Hôm nay là ngày Mồng Một Tết. Nhân dịp này, tôi mến chúc các bạn xa gần một năm mới nhiều may mắn, tràn trề sức khoẻ, và hanh thông.
Thật là tình cờ vì sáng nay tôi nhận được thư chúc mừng của ông Thủ hiến (Premier) bang New South Wales. Chắc ông ấy biết mình ăn Tết nên gởi lời chúc mừng đúng vào cái ngày ‘magic’ này. Thật ra, tôi còn nhận được thư chúc mừng của bà dân biểu địa phương Tania Mihailuk. Thật là cảm động khi họ chú ý đến mình và có lời chia vui. Dĩ nhiên, ngoài chúc mừng thì đây cũng chỉ là cách kiếm lá phiếu của cử tri, nhưng là một cách vận động rất ý nhị. Xin một dịp ‘khoe’ cùng các bạn 2 thư của VIP [1,2].


Những ngày này tôi thường hay nhớ về những cái Tết thời xa xưa ở miệt quê. Ở miệt quê thời nửa thế kỉ trước những ngày giáp Tết là thời gian rất bận rộn. Đầu tiên là phải chùi bóng cái lư hương. Lư hương làm bằng đồng, nên đánh bóng nó là cả một ‘công trình’ chớ không phải chuyện chơi. Thời đó phải dùng vỏ trấu (sau khi người ta xây lúa) và tro để đánh bóng, và phải mất cả ngày trời mới xong bộ lư hương. Đánh bóng xong cái ở nhà, còn phải qua nhà Ngoại đánh bóng thêm một cái nữa. Đến nhà Ngoại thì còn gặp mấy đứa em họ (vì Má tôi lớn nhứt trong nhà, nên tôi nghiễm nhiên thành anh của bọn nó, dù có khi có người lớn tuổi hơn tôi). Thôi thì biết bao nhiêu chuyện vui buồn được đem ra kể lại trong 12 tháng bôn ba vừa qua. Những câu chuyện mà mãi đến nay tôi vẫn còn nhớ.
Ở quê ngày xưa giờ khoảng 5 ngày trước Tết thì Má tôi bắt đầu gói bánh tét rồi. Cũng là một việc công phu, vì phải chuẩn bị nguyên liệu (nếp, đậu, thịt heo, lá chuối) và phải gói cho hàng trăm đòn bánh tét. Nấu xong bánh tét, một trong những việc tôi hay làm là bới xuồng chở cả trăm đòn bánh tét ‘phân phối’ (bây giờ gọi là ‘shipper’). Địa chỉ phân phối là bà con từ kinh Lô Bích xuống tận bà con gần chợ. Cứ đến nhà bà con nào là tôi chỉ có một câu: “Ba Má con gởi cậu/mợ/ông cậu/bà mợ/chú/bác/thiếm/… vài đòn bánh tét ăn lấy thảo ngày Tết.” Phải có chữ ‘Ăn lấy thảo’ nghen – Má tôi dặn như vậy. Tôi không cần nghe ‘phản hồi’ cám ơn, mà tiếp tục giao cho hết những đòn bánh tét. Có khi bà con lớn tuổi thay vì cám ơn thì hỏi tôi: ‘Về hồi nào đó mậy?’ (vì ngày xưa tôi học ở ‘thành’, nên lâu lâu mới về quê, và mỗi lần về quê là bà còn coi tôi như … công tử, chắc vì thấy nước da trắng trẻo?). Phải mất cả 2 tiếng đồng hồ mới giao xong.

Hồi còn nhỏ, vào mấy ngày giáp Tết, tụi con nít tôi hay dùng đèn khí đá để đi bắt cá bóng ban đêm. Đèn khí đá, như tên gọi, là đèn dùng khí đá làm năng lượng, nó không quá sáng nhưng đủ sáng để thấy mấy con cá. Cá bóng dừa chúng hay làm nhà trong mấy rặng dừa nước. Loài cá này không thể đánh bắt bằng chài lưới vì chúng chui vào khe dừa nước, nên phải dùng tay mới bắt được. Loài cá này mà kho tiêu thì ngon không thể tả được bằng chữ. Mấy năm gần đây tôi thấy mấy rặng dừa nước dần dần biến mất và cá bóng cũng không còn bao nhiêu nữa.

Đâu có ai bước vào một dòng sông hai lần. Dòng đời thay đổi liên tục, mình chỉ là một thành phần nhỏ trong cái dòng đời đó nên mình cũng phải chấp nhận sự đổi thay. Giáo sư Richard Feynman từng nói ‘Bạn không có nghĩa vụ làm người của năm qua, tháng trước, hay thậm chí một ngày vừa qua; bạn ở đây để tạo ra chính bạn một cách liên tục.’ Ấy vậy mà tôi không hiểu nổi tại sao có người đòi đi ngược lại qui luật vô thường đó và cấm tự chuyển hoá và tự chuyển biến?!
Nhân ngày đầu năm nên ôn lại vài kỉ niệm cũ, chớ tôi không kì vọng sẽ có cái Tết như thời xa xưa nữa. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một ca khúc bất hủ (của Nhạc sĩ Châu Kỳ) phản ảnh đúng với tâm trạng của mình:
“Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ
đưa hương theo làn gió
Em nói rằng em viết thành thơ
Bước sông hồ như đắm như mơ
Trở về đây khi gió sang mùa
Mong ước tìm cô gái Xuân xưa
Cho vơi bao niềm nhớ
Có ngờ đâu Xuân vắng người thơ“
Xin mời xem một video clip ca khúc này do Huyền Trân (người tôi đã giới thiệu trước đây) trình bày.
____
[1] Thư chúc mừng của ông Thủ hiến Dominic Perrottet MP (dịch):
“Thưa Giáo sư Nguyễn,
Chúc mừng ông được trao Huân chương Australia trong Ngày Quốc Khánh năm 2022.
Thay mặt người dân bang New South Wales, tôi rất vui khi thấy những đóng góp của ông cho nghiên cứu y khoa, loãng xương và phòng chống gãy xương, và giáo dục đại học đã được ghi nhận.
Cám ơn sự tận tuỵ của ông cho cộng đồng và những đóng góp xuất sắc của ông.
Dominic Perrottet MP
Thủ hiến bang New South Wales“
[2] Thư của bà Dân biểu Tania Mihailuk MP.
“Thưa Giáo sư Nguyễn,
Tôi viết thư này để chúc mừng ông mới được trao Huân chương Australia (AM) ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông cho nghiên cứu y khoa, loãng xương và phòng chống gãy xương, và cho giáo dục đại học.
Những đóng góp của ông trong lãnh vực y khoa và loãng xương đã đem lại những tác động quan trọng đến di truyền học và dịch tễ học, và xứng đáng với vinh dự cao quí này.
Tôi rất vui mừng khi biết rằng người có những thành tựu chuyên môn đó là một cư dân trong cộng đồng chúng ta.
Một lần nữa, tôi chúc mừng ông về thành tựu rất quan trọng này, và cám ơn ông về những đóng góp cho y khoa.
Xin ông đừng ngần ngại liên lạc tôi qua số điện thoại 9708 3838 hay qua email bankstown@parliament.nsw.gov.au.
Kính thư,
Tania Mihailuk MP“