“Heightism” ở Việt Nam?

Heightism (có khi còn gọi là “height discrimination”) là kì thị dựa vào chiều cao của một cá nhân. Qui định về chiều cao (nữ cao hơn 150 cm và nam phải hơn 155 cm) để được học ngành sư phạm có thể xem là một heightism, và qui định này ảnh hưởng đến ít nhất là 13% nữ và ~2% nam. Dù qui định này đã rút lại, nhưng ý tưởng đó mang tính kì thị không thể và không bao giờ có thể chấp nhận được trong thế giới văn minh.


Không hiểu Trường ĐH Sư phạm TP.HCM căn cứ vào đâu mà qui định rằng nam phải cao từ 155 cm trở lên và nữ cao từ 150 cm trở lên mới được thi ngành sư phạm. Theo một quan chức của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thì qui định này dựa vào sự quan tâm đến sức khỏe. Quan chức này nói “Những số liệu cập nhật cho thấy chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam điều tra từ năm 2009 – 2010 là cận 20 tuổi ở nam đến 164,44 cm và ở nữ lên đến 153,43 … Vì thế chiều cao ở mức 150 cm với nữ là chấp nhận được” (1). Lí giải này xem ra không thuyết phục.


Có ít nhất 13% nữ bị ảnh hưởng


Không thuyết phục là vì chưa có bất cứ một chứng cứ khoa học nào cho thấy người có chiều cao dưới 150 cm (nữ) và 155 cm (nam) không thể theo học đại học sư phạm. Trong thực tế, ngay cả ở các nước phương Tây vẫn có nhiều sinh viên có chiều dao thấp hơn cái qui định mà Trường Sư phạm TP.HCM đưa ra.

Không thuyết phục là vì không thể chỉ dựa vào chiều cao trung bình để nói là “chấp nhận” hay không chấp nhận được. Cần phải có độ lệch chuẩn nữa mới có thể đánh giá cái qui định đó sẽ ảnh hưởng đến bao nhiêu người. Nếu chỉ ảnh hưởng đến 0.1% dân số thì có thể (chỉ “có thể” thôi) chấp nhận được đối với vài ngày, nhưng nếu ảnh hưởng đến 5% dân số (ví dụ) thì khó thể chấp nhận được.


Không thuyết phục là vì chiều cao trung bình trong dân số ở nữ không thấp như 153 cm. Số liệu của chúng tôi, qua công trình nghiên cứu Vietnam Osteoporosis Study, cho thấy chiều cao trung bình của nữ 20-30 tuổi là 156 cm và độ lệch chuẩn (SD) 5.4 cm; ở nam 20-30 tuổi, chiều cao trung bình là 167 cm, với SD 5.7 cm.


Bởi vì phân bố chiều cao của các thanh niên trong cộng đồng tuân theo phân bố chuẩn (normal distribution), nên chúng ta có thể ước tính dễ dàng số thanh niên bị ảnh hưởng bởi qui định của Trường. Ước tính của tôi là có khoảng 13% nữ có chiều cao dưới 150 cm, và 1.8% nam có chiều cao dưới 155 cm (Hình 1).

Nếu quả thật chiều cao trung bình ở nữ giới trong dân số là 153.4 cm (như vị quan chức kia nói) và với giả định SD 5.4, thì có đến 26% nữ (hình 2) sẽ không được học ngành sư phạm! Và, nếu chiều cao trung bình ở nam giới trong dân số là 164.4 cm với SD 5.7, thì có đến 5% nam không được học ngành sư phạm.


Qui định mang tính kì thị


Như vậy qui định của Trường ảnh hưởng nhiều đến nữ hơn là nam. Nhưng qui định này còn là một sự kì thị. Chẳng những kì thị chiều cao, mà còn kì thị giới tính.


Ở nước ngoài, có khái niệm kì thị dựa vào chiều cao, mà người ta gọi là “heightism” (chiều cao chủ nghĩa) hay “height discrimination”. Có thể gọi tắt là “kì thị chiều cao”. Kì thị chiều cao là cách đối xử phân biệt hay thành kiến chống những cá nhân mà chiều cao của họ không nằm trong giới hạn chung trong dân số.


Ở vài nơi, kì thị chiều cao được xem là vi phạm luật pháp. Đã có vài trường hợp công ti bị kiện ra toà và phải bồi thường cho nạn nhân. Có một trường hợp ở Mĩ liên quan đến một nữ nhân viên có chiều cao “khiêm tốn” không được đề bạt; người này kiện công ti ra toà và được bồi thường 215000 USD! Do đó, nhiều bang ra luật cấm kì thị chiều cao.


Rất có thể sự kì thị chiều cao này là bắt chước từ … Tàu. Tàu có hẳn một chính sách kì thị chiều cao và thế giới đã biết đến (2). Chẳng hạn như Đại học Huaqiao qui định rằng nam phải có chiều cao 170 cm và nữ 158 cm trở lên mới được học ngành du lịch. Thậm chí làm cleaner mà cũng phải có chiều cao tối thiểu là 162 cm (nữ)! Thật vậy, năm ngoái BBC đưa tin về một phụ nữ người Hoa không tốt nghiệp sư phạm được vì chiều cao của cô này thấp hơn 150 cm (3). Tàu qui định 150 cm, Việt Nam cũng bắt chước y chang 150 cm, không có bất cứ một chứng cứ khoa học nào!


