Tôi hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc một cuốn sách mới có tựa đề là “Như con gió thoảng” (và tiêu đề là “Nghĩ về những qui luật trong cuộc sống”) của tôi có thể giúp các bạn ‘mua vui cũng được một vài trống canh’. Đây là cuốn sách tập hợp những bài viết liên quan đến những bài học ở đời, những thói đời, những thiên kiến, những sai sót, và những qui luật sống.
Vài năm trước tôi bị bệnh. Có thể nói là “bạo bệnh.” Tôi không nghĩ ra tại sao mình mắc bệnh. Những phân tích sinh hoá chẳng giúp gì. Triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, và làm cho tôi đoán đủ thứ. Nhưng cuối cùng thì bác sĩ cũng đi đến một chẩn đoán đúng, và điều trị tiến triển ok. Tôi bắt đầu ghi chép trên note của điện thoại, như là một nhựt kí điện tử. Tôi ghi chép cẩn thận triệu chứng, kết quả xét nghiệm, nước tiểu, màu da, mức độ đau, mức độ khó chịu, v.v.
Nhưng có một khía cạnh tôi không ghi: diễn biến tâm lí. Tôi không ghi sự thay đổi về hành vi của mình, mà chỉ quan tâm đến khía cạnh sinh học và lâm sàng. Nhưng tôi cảm nhận được là mình có thay đổi về nhận thức thế giới chung quanh và quan điểm về sự sống và cái chết. Thế là tôi viết lại những cảm nghĩ của mình về cái mong manh giữa sống và chết, về những điều làm mình đau khổ.
Tôi tiếp tục viết loạt bài này như là nhựt kí trong thời gian phong toả từ đầu tháng 7/2020 đến giữa tháng 10/2021. Đó là một quãng thời gian tương đối ngắn, nhưng lại là cơ hội tốt để đọc sách và đọc báo. Từ những cuốn sách viết về tâm lí người Việt đến sách bàn về những thói và tật của người Việt. Từ sách tôi tìm đến những nghiên cứu về tâm lí học và thấy mình học được nhiều điều hay để có thể chia sẻ cùng các bạn.
Tôi chia cuốn sách thành 4 phần: ở đời, thói đời, thiên kiến và qui luật sống. Trong phần I, tôi bàn về những điều làm cho chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, những điều làm chúng ta ‘kẹt’, và những bài học hay ở đời. Phần II cuốn sách bàn về những tật và thói mang tính tiêu cực của con người, cùng những nhận xét của người nước ngoài và tiền nhân về người Việt. Phần III là những hiện tượng tâm lí chúng ta hay thấy trong cuộc sống như thiên kiến tiêu cực, thiên kiến một chiều, thiên kiến chứng thực, v.v. Phần sau cùng tôi bàn về về những qui luật phổ quát của thành công (vốn là một bài điểm sách) và sự khác biệt giữa sếp và lãnh đạo.
Tôi hi vọng rằng bạn đọc sẽ tìm thấy trong sách một số ý tưởng và thông tin có ích giúp tăng năng lượng tích cực trong cuộn sống.
Tôi rất hân hạnh giới thiệu đến bạn đọc một cuốn sách mới của tôi. Cuốn sách có tựa đề là “Suy nghĩ thống kê trong đời thường” do nxb Tổng Hợp xuất bản vài ngày trước. Đây là một cuốn sách tôi đã ấp ủ nhiều năm qua, nhưng mãi đến nay mới viết xuống và có dịp chia sẻ cùng bạn đọc.
Đây là một cuốn sách tôi xếp vào nhóm giải trí. Sách giải trí cũng có đôi ba thể loại: loại vui, loại đọc xong rồi quên, loại đọc xong là học được vài điều. Cuốn sách này thuộc loại thứ 3, có nghĩa là sách vừa giải trí vừa học. Hay nói cụ thể hơn là học từ những câu chuyện trong sách.
Đó là những câu chuyện rất thực tế nhưng để lại hay cho ra đời những bài học, thậm chí khái niệm mới. Chẳng hạn như chuyện về án oan sai vì hiểu sai xác suất, là chuyện cân con bò (con bò giờ rất nổi tiếng) và từ đó có khái niệm ‘trí khôn đám đông’, chuyện xét nghiệm chất lượng bia Guinness, chuyện ‘trung bình nhân’ cho ra đời khái niệm số trung bình, chuyện thí nghiệm uống trà sữa cho ra đời khoa học thống kê, v.v. Ngoài ra, còn có những câu chuyện liên quan đến sự nghiệp và cá tánh của các nhà khoa học lừng danh như Francis Galton, Ronald Fisher, Karl Pearson, David Cox, C. R. Rao, v.v. Sự nghiệp của họ cùng những câu chuyện mang tính huyền thoại cũng là những bài học cho chúng ta.
Nội dung cuốn sách được chia thành 5 phần:
Phần 1: Xác suất và đời sống
Phần 2: Trung bình và người trung bình
Phần 3: Qui luật thống kê
Phần 4: Nhiễu, sai lệch, và nghịch lí thống kê
Phần 5: Nhân vật thống kê
Tôi có cảm hứng viết cuốn sách này từ rất lâu, sau khi phát hiện rằng cách giảng dạy hay nhứt là qua … kể chuyện. Qua những câu chuyện chúng ta biết rõ hơn về những khái niệm trừu tượng. Những câu chuyện còn giúp làm giàu thêm kinh nghiệm trong cuộc sống. Chẳng hạn như mỗi ngày chúng ta bước lên xe gắn máy đi làm là chúng ta đã chấp nhận một rủi ro, thậm chí tử vong. Vậy thì làm sao chúng ta có thể đo lường cái rủi ro đó? Cuốn sách này sẽ giới thiệu khái niệm “vi tử” đến bạn đọc để làm thước đo rủi ro cho vài hành động và hành vi hàng ngày. Hiểu khái niệm vi tử và so sánh giúp cho chúng ta bình thản hơn trong cuộc sống.
Ai là ‘khách hàng’ của cuốn sách này? Tôi viết cuốn sách này cho đại chúng, chứ không phải chỉ cho giới khoa học. Đây không phải là một cuốn sách mang tính kĩ thuật, cũng chẳng có công thức gì cả. Do đó tất cả ai cũng đọc được. Từ người sinh viên đang vất vả vì các khái niệm thống kê, nhà khoa học đang thắc mắc trị số P có nghĩa là gì, đến anh lái xe ôm đang đọc báo và hỏi thông tin có lí không. Mỗi câu chuyện được thuật lại bằng một văn phong giản dị và ngắn để bạn đọc dễ theo dõi.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn “Suy nghĩ thống kê trong đời thường” đến các bạn.
Xin giới thiệu đến các bạn một bài phỏng vấn dàiii. Bài này do tạp chí Sức khoẻ phỏng vấn hôm sau Hội nghị Thần kinh ở Mỹ Tho vào tháng 11. Tôi nhớ hôm đó, chúng tôi (chị phóng viên và tôi) phải dời bàn 2 lần vì trời mưa và vì câu chuyện hơi dài. Câu chuyện xoay quanh hành trình cá nhân của tôi, từ những việc tôi làm ở Úc đến những việc ở Việt Nam. Có những việc đã vài chục năm rồi, mà bây giờ hồi tưởng lại thì thấy cũng hay hay.:-). Thú thật với các bạn, mỗi lần trả lời phỏng vấn kiểu profile như thế này tôi rất ngại và ngượng. Ngượng vì phải nói về chính mình — cái mà người ta hay nói là “cái tôi đáng ghét”, nhưng thôi thì cũng phải nói những thăng trầm trong cuộc đời. Hi vọng bài phỏng vấn tạo ra vài cảm hứng cho các bạn trong hành trình theo đuổi sự nghiệp khoa học. (Hình ảnh có thể xem trong bài trên tạp chí:
Trò chuyện cùng Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn: Khắc tên Việt trong thế giới loãng xương
Mới đây, tại Hội nghị khoa học thường niên của Viện hàn lâm y khoa (AAHMS) diễn ra ở Viện nghiên cứu y khoa Harry Perkins, Đại học Western Australia (UWA), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là người gốc Á châu duy nhất được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia và cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Australia bởi những đóng góp xuất sắc của ông cho y học, đặc biệt là lĩnh vực loãng xương. Trước đó, vào năm 2018, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã được trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) trao huy chương về thành tích nghiên cứu ngoại hạng có tác động lớn đến chuyên ngành (Chancellor’s Medal for Exceptional Research). Giải thưởng là hạng cao nhất trong 7 hạng mục về học thuật của UTS dành cho những nhà khoa học có đóng góp quan trọng cho đại học này và Australia với những thành tựu mang tính tiên phong, ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Ông cũng là giáo sư gốc Việt đầu tiên ở Australia được trao học vị Doctor of Science, học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học Australia.
Chúng tôi gặp ông nhân dịp sau Hội nghị Thần kinh toàn quốc lần 21 và Hội nghị thần kinh quốc tế tại Việt Nam, mà ông là diễn giả chính. Buổi gặp mặt diễn ra tại một quán cà phê ông chọn ở Quận 3 trong không gian đậm nét Việt Nam và sâu lắng. Trước đó, ông đề nghị không dùng chữ “cảm tính mèo khen mèo dài đuôi” và không dùng danh xưng “giáo sư” hay “tiến sĩ”; tuy nhiên bài phỏng vấn vẫn dùng danh xưng đó. Dưới đây là cuộc trò chuyện cởi mở chung quanh sự kiện quan trọng trên và những công việc ông đã, đang và sắp làm, cũng như những suy tư về quê hương.
