Trị giá ‘Sanh mạng Thống kê’ trong mùa dịch Vũ Hán

Sanh mạng của bạn trị giá bao nhiêu? Đó là câu hỏi rất đụng chạm và khó có câu trả lời đúng vì có quá nhiều yếu tố (sinh học, kinh tế, đạo đức). Nhưng thay vì hỏi câu đó, chúng ta có thể đặt một câu hỏi khác liên quan đến khái niệm ‘Sanh mạng thống kê’ mà tôi muốn chia sẻ dưới đây. Hi vọng rằng đọc xong cái note này các bạn (nhứt là giới lãnh đạo thành phố) có một suy nghĩ mới mẻ về chống dịch.

May be an image of 3 people, money and text

1.  Lượng giá sự mất mát

Theo số liệu của HCDC, tính đến ngày 28/7 TPHCM đã ghi nhận 77,956 ca ‘mắc bệnh’ (nhưng tôi nghị họ nói ‘dương tính’ nCov). Trong số này, có 929 ca tử vong [1], và tỉ lệ tử vong là 1.2% [1].

Câu hỏi đặt ra là chúng ta đánh giá sự mất mát trên như thế nào? Câu trả lời là có nhiều cách. Đứng trên phương diện dịch tễ học, tôi có thể đánh giá số năm tuổi thọ mất đi như là một chỉ số phản ảnh sự mất mát. Nếu một người nam 50 tuổi chết vì covid, thì người này mất đi 21 năm sống (do tuổi thọ trung bình ở nam giới Việt Nam là 71). Nhưng nếu một phụ nữ 75 tuổi qua đời vì covid thì số năm mất của người này chỉ 1.3. Do đó, tổng số năm-người mất chính là cách thể hiện sự mất mát.

Một cách đánh giá sự mất mát nữa là qua … kinh tế. Giới kinh tế thì lúc nào cũng nghĩ đến tiền, đến dollar. Họ hay hỏi những câu hỏi như ‘một sanh mạng đáng giá bao nhiêu’. Cách suy nghĩ đó sau này lan dần sang y khoa, và người ta có chỉ số QALY để đánh giá một liệu pháp can thiệp. Nhưng đó là cách lượng giá 1 cá nhân, và tôi sẽ không nói về QALY ở đây (bạn nào muốn tìm hiểu thì có thể đọc sách ‘Y học thực chứng’ của tôi, hay bài này trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn [2]).

Cách lượng giá ít đụng chạm hơn là dựa vào … xác suất. Và, một khái niệm rất thú vị trong xác suất và mạng sống con người có tên là ‘Statistical Life’ (mà tôi dịch là ‘Sanh mạng Thống kê’). Giới kinh tế học có cách lượng giá một Sanh mạng thống kê, và họ gọi là ‘Value of a Statistical Life’ (VSL).

2.  “Sanh mạng thống kê” là gì?

Khái niệm Sanh mạng thống kê xuất phát từ Nhà kinh tế học Thomas Schelling (1921 – 2016), cựu giáo sư kinh tế thuộc Đại học Harvard. Ông được trao giải Nobel về kinh tế học năm 2005 về những công trình nghiên cứu liên quan đến lí thuyết trò chơi (game theory). Năm 1968 Schelling có một phát kiến rất thú vị mà ông gọi là ‘Statistical Life‘  và cách lượng giá sang mạng thống kê là ‘Value of Statistical Life‘.

Không bàn đến triết lí đằng sau của VSL (rất hay) mà chỉ đi thẳng vào ý nghĩa của nó. VSL là một ước số, hay một cách định lượng giá trị mà xã hội chấp nhận để giảm nguy cơ tử vong. Ví dụ như để giảm nguy cơ tử vong từ Covid19 từ x1 xuống còn x2, xã hội phải chi ra một số tiền và số tiền đó được cộng đồng chấp nhận.  Khái niệm Sanh mạng thống kê, do đó, không phản ảnh một cá nhân nào cả, mà phản ảnh nguy cơ (và nguy cơ hay risk thì đo lường qua xác suất). Xác suất là một khái niệm quần thể (trong trường hợp này), thành ra VSL chỉ áp dụng cho một quần thể. Phải dong dài, rào trước đón sau vậy để các bạn không hiểu lầm.

Khái niệm VSL có thể giải thích một cách đơn giản như sau. Giả dụ chúng ta có một quần thể mà nguy cơ tử vong trong một năm là 1 trên 10,000 (hay 0.01%). Nếu mỗi người đồng ý mua bảo hiểm 300 USD một năm để chấp nhận nguy cơ đó, thì 10,000 người sẽ trả 3 triệu USD (10,000 * 300) để chấp nhận 1 người tử vong. Trong trường hợp này, VSL là 3 triệu USD.

Một ví dụ khác cho dễ hiểu khái niệm VSL hơn. Nếu một tập đoàn khai thác khoáng sản gồm 5000 công nhân làm việc trong môi trường mà xác suất tử vong mỗi năm là 1 trên 5000. Công nhân đồng ý nhận thêm lương 2000 USD mỗi năm cho nguy cơ đó. Suy ra, VSL cho công việc này là 10 triệu USD. Nói cách khác, công nhân chấp nhận đánh ván bài sanh mạng thống kê với nguy cơ dù chỉ 1 trên 5000.

VSL khác biệt giữa các quốc gia, tuỳ vào mức độ giàu có của nền kinh tế. Ở Úc, chánh phủ dựa vào VSL chừng 4.9 triệu AUD, còn ở Mĩ thì 10 triệu USD (JAMA 12/10/2020). Còn ở Việt Nam thì chúng ta chưa có ai quan tâm đến con số này. Tuy nhiên, một phân tích kinh tế của Kip Viscusi ước lượng rằng VSL của người Việt là 342,000 USD (giá 2017), còn China là 1.364 triệu USD [3].

