Bàn về ngày sanh

Cảm tạ các bạn đã gởi lời chúc mừng sinh nhật. Nhà văn Mĩ Mark Twain nói rằng trong mỗi cuộc đời của chúng ta, có 2 ngày quan trọng nhứt: ngày mình được sanh ra, và ngày mình hiểu tại sao mình có mặt trên cõi đời này. Tôi chắc rằng cái ngày mình sanh ra là quan trọng, nhưng tôi chưa biết ngày thứ hai là ngày nào …  Nhân dịp này tôi muốn chia sẻ vài kỉ niệm thời thơ ấu ở miệt quê.

Ngày mình sanh ra là quan trọng, vì không chỉ đánh dấu thời điểm mình có mặt trên thế giới này, mà còn là ngày mình có được một hình hài hoàn chỉnh. Hình hài đó chỉ có 1 trên thế giới, vì không ai trên thế giới này có hình thể như chúng ta. Không chỉ hình hài mà còn có cả linh hồn đã tìm được một nơi cư trú. Hình hài là linh hồn làm cho mỗi chúng ta là một cá nhân (không phải ‘đối tượng’) đặc thù trên đời này, và điều đó có ý nghĩa rất quan trọng.

Sự ra đời của mình còn là niềm hạnh phúc và hi vọng của cha mẹ và người thân. Ngày tôi ra đời vào thập niên 1950, ông ngoại tôi (người Phù Mỹ, Bình Định), nghe nói là biết xem tử vi, tiên đoán rằng ‘thằng này lớn lên sẽ làm quan.’ Có thể đó không phải là một tiên đoán, mà là ước vọng của người cao tuổi, muốn thấy con cháu mình làm … quan. Thời dó, làm quan là oai quá rồi, nên quan là hình tượng và ước mơ của người dân quê. Tôi đoán vậy.

Vấn đề là đặt tên cũng thể hiện một niềm hi vọng. Trong gia đình tôi, cậu tư nổi tiếng là người hay chữ, nên cậu hay đặt tên cho cháu. Chẳng hiểu cậu nghĩ gì mà đặt tên cho tôi là “Tuấn”. Chắc cậu Tư tôi kì vọng rằng thằng cháu sẽ là một đứa khôi ngô tuấn tú như cách nói của người Việt. Sau này tôi mới biết Tuấn là một cái tên khá phổ biến ở người Việt mình. (Sau này, tôi được dòng họ phong cho danh hiệu “hay chữ”, nên tôi thay thế cậu tư đặt tên cho con cháu. Tôi tìm những cái tên hay và khác người, rồi tìm hiểu lịch sử và nguồn gốc, rồi đề nghị tên.)

Tôi lớn lên trong tình thương của bà con chòm xóm. Hàng xóm nhà tôi là những người Khmer nhân hậu, sống cuộc đời nông dân thuần tuý. Bên phải nhà tôi là nhà của Củ Hương, còn bên trái là nhà của Ý Hai. Ai cũng có một khu vườn thiệt lớn, còn căn nhà thì được cất gọn lỏn trong khu vườn đầy cây trái. Mỗi lần nhà hàng xóm làm bánh hay có lễ lạc là tôi có dịp thưởng thức những món ăn độc đáo của người Khmer. Một trong những món tôi rất thích là cơm ống, loại cơm tấm trộn với dừa nạo, có khi cả lá dứa, và nấu trong ống tre. Ngon không tả được. Một món khác tôi cũng rất thích là cốm dẹp, một món ăn đơn giản được làm từ gạo nếp còn xanh vào những ngày rằm. Tôi nhớ hoài những đêm trăng giúp bà còn giã nếp trong cối đá trước khi chế biến. Nói chung, tôi lớn lên trong một thời thanh bình, y chang như nhạc sĩ Lam Phương mô tả trong một ca khúc nổi tiếng:

‘Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát

Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát

Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời.’

