Nhiễm covid sau khi tiêm vaccine ở TPHCM quá cao?

Một bạn phóng viên hỏi tại sao số ca nhiễm ở TPHCM (hôm qua là 1267) vẫn nhiều nhứt nước dù gần 100% dân số đã chích 2 liều vaccine? Thật ra, bị nhiễm sau tiêm vaccine thì không quá ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên là số ca nhiễm đột phá khá cao (gấp 2-4 lần) so với y văn ở nước ngoài.

Nhiễm đột phá (breakthrough infection) là nhiễm xảy ra ở người đã tiêm đầy đủ 2 liều vaccine. Điều này xảy ra rất bình thường, bởi vì không có vaccine nào có hiệu quả 100%. Ngay cả vaccine như mRNA mà hiệu quả cũng chỉ 95%. Đó là chưa nói đến vaccine Tàu vốn có hiệu quả thấp hơn vaccine Tây. Do đó, ở qui mô cộng đồng nhiễm đột phá xảy ra, và chúng ta không nên ngạc nhiên.

Câu hỏi là nguy cơ (xác suất) nhiễm đột phá là bao nhiêu. Trước đây, ông Biden trích dẫn một bài báo từ New York Times trả lời rằng xác suất là 1 trên 5000 người. Nhưng sau này người ta mới biết con số ông ấy đưa ra là bậy bạ, vì tác giả tính mà không xem xét đến thời gian. Cần phải dựa vào nghiên cứu khoa  học thì mới có con số chính xác hơn. Dưới đây tôi điểm qua vài nghiên cứu quan trọng để chúng ta có một ‘bức tranh’ rõ hơn.

  • Một nghiên cứu công bố trên tập san Lancet, trong số 971,504 người đã được tiêm 2 liều vaccine (chủ yếu là vaccine AZ), có 6030 người bị nhiễm đột phá, tức 6.2 trên 1000 người — trong 7 tháng [1].
  • Một nghiên cứu khác bên Mĩ trên những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine mRNA, thì nguy cơ nhiễm đột phá là 6.7 trên 1000 người [2] — trong 4 tháng. Nghiên cứu này còn so sánh với nhóm chưa tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm là 16.4 trên 1000 người.
  • Một nghiên cứu từ Do Thái cho thấy nguy cơ nhiễm đột phá (ở người tiêm vaccine mRNA) dao động từ 1.7 đến 3.65 trên 1000 người [3]. Điều thú vị và quan trọng là nguy cơ nhiễm đột phá suy giảm theo thời gian. Tháng đầu tiên sau tiêm vaccine có nguy cơ cao nhứt, và giảm dần dần trong những tháng sau đó (Biểu đồ).

Nguy cơ nhiễm đột phá giảm theo thời gian

Đến đây thì câu hỏi đặt ra là con số nhiễm đột phá ở Sài Gòn là cao hay thấp?

Nói một cách ngắn gọn: không biết. Tại sao không biết? Tại vì nhà chức trách không cung cấp con số ca dương tính ở những người đã tiêm vaccine trong thời gian qua. Họ cung cấp con số ca dương tính hàng ngày từ đầu tháng 10 đến nay là khoảng ~1200 (tính trung bình). Nhưng bao nhiêu trong số này là người đã tiêm 2 liều và thời gian từ tiêm vaccine đến lúc có kết qủa xét nghiệm dương tính là bao lâu. Không có những thông tin đó thì không thể nói tình hình nhiễm đột phá ở Sài Gòn là cao hay thấp.

Nhưng chúng ta thử dựa vào dữ liệu trong y văn để ước tính. Với xác suất nhiễm đột phá 1 đến 1.67 trên 1000 tháng-người (từ các nghiên cứu [1-3]), và với gần 8 triệu dân đã tiêm vaccine thì số ca nhiễm đột phá “kì vọng” mỗi tháng là khoảng 8000 – 13400 người.

