Thuốc Molnupiravir không hiệu quả như ban đầu

Molnupiravir là một thuốc đầu tiên được (hay sắp được) phê chuẩn cho đặc trị covid19. Thế nhưng kết quả thử nghiệm lâm sàng mới nhứt cho thấy thuốc Molnupiravir không có hiệu quả cao như báo cáo lúc ban đầu [1].

May be an image of food

Theo kết quả của một nghiên cứu trước đây trên 762 bệnh nhân [2], Molnuparivir giảm nguy cơ nhập viện khoảng 50%: từ 14% trong nhóm chứng xuống còn 7.3% trong nhóm điều trị.

Thế nhưng kết quả của một nghiên cứu mới nhứt trên 646 bệnh nhân, thì Molnupiravir không có hiệu quả. Nói cách khác, nguy cơ nhập viện ở nhóm điều trị và nhóm chứng không khác nhau. 

Nếu tổng hợp 2 nghiên cứu lại thì hiệu quả của Molnupiravir là 30% (không phải 50% như báo cáo của nghiên cứu đầu tiên). Tuy nhiên, tôi thấy cách gộp chung 2 nghiên cứu này để cho ra một kết quả chung là có vấn đề về phương pháp. Các bạn có biết tại sao?

Tôi thì có một cách diễn giải khác. Theo tôi, một loại thuốc mới có hiệu quả thì thuốc đó phải giảm nguy cơ nhập viện ít nhứt là 50%. Và nếu dùng tiêu chuẩn này thì xác suất mà Molnupiravir có hiệu quả chỉ 42% mà thôi. (Chi tiết trong cái note trước đây của tôi [2]). Tôi không ngạc nhiên khi nghiên cứu thứ hai không quan sát được hiệu quả của Molnupiravir.

Vài thông tin khoa học gần đây cũng nêu lên sự quan tâm về an toàn của thuốc. Đó là một loại thuốc kháng virus  trong nhóm có tên là mutagenic ribonucleosides, có nghĩa rằng cơ chế chánh của thuốc là làm thay đổi chất liệu di truyền của con virus để nó không thể sao bản. Theo đó, khi molnupiravir vào nhân của tế bào con người, nó được chuyển hoá thành molnupiravir triphosphate, và protein này gắn kết vào RNA của con virus và gây đột biến để nó không tự ‘copy’ được. Chính vì cơ chế này mà người ta quan tâm là nó (thuốc Molnupiravir) có thể can thiệp vào tế bào của con người, và trong thực tế nghiên cứu trên dòng tế bào đã chỉ ra điều đó [3]. Người ta quan tâm là vì thuốc có thể gây ung thư hay dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nhưng đây chỉ là nghiên cứu trên dòng tế bào, chớ không phải trên người.

Các thuốc khác như Remdesivir cũng dùng cơ chế này để chống covid-19 và có hiệu quả tốt. Mặc dù FDA phê chuẩn Remdesivir, nhưng WHO thì không vì họ cho rằng chưa đủ dữ liệu để sử dụng nó trong điều trị đại trà. Cần nói thêm rằng giá thuốc Molnupiravir thì chỉ 700 USD (cho 5 ngày), rẻ hơn nhiều so với Remdesivir.

Tóm lại, Molnupiravir có vẻ có hiệu quả giảm nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân covid, nhưng mức độ ảnh hưởng thì không cao như báo cáo ban đầu. Ngoài ra, còn có quan ngại về sự an toàn của thuốc mà có lẽ cần thời gian mới biết rõ hơn.

_______

[1] https://doi.org/10.1038/d41586-021-03667-0

[2] https://nguyenvantuan.info/2021/10/02/thuoc-moi-cho-covid-19-molnupiravir

[3] https://academic.oup.com/jid/article/224/3/415/6272009