Lời giới thiệu: Ở Việt Nam ngày nay người ta, nhứt là giới KOL, có câu ‘Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có‘ để gián tiếp quảng bá vaccine của Tàu. Hoá ra câu này xuất phát từ ông tổng thống Phi Luật Tân Duterte, chớ không phải người Việt nghĩ ra. Ở bên Phi Luật Tân người dân cũng ngần ngại với vaccine Tàu. Bài dưới đây là một lá thư đăng trên tập san Journal of Public Health (15/6/2021) [1] bàn về câu nói đó và sự lựa chọn vaccine. Tác giả là một giảng viên thuộc Bộ môn Thần học của Đại học De La Salle, Manila. Thấy lá thư viết rất khéo nên tôi dịch ra và chia sẻ cùng các bạn.
****

‘Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có’ và ‘Chờ đợi một vaccine tốt là lựa chọn tốt nhứt’ [1]
Gởi Ban biên tập:
Một lá thư mới công bố trên tập san này bàn về những lí do có thể giải thích hiện tượng ‘ngần ngại tiêm vaccine‘, đặc biệt là trong giới có học thức. Họ trì hoãn tiêm vaccine bởi vì họ quan tâm đến hiệu quả thấp của các vaccine hiện có [ý nói vaccine Sinopharm và Sinovac — chú thích của tôi] vốn chưa được EMA phê chuẩn. Các Âu châu cũng không chấp nhận những người đã tiêm vaccine đó là đã được tiêm chủng.
Lá thư này muốn bàn thêm rằng hiện tượng ngần ngại vaccine hay từ chối tiêm vaccine là lí do chánh mà chương trình tiêm chủng vaccine phải đối phó. Đó không phải là vấn đề ‘vaccine xịn’ hay sự kén chọn.
Các giới chức y tế ở Phi Luật Tân đang cố gắng ‘bán’ cái ý tưởng rằng ‘vaccine tốt nhứt là vaccine đang có‘. Việc này càng làm cho nhiều người Phi Luật Tân ngần ngại và không bao giờ tin tưởng vào vaccine. Thêm vào đó là quyết định của ngài Tổng thống không chịu tiết lộ loại vaccine mà ông đã tiêm chủng, ngoại trừ cho đến phút chót khi thấy người ta xếp hàng chờ kí giấy đồng thuận. Hành vi của ngài Tổng thống làm cho người dân nghi ngờ. Thêm vào tình trạng bất định là ngài Tổng thống đã được tiêm chủng một vaccine khác (Sinopharm) mà chưa được FDA phê chuẩn. Sinovac cũng đã nộp hồ sơ cho FDA phê chuẩn, nhưng vẫn chưa được phê chuẩn.
Vậy thì chờ đợi có phải là một lựa chọn tốt hơn? Tôi muốn trả lời câu hỏi này bằng cách lấy trường hợp Canada, nước đã mua một lượng lớn vaccine từ nhiều nhà sản xuất. Cũng giống như Phi Luật Tân, Canada không thể phụ thuộc vào khả năng sản xuất vaccine địa phương. Nhưng không như Canada, Phi Luật Tân lệ thuộc vào Tàu và hi vọng rằng Tàu sẽ ưu tiên hóa cho Phi Luật Tân khi họ phát triển vaccine chống Covid. Trong khi Canada tiếp cận nhiều nguồn vaccine, Tổng thống Duterte lại nói về món nợ lớn đối với Tàu về vaccine.
Chiến lược của Canada cùng với hệ thống phê chuẩn vaccine của Canada có nghĩa là khi vaccine có sẵn và đủ, người dân Canada cảm thấy họ có lựa chọn.
Vậy chúng ta học được gì từ Canada? Việc trình bày kết quả nghiên cứu các vaccine trước công chúng cần ghi nhận một điều quan trọng rằng họ không phải là những chuyên gia, và phán xét của họ không bao giờ thay thế cho các thử nghiệm lâm sàng. Nhưng niềm tin của họ (công chúng) đóng vai trò quan trọng, bởi vì niềm tin định hướng hành vi. Chúng ta cần phải hiểu những gì công chúng suy nghĩ trong khi chúng ta bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng.
Tác giả: Jose Eric M Lacsa, Bộ môn Thần học và Tín ngưỡng học, Đại học De La Salle, Manila.
[1] https://academic.oup.com/jpubhealth/advance-article/doi/10.1093/pubmed/fdab216/6299827
****
Bàn thêm: Tôi nhiều khi nghĩ lan man về ý nghĩa của câu “Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có”. Câu đó hàm ý 3 giả định rằng (1) chỉ có 1 vaccine; (2) ai mắc bệnh Covid đều sẽ chết; và (3) vaccine có thể cứu người hay ngăn chận nhiễm 100%. Nếu cả 3 giả định đó đúng thì câu đó đúng. Nhưng dĩ nhiên cả 3 giả định đều sai, và do đó câu nói đó không hợp lí nữa.
