Đọc hồi kí “Sống và Viết ở Hải Ngoại” của Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học xuất sắc ở hải ngoại. Mới đây, anh cho xuất bản cuốn hồi kí nhan đề “Sống và Viết ở Hải Ngoại” với nhiều ‘tiết lộ’ mang tính chứng từ của một thời, kể cả tiết lộ về chuyện anh không được về Viêt Nam. Cái note này muốn giới thiệu cuốn hồi kí đến các bạn.

Vào cuối thập niên 1980s, Nguyễn Hưng Quốc (tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn) xuất hiện trên văn đàn hải ngoại một cách sáng chói vì anh đem lại một luồng gió mới trong phê bình văn học. Những ai đã chán với cách phê bình văn học theo cảm tính về một tác phẩm, nhiều sáo ngữ về bối cảnh, và nghiêng về những câu chuyện cá nhân, đột nhiên tìm thấy một cách phê bình văn học mới mẻ, có phương pháp luận rõ ràng, có khoa học tính, và có khi cả định lượng. Trước đây, đã có một nhà phê bình nổi tiếng là Đặng Tiến ở Pháp, nay văn đàn hải ngoại có thêm một Nguyễn Hưng Quốc. Nhà văn Võ Phiến cho rằng “Người xứ An Nam ta chưa có nhà lí luận văn học nào mà viết đẹp như Nguyễn Ngọc Tuấn. Nhiều đoạn đọc mà mê.” Quả đúng như vậy.

Nhưng trong thế giới khoa bảng, Nguyễn Ngọc Tuấn còn là một nhà nghiên cứu và giảng viên môn Việt Học tại Đại học Victoria (Úc) và có nhiều đóng góp đáng kể cho việc duy trì môn Việt Học ở Úc. Anh từng được Hội đồng Nghiên Cứu Khoa học Úc (ARC: Australian Research Council) cấp tài trợ cho nghiên cứu về tiếng Việt và văn học Việt. Cần nói thêm rằng ARC chỉ tài trợ cho những nhà nghiên cứu có hạng và có tiềm năng. Sự thành công trong việc được ARC tài trợ là một minh chứng về khả năng học thuật của Nguyễn Hưng Quốc.

Cho đến nay, Nguyễn Hưng Quốc đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách, kể cả sách tiếng Anh. Có thể nói cuốn nào của anh ấy tôi đều đọc và rất thích. Những cuốn mà tôi rất tâm đắc (như Thơ, v.v… và v.v…, Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản), và từng có bài giới thiệu (như Sống với chữ). Theo tôi biết cuốn “Văn học Việt Nam dưới chế độ cộng sản” — tuy cái tựa đề mang tính ‘dữ dội’ nhưng thật ra là một tổng quan rất công phu và tuyệt vời — được các nhà văn và nhà nghiên cứu văn học trong nước rất thích.

Nhưng đằng sau những thành tựu đó là một hành trình gian nan của người tị nạn, một con người yêu quê hương và đầy trăn trở. Những đoạn đường sự nghiệp và trăn trở đó được tác giả chắt chiu thành một cuốn hồi kí Sống và Viết ở Hải Ngoại“. Tác giả viết về con đường vào văn học mà tác giả gọi là “lộc văn”, dạy học, những bạn văn, chuyện bị cấm nhập cảnh Việt Nam, và kết thúc bằng chương viết về “vấn đề bản sắc  của người cầm bút lưu vong.” Chương nào cũng cuồn cuộn thông tin được chuyển tải bằng một văn phong sắc bén và gãy gọn.

Lộc văn

Nguyễn Hưng Quốc là một bút danh, và chữ ‘Hưng Quốc’ đã từng làm cho nhiều người lầm tưởng là tác giả có một chủ trương chánh trị, nhưng không phải. Thật ra, Nguyễn Hưng là một dòng họ ở Quảng Nam, còn “Quốc” thì chỉ là một ý nghĩ tình cờ này sinh khi còn ở Pháp. Nguyễn Ngọc Tuấn, sanh ra và lớn lên ở Quảng Nam, quê hương của những nhân vật lịch sử như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phân Châu Trinh, v.v.  

Nguyễn Hưng Quốc cho biết anh có “lộc văn” đầu đời từ quãng thời gian theo học đại học ở Sài Gòn. Tốt nghiệp từ Đại học Sư phạm TPHCM vào cuối thập niên 1970s với hạng xuất sắc qua một bài luận văn về tư tưởng yêu nước, và được Gs Lê Trí Viễn ưu ái cho ở lại đại học làm cán bộ giảng dạy.  

Nhưng thập niên 1970s, 1980s là thời của chủ nghĩa lí lịch, mà theo đó những người có liên quan với chế độ VNCH không thể tiến thân, thậm chí không thể vào học đại học. Do đó, nhiều người đã chọn con đường vượt biên. Gs Mai Quốc Liên từng khuyên chàng sinh viên Nguyễn Ngọc Tuấn rằng “Cậu ráng tìm đường đi vượt biên đi. Với lí lịch cậu bây giờ, chế độ này sẽ không sử dụng cậu đâu. Như vậy thì phí tài của cậu“.  Có lẽ nghe theo lời khuyên đó, Nguyễn Hưng Quốc đã tìm đường vượt biên.

Giữa tháng 6 năm 1985, anh đến Pulau Laut, Nam Dương. Anh được Pháp nhận cho đi định cư, và tháng 11/1985 thì anh tới Pháp bắt đầu hành trình của một người tị nạn. Ở Pháp, sau một thời gian làm phụ bếp (giống tôi), anh lại hưởng một lộc văn khác: làm việc cho tạp chí Quê Mẹ của Thi Vũ Võ Văn Ái. Khi đã ổn định cuộc sống một chút, cũng nhờ “lộc văn” mà anh đã thành công trong việc bảo lãnh vợ con từ Việt Nam sang Pháp định cư.

Lộc văn của anh ấy còn tiếp tục khi sang Úc. Qua sự bảo trợ Ts Nguyễn Xuân Thu, lúc đó là một giảng viên Việt học ở Úc, Nguyễn Hưng Quốc được sang Úc định cư vào đầu năm 1991. Ở Úc, cũng nhờ tài viết văn và những cuốn sách phê bình văn học anh viết ở Pháp, nên được nhận vào vừa giảng dạy tiếng Việt vừa theo học tiến sĩ mà không qua chương trình cao học (masters).

Trong sách, Nguyễn Hưng Quốc tiết lộ một thông tin thú vị là vào năm 1992, tổ chức của Hoàng Cơ Minh từng quyết định trao giải thưởng cho anh, nhưng anh từ chối vì không muốn dính dáng vào các tổ chức chánh trị.

Phê bình văn học

Nguyễn Hưng Quốc bắt đầu viết về văn học trong thời gian làm việc cho tạp chí Quê Mẹ ở Pháp. Những bài viết đó sau này được tập hợp và in thành một cuốn sách “Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam” gây tiếng vang. Nhà văn Mai Thảo từng nhận xét rằng: “Bình luận về thơ ở ngoài nước hiện giờ chúng ta có một tài viết thông minh và xuất sắc: đó là Nguyễn Hưng Quốc”.

Tại sao Mai Thảo viết như vậy? Tại vì Nguyễn Hưng Quốc đem lại một cách phê bình mới mang tính khoa học hơn trước đây. Trước đây, Nguyễn Hưng Quốc phát hiện rằng văn học Việt Nam thường được nhận xét qua 3 hình thức: (i) phê bình một tác giả; (ii) phê bình một tác phẩm; và (iii) tổng kết một giai đoạn. Đọc những bài phê bình như thế thì thấy văn chương bay bổng, nhưng hình như nội dung thì có vẻ ‘định tính’, chủ quan. Đào sâu thêm quá trình hình thành văn học Việt Nam, Nguyễn Hưng Quốc nhận ra 5 đặc điểm nổi bật:

  • tính chất truyền khẩu;
  • tính chất thực dụng;
  • tính chất phản trí thức;
  • tính chất nghiệp dư; và
  • tính chất thuộc địa.

Những nhận định trên được đúc kết trong tác phẩm “Văn học Việt Nam từ điểm h(ậu h)iện đại“. Cuốn sách này gây ra vài tranh cãi vì những cái nhìn mới mẻ mà những người bảo thủ hay những người thiên về ‘nguyên trạng’ khó có thể cảm nhận được.

