Kể chuyện đi nhận Huân chương Australia

Hôm nay (13/5) là một ngày đáng nhớ trong đời: tôi đi dự lễ investiture (thụ phong) ở Phủ Toàn Quyền [1] để nhận Huân chương Australia. Buổi lễ diễn ra khá đơn giản nhưng trang trọng, và để lại nhiều cảm xúc trong tôi. Tôi đóng vai phóng viên báo chí mô tả buổi lễ để các bạn biết một chút về nước Úc.

Hôm nay, lễ thụ phong ‘Order of Australia’ do Toàn quyền tiểu bang New South Wales, bà Margaret Beazley QC AC, chủ trì. Xin nói thêm rằng Úc không/chưa phải là nước cộng hoà, nên người đứng đầu quốc gia không phải là tổng thống, mà là Nữ Hoàng Anh. Người đại diện cho Nữ Hoàng cấp quốc gia là Governor-General (Tổng Toàn quyền), còn người đại diện cho Nữ Hoàng cấp tiểu bang là Governor (Toàn quyền). Trên danh nghĩa chánh thức, Huân chương Australia là do Nữ Hoàng trao, nhưng bà ấy ở xa (và mới bị Covid) nên các vị Toàn quyền thay bà làm việc lễ nghi đó.

Đây là hình chụp từ vimeo với bà Toàn quyền tiểu bang New South Wales tên là Margaret Beazley QC AC trong buổi lễ thụ phong ngày 13/5/2022. Buổi lễ được livestream tại https://livestream.com/blive/investitureceremonymay2022/videos/231096959 (Phần của tôi là từ phút 14:10 đến 16:20)

Lễ thụ phong

Buổi lễ diễn ra khá đơn giản, nhưng không kém phần trang trọng. Mỗi người được trao huân chương có thể mời 2 người thân vào lễ đường. Ban tổ chức rất cẩn thận, họ in thiệp mời cho từng khách mời và khách phải có thiệp này mới được cho vào lễ đường. Nhà tôi đi 4 người, nhưng chỉ có 2 người là được vào lễ đường, còn 2 người thì ngắm hoa và biển hay theo dõi qua livestream.

Khi bước vào đại sảnh thì người ta tách ra 2 khán phòng. Phòng đầu dành cho thân nhân, phòng sau dành cho những người nhận huân chương. Cách sắp xếp này có ý nghĩa rằng những người có vinh dự hôm nay là nhờ sự hỗ trợ và chăm sóc của người thân trong gia đình, và do đó người thân phải được ưu tiên ngồi khán phòng đầu.

Hôm nay có 28 người được trao huân chương. Trong số này, 1 người là AO, 5 người là AM, và số còn lại là OAM và huân chương trao cho những cá nhân can đảm cứu người. Nhóm người AM/AO thì được xếp ngồi hàng ghế đầu trong khán phòng dành cho người nhận huân chương. Tôi ngồi bên cạnh cô Catherine Cox (một ngôi sao thể thao) và ông Nicolas Parkhill (người có công trong việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS).

Danh sách những người được trao Huân chương Australia vào ngày 13/5/2022 tại Phủ Toàn Quyền New South Wales. Trong số 28 người được trao Huân chương, có 1 người nhận Huân chương AO, 5 người AM. Trong số 5 người nhận AM, có hai ông chánh án toà án tối cao.

Chúng tôi được hướng dẫn rất kĩ về nghi thức buổi lễ. Họ có người đóng vai bà Toàn quyền và người đóng vai nhận huân chương. Hai ‘diễn viên’ này diễn cách chào bà Toàn quyền như thế nào, cách đi đứng, và cách xưng hô sao cho đúng. Trước khi gặp bà Toàn quyền, người ta còn kiểm tra một lần nữa quần áo có chỉnh chu chưa. Cái cô lo phận sự này chỉnh sửa cái trouser của tôi thẳng thóm đâu ra đó. Tôi nghĩ thầm ‘Gặp bà Toàn quyền chứ ai mà quan trọng thế’. Nghĩ vậy thôi, chứ tôi vẫn để cho cô ấy làm phận sự của mình.

Mở đầu buổi lễ là một người Trợ lí Toàn quyền làm Master of Ceremony (MC). Người MC lần này tên là Michael Miller mời các khách đứng lên để chào đón bà Toàn quyền vào lễ đường để bắt đầu buổi lễ.

Bà Toàn quyền, bằng một ngôn ngữ người thổ dân, ghi nhận chủ nhân truyền thống của mảnh đất mà bà đang đứng. Kế đến, bà nói về lịch sử và ý nghĩa của Huân chương Australia. Bà cho biết Huân chương Australia chỉ mới được thiết lập từ ngày 14/2/1975 (tức trước ‘biến cố 1975’ ở Việt Nam chỉ 3 tháng). Cần nói thêm rằng trước đó thì công dân Úc chỉ nhận huân chương bên … Anh. Người đề nghị Nữ Hoàng thiết lập Huân chương Australia chính là Thủ tướng Gough Whitlam, một người thuộc đảng Lao Động. Theo tầm nhìn của ông Whitlam, Úc cần có một hệ thống tưởng thưởng và vinh danh những công dân Úc có những thành tựu quan trọng hay phụng sự xã hội xuất sắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng huân chương đó phải có chữ ‘Australia’, và do đó, mới có danh hiệu ‘Order of Australia’.

Có lẽ các bạn tò mò muốn thấy cái Huân chương Australia nó ra làm sao, nên tôi chụp hình cho các bạn xem. Như các bạn thấy Huân chương Australia giống như cái huy hiệu gồm 2 phần: phần trên là cái Emblem, và phần dưới là cái Insignia. Cái emblem có hình cái vương miện có tên là Crown of Saint Edward (có nghĩa là ‘Vương miện của Thánh Edward’). Cái Insignia thì phần chính là hai vòng tròn có hai cành mimosa phía trên, và khắc chữ ‘Australia’ ở phía dưới.
Đây là tờ ‘testamur’ về Huân chương Australia. Tạm dịch: Với sự phê chuẩn của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Nữ Hoàng của Australia và Chủ Quyền của Huân Chương Australia, tôi hân hạnh bổ nhiệm ông làm Thành Viên Dân Sự của Huân Chương Australia.
 
Với những chữ trên văn bản này, tôi bổ nhiệm ông làm Thành Viên Dân Sự của Huân Chương đã đề cập trên và cho quyền ông được giữ và thụ hưởng tước vị của sự bổ nhiệm cùng với thành viên của Huân chương và tất cả đặc quyền kèm theo Huân chương.
 
Được chứng thực tại Phủ Toàn Quyền, Canberra dưới dấu thị thực của  Huân Chương Australia vào Ngày Hai Mươi Sáu của Tháng Một Năm 2022.
 
Thừa lệnh của Tổng Toàn Quyền
 
 
Thư kí Hội đồng Huân Chương Australia

Bà Toàn quyền nói gì với tôi?

Sau đó là phần trao huân chương, và đây cũng chính là lúc bà Toàn quyền vất vả nhứt. Cứ mỗi người được trao huân chương, người MC xướng danh người đó và đọc bản ‘citation’ ngắn về công trạng trong khi người đó đứng ở ‘cánh gà’; sau đó đương sự được mời ra đứng bên cạnh bà Toàn quyền để bà gắn huân chương trên áo. Cái citation là do họ soạn, và họ không thể nào đọc hết những thành tích hay chức vụ, nên họ chỉ chọn những thông tin cần nhấn mạnh theo ưu tiên và cái nhìn của họ.

Sau khi gắn huân chương, bà Toàn quyền nói vài câu ngoại giao với người được ‘thụ phong’, nhưng hình như không được phát thanh, nên chỉ có hai người biết mình nói gì. Trong trường hợp của tôi, bà chúc mừng về những ‘achievements’ liên quan đến loãng xương và những việc bên đại học; tôi đáp lời rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để giảm tử vong ở những bệnh nhân loãng xương. Bà quay sang chủ đề loãng xương rồi hỏi đùa rằng (tôi dịch nôm na):

“Ông thấy tôi như vầy có cần phải chạy bộ mỗi ngày không?”

Tôi cũng trả lời vừa đùa vừa thật:

“Tôi thấy bà ok lắm, nhưng sống trong cái khung cảnh tuyệt vời này, tại sao bà không chạy bộ quanh vườn mỗi sáng và mỗi chiều?”

Bà cười nói “Good idea” (Ý tưởng hay). Rồi bà bảo tôi quay về ống kính để chụp hình lưu niệm.

Sau buổi lễ là một buổi tiệc nhẹ do bà Toàn quyền thiết đãi tất cả những thân nhân và người nhận huân chương (chắc cỡ 100 người). Thực đơn bao gồm những đặc sản của Úc, đặc biệt là New South Wales, và rượu vang.

