“Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”: trào lưu lấy tên tiếng Anh

Hôm nọ tôi đọc một bài rất thú vị về phong trào các nghệ sĩ trẻ trong nước sửa mặt mũi giống người Nam Hàn và lấy nghệ danh tiếng Anh, tiếng Hàn. Đây là câu chuyện tương đối tế nhị, và ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ vài suy nghĩ mà tôi đã viết xuống từ những 10 năm trước và cập nhựt phần tham khảo.

Khi tôi mới sang Úc, suýt tí nữa tôi có tên Tây. Dạo đó, tôi mới xin được việc làm trong nhà bếp của bệnh viện, và đồng nghiệp tôi than phiền rằng cái tên “Tuan” khó đọc quá. Họ đặt cho tôi cái tên “Tom”, có lẽ nghĩ gần với “Tuan”, và thế là cả nhà bếp ai cũng gọi tôi là “Tom”. Còn tôi thì hay đùa với bạn bè là “Tao có tên mới là Tôm”, ai cũng cười ngất. Nhưng cái tên đó chỉ tồn tại trong thời gian tôi làm ở nhà bếp bệnh viện, vì sau này có việc làm khác tôi lại quay về cái tên Ba Má đặt cho.

Thật ra, người đặt tên cho tôi lúc mới sanh là cậu Tư tôi. Lúc đó, cậu Tư là công chức trong làng và có tiếng là người ‘hay chữ‘, nên cậu nghĩ ra nhiều cái tên đẹp cho con cháu. Mấy đứa em họ tôi (tức con của cậu Tư) đứa nào cũng có tên rất đẹp. Sau này, tôi ‘nối nghiệp’ cậu Tư và đặt tên cho con cháu. Một đứa cháu nội của cậu Tư tôi đặt là Khuê (vì thích chữ ‘Khuê Các’). Một đứa cháu khác tôi đặt tên là Annabelle (lấy tên của một công nương Tây Ban Nha), nhưng tên tiếng Việt là Phương Thảo. Khi nó lên trung học và đại học ai cũng nói tên Annabelle là đẹp :).

Tại sao người Việt ở nước ngoài lấy tên địa phương?

Tôi đi đến một ‘công thức’ đặt tên cho con cháu là: tên chánh (first name) thì lấy tên tiếng Anh, còn tên đệm (middle name) là tiếng Việt. Tên chánh chỉ được dùng khi đi học hay làm việc, còn tên đệm là tên trong gia đình hay để cho bà con bên Việt Nam gọi. Tôi nghĩ cái công thức này đáp ứng được cả hai yêu cầu: vừa giữ cái gốc Việt vừa hội nhập vào xã hội mới.

Hội nhập chính là lí do số 1 mà người Việt ở nước ngoài lấy tên địa phương (tiếng Anh) để có một cách ‘căn cước’ cá nhân. Con cháu mình sanh ra ở đây, nơi quê hương của nó, nên có cái tên địa phương là rất bình thường. Tiếng Anh của chúng nó — từ cách dùng chữ đến giọng nói — y như người địa phương, nên lấy tên địa phương là điều đương nhiên. Khi chúng đi học, cái tên tiếng Anh rất quan trọng vì đó là một ‘căn cước’ (identity) để chúng dễ hoà nhập vào môi trường học đường và dễ được ghi nhận.

Tên tiếng Anh cũng có thể xem là một cách để ‘cọ xát’ với văn hoá địa phương. Người mình có câu ‘từng nào cọp nấy’, con cháu mình sống trong xã hội toàn người với tên tiếng Anh, mà chúng có một cái tên tiếng Việt thì chúng dễ bị xa lánh và có thể dẫn đến mặc cảm. Do đó, một cái tên tiếng Anh là điều rất cần thiết để chúng thấy mình là người của ‘bộ lạc’ và qua đó thấy tự tin hơn trong giao tiếp xã hội. Đó là lí do số 2.

‘Anh hoá’ tên cho con cháu còn giúp chúng nó có cơ may thăng tiếng trong xã hội mới. Xã hội Úc hay Mĩ có tình trạng thiên kiến (không hẳn là kì thị chủng tộc) ngầm. Đã có nhiều nghiên cứu xã hội cho thấy người Á châu lấy tên gốc Hoa thì cơ may tìm việc thấp hơn người có tên tiếng Anh. Chẳng hạn như một nghiên cứu của ĐH Quốc gia Úc chỉ ra rằng để được cơ hội phỏng vấn cho một công việc như người gốc Anh/Úc, ứng viên với tên tiếng Hoa phải nộp 68% hơn người gốc Anh, trong khi ứng viên với tên Ý chỉ cần nộp 12% hơn [1]. tiếng Anh có cơ may kiếm việc tốt hơn, và khi có việc thì cơ may thăng tiếng của họ cũng tốt hơn (so với người lấy tên cúng cơm). Đó là lí do số 3.