Nguyễn Hưng Quốc là một nhà phê bình văn học có khả năng khuấy động không khí văn học ở hải ngoại và không ngại xông vào những trận bút chiến.  Một trong những ‘ồn ào’ mà tôi từng theo dõi và thích thú là những tranh luận chung quanh bài thơ Con Cóc. Ai trong chúng ta cũng biết đó là một bài thơ dở, dở đến độ thầy cô hay lấy bài thơ ra để minh hoạ cho cái dở. Thế nhưng chỉ có Nguyễn Hưng Quốc lí luận rằng đó là một bài thơ hay! Mà, lí luận dễ hiểu chứ chẳng có gì quá siêu hình và trừu tượng. Bài viết của Nguyễn Hưng Quốc làm cho một số nhà phê bình trong nước như Đỗ Minh Tuấn và Đinh Bá Anh, cùng các cây viết ở hải ngoại như Đặng Tiến, Phạm Thị Hoài, Bùi Vĩnh Phúc, và Thuỵ Khuê tham gia tranh luận.

Bạn văn

Trong chương viết về bạn văn, bạn đọc sẽ được dịp biết qua các nhà văn nổi tiếng ở trong nước và hải ngoại. Tác giả thuật lại những kỉ niệm nho nhỏ với các ‘văn nhân’ trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến, Phạm Xuân Nguyên (người mà anh xem là thân nhứt), v.v. Có chuyện vui vui là khi Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ tặng tác giả, ông chỉ ghi là “tặng Nguyễn Ngọc Tuấn” mà không dám dùng bút danh “Nguyễn Hưng Quốc”!

Ở hải ngoại, tác giả quen với những nhà văn nổi tiếng, trong đó có Võ Phiến, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Thảo (chủ bút tạp chí Văn), và Nguyễn Mộng Giác (chủ bút tạp chí Văn học). Mai Thảo là một văn tài nhưng khi qua Mĩ ông sống một cuộc sống nghèo nàn và cô đơn. Tuy nghèo, nhưng Mai Thảo lại rất hào hiệp với bạn bè, và bạn văn của ông thì không khi nào thiếu. Và, trong căn phòng nhỏ mà ông ở đó cũng chính là ‘văn phòng’ của tạp chí Văn lừng danh một thời.  Đọc những trang viết về Mai Thảo tôi mới biết bút danh Mai Thảo đến từ đâu:

“Sở dĩ tôi lấy bút hiệu Mai thảo là vì hồi nhỏ, khi đi học, ở trong trường, tôi có một thằng bạn làm thơ với bút hiệu Mai Luân. Thơ cũng vừa thôi, nhưng hồi đó, chẳng hiểu tại sao, tôi mê thơ hắn lạ lùng. Coi hắn như thần tượng. Nên mới đặt cho mình bút hiệu Mai Thảo. Cùng là Mai cả. Mai Luân. Mai Thảo. Năm đó, tôi khoảng mười lăm tuổi”.

Võ Phiến là một văn tài mà Nguyễn Hưng Quốc rất ngưỡng mộ. Anh ấy viết đến 2 cuốn sách về Võ Phiến (Võ Phiến, Nxb Văn Nghệ 1996; Thư Võ Phiến, Người Việt 2015). Võ Phiến là người từng theo Việt Minh nhưng sau này ‘dinh tê’, rồi trở thành một nhà văn lừng danh ở miền Nam. Nhưng chẳng hiểu sao sau 1975 nhà cầm quyền mới xem Võ Phiến là một ‘biệt kích văn nghệ’. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây nhà cầm quyền trong nước cho in lại một số tác phẩm của ông. Trong một lần gặp Võ Phiến ở California (lúc đó ông đã cao tuổi), ông hỏi Nguyễn Hưng Quốc:

Anh nghĩ bây giờ ở trong nước người ta có đọc tôi không, hả anh?

Nguyễn Hưng Quốc đáp: “Có chứ. Một cuốn sách của bác mới được in lại ở trong nước, được nhiều người đọc là khen lắm“.

Ông tặc lưỡi “Lạ nhỉ! Không ngờ người ta lại cho in lại sách của tôi.”

Cấm nhập cảnh Việt Nam

Bấy lâu nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đồn đại rằng Nguyễn Hưng Quốc không được nhà cầm quyền cho nhập cảnh Việt Nam. Tuy nhiên, ít ai biết được câu chuyện đằng sau là như thế nào. Hai chương cuối của cuốn sách này là một tường thuật về diễn biến của sự việc.

Ngày 19/11/2005, Nguyễn Hưng Quốc dẫn một nhóm sinh viên của Đại học Victoria (Úc) về Việt Nam để làm một chuyến du khảo (study tour). Các sinh viên thì được nhập cảnh, nhưng riêng Nguyễn Hưng Quốc thì gặp trở ngại. Anh được một viên chức an ninh dẫn vào phòng chờ và được thông báo là Nhà nước Việt Nam không chào đón anh tới Việt Nam. Xin trích đoạn đối thoại giữa viên công an ở phi trường Tân Sơn Nhứt và Nguyễn Hưng Quốc:

“‘Anh tên Nguyễn Ngọc Tuấn hay Nguyễn Tuấn Ngọc?’

‘Nguyễn Ngọc Tuấn.’

‘Anh sinh ở đâu?’

‘Quảng Nam.’

‘Anh dạy đại học ở Úc, phải không?’

‘Vâng.’

‘Anh đến Việt Nam có chuyện gì không?’

‘Tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam tham quan và học tiếng Việt.’

‘Đoàn sinh viên Úc có bao nhiêu người?’

’14 người, nhưng ở đây với tôi chỉ có 11 người. Một người đã đến Hà Nội và hai người sẽ bay từ Bangkok đến Hà Nội tối nay.’

‘Xin anh chờ một lát.’

[…]

‘Tôi xin thông báo với anh biết là chúng tôi được lệnh không cho anh nhập cảnh vào Việt Nam.’

Tôi sửng sốt: ‘Cái gì? Tôi không được vào Việt Nam?’

‘Nhưng tại sao tôi không được nhập cảnh vào Việt Nam?’

‘Tôi không được biết. Tôi chỉ làm theo lệnh từ Bộ Công An’.

‘Nhưng ít ra Bộ Công An phải cho biết lí do chứ.’

‘Chúng tôi không được quyền biết. Chúng tôi chỉ là cấp thừa hành’.”

(Hết trích).

Bốn năm sau (2009), Nguyễn Hưng Quốc được Đại sứ quán Việt Nam tại Úc cấp visa để anh về Việt Nam tham dự một hội nghị về văn học ở Hà Nội. Với visa, anh ấy lại lên đường đi Việt Nam, và nghĩ lần này thì chắc sẽ hanh thông. Nhưng anh đã sai, vì lần này anh lại gặp trở ngại tại phi trường Nội Bài. Xin trích lời tác giả mô tả:

“[…] ‘Chuyện gì xảy ra cho việc nhập cảnh của tôi?’ Lê Thao [nhân viên hãng hàng không Thai Airways] đáp: ‘Em là đại diện của hãng hàng không Thái Lan. Em được công an cho biết là phải lo vé cho anh trở lại Bangkok.’

Tôi ngạc nhiên ‘Nhưng tôi có visa vào Việt Nam mà.’ Lúc ấy một trong 4-5 tên công an đứng chung quanh mới lên tiếng: ‘Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.’

Tôi lặp lại câu vừa rồi: ‘Nhưng tôi đã được toà đại sứ Việt Nam tại Úc cấp visa nhập cảnh Việt Nam rồi mà.’ Viên công an ấy lại đáp: ‘Nhưng nhà nước Việt Nam không hoan nghênh anh vào Việt Nam.’

Tôi ngạc nhiên thật sự: ‘Nếu vậy sao Toà đại sứ Việt Nam tại Úc lại cấp visa cho tôi?’ Viên công an ấy đáp: ‘Chuyện ấy thì anh về hỏi lại Toà đại sứ ở Úc’.”

Kể từ đó đến nay (2022) đã 13 năm, Nguyễn Hưng Quốc không về lại Việt Nam. Và, có lẽ anh cũng không có dự tính về quê nhà, và anh là một cây bút lưu vong thật sự.

Không được về Việt Nam, nhưng tác giả lúc nào cũng trăn trở về quê hương và quan tâm đến những diễn biến thời cuộc ở trong nước. Anh tự xem mình là một nhà văn lưu vong và cô đơn. Anh nhận định rằng những cây viết như anh ở nước ngoài chỉ là những ‘người đứng bên lề’ đối với những sinh hoạt văn học ở trong nước, và anh đi đến kết luận “Không có ai cô đơn cho bằng nhà văn lưu vong.