Trong buổi tiệc, bà Toàn quyền tìm đến gặp tôi để hỏi han thêm. Bà hỏi tôi đi đến Úc bằng ghe lớn hay ghe nhỏ; tôi nói ghe nhỏ. Bà cười nói “Vậy ông là ‘thuyền nhân’ hả?” Tôi tự hào nói “Yes”. Bà nói rằng thời thập niên 1980 bà làm trạng sư (bà là luật sư cấp QC) và rất quan tâm đến vấn đề tị nạn và thuyền nhân từ Việt Nam. Bà biết vài trường hợp thuyền nhân con nít đến đây hoàn toàn chẳng có tiếng Anh tiếng U gì, mà sau này đều thành tài, có người hành nghề luật sư như bà. Còn gặp thuyền nhân ‘academic’ như tôi thì bà mới gặp lần đầu.

Bà Toàn quyền tiết lộ rằng một vị đại sứ Úc ở Việt Nam từng nói với bà là có nhiều ‘thuyền nhân’ ở Úc không bao giờ quay về Việt Nam, và việc tôi quay về quê hương thứ nhứt và có những việc làm có ý nghĩa là một ‘welcome development’ (phát triển đáng mừng). Tôi giải thích cho bà biết tại sao nhiều thuyền nhân ở Úc không về lại Việt Nam (vì họ hoặc là không còn thân nhân bên đó, hoặc là họ không thích thể chế chánh trị bên đó, hoặc là họ ra đi trong hoàn cảnh quá bi đát). Tôi thì nói tôi về là vì công việc hợp tác giữa các đại học và hợp tác khoa học, chứ tôi thì đã là công dân Úc 40 năm nay rồi và biết rất rõ tại sao mình là công dân Úc.

Buổi lễ và tiệc diễn ra đúng 120 phút. Sau đó là ‘bà con’ đi tham quan trong dinh thự của bà Toàn quyền, tha hồ chụp hình. Người thì ra ngoài vườn chụp hình, người thì chụp trong phòng, và làm quen với nhau. Nói chung, những người nhận huân chương Australia là thuộc thành phần elite của xã hội Úc, nên họ cũng muốn kết bạn với nhau và hỗ trợ khi cần.

Anh tôi thì nói đùa rằng ở Úc cả 40 năm, đây là lần đầu được Toàn Quyền New South Wales thiết đãi thì tội gì không uống một li rượu để làm kỉ niệm. Chắc sẽ khó có lần thứ hai được uống rượu miễn phí từ Phủ Toàn Quyền :).

Riêng tôi thì vì còn 2 người em chờ ngoài kia, nên sau buổi tiệc là ra ngoài để đón hai đứa đi Opera House, và sau đó là đi ăn mừng trong nhà hàng nổi tiếng ‘Meat and Wine’ (Khách sạn InterContinental).

Ở trên tôi có viết là dự buổi lễ này để lại nhiều cảm xúc. Năm nay có hai sự trùng hợp có ý nghĩa. Ngày ông Tổng toàn quyền công bố Huân chương Australia (26/1/2022) cũng là ngày tôi tới Úc 40 năm trước (26/1/1982). Ngày đi dự lễ thụ phong thì chỉ 1 tuần sau sinh nhật của tôi, và cũng là tuần tôi được trao chức danh mới. Còn gì có ý nghĩa hơn để kỉ niệm 40 năm trên quê hương mới bằng Huân chương Australia.

Sẵn đây xin giới thiệu các bạn một cuộc phỏng vấn của cô Thuỳ Linh thuộc đài SBS ở Úc nhân ngày tôi được huân chương.

Vinh danh trong Nghị Viện tiểu bang New South Wales

Tôi rất hân hạnh được biết rằng tháng vừa qua, trước Nghị Viện tiểu bang New South Wales, hai Dân biểu Tania Mihailuk và Wendy Lindsay có lời vinh danh những đóng góp của tôi cho đất nước này. Sự việc cũng rất là tình cờ (vì tôi không được báo trước) nhưng làm mình xúc động về tấm thịnh tình của hai bà dân biểu mà tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời. 

Hôm thứ Ba, tôi nhận được một cú điện thoại từ cô thư kí của bà Tania Mihailuk nói rằng bà ấy đã có lời phát biểu gọi là “Statement of Recognition” trước Hạ nghị viện về những đóng góp của tôi cho y học và giáo dục đại học của Úc. Cô ấy còn nói thêm là bà ấy sẽ kí một bằng khen cho tôi. Nghe thật cảm động, và tôi cũng chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn. Hôm sau, một ông phụ tá cho dân biểu Wendy Lindsay gọi điện báo cho biết là bà cũng đã có một phát biểu vinh danh tôi trước Hạ nghị viện về dịp tôi được trao Huân chương Australia. Lại thêm một giây phút cảm động và cảm ơn rối rít. Sự vinh danh này được ghi trong ‘Hansard’ (giống như biên bản vĩnh viễn của Nghị Viện). Tôi có dịch dưới đây để các bạn không am hiểu tiếng Anh đọc cho biết.

Hồi nào đến giờ tôi tưởng các dân biểu chỉ tranh luận chánh trị trong nghị trường, chớ không hề biết rằng họ còn có quyền phát biểu tuyên dương và vinh danh cá nhân trong cộng đồng.  Tôi chưa bao giờ gặp hai bà dân biểu, nhưng dĩ nhiên là nghe qua những việc làm của họ. Bà Tania Mihailuk thì rất nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở đây vì bà hay giúp đỡ cho cộng đồng những lúc khó khăn. Bà là người của đảng Lao Động (giống như đảng Dân Chủ bên Mĩ vậy). Bà Wendy Lindsay là người của đảng Tự Do (giống như đảng Cộng Hoà bên Mĩ) và cũng là người nổi tiếng trong cộng đồng vì những hoạt động xã hội. Rất dễ nói họ làm vì cuộc bầu cử sắp tới (năm nay), nhưng tôi muốn nghĩ rằng họ làm thật sự vì cộng đồng.

Dân biểu Tania Mihailuk

Cũng có thể họ muốn nói với cộng đồng rằng một nước Úc đa văn hoá là môi trường tốt để mọi người có thể đóng công sức mình và thành công. Trong thực tế thì đúng như vậy. Tôi hay nói rằng nếu không có Úc thì mình không có như ngày hôm nay. Cái con dấu “Accepted” của phái đoàn Úc trong trại tị nạn Songkla 41 năm trước đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ không có cơ hội đi Úc vì trả lời câu hỏi nào cũng … trớt quớt. Muốn đi học lại? Tiếng Anh vầy mà học hành gì. Muốn làm ruộng? Tiền đâu mà anh làm. Chỉ khi đến lí do muốn thấy con Kangaroo thì mới có được sự may mắn. Đúng là tình cờ. Rồi 40 năm sau, người ta xướng tên mình trong Nghị viện cũng là một sự tình cờ.

Dân biểu Wendy Lindsay (East Hills)

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu nói của bà Condoleeza Rice (cựu Ngoại trưởng Mĩ) rằng cuộc sống là những sự ngạc nhiên và tình cờ, mình không bao giờ biết người mình sắp gặp sẽ làm thay đổi cuộc đời mình một cách vĩnh viễn. Nhìn lại quãng đời mình, tôi thấy ứng nghiệm với câu này, vì hết gặp người này đến người nọ — có khi là ân nhân nhưng cũng có khi là bất nhân — và mỗi lần gặp làm mình thay đổi hẳn về tầm nhìn và hướng đi.

Hôm nọ, trong buổi lễ trao giải thưởng cho các em học sinh xuất sắc, có người hỏi tôi rằng thời gian nào trong đời người là làm được nhiều việc nhứt. Tôi nói rằng kinh nghiệm của tôi không phải là tiêu biểu, bởi vì tôi đến đây ở tuổi thanh niên và không có một hành trình suôn sẻ như các em lớn lên ở đây. Nhưng tôi nhìn lại thì thấy những năm trong độ tuổi 25 đến 50 là có dịp làm nhiều nhứt. Đó là độ tuổi sau tiến sĩ đến trung niên. Đó là thời gian mình có nhiều ý tưởng, phấn đấu và xác định căn cước khoa học, và do đó có thì giờ và động cơ. Nhưng sau 50 tuổi (nhứt là sau 60 tuổi) thì, nếu đã đạt thành tựu, sẽ bị vào vai trò quản lí. Trong vai trò mới, người ta bắt đầu “meldown”, nên khó có thì giờ để tập trung ‘suy nghĩ những câu hỏi trời xanh’ (blue sky thinking). Thành ra, tôi khuyên là nên tận dụng quãng thời gian 25-50 tuổi để cống hiến hết mình — đó là thời gian gieo hạt, để sau đó (sau tuổi 50) thì gặt hái kết quả.