Thế nhưng trong thực tế, số ca nhiễm mỗi tháng (trong 2 tháng qua) là khoảng 36000 người. Hãy cho là 90% trong số này là người đã tiêm vaccine, vậy thì số ca nhiễm đột phá lên đến 32,400 mỗi tháng.

Nói cách khác, con số ca nhiễm đột phá ở TPHCM cao hơn con số trong y văn đến 2.4 – 4 lần. So với số ca nhiễm ở tiểu bang NSW thì quả thật số ca nhiễm đột phá ở TPHCM là cao [4]. Tại sao cao thì đòi hỏi một phân tích chi tiết hơn, nhưng rất có thể loại vaccine (như vaccine Tàu) đóng một vai trò quan trọng.

______

[1] https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00460-6/fulltext

[2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMc2112981

[3] https://www.nature.com/articles/s41467-021-26672-3

[4] Để cho thấy con số ca nhiễm đột phá ở TPHCM là cao, chúng ta thử so sánh với tiểu bang NSW bên Úc (cũng có dân số khoảng 8.2 triệu). Tỉ lệ tiêm chủng ở NSW cũng gần 100% dân số. Trong tháng qua, số ca nhiễm hàng ngày trung bình là 225 (nhưng có xu hướng tăng lên 500 ca). Với 8 triệu người đã tiêm vaccine thì con số ca nhiễm kì vọng mỗi ngày là khoảng 267-435 người. Như vậy, chúng ta thấy con số ca nhiễm đột phá ở NSW không khác với con số trong y văn.

Miễn dịch tự nhiên ở người tiêm vaccine ra sao?

Chúng ta biết rằng người từng bị nhiễm nCov sẽ có miễn dịch tự nhiên. Câu hỏi đặt ra là nếu họ tiêm vaccine thì nguy cơ tái nhiễm ra sao so với những người không từng bị nhiễm nCov?

Tuần qua, JAMA công bố một nghiên cứu [1] trả lời câu hỏi này, và kết quả cho thấy tiền sử nhiễm quả thật là một yếu tố bảo vệ giảm nguy cơ tái nhiễm. Nghiên cứu thực hiện ở Qatar, nơi mà dân chúng được tiêm 2 loại vaccine AstraZeneca (AZ) và mRNA. Nghiên cứu này được thiết kế khá phức tạp, nhưng có thể tóm lược như sau. Họ có hai quần thể bệnh nhân đã được tiêm 2 liều vaccine:

  • Nhóm tiêm vaccine AZ;
  • Nhóm tiêm vaccine mRNA.

Sau đó, họ chia mỗi nhóm thành 2 nhóm nhỏ:

  • Nhóm 1 là những người đã từng bị nhiễm nCov;
  • Nhóm 2 (có thể xem như nhóm chứng) là những người không có tiền sử bị nhiễm.

Họ theo dõi các ‘bệnh nhân’ này trong vòng 120 ngày xem có bao nhiêu người bị nhiễm trong mỗi nhóm. Nếu miễn dịch tự nhiên có khả năng bảo vệ thì Nhóm 1 phải có xác suất nhiễm thấp hơn Nhóm 2. Kết quả có đúng như giả thuyết đó không? Tôi tóm tắt kết quả của nghiên cứu trong giản đồ dưới đây:

  • Ở những người tiêm vaccine AZ, những người có tiền sử nhiễm nCov có xác suất tái nhiễm là 0.15%; còn những người không có tiền sử nhiễm thì xác suất nhiễm [đột phá] là 0.83%. Tỉ số nguy cơ là 0.18.
  • Ở những người tiêm vaccine mRNA, những người có tiền sử nhiễm nCov có xác suất tái nhiễm là 0.11%; còn những người không có tiền sử nhiễm thì xác suất nhiễm đột phá là 0.35%. Tỉ số nguy cơ là 0.35.
Tóm tắt nghiên cứu từ Qata: hai nhóm người được tiêm vaccine AZ (bên trái) và mRNA (bên phải). Ở cả hai nhóm, người từng bị nhiễm có tỉ lệ tái nhiễm chừng 0.11-0.15%, nhưng người chưa từng bị nhiễm thì tỉ lệ nhiễm đột phá là từ 3 đến 8 trên 1000 người.