Tuy nhiên, Nguyễn Hưng Quốc vẫn cầm bút, vẫn viết bằng tiếng Việt, và vẫn giãi bày những nỗi niềm của mình trước những biến động của thời cuộc:

Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi. Khác với tất cả các ngôn ngữ khác mà tôi biết, cảm xúc của tôi đối với tiếng Việt, và chỉ với tiếng Việt, là những cảm giác mang tính vật lý, thậm chí, nhục thể để tôi có thể run lên với chữ, phập phồng thở với từng thanh bằng thanh trắc. Viết tiếng Việt, với tôi, là tham gia vào một cuộc giao hoan. Lặng lẽ và cô độc.”

_____

TB: Sống và Viết ở Hải Ngoại, do Lotus Media xuất bản 2022, phát hành toàn cầu trên Amazon.com

Đọc “Những bài viết về chính trị”của Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc (Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn) được biết đến là một nhà phê bình văn học tài ba, nhưng ít ai biết anh ấy còn là một cây bút chánh trị luận sắc bén và hàn lâm. Cuốn sách “Những bài viết về chính trị” mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn là một minh chứng cho phát biểu đó. Chánh trị thường được xem là một đề tài chán phèo, nhưng cuốn sách này có thể thu hút bạn từ trang đầu đến trang cuối.

Cuốn sách thật ra là tập hợp những bài viết đã đăng rải rác trên trang blog tiếng Việt của Đài Tiếng Nói Hoa Kì (VOA) trong chừng 20 năm qua. Đó là những bài luận về văn hoá chánh trị, lòng tin và sự tín nhiệm, trí thức và chánh trị, độc tài và dân chủ, xã hội dân sự, tính chánh trị của ngôn ngữ, và cộng sản và độc tài. Đây không hẳn là những bài bình luận thời sự chánh trị, mà là luận về chánh trị và văn hoá.

Tất cả bài viết đều bàn về những vấn đề liên quan đến Việt Nam. Tại sao chỉ Việt Nam? Tại vì, như tác giả tâm sự, Việt Nam là nỗi ám ảnh duy nhứt trong thời gian anh sống ở xứ người. Nhưng sống ở nước ngoài và nhìn về Việt Nam như là một ‘người ngoài cuộc’ lại có cái hay, vì tác giả có thể đối chiếu, so sánh với những nơi khác mà người trong cuộc có lẽ không có được.

Nói là ‘tập hợp’ thì có lẽ bạn đọc nghĩ là nhiều bài, nhưng thật ra chỉ có 7 bài viết mà thôi. Bảy bài viết nhưng dài đến 410 trang. Mặc dù độ dài của bài viết có thể chẳng nói lên điều gì, nhưng với một tác giả như Nguyễn Hưng Quốc, người cẩn thận với chữ nghĩa, thì độ dài đó nói lên nội dung phong phú và phẩm chất của mỗi bài viết.

Thật vậy, bài nào cũng hàm chứa nhiều chất liệu hàn lâm, và được tác giả luận bàn tới nơi tới chốn. Tôi phải nhấn mạnh rằng ở điểm này, bởi tác giả rất khác biệt với những những cây bỉnh bút chuyên nghiệp về chánh trị, những người viết nhiều, nhưng họ có vẻ ‘đuối’ khi đến đoạn cuối. Họ có thể có nhiều chứng từ cá nhân hay có nhiều dữ liệu các mối liên hệ cá nhân, nhưng họ không có khả năng rút ra một qui luật của chứng từ và dữ liệu. Còn ở đây, bạn đọc sẽ thấy bài viết nào trong cuốn sách cũng được tác giả lí giải một cách thấu đáo, và khi đọc xong người viết cảm thấy mình như được khai sáng.

Văn hoá chánh trị

Cuốn sách được mở đầu bằng bài luận “Văn hoá và chánh trị“. Tác giả đặt 2 câu hỏi: (i) tại sao những nước giàu có càng ngày càng giàu, còn những nước nghèo khổ thì càng ngày càng nghèo; và (ii) tại sao có những nước theo thể chế dân chủ tôn trọng nhân quyền, nhưng lại có những nước chọn thể chế toàn trị, độc tài. Tác giả lí giải rằng văn hoá là yếu tố có thể trả lời cho 2 câu hỏi đó. Những công trình nghiên cứu về văn hoá của các học giả lừng danh như Lawrence Harrison và Samuel Huntington được trích dẫn để minh chứng cho vai trò quan trọng của văn hoá trong quá trình phát triển kinh tế và lựa chọn thể chế chánh trị của một quốc gia.

Từ văn hoá, tác giả bàn luận về văn hoá chánh trị, văn hoá tham nhũng, văn hoá dân chủ, ý thức về quyền lợi quốc gia, kèm theo những dữ liệu và nhận xét rất thú vị. Chẳng hạn như trong phần bàn luận về quyền lực và trách nhiệm, tác giả nhận định rằng:

Ở Việt Nam, ngược lại với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm thì người ta muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.”

Tác giả chỉ ra rằng trong lãnh vực chánh trị, một phát hiện quan trọng trong thế kỉ 20 là nhân quyền. Dĩ nhiên, nhân quyền ở đây không phải hiểu theo cách hiểu của ông đương kim Thủ tướng Việt Nam, mà quyền được sống, quyền được xét xử một cách công minh, quyền được tự do ngôn luận, và quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng.

Tác giả lí giải rằng một lãnh đạo chánh trị tốt cần phải xây dựng cho mình một “tự sự chánh trị” (hiểu theo nghĩ “political narrative”). Tự sự là một câu chuyện về nhận thức. Từ nhận thức dẫn đến viễn kiến và sứ mệnh mà chúng ta hay thấy các chánh trị gia phương Tây hay phát biểu. Còn ở Việt Nam thì sao? Theo tác giả, ở Việt Nam, thế hệ thứ nhứt của đảng cộng sản trong thời chống Pháp thì họ có khả năng xây dựng tự sự chánh trị với những mục tiêu rõ ràng. Để xây dựng tự sự theo cách cộng sản, người ta không ngần ngại dựng nên những câu chuyện như Lê Văn Tám để vận động quần chúng. Người ngoài nhìn vào thì thấy đó là một sự bịa đặt trắng trợn, nhưng với giới học giả thì đó là một tự sự chánh trị mà có thể người dựng nên nó không biết hành vi mình có nghĩa gì. Còn ngày nay thì theo tác giả các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản sau này không có khả năng xây dựng tự sự chánh trị. Thậm chí có người còn nói không biết 100 năm sau Việt Nam sẽ đạt được XNCH hay chưa! Họ không phác hoạ được một lộ trình cho đất nước trong tương lai.

Trong phần bàn về tánh cách con người, tác giả đề cập đến một số ‘căn bệnh’ văn hoá của người Việt được nhiều người nhắc đến như độc ác, thù hằn, tham lam, hoang tưởng, khoe khoang. Tác giả thêm rằng hai căn bệnh nguy hiểm hiện nay là tính ích kỉ, giả dốivô cảm. Nhưng tác giả không chỉ bàn đến những căn bệnh đó ở người Việt nói chung, mà còn minh hoạ bằng những trường hợp tiêu biểu ở giới lãnh đạo. Tác giả nhận định rằng ba căn bệnh mới đó (ích kỉ, giả dối và vô cảm) là những thử thách lớn nhứt của người Việt Nam hiện nay.

Độc tài và dân chủ

Ai trong chúng ta cũng có một chút hiểu biết thế nào là độc tài, và thế nào là dân chủ. Thế nhưng, ít ai trong chúng ta có thể lí giải sự khác biệt giữa hai thể chế này một cách rạch ròi như tác giả qua chương viết về “Độc tài và dân chủ“. Chương này giúp độc giả hiểu biết hơn về dân chủ và điều kiện để có một nền dân chủ.

Độc tài được định nghĩa là “hiện tượng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người”. Giới chánh trị học còn chia độc tài thành 2 loại độc tài: cá nhân độc tài và hệ thống độc tài. Tiêu biểu cho cá nhân độc tài là Adolf Hitler và Mummar Gaddafi, một cá nhân thâu tóm tất cả quyền lực. Hệ thống độc tài bao gồm những chế độ quân chủ, và sau này là xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Dù là cá nhân hay hệ thống độc tài, họ đều sử dụng một loại quyền lực khác để biện minh cho sự tồn tại của họ. Các chế độ quân chủ thì dựa vào khái niệm “Thiên mệnh” (quyền lực đến từ thần linh), chế độ Phát xít thì dựa vào qui luật tiến hoá để biện minh cho một sắc tộc thượng đẳng, còn XHCN thì sử dụng ý tưởng thế giới đại đồng, bình đẳng, tự do và hạnh phúc.  Nhưng tất cả chế độ độc tài đều tận dụng cách thần thánh hoá lãnh đạo để mị dân, mà theo đó các lãnh đạo đều hoặc là ‘vĩ đại’, hoặc là ‘thiên tài’, hoặc là ‘kính yêu’, hoặc là xuất sắc’, v.v.

