Hãy bỏ ý định thu hút ‘nhân tài’ về Việt Nam

Có lẽ các bạn ngạc nhiên khi tôi viết như một cái tít báo chí. Nhưng tôi đã suy nghĩ và đi đến kết luận trên. Cách suy nghĩ kiểu tung tiền ra thì sẽ tìm người tài về Việt Nam thì tôi e rằng phi thực tế.

Báo VNexpress đi một loạt bài [1,2] về việc TpHCM ‘thu hút nhân tài’ hé lộ vài chi tiết thú vị. Theo một bài báo [1], trong 5 năm TP HCM “chỉ thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi, ba năm qua các đơn vị không tuyển được chuyên gia nào.” Có bài có tựa đề rất độc: “Cách thu hút nhân tài của TP HCM bị cho là ‘trên trải thảm, dưới trải đinh’.”

Một bài báo khác trên NLĐ [3] thì trong 5 năm, “TP HCM chỉ thu hút 5 chuyên gia, nhà khoa học cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố.” Nhưng trong số này chỉ có 1 người kí hợp đồng. Bài báo còn cho biết “kinh phí đã chi trả cho chuyên gia đã ký hợp đồng theo quy định của Nghị quyết số 20 đến nay là hơn 170 triệu đồng.”

Tại sao? Theo bài báo [3] cho biết do “chính sách mới và chưa có nhiều mô hình hay để tham khảo, học hỏi.” Nói cách khác, lí do chánh là không biết cách làm.

Tôi nghĩ cách giải thích đó không đúng.

Trong thực tế là đã có nhiều mô hình thu hút nhân tài để tham khảo. Và, mô hình đó chẳng đâu xa mà chính là … Tàu. Tàu thật ra có hơn 200 chương trình để thu hút nhân tài từ phương Tây về Tàu. Một trong những chương trình đó có tên là “Thousand Talents Plan” (Dự án Ngàn Nhân Tài), với mục tiêu chánh là kéo người tài ở nước ngoài (bất kể quốc tịch) về Tàu [5].

Theo một báo cáo của Mĩ, trong thời gian 2008 đến 2016 họ đã thu hút gần 60,000 nhà khoa học và nhân tài về Tàu theo nhiều hình thức. Những người này không chỉ là người gốc Hoa, mà rất nhiều người quốc tịch khác. Điều đó chứng tỏ rằng Dự án Ngàn Nhân Tài đã thành công. Sự thành công của họ làm cho các nước phương Tây phải duyệt lại chánh sách của các đại học và trung tâm nghiên cứu.

Việt Nam nên học Tàu.

Muốn biết họ làm như thế nào thì thử tìm hỏi những người trong cuộc (tức những người biết về Dự Án Ngàn Nhân Tài) hay tìm đọc các báo cáo. Chẳng hạn như báo cáo này [4] trên Nature. Chẳng hạn như bổng lộc của ứng viên trong chương trình Ngàn Nhân Tài là rất hấp dẫn. Tuỳ chuyên ngành, nhưng ngành dính dáng đến thí nghiệm có thể được cấp 500,000 đến 600,000 USD để thành lập labo nghiên cứu. Ngoài ra, còn có tiền đi lại khoảng 100,000 USD trong 3 năm. Tiền trợ cấp mướn nhà cửa cũng vài trăm ngàn USD. Với cấp giáo sư, lương căn bản là 15000 – 25000 USD một tháng.

Với những con số trên thì con số 170 triệu đồng (~8000 USD) của Việt Nam không có ý nghĩa gì cả.

Một điểm đáng chú ý của Dự án Ngàn Nhân Tài là không đòi hỏi ứng viên phải bỏ nước ngoài về Tàu làm việc; họ chỉ cần ‘hợp tác’ vài tháng trong 1 năm. Điều này chứng tỏ giới cầm quyền Tàu hiểu rất rõ rằng người tài ở nước ngoài sẽ khó có thể về Tàu làm việc toàn thời gian lâu dài, nên họ tranh thủ kiểu ‘hợp tác’.