Lịch sử đen về kì thị chiều cao


Câu chuyện kì thị chiều cao có lẽ khởi đầu vào thế kỉ 18 ở bên Anh. Thời đó, nhà khoa học lừng danh Francis Galton (Hình 3) nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố di truyền đến sự thông minh. (Galton là em họ của Charles Darwin, và là cha đẻ của bộ môn di truyền học, thống kê học, và chính ông cho ra đời khái niệm “regression”). Nhưng vì vào thế kỉ 17-18, khoa học chưa có chỉ số IQ như ngày nay, nên Galton phải dựa vào chiều cao như là một chỉ số gián tiếp phản ảnh sự thông minh. Qua nghiên cứu trên nhiều gia đình, ông đi đến kết luận rằng yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến chiều cao. Và, vì chiều cao là thước đo của sự thông minh — ông lí giải — nên sự khác biệt về thông minh giữa các cá nhân trong cộng đồng cũng do di truyền mà ra.


Hình 3: Francis Galton là người đầu tiên (?) nghiên cứu về chiều cao và thông minh vào thế kỉ 18. Ông phát hiện chiều cao là do yếu tố di truyền, và chiều cao có liên quan đến sự “nổi tiếng”. Do đó, ông đề xướng chủ nghĩa ưu sinh (eugenics). Ông nói thẳng: “những người sáng dạ nên được đối xử tốt và trả lương bổng tốt, và khuyến khích họ có nhiều con. Những người mà xã hội không cần cũng nên được đối xử tử tế nhưng với điều kiện là họ phải làm việc nhiều và không được có con.”


Từ suy luận về mối liên quan giữa di truyền và thông minh, Galton đi đến đề nghị mà ngày nay chúng ta xem là chủ nghĩa ưu sinh (eugenics). Ông lí giải rằng những gia đình có tiếng và quyền thế thường có chiều cao tốt, và họ thường sinh con có khả năng; do đó, nên nên khuyến khích những gia gia đình danh tiếng lấy nhau, và qua nhiều thế hệ sẽ tạo ra một chủng tộc ông gọi là “highly gifted race of men”.


Galton đề nghị thêm: “Bright, healthy individuals were treated and paid well, and encouraged to have plenty of children. Social undesirables were treated with reasonable kindness so long as they worked hard and stayed celibate” (những người sáng dạ nên được đối xử tốt và trả lương bổng tốt, và khuyến khích họ có nhiều con. Những người mà xã hội không cần cũng nên được đối xử tử tế nhưng với điều kiện là họ phải làm việc nhiều và không được có con). Đó là chủ nghĩa ưu sinh mà thế giới sau này phỉ nhổ.


Người ủng hộ chủ nghĩa ưu sinh chỉ ra rằng có nhiều nghiên cứu cho thấy chiều cao có liên quan với chỉ số IQ, và họ lí giải rằng học sinh có chiều cao tốt thường học giỏi hơn học sinh có chiều cao khiêm tốn. NHƯNG họ bỏ qua thông tin quan trọng là mức độ khác biệt rất thấp. Đa số các nghiên cứu cho thấy hệ số tương quan (một thước đo của mối liên hệ) giữa chiều cao và IQ của sinh viên & học sinh dao động từ 0.1 đến 0.3, với trung bình 0.2 (4). Nói cách khác, chiều cao chỉ giải thích chừng 4% những khác biệt về IQ; còn lại 96% là do các yếu tố khác (ngoài chiều cao).


Điều này cũng có nghĩa là tuy có mối liên quan giữa chiều cao và IQ, nhưng mức độ liên quan rất thấp (5). Người có chiều cao khiêm tốn vẫn có thể học giỏi, và ngược lại, vẫn có người có chiều cao tốt nhưng học không giỏi. Tất cả chúng ta đều có thể chỉ ra nhiều trường hợp thực tế để minh hoạ cho ý trên. Trường đại học hay hệ thống giáo dục nói chung cần nâng đỡ và nuôi dưỡng những người kém may mắn (nếu chiều cao khiêm tốn là kém may mắn) chứ sao lại kì thị họ và không cho họ có cơ hội học hành ngành họ yêu thích? Vả lại, 150 cm hay 145 cm hoàn toàn nằm trong “khoảng tin cậy 95%” chiều cao người Việt, chứ đâu phải bất thường (6). Kì thị chiều cao trong giáo dục là tàn nhẫn và thiếu nhân văn tính.

Tóm lại, qui định về chiều cao tối thiểu (150 cm cho nữ và 155 cho nam) để được học ngành sư phạm không có cơ sở khoa học nào đáng tin cậy, rất có thể bắt chước từ Tàu. Chẳng những không có cơ sở khoa học, mà qui định đó còn mang tính kì thị giới tính (vì nó ảnh hưởng đến nữ nhiều hơn nam). Chủ nghĩa ưu sinh của thế kỉ 18 mà thế giới ghét bỏ bắt đầu bằng chiều cao, tôi nghĩ ở Việt Nam không ai muốn thấy một biến thể của chủ nghĩa đó trong giáo dục đại học thế kỉ 21.

______

(1) https://baomoi.com/quy-dinh-chieu-cao-voi-ng…/c/29642857.epi


(2) https://www.economist.com/china/2014/10/25/the-rise-of-china

(3) https://www.bbc.com/news/world-asia-china-44700473

(4) http://blogs.discovermagazine.com/gnxp/2013/04/why-are-taller-people-more-intelligent/

(5) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3617178/

(6) Thế nào là chiều cao thấp (short)? Theo CDC (Mĩ), chiều cao thấp là những người với chiều nằm trong nhóm 5% bác phân vị; theo WHO thì người có chiều cao thấp hơn bách phân vị 3%. Ở VN, chiều cao 150 cm là bình thường, chứ không nằm trong nhóm bách phân bị 5% hay 3% gì cả. Do đó, không thể nói những người có chiều cao này là “short” hay “bất thường” được.