“Làm người có ích hơn là làm người thành công”
1/ Trước hết, xin chia vui và chúc mừng Giáo sư đã được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia. Xin Giáo sư cho biết quá trình bình bầu diễn ra như thế nào?
NVT: Quá trình tiến cử, bình duyệt và bầu là khoảng 1 năm. Đầu tiên, một viện sĩ trong Viện hàn lâm y học Australia (AAHMS) tiến cử và ứng viên được xét sơ tuyển qua một bài tổng quan 1 trang viết về những đóng góp chính của ứng viên cho y học và khoa học. Bước thứ hai là nếu được hội đồng AAHMS phê chuẩn, ứng viên sẽ được mời đệ trình hồ sơ dài, bao gồm lí lịch khoa học, một bài tổng quan không quá 30 trang về quá trình nghiên cứu, đóng góp cho y học thế giới và Australia, kèm theo bản copy của 10 công trình mà ứng viên xem là có ý nghĩa nhất. Hồ sơ này sẽ được gởi cho 7 chuyên gia được chọn từ những người trong chuyên ngành khắp nơi trên thế giới bình duyệt. Sau khi hội đồng AAHMS nhận được báo cáo bình duyệt, họ sẽ họp lại trong phiên khoáng đại và bầu cử. Danh sách ứng viên được bầu được giữ rất kín nhưng ứng viên đã biết trước khi công bố 2 tháng. Tóm lại, quá trình và qui trình tiến cử – bình bầu dựa vào ý kiến của giới chuyên ngành là chính.
Giáo sư Ian Frazer, Chủ tịch Viện hàn lâm y học Australia trao chứng chỉ cho Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong buổi lễ kết nạp tân viện sĩ Viện hàn lâm.
2/ Là người gốc Việt duy nhất cho đến nay được bầu vào Viện hàn lâm y học Australia và theo chúng tôi biết, Ông cũng là người gốc Việt đầu tiên được trao bằng Doctor of Science của Australia, Giáo sư có thể nói qua về học vị đó? Giáo sư tự xem mình là người Việt hay người Australia?
NVT: Trong hệ thống giáo dục đại học Australia, bằng Doctor of Science (DSc) được xem là học vị cao nhất, cao hơn PhD một bậc. Chỉ có một số đại học có quyền cấp học vị DSc và Đại học New South Wales mỗi năm cấp cho khoảng 5 người, nhưng có những năm không có ai. Tiêu chuẩn chính để được cấp học vị này là phải tốt nghiệp tiến sĩ sau 15 năm, là giáo sư thực thụ và có những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành cấp quốc tế. Quá trình “học” khoảng 2 năm, bắt đầu với một luận văn nhỏ và dựa vào đó Hội đồng khoa học quyết định có cho ghi danh học DSc. Nếu được phê chuẩn cho ghi danh, ứng viên sẽ được mời viết một luận án tương đối dài và một bài diễn thuyết về đóng góp của mình; luận án sẽ được gởi ra ngoài bình duyệt và Hội đồng khoa học dựa vào kết quả bình duyệt sẽ quyết định cấp hay không cấp học vị DSc. Tất cả các bước diễn ra khoảng 2 năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mà những cá nhân có đóng góp lớn cho cộng đồng cũng được trao học vị DSc danh dự, mà không phải đệ trình luận án nào.
Về câu hỏi tôi tự xem mình là người Việt hay Australia, đây là câu hỏi nhiều người vẫn hay hỏi tôi trong các hội nghị quốc tế, vì họ thấy tôi mang họ “Nguyen”, một chỉ dấu rõ ràng nhất tôi là người Việt. Tôi vẫn nghĩ dù mang hộ chiếu Australia nhưng từ trong tâm tưởng và sâu trong lòng, tôi vẫn là người Việt và tôi đã nhiều lần thổ lộ như vậy trên báo chí. Mà, hình như đồng nghiệp nước ngoài, nhất là đồng nghiệp Á châu, cũng nghĩ như vậy. Chẳng hạn như năm 2018, sau khi kết thúc hội nghị Pan Asian Biomedical Sciences Consortium, các bạn ấy bầu tôi làm chủ tịch và xem tôi là đại diện Việt Nam (Đại học Đà Nẵng). Một số hội nghị quan trọng về nội tiết học và loãng xương ở Á châu, họ mời tôi nói chuyện, nhưng khi giới thiệu họ giới thiệu tôi là từ Việt Nam; thoạt đầu tôi nghĩ họ lầm, nhưng hình như không phải vậy. Thật ra, trong những lúc như vậy, tôi thấy mình có chút tự hào và tự thấy có trọng trách làm điều gì đó xuất sắc để lại ấn tượng đẹp về Việt Nam trong lòng khán giả.
3/ Trong một chia sẻ trên trang web cá nhân, Ông gọi con đường đến Viện hàn lâm là một hành trình dài. Tại sao là hành trình dài và nó có ý nghĩa gì cho công chúng?
NVT: Tôi là người sanh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, nhưng nguyên quán thì ngoài Bình Định (vì quê ngoại và nội đều ở Phù Mỹ và Tuy Phước). Thuở nhỏ, gia đình tôi ngoài làm ruộng còn có một doanh nghiệp máy cày, nên trong những dịp nghỉ hè, tôi được theo các anh em họ đi qua rất nhiều cánh đồng lúa bát ngát thuộc tỉnh Kiên Giang như Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Tân Hiệp… Rồi, bây giờ nhìn lại, tôi thấy từ những cánh đồng đó đến Viện nghiên cứu y khoa Garvan, và từ Garvan vào Viện hàn lâm thì quả thật là một hành trình dài.
Chẳng những đó là một hành trình dài mà còn có rất nhiều gian nan. Lúc mới tới Sydney (Australia), tôi làm “kitchen hand” (tức phụ bếp) trong nhà bếp của Bệnh viện St Vincent’s một thời gian, rồi sau đó là phụ tá trong một labo của Bệnh viện Royal North Shore và phụ tá trong một trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của Bộ Y tế bang New South Wales. Nhưng cơ duyên lại đưa tôi về Viện Garvan thuộc Bệnh viện St Vincent’s, tức là sau 10 năm tôi đi đúng một vòng tròn. Còn có một vòng tròn lớn hơn: tôi rời Việt Nam, và sau 20 năm lại có dịp quay về Việt Nam làm vài việc có ích. Đời người có khi là “một cõi đi về” là vậy. Và, ý nghĩa chung là nếu chúng ta không phải là người của “danh gia vọng tộc”, việc chọn cho mình con đường đi khó, thì trước hay sau gì, phần thưởng cũng sẽ đến với chúng ta.
4/ Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà một nhà khoa học gốc Việt gặp phải trong sự nghiệp nơi xứ người?
NVT: Đây là một câu hỏi mà nhiều người hay hỏi tôi. Mỗi chúng ta có một lịch sử cá nhân, và khó mà nói con đường cá nhân là con đường cho mọi người. Riêng tôi, có lần tôi chia sẻ 10 yếu tố để có một sự nghiệp độc lập trong khoa học: đó là chọn một hướng đi, kiên trì theo đuổi ý tưởng, chọn môi trường làm việc tốt, chọn người hướng dẫn tốt, tương tác và tôn trọng đồng nghiệp, nhìn về bức tranh lớn trong chuyên ngành, nắm vững phương pháp, kĩ năng truyền đạt thông tin và công bố quốc tế.
Những khó khăn mà một nhà khoa học gốc Việt phải đối phó trong môi trường khoa học phương Tây (mà cụ thể là Australia) thì nhiều lắm, nhưng tựu trung lại là vấn đề “bộ lạc”, kĩ năng truyền đạt và kĩ năng giao tiếp. Khi nói “bộ lạc”, tôi muốn nói đến sự tiếp xúc với giới thượng tầng trong khoa học, trong chuyên ngành của mình. Đa số giới khoa học gốc Việt không có cơ duyên này, nên họ chỉ đứng bên ngoài cái “câu lạc bộ thượng tầng” đó và không có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình.
Kĩ năng truyền đạt bằng tiếng Anh vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta làm tốt mà truyền đạt không tốt thì ít ai dám mời chúng ta đi nói chuyện, và khi ít ai mời thì khó có thể chia sẻ những nghiên cứu của mình đến cộng đồng quốc tế. Nhiều người nghĩ rằng công bố nhiều bài báo khoa học là đủ, nhưng đó là một suy nghĩ rất sai lầm, vì công bố là một chuyện, nhưng được mời nói chuyện trong các hội nghị lớn là một chuyện còn quan trọng hơn cả công bố khoa học.
Chứng chỉ Viện sĩ Hiệp hội nghiên cứu xương và chất khoáng Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research), 2018
5/ Ông có lời khuyên nào cho lớp trẻ để thành công trong khoa học?
NVT: Tôi muốn trích câu nói của Albert Eistein như là câu trả lời: “Điều quan trọng nhất là không bao giờ ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò có lí do để hiện hữu. Chúng ta không thể không suy ngẫm về sự kì vĩ và huyền bí của cõi vĩnh hằng, của sự sống, của cấu trúc hiện thực huyền diệu. Nếu mỗi ngày chúng ta cố gắng tìm hiểu một chút về sự huyền diệu này thì cũng đủ.”. Tò mò và hoài nghi lành mạnh trong khoa học là rất cần thiết.