Tôi nghĩ Việt Nam nên bỏ ý định thu hút người nước ngoài về Việt Nam làm việc dài hạn. Viễn cảnh đó rất khó xảy ra. Tại sao? Thử xem xét 2 nhóm tiêu biểu dưới đây để thấy họ không thể về Việt Nam.

Nhóm 1: Những nhà khoa học đã có vị trí ổn định ở nước ngoài. Xác suất họ về Việt Nam rất rất thấp. Lí do là không ai đi từ môi trường ổn định sang môi trường bất định. Đây là nhóm người đã thành danh, họ được trọng dụng ở nước sở tại, và có cơ sở vật chất để theo đuổi những ‘ý tưởng trên mây’ (blue sky research). Đang trong tình trạng ‘ăn nên làm ra’ thì họ không có lí do gì để về Việt Nam mà tương lai thì có thể là bất định. Bất định là vì quĩ tài trợ nghiên cứu khoa học ở VN rất hạn chế, và quan trọng hơn là khác biệt về văn hoá khoa học nên rất khó làm việc.

Nhóm 2: Những người tài trong giới kĩ nghệ. Đó đây, có người đề cập đến ‘nhân tài’ là những người nắm lấy công nghệ hay bí quyết công nghệ quan trọng. Nhưng nhóm này thì chắc rất rất hiếm trong giới khoa học gốc Việt ở nước ngoài. Những người này thì họ thường làm việc trong các tập đoàn kĩ nghệ, và các tập đoàn này không bao giờ muốn họ ‘bay’ đi cả. Điều đó có nghĩa là khó có tập đoàn hay cơ quan nào ở Việt Nam có thể thu hút những người này về Việt Nam làm việc.

Điều thú vị là trong khi VN tìm cách thu hút nhân tài từ ngoài về, nhưng nước ngoài đang tìm cách thu hút nhân tài của VN. Trong thực tế, hàng năm có hàng ngàn người có trình độ học vấn cao rời Việt Nam. Không biết các vị cầm quyền có biết điều này và có con số người Việt bỏ nước ra đi theo các chương trình tài năng của nước ngoài.

Do đó, Việt Nam hãy bỏ ý định kéo người tài từ nước ngoài về Việt Nam. Thay vì kéo họ về dài hạn, hãy (i) tập trung đào tạo và giữ chân nhân tài trong nước, và (ii) lập ra những chương trình hợp tác hấp dẫn (như Dự án Ngàn Nhân Tài bên China) thì thực tế hơn. Tuy nhiên, bàn cho vui thôi, chứ trong thực tế thì đâu vẫn vào đấy, tức chẳng có gì thay đổi cả.

_____

[1] https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Ftp-hcm-loay-hoay-thu-hut-nguoi-tai-4466037.html

[2] https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fvnexpress.net%2Ftp-hcm-can-lam-gi-de-thu-hut-nguoi-tai-4466690.html

[3] https://l.facebook.com/l.php?u=https%3A%2F%2Fnld.com.vn%2Fchinh-tri%2Ftrong-5-nam-tp-hcm-chi-thu-hut-duoc-5-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-20220523175046931.htm

[4] https://media.nature.com/original/magazine-assets/d41586-018-00538-z/d41586-018-00538-z.pdf

[5] Về Dự án Ngàn Nhân Tài, China có hơn 200 trạm thu hút nhân tài ở nước ngoài trên khắp thế giới. Ở Úc này có ít nhứt là 10 trạm chuyên đi ‘săn’ nhân tài và báo về cho các đại học bên China. Họ có tiền và chi một cách … ngạc nhiên. Đó chính là lí do tại sao nhiều giáo sư Mĩ về ‘đầu quân’ cho họ theo hình thức ‘hợp tác’. Cũng có tiêu cực (tham nhũng) nhưng rất hiếm.

Nhưng không phải ai cũng được nhận dễ dàng vào chương trình Ngàn Nhân Tài, vì họ tuyển chọn rất rất kĩ. Họ biết cách thẩm định khách quan, chứ không theo chủ nghĩa lí lịch. Họ có cơ chế bình duyệt y như bình duyệt viện hàn lâm khoa học. Tôi đã thấy cái form của họ và rất professional.

