Thành công của người Việt ở Mĩ có liên quan đến chánh sách của Việt Nam?

Nếu là ông PMC, tôi sẽ không nói câu này: “Thành công của người Việt tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước“. Tôi cố gắng tìm trong nhóm bạn bè và bà con ở Mĩ, ai thành công nhờ vào chánh sách của VN, nhưng kết quả là zero.

Hãy lấy trường hợp anh bạn tôi là một trường hợp tiêu biểu. Năm 1982, sau khi được trả tự do từ tù ‘cải tạo’ anh vượt biên sang Mã Lai, và chừng 1 năm sau thì đến Mĩ định cư. Sang Mĩ, thời gian đầu, cũng như các đồng hương khác, anh làm trong các hãng xưởng một thời gian. Sau đó chừng 2 năm, anh bảo lãnh vợ con từ Việt Nam sang Mĩ và cả gia đình đoàn tụ. Sau đoàn tụ, anh quay lại đại học và xong chương trình cử nhân khoa học máy tính. Phải 20 năm sau gia đình anh mới thật sự ổn định và thoải mái, khi 2 đứa con đã tốt nghiệp từ trường y UCSF và một đứa tốt nghiệp cũng về khoa học máy tính như anh. Bây giờ thì anh đã nghỉ hưu, có cuộc sống tương đối sung túc, nhưng anh chưa bao giờ về Việt Nam và đến cho cuối đời chắc anh sẽ không về lại quê hương.

Đối với anh và con cái, Mĩ là đại ân nhân, là quê hương. Sự thành công của gia đình anh bạn tôi chẳng có liên quan gì với mấy chánh sách bên Việt Nam. Sự thành công của anh là do môi trường tự do và bình đẳng ở Mĩ, do thể chế không kì thị ở Mĩ — không có dính dáng gì với Việt Nam.

Một chút về sự hình thành cộng đồng người Việt ở Mĩ

Hiện nay, cộng đồng người Việt ở Mĩ có chừng 2.2 triệu người. Con số này tăng gần gấp 2 lần so với năm 2000 khi đó chỉ có 1.2 triệu người. Đa số họ đến đây vào thập niên 1970-1990 (ước tính tầm 800,000 người) với tư cách người tị nạn hoặc HO. Những người trong làn sóng đầu tiên này bảo lãnh thân nhân từ Việt Nam sang, nên con số người Việt ở Mĩ tăng khá nhanh sau đó. Đa số họ đi từ miền Nam. Trong mấy năm gần đây, người từ miền Bắc cũng tìm đường sang Mĩ và ở lại.

Trong làn sóng di cư đầu, ngoài những chuyên gia và quan chức VNCH và cựu quân nhân, nhiều người Việt xuất thân từ nông dân và trình độ học vấn hạn chế. Thế nhưng người Việt có gen ‘resilience’ nên họ đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và đóng góp cho xã hội Mĩ. Anh bạn của tôi là một trường hợp tiêu biểu về quá trình định cư của người Việt ở Mĩ.

Cộng đồng người Việt ở Mĩ còn non trẻ so với các cộng đồng Á châu khác (như Phi Luật Tân, Tàu, Ấn Độ). Do đó, so với các cộng đồng này, cộng đồng người Việt chưa phải là ‘sáng giá’ lắm đâu. Về trình độ học vấn, 32% người Việt ở Mĩ tốt nghiệp đại học (con số này cho thế hệ sanh ở Mĩ là 55%). Con số 32% đó tương đương với toàn dân số Mĩ, nhưng thấp hơn các cộng đồng Á châu khác (54%). Những con số này phải đặt trong bối cảnh những người tị nạn thế hệ đầu đến Mĩ là những người thuộc thành phần khó khăn.

Nói đến quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở Mĩ mà không đề cập đến Little Sàigon là một sai sót. Ngày xưa, theo như bà con tôi kể lại, khu vực mà nay gọi là Little Saigon chỉ là một vùng bán nông thôn, bán thành thị, nhưng từ ngày có người Việt về đây thì vùng này đã biến thành một khu đô thị sầm uất, mang đậm bản sắc Việt. Đến Little Saigon là đến một Sài Gòn thu nhỏ.