Tôi đôi khi nghĩ rằng “thành công” chỉ là ảo tưởng về chính mình; nhiều người làm mọi thứ và tận dụng mọi cơ hội để được mệnh danh là “thành công” và biến họ thành những người đánh giá mình quá quan trọng so với thực tế. Albert Einstein từng cho rằng những người nói về thành công là những kẻ ích kỉ, họ nhận từ đời hơn và đóng góp cho đời. Do đó, tôi thích chữ “hữu ích” hơn. Cố gắng làm người hữu ích để cống hiến cho đời hơn là nhận từ đời. Có thể nói người “thành công” là người có cuộc sống tốt và thoải mái, nhưng làm người hữu ích có một cuộc sống có ý nghĩa.
“Khắc tên Việt trong thế giới loãng xương”
Huân chương của Đại học Công nghệ Sydney cho nhà nghiên cứu ngoại hạng
6/ Một tờ báo về sức khỏe ở trong nước ví von rằng Ông là người khắc tên Việt trong thế giới loãng xương. Cơ duyên nào dẫn Giáo sư đến chuyên ngành loãng xương?
NVT: Cơ duyên đó xảy ra vào năm 1990 (tức khoảng 30 năm trước). Lúc đó, tôi theo học và làm việc ở Đại học Sydney, một hôm tôi thấy một quảng cáo của Viện nghiên cứu y khoa Garvan tìm 2 người bổ nhiệm vào vị trí “Research Scientists” về dịch tễ học và phân tích dữ liệu, nhưng họ ưu tiên cho người làm trong lĩnh vực xương khớp. Tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực xương khớp, nhưng vẫn nộp đơn, vì tôi muốn có thu nhập cao hơn hiện tại. Qua phỏng vấn, Giáo sư John Eisman thuyết phục tôi tham gia nhóm nghiên cứu loãng xương lúc đó mới được thành lập. Tôi về Viện Garvan và phát hiện ra là họ chỉ mướn một mình tôi vì họ nghĩ tôi có khả năng làm 2 việc, và như vậy là tôi đã tiết kiệm cho Viện khá nhiều tiền! Giáo sư Eisman là người rất nổi tiếng trên thế giới và giữ nhiều vị trí quan trọng trong các hiệp hội y khoa, do đó, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng thuộc các trung tâm lừng danh như Mayo Clinic, UCSF, UCSD… Vậy là tôi hòa mình vào thế giới loãng xương từ đó đến nay đã gần 30 năm.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trong labo Viện nghiên cứu y khoa Garvani.
7/ Vậy trong gần 30 năm qua, những đóng góp tâm đắc nhất của Giáo sư trong chuyên ngành loãng xương là gì?
NVT: Ba mươi năm trước, chuyên ngành loãng xương chưa có nhiều nghiên cứu nên tôi có may mắn đóng góp một số kết quả quan trọng. Trong những đóng góp đó, tôi phải kể đến việc xác định mối liên quan giữa mật độ xương và gãy xương, phát hiện này đã được Tổ chức Y tế Thế giới đề ra tiêu chuẩn để chẩn đoán loãng xương cho toàn thế giới.
Kết quả thứ hai mà tôi cũng thấy có ý nghĩa là phát hiện sự mất xương ở người cao tuổi tăng theo thời gian chứ không ngừng lại như sách giáo khoa viết, phát hiện này đã viết lại một phần sách giáo khoa về loãng xương và nội tiết học. Kết quả thứ ba là sau này tôi và Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên còn phát hiện rằng mất xương có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong, phát hiện này cũng làm thay đổi nhận thức của giới chuyên ngành về bệnh lí loãng xương.
Cùng Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên nhân ngày lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Đại học New South Wales.
Đóng góp thứ tư mà tôi và labo rất tự hào là đã mở ra một chuyên ngành hẹp về di truyền học trong nghiên cứu loãng xương. Thời đó, labo chúng tôi là nhóm đầu tiên trên thế giới phát hiện ra gen liên quan đến chuyển hóa vitamin D có dính dáng đến mật độ xương và gãy xương, phát hiện này được xem là “cách mạng” trong chuyên ngành và dẫn đến hàng loạt nghiên cứu để tìm những gen có liên quan đến loãng xương trên thế giới.
Đóng góp thứ năm mà tôi và nhóm nghiên cứu xem là thiết thực cho bác sĩ là phát triển mô hình tiên lượng gãy xương. Thật ra, tôi phải ghi nhận đóng góp quan trọng của Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên ở đây, vì hai chúng tôi nghĩ ra mô hình này trước và công bố đầu tiên trên thế giới, trước cả Tổ chức Y tế Thế giới. Mô hình tiên lượng đơn giản nhưng phải cần đến 20 năm để có đủ dữ liệu cho việc xây dựng mô hình tiên lượng. Sự ra đời của mô hình này làm nguồn cảm hứng cho rất nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới làm theo, và có khi họ gọi là “Nguyen’s Model.”
8/ Bất kỳ bác sĩ nào ở Việt Nam và trên thế giới điều trị bệnh loãng xương hay nghiên cứu về nó đều làm quen hoặc sử dụng mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương tên “Garvan Fracture Risk Calculator”. Giá trị từ tính thực tiễn của mô hình này, thưa Giáo sư?
NVT: Câu chuyện đằng sau mô hình tiên lượng đó là như sau: Đa số bệnh nhân gãy xương không phải do loãng xương. Ngoài loãng xương ra, còn có nhiều yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ gãy xương. Do đó, nhóm nghiên cứu của chúng tôi phân tích và xây dựng một mô hình không chỉ dùng mật độ xương, mà còn các yếu tố đơn giản như té ngã và tiền sử gãy xương để tiên lượng nguy cơ gãy xương trong vòng 5 năm hoặc 10 năm. Mô hình này đã được khắp thế giới sử dụng để chọn bệnh nhân thích hợp cho điều trị và quản lí bệnh. Tổ chức Royal College of Physicians của Australia đề nghị sử dụng trong lâm sàng và đánh giá nguy cơ gãy xương cho bệnh nhân. Hiện nay, tôi và đồng nghiệp Việt Nam đang xây dựng một mô hình cho người Việt.
9/ Được biết, cho đến nay, Giáo sư đã công bố hơn 300 công trình khoa học trên các tạp chí ISI uy tín và là một trong những Giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Giáo sư có thể cho biết công trình nào có nhiều trích dẫn?
NVT: Tôi nghĩ một cách công bằng để nói là như sau: Tôi là tác giả và đồng tác giả của hơn 300 bài báo khoa học. Ý tôi muốn nói là nhiều bài báo đó có sự đóng góp của nghiên cứu sinh và postdoc (hậu tiến sĩ) của tôi, của đồng nghiệp qua hợp tác khoa học, chứ không phải một mình tôi viết cả 300 bài.
Các trường đại học và viện nghiên cứu thì họ hay đánh giá qua các chỉ số trích dẫn, vì các con số đó giúp cho trường được xếp hạng cao trên trường quốc tế. Nhưng ở cấp độ cá nhân, tôi lại nghĩ hơi khác. Các công trình được nhiều trích dẫn của tôi không phải là những công trình tâm đắc nhất; ngược lại, những công trình có ít trích dẫn (tức chừng 200-300) tôi lại thấy nó quan trọng. Chẳng hạn như những công trình về xây dựng mô hình tiên lượng gãy xương, chúng tôi công bố trên tập san hàng đầu trong chuyên ngành (nhưng không phải hàng đầu trong y khoa) với số trích dẫn chỉ 250, nhưng tác động của nó thì lớn gấp mấy lần so với những công trình được trích dẫn trên 500 lần.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chủ trì Hội nghị khoa học của Hiệp hội Y sinh học Châu Á – Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, 2018.
10/ Giáo sư là nhà khoa học hàng đầu trên thế giới nghiên cứu về dịch tễ học và di truyền loãng xương. Giáo sư có thể chia sẻ cùng độc giả rằng trong lĩnh vực này có những điều gì mới và đáng theo đuổi?
NVT: Tôi nghĩ hiện nay di truyền học và hệ gen là lĩnh vực nghiên cứu có nhiều triển vọng ứng dụng. Chúng ta đang ở vào một thời kì vàng son của cơ hội nghiên cứu hệ gen. Chỉ chừng 20 năm trước, phân tích hay giải mã toàn bộ 6 tỉ mẫu tự DNA tốn khoảng 50,000 USD trong cả tháng trời, nhưng ngày nay chỉ tốn chừng 1,500 USD và trong vòng 1 tuần. Trong tương lai gần, chi phí giải trình tự toàn bộ hệ gen sẽ chỉ còn 500 USD. Ý tưởng là sẽ tiến đến một lí tưởng về y học cá nhân hóa (personalized medicine).
Vấn đề đặt ra là chúng ta làm gì với khối lượng dữ liệu khổng lồ đó để giúp cho việc chẩn đoán, quản lí và điều trị bệnh tốt hơn là câu hỏi làm tốn rất nhiều thì giờ của nhiều người trên thế giới. Chuyên ngành này mở cánh cửa cơ hội cho các chuyên gia về sinh tin học (bioinformatics) và thống kê sinh học (biostatistics). Nhưng hiện nay, các chuyên gia có kinh nghiệm trong hai lĩnh vực này rất hiếm. Do đó, tôi nghĩ các đại học Việt Nam nên nắm lấy cơ hội để đào tạo các chuyên viên về sinh tin học và thống kê sinh học, vì hai chuyên ngành này sẽ giúp cho phát triển khoa học trong tương lai.