Nhân “Đường lên đỉnh Olympia” bàn về người tài và giáo dục Việt Nam

Xin giới thiệu đến các bạn một cuộc trò chuyện với kí giả Bùi Thư về câu hỏi Úc thu hút nhân tài từ Việt Nam qua chương trình trò chơi “Đường lên đỉnh Olympia”. Theo tôi thì Úc có chương trình thu hút nhân tài, nhưng tiêu chuẩn về nhân tài cúa họ không giống như ‘nhân tài’ trong các gameshow.

Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, qua đó nhận học bổng toàn phần của Đại học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu đóng tại Melbourne (Úc).

Bùi Thư, BBC News Tiếng Việt 24/9/2020
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54245669

Nhiều người mỉa mai chương trình Đường lên đỉnh Olympia là “tìm nhân tài cho Australia”, trong khi nhiều ý kiến khác cho rằng lo ‘chảy máu chất xám’ trong bối cảnh toàn cầu hóa là ‘lỗi thời’.

Mỗi năm, khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố nhà vô địch mới, mạng xã hội lại xôn xao: “Thêm một nhân tài nữa cho Úc”; “Chúc mừng Australia”… Nhiều người thậm chí đặt tên chương trình là “Đường lên đỉnh Australia”.

Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết các nhà vô địch Olympia, sau khi nhận học bổng du học, đều chọn ở lại Australia. Trao đổi với BBC News Tiếng Việt hôm 23/9, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales (Úc) nói “Quan điểm cho rằng Úc thu hút nhân tài qua chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì có hơi quá và không công bằng cho nước Úc”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh cũng chia sẻ với BBC: “Nếu so với số du học sinh hằng năm lên đến cả trăm nghìn người thì 20 người sau 20 năm mà bảo lựa chọn nhân tài cho Úc là quá phóng đại”. Theo thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ GD & ĐT, hiện có khoảng 190.000 du học sinh Việt Nam tại nước ngoài.

Cả nước ‘phát sốt’

Hôm 20/9, sau khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia công bố người thắng cuộc, Facebook ngập tràn bình luận. Khen có, chê có, thán phục có, mỉa mai có, nhưng các bình luận dày đặc cho thấy sau 21 năm kể từ chương trình đầu tiên, game show này vẫn được rất nhiều người chú ý.

Năm nay, thí sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) giành giải quán quân, nhận học bổng toàn phần của Đại học Kỹ thuật Swinburne, một đại học nghiên cứu tại Melbourne (Úc).

Trường này có thứ hạng khá trên thế giới, xếp thứ 63/250 Bảng xếp hạng Đại học trẻ (dưới 50 năm tuổi) 2020 của THE; xếp 351/1.527 trong Bảng xếp hạng Đại học Thế giới 2021 của QS và top 400 năm 2020 của ARWU. Người thắng cuộc năm nay còn nhận 40.000 USD tiền thưởng, tăng 5.000 USD so với năm trước.

Với hình thức thi thố sôi nổi, gay cấn trong một đất nước có truyền thống coi trọng khoa cử, tranh đua, Đường lên đỉnh Olympia luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt.

Các trường, các tỉnh thành có thí sinh vào chung kết năm thường tập trung học sinh xem trực tiếp để cổ vũ, chẳng khác gì khi đội tuyển bóng đá vào chung kết SEA Games. Thí sinh vô địch được ca ngợi là người mang vinh quang về cho tỉnh nhà, là niềm tự hào của nhà trường, gia đình, thầy cô và bè bạn.

Nhà quán quân bỗng chốc trở thành người của công chúng, nhất cử nhất động của họ trên sóng truyền hình được đưa ra phân tích, mổ xẻ, đôi khi rất gay gắt.


‘Nên nghĩ đến bức tranh lớn hơn’

GS Nguyễn Văn Tuấn, người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc, cũng là nhà nghiên cứu loãng xương nổi tiếng trên thế giới với hơn 300 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí y khoa và khoa học quốc tế, chia sẻ:

“Úc có chương trình thu hút nhân tài Global Talent Independent mà tôi từng giúp một số em nghiên cứu sinh gốc Việt tham gia. Nhưng chương trình này không dành cho các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia vì các em vẫn là học sinh trung học”.