Kỉ niệm đậm nét của tôi là thời học tiểu học. Để đi học, tôi phải bơi xuồng qua bên kia sông, rồi từ đó đi bộ đến trường tiểu học. Trường học thì rất gần chợ quê. Con đường từ nhà tôi đến trường chỉ non nửa cây số, nhưng thời đó còn ít nhà dân lắm và cây cỏ còn khá um tùm. Tôi vẫn còn nhớ ở đầu cầu, có một bụi tre lớn mà dân làng đồn nhau là có … ma. Thành ra, cứ mỗi lần đi ngang đó là tôi chạy, không dám nhìn kĩ xem trong đó có gì. Chạy sao cho đến Nhà thờ thì mới an tâm. Giờ nghĩ lại thấy tức cười, vì có ma miếc gì đâu, chỉ toàn là những lời đồn đại bậy bạ.

Tôi không biết trường tiểu học được xây vào năm nào, nhưng chắc chắn là dưới thời TT Ngô Đình Diệm. Hiệu trưởng của trường là thầy P, và nhà thầy ở sát bên trường. Con của thầy cũng đều là thầy cô trong trường. Ấn tượng của tôi về thầy P là một người chừng 50 tuổi, áo lúc nào cũng trong quần và mang giầy (dù ở miền quê), lúc nào cũng đội cái nón phớt, mặt rất nghiêm nghị. Đám học trò tụi tôi rất sợ thầy. Nói đúng ra là sợ cái uy của thầy. Người trong làng ai cũng gọi thầy là “Thầy”. Tôi theo má đi chợ mà gặp thầy là phải tự động khoanh tay chào; nếu không là bị nhắc nhở ngay: “Sao mày gặp thầy mà không chào?” Sau năm 1975, tôi nghe tin buồn rằng cả nhà thầy đều bị … “mất dạy”. Cái ngôi trường mà cả gia đình thầy gắn bó mấy chục năm giờ đây không còn là của thầy nữa. Thầy chắc buồn lắm nên qua đời vài năm sau đó. Còn các con thầy cũng bỏ nghề giáo và bỏ quê để lang thang ở Sài Gòn và có người đã qua đời trong nghèo khổ.

Tôi rất thích đi học, một phần là gặp bạn bè, một phần là mình học rất được. Chưa bao giờ tôi sụt xuống hạng 3. Tôi đem về nhà rất nhiều tờ giấy màu mè mà thời đó có tên là “Bằng Tưởng Thưởng”. Tôi còn nhớ thời đó bằng tưởng thưởng không giống như bây giờ, và cũng không có khẩu hiệu kiểu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Trong nhà ai cũng khen thành tích học hành của tôi, ngoại trừ anh Hai. Anh Hai tôi thì không hề ‘ấn tượng’, vì anh ấy nói ‘Mày chỉ hên thôi.’ Học cỡ nào ảnh cũng nói ‘chỉ hên‘. Sau này tôi mới biết đó là cách anh ấy cảnh cáo rằng tôi không được tự mãn, và lúc nào đặt ra những cái chuẩn cao hơn để mình vượt qua.

Hình như tôi có cái duyên với chữ và viết lách từ thời còn rất nhỏ. Thỉnh thoảng về quê, bà con và bạn học ai cũng nhắc lại nhận xét rằng hồi đó tôi ít nói nhưng có nét chữ đẹp. Tôi quen đọc sách từ lúc còn rất nhỏ, và tủ sách nhà chỉ là mấy cuốn sách Tàu của ba tôi (như Tam Quốc Chí, Hán Sở Tranh Hùng, Thuỷ Hử, v.v.) và sách Tự Lực Văn Đoàn của anh Hai tôi. Đọc mê mẩn và nhớ từng chi tiết trong mỗi truyện. Tôi còn cố gắng viết truyện nữa chứ, và mơ một ngày nào đó mình sẽ làm nhà văn. Câu chuyện mà má tôi hay kể với bà con là khi tôi thấy hình ông tổng thống Diệm quá sang trọng, tôi hỏi má: “Má! học cỡ nào thì được như ổng?” Má tôi phì cười nói: “Học hết sách đi!”

