Đó là câu hỏi làm tốn rất nhiều giấy mực ở Úc, vì có 2 phe rõ rệt: phe “Yes” và phe “No”. Sau khi xem qua bằng chứng khoa học, tôi thì nghiêng về phe “Yes” và nghĩ Việt Nam cũng nên mở cửa trường học.
Nói chung, Chánh phủ Úc đã quyết định ‘mở cửa’ biên giới mặc dù số ca dương tính vẫn còn khá cao. Các đại học cũng đã mở của campus chào đón sinh viên trong nước, và khuyến khích sinh viên nước ngoài quay lại Úc. Tôi nghĩ đó là quyết định đúng và tôi cũng đã nói từ năm ngoái rằng nếu cứ lệ thuộc vào số ca dương tính thì cả xã hội còn khổ dài dài. Chúng ta phải sống chung với con virus thôi, và đó là điều chắc chắn và vĩnh viễn.
Theo tôi biết (chỉ qua báo chí) thì các nước khác cũng có quyết định mở cửa như Úc. Thật ra, Úc làm hơi trễ so với Mĩ và các nước Âu châu. Bên Canada, tôi đọc tin thấy một tỉnh (hình như là Saskatchewan) còn có quyết định táo bạo hơn là dẹp chủ trương bắt buộc tiêm vaccine! Nói cách khác, các công sở và công ti không đòi nhân viên phải trưng bày bằng chứng đã tiêm vaccine hay có kết quả xét nghiệm âm tính để đi làm. Wow, nếu đúng thế thì đó là một quyết định rất can đảm. (Thật ra, họ đi đến quyết định này là sau khi ~80% dân số đã tiêm 2 liều vaccine và gần 60% dân số đã tiêm liều bổ sung).
Nhưng còn trẻ em và học sinh thì sao? Câu hỏi cụ thể là học sinh có nên quay lại trường học?
Ở Úc, một phe thì nhứt định nói “Không”, vì họ cho rằng các học sinh đi học lại trong trường sẽ làm bùng phát dịch, bởi vì họ tương tác với nhau rất … tích cực. Còn một phe thì “Yes”, vì họ cho rằng nếu đã mở cửa và chấp nhận sống chung với virus thì hà cớ gì không cho học sinh đi học lại. Cần nói thêm là ở Úc, đa số học sinh cũng đã được tiêm đủ 2 liều vaccine, thì lí do để không cho họ quay lại trường xem ra không mấy thuyết phục.
Tôi cũng nghiêng về phe “Yes”, và nghĩ rằng học sinh nên nhập học. Có 2 lí do chánh tại sao tôi nghĩ như vậy:
Lí do thứ nhứt: trẻ em có nguy cơ nhiễm Covid thấp hơn người lớn. Ngay từ đầu dịch, số liệu nghiên cứu cho thấy xác suất nhiễm ở trẻ em rất thấp, chỉ bằng 1/10 người lớn. Ngay cả ngày nay, khi số ca nhiễm tăng với các biến thể mới, thì trẻ em vẫn có nguy cơ nhiễm thấp hơn người lớn [1]. Không chỉ nguy cơ nhiễm thấp, khi bị nhiễm họ ít bị nhiễm nặng và nguy cơ tử vong cũng rất thấp [2]. Xu hướng này được ghi nhận ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng ai biết tại sao trẻ em có nguy cơ nhiễm thấp, nhưng giả thuyết là do hệ miễn dịch của họ tốt hơn so với người lớn.
Lí do thứ hai: sự lây lan virus ở trẻ không giống như ở người lớn. Chúng ta biết rằng đa số những ca lây nhiễm là qua lan truyền trong nhà/gia đình. Nhưng đối với Covid, các nghiên cứu ở Á châu cho thấy trẻ em bị nhiễm trong nhà nhưng họ không hay rất ít lây nhiễm cho người khác [2]. Ở Úc có những ca nhiễm ở trường học, nhưng điều thú vị là những ca này không lây lan cho các học sinh khác [3].

Ý tưởng đóng cửa trường hay để học sinh học online là để kiểm soát và giảm số ca Covid trong cộng đồng. Nhưng câu hỏi đặt ra là có chứng cớ nào cho thấy đóng cửa trường học sẽ làm giảm số ca Covid? Câu trả lời là chưa có bằng chứng nào để nói vậy. Thật ra, trước đây đã có một phân tích mô hình cho thấy đóng cửa trường để giảm lây lan cúm mùa và SARS chẳng đem lại lợi ích lớn gì cả [4]. Do đó, có thể suy luận rằng đóng cửa trường càng chẳng có hiệu quả giảm lây lan Covid.
Dĩ nhiên, nói “mở cửa” trường không có nghĩa là quay về tình trạng bình thường như thời trước Covid. Chúng ta sẽ không bao giờ ‘bình thường’ theo cách đó, mà phải sống với bình thường mới. Bình thường mới trong học đường có nghĩa là rửa tay thường xuyên, vẫn giữ khoảng cách cần thiết, hạn chế tiếp xúc trực diện (face-to-face interaction) giữa thầy và trò, và giữa trò và trò. Học sinh bị cảm cúm hay có triệu chứng covid nên ở nhà.
Tóm lại, bằng chứng khoa học cho thấy nguy cơ nhiễm Covid ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, và khi bị nhiễm họ thường bị nhẹ và ít lây lan cho trẻ em khác. Trong khi xã hội ‘mở cửa’ và chấp nhận sống chung với virus thì chẳng có lí do gì mà không mở cửa trường học cho học sinh.
_____
[1] How Common is Long COVID in Children and Adolescents? https://journals.lww.com/pidj/Fulltext/2021/12000/How_Common_is_Long_COVID_in_Children_and.20.aspx
[2] Children are unlikely to have been the primary source of household SARS-CoV-2 infections. https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.03.26.20044826v1
[3] https://www.ncirs.org.au/sites/default/files/2021-09/NCIRS%20NSW%20Schools%20COVID_Summary_8%20September%2021_Final.pdf [4] School closure and management practices during coronavirus outbreaks including COVID-19. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32272089