_____

Dịch lời phát biểu của bà Tania Mihailuk, ngày 15/2/2022:

Link tiếng Anh: https://www.parliament.nsw.gov.au/Hansard/Pages/HansardFull.aspx#/DateDisplay/HANSARD-1323879322-121970/HANSARD-1323879322-122088

“Tôi nhân dịp này chúc mừng Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn được trao Huân chương Australia (AM) vì những cống hiến xuất sắc cho nghiên cứu y khoa, phòng ngừa loãng xương và gãy xương, và giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn nhận được danh dự tuyệt vời này đúng vào ngày mà ông đặt chân đến Úc từ Việt Nam 40 năm trước. Đóng góp của Giáo sư Nguyễn trong lãnh vực loãng xương đã có những tác động quan trọng đến di truyền và dịch tễ học. Qua việc phát hiện gen thụ thể vitamin D và xây dựng mô hình để cá nhân hoá nguy cơ gãy xương, đóng góp của Giáo sư Nguyễn trong y học ngày nay được trích dẫn toàn cầu trong công tác phòng chống loãng xương. Tôi rất vui mừng trước thành tựu chuyên môn đó xuất phát từ một cư dân trong cộng đồng chúng ta. Một lần nữa, tôi chúc mừng Giáo sư Nguyễn về sự ghi nhận xứng đáng và quí báu đó.”

Dịch lời tuyên dương của bà Wendy Lindsay (East Hills), phát biểu vào lúc 17:32 ngày 24/2/2022: 

Link tiếng Anh: https://www.parliament.nsw.gov.au/Hansard/Pages/HansardResult.aspx#/docid/HANSARD-1323879322-122929

“Vào ngày Quốc Khánh Úc năm 1982, một thanh niên tên là Tuan Van Nguyen đến Úc như là một người tị nạn. Giống nhưng những người tị nạn ở Úc thời đó, anh thanh niên khởi đầu cuộc sống ở đây chỉ một cái áo trên lưng và không một đồng xu dính túi. Tuan Van Nguyen được sanh ra và lớn lên ở một làng quê vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam.  Ba Má anh ấy là những người nông dân trồng lúa, nhưng họ đặt nặng việc học hành cho con cái. Những giá trị gia đình đó đã giúp cho Tuấn, quê hương thứ hai và cộng đồng y học quốc tế rất tốt. Người thanh niên đó đã bỏ ra 30 năm làm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Mối liên hệ của anh với Viện Garvan bắt đầu từ một cuộc phỏng vấn với Giáo sư John Eisman, người đã thuyết phục anh làm nghiên cứu y khoa vì sẽ giúp ích cho hàng triệu người.

Vào lúc đó, dự án nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study mới khởi động, và Giáo sư Eisman cần một chuyên gia về dịch tễ học và một chuyên gia về thống kê học để làm trong dự án. Ông phát hiện Tuấn có thể làm 2 việc và bổ nhiệm vào cả hai chức vụ đó. Tuấn hoàn tất luận án tiến sĩ từ nghiên cứu Dubbo. Từ đó, anh theo đuổi chuyên ngành loãng xương, tìm hiểu tại sao người ta gãy xương và làm cách nào để có thể tiên lượng nguy cơ gãy xương cho một cá nhân. Chương trình nghiên cứu của anh xây dựng trên giả thuyết rằng nguy cơ gãy xương của một cá nhân là xuất phát sự suy giảm sức chịu đựng của xương do mất xương, suy thoái cấu trúc xương, và rằng quá trình mất xương và suy thoái chất lượng xương là do gen quyết định.

Vào thời đó, mối liên quan giữa gen và loãng xương gần như chẳng ai biết đến hay chú ý. Loãng xương là một bệnh lí phổ biến, ảnh hưởng đến 1/3 phụ nữ và 1/10 nam giới tuổi 50 trở lên. Loãng xương dẫn đến gãy xương. Gãy xương có thể làm cho người ta chết sớm và giảm tuổi thọ. Mục tiêu nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn là cải thiện tuổi thọ cho những người bị loãng xương, và giúp cho họ tự phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ gãy xương. Năm 2000, Tuấn được bổ nhiệm giám đốc labo nghiên cứu di truyền dịch tễ học loãng xương tại Viện Garvan. Nghiên cứu của anh định hình mối liên quan giữa gãy xương và tử vong, và phát hiện gen có liên quan đến gãy xương. Một trong những thành tựu quan trọng của anh là chuyển giao những kết quả nghiên cứu thành một mô hình tiên lượng có tên là “Garvan Fracture Risk Calculator” để ước lượng nguy cơ gãy xương cho một cá nhân. Mô hình này đã được triển khai trên một trang web, trên các ứng dụng điện thoại di động và được sử dụng bởi bác sĩ và bệnh nhân khắp thế giới. 

Ông Nguyễn đã công bố hơn 320 bài báo khoa học, và một số bài báo được đánh giá là tiên phong trong chuyên ngành, nhận được những bài xã luận khen ngợi. Các bài báo của ông Nguyễn đã được trích dẫn hơn 32,000 lần. Trong lãnh vực y khoa, ông là một trong những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhứt trên thế giới. Ông được mời nói chuyện trong các hội nghị quan trọng về loãng xương trên khắp thế giới. Trong thời gian 15 năm qua, ông đã giảng cho nhiều chương trình tập huấn về loãng xương, y học thực chứng, phương pháp nghiên cứu, phương pháp viết bài báo khoa học, dịch tễ học, thống kê sinh học ở Thái Lan và Việt Nam. Những chương trình tập huấn rất nổi tiếng của ông đã thu hút và giúp nâng cao năng lực khoa học cho hàng ngàn bác sĩ, chuyên gia y tế và khoa học. Ông còn đóng góp trong việc xét duyệt các đơn xin tài trợ nghiên cứu khoa học ở Úc và trên thế giới. 

Ông đã đào tạo 15 nghiên cứu sinh tiến sĩ, kể cả 4 tiến sĩ ở Việt Nam. Tất cả nghiên cứu sinh của ông nay đã là những người thành danh trong y khoa và khoa học. Hiện nay, ông Nguyễn hướng dẫn cho 3 nghiên cứu sinh. Những nghiên cứu sinh của ông đã công bố nghiên cứu trên những tập san có tác động cao, và được trao nhiều giải thưởng cấp quốc tế. Ông Nguyễn còn hợp tác nghiên cứu rộng rãi ở trong nước Úc và quốc tế, và được trao chức danh Giáo sư Xuất sắc và Giáo sư Thỉnh giảng của nhiều đại học ở nước ngoài.

Hôm nay, tôi rất hân hạnh phát biểu trước Hạ Nghị Viện về Giáo sư Nguyễn, đúng vào ngày Quốc Khánh 40 năm trước, ngày mà ông đặt chân đến Úc. Ông Nguyễn đã được trao Huân chương Australia vì những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu y khoa, loãng xương và giáo dục đại học. Giáo sư Nguyễn là một ánh sao về sự thành công trong quốc gia đa văn hoá của chúng ta và là một tấm gương tuyệt vời của sự thành công trong cộng đồng người Việt ở vùng cử tri East Hills của tôi. Tôi chức mừng ông nhân dịp ông nhận danh dự vào ngày Quốc Khánh, và tuyên dương những đóng góp của ông cho nghiên cứu khoa học trải dài qua nhiều thập niên.”

Một cõi đi về: những bài học

Tuần qua tôi bắt đầu quay lại campus và nhận được khá nhiều điện thư, điện thoại, thư từ chúc mừng của nhiều nhân vật trong chánh trường mà tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời. Phải nói là một tuần tràn trề năng lượng tích cc. Thành ra, nhân dịp cuối tuần tôi viết vài dòng cảm ơn đi và nghĩ về nhng bài học trong đi, vi hi vọng ‘mua vui cũng được một vài trống canh.’

Năm mi, năng lượng mi

Sau cả 6 tháng trời làm việc ở nhà và nay quay lại khuôn viên đại học, tôi thấy mình như có thêm năng lượng mới. Tôi được sự quan tâm của nhiều VIP, những người mà tôi ít khi nào tương tác trước đây và chưa bao giờ gặp ngoài đời. Nào là Toàn quyền tiểu bang NSW (Governor), bộ trưởng liên bang, dân biểu liên bang, thượng nghị sĩ tiểu bang và liên bang, giám đốc y tế vùng Tây Nam, hiệu trưởng đại học, báo chí địa phương, báo chí đại học, v.v. Họ gởi email, thư giấy, hoặc điện thoại chúc mừng. Có hai tổ chức dân sự mời tôi tham gia như là ‘patron’ cho họ. Bộ Y tế liên bang mời làm thành viên tư vấn về chánh sách y tế cho người già. Thật là vinh hạnh cho ‘kẻ hèn’ này!

Thư chúc mừng của Toàn Quyền tiểu bang New South Wales

Tôi còn nhận được khá nhiều lời chúc mừng từ các bạn gốc Việt mà tôi cũng chưa từng có hân hạnh gặp ngoài đời. Đó là các bạn cựu sinh viên trong chương trình Colombo thời VNCH và nay đã thành danh trong xã hội Úc. Một số là thuộc nhóm đàn anh tôi. Thật là cảm động khi nhận email chúc mừng của các bạn ấy nhân dịp tôi được trao Huân chương Australia. Xin mượn cái note này để nói lời cảm ơn chân thành đến các bạn.