Những kết quả trên cho thấy tiền sử nhiễm nCov là yếu tố làm giảm nguy cơ nhiễm đột phá lên đến ~80%. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ nhiễm đột phá (ở những người không có tiền sử nhiễm nCov) có thể dao động trong khoảng 3 đến 8 trên 1000.

Nhưng đó là tình hình bên Qata, chúng ta chưa biết ở Việt Nam thì tình hình sẽ ra sao. Hiện nay, tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine ở Việt Nam đã lên đến 40% (theo số liệu của VNexpress 9/11). Một số nơi có tỉ lệ bao phủ trên 70% là Long An (100%), Khánh Hoà (94%), Quảng Ninh (87%), HCM (81%), Đồng Nai (80%), Lạng Sơn (73%), và Bình Dương (72%). Câu hỏi đặt ra là tỉ lệ nhiễm đột phá ở những nơi này ra sao và ai là người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Tôi nghĩ đó là một đề tài nghiên cứu thú vị có thể thực hiện được.

Biểu đồ thể hiện tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine tại 63 tỉnh/thành, tính đến ngày 9/11/2021. Tính chung cả nước, có 40% dân số đã được tiêm 2 liều vaccine.

______

[1] Abu-Raddad et al JAMA 1/11/2021

[2] https://vnexpress.net/covid-19/vaccine (9/11/2021)

Xác suất nhiễm (‘Nhiễm đột phá’) sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu?

Báo chí (như Vietnamnet) chạy những cái tít có vẻ như cho thấy xác suất đó là khá cao (và có thể gây hoang mang), nhưng trong thực tế thì rất thấp, chỉ chừng 1-3 trên 5000 người.

Ví dụ tiêu biểu của những cái tít có thể xem là ‘misleading’ là “31 người đã tiêm 2 liều vaccine covid-19 về Hà Nội xét nghiệm dương tính” [1]. Tại sao misleading? Tại vì bản tin chỉ cung cấp không đầy đủ thông tin. Cái thông tin quan trọng nhưng bài báo không cung cấp là: bao nhiêu người đã được tiêm 2 liều? Không có con số đó, thì con số 31 ca là gần như vô nghĩa.

May be an image of text that says '06:13 ... #COVID-19 Lietnamnet IỆT NAM HÙNG CƯỜNG SỨC KHỎE 31 người đã tiêm 2 liều vắc xin Covid-19 về Hà Nội xét nghiệm dương tính 31/10/2021 16:55 Trong số 48 người tại Hà Nội dương tính SARS-CoV-2 về từ các tỉnh có dịch, có 31 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 và 10 người đã tiêm mũi 1.'

Nếu tôi nói với các bạn rằng Hà Nội phát hiện có 1000 ca dương tính và tất cả đều đã tiêm đủ 2 liều vaccine (tức là ‘nhiễm đột phá’), các bạn có vẻ quan tâm vì con số một ngàn là khá cao. Nhưng nếu tôi nói ở Hà Nội đã có 10,000,000 người được tiêm đủ 2 liều, thì con số 1000 ca đó không phải là quá ngạc nhiên khi mô tả dưới dạng xác suất.

Vậy câu hỏi đặt ra là xác suất nhiễm đột phá là bao nhiêu? Bởi vì Việt Nam không có ai làm nghiên cứu trả lời câu hỏi này, nên chúng ta phải dùng nghiên cứu nước ngoài. Tôi tìm thấy một nghiên cứu [2] từ Mĩ (ở Hạt Los Angeles, CA), cho thấy xác suất chừng 3 trên 5000 người. Nhóm nghiên cứu theo dõi 10895 người đã được tiêm chủng 2 liều vaccine và 30801 người chưa/không tiêm vaccine từ 1/5 đến 25/7 (tức gần 3 tháng), và ghi nhận:

  • Nhóm tiêm 2 liều vaccine có xác suất nhiễm (tính theo trung bình 7 ngày) là 64 trên 100,000 người;
  • Nhóm chưa/không tiêm vaccine có xác suất nhiễm là 315 trên 100,000 người.

