Cần thay đổi gì trong việc xét duyệt chức danh giáo sư?

Qua quan sát những vấn đề được nêu lên trong lần xét duyệt công nhận chức danh giáo sư năm nay, tôi thấy cần phải có một số thay đổi về tiêu chuẩn liên quan đến công bố khoa học.

Đề nghị 1: xác định tập san chánh thống

Vấn đề hiện nay là sự lẫn lộn giữa tập san “dỏm” (còn gọi là tập san “săn mồi” — predatory journals) và tập san chánh thống. Tập san dỏm được định nghĩa hay hiểu là những trạm xuất bản giả danh tập san khoa học chuyên xuất bản những bài báo lừa bịp để lấy tiền. Các tập san này không thuộc bất cứ hiệp hội khoa học nào, và không có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh, bởi vì họ không quan tâm đến khoa học mà chỉ là lợi nhuận. Trên thế giới có hơn 12,000 tập san “săn mồi”, và mỗi năm họ công bố hơn 400,000 bài báo, với thị trường hơn 74 triệu USD (số liệu 2014).

Sau vài ngày lùm xùm, Hội đồng chức danh giáo sư ngành y đã quyết định lấy các tập san trong danh mục Web of Science (WoS), Scopus, Pubmed và ESCI (Emerging Scources Citation Index) là “tập san uy tín”. Các ứng viên có bài trên các tập san trong các danh mục này sẽ được xét công nhận chức danh giáo sư.

Tôi cho rằng quyết định đó có thể dẫn đến sai lầm trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư.

Vấn đề là các danh mục như Scopus, Pubmed và ESCI đều có những tập san dỏm. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy số tập san dỏm trong danh mục Scopus và Pubmed lên đến hàng trăm, và ESCI cũng có hàng chục tập san dỏm. Thật ra, có ước tính cho rằng tỉ lệ tập san dỏm trong danh mục ESCI là 0.61%, Scopus là 0.25%, nhưng WoS thì thấp nhất (0.1%). Chỉ riêng ngành thần kinh học, có hơn 10% các tập san trong chuyên ngành này trong Pubmed được giới chuyên gia đánh giá là dỏm. Do đó, dựa vào các danh mục này một cách vô điều kiện là dễ dẫn đến sai lầm.

Tôi đề nghị một cách phân loại tập san chánh thống và ‘phi chánh thống’. Tập san chánh thống là những tập san:

  • do các hiệp hội khoa học chánh thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc/và
  • do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press, v.v.) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học.

Tiêu biểu cho nhóm tập san thứ 1 là JAMA (thuộc hiệp hội y khoa Hoa Kì), BMJ (hiệp hội y khoa Anh), New England Journal of Medicine (thuộc hiệp hội y khoa bang Massachusetts), JCEM (Hiệp hội Nội tiết Hoa Kì), v.v. Nhóm 2 bao gồm các tập san thuộc nhóm Lancet, Nature.

Cách phân nhóm như thế đã tự động loại bỏ các tập san dỏm. Cũng không cần có trong Scopus hay WoS như là một tiêu chuẩn. Một tập san mới thuộc một hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay Clarivate, nhưng là tập san chánh thống. Ví dụ như Journal of Endocrine Society, Osteoporosis and Sarcopenia, JBMR Plus, v.v. tuy chưa có trong danh mục Clariavate hay Scopus, nhưng người trong chuyên ngành ai cũng biết là tập san chánh thống. Người ngoài ngành có thể không biết và không am hiểu đủ để đánh giá các tập san này.

Đề nghị 2: xem xét đến uy tín của tập san khoa học

Trên thế giới, có hơn 50,000 tập san khoa học tạm xem là ‘chánh thống’, và các tập san này nằm trong 2 danh mục chánh là WoS (28560 tập san) và Scopus (37535 tập san). Một số tập san nằm trong cả 2 danh mục. Dĩ nhiên, có những tập san trong Scopus cũng có trong WoS. Riêng ngành y, tỷ lệ trùng hợp giữa hai danh mục là 46%. Nhìn chung, danh mục Clarivate mang tính chọn lọc hơn là Scopus, vì Scopus có xu hướng thu nhập những tập san có phẩm chất thấp và cả tập san dỏm.

Điều đó có nghĩa là các tập san khoa học không có uy tín như nhau. Chẳng hạn một tập san chuyên khoa nội tiết (Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism) và tập san New England Journal of Medicine, tuy thuộc nhóm Q1 nhưng uy tín và chất lượng khoa học thì rất khác nhau. Tập san Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism có tỉ lệ từ chối khoảng 20%, nhưng New England Journal of Medicine có tỉ lệ từ chối lên đến 90%. Do đó, cũng là công bố trên “tập san quốc tế”, nhưng không thể xem giá trị khoa học của bài báo như nhau.

Vấn đề hiện nay là Hội đồng chức danh giáo sư xem công bố trên các tập san ‘quốc tế’ có điểm tương đương nhau! Thậm chí một bài báo trên một chuyên san trong nước (ví dụ như Tạp chí Y học Thực hành) lại có điểm y chang như một bài báo trên New England Journal of Medicine Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism! Theo tôi đó là một sự vô lí.

Sự vô lí này không chỉ làm sai lệch cách đánh giá ứng viên cho chức danh giáo sư, mà còn vô hình chung khuyến khích làm nghiên cứu có chất lượng thấp. Người ta sẽ nghĩ cần gì phải gian khổ làm nghiên cứu đẳng cấp New England Journal of Medicine, chỉ cần làm nghiên cứu phù hợp với tập san trong nước là cũng có đủ điểm.