Ra đi và trở về

Những dịp như vầy tôi hay nhớ tới lời của sếp cũ tôi: ‘you have gone a long way’ (ngươi đã đi qua một đoạn đường dài). Cứ mỗi lần nhận giải thưởng này nọ là sếp tôi nói/viết câu đó như là một lời nhắc nhở mình xuất phát từ đâu và thuở nào.

Đoạn đường đời khởi đầu vào năm 1982 từ cái nhà bếp bệnh viện St Vincent’s, để rồi 10 năm sau lại quay về đó nhưng lần này thì ở Viện Garvan. Hơn một lần tôi muốn bay xa khỏi Úc và tìm cơ hội bên trời Âu, trời Mĩ. Nhưng như là một định mệnh, một cái duyên tiền định, tôi lại quay về Garvan, nơi mình khởi đầu. Nhớ lần quay về đó, tôi gặp CO (cùng thời học PhD với tôi) và anh này cũng như tôi, tức tìm cơ hội bên trời Âu, và lại quay về Garvan. Hai đứa đã luống tuổi gặp nhau trong cùng hoàn cảnh và đồng thốt lên: cannot get away from it (không thể thoát khỏi nơi này). Ấy vậy mà hơn 20 năm sau tôi lại ‘thoát’, nhưng lần này thì không đi xa mà chỉ băng qua một con đường thôi. Nghĩ đi nghĩ lại, hành trình tôi đi qua giống như là ‘một cõi đi về’.

Cái câu của Trịnh Công Sơn còn ứng nghiệm cho cả chuyện đi và về quê hương thứ nhứt nữa. Ngày đó (45 năm trước), bất cứ ai lên thuyền ra đi là chấp nhận 2 viễn cảnh: một là chết trên biển, và hai là sống sót và ‘một lần đi là mãi mãi chia phôi.’ Không ai nghĩ đến ngày mình sẽ có ngày ‘thăm đồng lúa vàng, thăm con đò ven sông.’ Thế rồi, thế sự đổi thay, tôi không những có dịp về thăm đồng lúa vàng và thăm con đò ven sông, mà còn làm được nhiều việc cho Việt Nam. Đó cũng là ‘một cõi đi về’ vậy.

Hôm nọ, khi bà làm về PR (truyền thông) của Đại học UTS phỏng vấn tôi để viết một bài [1], bà hỏi từ ngày tôi vượt biên, tôi có về Việt Nam không. Ui chao, tôi có dịp kể chuyện Việt Nam cho bà ấy nghe những cơ duyên, những cuộc hạnh ngộ, cùng những việc tôi làm ở bên nhà. Bà ấy kinh ngạc rồi nói chắc sẽ để dành câu chuyện Việt Nam cho một bài khác. Nhưng bà ấy hỏi bằng cách nào mà tôi làm nhiều việc bên kia và bên này như thế. Tôi nói nhờ các bạn đồng nghiệp bên Việt Nam tin tưởng và cộng tác tôi mới làm được nhiều việc.

Nhng bài học đi

Những dịp như thế này nhiều khi tôi cũng nhìn lại và hỏi mình đã học được gì từ cuộc sống đã qua. Tôi nghĩ đoạn đường đời vừa qua cũng giống như một hành trình khai phá và khám phá. Khai phá hiểu theo nghĩa một cuộc phiêu lưu. Từ Việt Nam sang Úc, và từ Úc đi mọi nơi là những chuyến phiêu lưu và mình có dịp trải nghiệm.

Trong những cuộc phiêu lưu đó, tôi khám phá nhiều điều thú vị, không chỉ trong công việc, mà còn là ở đời. Đời có thể đẹp như mơ, nhưng cũng có thể ‘Đi không như là mơ‘ và ‘nhân gian chưa tng độ lượng‘. Đi qua dòng đời chúng ta gặp những người thân, bạn bè, người tốt, nhưng chúng ta cũng gặp cả những kẻ xấu trá hình bè bạn. Mỗi lần tiếp xúc là mỗi bài học để mình trưởng thành. Mỗi lần vấp ngã cũng là mỗi lần làm nên mình.

Vậy tôi học gì từ đoạn đường đã qua? Tôi nghĩ đến 5 bài học như sau:

Bài học 1: đừng so sánh với ai, vì mỗi chúng ta là một người đặc biệt và hãy trân trọng sự thật đó.

Hôm cuối năm, tôi đi dự tiệc trong khoa và có một bạn giảng viên trẻ than phiền rằng năm vừa qua là năm thảm hại của cô ấy và cô ấy thấy mình chẳng bằng ai trong khoa. Tò mò hỏi thì tôi mới biết là trong năm qua cô ta xin tài trợ chỗ nào cũng thất bại, công bố khoa học thì chẳng đến đâu, xin giải thuởng cũng chẳng được, v.v. Tôi nói lời an ủi rằng hãy nghĩ về tương lai dài, hãy hỏi mình sẽ để lại cái gì cho đời, hơn là chạy theo những cái nhứt thời để làm mình khổ.

Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là người trẻ, hay so đo, hơn thua với nhau. Trong khoa học, họ đo lường với nhau bằng những thước đo như số bài báo đã công bố, chỉ số này, chỉ số kia, số tiền tài trợ xin được, v.v. Không phải lỗi của họ, mà là của hệ thống. Hệ thống nó buộc họ phải chạy theo mấy con số đó, và làm cho họ trở thành những người đau khổ bởi so sánh hơn thua. Tôi nghĩ so sánh rất ư là phi lí. Để tôi giải thích như sau.

Lãnh vực nghiên cứu mà tôi theo đuổi là ‘precision medicine’ (tạm gọi là ‘Y học chính xác‘). Quan điểm của Y học chính xác là mỗi người chúng ta là một cá nhân đặc thù (unique). Không có ai trong thế giới ~8 tỉ người này giống mình. Mình cũng chẳng giống ai. Tại sao? Tại vì mỗi chúng ta có một hoàn cảnh, khả năng, và lối sống riêng. Tôi có thể cùng tuổi, cùng chiều cao, cùng cân nặng, có cùng học vấn, cùng việc làm với một ai đó, nhưng tôi rất khác với người đó bởi vì tôi tóc đen, da vàng và sanh ra từ miền quê. Nói cách khác, tập hợp những đặc tính như gia đình, gen, cơ thể, tinh thần, lối sống, tri thức, sở thích, kĩ năng, trải nghiệm, v.v. làm cho mỗi chúng ta là đặc thù.

Tính đặc thù đó làm cho mọi so sánh về tài năng trở nên vô nghĩa. Nhiều người sợ rằng có nhiều người khác tài giỏi hơn họ. Họ hay so sánh ông A giỏi hơn bà B, hay bà C là người giỏi nhứt thế giới. Nhưng đó là so sánh vô nghĩa, bởi vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù thì đâu có ai để mà so sánh. Mỗi người tốt hơn mọi người khác, bởi không có bất cứ 2 người nào như nhau. Bạn là bạn, không ai tốt hơn bạn.

Chúng ta hay bị ám ảnh tìm người giỏi nhứt, tức là người nổi tiếng nhứt, đẹp nhứt, có khả năng nhứt, làm giỏi nhứt, v.v. Tại sao? Nhận ra và tôn trọng sự đa dạng có nghĩa là làm nổi bậc những ưu điểm và các đặc điểm, cá tánh, kĩ năng và lối sống. Hãy nhìn vào kính và hỏi: ai có thể làm những gì bạn làm theo cách tốt nhứt trong điều kiện bạn có. Câu trả lời là: không có ai. Do đó, hãy khám phá ưu điểm của bạn, khám phá những gì bạn làm tốt nhứt.

Bài học 2: gia đình chúng ta rộng lớn hơn chúng ta nghĩ.  

Hai chữ ‘gia đình’ thường được hiểu là quan hệ huyết thống, nhưng trong khoa học, gia đình còn có nghĩa là quan hệ chuyên môn. Gia đình của chúng ta là các thầy cô (mentors), đồng nghiệp, nghiên cứu sinh. Nói rộng hơn, gia đình của chúng ta là các hội đoàn khoa học. Nhận thức được điều này giúp cho chúng ta biết cách sống và tương tác với đồng nghiệp một cách tử tế.

Xin kể các bạn một chuyện cũ. Thuở đó tôi còn tương đốu trẻ, mới bước vào ‘bộ lạc’ loãng xương, và rất hăng hái. Tôi đọc một bài báo và thấy có vài cái sai khá hiển nhiên, và thế là tôi viết một bài commentary (bình luận) chỉ ra những cái sai đó, rồi đưa cho thầy tôi xem. Ổng xem qua rồi mỉm cười và nói: nhng gì ngươi chỉ ra là ok, nhưng ngươi có nghĩ đến 20 năm sau không? Rồi ông nói cho biết rằng tác giả bài tôi phê bình là một ‘trưởng lão’ trong ‘bộ lạc’, rằng những chữ tôi dùng trong bài commentary là không thích hợp cho một người trẻ nói với người lớn, rằng tôi phải biết trước biết sau, v.v. Nói chung là một bài giảng morale. Nói xong, ổng nói thay vì gởi cho tập san, ổng sẽ biên tập lại bài commentary và gởi riêng cho tác giả.