Đối nghịch với độc tài là Dân chủ. Nhưng dân chủ là gì? Chữ ‘dân chủ’ như chúng ta biết xuất phát từ tiếng Hi Lạp với 2 thành phần: demos có nghĩa là dân và kratos có nghĩa là cai trị. Dân chủ, democracy (tiếng Anh), được Abraham Lincoln định nghĩa đơn giản và dễ hiểu là:  

“Chánh quyền của dân, do dân, và vì dân”.

Triển khai từ định nghĩa đó, dân chủ trước hết là cách tổ chức chánh quyền, mà theo đó chế độ phải được dân bầu một cách tự do và bình đẳng. Trong chế độ dân chủ, Nhà nước chỉ là một bộ phận trong hệ thống bao gồm các thiết chế chánh trị, tôn giáo, văn hoá, nghiệp đoàn, thương mại, v.v. và các thiết chế này phải độc lập với Nhà nước. Tất cả các thiết chế này phải hoạt động dựa trên một nguyên tắc: pháp quyền. Pháp quyền gắn liền với các giá trị phổ quát của nhân loại.

Nhưng dân chủ không phải tự nhiên mà có, mà là cả một quá trình phát triển lâu dài. Có 3 quá trình: lịch sử, đấu tranh, và học tập. Khái niệm dân chủ xuất hiện ở Hi Lạp từ 2500 năm trước, thời mà quyền bính thuộc vào giới tu sĩ và quí tộc, và phải qua một quá trình dấu tranh để có được hình thức dân chủ như ngày nay. Nhưng trên hết, dân chủ là một quá trình học tập. Không phải cứ có những thiết chế như Quốc hội, luật pháp, truyền thông là có dân chủ. Nếu các thiết chế đó không có sự tham gia của dân chúng thì không thể xem là dân chủ được. Nhận định về tình hình ở Việt Nam, tác giả tỏ ra bi quan:

Sinh hoạt xã hội Việt Nam hiện nay cũng không phải là mảnh đất tốt để nuôi dưỡng dân chủ. Luật pháp không rõ ràng, để sống còn người ta phải mánh mung. Xin trường học cho con cái: mánh mung. Xin việc làm: mánh mung. Để tăng lương hoặc thăng chức: mánh mung. Ở đâu cũng cần có mánh mung cả. Thói mánh mung ấy, một mặt giết chết luật pháp, một mặt giết chết cả niềm hi vọng vào dân chủ.”

Phần viết về sự khác biệt giữa dân chủ và độc tài, theo tôi, cũng là một sự ‘mở mắt’ cho độc giả. Tác giả đưa ra 6 sự khác biệt giữa hai thể chế như sau:

  • Quyền và bổn phận: dân chủ nhấn mạnh đến quyền (right), độc tài nhấn mạnh vào bổn phận của từng cá nhân;
  • Bình đẳng và phục tùng: dân chủ dựa và tin vào sự bình đẳng, độc tài xây dựng trên sự vâng phục;
  • Con người và Nhà nước: dân chủ vinh danh con người, độc tài vinh danh Nhà nước;
  • Tự do: dân chủ khuyến khích tự do tư tưởng, độc tài đàn áp tự do tư tưởng;
  • Đa nguyên: dân chủ đề cao tinh thần đa nguyên, độc tài thích sự đồng qui, đồng dạng và đồng nhứt;
  • Thoả thuận và áp đặt: dân chủ vận hành qua đàm phán và thương thảo, độc tài dùng quyền lực để giải quyết những xung đột.

Điều thú vị là tất cả các thể chế độc tài đều tự nhận (hay mạo nhận) là dân chủ!

Trí thức và chánh trị

Một chương trong sách tôi rất tâm đắc là chương “Trí thức và chánh trị“. Định nghĩa về trí thức là một chủ đề … không có hồi kết. Tác giả mô tả sự khác biệt về định nghĩa trí thức giữa Việt Nam và phương Tây. Ở Việt Nam, “người ta xem trí thức là những người có ăn học và lao động trí óc“, còn ở phương Tây, học giả Thomas Sowell định nghĩa trí thức là những người làm những việc liên quan đến ý tưởng: “Công việc của một nhà trí thức bắt đầu và kết thúc với ý tưởng.” Và, chiếu theo định nghĩa của Sowell, tác giả nhận thấy “hầu hết những người Việt Nam chúng ta quen gọi là trí thức đều không phải là trí thức, đặc biệt, trí thức công chúng.” Nhưng dĩ nhiên, ngay cả định nghĩa của Sowell cũng không phải là sự đồng thuận sau cùng.

Tôi thích cách tác giả ví von về người trí thức như là những kẻ … vượt biên. ‘Vượt biên’ ở đây hiểu theo nghĩa họ vượt ra ngoài và vượt lên lãnh vực chuyên môn của họ, ra khỏi biên giới của môi trường hoạt động cố hữu, và vượt biên về thái độ:

  • Những người như Noam Chomsky, Andrei Sakharov, Albert Einstein, v.v. là những nhà khoa học lỗi lạc trong chuyên ngành của họ, nhưng họ còn là những trí thức công chúng hiểu theo nghĩa họ bàn về những vấn đề ngoài chuyên ngành.
  • Đa số giới khoa học hoạt động trong môi trường cố hữu (như công bố bài báo khoa học, diễn thuyết trong các hội nghị), tức là họ nói với đồng nghiệp trong môi trường khoa học, còn trí thức thì vượt biên khỏi môi trường cố hữu này để nói chuyện với quần chúng. Thay vì xuất hiện trong các diễn đàn khoa học, họ xuất hiện trên màn ảnh tivi, trên báo chí, và blog.
  • Vượt biên về thái độ ở đây hiểu theo nghĩa họ là những kẻ hoài nghi lành mạnh. Người trí thức “nghi ngờ mọi quyền lực họ trở thành những kẻ phản biện, lúc nào cũng thắc mắc, cũng tra vấn, cũng phản đối.” Họ có khi trở thành cái gai trong con mắt của kẻ cầm quyền, họ là thiểu số trong cộn đồng. Nhưng đó là một lựa chọn của người trí thức, nói như Thi sĩ Vũ Hoàng Chương  “Tôi: thù nhân của Số Nhiều.”

Ba sự vượt biên đó định hình một trí thức, và cũng có thể dùng để phân biệt giữa chuyên gia và trí thức. Chuyên gia không vượt biên; trí thức vượt biên. Trí thức là một lựa chọn: “Thông minh là do bẩm sinh. Kiến thức là do thụ đắc. Nhưng trí thức là tự nguyện. Người ta không sinh ra là trí thức, đã đành. Ngay cả khi được học hành chu đáo, người ta cũng không nhất thiết trở thành trí thức để chỉ quanh quẩn mãi với các ý niệm và ý tưởng. Người ta có thể trở thành những nhà thực hành hay thực dụng xuất sắc. Lựa chọn trở thành trí thức là lựa chọn sống chết với ý tưởng. Chỉ với ý tưởng.”

Tác giả đề cập đến mối liên hệ giữa trí thức và độc tài, và chỉ ra rằng mặcdù các nhà độc tài đều tham lam, độc ác, huyễn tưởng, giả dối, nhưng ngạc nhiên thay họ có nhiều trí thức [đúng nghĩa] ngưỡng mộ và hết lòng bệnh vực. Những nhà độc tài như Stalin, Hitler, Mao Trạch Đông được sự ủng hộ của những trí thức lừng danh như George Bernard Shaw, Andre Gide, Doris Lessing, Jean-Paul Sartre, v.v. Điều bất ngờ đối với tôi là ngay cả danh hoạ Picasso, Bertolt Brecht, và Graham Greene cũng từng ủng hộ Stalin và Mao Trạch Đông!

