năm qua. Ngay cả những năm 1984, 1992, 1996 và 2002, con số GS dao động trong khoảng 115 đến 210 người!

Để thấy những con số GS/PGS của Việt Nam là bất bình thường, chúng ta phải nhìn sang Thái Lan để so sánh. Số liệu năm 2015 của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các đại học hiện có 6376 associate professor và 754 professor (tức cỡ “giáo sư” của Việt Nam). Tính chung, các đại học Thái Lan có khoảng 7130 giáo sư và phó giáo sư. Ở Việt Nam, chỉ tính từ 2001, đã có 981 giáo sư và 8074 phó giáo sư, tức tổng số cao hơn Thái Lan khoảng 27%!

Trong thực tế, nếu nhìn vào chuẩn đề bạt thì có lẽ đa số phó giáo sư của Việt Nam chỉ tương đương với Assistant Professor của Thái Lan. Cũng có thể nói rằng qua “track record,” đa số giáo sư Việt Nam có thể tương đương với Associate Professor hay thấp hơn của Thái Lan.

Tóm lại, hiện tượng tăng “đột biến” số giáo sư và phó giáo sư trong năm qua không phải là mới. Trong quá khứ đã có ít nhất là 3 đợt tăng đột biến như thế. Những xu hướng tăng giảm một cách đột biến như thế phản ảnh qui trình và tiêu chuẩn “phong” hay “công nhận” giáo sư ở Việt Nam có vấn đề. Có lẽ vấn đề lớn nhất là những tiêu chuẩn đặt ra thiếu tính khoa học (bởi vì nếu mang tính khoa học thì con số không thể ‘irreproducible’ như trong thời gian qua). Nếu thiếu tính khoa học thì có lẽ các tiêu chuẩn được đặt ra vì mục đích khác chứ không vì mục đích khoa học.