Cái duyên viết văn của tôi bắt đầu từ một người hàng xóm. Một hôm, củ Hương (người Khmer hàng xóm) muốn viết một lá đơn về một vụ tranh chấp đất ruộng. Vì nghe đồn tôi ‘hay chữ’ nên ổng kêu tôi viết đơn. Tôi chấp bút viết một lá đơn chừng 1 trang giấy. Chẳng biết vì cách mô tả câu chuyện trong lá đơn hay vì lẽ phải mà kết cục như củ Hương mong muốn. Sau cái đơn đó tôi có tiếng trong làng là ‘thằng hay chữ’ và chấp bút cho nhiều lá đơn khác. Khỏi nói thì các bạn cũng đoán được là tôi được cho nhiều bánh trái nhờ cái công việc viết đơn. Cái ‘nghiệp’ viết lách đó nó còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Tôi viết như là một thể thao trí óc thôi.

Mục đích sống là gì?

Tại sao chúng ta được sanh ra? Đó là câu hỏi Mark Twain đặt ra, nhưng tôi nghĩ câu hỏi này không nên đặt ra, bởi đâu có ai biết chắc chắn. Theo triết lí Phật bản ngã (self) chỉ là ảo giác, nên câu hỏi tại sao chúng ta được sanh ra là không cần thiết, câu hỏi sai. Nhưng theo tâm lí học phương Tây thì bản ngã là có thật, và cần phải phân tích để hiểu cái căn cước tính của mỗi người. Thành ra, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao chúng ta được sanh ra” theo tôi là mất thì giờ vì khác điểm tham chiếu. Tốt nhứt là chúng ta chấp nhận rằng chúng ta đang sống, và cuộc sống có mục đích.

Chúng ta đang sống, và chúng ta cần phải kiến tạo cuộc sống tử tế hơn và đáng sống hơn. Để làm cho cuộc sống đáng sống hơn, chúng ta cần phải hạnh phúc và diệt khổ. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi người chung quanh hạnh phúc. Để người chung quanh hạnh phúc, chúng ta cần phải chia sẻ và phụng sự. Suy nghĩ như thế chúng ta sẽ thấy mục đích sau cùng của cuộc sống là chia sẻ và phụng sự.

Ai cũng ghi nhận một sự thực là cuộc sống đúng là vô thường. Không có gì tồn tại mãi mãi. Tất cả đều thay đổi, hay nói theo ngôn ngữ thời nay là ‘tự diễn biến’. Bạn bè có khi thấy đó rồi mất đó. Chúng ta đã thấy biết bao trường hợp mà hôm qua thì lên xe xuống ngựa, hôm nay thì … đi tù. Thành ra, người ta có câu: ‘hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng‘ (nói theo cách nói của người phương Tây là ‘live each day as if it were your last day‘). Nói cách khác, hãy phụng sự đời mỗi ngày thì chúng ta sẽ có hạnh phúc và kiến tạo một đời sống đáng sống hơn.

Tôi nghiệm ra có 4 điều mà mỗi chúng ta có thể làm để tạo ra một cuộc  sống hạnh phúc. Đó là giúp người, chia sẻ, học hỏi, và cảm ơn.

Điều 1: Giúp người

Theo tôi, cuộc sống không phải là tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘tôi là ai‘, mà là kiện tạo chính mình.  Một cách kiến tạo hiệu quả nhứt là giúp người khác, đặc biệt là những người trong tình huống khó khăn. Nếu không giúp được thì cũng đừng nên hại họ. Hành vi và hành động giúp đỡ người khác cũng có hiệu quả làm giàu vốn liếng tinh thần. Người phương Tây hay nói rằng không ai nghèo vì giúp đỡ người khác cả; ngược lại mình giàu hơn khi mình giúp người trong hoàn cảnh khó khăn. Câu đó rất đúng.