Để được địa danh ‘Little Saigon’ cũng là một quá trình vận động và cạnh tranh giữa người Việt và người Tàu. Người Tàu khi đó vận động đặt tên “China Town” hay “Asian Town” cho khu vực nay là Phước Lộc Thọ. Còn người Việt thì trong  “Ủy Ban Thương Mại Việt Nam” thì đề nghị lấy tên “Little Saigon”. Tháng 6/1988, Thống Đốc tiểu bang California cắt băng khánh thành các bảng chỉ dẫn “Little Saigon Next Exit” dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Brookhurst, Magnolia. Người có công đầu trong việc đặt tên Little Saigon là kí giả Du Miên, và người ủng hộ nhiệt tình nhứt là Dân biểu Richard Longshore (đã qua đời năm 1988).Kể sơ qua về sự hình thành của cộng đồng người Việt ở Mĩ như thế để cho thấy rằng quá trình phát triển đó không có dính dáng gì với chánh phủ Việt Nam.

Cộng đồng người Việt ở Mĩ là ai?

Theo BBC thì ông PMC nói trong ‘cuộc gặp mặt một số người Việt tại Mỹ ở thủ đô Washington DC ngày 14/5’ năm 2022. Nhiều bạn đọc trong nước có lẽ nghĩ rằng khi các quan chức cao cấp VN khi sang thăm những nước phương Tây như Mĩ thì họ sẽ gặp ‘cộng đồng người Việt’ ở địa phương. Nhưng không phải đâu.

Các vị ấy chỉ gặp những người có liên quan với nhà cầm quyền mà thôi. Đó là những du học sinh được tuyển chọn, những người làm ăn ở trong nước, những người từ miền Bắc qua Mĩ định cư trong mấy năm gần đây, hay nói chung là chỉ gặp ‘phe ta’. Điều này cũng dễ hiểu, vì phe ta nói cùng ngôn ngữ, cùng hành vi, suy nghĩ cùng nhịp điệu, và quen biết nhau cả. Nhưng những người này không đại diện cho tuyệt đại đa số người Việt ở Mĩ và chắc chắn không đại diện cho người tị nạn ở Mĩ.

Các quan chức Việt Nam khó mà gặp và trò chuyện với những người đã và đang xây dựng cộng đồng người Việt tị nạn ở Mĩ. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Những người trong cộng đồng và các quan chức Việt Nam không có cùng suy nghĩ về Việt Nam, không cùng ‘ngôn ngữ’, không chia sẻ lịch sử cận đại, nên rất khó có điểm chung (commonality). Còn những cách nói sáo ngữ như ‘Khúc ruột ngàn dặm’ thì thú thiệt là hoàn toàn vô nghĩa.

Tuy không có cùng điểm chung như thế, nhưng người Việt ở Mĩ đóng góp khá nhiều cho lượng kiều hối về Việt Nam. Theo báo TT thì năm 2021, số kiều hối về Việt Nam là 18 tỉ USD. Trong số này, kiều hối từ Mĩ là khoảng 11 tỉ USD, chiếm 61% tổng số. Đó là một khoản viện trợ không hoàn lại rất lớn cho Việt Nam. Đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, và máu của người Việt ở Mĩ, và chắc chắn không có sự đóng góp của Chánh phủ Việt Nam.

Tôi ước gì có một ngày một quan chức cao cấp như ông PMC đến Little Saigon thẳng thắn và chân tình chia sẻ những khác biệt về quan điểm với đồng hương và lắng nghe ‘music’ của đồng hương như ông Nguyễn Văn Thiệu đã từng làm trước đây. Nếu ngày đó chưa đến thì khoảng cách giữa cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài và Chánh phủ trong nước vẫn còn xa diệu vợi. Chỉ khi nào có một buổi gặp gỡ như thế thì người Việt chúng ta mới là một khối đoàn kết và mới có hoà giải dân tộc.

______

PS: Nói về chánh sách của ‘Đảng và Nhà nước’ liên quan đến người vượt biên không thể nào không nhắc đến cái gọi là “Phương Án II”, một chủ trương của BCT nhằm tổ chức vượt biên bán chánh thức cho người Hoa ở miền Nam. Đã có ít nhứt 902 người chết trên sông hay biểu vì cái Phương Án II này, và vụ tang thương nhứt là Cát Lái, nơi chứng kiến 227 người vượt biên bị chết.

Chỉ non 1 năm (từ 8/1978 đến 6/1979), số người ra đi theo Phương Án II là khoảng 134000 người, và Nhà nước thu được 16181 kg vàng cùng 164505 USD, 538 xe hơi, 4154 căn nhà hay gian nhà. (Tuy nhiên, địa phương báo cáo chỉ có 60,000 người đi, và Nhà nước đã thu về 5612 kg vàng cùng 57000 USD, 235 xe hơi, 1749 nhà và gian nhà).