11/ Không chỉ đóng góp cho y văn thế giới, nhiều đồng nghiệp nói rằng Ông còn giúp đem chuyên ngành về Việt Nam, và đem nghiên cứu Việt Nam ra trường quốc tế. Xin Ông nói thêm về hoạt động này.
NVT: Tôi quen biết khá nhiều đồng nghiệp ở nước ngoài và cũng mong muốn làm cái gì đó để đồng nghiệp thế giới biết đến Việt Nam. Do đó, qua bàn thảo với Cố GS Dương Quang Trung (lúc đó là Chủ tịch Hội y học TPHCM) tôi đề nghị tổ chức hội nghị loãng xương quốc tế ở Việt Nam. Một số đồng nghiệp nước ngoài thoạt đầu nghi ngờ khả năng của chúng tôi trong việc tổ chức hội nghị, nhưng kết cục thì hội nghị thành công mĩ mãn, thu hút hơn 400 khách trong và ngoài nước. Đó là hội nghị quốc tế về chuyên ngành loãng xương ở Việt Nam, sau này chúng tôi còn tổ chức thêm một hội nghị quốc tế khác tại Đà Nẵng và cũng đem lại tiếng vang trong các đồng nghiệp quốc tế.
Tôi và các đồng nghiệp trong nước thực hiện một công trình nghiên cứu về loãng xương lớn nhất nhì châu Á. Chúng tôi đặt tên là “Vietnam Osteoporosis Study” (VOS). Nhân đây, tôi xin cảm ơn công chúng TPHCM đã tham gia tích cực vào dự án VOS, không chỉ cung cấp thông tin quí báu về loãng xương, mà còn về các bệnh lí khác như tiểu đường, béo phì, thoái hóa khớp, tim mạch và ung thư. Công trình VOS đã gây tiếng vang trong thế giới loãng xương qua hàng chục bài báo trên các tập san hàng đầu trên thế giới và hàng chục báo cáo trong các hội nghị quốc tế, đem về nhiều giải thưởng cao quí cho Việt Nam. Rất nhiều thông tin hoàn toàn mới được “sản sinh” từ dự án VOS. Chúng tôi rất tự hào xem đó như là một “Chữ kí Việt Nam” trong chuyên ngành loãng xương.
12/ Những vấn đề nào giáo sư quan tâm nhiều nhất ở lĩnh vực loãng xương ở Việt Nam?
NVT: Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của chúng tôi (tức là tôi và đồng nghiệp trong nước), có khoảng 30% nữ và 10% nam giới trên 50 tuổi bị loãng xương và tỷ lệ người bị gãy xương không khác gì so với phụ nữ ở các nước như Úc và Mỹ. Nhưng vấn đề tôi quan tâm nhất ở Việt Nam là tình trạng thiếu điều trị. Rất nhiều (có thể lên đến 80%) bệnh nhân gãy xương không được điều trị hay không được điều trị đúng. Điều này rất đáng ngại, vì nếu họ không được điều trị thì họ sẽ bị gãy xương lần nữa và tăng nguy cơ tử vong.
Vấn đề thứ hai mà tôi quan tâm là chẩn đoán thái quá. Hiện nay, nhiều máy đo mật độ xương ở Việt Nam dùng giá trị tham chiếu ở nước ngoài (cụ thể là Mỹ), mà mật độ xương của người Việt thấp hơn người Mỹ khoảng 10-15%, nên dùng giá trị tham chiếu nước ngoài thì tỷ lệ loãng xương ở người Việt lên đến 50%! Do đó, chúng tôi cố gắng đưa vào giá trị tham chiếu của người Việt để giúp cho việc chẩn đoán chính xác hơn.
Vấn đề thứ ba tôi rất quan ngại là chi phí điều trị. Thu nhập của người Việt vẫn còn tương đối thấp, trong khi đó chi phí điều trị bằng những thuốc mới khá đắt tiền. Tôi nghĩ Bộ Y tế và các công ti bảo hiểm nên có chinh sách hợp lí để bệnh nhân loãng xương được điều trị với các giá có thể chấp nhận được.
Hội nghị khoa học thường niên của Hội Loãng Xương TPHCM, 2018.
13/ Với những quan tâm như vậy, Giáo sư đã làm gì để giải quyết vấn đề?
NVT: Tôi hợp tác với các đồng nghiệp trong Hội loãng xương TPHCM để tổ chức các lớp CME cho các bác sĩ cập nhật hóa liệu pháp chẩn đoán, điều trị, và quản lí bệnh loãng xương. Lớp đầu tiên đã được tổ chức vào năm ngoái, thu hút hơn 200 bác sĩ khắp nước tham dự. Năm nay (2019) tôi sẽ cùng Hội tổ chức thêm 2 lớp CME ở Đà Nẵng và Kiên Giang cho các bác sĩ miền Trung và miền Tây. Ngoài ra, tôi cùng nhóm nghiên cứu VOS lập trang web suckhoexuong.vn để cung cấp thông tin cho bác sĩ và bệnh nhân về bệnh loãng xương, với hi vọng nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này.
Ngoài ra, tôi còn dùng tư cách hướng dẫn luận án tiến sĩ để thu hút nghiên cứu sinh Việt Nam làm nghiên cứu về kinh tế y tế cho chuyên ngành loãng xương. Tôi có quen biết với một số nhân vật quan trọng trong kĩ nghệ dược thế giới, và thỉnh thoảng cũng khuyên họ nên cho chính sách đặc biệt cho bệnh nhân Việt Nam.
14/ Ở Việt Nam, Giáo sư là một trong những thành viên sáng lập Hội loãng xương TP.HCM từ năm 2005 và giữ vai trò cố vấn khoa học cho đến nay. Hoạt động của các tổ chức Hội ở VN nói chung, TPHCM nói riêng có giống như hoạt động của các tổ chức Hội nghề nghiệp trên thế giới hay như ở Úc?
NVT: Hội loãng xương TPHCM, có lẽ cũng như các hiệp hội chuyên ngành khác ở Việt Nam, có những hoạt động chủ yếu là nơi quy tụ các đồng nghiệp để chia sẻ kiến thức và kĩ năng (qua các hội nghị khoa học thường niên) và hoạt động cộng đồng. Các hiệp hội loãng xương ở nước ngoài cũng có những hoạt động tương tự. Nhưng nếu có khác thì tôi nghĩ các hiệp hội chuyên ngành y khoa ở nước ngoài như Úc và Mĩ thì họ còn có vai trò cố vấn cho Chính phủ, vai trò vận động tài trợ khoa học và có khi là đào tạo, còn ở Việt Nam đa số các hiệp hội chuyên ngành y khoa không có những hoạt động đó.
Đóng góp cho khoa học
15/ Được mời giảng dạy ở nhiều hội nghị y khoa liên quan tới xương ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines… những thông tin nào được cập nhật nhiều nhất, chờ đợi nhiều nhất, thưa Giáo sư?
NVT: Mỗi lần ban tổ chức hội nghị mời tôi nói chuyện, họ đưa ra chủ đề, chứ ít khi nào họ cho mình tự do chọn chủ đề. Điều này cũng dễ hiểu, vì ban tổ chức muốn sắp xếp bài giảng của tôi nằm trong một loạt bài giảng về một đề tài nào đó mà họ quan tâm. Dĩ nhiên, chủ đề họ chọn phải liên quan đến những gì tôi làm. Kinh nghiệm tôi cho thấy đối với các nước tương đối “nghèo” như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì họ muốn tôi nói những đề tài đơn giản, thực tế; còn ở những nước giàu hơn và tiên tiến hơn, họ đưa ra những chủ đề lớn hơn, cao hơn, những đề tài mang tính định hướng. Họ chọn diễn giả rất kĩ và chọn đề tài sao cho diễn đàn cảm thấy họ bỏ ra đồng tiền cho diễn giả một cách xứng đáng.
16/ Được biết Giáo sư vừa dự một hội nghị về thần kinh học, xin Giáo sư cho biết cơ duyên nào mà Giáo sư “lấn” sang lĩnh vực thần kinh học?
NVT (cười lớn): Tôi được mời nói chuyện trong các hội nghị có khi chẳng liên quan gì đến xương, thậm chí chẳng liên quan gì đến y khoa! Chẳng hạn như vừa qua, tôi được mời nói chuyện trong Hội nghị thần kinh quốc tế lần 1 ở Mỹ Tho, vì ban tổ chức muốn tôi chia sẻ về phương pháp nghiên cứu hệ gen và về cách công bố khoa học. Do đó, tôi nói với hội nghị rằng tôi đến đây để học và để chia sẻ hơn là để giảng. Sắp tới, tôi còn được mời nói chuyện trong một hội nghị về kinh tế và tôi sẽ nói phương pháp nghiên cứu y khoa có thể giúp gì cho các bạn làm nghiên cứu kinh tế. Nói cách khác, với các hội nghị ngoài chuyên ngành xương, tôi nói về nghiên cứu khoa học và công bố khoa học.