Khi chúng ta có hơn 1 vaccine, thì vấn đề lựa chọn được đặt ra. Trong tâm lí học người ta có một lí thuyết gọi là ‘Choice Theory’ (Lí thuyết Lựa chọn), và theo lí thuyết này, chúng ta quyết định lựa chọn nhằm đáp ứng 5 nhu cầu căn bản: (1) sống sót; (2) tình yêu và bổn phận; (3) quyền thế; (4) tự do; và (5) thú vui. Vấn đề phức tạp chớ không đơn giản những chúng ta nghĩ.
Thật ra, tôi nghĩ vấn đề chọn vaccine có thể giải qua lí thuyết “Utility Theory” (Lí thuyết Hữu dụng). Có thể đặt vấn đề như sau: nếu tôi quyết định tiêm vaccine 1, tôi sẽ giảm nguy cơ bị nhiễm X1%, nhưng tăng nguy cơ biến chứng Y1%; nều tiêm vaccine 2, sẽ cho ra kết quả X2% và Y2%; v.v. Xem xét xác suất phân bố của các vaccine cùng các giá trị trên, có thể tính toán được giá trị hữu dụng kì vọng cho mỗi vaccine và mỗi cá nhân. Đây là vấn đề của giới kinh tế có thể đóng góp vào câu hỏi chọn vaccine nào.
Nhưng đó chỉ là lí thuyết cho vui thôi, chớ trong thực tế thì ở VN hiện nay sự lựa chọn rất hạn chế. Dù vậy, thay vì nói “Vaccine tốt nhứt là vaccine đang có”, chúng ta nên tìm hiểu công chúng nghĩ gì và hiểu gì trước khi triển khai chương trình tiêm chủng một loại vaccine có nhiềubất định.
Ghi thêm:
Năm ngoái, báo chí bên Tàu (nhứt là tờ tabloid Hoàn cầu Thời báo) tuyên truyền chống lại các vaccine phương Tây, đặc biệt là vaccine mRNA. Họ cho rằng đó là vaccine mới, chưa được ứng dụng nhiều nhưng đã thử nghiệm trên hàng trăm ngàn người là vô đạo đức. Nhưng đồng thời họ cũng quảng bá cho vaccine địa phương là Sinopharm và Sinovac.
Thế nhưng trong thời gian gần đây thì họ có vẻ thay đổi quan điểm. Giới chức trách y tế Tàu bắt đầu thú nhận là vaccine nội địa không có hiệu quả bằng vaccine mRNA. Họ thậm chí còn có chủ trương dùng vaccine mRNA như là liều thứ 3 cho những ai đã tiêm 2 liều Sinopharm hay 2 liều Sinovac.
Một viên chức CDC bên Tàu phát biểu rằng mọi người nên cân nhắc lợi ích của vaccine mRNA có thể đem lại cho nhân loại. Phát biểu này làm cho người dân nghi ngờ rằng vaccine nội địa không có hiệu quả như nhà nước Tàu quảng bá. Ngoài ra, còn có yếu tố chánh trị: nếu Tàu phê chuẩn vaccine mRNA thì chẳng khác gì gởi một tín hiệu làm người dân chất vấn hiệu quả của vaccine nội địa.
Tại sao có sự thay đổi? Tại vì những gì xảy ra ở các nước sử dụng vaccine Tàu đang gặp làn sóng dịch mới.
Ở Thái Lan, các giới chức y tế mới đây nói rằng những ai đã được tiêm vaccine Sinovac sẽ được tiêm liều 2 với AstraZeneca (AZ). Còn những người đã có 2 liều vaccine Tàu thì được khuyến cáo là tiêm thêm 1 liều mRNA hoặc AZ. Chủ trương mới này được đưa ra khi họ quan sát thấy có hơn 618 ca nhiễm và 1 cả tử vong ở 677,000 nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 liều Sinovac.
Ở UAE (Ả Rập) các giới chức y tế cũng khuyến cáo tiêm thêm 1 liều mRNA sau khi đã tiêm đủ 2 liều Sinpharm.
Ở Nam Dương (Indonesia), các giới chức y tế cũng gợi ý rằng họ sẽ giảm sự lệ thuộc vào Sinovac, vì trong giới nhân viên y tế đã có hàng trăm ca bị nhiễm và 10 ca tử vong sau khi tiêm 2 liều Sinovac.
Nếu xem xét kinh nghiệm của 3 nước vừa kể, thì tôi nghĩ ở VN dù đã tiêm 2 liều vaccine Tàu có lẽ vẫn phải tiêm liều thứ ba vaccine Tây. Nếu vậy thì lợi ích kinh tế tiêm vaccine Tàu xem ra không cao.