Bồ Tát Jeon Je Young

Vào thập niên 1970-1980, có hàng trăm ngàn người Việt vượt biển tìm tự do. Trong thời gian đó đã có hàng vạn người đã chìm sâu vào lòng Biển Đông, nhưng đa số còn sống sót nhờ vào lòng tốt của nhân loại. Một trong những tấm lòng đó là ông Jeon Je Young, người được xem là một đại ân nhân của người Việt tị nạn vào thập niên 1980s. Câu chuyện ông cứu gần 100 người tị nạn đã lâu rồi nhưng vẫn còn giá trị ngày nay.

Có lẽ các bạn chưa bao giờ nghe tới ông Jeon Je Young. Ông là người đã cứu 96 thuyền nhân Việt Nam vào giữa thập niên 1980, và được người Việt tị nạn xem như là một Bồ Tát. Ông mới qua đời tại thành phố Tong Yeong, Hàn Quốc, vào ngày 17/11/2019, thọ 78 tuổi. Việc làm của ông là một tấm gương sáng ngời của một người sẵn sàng hi sinh chức quyền để cứu người trong cơn hoạn nạn.

May be an image of 1 person, standing and indoor
Thuyền trưởng Jeon Je Young

Câu chuyện ông cứu thuyền nhân rất ư độc đáo và cảm động (1). Gần 35 năm trước, ngày 10/11/1985, một chiếc tàu chở 96 người Việt đi tị nạn bị chết máy. Chiếc tàu lênh đênh trên biển suốt 3 ngày trời trên Biển Đông, mọi người chỉ biết cầu nguyện, và … chờ chết. Nhiều tàu buôn đi ngang qua, dừng lại ngó, rồi bỏ đi. Họ không muốn cứu thuyền nhân vì sợ gặp rắc rối với các nước trong vùng lúc đó đã quá mệt mỏi với làn sóng thuyền nhân. Chiếc tàu cá Kwang Myung 87 do ông Jeon Je Young điều khiển đi từ Singapore về Hàn Quốc, cũng đi ngang qua, nhìn một chút, rồi cũng … bỏ đi. Nhưng như là một phép lạ, một định mệnh, ông thuyền trưởng quyết định quay lại cứu thuyền nhân!

Tại sao ông Jeon Je Young đi đến quyết định táo bạo đó? Sau này ông cho biết khi ông liên lạc với tổng hành dinh của công ti bên Hàn Quốc để hỏi ý kiến, thì công ti nhứt định không cho cứu, và ra lệnh ông phải bỏ đi. Công ti nói nếu cứu thì sẽ gặp rắc rối với chánh quyền Hàn Quốc và cũng không biết sẽ đưa thuyền nhân đi đâu. Nhưng khi ông xem thông tin khí tượng và biết rằng một cơn bão sẽ tới trong vòng 24 giờ, và tất cả thuyền nhân trên chiếc tàu bé nhỏ kia chắc chắn sẽ chết. Ông nói nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ và trẻ con trên tàu nhỏ đó, ông không thể đành lòng bỏ đi được. Ông quyết định quay tàu lại cứu 96 thuyền nhân, và sẵn sàng nhận tất cả hình phạt dành cho ông sau này. Ông cho biết: “Tôi nghe tiếng nói của trái tim tôi.”

Ngày 29/11/1985, tàu Kwang Myung về bến Busan, Hàn Quốc. Ông bị công ti kỉ luật, bị cách chức captain, và đuổi khỏi công ti. Lúc đó ông đã 44 tuổi. Phải 2 năm sau, ông mới được một công ti khác mướn.

Còn những thuyền nhân thì sau này được đưa sang trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân. Sau đó, họ được đi định cư ở Mĩ. Cũng như bao nhiêu thuyền nhân khác, họ phải chật vật trong giai đoạn đầu làm lại cuộc đời, nhưng cuối cùng thì cũng sống sót và thành đạt trong xã hội mới. Một người trong số 96 thuyền nhân đó là ông Nguyễn Hùng Cường đã cố gắng tìm lại vị ân nhân của mình. Phải 17 năm sau, ông Cường mới biết ông Jeon Je Young ở đâu và làm gì (lúc đó ông sống bằng nghề nuôi sò). Trong một lá thư cho ông Cường, ông Jeon Je Young chỉ hỏi những người ông cứu nay đang làm gì cho xã hội, chớ ông không quan tâm họ có chức vụ gì hay thành đạt ra sao.