Từ ngày tôi được bầu vào Viện hàn lâm y học, tôi giúp khá nhiều đồng hương. Tôi chỉ viết thư giới thiệu để họ có thể sang Úc định cư. Tất cả các em này tôi chưa một lần gặp ngoài đời trước khi viết thư giới thiệu. Nam có, Trung có, Bắc có. Tôi chỉ thấy họ giỏi, có tiềm năng cho nước Úc, và nhứt là người mình với nhau, thì giúp thôi. Trong số 5 em, thì tôi giúp thành công cho 4 em. Coi như mình giúp họ đổi đời như tôi từng đổi đời cách đây 40 năm. Bốn mươi năm trước, người ta giúp mình qua đây;  giờ mình ở vị thế giúp người khác.

Điều 2: Chia sẻ

Tôi nghiệm ra rằng chia sẻ là một yếu tố rất quan trọng làm cho chúng ta sống có ý nghĩa hơn. Má tôi lúc sanh tiền hay nói câu “Chia ngọt sẻ bùi” một cách rất tự nhiên, chứ chẳng có triết lí gì cao siêu cả. Mà đúng vậy, vì bản chất của cuộc sống là chia sẻ với nhau. Chúng ta chia sẻ rất nhiều điều với người chung quanh. Tiền bạc, thức ăn, quần áo, tình cảm, tin mừng, tin buồn, v.v. đều có thể chia sẻ. Hồi còn nhỏ ở miệt quê, tôi thấy cái truyền thống chia ngọt sẻ bùi rất hay. Nhà tôi có tiệc nấu nướng là tôi có nhiệm vụ đi mời bà con và hàng xóm đến ăn uống. Hàng xóm làm bánh là cũng đem biếu cho hàng xóm khác. Tôi nghiệm ra là hành động chia sẻ như thế giúp cho cộng đồng gắn bó với nhau hơn và cuộc sống đáng sống hơn.

Tôi nghĩ truyền thống chia sẻ ở miệt quê cũng nên áp dụng trong giới có học. Nếu chúng ta có kĩ năng hay kiến thức chuyên môn, thì cũng nên chia sẻ với mọi người. Đó chính là một trong những lí do tôi thích viết và soạn bài giảng miễn phí trên mạng (dù tôi không có chức năng giảng dạy). Cứ mỗi lần nhận được email của các bạn nói rằng nhờ mấy kĩ năng tôi chia sẻ mà họ học hành tốt hơn hay được thăng tiến là tôi thấy vui trong lòng.

Điều 3: Học mỗi ngày

Hồi ở trại tị nạn tôi nghiệm ra cách giết thì giờ bằng cách học 1 chữ mỗi ngày và thấy rất hiệu quả. Bây giờ tôi cố gắng học 1 điều hay mỗi ngày. Cái điều hay đó có khi chẳng dính dáng gì với công việc, mà có thể là sự lạc quan, tính yêu đời, hay thái độ tích cực của người mình tiếp xúc. Điều hay cũng có thể là một câu nói hay trong sách mà mình đang đọc. Đó chính là lí do tôi dự rất nhiều seminar có khi chẳng dính dáng gì đến lãnh vực nghiên cứu của mình, vì mục tiêu là chỉ để học hỏi từ diễn giả và người mình tiếp xúc.