3.  Lượng giá sách lược chống dịch qua VSL

Khái niệm VSL cũng có thể áp dụng cho các chương trình can thiệp dịch Covid-19. Tập san JAMA có một bài về VSL đọc cũng hay, và tôi lấy ý tưởng từ bài này.

Như tôi hay nói ngay từ những tuần đầu tiên của lần bộc phát này là mục tiêu của chống dịch phải tập trung vào giảm thiểu tác hại của dịch. Giảm thiểu số ca tử vong, giảm số ca nhập viện. Còn con số dương tính mỗi ngày không quá quan trọng như tác động của dịch.

TPHCM (và nhiều nơi khác) đang áp dụng chánh sách phong toả. Điều này cũng đúng, nhưng lợi ích và tác hại của phong toả không phải là chuyện dễ bàn vì có quá nhiều bất định [5].

Phong toả thành phố thì ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhưng có thể giảm nguy cơ tử vong (mục tiêu hàng đầu). Câu hỏi đặt ra là xã hội chấp nhận tổn hại đến nền kinh tế bao nhiêu để cứu người? Hiện nay, chúng ta không có câu trả lời. Nếu tôi là lãnh đạo thành phố, tôi sẽ yêu cầu các chuyên gia kinh tế ĐỘC LẬP đánh giá để còn biết hướng đi sắp tới.

Thôi thì chúng ta thử làm một … tính rợ. Chúng ta biết rằng GDP của Sài Gòn là khoảng 62 tỉ USD một năm. Theo các chuyên gia bên Úc và Mĩ, GDP quốc gia sẽ giảm chừng 10% sau phong toả. Và, nếu lấy con số 10% làm điểm khởi đầu, chúng ta có thể ước tính rằng xã hội chấp nhận trả cái giá 6.2 tỉ USD để cứu người.

Trong tình huống xấu nhứt, 10% dân số thành phố bị nhiễm, tức 1 triệu người. Số ca tử vong sẽ là bao nhiêu trong tình huống xấu nhứt này? Dựa vào infection fatality rate (chớ không phải case fatality rate), có 2 tình huống khác:

  • Tình huống 1: nếu xác suất tử vong là 0.0027 [6], chúng ta kì vọng có 2700 người chết; VSL là 1.05 tỉ USD (2700 * 342000 * 1.14).
  • Tình huống 2: nếu xác suất tử vong cao nhứt là 0.0154 [6], chúng ta kì vọng có 15,400 người chết; VSL là 6.03 tỉ USD.

Ý nghĩa của những con số trên rất quan trọng vì nó liên quan đến chánh sách phong toả. Giả dụ rằng thành phố sẽ thiệt hại 6.2 tỉ USD (vì phong toả), mà VSL có thể chỉ 1.05 tỉ USD, hay nếu cao nhứt cũng là 6.03 tỉ USD.

Nếu xem VSL là một chỉ số của ‘lợi ích’ (cứu người), thì chúng ta thấy rằng lợi ích thấp hơn thiệt hại (harm). Nói cách khác, cách tính rợ VSL gọi ý rằng phong toả thành phố gây ra thiệt hại kinh tế nhiều hơn là lợi ích.  Dĩ nhiên, chưa nói đến thiệt hại khác trong xã hội mà chúng ta chưa tính tới.

Vậy nếu bạn là ông Nguyễn Văn Nên hay/và ông Nguyễn Thành Phong, bạn phải làm gì? Tôi nghĩ bạn trước hết sẽ yêu cầu các chuyên gia có kinh nghiệm và biết tính toán ước lượng lại VSL kĩ hơn. Chẳng hạn như ước lượng VSL theo từng độ tuổi và thành phần kinh tế, như đánh giá nguy cơ tử vong, đánh giá khả năng lây nhiễm, v.v. Cần rất nhiều phân tích.

Nhưng đồng thời, tôi nghĩ bạn cũng sẽ xem xét lại chánh sách phong toả. Có lẽ không phong toả toàn bộ các hãng xưởng và hoạt động kinh tế, và nên để cho các ngành nghề quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế hoạt động. (Còn ngành nghề nào thì đó là việc của Chánh phủ). Ngay cả phong toả các ngành nghề ‘không thiết yếu’, cũng phải có thời hạn, chớ không thể kéo dài vô hạn định được.

PS: Xin nói thêm rằng những tính toán trên chỉ là tính rợ thôi vì tôi không có số liệu chi tiết. Mục đích của cái note này là giới thiệu một khái niệm về ‘Sanh mạng Thống kê’, có lẽ mới đối với nhiều bạn, trong việc đánh giá kinh tế về chiến lược chống dịch. Hi vọng rằng các bạn làm bên kinh tế có một đóng góp sau khi đọc bài này.

_____

[1] https://hcdc.vn/category/van-de-suc-khoe/covid19/ban-tin-hang-ngay/thong-tin-ve-dich-benh-covid19-tai-tphcm-cap-nhat-7g-ngay-2972021-878699935da8e5285e4af6b87936df12.html

[2] https://www.thesaigontimes.vn/17652/Luong-gia-mang-song-con-nguoi.html

[3] https://law.vanderbilt.edu/phd/faculty/w-kip-viscusi/355_Income_Elasticities_and_Global_VSL.pdf

[4] https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2771764

[5] https://tuanvnguyen.medium.com/move-away-from-lockdowns-ad24fe2d995b

[6] https://www.who.int/bulletin/volumes/99/1/20-265892.pdf