Năm 2004, một nhóm người tị nạn ở Little Saigon mời ông sang thăm nước Mĩ để đền ơn. Năm 2006, khi Trung tâm Thuý Nga làm show nhạc ở Nam Hàn, họ đến mời ông xuất hiện trong show nhạc như là một lời tri ân của người Việt tị nạn. Năm 2007, ông lại được một nhóm thuyền nhân vinh danh, người thì cho ông ở khách sạn Ramada miễn phí suốt 3 tuần, người thì tặng ông $5000 (nhưng ông không nhận, mà thay vào đó là sung vào quĩ cho trẻ khuyết tật, mồ côi ở Việt Nam), người thì bảo trợ cho con gái ông theo học bên Mĩ. Các thuyền nhân đã có những nghĩa cử đẹp để đền ơn đáp nghĩa cho người được mệnh danh là có “tấm lòng như biển cả”.

Trong thập niên 1970 và 1980, có cả nửa triệu người Việt vượt biên và vượt biển; trong số này có chừng 200,000 người đã nằm sâu trong lòng Biển Đông. Đó là một con số rất lớn, vì bằng dân số của 20 làng xã cộng lại. Họ chết vì bão tố, đói khát, hải tặc. Cũng có khi họ chết vì tay súng … Việt Nam. Nhưng số còn sống là nhờ vào lòng tốt của các nước trong vùng và những cá nhân có từ tâm và tấm lòng biển cả như ông Jeon Je Young. Phải là người từng sống sót qua cơn biến động đó mới thấy những tấm lòng của ông Jeon Je Young, Ts Rupert Neudeck, Cha Peter Prayoon Namwong, v.v. là vô cùng quí báu.

Người mình có câu “Trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Cứu 1 người trong cơn hoạn nạn đã là một ân nhân; cứu hàng trăm người sắp chết phải là một công đức xứng tầm Bồ Tát. Bồ Tát Jeon Je Young đã về cõi vĩnh hằng, nhưng tấm lòng của ông đối với tha nhân sẽ được ghi nhận vĩnh viễn trên những trang sử Việt trong tương lai.

_____

[1] https://www.voatiengviet.com/a/a-19-2007-12-02-voa29-81484652/483400.html

37 năm chông chênh

Nhìn tờ lịch trên iPhone mới nhận ra hôm nay là ngày 26/1! Với nhiều người, cái mốc thời gian quan trọng là ngày sinh nhật, nhưng với tôi đó là ngày 26/1, ngày tôi đặt chân đến Úc châu bắt đầu một cuộc đời mới. Thắm thoát mà tôi đã xa quê 38 năm, trong đó 37 năm ở Úc.

Trại tị nạn Songkhla (Thái Lan) vào thập niên 1980 có thể chứa cả 10 ngàn người!

Trong lịch sử kim cổ VN, chưa bao giờ có một cuộc di tản vĩ đại như thời thập niên 1980s. Không ai biết chính xác con số người vượt biển và vượt biên, nhưng ước lượng có hơn 300 ngàn người. Thê thảm hơn, có cả 200 ngàn người vùi thây dưới biển trong hành trình tìm tự do. Làn sóng vượt biển cho ra đời một danh từ mới trong tiếng Anh: “boat people” hay “thuyền nhân.” Ấy vậy mà giới trẻ ngày nay không hề biết về một chương sử buồn đó. Giới sử gia cung đình không muốn nói đến, nhà cầm quyền chỉ muốn quên đi.

Nhưng “boat people” thì không thể quên. Không thể quên một thời u ám nhất của miền Nam, thời mà dân gian ví von rằng nếu cái cột đèn biết đi nó cũng đi. Từ một đất nước thừa gạo ăn và đủ áo mặc, người miền Nam đột nhiên thiếu gạo ăn và phải xếp hàng để mua được vài mét vải! Có một chiếc xe Honda, sở hữu một cái Seiko quèn cũng trở thành đề tài cho kiểm điểm. Không ai thấy an toàn. Bạn bè hôm nay có thể là kẻ tố giác mình ngày mai. Có thể nói thời đó là một không khí ngột ngạt, hắc ám, khủng bố bao trùm khắp miền Nam. Đó cũng là lúc khởi đầu cho một cuộc đổi đời còn đau cho đến ngày hôm nay.