Nhưng nhiễm không hẳn là con số quan trọng, mà nhiễm và cần nhập viện mới là con số quan trọng. Câu hỏi đặt ra là ở những người đã tiêm 2 liều vaccine thì xác suất bị nhiễm nặng cần nhập viện là bao nhiêu? Nghiên cứu trên [2] cung cấp câu trả lời là 1 trên 100,000 người. Cần nói thêm là ở người chưa tiêm vaccine thì xác suất nhiễm nặng cần nhập viện là 29 trên 100,000 người.

Hiệu quả của vaccine quá rõ ràng. Đúng là tiêm 2 liều vẫn có thể bị nhiễm, nhưng đó mới là 1 câu chuyện. Câu chuyện khác là nếu không tiêm thì xác suất bị nhiễm sẽ cao gấp 5 lần người đã tiêm.

Thật ra, khi đọc thông tin “XX người đã tiêm 2 liều vaccine covid-19 có xét nghiệm dương tính“, người đọc sẽ hỏi câu đầu tiên: có phải tiêm vaccine làm cho họ có kết quả xét nghiệm dương tính? Câu trả lời là không. Tất cả các vaccine không có ảnh hưởng gì đến kết quả xét nghiệm covid. Phương pháp chuẩn vàng xét nghiệm covid hiện nay là PCR được thiết kế để tìm những mảng mRNA của con virus nCov, chớ không tìm vaccine.

Câu hỏi thứ hai là xác suất dương tính giả của PCR là bao nhiêu? Đây là câu hỏi liên quan đến kĩ thuật và ngưỡng Ct để xác định thế nào là ‘dương tính’. Theo nhiều nghiên cứu thì xác suất dương tính giả là khoảng 5% (tức trong số 100 người không bị nhiễm nhưng đi làm xét nghiệm thì sẽ có 5 người có kết quả dương tính).

Câu hỏi thứ ba là đã có bao nhiêu người được xét nghiệm? Không có con số này thì con số XX hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì cả.

Tóm lại, xác suất bị nhiễm [còn gọi là ‘nhiễm đột phá’] ở người tiêm đầy đủ 2 liều vaccine Tây là chỉ chừng 1-3 trên 5000 người, và xác suất nhập viện chỉ 1 trên 100,000 người. Báo chí chỉ đưa con số ca nhiễm mà không cung cấp số người trong quần thể tiêm chủng thì chẳng khác gì đánh lừa độc giả.

___

[1] https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/31-nguoi-da-tiem-2-lieu-vac-xin-ve-ha-noi-xet-nghiem-duong-tinh-covid-19-788416.html

[2] https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/70/wr/mm7034e5.htm#F1_down

Hỏi và đáp về vaccine và nhiễm đột phá

Xin giới thiệu các bạn một bài viết của tôi về hiệu quả của vaccine trong gia đình đã được ‘repackaged’ cho VNexpress [1]. Mời các bạn đọc cho biết. Sẵn đây, tôi trình bày những câu hỏi và trả lời thông thường liên quan đến vaccine.

May be an image of text

Câu hỏi 1: Nhiều người nói rằng sau khi tiêm vaccine tôi vẫn có thể bị nhiễm. Điều đó đúng không?

Đáp: Đúng, nhưng chưa đủ. Sau khi tiêm vaccine bạn vẫn có thể bị nhiễm, nhưng xác suất bị nhiễm thấp hơn rất nhiều so với người không tiêm vaccine. Bị covid sau khi tiêm vaccine được gọi là ‘nhiễm đột phá’ (hay breakthrough infection).

Câu hỏi 2: Vậy xác suất bị nhiễm đột phá sau khi tiêm đủ 2 liều vaccine là bao nhiêu?