Tôi muốn nghĩ rằng khi nhận lời nói chuyện ở đâu, dù trong hay ngoài “bộ lạc”, tôi lúc nào cũng đem đến ý tưởng mới hay thông tin mới hay có một đóng góp nào đó mà diễn đàn cảm thấy không phí thì giờ để nghe. Tôi rất vui là được các bạn từ các chuyên ngành khác chào đón rất nhiệt tình.
17/ Những đóng góp của Giáo sư không chỉ trong chuyên ngành loãng xương và nội tiết mà còn về chất độc da cam. Ông là người Việt đầu tiên công bố nghiên cứu về mối liên quan giữa chất độc da cam và dị tật bẩm sinh trên tập san y khoa quốc tế. Vì sao Giáo sư quan tâm đến lĩnh vực này? Giáo sư có thể cung cấp thêm thông tin cho độc giả Tạp chí Sức khỏe về những nghiên cứu và kết quả nghiên cứu ở lĩnh vực này?
NVT: Thời đó (tức chừng 25 năm trước), tôi quan tâm đến vấn đề chất da cam vì thời còn ở dưới quê trong thời chiến tranh, tôi hay chứng kiến và đọc báo về những tin tức liên quan đến dioxin. Tôi phát hiện rằng Việt Nam thiếu những nghiên cứu có hệ thống về tác động của chất màu da cam (AO), nên tôi bỏ công ra thu thập dữ liệu và viết khá nhiều bài báo trên các báo chí Việt Nam. Tôi tổng kết các bài đó thành một cuốn sách, cuốn đó được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh. Trong cuốn sách đó, tôi chỉ ra rằng các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phơi nhiễm AO có liên quan đến một số bệnh lí như ung thư máu, ung thư tiền liệt tuyến, dị tật bẩm sinh, tiểu đường… Tôi cũng chỉ ra rằng tổng số đồng bào Việt Nam, kể cả cựu quân nhân cả hai miền Nam Bắc, bị phơi nhiễm độc chất là 4,8 triệu người. Hơn 25.000 làng xã với 2,6 triệu ha đồng ruộng chịu ảnh hưởng của độc chất. Gần 90% các làng xã bị phun hai lần và khoảng 11% làng xã bị phun đến 10 lần!
Khi một em nghiên cứu sinh từ Việt Nam sang đây tỏ ý theo đuổi đề tài này, tôi có dịp làm việc và công bố hai bài báo khoa học về tác động của AO đến dị tật bẩm sinh. Trong nghiên cứu đó, chúng tôi chỉ ra rằng những người bị phơi nhiễm AO có nguy cơ sanh con dị tật bẩm sinh tăng gấp 2 lần so với người không bị phơi nhiễm. Bài báo đó có nhiều gian nan, vì một số tập san ở Mĩ không chịu công bố; cuối cùng tôi gởi cho một tập san bên Anh và người tổng biên tập đồng ý cho công bố.
Một chương trình huấn luyện được thực hiện tại Đại học Y Dược TPHCM năm 2006
18/ Mang quốc tịch Australia, nhưng năm nào Ông cũng về Việt Nam và có những giúp đỡ cho đồng nghiệp trong nước. Xin Ông cho biết những hoạt động này?
NVT: Tôi rất quan tâm đến sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế và đã nhiều lần lên tiếng trên báo chí. Khoảng 15 năm trước, tôi có sáng kiến tổ chức các khoá học ngắn hạn (chừng 1 đến 2 tuần, gọi là “workshop”) cho các đồng nghiệp Việt Nam, mỗi workshop thu hút chừng 100-200 học viên trên mọi miền đất nước. Chủ đề các workshop thường là phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp soạn bài báo khoa học và y học thực chứng. Tôi đã làm như vậy suốt 15 năm qua với hàng trăm workshop và seminar lớn nhỏ, từ các tỉnh xa xôi ở miền Bắc đến miền Nam, tôi không nề hà để đến và chia sẻ kinh nghiệm.
Ngoài ra, tôi còn hợp tác nghiên cứu với nhiều đồng nghiệp từ các chuyên ngành khác. Cho đến nay, tôi đã hợp tác công bố hơn 50 bài báo khoa học cùng các bạn trong nước. Nếu không hợp tác, tôi giúp họ một cách gián tiếp và phía sau hậu trường để họ có thể công bố các công trình trên các tập san quốc tế.
19/ Trong nghiên cứu khoa học, vấn đề Ông lo lắng nhất hiện nay là gì?
NVT: Có thể nói nền khoa học Việt Nam vẫn còn trong quá trình phát triển và xây dựng. Những nền khoa học trong giai đoạn này thường gặp phải những khó khăn về nhân sự, tài trợ và văn hoá xuất bản. Dù có một số nhà khoa học xuất sắc, nhưng nhìn chung nền khoa học VN vẫn thiếu những người thuộc hàng “leadership” tầm cỡ quốc tế. Một vấn đề lớn khác là vấn đề tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Nên nghĩ đến một cơ chế tài trợ sao cho công bằng và thu hút tất cả những nhà khoa học không phân biệt vùng miền và bằng cấp; miễn ai có ý tưởng hay và khả thi thì đáng được tài trợ. Vấn đề thứ ba là văn hoá xuất bản, vì hiện nay có khá nhiều nhà khoa học đang là nạn nhân của kĩ nghệ xuất bản dỏm, chẳng những tốn tiền mà còn ảnh hưởng đến uy tín của trường đại học.
20/ Ở Việt Nam, Ông hiện gắn bó với Trường ĐH Tôn Đức Thắng với vai trò Cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học, Giám đốc Labo nghiên cứu xương và cơ. Ông có đánh giá gì về công tác đào tạo Đại học, việc nghiên cứu khoa học ở trường ĐH Tôn Đức Thắng nói riêng và các trường ĐH ở Việt Nam nói chung?
NVT: Tôi không có đủ dữ liệu và kinh nghiệm để nói các trường đại học khác, nhưng tôi có thể nói về ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU), nơi tôi xem là một trường hợp khá đặc biệt. Trường ĐH Tôn Đức Thắng biết mình “còn trẻ”, nên đã xác định rằng để vươn lên thì phải tập trung vào nghiên cứu khoa học và duy trì chất lượng đào tạo cao. Tôi trong vai trò cố vấn đã tổ chức một buổi retreat để suy nghĩ về chiến lược phát triển, tập trung vào nghiên cứu khoa học và tôi hài lòng để nói rằng chiến lược đó vẫn đúng cho đến ngày nay. Một trong những chiến lược đó là nâng cao nghiên cứu khoa học, tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài và thường xuyên đánh giá năng suất khoa học. Tôi chủ trì hội đồng tuyển dụng các giáo sư, chuyên gia nước ngoài cho TDTU và đã tuyển được khá nhiều chuyên gia có tiếng về Trường để tham gia nghiên cứu.
Tôi đã gắn bó với TDTU hơn 6 năm trong nhiều vai trò. Trong thời gian đó tôi rất hài lòng về mối liên hệ giữa tôi và trường. Tôi được trao nhiệm vụ làm retreat và hiệu trưởng không hề can thiệp hay gợi ý gì cả; tôi có toàn quyền viết báo cáo theo cái nhìn của tôi. Hiệu trưởng chưa một lần can thiệp vào hội đồng bổ nhiệm giáo sư do tôi chủ trì. Hiệu trưởng chưa bao giờ can thiệp vào hội đồng chấm và trao giải thưởng do tôi chủ trì. Labo của tôi mua máy móc, thiết bị, tất cả đều 100% minh bạch. Có một đại diện công ti nói riêng với tôi là trong thương trường của anh ấy 20 năm qua, chưa bao giờ có trường hợp minh bạch như TDTU. Tôi thích cách làm việc như vậy.
21/ Ông là chủ trì Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin cho các nghiên cứu xuất sắc ở Việt Nam. Đã có những nghiên cứu nào của VN được trao tặng giải thưởng này? Những giá trị ứng dụng từ các đề tài nghiên cứu này?
NVT: Giải thưởng Alexandre Yersin là một sáng kiến của Hiệp hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam (Swiss-Vietnamese Medical Association, hay HELVIETMED) nhằm ghi nhận những thành tựu khoa học xuất sắc của các nhà nghiên cứu Việt Nam. Tôi được mời làm chủ trì Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin. Hai năm trước, Giải thưởng đã được cấp cho 4 nhà khoa học sáng giá ở Sài Gòn, Hà Nội và Cần Thơ. Năm nay, chúng tôi đang nhận đơn và xét duyệt Giải thưởng lần thứ hai. Nghiên cứu của BS Vương Thị Ngọc Lan có thể làm thay đổi cách người ta xử lí phôi, nghiên cứu của BS Hà Tấn Đức giúp bác sĩ dự báo nguy cơ cho bệnh nhân cấp cứu nhanh hơn và tốt hơn. Nghiên cứu của BS Hồ Phạm Thục Lan giải quyết câu hỏi về yếu tố cơ hay mỡ có ảnh hưởng đến xương. Năm nay, chúng ta đang xem xét để trao giải cho các nhà khoa học với thành tích xuất sắc trong năm qua.
Giải thưởng ĐH Tôn Đức Thắng cũng là một hình thức vinh danh các nhà nghiên cứu có thành tựu trọn đời, nhà nghiên cứu đang lên và nhà khoa học nữ. Tuy nhiên, Giải thưởng ĐH Tôn Đức Thắng mở rộng cho tất cả nhà khoa học thế giới. Tôi cũng được mời chủ trì Hội đồng giải này với các đồng nghiệp nước ngoài. Hai năm trước, chúng tôi chọn được 3 nhà khoa học từ Việt Nam, Hồng Kong và Canada để trao giải thưởng. Năm nay giải thưởng sẽ được trao cho 3 nhà khoa học từ Hong Kong, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, buổi lễ sẽ diễn ra vào ngày 27/12/2019.