“Theo tôi, giải thưởng của chương trình có thể xem là một trong những tín hiệu về sự thành công tương lai của một cá nhân. Nhưng nhân tài là người có chuyên môn cao, đã thành danh, và khái niệm nhân tài rộng lớn hơn so với giải thưởng trong một game show. Nhân tài thường được đánh giá bởi chuyên gia, đồng nghiệp trong chuyên ngành chứ không phải thông qua một game show đại chúng”.

“Việc dành tiền để thu hút nhân tài từ Việt Nam không phải thứ mà Úc ưu tiên. Như trường đại học New South Wale nơi tôi làm việc, mỗi năm có 16.000 du học sinh từ nước ngoài, đa số là Trung Quốc và họ rất tài năng. Chỉ có khoảng 20 người Việt Nam từ chương trình là con số nhỏ, Úc không quá quan tâm”, GS Tuấn đánh giá.

PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận định: “Tôi nghĩ đây không hẳn là chương trình lựa chọn nhân tài. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia không phải người giỏi nhất Việt Nam, mà là người có thành tích tốt nhất trong số những người tham gia thôi”.


Ông Tuấn nói thêm: “Tính chất của game show tập trung vào một số em nhanh trí và thông minh. Nhưng các em này không đại diện cho đa số học sinh Việt Nam. Chúng ta nên quan tâm làm sao đem những kĩ năng cần thiết đến với đa số học sinh, thay vì chỉ tập trung bàn luận về game show. Thắng một cuộc thi mới chỉ là bước đầu”.

“Chúng ta cần nghĩ đến bức tranh lớn hơn. Đó là cải cách giáo dục, không chỉ ở bậc đại học mà từ tiểu học, trung học. Tiến sỹ Phạm Đỗ Nhật Tiến từng nói nền giáo dục Việt Nam vẫn đang 1.0 trong khi thế giới là 4.0. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần chú trọng hơn là những tranh cãi việc gameshow vì nó không đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam trên bản đồ thế giới”, GS Tuấn nhấn mạnh.

Tư tưởng ‘chảy máu chất xám’ là lạc hậu

Quán quân mùa thứ 6 Lê Vũ Hoàng giải thích anh quyết định tu nghiệp ở Úc một thời gian sau khi tốt nghiệp vì đây là cơ hội để mở rộng kết nối với các nhà khoa học và doanh nghiệp quốc tế, học hỏi thêm công nghệ mới. Úc cũng có đủ cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu tốt hơn trong ngành của anh.

Anh Hoàng chia sẻ với BBC News Tiếng Việt: “Hiện tại tôi đang có một số dự án liên kết với Việt Nam để đưa công nghệ IoT (internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo), đưa các sản phẩm mà tôi đã làm ra ở đây về phục vụ Việt Nam”.

Những trường hợp như anh Hoàng khiến nỗi ưu tư ‘chảy máu chất xám’ ở Việt Nam thêm nặng trĩu. Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng khái niệm này không hẳn thích hợp trong thời toàn cầu hóa.

“Những du học sinh Việt Nam học ở Úc và được chấp nhận ở lại thì có tác động dĩ nhiên là tích cực lên nước Úc trước tiên. Nhưng họ thành danh ở nước ngoài thì cũng giúp ích cho quê hương Việt Nam không chỉ về chuyên môn khoa học mà còn về kinh tế. Nói là chảy máu chất xám nhưng thực tế thì đôi bên cùng có lợi”, ông nói.

Theo GS Tuấn, trong thế giới phẳng, một người ngồi ở châu Âu có thể làm việc cho Úc, một người ngồi ở Úc nhưng làm việc cho Malaysia.

“Tôi nghĩ câu hỏi đáng quan tâm hơn là chủ quyền tri thức thuộc về ai. Nếu một người ở châu Âu mà làm việc cho Úc và có những khám phá mang đến bằng sáng chế thì chủ quyền đó thuộc về Úc. Nói về chảy máu chất xám là nói về mất bản quyền tri thức, chứ con người vẫn ở đó, chẳng mất đi đâu cả”, ông lý giải.