Sống trong xã hội phương Tây, đối với người thuộc thế hệ 1 như tôi thì lấy tên tiếng Anh không quá quan trọng và cũng chẳng cần thiết. Cái accent tiếng Anh của mình không thể nào như người địa phương mà lấy tên tiếng Anh thì rất … kì. Vả lại, nếu họ tôn trọng mình thì họ phải học cách phát âm, cho dù là phát âm sai. Trong các hội nghị quốc tế, hầu như ai cũng đọc tên tôi sai, và đa số họ đọc “Dr Nguyen” thành “Dr Niêu Gần” (giống như tên Nugent trong tiếng Anh! Có lần tôi không biết họ gọi ai, nên vẫn ngồi một chỗ, nhưng anh bên cạnh tôi nói ‘Họ gọi anh kìa’ thì tôi mới nhớ ‘Niêu-Gần’. 🙂

Giới trẻ trong nước và tên nước ngoài

Hôm nọ, tôi đọc trên blog của RFA về trào lưu giới nghệ sĩ trẻ trong nước lấy tên Tây [2]. Bài rất thú vị và thỉnh thoảng làm cho người đọc cười thoải mái. Hoá ra, đây là đề tài mà báo chí trong nước cũng đã bàn đến vài lần [3-5]. Vì không theo dõi giới văn nghệ trẻ trong nước nên tôi rất kinh ngạc khi thấy họ lấy những nghệ danh rất ngộ nghĩnh. Tôi thấy có 3 cách họ lấy nghệ danh: (a) giữ tên tiếng Việt nhưng độc lập với tên khai sanh; (b) lấy tên tiếng Anh và tiếng Việt; và (c) lấy tên toàn tiếng Anh.

Xu hướng 1 bao gồm những người như Trần Thị Thanh Nhàn thành ‘Lý Nhã Kỳ’, Trần Thị Thuý Loan thành ‘Bảo Thy’, Mai Hồng Ngọc thành ‘Đông Nhi’, Nguyễn Thị Nhàn thành ‘Khánh My’, hay Phan Kim Huê thành ‘Nhật Kim Anh’. Chú ý là tên gốc của họ cũng đẹp, nhưng nghệ danh thì có vẻ độc lập với tên gốc. Ngoại trừ ‘Lý Nhã Kỳ’ nghe qua có vẻ người Hoa, còn các nghệ danh khác thì nghe qua có vẻ ‘sang’ hơn tên gốc.

Xu hướng 2 là lấy tên nửa Tây nửa Ta. Chẳng hạn như Hoà Minzy (tên thật là Nguyễn Thị Hoà) và Elly Trần (Nguyễn Kim Hồng). Những cái tên như Minzy và Elly xem ra rất bình thường trong tiếng Anh, nhưng khi đi chung với tên tiếng Việt thì làm những nghệ danh đó trở nên đặc thù.

Xu hướng 3 là lấy toàn tên Tây. Nhóm này có vẻ hơi nhiều, bao gồm Lilly Luta, Orange, Kimmese, Trunky, Erik, v.v. Có người/nhóm còn lấy tên tiếng Hàn hay Hoa như  Soobin, Kim Jo Jo, Jum, Link Lee, Mr Siro, v.v. Thú thiệt là thoạt đầu nghe qua, tôi cứ tưởng họ là người nước ngoài chơi nhạc ở Việt Nam, ai ngờ tất cả đều là Việt 100%! Càng ngạc nhiên hơn khi biết những người này có tên tiếng Việt rất chân chấc như Nguyễn Thị Lượm (Lilly Luta) hay Khương Hoàng Mỹ (Orange).

Trào lưu đặt tên nước ngoài đã xuất hiện ở bên Nam Hàn và Tàu từ thập niên 1970s [6] và rộ nở từ 1980s khi Tàu ‘mở cửa’ hoà nhập cùng thế giới tự do. Có lẽ giới trẻ Việt Nam chỉ bắt chước theo họ (Tàu) mà thôi. Không kể Hồng Kông nơi mà đa số người Hoa lấy tên tiếng Anh vì sự hiện diện của người Anh, mà ngay cả Trung Hoa lục địa người ta cũng hay lấy tên tiếng Anh. Ở bên Tàu, cũng có nghiên cứu tranh luận về vấn đề này [7], thậm cả luận án tiến sĩ bên Mĩ [8]. Những người lấy tên tiếng Anh cho rằng người nước ngoài dễ nhớ những cái tên ‘Tây’, và họ chỉ dùng cho người nước ngoài chớ không phải trong nước. Những người khác thì cho rằng lấy tên nước ngoài là một cách mượn căn cước tính (borrowed identity) và những cái tên đó như là ‘tên đệm’ (buffer) có thể giúp ích cho việc giao tiếp với người nước ngoài [7].