Tại sao giới trí thức lại ngây thơ và cả tin như thế? Tác giả nghĩ rằng lí do là họ bị nhồi sọ. Nhồi sọ bằng tuyên truyền. Tác giả cho biết đã từng gặp nhiều văn nghệ sĩ ở miền Bắc, và nhận xét rằng “họ gần như tuyệt đối tin tưởng vào giới lãnh đạo và chế độ. Trong các buổi học tập chính trị và văn hoá, họ lắng nghe cán bộ giảng bài như nghe những lời thánh phán. Họ cắm cúi ghi chép rồi về nhà, đọc lại một cách thành kính.” Mà, không phải chỉ ở miền Bắc, ngay cả một số người có học ở nước ngoài cũng tin tưởng vào chế độ. Tác giả viết: 

“Lại nhớ, mấy năm đầu sau 1975, một số trí thức Việt kiều ở Pháp về thăm nước rồi viết bài đăng tải trên báo chí ở Paris. Họ khen Việt Nam không tiếc lời. Trong lúc người Việt Nam đói đến xanh xao mặt mũi, họ khen đời sống rất sung túc. Trong lúc cả hàng chục ngàn người bị bắt đi cải tạo và con cái họ không được vào đại học, họ khen “chính quyền cách mạng” thực tâm hoà giải, không có bất cứ một chính sách kỳ thị nào đối với những người thuộc chế độ cũ trước đó. Trong lúc cả hàng triệu người bất chấp nguy hiểm tìm cách vượt biên tìm tự do, họ cho Việt Nam là một quốc gia dân chủ và ao ước một ngày nào đó được về nước sống hẳn (dù trên thực tế, không bao giờ họ về cả!)

Tác giả trích thơ của Nguyễn Quốc Chánh đúc kết 3 ‘qui luật’ về mối liên hệ giữa thông minh, lương thiện và cộng sản: 

  • Một người thông minh và lương thiện thì không thể cộng sản;
  • Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện;
  • Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh.

Tác giả chỉ ra một nghịch lí trong mối liên quan giữa giới lãnh đạo Việt Nam và trí thức: họ rất chuộng bằng cấp, nhưng họ không che giấu được sự khinh bỉ cố hữu đối với trí thức. Vũ Thư Hiên trong cuốn ‘Đêm giữa ban ngày có đoạn viết về tướng Đinh Đức Thiện (em ruột của Lê Đức Thọ) nói lên sự khinh bỉ của giới lãnh đạo dành cho trí thức:

Trong cuộc đời không dài Ðinh Ðức Thiện đã giữ những chức vụ rất quan trọng – bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim, Trưởng ban xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên, Phó chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí, hàm thượng tướng. Ông ít học. Trình độ học vấn không quá bậc sơ đẳng. Thế nhưng Ðinh Ðức Thiện khinh trí thức lắm. Ông hạ lệnh cho các kỹ sư điện tính toán thời hạn lắp đặt đường dây cao thế Thái Nguyên – Hà Nội. Họ tính kỹ rồi báo cáo lên Ðinh Ðức Thiện: không thể dưới hai năm. Ông ta nghe xong liền nổi khùng: ‘Rặt một lũ ăn hại đái nát! Làm chó gì mà mất những hai năm. Tôi mà ra lệnh cho công binh làm ấy à, chỉ hai tháng là cùng. Tính với chả toán, tính như con c… Các anh lúc nào cũng cúi đầu làm theo sách vở của bọn thực dân đế quốc. Vào rừng chặt cây về mà làm cột, mắc điện vào. Là xong. Trí thức với chả trí ngủ!’ Người kể lại chuyện này là một kỹ sư tốt nghiệp Cao đẳng kỹ thuật thời Pháp, hôm ấy được nghe Ðinh Ðức Thiện trực tiếp quát mắng.”

Nhưng ở Việt Nam, không phải chỉ giới lãnh đạo mới ghét trí thức, ngay cả giới trí thức cũng ghét trí thức.

Xã hội dân sự và ngôn ngữ chánh trị

Trong chương bàn về “Xã hội dân sự“, tác giả đưa ra định nghĩa thế nào là một xã hội dân sự (civil society) mà trước đây hay được gọi là ‘xã hội công dân’. Tại sao xã hội dân sự quan trọng? Tại vì nó là một nền tảng, một yếu tố cho nền dân chủ. Tác giả trích và phê bình 11 tiêu chí về một xã hội dân sự mà học giả Larry Diamond đề ra:

  • Người dân có quyền kiểm soát quyền lực của Nhà nước;
  • Người dân có quyền vạch trần tham nhũng của các giới chức Nhà nước;
  • Cổ vũ quần chúng tham gia vào sinh hoạt chánh trị;
  • Xiển dương lòng khoan dung, tinh thần thoả hiệp, và tôn trọng sự khác biệt;
  • Phát triển chương trình giáo dục ý thức công dân trong nhà trường;
  • Bày tỏ các quan điểm gắn liền với những lợi ích khác nhau trong xã hội;
  • Diễn đàn đối thoại giữa các bộ lạc, tôn giáo;
  • Huấn luyện nhà lãnh đạo tương lai;
  • Cung cấp thông tin cho quần chúng về các vấn đề liên quan đến đời sống công cộng;
  • Môi giới hoá giải các xung đột; và
  • Giám sát bầu cử một cách khách quan.

Xã hội dân sự hiểu theo 11 tiêu chí trên đã được hình thành và phát triển mạnh ở miền Nam Việt Nam trong thời VNCH 1954-1975. Thế nhưng sau 1975, khái niệm xã hội nhân sự chỉ mới được đề cập từ giữa thập niên 1980! Vậy mà cho đến nay, tình hình xã hội dân sự ở Việt Nam là một “bức tranh lệch lạc và dang dở”.

Một chương khác cũng thu hút sự chú ý của tôi là “Tính chánh trị của ngôn ngữ“. Đây là một chương thuộc vào ‘thế mạnh’ của tác giả vì anh là người rất quan tâm và nghiên cứu sâu về ngôn ngữ dưới góc độ văn hoá. Ngôn ngữ, theo tác giả, có 2 chức năng chánh: một là định danh sự vật, hiện tượng, ý tưởng; và hai là phương tiện giao tiếp xã hội. Do đó, ngôn ngữ có liên quan mật thiết với chánh trị.

Tác giả chỉ ra rằng ngôn ngữ nào cũng có tính chánh trị, và nó được thể hiện qua 2 góc độ: bản chất của ngôn ngữ và cách ứng xử của ngôn ngữ. Bản chất ngôn ngữ ở đây là khái niệm cấu trúc luận (structuralism) và kí hiệu học (semiotics) mà Ferdinand de Saussure đề cập. Ngôn ngữ cũng hàm chứa giá trị. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, chúng ta hay nghĩ rằng chữ “phụ nữ” có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn chữ “đàn bà” (nhưng tác giả chỉ ra rằng chữ “phụ nữ” có nguồn gốc từ chữ Hán và nó không có nghĩa sang trọng như trong tâm thức người Việt. ‘Nữ’ tượng trưng hình người quì, còn ‘Phụ’ chỉ sự lệ thuộc và nhiệm vụ nội trợ.) 

Trong các thể chế ở Tàu và Việt Nam, ngôn ngữ được sử dụng như là một phương tiện tuyên truyền. Do đó, đảng cộng sản Tàu sau khi nắm quyền một trong những ưu tiên là chánh trị hoá ngôn ngữ. Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao và cũng chánh trị hoá ngôn ngữ. Người ta tạo ra một loại ngôn ngữ mới với mục tiêu là quảng bá bản sắc của thể chế mới duy trì sự tồn tại của thể chế. Tôi thấy tác giả phân tích các đặc điểm của ngôn ngữ chánh trị mới rất thú vị: thứ nhứt là tách rời các danh xưng gắn liền với chế độ phong kiến hay chế độ trước đó, và thứ hai là làm sang trọng hoá ngôn ngữ bằng cách mượn chữ Hán.

Theo đó, người ta tạo ra những cái tên mới: thay thế chữ “kỳ” (vd Nam kỳ) thời Minh Mạng thành “bộ” (vd Nam Bộ); người đứng đầu nhà nước là “Chủ tịch“, thay vì “Tổng thống“; “lính” thành “chiến sĩ“; v.v. Họ cũng mượn các danh xưng bên Tàu như “bí thư”, “chi bộ”, “chi ủy”, “chính uỷ”, v.v.

Họ còn phân định giữa địch và ta. Chẳng hạn như địch là “giặc lái“, ta là “phi công“; địch là “bồi bút“, ta là “văn nghệ sĩ“; địch là “núp dưới tên“, ta là “nhân danh“; địch là “đầu sỏ“, ta là “lãnh đạo“; v.v.