Đáp: Rất khó trả lời câu hỏi này, vì cần có số liệu lớn mới chính xác, vì nó tuỳ thuộc vào vaccine và thời gian theo dõi. Tuy nhiên, một nghiên cứu bên Mĩ trên 4 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine, thì tỉ lệ nhiễm đột phá là khoảng 1 trên 5000 người [2]. Nói cách khác, cứ 5000 người đã tiêm vaccine Tây (Pfizer, Moderna) thì có 1 người bị nhiễm đột phá trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy tỉ lệ nhiễm đột phá có nơi và có khi lên đến 1%!

Câu hỏi 3: Những ai có nguy cơ bị nhiễm đột phá?

Đáp: Nghiên cứu khoa học cho thấy những người sau đây có nguy cơ bị nhiễm đột phá: người có hệ thống miễn dịch yếu do bệnh nền (như tiểu đường loại I, AIDS, ung thư máu, bang lupus, rheumatoid arthritis, v.v.) hay do sử dụng thuốc (ví dụ như hoá trị ung thư).

Câu hỏi 4: Sau khi tôi đã tiêm vaccine covid, tôi có thể lây nhiễm cho người khác không?

Đáp: Sau khi tiêm vaccine và nếu bạn bị nhiễm (đột phá) thì bạn vẫn có thể lây lan cho người khác. Xác suất lây lan cho người khác tuỳ thuộc vào hệ số lây nhiễm, thời gian tiếp xúc, và môi trường. Tuy nhiên, nếu trong gia đình càng có nhiều người tiêm vaccine thì xác suất những người chưa tiêm bị nhiễm sẽ giảm thấp.

Câu hỏi 5: Thời gian được bảo vệ từ vaccine là bao lâu?

Đáp: Đây là câu hỏi khó và chưa có câu trả lời chính xác. Nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới vẫn còn thu thập dữ liệu để có câu trả lời hi vọng là giữa tháng 11 này. Dữ liệu từ vaccine giống như AstraZeneca (AZ) cho MERS thì có thời gian bảo vệ chừng 12 tháng. Còn vaccine mRNA như Pfizer và Moderna vì là công nghệ mới nên chưa ai biết thời gian bảo vệ là bao lâu.

Câu hỏi 6: Tại sao có một số nơi khuyến cáo tiêm vaccine liều thứ 3?

Đáp: Không phải ai cũng cần tiêm liều 3. Ở Úc, các giới chức y tế mới đưa ra khuyến cáo về tiêm liều 3 cho một số người. Những người mà hệ thống miễn dịch bị suy yếu (như đề cập trên) thì có thể cần tiêm liều thứ 3.

Câu hỏi 7: Với đà này, có cần liều 4 hay không?

Đáp: Chưa ai biết và chưa ai dám trả lời. Đa số các chuyên gia đoán rằng 3 liều là đủ. Nhưng đó cũng chỉ là võ đoán từ các chuyên gia, chớ chẳng có bằng chứng khoa học nào cả.

Câu hỏi 8: Nếu tôi đã bị nhiễm covid và bình phục, tôi có thể bị tái nhiễm không?

Đáp: Câu trả lời ngắn là có thể — với một xác suất. Sau khi bị nhiễm và bình phục, bạn đã có miễn dịch (còn gọi là ‘miễn dịch tự nhiên’). Theo một số nghiên cứu thì miễn dịch tự nhiên có vẻ tương đương hay cao hơn vaccine. Tuy nhiên, dù đã có miễn dịch tự nhiên, bạn vẫn có thể bị tái nhiễm.

Câu hỏi 9: Ở trên, ông nói ‘với một xác suất’, câu đó có nghĩa là gì? Xác suất tái nhiễm là bao nhiêu?

Đáp: Không có cái gì là chắc chắn trong khoa học Covid, và không ai có thể biết một cách xác định được. Theo một phân tích mới công bố [3] thì xác suất bảo vệ từ miễn dịch tự nhiên lên đến 90%, tức là tương đương với hiệu quả của vaccine. Thời gian bảo vệ của miễn dịch tự nhiên có thể kéo dài 10 tháng.

Câu hỏi 10: Vậy những người đã bị nhiễm covid và bình phục có cần tiêm vaccine không?