Quay lại trường hợp một số người trong giới trẻ Việt Nam lấy nghệ danh tiếng Anh, câu hỏi là lí do gì. Tôi không rõ tại sao họ lấy tên nước ngoài trong khi hoạt động ở trong nước. Chưa có nghiên cứu xã hội nào để giúp chúng ta hiểu hiện tượng này. Báo chí Việt Nam thì có khi chê họ là ‘sính ngoại’, còn họ thì cho rằng lấy tên nước ngoài là để gây chú ý [3].

Nhưng cũng có người phản bác rằng cái tên không làm nên người nghệ sĩ, mà phẩm chất tác phẩm mới là quan trọng. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trước 1975 khi ra nước ngoài vẫn giữ nghệ danh tiếng Việt: Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Thái Châu, Chế Linh, v.v. Ngay cả danh ca Bạch Yến khi xuất hiện trong chương trình Ed Sullivan và Bob Hope, bà vẫn giữ tên tiếng Việt và người MC phải cố gắng đọc cho được. Bà còn dí dỏm giải thích ‘Bạch Yến’ có nghĩa là gì nữa [9]. Các bạn thử xem qua video clip [9] để thấy Bạch Yến ứng xử tuyệt vời như thế nào về cái nghệ danh của chị ấy.

Ở Úc tôi có danh hài gốc Việt, nhưng anh ta không lấy tên tiếng Anh mà vẫn giữ cái tên ba má đặt cho: Anh Do (hay Đỗ Anh). Nhưng tên của con anh thì đều có tên tiếng Anh.

Tóm lại, tôi thấy nhu cầu đặt tên tiếng Anh của người Việt ở nước ngoài là chánh đáng vì 3 lí do nêu trên (hội nhập, văn hoá, và thăng tiến trong sự nghiệp). Nhưng ở trong nước thì động cơ đặt tên nước ngoài (Anh, Hoa, Hàn) không mấy rõ ràng, rất có thể là làm sang hay tự làm mới, hay là một sự thần phục trước nền văn hoá nước ngoài? Hình như người Nhựt rất ít khi nào lấy tên nước ngoài (?)

Nói chuyện đổi tên tôi nhớ ngay đến vở cải lương kinh điển ‘Nửa đời hương phấn’. Đó là vở cải lương tâm lí xã hội lấy biết bao nước mắt của người xem từ thập niên 1960 cho đến nay. Trong tuồng cải lương, soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng viết về câu chuyện tình ngang trái và éo le của một cô gái quê có cái tên The rất mộc mạc. Điều tôi chú ý là khi cô ấy thành phố tìm việc làm, cô đổi tên là Hương. Trong một đoạn, soạn giả cho ông Sáu (ba của The) mắng The:

Tại sao mày lên Sài Gòn mày có thêm cái tên Hương? Tên The ba má đặt cho con nó quê mùa xấu xí lắm phải không con? Mày liệng bỏ tên The chẳng khác nào mày liệng bỏ một quãng đời trong sạch của mày.

Năm 1936, thi sĩ lừng danh Nguyễn Bính sáng tác bài thơ ‘Chân quê’, trong đó có hai câu rất hay: Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Bài thơ nghe nói được sáng tác lúc Nguyễn Bính chưa đầy 20 tuổi và được trao giải thưởng về thơ thời đó. Bài thơ sau này được nhạc sĩ Song Ngọc phổ thành nhạc rất hay. Những câu trong đó như là những lời độc thoại mang tính quan sát (Nào đâu cái áo tứ thân / Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen), nhưng cũng là một cách nhắc nhở, có phần trách móc, các cô gái quê tự đánh mất cái hồn quê của mình khi ra thị thành.

May be an image of 4 people
Vở tuồng cải lương nổi tiếng ‘Nửa đời hương phấn’

Tôi có cảm giác rằng người Việt ở nước ngoài cũng giống như ông Sáu trong vở cải lương hay Nguyễn Bính trong ‘Chân quê’, tức là họ trân trọng cái gốc Việt và văn hoá Việt hơn là người Việt ở trong nước.

_______

[1] https://crawford.anu.edu.au/news-events/news/104/job-hunt-success-all-name

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-you-find-a-vn-celebrity-on-tv-01172021110631.html

[3] https://thanhnien.vn/van-hoa/ro-mot-nghe-si-viet-mang-ten-ngoai-818887.html

[4] https://cuoi.tuoitre.vn/giai-tri/bat-ngo-voi-loat-nghe-danh-va-ten-that-cua-sao-viet-khong-lien-quan-den-nhau-2020082260315917.html

[5] https://www.yan.vn/giat-minh-ten-that-dang-sau-nghe-danh-keu-nhu-chuong-cua-sao-viet-122512.html

[6] https://theculturetrip.com/asia/china/articles/chinese-people-western-names

[7] https://www.dw.com/en/why-some-chinese-speakers-also-use-western-names/a-18966907

[8] https://www.dw.com/en/why-some-chinese-speakers-also-use-western-names/a-18966907

[9] https://www.youtube.com/watch?v=7FyjB_Fp9lo