PGS Nguyễn Hoàng Ánh nhận xét: “Ở thế kỷ thứ 21 được 20 năm rồi, chắc chỉ có mỗi Việt Nam vẫn trăn trở chuyện người đi du học có trở về hay không. Tư tưởng này quá lạc hậu, nghe như vấn đề của thế kỷ 19”.

Bà Ánh phân tích thêm: “Du học sinh ở lại mà thành công thì góp phần quảng bá cho Việt Nam. Nếu các bạn ấy ra thế giới thể hiện Việt Nam cũng không kém gì ai thì đó chính là quan điểm của Bác Hồ về sánh vai với các cường quốc năm châu, nên khuyến khích mới đúng”.

Xã hội Việt Nam quá khắc nghiệt?

PGS Nguyễn Hoàng Ánh kể: “Về trải nghiệm cá nhân, tôi sau khi du học về cũng không được chào đón. Ngoài thì nói hoan nghênh nhưng hành xử thì rất nghi kị. Đồng nghiệp lo ngại bọn này có cướp mất công việc hay không. Lãnh đạo thì sợ mình gây cản trở”.

Bà bình luận: “Bây giờ xã hội cởi mở hơn, nhưng chúng ta vẫn thấy dư luận ồn ào chuyện du học sinh không trở về, xét nét một cái vung tay ăn mừng của em học sinh 17 tuổi. Khi nhà nước không còn xét nét mà sống với những người đầu óc hẹp hòi như vậy thì quá mệt”.

GS Tuấn nói thêm: “Khi về Việt Nam, các bạn gặp những rào cản mang tính văn hóa nhiều hơn là chuyên môn. Họ thường nói với tôi điều kiện làm việc ở Việt Nam không tốt, không được giao công việc đúng chuyên môn. Có người nói bị lúng túng những chuyện ‘chính trị văn phòng’. Có người than phiền không được chào đón mà còn bị đố kị. Tôi biết một vài em về Việt Nam sau đó lại quay trở về Úc vì chịu không nổi môi trường trong nước”.

“Sinh viên Việt Nam ở lại Úc, cũng như những sinh viên các nước khác, chủ yếu xuất phát từ điều kiện làm việc và nghiên cứu. Ngoài ra, hệ thống đề bạt và tưởng thưởng minh bạch nên các em rất thích. Ở Việt Nam, dân gian có câu: ‘nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tuệ’. Điều này làm nản lòng nhiều bạn trẻ, ngay cả tôi cũng sẽ nản lòng”, ông Tuấn nói.

Là người có nhiều hoạt động khoa học, giáo dục, y tế tại Việt Nam, GS Tuấn bày tỏ: “Những người làm khoa học chân chính như tụi tôi ở nước ngoài, khi về Việt Nam gặp phải một khó khăn: nói thật. Bởi mình không nói thật được, nói thật thì có khi đồng nghiệp tự ái không hợp tác nữa. Nên phải nói kiểu ngoại giao”.

Bà Ánh đề xuất: “Tôi nghĩ Việt Nam có thể học mô hình Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình cho rằng đến ngoài 40, nhiều người sẽ quay về nước. Thực tế cho thấy ông đã đúng. Đến năm 2000, Trung Quốc có nhiều chính sách đãi ngộ với người học nước ngoài về”.

“Tôi có trao đổi với một anh phó giáo sư của trường đại học nổi tiếng ở Mỹ về lý do về nước. Anh trả lời ở Thượng Hải, anh có những điều kiện tốt hơn, được điều hành một khoa và nguồn quỹ. Với lại, người ngoài 40 hầu như đều mong quay về quê hương, mong có cơ hội đóng góp. Nếu mình cho cơ hội, họ sẽ quay về. Hy vọng Việt Nam cũng nhìn xa như Đặng Tiểu Bình”, bà Ánh bày tỏ.

Suốt 20 năm nay, GS Tuấn có cả mấy chục công trình nghiên cứu và xuất bản sách tại Việt Nam dù ông sống ở Úc. GS Tuấn bộc bạch: “Là người Việt Nam thì đi đâu cũng đau đáu nhìn về quê, muốn làm cái gì đó để quê nhà tốt hơn. Nói đến chuyện đóng góp cho quê hương thì tôi nghĩ 100% người Việt đều muốn, dù họ có thể có quan điểm chính trị khác với các bạn trong nước”.