Hôm nọ ở Hà Nội, tôi chỉ bộ đồ thời trang trên người của một cô và nói “em may mắn được mặc đẹp …” Em ấy không hiểu tại sao và hỏi “Sao cơ?” Tôi mới giải thích là ngày xưa, chỉ cách đây 30 năm thôi, cái phong cách lịch thiệp của em được xem là “tiểu tư sản” và cái nhãn hiệu đó đồng nghĩa với “có tội”. Em ấy kinh ngạc như nghe chuyện cổ tích. Ngày đó, người bạn tôi tên Phi Phụng chỉ vì mặc áo dài mà được gán cái nhãn “tiểu tư sản” và bị đày đoạ đến nỗi cô ấy bỏ nước ra đi. Cái thời mà sự ấu trĩ lên ngôi, cái dốt ngự trị, và nghi kị và khủng bố là phương tiện của người cầm quyền. Không biết thời đó ở miền Bắc ra sao, nhưng tôi đoán chắc chẳng khá hơn.

(Sau này tôi sốc khi biết rằng giữa lúc người dân tuyệt vọng đi tìm tự do ở nước ngoài, thì có những đoàn “Việt kiều yêu nước” về Hà Nội! Không biết họ được chào đón ra sao, nhưng trong số những người về đó, có vài người thay đổi quan điểm 180 độ. Tôi không rõ họ có biết có hàng trăm ngàn đồng hương bỏ nước ra đi và hàng trăm ngàn ngưởi bỏ mạng trên biển trong lúc họ hân hoan về “xây dựng quê hương.”)

Ba mươi bảy năm trước, khi đặt chân đến Úc (hay một nước thứ ba) chẳng ai nghĩ đến ngày về quê. “Một lần đi là một lần vĩnh biệt / một lần đi là mãi mãi chia phôi”, đó là tâm trạng của những người gọi là “boat people”. Ra đi trong buồn bã, tuyệt vọng, chỉ mong được sống sót là may lắm rồi, chứ không dám mơ gì cao xa. Biết bao nhiêu ca khúc mô tả cái tâm trạng của “người di tản buồn” thời đó đã đi vào tâm khảm tôi: “Chiều nay có một người di tản buồn / Nhìn xa xăm về quê hương rất xa / Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha / Và dâng dâng lệ vương mắt nhạt nhoà.” Rồi thời gian cũng làm nguôi ngoai những vết thương lòng, mọi người lao vào làm việc để tồn tại trong xã hội mới và … gửi quà về quê hương. “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá / Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay / Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may / Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đầy.”

Có những khoảnh khắc làm mình khóc … tự nhiên. Nhớ có lần, trong một chuyến công tác bên Âu châu, tôi phải ở qua đêm ở Bangkok, đứng trên tầng 25 của khách sạn Montien nhìn về phía Việt Nam mà rơi nước mắt. Chỉ 1 giờ bay là về tới quê rồi, nhưng không thể …

Phải đến 1999 tôi mới về thăm nhà lần đầu. Thời đó, tuy đã “đổi mới” và “mở cửa”, nhưng không khí vẫn còn hắc ám lắm. Đi đâu cũng phải trình báo địa phương. Đủ thứ giấy tờ rườm rà, thiếu là rất phiền phức. Giá cả dành cho Việt kiều khác/cao hơn giá dành cho người trong nước. Tham nhũng, hối lộ ở hải quan là qui luật. Cơ sở vật chất và đường xá vô cùng tồi tệ. Người ta chỉ về thăm người thân rồi vội vã ra đi, chứ chẳng ai nghĩ đến sống ở trong nước. Tôi cũng thế, lần đầu về thăm ba má chỉ đúng 10 ngày và lại lên đường về Úc cứ như là … chạy trốn!