Điều 4: Cảm ơn

Cố gắng mỗi ngày, khi có dịp, viết xuống hay nói ra một câu cảm ơn. Ở đời, chúng ta phải cảm ơn nhiều người lắm: cảm ơn người nông dân để mình có gạo ăn; cảm ơn anh tài xế xe lửa để mình đi làm dễ dàng; cảm ơn người đầu bếp quán ăn đã nấu một món mì ngon; cảm ơn người quét đường đã giúp cho đường phố sạch sẽ, v.v. Nhận một email động viên, nên cảm ơn. Lên xe lửa thấy có người nhường ghế, cũng nên cảm ơn. Vào nhà hàng và được phục vụ, thì câu nói cảm ơn là không thể thiếu được. Có những tình huống, chữ ‘cảm ơn’ vẫn chưa đủ mà phải là “cảm tạ” (cảm = xúc động, tạ = cảm ơn) mới thích hợp.

Ở phương Tây thì câu “thank you” là câu nói rất phổ biến, nhưng ở Việt Nam thì vẫn cần phải học cách nói này của phương Tây. Hai chữ “cảm ơn” hay “cảm tạ” có hiệu quả thần kì, giống như chất xúc tác cho sự hạnh phúc và thắp sáng tâm hồn vậy.

Đó là 4 điều tôi nghiệm ra về mục đích của cuộc sống. Bốn điều đó có thể tóm tắt rằng: mục đích của cuộc sống là kiến tạo hạnh phúc, và để kiến tạo hạnh phúc, chúng ta nên giúp người, chia ngọt sẻ bùi, học hỏi mỗi ngày, và cảm ơn. Tôi nghĩ rất dễ thực hành 4 điều này mỗi ngày, và nếu ai cũng làm vậy thì cuộc sống này quả thật đáng sống hơn.

Tin vui

Ở trên tôi nói có tin vui, và chắc các bạn muốn biết đó là tin gì. Vậy thì tôi xin áp dụng 4 điều trên để chia sẻ tin vui đây.

Số là 2 hôm trước tôi được để cử và phê chuẩn chức danh “Distinguished Professor” [1]. Trước đây, tôi là một “Endowed Professor,” một loại cái chức danh ở các đại học phương Tây có nghĩa là đương sự được một tổ chức hay nhà hảo tâm ngoài đại học trả lương. Những chức danh này thường có tên của tổ chức hay nhà hảo tâm trước chữ ‘Professor’. Trong trường hợp của tôi, ‘nơi khác’ đó là Hội đồng Y tế và Y khoa Quốc gia (NHMRC). Rồi mấy tháng trước, khi khoa có chỗ trống, người ta để cử tôi chức danh Distinguished Professor, và nay thì được Hội đồng đại học phê chuẩn. Quyết định phê chuẩn mới đến ngày hôm kia, trước ngày sanh chỉ 2 ngày. Thành ra, sinh nhật năm nay — mặc dù tôi không có tiệc tùng gì — đánh dấu một chặng đường.

Thư phê chuẩn chức danh “Distinguished Professor” của sếp gởi chỉ 2 ngày trước sinh nhật!

Đó là một chặng đường 4 thập niên. Như các bạn biết, năm nay (2022) ghi dấu tròn 40 năm tôi gọi Úc là quê hương thứ hai. Thời gian tôi ở đây còn dài hơn thời gian tôi ở Việt Nam. Ngày đặt chân đến đây, tôi cũng như tuyệt đại đa số các đồng hương khác, không một đồng xu dính túi. Tự do thì có đấy, nhưng tất cả chúng tôi đều đứng trước một tương lai bấp bênh và vô định. Chẳng biết mình sẽ làm gì và sống ra sao. Nhưng người Việt chúng ta có cái gen tôi gọi là ‘resilience gene’, nên những khó khăn rồi cũng vượt qua. Mọi người rồi cũng hoà nhập vào xã hội mới và đóng góp cho đất nước này tốt hơn. Riêng tôi thì có cái may mắn là còn đóng góp cho quê hương thứ nhứt nữa.