Đáp: Đây cũng là câu hỏi gây ra nhiều tranh cãi. Có người lí giải rằng họ đã bị nhiễm, đã bình phục và đã có miễn dịch thì họ không cần tiêm vaccine. Nhưng quan điểm ‘chánh thống’ của các nhà chức trách y tế là họ vẫn phải tiêm vaccine.

Câu hỏi 11: Vaccine không bảo vệ 100. Miễn dịch tự nhiên không bảo vệ 100%. Vậy là trong tương lai chúng ta sẽ có thêm làn sóng dịch mới?

Đáp: Chắc chắn là như thế. Chúng ta sẽ phải sống chung với con virus này. Chúng ta sẽ phải sống chung với hàng loạt con virus khác, vì không có cách nào loại bỏ chúng ra khỏi vũ trụ và đời sống. Tất cả những gì chúng ta làm (vaccine, thuốc) chỉ là giải pháp tạm thời. Qui luật chung là chúng ta càng ‘tấn công’ chúng thì chúng càng biến hoá nhanh, và chúng ta lúc nào cũng là kẻ thua trận.

______

[1] https://vnexpress.net/vaccine-va-nguoi-cung-nha-4379511.html

[2] https://www.doh.wa.gov/Portals/1/Documents/1600/coronavirus/data-tables/420-339-VaccineBreakthroughReport.pdf

[3] https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/01632787211047932

Nguy cơ bị nhiễm sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu?

Đại tướng Colin Powell mới qua đời dù đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine chống covid. Sự kiện này làm nhiều người phân vân về hiệu quả của vaccine. Sự nghi ngờ cũng có lí do, nhưng nói chung, ‘hồ sơ sức khoẻ’ của ông khó có thể nói rằng ông qua đời vì vaccine. Vậy câu hỏi là nguy cơ bị nhiễm hay tử vong sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu? Cái note này tìm dữ liệu trả lời câu hỏi đó và hi vọng rằng giúp các bạn … yên tâm.

Chúng ta biết rằng vaccine covid không có hiệu năng ngăn ngừa 100% nhiễm covid. Điều này cần phải nhắc lại, bởi vì chữ ‘hiệu quả vaccine‘ bị hiểu lầm rất nhiều. Người ta, kể cả nhiều bác sĩ, hiểu rằng ‘hiệu quả 90%’ có nghĩa là 100 người tiêm thì 90 người không bị nhiễm, nhưng cách hiểu này sai. Lí do sai là vì đơn vị để tính hiệu quả vaccine là xác suất nhiễm, chớ không phải số người / bệnh nhân.

Hiệu quả vaccine được tính bằng cách lấy xác suất nhiễm ở nhóm được tiêm vaccine chia cho xác suất nhiễm ở nhóm không được tiêm vaccine. Do đó, khái niệm ‘hiệu quả vaccine’ chỉ có ý nghĩa cho một quần thể, chớ không cho một cá nhân. Cá nhân vẫn có thể bị nhiễm sau khi tiêm vaccine, nhưng nguy cơ / xác suất thì khác nhau giữa các cá nhân tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ.

Nguy cơ nhiễm đột phá là bao nhiêu?

Số liệu từ Úc. Ở Úc, tiểu bang New South Wales (NSW, hơn 5 triệu dân) là nơi có tỉ lệ dân chúng tiêm chủng vaccine cao nhứt (hơn 80%). Tính từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 9/2021, có 317 người bị nhiễm nCov sau khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine, gọi là ‘nhiễm đột phá‘ [1]. Nhưng số liệu này không cho biết nhiễm xảy ra bao lâu sau khi tiêm, và nguy cơ chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, trong số hơn 4 triệu người được tiêm chủng, mà chỉ có 317 người bị nhiễm thì nguy cơ quả là thấp.

Số liệu từ Do Thái. Theo một nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san y khoa NEJM, trong số 1497 nhân viên y tế được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine, có 39 người bị nhiễm covid, và tỉ lệ là 2.6% [2].