Thật là một quyết định của bậc thầy! Tác giả (là ông cụ) viết thư (thời đó chưa có email) cám ơn tôi và còn mời tôi hợp tác. Sau này, chúng tôi viết chung 1 bài có ảnh hưởng khá. Sau này, chính ông cụ tác giả đó đã giúp cho tôi rất nhiều trong sự nghiệp, mỗi lần cần giới thiệu là tôi nhờ ổng. Tôi xem ổng như là một người trong đại gia đình vậy.

Thành ra, trong khoa học, ‘gia đình’ là cộng đồng bè bạn, đồng nghiệp, thầy cô và các hiệp hội chuyên môn mà chúng ta tương tác. Hiểu rõ như vậy để ứng xử tốt với đồng nghiệp. Hãy là thành viên tốt trong gia đình đó!

Bài học 3: tìm hạnh phúc cho mình bằng cách đem hạnh phúc cho người khác.

Ai trong chúng ta cũng muốn có một cuộc đời riêng và một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng ‘hạnh phúc’ là gì? Mỗi người có một định nghĩa riêng theo góc nhìn của họ, và khó có một đồng thuận về cách hiểu. Người thì nghĩ hạnh phúc là có nhiều tiền, con cái thành đạt; kẻ thì cho rằng hạnh phúc là có cuộc sống tiện nghi; lại có người nghĩ rằng hạnh phúc chẳng cần nhiều tiền mà là giàu trải nghiệm; vân vân.

Tôi thì nghĩ hạnh phúc là giúp cho người khác thành công. Nói cách khác, hạnh phúc của mình là mình đã đem lại hạnh phúc cho người khác. Những gì chúng ta cho đi cũng chính là những gì chúng ta nhận lại. Đó chính là lí do tại sao tôi thích giúp người mà có khi chưa bao giờ gặp người ta ngoài đời. Tôi có khi viết thư giới thiệu cho mấy nghiên cứu sinh gốc Tàu không phải trong labo tôi. Trong khi viết cái note này thì tôi nhận được email từ một em ở Đà Nẵng. Email viết như sau (chỉ trích một đoạn):

Nhân dịp năm mi Nhâm Dần, em xin kính chúc Thầy và gia đình một năm mi thật nhiều niềm vui, luôn mạnh khỏe và mong Thầy luôn lan tỏa nhng năng lượng tích cc, đầy nhiệt huyết vi nghiên cu khoa học cho các thế hệ.


Em xin đ
ược t gii thiệu về mình, em là […] Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành […] Em gi message mi mong muốn được gi li cảm ơn chân thành nhất đến Thầy. Đọc đến đây chắc Thầy sẽ có chút ngạc nhiên đúng không Thầy. Chuyện là cách đây 8 năm khi em đang làm nghiên cu sinh tại một trường đại học Pháp […], trong lúc em đang hoang mang, loay hoay vi một m số liệu hỗn độn của các thc nghiệm nhưng vẫn không thể nào xây dng một mô hình về tiêu hao năng lượng trong một hệ phát hiện té ngã được thc thi trên hệ thống hybrid software/hardware. Trong khoảng thi gian năm 2013, tình c em đã xem được 1 số video của Thầy trên blog và trên youtube […] đặc biệt là bài toán về việc xây dng mô hình thể hiện mối quan hệ gia các thông số có tác động đến tình trạng loãng xương như tuổi tác, gii tính,… Tất cả, nhưng điều này đã giúp em có được các ý tưởng cho bài toán của mình và đã hoàn thành nghiên cu sinh vào năm 2015. […]”

Bài học 4: nghĩ tích cc, đng bị c chế bi nhng chuyện đâu đâu.  

Tôi nghĩ có lúc các bạn (cũng như tôi) từng bị người khác, kể cả bạn bè và đồng nghiệp, chỉ trích rằng mình bất tài, vô dụng, dở hơn họ, xấu hơn họ, ngu hơn họ, v.v. Có khi họ chính là bạn mình, hay người mình từng giúp đỡ. Mỗi chúng ta đều có trải nghiệm đó. Những người chỉ trích đó chắc chắn có cảm giác tốt khi họ bôi nhọ và đẩy chúng ta xuống bùn đen. Chúng ta trở thành miếng mồi cho cái tôi của họ.

Bạn đừng buồn và đừng chú ý đến những gì họ nghĩ gì về mình, mà hãy tập trung làm tốt công việc mình theo đuổi. Bạn cũng nên tránh xa những kẻ đó, vì họ không đem lại năng lượng tích cực cho đời sống của mình. Hãy kết bạn với người mới và tích cực và giữ một tinh thần lạc quan.

Viết đến đây tôi nhớ đến câu nói bất hủ của Richard Feynman (tôi dịch nôm na) [2]: “Bạn không có bổn phận phải sống đúng theo những gì người khác nghĩ về bạn phải như thế này hay như thế kia. Bạn không có bổn phận phải giống như những gì họ kì vọng; đó là sai lầm của họ, chứ không phải nhược điểm của bạn“.

Bài học 5: tình thương là thc tế duy nht.

Tôi chú ý trong buổi lễ phong hàm đại tá cho một nữ quân nhân Mĩ gốc Việt, người ta cho người của gia đình chị ấy gắn quân hàm một bên cầu vai, còn người đại diện của Chánh phủ / quân đội gắn một bên cầu vai. Tôi thấy nghi lễ đó rất hay vì nó nhắc nhở rằng không có tình thương của gia đình thì chị ấy đã không có ngày hôm nay.

Không có tình thương gia đình, chúng ta — bạn và tôi — không thể sống được. Có lần thầy cũ tôi lúc sắp vào bệnh viện để điều trị ổng nói đại khái rằng chỉ có tình thương là quan trọng trong đời. Lúc đó tôi chẳng hiểu sao ổng nói vậy, vì nó có vẻ quá hiển nhiên. Sau này nghĩ lại thì đúng như thế: chỉ có tình thuơng là thực tế, các thứ khác (như danh vọng, sự nghiệp, tiền tài) đều là ảo.

Mỗi chúng ta sanh ra trong tình thương của ba má, cùng sự bảo bọc của ông bà và anh em, bà con. Khi lớn lên, chúng ta hay muốn quay về cái thời điểm ấm cúng đó. Nếu chúng ta muốn như vậy thì người khác cũng vậy, và điều này hàm ý rằng chúng ta nên trao tình thương cho tha nhân. Trao bằng cách nào? Một ánh mắt, một cái sờ tay, một câu nói, một cử chỉ trìu mến đều có hiệu quả truyền tải tình thương. Chọn chữ mà nói/viết sao cho không làm cho người ta bị xúc phạm và tổn thương. Câu chuyện trên về thầy tôi là một bài học quí giá vậy.

***

Tóm lại, tôi xin tỏ lời cảm ơn đến tất cả các bạn xa gần đã có lời chúc mừng trong ngày vui của tôi. Và, cũng xin nhân dịp này viết ra đôi ba lời tâm tình, cùng những bài học mà tôi rút ra trong đoạn đường đã qua. Mỗi chúng ta dù ở phương trời nào và làm gì đều có điểm xuất phát, và một ngày nào đó chúng ta quay về điểm xuất phát đó (đi và về). Cuộc đời là một hành trình khai phá và khám phá, và những bài học tôi rút ra trong hành trình đó là (i) chúng ta đừng nên quá quan tâm mình giỏi hay dở vì mỗi chúng ta là một cá nhân đặc thù; (ii) gia đình khoa học của chúng ta rộng hơn là gia đình huyết thống; (iii) làm việc vì phúc lợi của người khác tức là đem lại hạnh phúc cho mình; (iv) nghĩ tích cực và đừng sống vì kì vọng của người ta; và (v) là đem tình thương đến cho gia đình và tha nhân.

__________

[1] https://www.uts.edu.au/news/tech-design/anniversary-honour-lifes-work-osteoporosis

[2] Richard Feynman: “You have no responsibility to live up to what other people think you ought to accomplish. You have no responsibility to be like they expect me to be. It’s their mistake, not your failing.”

Tin mừng ngày Quốc Khánh Úc: Huân chương Australia

Ngày Quốc Khánh Úc năm nay (26/1/2022) đối với tôi là một ngày rất đáng nhớ trong đời: tôi được Tổng toàn quyền Úc (Đại diện Nữ Hoàng) trao Huân chương Australia (Order of Australia) [1]. Tôi chợt nhớ nhiều kỉ niệm cũ và viết cái note này như là một lời tâm tình.