Để nhồi sọ, người ta dùng nhiều định ngữ hoặc bổ ngữ. Chẳng hạn như khi nói đến lãnh đạo là phải có chữ “vĩ đại“, “thiên tài“, “sáng suốt“. Chẳng hạn như đề cập về đảng thì phải đi kèm với “quang vinh“, “muôn năm“; chiến thắng thì phải “vẻ vang” hay “vang dội“; với lịch sử thì “rực rỡ“; với tranh đấu thì “oanh liệt“; với dân tộc thì “bất khuất“; với chính sách thì “đúng đắn“; với chỉ đạo thì “sâu sát“; với kẻ thù thì “tàn bạo“; với tộc ác thì “dã man“; với âm mưu của kẻ thù thì phải có “tinh vi” hay “hiểm độc“; với chánh quyền địch thì phải có chữ “tay sai” hoặc “bù nhìn“; văn hóa, ở miền Bắc, phải đi liền với chữ “xã hội chủ nghĩa“, ở miền Nam, chữ “suy đồi“. Tác giả nhận xét rằng với các cách kết hợp từ như thế, người cộng sản đã tạo thành vô số các sáo ngữ.

Nhưng ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, còn có hiện tượng “phản ngôn ngữ” (anti-language. Cách phản ngôn ngữ thể hiện qua cách dùng nguyên cả một cụm từ hoặc một từ ghép hoặc một tên riêng của một người hay một địa phương (vd: “Đi gì mà Hà Văn Lâu thế?”), cách dùng chữ ‘vô tư’ rất phổ biến (vd: “Mình vô tư với ta đi / Vô tư nhau chả cần chi nhiều lời“), hiện tượng dùng phụ từ ‘hơi bị’ (vd: “Cô ấy hơi bị hấp dẫn“), và hiện tượng thành ngữ mới (vd “ăn chơi sợ gì mưa rơi“, “chảnh như con cá cảnh“, “chán như con gián“, v.v.) Hiện tượng phản ngôn ngữ thể hiện “một sự phản kháng lại thứ chính trị trên nhưng lại dựa trên một thứ chủ nghĩa hư vô đầy tuyệt vọng.”

Tác giả kết luận “Nói cách khác, nếu việc sử dụng ngôn ngữ trong bộ máy tuyên truyền của đảng và nhà nước Việt Nam mang đầy tính chính trị thì hiện tượng phản-ngôn ngữ đang phổ biến tại Việt Nam hiện nay cũng có tính chính trị.”

Như tôi đã từng nhận xét trước đây, Nguyễn Hưng Quốc là một tác giả có cách viết văn rất trong sáng và khoa học, đơn giản vì anh là người yêu tiếng Việt, yêu ngôn ngữ. Chọn chữ chính xác. Cấu trúc ý tưởng khúc chiết. Mỗi chương hay bài viết đều được cấu trúc một cách logic: đặt vấn đề, điểm qua các nghiên cứu trước, nhận định, và kết luận. Đó là cách viết rất chuẩn mực trong khoa học mà không phải ai cũng làm được. Nhiều ý tưởng phức tạp được diễn giải bằng một văn phong mà bất cứ ai cũng thấy dễ hiểu. Kết quả là một tác phẩm có sức cuốn hút từ trang đầu đến trang cuối.

Ở Việt Nam ngày nay, chánh trị là một đề tài tương đối nhạy cảm, thậm chí nguy hiểm. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt bị gieo vào một suy nghĩ là phải tránh xa chánh trị vì nó nguy hiểm, mặc dù ai cũng thấy chánh trị bàng bạc trong cuộc sống chúng ta. Nhưng qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Hưng Quốc làm cho chúng ta gần gũi hơn với chánh trị, thậm chí thấy chánh trị học rất thú vị. Cái hay của “Những bài viết về chính trị” là tác giả cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tươi tắn và một cách hiểu mới về chánh trị trong bối cảnh Việt Nam, và đó là một đóng góp quan trọng của cuốn sách.

___

Tác giả Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, người gốc Quảng Nam, nay là một đồng hương của tôi ở Úc. Tác giả là một ‘fellow‘ danh dự của Đại học Victoria (Melbourne), và phụ trách môn tiếng Việt và văn học Việt Nam.

Sách “Những bài viết về chính trị” của Nguyễn Hưng Quốc, do Nhà xuất bản Lotus Media phát hành. Sách gồm 421 trang, kể cả Bảng tra cứu (index), có bán trên amazon với giá 17 USD.

Đọc ‘Sống với chữ’ của Nguyễn Hưng Quốc

Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến các bạn cuốn sách ‘Sống với chữ’ của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Theo tôi, đây là một trong những cuốn sách hay nhứt về tiếng Việt và viết văn Việt.

‘Sống với chữ’ thật ra đã được xuất bản lần đầu vào năm 2004, nhưng tôi chưa có dịp đọc lúc đó. Mười bảy năm sau, trong lần tái bản này, sách đã có thêm nhiều bài mới và tôi may mắn đọc được. Trong mùa ‘lockdown’ này, ai cũng có thì giờ đọc sách một cách thanh thản để cảm nhận, và dưới đây là những gì tôi có thể chia sẻ cùng các bạn về ‘Sống với chữ‘.

Nội dung sách được chia làm 2 phần: phần đầu bàn về tiếng Việt, và phần hai viết về những nhà văn hay tác gia nổi tiếng như Phan Khôi, Mai Thảo, Võ Phiến, Võ Đình, Lê Thành Nhơn, Phạm Công Thiện, và Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thích cả hai phần. Tác giả là một nhà phê bình tinh tế, đưa ra những nhận xét làm cho người đọc cảm nhận được cái đẹp của tiếng Việt và cái hay của những người lao động chữ nghĩa. Đọc bài nào trong sách cũng thấy mình học được một điều mới, không chỉ mới mà còn thú vị, và nhứt là cách diễn giải cũng lạ và thách thức người đọc.

Đa số chúng ta (người Việt) viết và nói tiếng Việt một cách gần như mặc định. Chúng ta thốt ra những câu nói hay viết ra những chữ một cách tự nhiên. Chúng ta ít khi nào phân tích cái đẹp, cái hay, hay cái dở của con chữ. Tác giả nói rất đúng là chúng ta ít khi nào có một cuốn từ điển tiếng Việt trong tủ sách để tham khảo, có lẽ vì chúng ta nghĩ đã quá rành với tiếng Việt.

Chính vì sự chủ quan mặc định đó mà đa số chúng ta viết tiếng Việt không hay, nói tiếng Việt càng có nhiều vấn đề. Các bạn chỉ cần đọc những bài luận văn của học sinh, sinh viên sẽ thấy họ dùng chữ khá tuỳ tiện, còn cấu trúc câu văn đều có vấn đề. Ngay cả đọc những người người cầm quyền cao nhứt trong nước (hay những kẻ viết diễn văn cho họ) cũng có vấn đề về tiếng Việt: câu văn dài dòng, câu văn ‘đong đưa’, phi logic, dùng chữ sai, và có khi vô nghĩa. Đó là chưa nói đến những cách sáng chế ra những cách nói kì cục (theo tôi) như ‘điều khiển phương tiện giao thông‘, ‘di chuyển‘, hay đổi ý nghĩa của động từ (như ‘liên hệ‘ thay cho ‘liên lạc‘). Có thể nói không ngoa rằng chúng ta đang góp phần làm cho tiếng Việt nghèo nàn hơn.

Nhưng để viết tiếng Việt đúng, chúng ta cần phải hiểu nghĩa của chữ. Và, trong thực tế thì nghĩa của chữ Việt có khi không đơn giản chút nào. Trong bài ‘Tiếng Việt, dễ mà khó‘, tác giả chỉ ra một sự phân biệt làm tôi giật mình: ‘nín thinh’‘làm thinh’:

“‘Nín thinh’ là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng làm thinh lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là… im lặng. […] Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: nínlàm y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); đánh bạiđánh thắng y như nhau. Quả là một thứ tiếng sắc sắc không không, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay huyền đồng, nói theo ngôn ngữ của Trang Tử.”

Một phân biệt thật tinh tế!

Bài viết về ‘sờ’‘rờ’ cũng là một lí giải hay về sự khác biệt giữa 2 chữ này. Điều thú vị là các từ điển tiếng Việt vào thế kỉ 17 và 19 chỉ có chữ ‘rờ’, chớ không có chữ ‘sờ‘.