22/ Đồng thời, Ông cũng là người phụ trách biên tập cho một số tập san uy tín trên thế giới. Các vấn đề được đánh giá cao trong các tạp chí này là gì, thưa Ông?
NVT: Tôi phụ trách biên tập (editor) cho vài tập san y khoa quốc tế và mỗi tập san tôi có nhiệm kì 3 hay 5 năm. Hiện nay, tôi là Associate Editor (Phó tổng biên tập) cho Journal of Bone and Mineral Research (JBMR), được xem là số 1 trong chuyên ngành xương. Tôi xem việc được bổ nhiệm vào hội đồng biên tập của JBMR là một vinh dự và một cơ hội để đóng góp cho chuyên ngành. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách các nghiên cứu liên quan đến lâm sàng, dịch tễ học và di truyền học. Cũng như các tập san khoa học khác, JBMR đặt nặng tiêu chuẩn nguyên thuỷ (originality) và phương pháp nghiên cứu để chọn các bài báo để chuyển tải đến cộng đồng khoa học. Từ ngày được bổ nhiệm, tôi tích cực thuyết phục hội đồng biên tập thay đổi đường lối và định hướng của tập san sao cho nó tốt hơn trong tương lai.
Cùng Hồ Lê Phương Thảo nhân ngày lễ tốt nghiệp tiến sĩ của Đại học Công nghệ Sydney
23/ Ở phần trên, Giáo sư nhắc đến Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, xin Giáo sư nói một chút về vị bác sĩ này và các học trò?
NVT: Tôi rất may mắn có những người học trò tuyệt vời. Kể ra thì nhiều lắm, nhưng tôi phải kể đến ba người đặc biệt trong sự nghiệp của tôi và labo tôi. Người thứ nhất là BS Nguyễn Đình Nguyên (đã tốt nghiệp tiến sĩ hơn 10 năm trước), người đã miệt mài làm với tôi và cho ra đời công trình về đánh giá gãy xương mà cả thế giới sử dụng. Nguyên là một người Việt tiêu biểu: ham học và quyết chí. Sau Nguyên là Trần Hoàng Ngọc Bích (tốt nghiệp tiến sĩ cũng đã 10 năm). Nếu Nguyên đem đến cái lâm sàng tính, thì Bích đem đến lab cái kĩ năng về di truyền học và cũng có thể xem là một sinh viên Việt tiêu biểu: chịu khó học hành và có ý chí độc lập. Trước đó, chúng tôi cũng đã có nhiều công trình về gen, với ý tưởng “genetic profiling” là đến từ lúc Bích còn làm nghiên cứu sinh. Rồi sau này, mỗi nghiên cứu sinh đem đến một cái mới và sau cùng là Hồ Lê Phương Thảo (tốt nghiệp năm 2018) mở ra một khía cạnh mới về genetic profiling trong tiên lượng gãy xương. Tôi kể đến 3 nghiên cứu sinh này vì mỗi người đại diện cho một “thời đại” của labo, và ba người này đem về cho labo tổng cộng hơn 15 giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều giải thưởng đến nỗi có người hỏi tôi “bí quyết nào?”!
24/ Được biết Ông từng đào tạo 5 tiến sĩ cho Việt Nam và 10 tiến sĩ ở nước ngoài. Ông đánh giá như thế nào về trình độ, khả năng nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh trong nước so với nước ngoài?
NVT: Một số trường đại học Việt Nam không cho tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh, nhưng ở những nơi tôi có quyền hướng dẫn thì qua kinh nghiệm với các em trong nước, tôi thấy các nghiên cứu sinh trong nước cũng chẳng kém gì, nếu không muốn nói là trội hơn, so với nghiên cứu người nước ngoài. Dĩ nhiên, tôi không dám nói người Việt chúng ta thông minh hay tài giỏi hơn ai, nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy các nghiên cứu sinh gốc Việt chẳng kém ai.
Tôi hướng dẫn cho nghiên cứu sinh ở trong nước và họ có công bố quốc tế y như nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Không còn nghi ngờ gì nữa: nghiên cứu sinh Việt Nam có khả năng khoa học tương đối tốt, nhưng cần phải đặt trong môi trường thuận tiện thì mới phát huy được.
25/ Được xem là một nhà khoa học thuộc nhóm “top tier” trong y học thế giới, Ông đã dành thời gian cho công việc và cuộc sống như thế nào, thưa Giáo Sư?
NVT: Tôi có lẽ dành quá nhiều thì giờ cho khoa học hơn là cho gia đình hay cá nhân. Ngoài những công việc ở trường, viện, tôi còn bỏ ra khá nhiều thì giờ cho công việc biên tập và bình duyệt các tập san khoa học. Đó là chưa kể những việc làm ở Việt Nam và vài nơi khác ở Á châu. Những việc đó toàn làm ngoài giờ làm việc. Đó là cái giá mình phải trả cho việc dấn thân vào khoa học.
Xin cám ơn Giáo Sư đã dành cho độc giả Tạp chí Sức khỏe cuộc Trò chuyện này!
Mấy hôm nay tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các bạn trong và ngoài nước, kể cả các bạn báo chí — xin cám ơn các bạn. Các bạn làm tôi cảm động, và điều này làm tôi có động cơ để viết cái note này. Hôm nói chuyện trong public seminar về loãng xương, theo đề nghị của cô PR, tôi có một slide mô tả hành trình của tôi đến với Garvan. Tôi chỉ sang cái nhà bếp của bệnh viện và nói “I started my journey from there” … và tôi đã đến với chuyên ngành này qua một hạnh ngộ tại Viện Garvan.
Cuộc hạnh ngộ đó xảy ra gần 30 năm trước. Lúc đó, công trình Dubbo Study mới ‘khởi động’, và sếp cần một chuyên gia về dịch tễ học và một người có khả năng phân tích dữ liệu. Câu chuyện dài trở thành ngắn: sau một vài trao đổi, tôi quyết định chuyển về Viện Garvan. Nhưng thay vì mướn 2 người, sếp tôi phát hiện ra chỉ cần 1 vì gã này có thể làm cả hai việc! Từ đó đến nay đã gần 30 năm, công việc cũng có nhiều lúc thăng trầm, nhưng nhìn chung và nhìn lại thì đúng là một hạnh ngộ.
Cứ mỗi lần tôi được một giải thưởng nào đó hay công bố một bài báo có ý nghĩa, sếp tôi thường nói “You have come a long way” (Mày đã đi một đoạn đường dài). Mà, đúng như vậy thật. Khi bước lên bờ Thái Lan, không có một đồng xu dính túi, đâu có ai trong chúng tôi nghĩ mình sẽ có ngày đến nước Úc. Khi tới Úc, với hành trang tiếng Anh loại ‘tào lao’, tôi chỉ mong mình đi học lại để kiếm việc làm yểm trợ bên nhà, chớ đâu có nghĩ mình trở thành một ‘scientist’. Nhưng đường đời có những ngã rẽ bất ngờ, và với tôi thì cái rẽ đó xảy ra vào đầu (hay giữa) năm 1990 [tôi quên] khi tôi đến Viện Garvan. Từ Garvan, tôi hay gọi là “world class laboratory”, tôi được cơ hội đi khắp thế giới, làm quen với những nhân vật quan trọng trong chuyên ngành, và qua đó làm được những việc có ích.
Tất cả đều bắt đầu từ cái … nhà bếp bệnh viện St Vincent’s. Năm 1982, khi mới đặt chân tới Sydney, tôi chỉ có một đôi dép và bộ đồ Tây trong vali. Giống như cây bị bứng từ mảnh đất này sang mảnh đất khác, tôi thoạt đầu rất bỡ ngỡ, bơ vơ. Cái gì cũng mới đối với tôi. Cái gì cũng làm lại từ đầu. Thời đó (đầu thập niên 1980), Việt Nam bị cấm vận, nên bà con trong nước cái gì cũng cần, từ cây kim, tấm vải, cái quần jean, đến vài viên thuốc, v.v. đều vô cùng quí báu. Gia đình tôi cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, ưu tiên số 1 của tôi và nhiều bạn bè lúc đó là tìm một công việc để kiếm tiền gởi về nhà. Người thì đi lựa thơ cho Bưu Điện Úc, người thì tìm việc trong các hãng xưởng (thời đó Úc có nhiều công ti làm tivi, đồ điện tử, kĩ nghệ nhỏ). Còn tôi thì may mắn tìm việc trong nhà bếp St Vincent’s. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học. Ôi, nhớ hoài những ‘ngày xưa thân ái’. Ngày tôi nhận việc lột củ hành Tây trong cái bao bố mà tôi hay nói từ lúc cha sanh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ thấy củ hành nhiều như vậy. Tôi chỉ bao củ hành và nao núng hỏi: “Tôi phải lột hết bao củ hành này à?” Anh chàng giám thị Gerry nhìn tôi rồi nhún vai nói “That is your job” (đó là việc của anh). Tôi thấy mình ngây ngô làm sao: ừ thì người ta mướn mình chỉ làm việc đó, vậy mà cũng hỏi! Lột chưa đầy 5 củ hành, nước mắt đã dàn dụa. Gerry hỏi tôi “Mày nhớ nhà hả”. Thực ra, tôi bị cay mắt chớ nhớ nhà gì đâu. Phải một hồi tôi mới tìm ra cách lột củ hành khỏi cay mắt: lột trong bồn nước. Mẹo nhỏ, nhưng rất hiệu quả. Sau đó, tôi được làm phụ bếp khác và học nhiều kĩ thuật nấu ăn của người phương Tây, họ dùng rất nhiều sữa và rượu vang. Thời gian làm nhà bếp tập cho mình cái kỉ luật trong công việc và nghiêm chỉnh với giờ giấc.