Tin vui đến một cách hoàn toàn bất ngờ từ tháng 10 năm ngoái [2]. Nhưng cái bất ngờ hôm đó cộng thêm cái bất ngờ về sự trùng hợp hôm nay! Đúng vào ngày này của 40 năm trước (26/1/1982) tôi đặt chân đến Úc bắt đầu hành trình của một ‘thuyền nhân‘. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác làm cho cái Tết năm nay thiệt là có ý nghĩa.

Huân chương Australia ghi nhận For significant service to medical research, particularly in the field of osteoporosis and fracture prevention, and to tertiary education” (tạm dịch là  “Cống hiến quan trọng cho nghiên cứu y khoa, đặc biệt là lãnh vực phòng chống loãng xương và gãy xương, và cho giáo dục đại học”).

Loãng xương

Cái citation trên làm tôi rất vui. Vui là vì nỗ lực và đóng góp cho chuyên ngành loãng xương 30 năm qua đã được ghi nhận (như tôi viết trong cái note bằng tiếng Anh [3]). Loãng xương là một bệnh lí với đặc điểm chánh là suy giảm lượng chất khoáng trong xương, suy thoái vi cấu trúc xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Gãy xương, đặc biệt là gãy xương đùi, tăng nguy cơ tử vong và  giảm tuổi thọ. Cùng với sự gia tăng dân số cao tuổi, loãng xương được xem là một gánh nặng y tế quan trọng toàn cầu.

Tôi bỏ ra hơn 30 năm để tìm cách giảm nguy cơ gãy xương và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Lãnh vực nghiên cứu tôi theo đuổi là ‘precision medicine’ (có thể hiểu nôm na là y học chính xác). Y học chính xác dựa vào gen và các yếu tố môi trường để đánh giá nguy cơ mắc bệnh chính xác và để tăng hiệu quả điều trị. Nhờ hàng loạt cơ hội và may mắn tôi đã đạt được những thành tựu giúp ích cho chuyên ngành và cho đời. Chúng tôi góp phần định nghĩa lại loãng xương, viết lại một phần trong sách giáo khoa về loãng xương và mất xương, khám phá gen liên quan đến loãng xương, tạo ra chữ kí gen cho loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương đầu tiên trên thế giới và giúp quản lí bệnh loãng xương tốt hơn, v.v.

Hai mươi năm trước tôi viết một bài xã luận chỉ ra rằng loãng xương là một bệnh lí không được chẩn đoán đúng mức, thiếu điều trị, và chưa được ghi nhận đúng mức. Dù đã có nhiều tiến bộ trong 20 năm qua, nhưng rất tiếc là những gì tôi viết vẫn còn tính thời sự. Do đó, chúng tôi còn rất nhiều thách thức phải vượt qua. Những thách thức này đòi hỏi phải có nghiên cứu khoa học.

Nghiên cứu y khoa

Tôi xem huân chương này là một ghi nhận tầm quan trọng của nghiên cứu y khoa. Nước Úc chỉ có 25 triệu dân, nhưng là một ‘cường quốc’ khoa học, đặc biệt là nghiên cứu y khoa. Trong số 16 khôi nguyên Nobel người Úc, có đến 8 người là các nhà khoa học y khoa. Úc đạt được thành tựu đó là vì Nhà nước đã có những chiến lược hợp lí, những đầu tư xứng đáng, và đào tạo được một ‘lực lượng’ khoa học hùng hậu.

Vào thời điểm này, tôi dĩ nhiên là người vui mừng, nhưng tâm trí tôi thì hướng về các đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa ở Úc. ít ai biết rằng chúng tôi — dù mang hàm giáo sư hay học vị bác sĩ và tiến sĩ — đều rất khổ. Người mới tốt nghiệp tiến sĩ và nếu may mắn có một vị trí hậu tiến sĩ thì rất khó có một sự nghiệp vững vàng. Lí do đơn giản là mỗi người chỉ ‘sống’ được có 12 tháng, vì sau đó không ai biết có tài trợ để ‘sống’ tiếp trong vị trí hậu tiến sĩ. Ngay cả sau khi đã thành danh và đạt cấp giáo sư thì nỗi khổ càng nhân lên gấp bội, vì trách nhiệm phải xin tài trợ khắp nơi. Mà, xác suất được tài trợ chỉ chừng 9% (thay vì 12% của 10 năm trước). Ngay cả khi may mắn có được tài trợ khoa học thì cũng chỉ đủ để trả 60% lương, phần còn lại 40% là nhờ vào các nhà mạnh thường quân và đại học. Chúng tôi rất khổ.

Thế nhưng chúng tôi có niềm đam mê khoa học. Chúng tôi có mục tiêu và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Chúng tôi tin vào sự xuất sắc. Đó chính là lí do tại sao nhiều bác sĩ và tiến sĩ làm nghiên cứu không lương. Có bác sĩ tự bỏ tiền túi ra theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Có thể những gì chúng tôi làm mới nghe qua thì có vẻ xa rời thực tế, nhưng lợi ích lâu dài thì khó thấy. Có ai ngờ rằng mRNA được ứng dụng cho việc bào chế vaccine cho Covid-19. Đâu có ai biết được những ý tưởng như trò chơi mà sau này được ứng dụng trong khoa học kinh tế. Có ai ngờ rằng những phát triển về mô phỏng được ứng dụng để dự báo diễn biến đại dịch Covid-19 vừa qua. Những vốn liếng và kiến thức khoa học đó đã giúp cho chúng ta có thuốc và vaccine chống Covid-19 rất nhanh. Do đó, tôi xem những đồng nghiệp trong cộng đồng nghiên cứu y khoa là những ‘anh hùng trầm lặng’.

Do đó, tôi rất đồng ý với ông Bộ trưởng Y tế Úc, Greg Hunt, khi ông nói rằng cộng đồng nghiên cứu y khoa Úc đang có một cơ hội vàng để trở thành một lãnh đạo toàn cầu. Trong chuyên ngành loãng xương, Úc đã là một lãnh đạo toàn cầu vì có những nhà nghiên cứu lừngd anh trên thế giới. Thế nhưng tôi nghĩ ông và chúng tôi nên làm nhiều hơn là nói: chúng ta nên kiến tạo một hệ thống để nuôi dưỡng các nhà khoa học sáng giá để thực hiện mục tiêu trở thành lãnh đạo thế giới.

Từ trái sang phải: Giáo sư John Eisman (mentor của tôi, người vào đại học năm 15 tuổi); Giáo sư Peter Croucher (nay là Phó viện trưởng Viện Garvan); Giáo sư John Hewson (từng là Lãnh tụ Đảng Tự Do của Úc). Hình này chụp nhân dịp buổi lễ khai mạc Sáng kiến Osteoporosis Australia mà tôi đóng góp một phần.

Quê hương thứ hai

Khi nhận bất cứ phần thưởng nào, tôi đều nghĩ đến chuyện ân tình. Ơn đầu tiên là nước Úc, nơi đã mở rộng vòng tay đón hàng trăm ngàn ‘thuyền nhân’ trong lúc khó khăn nhứt vào thập niên 1970-1980. Không có Úc tôi không có như ngày hôm nay — và đó là điều chắc chắn.

Image for post
Photo: https://www.centreforideas.com/temporaryep1

Do đó, có thể nói rằng tất cả chúng tôi đều chịu ơn nước Úc. Thật ra, tôi nghĩ khi chánh phủ Úc khi tiếp nhận chúng tôi, họ chẳng bao giờ nghĩ đến việc được đền ơn đáp nghĩa. Thế nhưng, người Việt chúng ta mang trong máu tư tưởng ‘Uống nước nhớ nguồn‘ nên đã phấn đấu để đóng góp cho đất nước này tươi đẹp hơn, và đó chính là một đền đáp ân nghĩa vậy.

Tự thâm tâm, tôi xem cái huân chương này có ý nghĩa hơn những giải thưởng và huy chương khác mà các hiệp hội chuyên môn và đại học trao tặng. Huân chương này có ý nghĩa cho cộng đồng nhiều hơn là cho tôi. Huân chương ghi nhận một đóng góp của tôi cho nước Úc, và tôi là một thành viên trong cộng đồng người Việt ở đây, nên nó cũng chính là một ghi nhận về sự đóng góp của cộng đồng người Việt cho nước Úc. Một cái vui khác là mình góp thêm một ‘Nguyen’ vào thành tựu của quê hương thứ hai.

Ngày này đúng 40 năm trước (261/1982) tôi tới Úc và bắt đầu một cuộc đời mới của một ‘boat people’, mà tôi có ghi lại đôi lời trước đây [4]. Mười năm đầu thì loay hoay định cư; 10 năm sau thì an cư và làm lại cuộc đời; 10 năm kế tiếp là thời gian phấn đấu để có chỗ đứng trong xã hội mới; và 10 năm sau đó là chuẩn bị lui vào hậu trường để nhường bước cho thế hệ sau. Thành ra, 40 năm mới nghe qua thì có vẻ dài, nhưng chỉ là một thoáng thời gian mà thôi.