Nhân tài theo quan điểm phương Tây (Tại sao nhân tài khó đóng góp cho VN?)

Dạo gần đây, nhiều cán bộ cao cấp đương quyền và cựu quyền hay nói đến ‘nhân tài’, hay có khi mang màu sắc cổ xưa là ‘hiền tài’. Thế kỉ 21 rồi mà còn dùng khái niệm ‘hiền tài’! Nhưng đều quan trọng là đọc những gì họ viết thì thấy đa phần mang tính khẩu hiệu, chứ bàn về thực chất và những vấn đề gai góc thì không có. Cái note này là một lạm bàn thế nào là ‘nhân tài’ và tại sao nhân tài khó có thể đóng góp cho VN.

Tài qua cách nhìn của phương Đông

Trước hết, cần phải xác định thế nào là nhân tài? Người ta nói đến ‘nhân tài’ rất nhiều, nhưng ít khi nào chịu khó xác định thế nào là ‘nhân tài’. Ở Việt Nam ngày xưa, có lẽ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nên có khái niệm ‘hiền tài’. Một học giả Việt Nam sống vào thế kỉ 15 là Thân Nhân Trung ví von rằng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia“. Tôi đoán chữ ‘hiền’ trong ‘hiền tài’ là nói đến cái đạo đức, còn ‘tài’ chắc là nói đến ‘giỏi’. Hiền tài là người phải vừa giỏi chuyên môn và có đức.

Thân Nhân Trung dự báo mối liên quan nhân quả giữa hiền tài và sự hưng thịnh của một quốc gia: “nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp“. Chính vì câu nói này mà nhiều người cho rằng Việt Nam đang ở trong thời kì suy yếu.

Câu nói của Thân Nhân Trung, “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, được nhà cầm quyền và báo chí nhắc đến rất nhiều lần. Nhưng định nghĩa thế nào là hiền tài thì chưa rõ ràng.

Tài qua cách nhìn của phương Tây

Nhưng định nghĩa về nhân tài như trên vẫn còn chung chung, chúng ta cần một định nghĩa mang tính khoa học. Có lẽ chúng ta bắt đầu bằng khái niệm nhân tài của phương Tây. Tiếng Anh có chữ ‘talent’, tương đương với ‘nhân tài’ trong tiếng Việt. Giáo sư Dean Simonton (ĐH California, Davis) là người chuyên nghiên cứu về các đặc tính làm nên một nhân tài. Simonton định nghĩa rằng nhân tài là tập hợp các đặc tính cá nhân làm tăng tốc tiếp thu kĩ năng chuyên môn hoặc nâng cao hiệu suất làm việc (1). Có hai yếu tố chính trong định nghĩa này: kĩ năng và hiệu suất. Người tài không chỉ có kĩ năng cao mà còn phải có hiệu suất cao. Hai người có thể có cùng trình độ học vấn, cùng chức năng, và cùng số năm kinh nghiệm, nhưng người tài làm việc có hiệu suất cao hơn đồng nghiệp. Nói cách khác, người có tài không chỉ có kĩ năng tốt mà còn là người làm việc tốt hơn và nhanh hơn.

Nhưng đó là khái niệm chung, còn định nghĩa cụ thể với tiêu chí (operational definition) của phương Tây về nhân tài thì có phần phức tạp hơn. Nói về nhân tài không thể không đề cập đến Giáo sư Dave Ulrich, một chuyên gia nổi tiếng về nhân sự và quản lí doanh nghiệp. Ulrich đề ra công thức nhân tài gọi là 3C: Competence × Commitment × Contribution (2). Competence (năng lực) ở đây hiểu theo nghĩa có trình độ học vấn cao, có kiến thức và kĩ năng chuyên môn tốt và phù hợp với công việc. Commitment (tận tụy hay dấn thân) trong công thức 3C có nghĩa là người chịu dấn thân vì mục tiêu chung của tổ chức, và có tầm nhìn tốt về tương lai cho tổ chức. Contribution (cống hiến) được hiểu là sẵn sàng đóng góp ngoài khả năng chuyên môn của mình và giúp đỡ đồng nghiệp cùng phát triển. Ulrich ví von rằng năng lực là cái đầu, tận tụy là tay chân, và cống hiến là trái tim. Công thức 3C của Ulrich là tích số (chứ không phải là cộng số). Do đó, người tài phải đáp ứng cả 3 tiêu chuẩn năng lực (đầu), tận tụy (tay chân) và cống hiến (trái tim) theo cấp số nhân.