Sau mỗi ngày làm nhà bếp, tôi cũng mệt lắm, nhưng vẫn cố gắng đi học. Hồi đó hỏi ai trong ngà bếp cũng đều nói họ đã làm cả chục năm, và họ khuyên tôi: mày còn trẻ nên đi học lại, chớ bọn tao già rồi, không học hành gì nữa. Đi học thì phải lái xe từ Darlinghurst sang tận North Ryde (nơi Trường Macquarie tọa lạc), chừng 30 km. Lúc đó, họ không có test tiếng Anh (chớ nếu có test thì chắc tôi đâu được cho đi học). Vì vậy, vào học cũng cực khổ lắm, thầy nói 100 chữ, tôi nhớ chỉ chừng 50 chữ. Vả lại, mình cũng chưa quen cách học độc lập ở đây, nên theo các sinh viên khác cũng vất vã. Ngán nhứt là những kì thi, câu hỏi rất ngắn, nhưng mình phải viết khá dài! Tiếng Anh làng nhàng mà viết dài thì cả một thách thức. Có điều người Việt mình học nhanh; chỉ cần 6 tháng thôi là tôi đã biết được cách dạy ở đây, và dần dần cảm thấy thoải mái. Ngày nào của tôi cũng bắt đầu sớm (6 AM đã phải rời nhà) và về đến nhà là chừng 11 PM. Bây giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu sao mình có sức khỏe tốt như vậy.
Nghĩ lại cuộc đời mình cứ xoay quanh cái bệnh viện St Vincent’s. Bắt đầu công việc phụ bếp ở đó, nhưng 10 năm sau lại quay về St Vincent’s. Do đó, tôi viết trong trang web cá nhân của UNSW là “My life and career have revolved mainly around the St Vincent’s Hospital campus”. Tôi hay gọi đùa trong các cuộc phỏng vấn là “St Vincent’s Republic” – Cộng hòa St Vincent’s. Lí do tôi gọi vậy là vì chung quanh bệnh viện này là các viện nghiên cứu lừng danh thế giới. Ngoài Viện Garvan, còn có Viện Victor Chang, Viện Kirby, Trung tâm nghiên cứu AIDS với David Cooper là một cái tên lừng lẫy trong thế giới nghiên cứu HIV. Năm nọ, bà Thủ tướng Úc ghé thămViện Garvan, bà nói rằng cái góc đường này [ý nói St Vincent’s] là nơi có mật độ trí thức cao nhứt nước Úc. Nghĩ đi nghĩ lại, bà này nói cũng đúng, bởi vì cái góc đường Victoria và Liverpool này có hàng trăm giáo sư (loại full professor), hàng trăm bác sĩ hàng đầu trên thế giới, và cũng là nơi ghép tim đầu tiên ở Úc hay trên thế giới (sau ghép tim ở Nam Phi).
Lúc nhận việc ở Viện Garvan, tôi không biết rằng cái góc đường này nổi tiếng như vậy. Nhưng khi Bác sĩ Victor Chang bị ám sát, và qua báo chí tôi mới biết mình đang làm việc ở một nơi rất ư đặc biệt. Thời đó, Viện Garvan không phải ‘sang’ như bây giờ, mà chỉ là một building 4 tầng, trông không đẹp mắt chút nào. Tôi làm việc trong môi trường rất chật hẹp, bên cạnh phòng lab thí nghiệm trên chuột. Thỉnh thoảng có mấy con chuột chạy trên bàn (không phải chuột thí nghiệm, mà là chuột ngoài đường chạy vào ghé thăm). Thỉnh thoảng đi về Dubbo để tham gia phỏng vấn bệnh nhân, đo lường DXA, postural sway, v.v. Đến năm 1992 dữ liệu đã khá nhiều. Tôi tự thiết kế database dùng dBASE III mà tôi cũng tự học luôn. Tôi làm hì hục, không biết ngày đêm là gì. Tôi đọc như điên, thấy cái gì cũng hay, cũng đáng học. Clinical meeting nào cũng tham gia để nghe người ta nói và bàn luận. Về nhà ngày thường cũng như ngày cuối tuần, tôi cũng làm, cũng đọc. Vì vậy tôi viết và công bố khá nhiều bài báo khoa học. Bài đầu tiên là thầy viết gần hết, bài thứ hai thì thầy vẫn viết là chánh; nhưng từ bài thứ 3 trở đi là tôi bắt đầu … làm chủ và cứng đầu. Cứng đầu ở đây có nghĩa là tôi viết theo cách mình nghĩ, chớ thầy can thiệp chút thôi. Tôi cũng bắt đầu ‘nổi loạn’ từ đó. Luận án của tôi có 13 hay 14 bài báo, và người ta cho tôi giải thưởng “UNSW/Garvan Best Thesis” ☺.
Từ Garvan tôi có dịp chu du qua nhiều trung tâm nổi tiếng trên thế giới. Nào là trung tâm nghiên cứu lâm sàng Sandoz ở Basle (Thụy Sĩ), Bệnh viện St Thomas (Anh), Mayo Clinic (Mĩ), UCSD School of Medicine, UC Denver, Southwest Foundation for Biomedical Research, v.v. Qua những nơi đó, tôi có dịp tiếp xúc và làm việc chung với những nhân vật rất nổi tiếng như L Riggs, J Melton, S Cummings, J Kanis, J Blangero, E Barrett-Connor, J Otts, v.v. Mỗi người là một cá tánh đã đành, nhưng còn là một bài học về đối nhân xử thế, làm ‘richness’ cá nhân mình.
Nhưng còn có cơ duyên gặp người Việt nữa. Viện Garvan đầu thập niên 1990 đến gần cuối thập niên, tôi là người Việt duy nhứt. Thế rồi, một hôm Bs Nguyễn Đình Nguyên chẳng biết lang thang đâu đến đầu quân vào lab. Lúc đó, tôi có một ít tiền tài trợ từ MSD và dùng nó để trả scholarship cho Nguyên. Thực ra, lúc đầu phỏng vấn thì cũng ‘oải’ lắm vì lí lịch chỉ có vài bài báo làng nhàng, nhưng chẳng hiểu sao cả tôi và sếp đều nói ‘He is the man’. Mà, đúng là ‘he is the man’ với đầy đủ những cá tánh tốt của người Việt: ham học và quyết chí. Hai chúng tôi cho ra nhiều công trình để đời (cái này tôi nói thật) và đem về cho Garvan nhiều giải thưởng quí giá. Sau Nguyên là Ngọc Bích, cũng chẳng biết lang thang đâu đó và đầu quân về Garvan. Cũng như Nguyên, Bích có lí lịch khoa học lúc đó còn oải hơn và tiếng Anh thì lúc được lúc mất, nhưng sếp tôi nói tìm đâu ra người hoàn hảo, không có ai hoàn hảo trên đời này đâu. Nếu Nguyên đem đến cái lâm sàng tính, thì Bích đem đến lab cái kĩ năng về genetic research, và cũng có thể xem là một sinh viên Việt tiêu biểu: chịu khó học hành và có ý chí độc lập. Trước đó, tụi tôi cũng đã có nhiều công trình về gen, nhưng sau khi có sự sứt mẻ trong lab với nhiều người bỏ đi, nên chúng tôi chới với một thời gian. Cái ý tưởng “genetic profiling” là đến từ lúc Bích còn làm nghiên cứu sinh. Lúc đó, tôi không có tiền để làm genotype nên phải dùng đến mô phỏng. Rồi sau này, mỗi nghiên cứu sinh đem đến một cái mới, và sau cùng là Phương Thảo cũng là một gặp gỡ tình cờ vì tôi mới tham gia UTS bán thời gian. Lúc đó Thảo cũng đang bơ vơ, nên tôi kêu về làm cho lab và thế là có thêm những ‘sản phẩm’ thời genomics. Tại sao tôi kể đến 3 người này mà không đề cập đến hàng chục nghiên cứu sinh khác? Lí do là vì mỗi người đại diện cho một ‘thời đại’ của lab, và ba người này đem về cho lab tổng cộng hơn 15 giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều giải thưởng đến nổi hôm phỏng vấn ở Garvan, có người còn đề cập và hỏi ‘bí quyết nào?’