Trong cái quãng thời gian đó, tôi không bao giờ, dù chỉ vài giây, nghĩ đến giải thưởng hay vinh dự, này nọ. Những ngày mới qua đây thì phải quần quật làm việc ngày đêm để kiếm sống và gởi tiền về nhà bên Việt Nam. Đến lúc ổn định một chút thì đến chuyện học hành. Học hành xong lại phải lo phấn đấu để tồn tại trong môi trường cạnh tranh ác liệt. Cuộc sống có quá nhiều khúc quanh và thách thức mới ở mỗi giai đoạn. Thì giờ đâu mà nghĩ đến giải thưởng với huân chương.

Thế nhưng cũng giống như người trồng trái cây, gieo hột tốt một thời gian thì sẽ có ngày hưởng trái ngọt, những cống hiến hết mình vì tha nhân sẽ có ngày được tha nhân hồi đáp. Những gì mình sở hữu chính là những gì mình cho đi.

Viện Garvan và bạn bè quốc tế

Trong thời gian 40 năm ở Úc, thì tôi đã có 30 năm gắn bó với Viện nghiên cứu y khoa Garvan. Đó là một thời gian tương đối dài. Ở Garvan tôi gặp và học hỏi rất nhiều từ những người lừng danh trong thế giới y khoa. Có thể nói Garvan là nơi đã định hình tôi, là một phần trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Không có Garvan tôi không có được những câu trong cái citation trên. Nhưng tôi cũng đóng góp vào lịch sử phát triển của Garvan và có thể nói không ngoa rằng tôi là một phần của lịch sử Garvan.

Những ngày ở Garvan vào giữa thập niên 1990

Cơ duyên tôi đến với Garvan là qua một buổi phỏng vấn với Gs John Eisman vào đầu năm 1991. Lúc đó, dự án nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study (DOES) mới bắt đầu, nên có rất nhiều việc cần làm. Tôi làm ngày đêm cho dự án. Qua dự án DOES chúng tôi đã có nhiều đóng góp tiền phong cho chuyên ngành: khám phá gen, xác định ngưỡng mật độ xương cho chẩn đoán loãng xương, xây dựng mô hình tiên lượng, định nghĩa lại khái niệm mất xương, đánh giá nguy cơ tử vong sau gãy xương. Chúng tôi góp phần viết lại sách giáo khoa về loãng xương. Chúng tôi trở thành một trong những nhóm nghiên cứu quan trọng nhứt trên thế giới.

Gs John Eisman là sếp, là bạn thân thiết như trong gia đình, và cũng là mentor của tôi. Ông là một người rất thông minh (vào đại học năm chưa đầy 16 tuổi) và rất chuyên nghiệp, một người anh rất tuyệt vời.  Ông lúc nào cũng đặt chuẩn mực rất cao. Cao đến nỗi có người xem là ‘ngạo mạn’. Ông không bao giờ chấp nhận ‘trung bình’ và ‘làng nhàng’.  Ông rất ‘trung thành’ với trò, sẵn sàng bảo vệ trò trước sự tấn công của người ngoài (nhưng khi về nhà thì ông ‘đập’ trò tới nơi tới chốn). Ông giúp trò tới nơi tới chốn. Nhớ ngày tôi đệ đơn đề bạt chức vụ professor, và theo qui định phải có 2 người viết lời giới thiệu. Ông hỏi tôi ‘Mày có bạn bè là giáo sư gốc Việt viết thư giới thiệu không’, tôi nói ‘Chưa có ai là người gốc Việt làm chức professor trong ngành y ở Úc cả’. Ông nghĩ một hồi rồi nói ‘Thôi được, để tao nhờ mấy bạn trong cộng đồng Do Thái’. Không đầy 1 tuần tôi đã có cả 3 lá thư giới thiệu! Nhớ lần phỏng vấn cho chức danh Fellow của NHMRC, có người hỏi một câu tào lao mang tính kì thị vùng miền, ông tức giận đòi tôi phải viết thư phàn nàn đến NHMRC, nhưng tôi gạt đi, không muốn tranh chấp làm gì. Tuy nhiên, ông nhấc điện thoại và nói thẳng với Chủ tịch Hội đồng NHMRC và phàn nàn một cách giận dữ. Kể chuyện xưa để cho thấy sếp cũ tôi là người rất chung thuỷ với trò. Không phải riêng tôi mà bất cứ ai trong nhóm, ông đều hành xử như vậy. 

Từ Viện Garvan và qua Gs Eisman, tôi có cơ hội hợp tác với những người tài giỏi nhứt trên thế giới. Những cái tên lừng lẫy trong chuyên ngành (như Larry Riggs, Joe Melton, John Kanis, Steven Cummings, Cliff Rosen, v.v.) tôi đều quen biết và từng hợp tác. Đó cũng là những người thầy gián tiếp đã dạy và giúp tôi trưởng thành trong khoa học. Tôi chắc họ đã viết những lời nhận xét cho Hội đồng Huân chương Australia.

Qua hợp tác với những ‘trưởng thượng’ như trên, tôi được giao trọng trách trong các hiệp hội chuyên khoa. Thử nghĩ một anh chàng gốc Việt Nam từ nước Úc xa xôi mà được một hiệp hội lớn như ASBMR của Mĩ trọng dụng cho ngồi ghế leadership trong hội đồng công bố khoa học và cả ghế editor. Từ ASBMR tôi đã có dịp phục vụ trong các tập san số 1 trên thế giới khác, kể cả Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Journal of Endocrine Society, Osteoporosis International, Bone, BMJ, NEJM, JAMA. Chuyện đó chỉ có thể xảy ra ở một đất nước tự do như Mĩ, nơi tôi coi như là quê hương thứ ba.

Kỉ niệm 25 năm với Viện nghiên cứu y khoa Garvan

Việt Nam

Khi rời Việt Nam vào năm 1981, tôi cũng như nhiều người khác không nghĩ đến ngày về. Ra đi trong một hoàn cảnh dao động lịch sử và trong tâm trạng tức giận, dám chấp nhận cái chết trên biển, thì đâu ai nghĩ đến ngày về. Thời đó, ai cũng mang theo tâm trạng “một lần đi là một lần vĩnh biệt, một lần đi là mất lối quay về” (nhạc của Nguyệt Ánh).

Thế rồi, như là một định luật của vô thường, thời thế đổi thay, và và tôi đã có dịp quay về quê hương với những việc làm có ích. Cuối thập niên 1990s, tôi về Việt Nam thăm Ba Má nhưng lại có dịp đóng góp một bài giảng về loãng xương ở Khách sạn Windsor (Sài Gòn). Lần ‘ra mắt’ đó được rất nhiều đồng nghiệp chào đón nồng nhiệt. Sự nồng nhiệt của các bạn dành cho tôi làm cho mình thấy “À, đây mới là quê hương thứ nhứt”, và mình có thể làm vài việc như là bổn phận của một người con Việt.

Rồi tôi tình cờ gặp Bs Thy Khuê (ĐHYD Sài Gòn) trong một tiệm sách. Không ngờ buổi gặp gỡ đó mở đầu cho sự đóng góp của tôi ở Việt Nam. Hàng loạt chương trình workshop hè đã giúp cho hàng ngàn bác sĩ làm quen với các khái niệm tương đối mới trong nghiên cứu khoa học, làm quen với văn hoá công bố khoa học.  Rồi, các bạn miền Bắc nghe tiếng và cũng mời mọc và thế là tôi có dịp đi lại nhiều hơn và quen biết nhiều bạn ở miền Bắc. Từ Bắc, tôi lại được các bạn ở miền Trung có nhã ý mời đến chia sẻ kinh nghiệm, và làm quen với nhiều bạn.

Mỗi năm có khi tôi giảng cho cả 4 lớp học trung hạn (1-2 tuần) và cả chục lớp học ngắn hạn (1-2 ngày). Tôi giảng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tôi đi từ Hà Nội, lên Thái Nguyên, xuống Ninh Bình, qua Hải Phòng; tôi đi vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên; tôi về Sài Gòn, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, v.v.  Những khoá học như thế đã giúp cho hơn 2000 bạn; một số sau này trở thành giáo sư và giữ những trọng trách trong chuyên ngành.

Lớp học này cũng được tổ chức ở ĐH Y Dược TPHCM (2006 ?) do chị PGS Nguyễn Thy Khuê tổ chức. 

Không chỉ hàng trăm khoá học, mà còn có dịp tham gia tổ chức hội nghị lớn như AFES ở Sài Gòn, hội nghị Strong Bone Asia, và hội nghị y sinh học châu Á Thái Bình Dương. Tôi đã gắn bó với Hội loãng xương TPHCM hơn 15 năm qua, và góp một phần trong việc nâng cao sự hiện diện của Việt Nam trong chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế qua đào tạo nghiên cứu sinh, các chương trình tập huấn, nghiên cứu, và công bố khoa học. Nhưng tôi không thể nào làm được những việc đó nếu không có sự ủng hộ và tin tưởng các các bạn trong nước.