Công thức ‘talent’ (người tài) được tóm gọn bằng 3 chữ C: competence (năng lực), commitment (tận tuỵ), và contribution (cống hiến).

Một ý rất quan trọng ở đây là người giỏi chưa hẳn là nhân tài. Giỏi là một điều kiện của nhân tài, chứ không phải là nhân tài. Người giỏi chỉ đáp ứng 1 hay 2 trong công thức 3C. Người giỏi có thể có trí thông minh tốt, có thể có kĩ năng tay chân tốt, nhưng không có trái tim cống hiến, và do đó không thể xem là ‘nhân tài’. Người giỏi có thể rất khó tính và gây ra nhiều phiền toái cho người khác, nhưng người tài thì có khả năng làm việc với mọi người để đạt được hiệu suất cao nhất.

Nhân tài khó sống ở Việt Nam

Với định nghĩa ‘hiện đại’ trên về nhân tài, chúng ta thử đối chiếu với tình hình ở Việt Nam. Nếu áp dụng công thức 3C trên đây thì VN có bao nhiêu người được xem là ‘nhân tài’. Không ai biết. Không biết vì chẳng có ai làm nghiên cứu khoa học để tìm hiểu và xác định. Nhưng tôi đoán là con số không cao. Việt Nam có thể có nhiều người giỏi, nhưng người tài thì chắc hiếm lắm. (Nhưng dĩ nhiên, tôi cũng chỉ … đoán mò). Tôi đoán vậy là vì thấy nhiều người có khả năng tốt và chuyên môn cao đều tìm đường ra nước ngoài, chứ ít ai chịu ở trong nước.

Câu hỏi là tại sao người giỏi (không bàn về ‘nhân tài’) khó có thể phát huy ở Việt Nam. Đã có quá nhiều lời bàn về câu hỏi này, nhưng tôi thấy đa phần chỉ tập trung vào cái gọi là “cơ chế” hoặc “môi trường”, và điều này chẳng có gì sai. Nhưng tôi muốn nghĩ đến 4 khía cạnh để giải thích tại sao nhân tài khó phát huy ở Việt Nam. Bốn khía cạnh này liên quan đến môi trường thể chế, vấn đề văn hóa, tình trạng lẫn lộn giữa thật và giả, và vấn đề loạn chuẩn.

Thứ nhất là môi trường thể chế chính trị rất khó dung dưỡng người giỏi. Ở Việt Nam, người ta có cách làm ‘qui hoạch’ nhân sự, và tiêu chuẩn để được qui hoạch thì thường đặt nặng chính trị hơn là tài năng. Tiêu chuẩn 3C hầu như không có trong việc xem xét trong ‘qui hoạch’. Ở phương Tây, khi tuyển một hiệu trưởng đại học, khoa trưởng, người đứng đầu lab, v.v. người ta quảng cáo khắp thế giới, và chỉ có ứng viên nào đạt hầu hết các tiêu chuẩn 3C thì mới được bổ nhiệm. Một qui trình như thế ở phương Tây khó mà ứng dụng ở Việt Nam, nơi mà nhà cầm quyền vẫn còn phân biệt giữa ‘yếu tố nước ngoài’ (với hàm ý tiêu cực) và trong nước. Tình trạng phân biệt người trong và ngoài đảng, phân biệt tôn giáo, thậm chí phân biệt lí lịch cũng là những rào cản lớn để thu hút người giỏi (chưa nói đến người tài).