Ở Việt Nam ngày nay, người ta có những cách dùng chữ rất … ngộ. Ví dụ như người ta hay dùng chữ ‘mình’ để chỉ người đối diện. Có lần tôi sốc khi cô tiếp viên hỏi tôi ‘Mình đi với ai‘, và anh tài xế taxi hỏi ‘Mình đi đâu ạ?’ Hồi nào đến giờ tôi chỉ biết ‘mình‘ là cách xưng hô vợ chồng trong nhà, là ‘tôi’, có ngờ đâu ngày nay người ta sáng chế ra cách nói ngược đời như trên. Trong ‘Sống với chữ‘, Nguyễn Hưng Quốc có cách lí giải khác về chữ ‘mình’ như sau:

Một lúc nào đó, tôi chợt khám phá ra chữ mìnhấy chứa đựng trong nó cả một triết lý về tình yêu của người Việt. Chứ còn gì nữa? Chúng ta đều hiểu ý nghĩa đầu tiên của chữ mình là bộ phận chính của thân thể. Trong những giờ vạn vật đầu tiên thời tiểu học, chúng ta đã học là thân thể người ta gồm ba phần: đầu, mình và chân tay. Mình, chiếm từ cổ xuống mông, là bộ phận lớn nhất của cơ thể, do đó, được đồng nhất với cơ thể: Nói mình đầy mồ hôi cũng là nói cơ thể đầy mồ hôi. Là toàn bộ cơ thể, mình biến thành tôi, ngôi thứ nhất số ít. Yêu nhau, khi hai biến thành một, người ta cho cái mìnhấy cho người mình yêu: mình biến thành em hay anh, ngôi thứ hai số ít. Nhưng khi sự phân biệt giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai biến mất, khi mình với ta tuy hai mà một, mình tự động biến thành chúng ta, ngôi thứ nhất số nhiều.

Chỉ một chữ ‘mình’ mà tác giả phân tích chi tiết như thế. Những phân tích tinh tế như thế còn thấy nhiều trong các bài viết khác. Chẳng hạn như bài ‘Cuộc đảo chánh trong một chữ’ làm tôi tò mò. Tại sao là ‘đảo chánh’? Đặt tựa đề giật gân? Hoá ra, đây là một bài luận rất hay về sự phân biệt giữa ‘con’‘cái’ trong tiếng Việt. Bắt đầu bằng câu ca dao ‘Con cò mà đi ăn đêm‘, tác giả dẫn dắt người đọc một cách điêu luyện qua những cách nói ‘cái cò’, ‘cái vạc’, ‘cái nông’.  Tác giả chỉ ra rằng ‘con’‘cái’ trong tiếng Việt là loại từ phân loại (classifier):

“… với hai chức năng chính là nhằm chỉ đơn vị tự nhiên của sự vật và nhằm cá thể hoá sự vật ấy. Với chức năng thứ nhất, cái đứng trước những danh từ chỉ vật vô sinh như cái bàn, cái ghế, cái nhà, cái xe, v.v.; trong khi chữ con lại đứng trước những danh từ chỉ vật hữu sinh như con mèo, con chó, con gà, con vịt, v.v. Với chức năng thứ hai, cái hay con có tác dụng làm cho ý nghĩa của sự vật phía sau trở thành cụ thể.

Chữ ‘cái‘ ngày xưa có lẽ có nghĩa là ‘mẹ’ (như ‘con dại, cái man‘) vì xã hội Việt Nam thời xưa chủ yếu là xã hội mẫu hệ. Nhưng sự đảo chánh chữ ‘cái’ xảy ra khi Nho giáo được truyền vào Việt Nam và nó có một ý nghĩa tiêu cực. Ngày xưa, ‘cái’ là mẹ, nhưng sau này ‘cái’ là con (‘con cái’) hay còn có nghĩa chê trách (‘Chém cha cái số hoa đào‘). Tác giả nhận xét rằng “‘Hồng nhan’ là một từ đẹp, nhưng khi đi liền sau chữ ‘cái’ nó lại biến thành một sự bẽ bàng.” Chỉ một chữ ‘con’ và ‘cái’ mà chúng ta biết được nhiều hơn về quá trình tiến hoá của ý nghĩa. Thật thú vị!

Trong bài ‘Tiếng Việt: mày, tao, mi tớ …’ tác giả phân tích tác động về cách xưng hô ’em’ và ‘tôi‘ của người con gái nói với bạn trai, hay của người vợ nói với người chồng rất thú vị. Tác giả viết:

Nghe chữ tôi từ miệng một người vốn thường xưng em với mình, người ta dễ có cảm tưởng như bị hạ bệ hay bị phản bội. Cảm giác đổ vỡ không chừng xuất phát từ đó. Cảm giác ấy càng rõ hơn khi vợ chồng cãi nhau. […] Cứ phải xưng em là lại thấy bị ép. Bèn đổi thành tôi cho… ngang cơ. Chồng, chưa cần biết vợ nói đúng hay sai, chỉ cần nghe chữ tôi bất bình thường ấy, đã đùng đùng nổi giận, có cảm giác là vợ mình… hỗn láo, đòi đảo chánh… mình. Tôi tuyệt đối chống lại mọi hình thức bạo hành, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, nhưng tôi tin là tôi hiểu được lý do gì đã thúc đẩy nhiều gã đàn ông, trong những trường hợp như thế, đã không tự kìm chế được, phải vung tay lên: cái hắn muốn đánh, trước hết, là chữ. Chữ, chứ không phải là người.

Một bài tương đối ngắn nhưng làm tôi bị lôi cuốn theo là ‘Kinh nghiệm viết văn‘. Tôi phải thú nhận trước là mình không giỏi môn văn, và càng dở trong viết lách. Viết lách? Hai chữ đó chúng ta thốt ra rất bình thường, ấy vậy mà đằng sau đó là cả một trải nghiệm và tác giả đã phân tích hết sức thú vị. Đọc bài này chúng ta mới thấm thía nỗi khổ của những người cầm bút Việt Nam, họ vừa viết nhưng cũng vừa lách. Lách ở đây có nghĩa là tránh né những điều mà tôi tạm gọi là kị huý hoặc cấm kị đối với những kẻ có quyền đương cuộc. Chính vì phải ‘lách’ khi viết nên giới cầm bút ở Việt Nam (hay người Việt nói chung) không giữ được sĩ khí. Tác giả trích một phát biểu chua chát của Nhà văn Nguyễn Minh Châu:

 Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.” 

Nhà văntrứ danh Nguyễn Tuân thì nói với đàn em trong nước mắt lã chã: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’

Nhưng chúng ta đừng vội chửi rủa chế độ đã làm cho giới văn nghệ sĩ phải sợ và mất sĩ khí. Tác giả cho biết ngay cả thời xa xưa, những tác giả lừng danh như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Thuyên, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, v.v. cũng biết sợ và phải lách. Chuyện kể rằng khi vua Tự Đức đọc câu thơ ‘Dọc ngang nào biết trên đầu có ai’, ông đòi lôi cổ tác giả (Nguyễn Du) ra để đánh đòn!

Mà, không phải chỉ ở Việt Nam mới có viết và lách, giới cầm bút ở phương Tây cũng có thói quen này nhưng họ có cái sợ khác ta. Tác giả trích dẫn nhận định của Harold Bloom trong cuốn ‘The Anxiety of Influence: A Theory of Poetry‘ để cho thấy người viết lúc nào cũng bị ám ảnh về những tiền nhân, họ muốn thoát khỏi cái bóng của người đi trước. Họ do đó vừa viết, vừa lách. Và, ở Việt Nam cũng vậy, người làm thơ lục bát cố gắng thoát khỏi cái bóng của Nguyễn Du và Nguyễn Bính, làm thơ tự do thì phải tìm cách ‘lách’ Thanh Tâm Tuyền, viết truyện thì phải lách khỏi cái bóng của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nhất Linh, Thạch Lam, v.v. Lách ở đây có nghĩa là tìm cách thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của tiền nhân.

Một nhận xét hơi bất ngờ là lách cũng là một sáng tạo! Để tránh khuôn sáo, người viết phải lách, và qua đó sáng tạo ngôn ngữ trong văn chương. Do đó, bên cạnh những tác động tiêu cực, lách cũng có tác động tích cực vì nó buộc người viết phải sáng tạo.

Tôi thấy chính tác giả cũng là người viết và … lách. Trong Lời nói đầu, tác giả cho biết quyển sách này là kết quả của những suy nghĩ ‘bâng quơ’ của một người phê bình văn học chớ không hẳn là của một nhà ngôn ngữ học.