Hôm nọ, một nhà báo bên Việt Nam nhận xét rằng tôi giống như người ‘mở cửa’ cho các đồng hương khác và thể hệ sau. Ý chị ấy nói là tôi là người gốc Việt đầu tiên bước chân vào một số thiết chế học thuật ở Úc. Nghĩ lại thấy chị ấy nói cũng có lí. Chừng 15 năm trước, tôi được đề bạt chức danh Professor, và lúc đó UNSW nói rằng tôi là người gốc Việt đầu tiên đạt chức vụ này. Tôi cũng là người gốc Việt đầu tiên được trao DSc của UNSW. Khi được bầu vào Viện hàn lâm y học và Royal Society of New South Wales thì tôi là người gốc Việt đầu tiên. Tôi cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành Fellow của ASBMR và Editor của JBMR. Trước đây và cho đến nay, tôi là người gốc Việt đầu tiên được trao Senior Fellowship của NHMRC. Tôi nghĩ rằng những thiết chế mình đã đặt chân đến sẽ là những mục tiêu để các bạn thuộc thế hệ sau nhắm tới. Nếu một người tị nạn như tôi có thể bước vào các thiết chế đó thì tại sao các bạn thuộc thế hệ sau có điều kiện tốt hơn chắc chắn sẽ làm được.

Câu chuyện của tôi là một hành trình và những gì tôi đã học được trong hành trình đó. Aldous Huxley từng nói về trải nghiệm như sau:

Trải nghiệm không phải là những gì xảy đến với một người, mà là những gì người ta ứng xử trước những gì xảy đến với họ.” (Experience is not what happens to a man. It is what a man does with what happens to him).

Tôi ngẫm nghĩ câu này rất đúng với quãng đường mình đã đi qua. Cứ mỗi lần vấp ngã là một bài học quí báu để mình học thêm và tự thay đổi. Tôi lại nhớ đến câu nói của Richard Feynman: Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua. Bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục. Vài năm trước, một căn bệnh đến với tôi một cách khá tình cờ, mà nếu không điều trị kịp thì tôi không còn ngồi đây để viết ra những dòng chữ này. Căn bệnh đó làm cho tôi ‘humble’ với thân thể mình và buộc mình phải suy nghĩ về cuộc sống. Căn bệnh đó còn giúp tôi hiểu hơn về khái niệm mà người phương Tây gọi là “vulnerability”. Từ căn bệnh, tôi khám phá rằng những cái gọi là thành công và danh vị không quan trọng như người trẻ hay nghĩ, vì những cái đó chỉ có hiệu quả chận tiếng nói nội tâm của chúng ta mà thôi. Cái quan trọng là chúng ta làm gì để cuộc sống hạnh phúc hơn, và 4 điều tôi trải nghiệm trên hi vọng rằng sẽ giúp các bạn suy nghĩ thêm về mục đích của cuộc sống.

_____

[1] Có lẽ nhiều bạn muốn biết cái chức danh Distinguished Professor là gì, nên tôi giải thích ngắn gọn như sau. Ở các nước phương Tây, chức danh này là một dạng honor / danh dự, được trao cho những giáo sư được xem là lãnh đạo một chuyên ngành cấp quốc tế [*]. Chức danh này không phải “xin”, mà qua đề cử, và người đề cử thường là khoa trưởng. Mỗi khoa chỉ được có một số Distinguished Professor theo quota; do đó các ứng viên có tiềm năng phải xếp hàng chờ khi mấy người kia nghỉ hưu hay chết thì mới được để cử. Sau đề cử là một hội đồng thẩm định, và 4 báo cáo bình duyệt từ các giáo sư độc lập với ứng viên (thường là ở nước ngoài và phải cấp Distinguished Professor) [**]. Cũng như các chức danh khác, chức danh Distinguished Professor có thời hạn 5 năm, có nghĩa là tôi chỉ được quyền sử dụng chức danh này trong 5 năm mà thôi.

[*] https://thebestschools.org/magazine/professors-ranks

[**] https://www.gsu.uts.edu.au/policies/appoint-prof-distinguished.html