Vấn đề văn hoá. Dù công nhận hay không thì sự thật là người Việt Nam có tánh ganh tị, đố kị rất lớn. Người ta sẵn sàng hãm hại người có khả năng vì thấy kẻ đó đe doạ đến vị trí của họ. Người ta sẵn sàng dìm những người đạt chút thành công xuống bùn để thoả mãn tiểu tâm của họ. Người Việt Nam, kể cả tôi, nhiều khi cảm thấy rất thoải mái khi làm việc với người phương Tây, nhưng rất ngại làm việc với người Việt. Làm việc với người Việt có nhiều lắt léo (vì họ nói/viết vậy mà không phải vậy), còn làm việc với người Tây thì đâu đó đều minh bạch. Một em postdoc từ Việt Nam có lần nói với tôi rằng khó có thể xoá bỏ cái văn hoá đố kị của người Việt, nên cách hay nhất là tránh họ, tức tìm cách ra nước ngoài! Nghe qua thì rất phũ phàng, nhưng sự thật thì chắc đúng vậy.

Vấn đề lẫn lộn giữa thật và giả. Tình trạng vàng thau lẫn lộn cũng là một yếu tố làm nản lòng rất nhiều người có khả năng muốn đóng góp cho đất nước. Trong một thời gian dài, ‘ngôi đền học thuật’ thiếu người canh gác (hay có người canh gác nhưng người đó bất tài) nên đã để cho rất nhiều người bất tài nghiễm nhiên trở thành những kẻ điều hành khoa học và văn hoá.

Vấn đề “Vàng thau lẫn lộn” trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đã được nêu lên nhiều lần (3) nhưng chẳng ai có hành động gì tích cực để khắc phục. Ngay cả những “Việt kiều” về nước cũng có tình trạng vàng thau lẫn lộn; có người có 1C hay 2C, nhưng khó tìm người có 3C (vì họ đã bị Tây lấy hết). Có những kẻ về không phải để cống hiến mà để tìm chức bà quyền. Dĩ nhiên, có những người thực tài nhưng họ không có cơ hội để thi thố tài năng và đóng góp vì họ không thể hoà nhập vào cái thế giới dỏm được. Cho dù VN có sàng lọc được vàng và thau thì cũng phải cần đến ít nhất là 1 thế kỉ.

Vấn đề ‘đa hệ’ và loạn chuẩn. Do những hoàn cảnh lịch sử để lại, cộng đồng những người có học ở VN bao gồm nhiều thành phần. Người được đào tạo từ thời Pháp thuộc, kẻ được đào tạo trong hệ thống XHCN cũ bên Đông Âu (nhóm này đang điều hành đất nước), người được đào tạo từ hệ thống của Mĩ và phương Tây, lại có người được Tàu đào tạo, chưa nói đến đào tạo trong nước, nói chung là ‘đa hệ’. Tình trạng đa hệ dẫn đến loạn chuẩn, bởi vì mỗi nơi có những tiêu chuẩn khác nhau. Không ai chịu theo tiêu chuẩn của ai, vì ai cũng nghĩ tiêu chuẩn của họ là hợp lí nhất. Cuối cùng thì họ khó hay không thể làm việc với nhau. Không làm việc được với nhau thì có tài cũng chẳng khác gì bất tài.

Tóm lại, khái niệm và định nghĩa [hiện đại] về ‘nhân tài’ không đơn giản như nhiều quan chức nghĩ. Cần phải phân biệt giữa ‘giỏi’ và ‘tài’ (giỏi chỉ là một điều kiện của nhân tài). Người giỏi chân chính rất khó có thể đóng góp cho đất nước vì (a)cơ chế tuyển chọn nhân sự bị chính trị hoá và hành chánh hoá; (b) văn hoá đố kị và ganh tị quá mạnh; (c) lẫn lộn giữa thật và giả; và (d) loạn chuẩn.

——

(1) Dean K Simonton. Scientific Talent, Training, and Performance: Intellect, Personality, and Genetic Endowment. Review of General Psychology 2008;2008, Vol. 12, No. 1, 28 – 46.

(2) https://peopledecisions.co.uk/wp-content/uploads/2017/03/The-Three-Cs-of-Talent-Management.pdf

(3) http://danviet.vn/tin-tuc/vang-thau-lan-lon-trong-dao-tao-tien-si-o-viet-nam-676220.html