Những bài viết về các nhà văn hay tác gia nổi tiếng cũng hay. Hay vì tác giả cung cấp nhiều dữ liệu mà tôi đoán là ít người biết được. Hay là những nhận xét (cũng có thể xem là ‘phát hiện’) của tác giả. Chẳng hạn như viết về Võ Đình, tác giả ví von rằng đọc văn của ông như cảm giác … tắm suối. Tắm suối chúng ta thấy nước mát, tinh khiết, nhưng cũng rờn rợn. Văn của Võ Đình cũng vậy: những câu chữ tươi mát, sống động, nhưng người đọc cảm thấy rờn rợn.

Tác giả dành đến 2 bài để viết về Võ Phiến, một nhà văn mà tôi từng thú nhận với các bạn là tôi rất ngưỡng phục. Tôi có một chút kỉ niệm cá nhân: Ba tôi và Dượng Út tôi lúc sanh tiền cũng hay nhắc đến Võ Phiến như là một văn tài đặc biệt, vì ông là dân … Bình Định (tức nguyên quán Ba tôi). Ông (Võ Phiến) là người từng theo Việt Minh, nhưng sau này bỏ về thành và trở thành một trong những tác giả quan trọng nhứt của nền văn học miền Nam (và cả Việt Nam). Ông có nhiều tác phẩm hay nhứt trong nền văn học Việt Nam (dù có lẽ các quan văn ở Việt Nam hiện nay không biết hay không muốn ghi nhận điều này).

Võ Phiến cũng là người viết và … lách. Ông né những danh hiệu như ‘nhà phê bình’, ‘nhà nghiên cứu’, ‘nhà biên khảo’. Ông tự mô tả mình bằng một cách nói dân dã: ‘không phải nhà phê bình gì ráo‘. Ông chỉ tự nhận mình là người ‘không có một chút vốn kiến thức chuyên môn‘ và ‘lâu lâu mới có dịp rón rét ghé mắt nhìn vào công việc gian nan của các học giả‘. Thế nhưng người  ‘không có một chút vốn kiến thức chuyên môn’ đó lại có những nhận xét tinh tế tuyệt vời mà các nhà biên khảo hàn lâm khó có được. Đọc những dòng tuỳ bút ông viết về nước mắm, về cái võng, tôi phải nói là … ‘phê’. Ông viết tuỳ bút như là một nhà khoa học, khác với những người như Nguyễn Tuân và Vũ Bằng viết ‘tuỳ bút tâm tình’.

Có lẽ tôi nên có đôi dòng để các bạn biết một chút về tác giả. Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc, tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, người thuộc vùng địa linh nhân kiệt Quảng Nam, nay là một đồng hương của tôi ở Úc. Tôi gọi là ‘Anh’, vì cùng thế hệ với tôi. Anh là một ‘fellow‘ danh dự của Đại học Victoria (Melbourne), và phụ trách môn tiếng Việt và văn học Việt Nam. Anh cho biết còn dạy cả môn Chiến tranh Việt Nam và Văn hoá Việt Nam nữa. Nhiều khi tôi thấy ngậm ngùi, vì cái chức danh fellow đó, theo tôi, quá khiêm tốn so với thành tích [nói theo tiếng Anh là] ‘prolific’ của anh. Anh là tác giả của 20 tác phẩm về văn học Việt Nam trong thời gian trên dưới 30 năm qua. Anh đóng góp rất nhiều bài phê bình văn học trên các tạp chí văn học ở hải ngoại (như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, v.v.), và chính anh cũng từng sáng lập và làm chủ bút tạp chí văn học ‘Việt‘.

Nguyễn Hưng Quốc có một vị thế khá độc đáo trong giới phê bình văn học Việt Nam: học văn trong nước trước và sau 1975, và làm nghiên cứu văn học Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, anh có cơ hội tiếp xúc với các dòng lí thuyết văn học phương Tây, và ứng dụng vào phê bình văn học Việt Nam. Thêm vào đó, anh đọc nhiều và uyên bác, cùng với cách viết gãy gọn, anh có thể truyền đạt những lí thuyết phực tạp cho người ‘bình dân’ có thể hiểu được. Tôi và các bạn hay nói với nhau rằng Nguyễn Hưng Quốc là một trong những nhà phê bình văn học hay nhứt hiện nay.

Nguyễn Hưng Quốc có cách viết trong sáng và khoa học, rất giống với văn phong của các học giả phương Tây. Nhưng là người Việt, anh ấy viết còn có văn phong rất đậm chất Việt: tình tự. Bàng bạc trong quyển sách này (và nhiều quyển khác), tác giả phân tích từ ngữ và ý nghĩa từ ngữ dựa trên lí thuyết tâm lí và ngữ học phương Tây. Nhưng cách anh ấy viết thì rất tình cảm. Dù sống trong một xã hội phương Tây xa quê hương, nhưng lúc nào anh ấy cũng trăn trở về quê hương, cũng yêu tiếng Việt: ‘Sống với chữ, ai mà chẳng chìm đắm, có lúc triền miên, trong những nỗi niềm bâng qươ như thế nhỉ?’ Chính cái chất trong sáng – khoa học và tình tự đó tạo cho anh một chỗ đứng khác với các đồng nghiệp trong nước. Khoa học làm cho anh không sa đà vào cảm tính. Tình tự giúp anh có cách viết gần gũi với người Việt.

Tác giả viết văn tình tự, nhưng không cảm tính. Bạn đọc sẽ không tìm thấy những câu văn khen ngợi tiếng Việt kiểu sáo ngữ như ‘đậm đà bản sắc dân tộc‘, hay những mệnh đề vô nghĩa kiểu ‘Tiếng Việt thâm thuý‘. Ngay cả đọc những bài tác giả viết về Võ Phiến hay Mai Thảo, tác giả không có những lời khen thậm xưng hay những ví von hoa ngữ như chúng ta hay thấy ở các tác giả trong nước.

Tôi chú ý thấy tác giả hay dùng dấu hai chấm để làm ngắn câu văn. Chẳng hạn như cách viết ‘Rượu: không thiếu. Rượu ngon: cũng không thiếu‘ được dùng rất nhiều trong sách. Cách viết đó nó không chỉ giải thích, mà còn mang tính chắc nịch và dứt khoát. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp vài mệnh đề thú vị, chẳng hạn như tác giả mô tả Mai Thảo là người có ‘cái vốn triệu phú về thơ‘, một cách ví von sống động.

Đọc cuốn sách nào tôi cũng cố tìm một điểm yếu để góp ý. Nhưng khổ nỗi, đọc ‘Sống với chữ’ tôi chỉ thấy những cái hay. Một trong những điểm hay của cuốn sách là bảng tra cứu những ‘từ khoá’ (keywords), một phần rất thiếu trong các sách xuất bản bằng tiếng Việt. Nếu có một góp ý, tôi nghĩ phần viết về ‘Mày, tao, mi tớ‘ có thể mở rộng ra và đối chiếu với các xưng hô của người Trung Hoa. Tôi nghĩ bài ‘Kinh nghiệm viết văn’ có thể đối chiếu với những tác phẩm của Steven Pinker thì sẽ thú vị hơn nữa. Tôi cũng muốn thêm là phần viết về chuyện học và dạy văn ở Úc có thể làm thành một bài báo khoa học với những phân tích định lượng để giới học thuật phương Tây hiểu tốt hơn về tiếng Việt.

Tóm lại, ‘Sống với chữ’ của Nguyễn Hưng Quốc là một cuốn sách hay về tiếng Việt và viết văn bằng tiếng Việt. Dù tác giả chỉ nhận đó là một kết quả của những suy nghĩ ‘bâng quơ’, nhưng tôi tin rằng các bạn sẽ học được nhiều điều hay từ những suy nghĩ ‘bâng quơ’ đó. Gấp lại cuốn sách, tôi vẫn còn ngẩn ngơ chất vấn trình độ tiếng Việt của mình, và tự nhủ mình cần nên cẩn thận hơn nữa về sử dụng chữ Việt trong tương lai, nhưng tôi cũng thầm cám ơn tác giả đã giúp tôi hiểu hơn về tiếng Việt. Và, tôi tin rằng các bạn cũng có cảm giác như tôi sau khi đọc ‘Sống với chữ’.

____

‘Sống với chữ’ (312 trang) của tác giả Nguyễn Hưng Quốc, Nhà xuất bản Lotus Media, 2021. Có bán trên amazon.com, với giá bán 17 USD.