Có thể nói nguy cơ nhiễm đột phá là khá cao, nhưng cần phải chú ý rằng đây là những người có nguy cơ cao. Tất cả những người bị nhiễm đều nhẹ và bình phục sau đó, không ai cần phải nhập viện.

Họ bị nhiễm từ đâu? Các tác giả phân tích chi tiết thêm và không rõ nguồn. Họ chỉ nghi ngờ rằng nguồn lây nhiễm đến từ 1 bệnh nhân và 1 nhân viên y tế chưa được tiêm vaccine. Tuy nhiên, cách họ mô tả rất mù mờ, làm tôi không hiểu hết câu chuyện.

Nguy cơ tử vong sau khi tiêm vaccine là bao nhiêu?

Đây cũng là câu hỏi quan trọng, và số liệu từ Anh có thể cung cấp cho chúng ta một ‘bức tranh’ chung. Cục thống kê Anh (ONS) phân tích dữ liệu covid từ 2/1/2021 đến 2/7/2021 ở những người đã được tiêm chủng vaccine, và so sánh với những người chưa/không tiêm chủng vaccine [3].

Trong thời gian 6 tháng đó, Anh ghi nhận 51,281 ca tử vong liên quan đến covid. Trong số này có 640 người (tức 1.2%) đã được tiêm chủng vaccine đầy đủ, kể cả người bị nhiễm và đã được tiêm vaccine.

Tỉ lệ tử vong liên quan đến covid ở người được tiêm 2 liều vaccine (trong vòng 21 ngày sau khi tiêm chủng) là 1.6%. Tỉ lệ này ở người không tiêm vaccine là 37.4%. Như vậy, vaccine rõ ràng là có hiệu quả giảm nguy cơ tử vong.

Những ai có nguy cơ tử vong sau tiêm chủng vaccine? Phân tích thêm, họ phát hiện 3 yếu tố chánh: cao tuổi, nam giới, và bệnh nền. Tuổi trung bình ở những người qua đời là 82-84 tuổi và họ thường có những bệnh nền. Nam có nguy cơ tử vong cao hơn nữ. Những người có bệnh làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu.

Đại tướng Powell qua đời ở tuổi 84. Ông mắc bệnh ung thư máu (multiple myeloma) vốn làm cho hệ miễn dịch của ông bị suy giảm. Như chúng ta thấy cái ‘risk profile’ của ông khá giống với cái profile của những ca tử vong sau tiêm chủng vaccine.

Tóm lại, những dữ liệu mới nhứt cho thấy tiêm chủng vaccine đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm, nhưng nguy cơ nhiễm thì thấp (cao lắm là 2.6%), và nguy cơ tử vong cũng rất thấp. Tại sao nguy cơ nhiễm đột phá? Tôi nghĩ có 4 yếu tố có thể giải thích. Thứ nhứt hệ miễn dịch suy yếu, nhứt là những người mắc các bệnh nền liên quan đến hệ miễn dịch. Thứ hai là do con virus đột biến thành các biến thể mới mà vaccine không ngăn ngừa được. Thứ ba là loại vaccine được tiêm, vì hiệu quả vaccine rất khác nhau giữa [chẳng hạn như] Pfizer và J&J hay AZ. Và, sau cùng là thời gian sau khi tiêm, thời gian càng lâu thì nguy cơ càng tăng. Tất cả 4 lí do đó có thể giải thích tại sao sau khi tiêm vaccine mà vẫn bị nhiễm. Do đó, dù đã tiêm vaccine, chúng ta vẫn phải thực hành giãn cách xã hội và có những biện pháp giảm lây nhiễm ở những nơi đông người.

____

[1] https://www.afr.com/politics/federal/fewer-than-500-breakthrough-infections-in-australia-20210909-p58q63

[2] https://www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa2109072

[3] https://www.ons.gov.uk/peoplepopulationandcommunity/birthsdeathsandmarriages/deaths/articles/deathsinvolvingcovid19byvaccinationstatusengland/deathsoccurringbetween2januaryand2july2021