‘Lời anh nói sẽ còn mãi đấy’

Theo tôi, đó là một trong những lời nhạc hay và sâu sắc nhứt của Nhạc sĩ Vũ Thành An. Đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta cách dùng chữ nghĩa hàng ngày để tạo ra một thế giới tích cực.

Hồi nãy tôi xem một video clip, mà trong đó một vị linh mục kể rằng ông bị dằn vặt gần như cả đời vì một câu nói của ông thầy bói. Vị linh mục cho biết hồi còn nhỏ, gia đình dẫn ông đến một thầy bói để biết tương lai ra sao. Ông thầy bói cầm tay cậu bé xem một hồi, và phán rằng cậu bé sẽ không bao giờ học lên cao được vì đường vân tay không tốt! Có vẻ gia đình tin như vậy, nên cậu bé không được cho đi học đến nơi đến chốn.

Đến khi ông (bấy giờ đã là thanh niên) vượt biên sang Mĩ, và xin đi tu. Trong tu viện, bề trên nhứt định cho ông đi học, nhưng ông không chịu vì nghĩ rằng số mình không thể học cao được. Chuyện dài thành ngắn: cuối cùng thì ông cũng phải đi học và trở thành linh mục. Vị linh mục kết luận rằng những câu nói, những lời phán xét [vô trách nhiệm] sẽ ở lại trong tâm tưởng của người ta rất lâu.

Ở phương Tây, người ta có thành ngữ có thể dịch là ‘Nếu bạn không có gì tốt lành để nói thì tốt nhứt là đừng nói gì’ (“If you don’t have anything nice to say, don’t say it at all.”) Thành ngữ đó còn được xem là một qui luật vàng cho cuộc sống.

Thế nhưng trong thực tế, người ta hay quên qui luật đó. Vì quên, hay cố ý quên, nên có những người dùng những câu chữ rất ác nghiệt để phê phán và phán xét người khác. Sự ra đời của mạng xã hội và email minh chứng cho hiện tượng tiêu cực đó.

Người ta không ngần ngại dùng những con chữ độc địa đối với những người mà có khi họ chẳng biết gì cả. Hãy xem những youtuber (mà có nhà báo gọi là ‘kền kền’) ngày đêm bôi nhọ, phỉ báng và xúc phạm những người trong Thiền Am thì sẽ thấy tình trạng tệ hại như thế nào.

Chữ là một công cụ mạnh mẽ nhứt mà con người có được. Do đó, chúng ta có bổn phận sử dụng chữ nghĩa một cách có trách nhiệm. Nếu chúng ta có điều gì muốn nói, trước hết hãy hỏi những gì sắp nói/viết ra có gây tổn thương cho ai không. Kế đến, hãy hỏi mình nói hay viết như thế nào để đem lại năng lượng tích cực cho đương sự.

Không ai trên cõi đời này là hoàn hảo. Tôi cũng như các bạn đều không hoàn hảo, và chúng ta chắc chắn phạm nhiều sai sót. Nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng thích đọc và nghe những lời góp ý có thiện chí. Tôi may mắn vì thường xuyên nhận được những góp ý rất tích cực của các bạn. Có khi chỉ là một lời nhắc nhở về sai chánh tả, về nguồn trích dẫn không đúng, hay những lời nói chân thành. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có vài bạn rất giận dữ, dùng những chữ rất tệ khi họ không đồng ý với tôi.

Tôi hiểu. Chúng ta thường không nhận ra tác động tiêu cực của con chữ mà chúng ta sử dụng. Nếu chúng ta nói ra lời tiêu cực đối với một ai đó, thì đã vô hình chung tạo thêm một năng lượng tiêu cực.

Nhiều khi tôi nghĩ mỗi chữ chúng ta nói/viết ra như là một cái gương soi mặt. Chúng ta có thể phỉ báng, chỉ trích, bôi nhọ, xúc phạm ai đó, nhưng những chữ hung dữ đó sẽ quay lại chúng ta. Khi chúng ta dùng chữ để nói xấu ai, thì những chữ đó phản ảnh tâm tánh bất an của chúng ta hơn là cái xấu của người đó. Khi chúng ta phán xét ai, lời phán xét đó chỉ phản ảnh cái tầm và trình độ của chính chúng ta.

Nếu chúng ta bị ai đó nói xấu, chúng ta có nên dùng chữ xấu để đối phó? Không nên. Dùng chữ xấu để đối phó với cái xấu sẽ làm cho chúng ta khổ hơn mà thôi. Có lẽ biết được qui luật này, nên tôi thấy mấy người trong Thiền Am không bao giờ dùng một câu chữ tiêu cực nào cho những kẻ phỉ báng và xúc phạm họ. Ông cụ Lê Tùng Vân thậm chí còn nói rằng nếu ai đó nói xấu ông trên youtube để kiếm tiền nuôi sống gia đình họ thì ông cũng chẳng nói lại làm gì!

Nhà văn Mai Thảo từng nói một câu mà tôi rất tâm đắc: “Đời tôi có một nguyên tắc: không bao giờ dùng văn chương để làm bất cứ điều gì xấu xa. Đâu phải tôi không biết người nào tốt người nào xấu với mình, nhưng tốt hay xấu mặc họ. Người nào tốt, đến gần, uống rượu chơi. Người nào xấu, lánh ra thật xa, đừng thèm đụng tới. Nhưng đừng bao giờ mang những điều đó lên trang giấy để bôi bẩn nhau. Văn chương là cái đẹp, là thế giới của cái đẹp, ở thế giới ấy có thứ tiền tệ riêng của nó: anh phải dùng thứ tiền ấy, anh phải đàng hoàng, phải lương thiện. Thứ tiền tệ ấy chính là cái đẹp.”

Chữ của chúng ta có thể nâng cao một ai đó, nhưng cũng có thể dìm họ xuống bùn đen. Nạn nhân của những con chữ tiêu cực sẽ không bao giờ quên, y như vị linh mục mà tôi đề cập ở trên. Nên nhớ rằng chúng ta sẽ có ngày hối hận những con chữ gây tổn thương cho người khác.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết đúng: ‘lời anh nói sẽ còn mãi đấy.‘ Trong thế giới mạng, lời nhạc này càng ứng nghiệm hơn. Chúng ta có thể tự tạo ra hạnh phúc bằng cách dùng chữ cẩn thận và tích cực. Những người có cuộc sống hạnh phúc họ không có thì giờ nói xấu và phán xét ai; họ biết được giá trị của con chữ vậy.