Nhưng tình hình xã hội và chính trị Việt Nam càng ngày càng “dễ thở” hơn trong những năm sau đó. Thủ tục đi lại cũng đơn giản hơn. Từ thời giấy tờ rườm rà và nhũng nhiễu ở hải quan, ngày nay người khách đến Việt Nam chẳng cần giấy tờ khai báo (như vào Úc và Mĩ) và hải quan cũng ít nhũng nhiễu bà con hơn. Việc đi về Việt Nam ngày nay đối với đa số người Việt ở Úc có thể nói là quá tiện. (Tôi nói “đa số”, vì vẫn còn một số ít không được về Việt Nam dù họ rất muốn). Người ta có thể “sáng ăn phở Sydney, chiều ăn mì ở Sài Gòn”. Ôi, một sự thay đổi đến chóng mặt! Nhìn lại và nhìn chung, tôi thấy Việt Nam như một đoàn tàu mới ra khỏi cái hầm tăm tối và mới nhìn thấy ánh sáng. Đất nước khá hơn thì có đấy, nhưng nhìn kĩ thì là một đất nước lệ thuộc. Lệ thuộc từ thể chế, kinh tế, đến khoa học kĩ thuật. Một đất nước như thế rất cần sự đóng góp của những người con trong và ngoài nước, nhưng trong thực tế thì muốn đóng góp cũng không đơn giản như suy nghĩ.

Cá nhân tôi cũng thay đổi, từ những năm mà vài năm mới về VN một lần thì nay tôi có khi về VN cả 6 lần một năm (2018)! Về nhiều, nhưng ở chẳng bao nhiêu, có khi chỉ 3 ngày! Cơ duyên tôi về Việt Nam lần đầu là qua công ti MSD mời nói về loãng xương ở khách sạn Windsor (không nhớ năm nào), nhưng đó là một buổi ‘debut’ rất thành công, và qua đó làm quen với rất nhiều bạn bè. Người quan trọng nhất là chị Thy Khuê (tôi gặp trong một nhà sách, chị ấy đang tìm mua cuốn “Địa đàng ở phương Đông” mà tôi viết lời giới thiệu), và thế là chương trình “summer workshop” ở trường y ra đời. Các workshop đó đã giúp nhiều bạn sau này đi học tiến sĩ trong và ngoài nước. Rồi thời cơ đưa đẩy, tôi có dịp đi nói chuyện khắp nước, từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn, Trà Vinh, An Giang, Bến Tre đến Kiên Giang quê tôi. Ngày nay, tôi có diễm phúc là đi đến đâu cũng đều có bạn bè hay người ta biết đến. Có khi điều làm tôi ấm lòng là có anh tài xế xe ôm cũng nhận ra tôi! Từ một người ra đi và không nghĩ ngày trở lại, nay tôi thành người … trong nước.

Thế nhưng tôi vẫn thấy mình chông chênh. Ở ngoài, dù mang quốc tịch Úc, nhưng người Úc vẫn xem tôi là “gốc Việt.” Còn ở Việt Nam quê mình, thì người ta xem tôi là “yếu tố nước ngoài” (chẳng biết hàm ý tích cực hay tiêu cực). Sự chông chênh của tôi giống như câu chuyện về hai căn cước tính của một người tị nạn trong cuốn tiểu thuyết Ru của Kim Thuý. Một căn cước tinh thần là Việt Nam, và một căn cước pháp lí là Úc. Người tị nạn đó dù mang cái căn cước tính Úc, sống trong xã hội mới theo phương Tây, nhưng cái căn cước tinh thần vẫn là một người Việt.

Cho đến nay, sau 44 năm thống nhất, người Việt vẫn bỏ nước ra đi, với con số ~100,000 mỗi năm! Nhưng họ là immigrant chứ không phải refugee. Tôi thấy nhà văn Nguyễn Thanh Việt rất có lí khi anh ấy phân biệt người tị nạn (refugee) khác với người di cư (immigrant). Người tị nạn là người tuyệt vọng, vô quốc tịch, không có tài sản, và họ bị “bứng” khỏi quê hương qua một biến động lịch sử. Người di cư có quốc tịch, họ có tài sản, và họ ra đi một cách tự nguyện. Người tị nạn do đó thường mang trong mình những chấn thương tinh thần. Người tị nạn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi căn cước tính của mình. Người tị nạn sống giữa hai thế giới: Một bên là quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn; một bên là quê hương tạm dung. Họ bị giằng xé tâm tư, một bên là kí ức của quê hương đầy biến động và đau khổ, một bên là đất nước tạm dung giàu có nhưng chưa chắc là thoải mái. Do đó, người tị nạn đã xa rời quê hương, nhưng trong tâm tưởng họ chưa bao giờ rời quê hương. Họ ở đây, nơi tạm dung, mà không phải ở đây. Họ thành đạt về kinh tế, họ có thể có địa vị trong xã hội nơi tạm dung, nhưng cái tâm của họ thì vẫn còn chông chênh. Trong “họ” có tôi.