Chẳng có bí quyết nào cả. Chỉ là thời cơ và tầm nhìn. Thời cơ đến từ những lần đi dự hội nghị khoa học và lắng nghe chủ đề ‘hot’ hiện nay là gì. Thành ra, ở nước ngoài (như Úc này chẳng hạn), cứ mỗi năm người ta họp lại trong các buổi ‘retreat’ để nói về viễn kiến trong tương lai. Năm nào, người ta cũng yêu cầu những người cấp professor phải nói ra cái vision của mình, của lab. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên tự hỏi ‘ủa, sao họ cứ ép mình nói hoài vậy, năm trước đã nói rồi mà’. Không phải. Lí do là cái viễn kiến thay đổi theo thời gian, và đó là cách mình tự làm mới mình, chớ không phải hiểu lầm rằng viễn kiến là cố định. Dĩ nhiên, có viễn kiến là một chuyện, nhưng phải đặt cái viễn kiến đó trong tầm quan trọng của thực tế. Hãy tự hỏi mình: mình có thể [nói như sếp cũ tôi] ‘make a difference’ cho những người đang đi trên đường kia hay không? Nói cách khác, những gì mình làm hay những gì mình suy nghĩ sẽ làm có đem lại phúc lợi cho những người trong cộng đồng. Tôi nghĩ trả lời được câu hỏi đó là một nguồn động lực rất lớn để có hướng đi đúng.
Đường đi dài không bao giờ là con đường trơn tru. Cũng giống như chúng ta lái xe trên xa lộ, chạy bon bon, nhưng thỉnh thoảng cũng có kẹt xe, cũng có … ổ gà; con đường khoa học cũng vậy thôi. Có những giai đoạn buồn chán, chẳng biết mình sẽ đi đến đâu và đạt được những gì. Có khi là những nhu cầu rất thực tế như làm sao tồn tại trong môi trường cạnh tranh, bao nhiêu đó cũng đã làm tiêu hao năng lượng để nghĩ đến cái gì xa xôi. Rồi chung quanh chúng ta lúc nào cũng có những người ghét mình, những kẻ ganh tị, tìm mọi cách nhấn chìm mình. Ở phương Tây người ta phân biệt giữa ganh đua và ganh tị. Ganh đua là một thái độ tốt, vì người ganh đua cố gắng làm sao để hơn người họ cạnh tranh, và do đó là động lực của phát triển; nhưng ganh tị thì chỉ làm tiêu hao năng lượng của họ mà thôi. Tiêu ra thì giờ để chỉ trích người khác thì làm sao có thì giờ để tự hoàn thiẹn hay làm mới mình. Trong thế giới phương Tây, số người tị hiềm này nói cho ngay rất ít, nhưng đối với họ thành tựu của mình là nỗi đau của họ. Thành ra, tôi cố gắng chia sẻ công trạng (credit) cho công bằng giữa các đồng nghiệp. Trong những thời điểm ‘vinh quang’, chúng ta thường ăn mừng và vinh danh cá nhân. Điều này chẳng có gì sai, vì con người rất quan trọng. Nhưng chúng ta có xu hướng quên rằng khoa học hiện đại là một ‘enterprise’, thậm chí là một ‘business’. Trong cái business/enterprise ecosystem đó có nhiều người đóng góp làm nên một cá nhân; thành ra cái thành tựu của cá nhân đó mang tính ‘collective’ (tập thể) hơn là cá nhân. Nhân dịp này, tôi một lần nữa bày tỏ lòng cám ơn đến các đồng nghiệp, các nghiên cứu sinh, các postdoc, và những bạn đã ủng hộ tôi trong thời gian qua. Không có sự giúp đỡ của các bạn, tôi không có được cái ‘milestone’ ngày hôm nay. Xin chân thành cám ơn.
Những lúc như thế này tôi hay nhớ về Ba Má tôi và bà con dưới quê. Tôi xuất thân từ một gia đình rất bình thường ở miền Tây Nam Bộ. Ba tôi hồi đó học đến Premier thời Tây (tức là tương đương với tiểu học ngày nay). Má tôi cũng chỉ học đến lớp 5 hay 6 thời xa xưa, chủ yếu là biết đọc biết viết. Có lẽ xuất phát từ truyền thống Trung kì, nên Ba Má tôi rất chú tâm đến việc học của con cái. Ba tôi có nhiều sách, chủ yếu là sách Tàu (Tam Quốc Chí, Thủy Hử, Đông Châu Liệt Quốc, v.v.) nhưng cũng có một số sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Những giờ đi học về tôi trầm mình vào mấy cuốn sách đó. Tôi mê văn học cũng từ cái tủ sách đó. Nhưng năm 1975 Ba tôi đốt hết sách, vì Ba nghĩ sẽ bị qui kết là tàng trữ văn hoá phản động. (Ba tôi là sĩ quan của Việt Minh nên chắc biết trước?) Do đó, tuy bận rộn việc đồng áng, nhưng tất cả anh em tôi đều được (hay nói đúng hơn là “bắt buộc”) phải đi học. Học xong tiểu học, phải lên Rạch Giá để theo học trung học. Thời đó, phải thi từ tiểu học lên trung học, chớ không phải ‘tự động’ lên như bây giờ. Anh Hai tôi là người đầu tiên trong làng tốt nghiệp tú tài. Sau anh Hai tôi là con nhỏ em họ và tôi. Thời đó, tốt nghiệp tú tài rất quan trọng và … oai. Chỉ có 10-15% học sinh tốt nghiệp tú tài. Thời đại học không vui bằng và không để lại nhiều kỉ niệm như thời trung học. Theo hồ sơ học bạ thì tôi học rất ok, chưa bao giờ xuống hạng 3 từ tiểu học đến trung học. Nhưng đối với anh Hai tôi thì đó chỉ … may mắn. Anh Hai là người rất khó tánh, người lúc nào cũng đặt ra những cái ‘bar’ cao hơn để mấy đứa em phải nhảy qua; do đó anh chưa bao giờ khen bất cứ đứa em nào cả, học cỡ nào anh ấy cũng nói do … hên. (Nhưng trong lòng thì chắc cũng vui – tôi đoán vậy). Bây giờ thì Ba Má tôi và anh Hai đã ra người thiên cổ, nhưng nếu anh còn sống thì chắc anh ấy đã mỉm cười.
Ba Má tôi là dân làm nghề nông, nói chính xác hơn là làm ruộng. Do đó, tôi gắn bó với những cánh đồng và cây lúa. Hồi đó, qua làm lụng cực khổ, Ba Má tôi tích luỹ khá nhiều đất (mà sau 1975 bị nhà nước tịch thu gần hết). Ba tôi thậm chí còn có cả một đội máy cày. Bắt đầu là một cái máy cày nhập từ Pháp (quên hiệu, chỉ nhớ màu cam), sau này mua thêm 2 cái máy bày khác nhập từ Mĩ (hình như là hiệu John Deer). Do đó, nhà tôi có nhiều người làm (thực ra toàn là bà con trong đại gia đình), người lo làm ruộng, người làm tài xế lái máy cày, người sửa máy, v.v. Ba Má tôi rất thương cháu, đứa nào ‘bấp bênh’ là được Ba Má đem về nhà nuôi cho đi học chữ hay học nghề. Hàng xóm cũng vậy, ai có vấn đề là Má tôi giúp ngay. Có lẽ anh em tôi hưởng phước từ đó. Nói chung là cả nhà thời đó rất bận rộn, vừa làm ruộng vừa làm business máy cày. Tuy nhiên, ai bận thì bận, ai học thì học. Tôi chưa bao giờ tỏ ra mình là “công tử”. Khi thấy người làm vác lúa tôi cũng xung phong vác lúa (dù mới 13-14 tuổi), chớ không đứng nhìn. Tôi từng có thời xin đi theo mấy người anh họ lái máy cày đi đến những cánh đồng bát ngát từ Giồng Riềng, Gò Quao sang Cây Dương, Tân Hiệp, đến Châu Thành, v.v. Từ những cánh đồng đó đến Viện Garvan thì đúng như sếp tôi nói: you have come a long way.
Chẳng những “long way” mà còn may mắn nữa. Thời thập niên 1980s bước xuống ghe ra biển là chấp nhận nguy cơ chết 50%. Phải cả trăm ngàn đồng hương mình đã bỏ mạng trên Biển Đông, trong đó có anh Hai tôi. Ngay cả ngày nay, ra đi dù đường bộ cũng là nguy hiểm. Đọc dòng tin nhắn của cô bé Trà My gởi về cho má cô, tôi bị ám ảnh hoài và đau quặn lòng. Những dòng chữ heartbreaking ‘I’m dying because I can’t breathe’ nay đã vang xa khắp bốn biển năm châu. Hoá ra, mình còn may mắn hơn biết bao đồng hương.
Tôi nghĩ mỗi con người không chỉ đại diện cho con người đó, mà còn đại diện cho sự kết tụ của những mối tương tác giữa người với người, giữa người với môi trường. Tương tác giữa mình với bạn bè, đồng nghiệp, bà con, học trò, v.v. Tương tác với môi trường chung quanh từ cái làng quê đến môi trường “world class lab” mà tôi hay nói. Có lẽ chính vì sự tương tác đó mà mỗi chúng ta là unique — đặc thù, có một không hai. Cái tính đặc thù đó rất có ý nghĩa, bởi vì sự kết tụ đó không xảy ra lần thứ hai. Những người chúng ta gặp gỡ — dù ngoài đời hay trên mạng, dù giới báo chí hay đồng nghiệp — nói như Hermann Hesse, có thể không phải là ngẫu nhiên, bởi vì mỗi người mình tiếp xúc là mỗi mục đích và bài học sống. Và, với ý nghĩa đó, xin nhận nơi đây lòng tri ân của tôi.
===
PS: Viết cái note này trong phòng chờ của phi trường trước khi lên máy bay, nên chắc có nhiều sai sót. Xin các bạn bỏ qua cho.