Hình này cũng được chụp trong hội nghị loãng xương được tổ chức ở Quy Nhơn trong trung tâm hội nghị quốc tế của Gs Trần Thanh Vân. Từ trái qua phải: PGS Nguyễn Ngọc Lan (Bạch Mai), PGS Nguyễn Bích Đào (Chợ Rẫy), PGS Lê Anh Thư (chủ tịch Hội), PGS Vũ Đình Hùng (Quân Y), phu nhân Gs Trần Thanh Vân, PGS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Dinh dưỡng), tôi, PGS Nguyễn Đình Khoa (Chợ Rẫy), Ts Võ Văn Sĩ (Chấn thương Chỉnh hình) người mà tôi rất khoái vì cái tánh Nam bộ.

Nhiều khi nghĩ lại tôi thấy khó tin về một người ‘boat people’ và ‘yếu tố nước ngoài’ (rất ghét chữ này) mà được giao trọng trách thiết lập labo nghiên cứu ở ĐH Tôn Đức Thắng. Tôi còn được các hội y khoa trao giải thưởng, và các đại học trao cho những chức danh danh dự. Dù chỉ là danh dự, nhưng đó là những phần thưởng ghi nhận những cống hiến nho nhỏ của tôi cho giáo dục đại học Việt Nam.

Thật ra, làm được những điều đó hay có những phần thưởng đó đòi hỏi sự tin tưởng của những người lãnh đạo và có sự hợp tác của đồng nghiệp trong nước. Không có các bạn thì chưa chắc tôi có được phần 2 (về đóng góp cho giáo dục đại học) của cái citation. Nhân dịp này tôi tri ân những bạn ở trong nước đã ưu ái giúp tôi có cơ hội đóng góp.

Bằng khen từ Hội loãng xương TPHCM. Bằng khen này được Gs Trần Ngọc Ân (Chủ tịch Hội Loãng xương Hà Nội) trao trong Hội nghị loãng xương ở Nha Trang. 

Cám ơn

Không có cái gì xảy ra trong hư vô, và tôi đã không có ngày hôm nay nếu không có sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi được trao huân chương Australia là có sự đóng góp của các bạn và đồng nghiệp. Các nghiên cứu sinh trong labo ở Úc và Việt Nam là những người đã đóng góp nghiên cứu cho sự nghiệp tôi. Kể ra thì nhiều người lắm, nhưng phải đề cập đến những cái tên quan trọng: Gs John Eisman (sếp cũ tôi), Gs Philip Sambrook (thầy cũ đã qua đời), Bs Paul Kelly (đồng nghiệp cũ), Ts Gabrielle Howard, Gs Graeme Jones, Ts Nguyễn Đình Nguyên, Ts Trần Hoàng Ngọc Bích, Ts Steve Frost, Gs Chatlert Pongchaiyakul, Ts Mei Chan, Ts Phương Thảo, Bs Thục Lan, Ts Phạm Thị Mỹ Hạnh, Ts Trần Sơn Thạch, Gs Henrik Ahlborg, và Gs Shuman Yang.

Tôi đặc biệt cám ơn các đồng nghiệp và bạn bè ở Việt Nam, bởi vì đó là một phần quan trọng trong cái citation về những đóng góp của tôi. Thật vậy, khi tôi xem qua phần citation, tôi thấy Hội đồng OA (Order of Australia) có đề cập đến những việc làm ở các đại học như Tôn Đức Thắng, Đà Nẵng, Dược Hà Nội, Y Hà Nội, v.v. Họ đề cập đến công trình Vietnam Osteoporosis Study và Hội loãng xương TPHCM. Nhân dịp này tôi cám ơn các bạn ở Việt Nam đã tin tưởng và phó thác tôi làm những việc liên quan đến xây dựng năng lực khoa học trong thời gian hơn 20 năm qua.

Tôi biết rằng trong 2 năm qua Văn phòng Tổng Toàn Quyền đã liên lạc tất cả những nơi tôi từng làm việc hay từng có công trình nghiên cứu ở Úc, Mĩ, Thuỵ Sĩ, Anh, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, v.v.  Tôi cám ơn các đồng nghiệp từ các nước đó đã viết thư ủng hộ. Tôi không được đọc những lá thư đó, nhưng tôi biết các bạn ấy đã ủng hộ tôi. Thật ra, nhiều người đã biết tôi được đề cử trước cả tôi (nhưng vì qui định bảo mật nên họ không báo cho tôi biết).

Tôi đặc biệt cảm ơn người đã đề cử tôi 2 năm trước. Tôi không được phép biết người đó là ai, nhưng chắc chắn là một ‘thiện nhân’. Tôi cũng cảm ơn Hội đồng Huân chương Australia đã làm việc cẩn thận suốt 2 năm trời trước khi có huân chương này.

Giải thưởng có thể ví von như gia vị cho một món ăn. Món ăn có gia vị thì nó thơm ngon hơn. Tương tự, thành tựu mà có giải thưởng thì thành tựu đó có dịp bay xa hơn và có ý nghĩa hơn.

Một lần nữa, trân trọng cảm ơn tất cả các bạn và đồng nghiệp.

________________________

[1] https://honours.pmc.gov.au/honours/awards/2010203

Huân chương Australia (hay Order of Australia) là một hình thức ghi nhận cao nhứt về những cống hiến và thành tựu cá nhân.

Qui trình đề cử và xét duyệt là 2 năm. Mỗi ứng viên được một người đề cử, nhưng ứng viên không biết người đề cử là ai. Sau đề cử, nhân viên của Hội đồng OA liên lạc tất cả những nơi ứng viên đã từng theo học và làm việc để xác minh. Sau đó, Hội đồng OA họp và xem xét, rồi khuyến nghị lên Tổng Toàn Quyền. Tổng Toàn Quyền đại diện cho Nữ Hoàng Elizabeth II phê chuẩn từng ứng viên. Chỉ đến ngày được phê chuẩn thì ứng viên mới được thông báo, và do đó kết cục hoàn toàn bất ngờ. Và đến lúc đó, người được huân chương vẫn không biết ai đề cử mình!

Cấp bậc huân chương là do Hội đồng OA quyết định. Hệ thống OA có 4 bậc: OAM (Medal of the Order of Australia); AM (Member of the Order of Australia); AO (Officer of the Order of Australia); và cao nhứt là AC (Companion of the Order of Australia). Tôi được trao Huân chương hạng AM.

[2] Tôi đã biết tin vui một cách rất tình cờ từ những 3 tháng trước. Sáng hôm 19/10/2021, một cú điện thoại từ “No ID” nhưng tôi không trả lời, vì thường là loại điện thoại lừa đảo. Vài phút sau “No ID” gọi nữa, và chẳng hiểu sao tôi nhấc máy trả lời. Bên kia đường dây, một người đàn ông xưng tên (tôi quên) và nói rằng anh ta từ văn phòng của Tổng Toàn Quyền (GG) Úc, và ngập ngừng hỏi tôi có phải là “Professor Tuan Nugent” (ít ai đọc được “Nguyen” cho đúng). Tôi nói thầm trong bụng là ‘rồi, đích thị là scam’, nhưng cũng nghe xem sao. Anh ta nói tiếp là anh ta đã liên lạc 2 lần qua email mà tôi không trả lời. Tôi xin lỗi rằng có thể email bị hệ thống sàng lọc của đại học đưa vào hộp thư spam. Tôi hỏi anh ta liên lạc tôi có việc gì.

Anh ta cho biết rằng tôi được đề cử Huân chương Australia, và Hội đồng OA đã xét duyệt xong và đề nghị GG phê chuẩn. Anh ta nói tôi phải vào trang web của GG và phải bấm nút “ Accept” thì Hội đồng mới làm bước kế tiếp. Tôi vội vàng vào trang web thì thấy hàng loạt thông tin về những việc làm của mình trong và ngoài nước Úc, thậm chí bao nhiêu grant tôi được tài trợ cho nghiên cứu!

Đến bây giờ thì tôi mới biết tin vui này là thật. Thật khó mô tả cảm giác lúc đó. Có bao giờ mình nghĩ đến cái huân chương cao quí này, có giải thưởng trong chuyên ngành là mừng rồi, làm gì đến cái huân chương mà tôi thấy vài người tiền bối hay viết sau tên họ.

Tôi không biết ai đề cử vì theo qui chế văn  phòng GG không tiết lộ. Họ chỉ cho biết là đề cử từ 2 năm trước, và tôi đã qua các vòng xác minh và đánh giá, nay thì Hội đồng OA lên danh sách đệ trình cho ngài Tổng Toàn Quyền phê chuẩn cho công bố vào ngày Quốc Khánh 26/1/2022.

[3] https://tuanvnguyen.medium.com/a-note-on-the-occasion-of-being-made-member-of-the-order-of-australia-fca94f7f489f

[4] Hồi tưởng thời tị nạn: https://nguyenvantuan.info/hoi-tuong-thoi-ti-nan