Tôi đề nghị tạm thời lấy hệ số ảnh hưởng (impact factor) và chỉ số H để xếp hạng tập san cho mỗi chuyên ngành. Dù biết rằng hệ số ảnh hưởng có khiếm khuyết (thậm chí bị phản đối), nhưng trong thực tế hầu hết các đại học và hội đồng đề bạt chức vụ khoa bảng đều lấy hệ số ảnh hưởng làm thước đo để đánh giá uy tín của một tập san. Ứng viên có bài trên các tập san hàng đầu trong mỗi chuyên ngành phải được đánh giá cao và ưu tiên hơn ứng viên công bố nhiều bài trên các tập san ‘làng nhàng’.

Đề nghị 3: phải phân biệt thể loại bài báo khoa học

Một vấn đề khác nữa là khái niệm ‘bài báo khoa học’. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng qui định không nói bài báo đó là gì. Theo tôi, đó là một thiếu sót nghiêm trọng.

Trong thực tế, có nhiều loại bài báo khoa học và giá trị của các bài báo cũng không tương đương nhau:

  • Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, có giả thuyết, có phương pháp phân tích, và dữ liệu là dữ liệu gốc lần đầu được công bố;
  • Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo khoa học nguyên gốc, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;
  • Bài tổng quan (review), tức là một dạng ‘đọc báo dùm bạn’, điểm qua y văn từ những bài đã công bố trước đây. Đây không phải là nghiên cứu đúng nghĩa;
  • Bình luận, tức những “Letter to the Editor”, “Commentary”, “Debate”, “Editorial”. Đây là những ý kiến cá nhân, cũng không thể xem là nghiên cứu.

Hiện nay, bài báo loại nào cũng được xem là “công bố quốc tế” và có giá trị như nhau! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Đó là một sự vô lí vì trung bình hoá khoa học.

Tôi đề nghị để xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, chỉ nên dựa vào bài nguyên gốc. Các bài báo khác (case report, tổng quan, ý kiến) không được tính, nhưng có thể dùng để đánh giá vị thế của ứng viên trong chuyên ngành.

Đề nghị 4: xem xét đến vai trò của tác giả trong bài báo khoa học

Ngày nay, nghiên cứu khoa học là một môi trường hợp tác đa ngành, và do đó mỗi bài báo có nhiều tác giả. Tính trung bình một bài báo y khoa có khoảng 5-7 tác giả. Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp tập đoàn khoa học mà bài báo có hơn 1000 tác giả! Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao đánh giá được đóng góp của tác giả ứng viên trong bài báo.

Hiện nay, cách làm của Hội đồng là … trung bình hoá. Chẳng hạn như một bài có 5 tác giả (kể cả ứng viên), thì điểm của ứng viên được xem là 1/5. Đó cũng là một sự vô lí. Trong ‘văn hoá’ công bố khoa học ngành y sinh học, tác giả chánh thường là tác giả liên lạc (correspondence authors). Tác giả liên lạc có thể đứng tên tác giả đầu, nhưng thường là người đứng tên tác giả cuối.

Đề bạt chức vụ khoa bảng là một hình thức ghi nhận đóng góp cho khoa học, nên tôi đề nghị hội đồng chỉ xem xét những bài ứng viên là tác giả chánh, hoặc tác giả đầu, hoặc tác giả cuối. Một qui ước bất thành văn ở nước ngoài là ứng viên phải là tác giả chánh, tác giả đầu, và tác giả cuối của ít nhứt là 60% bài báo khoa học. Dĩ nhiên, các bài khác mà ứng viên là đồng tác giả vẫn được tính, nhưng đó không phải là những bài quyết định.

Đề nghị 5: hãy bỏ sự lệ thuộc vào con số bài báo

Hiện nay, qui định về số bài báo khoa học rất cứng nhắc và thấp. Chẳng hạn như qui định rằng “ứng viên PGS phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế, GS phải có 3 bài báo quốc tế” là thấp và chưa rõ ràng. Nghiên cứu sinh ngày nay khi tốt nghiệp cũng có thể công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục WoS. Và, nếu nghiên cứu sinh qua giai đoạn hậu tiến sĩ 3 năm thì số bài báo khoa học tối thiểu là 6. Do đó, ứng viên giáo sư mà chỉ có 3 bài thì khó thuyết phục các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ.

Theo tôi, không nên qui định về số bài báo khoa học, vì số lượng không nói lên chất lượng. Ngoài ra, sự lệ thuộc này rất dễ bị lạm dụng bằng cách công bố những nghiên cứu nhỏ và không quan trọng. Tôi đề nghị dùng chỉ số H để đánh giá. Ứng viên có chỉ số H bằng 10 có nghĩa là ứng viên đó đã công bố 10 bài báo khoa học, với số lần trích dẫn tối thiểu là 10. Do đó, chỉ số H phản ảnh cả số lượng và chất lượng, và được các hội đồng đề bạt chức danh giáo sư nước ngoài sử dụng rất phổ biến.

Trong trường hợp Việt Nam, có thể lấy số liệu về chỉ số H cho cấp phó giáo sư ngành y là 5, và cấp giáo sư là 15 làm điểm tham khảo tối thiểu. Cần nói thêm rằng ở Mĩ, ứng viên phó giáo sư y thường có chỉ số H trung bình là 10, và giáo sư là 22.

Tiến tới chuẩn quốc tế

Ở các các đại học phương Tây, mục tiêu của việc đề bạt (hay ‘công nhận’) giáo sư là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên đó: là học giả, là nhà nghiên cứu, là thành viên của cộng hoà học thuật, là người có thẩm quyền, và là người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những hình ảnh kia thì vẫn chưa thể là giáo sư.

Dựa trên nguyên lí đó, người ta đề ra 3 trụ cột về các tiêu chuẩn: nghiên cứu khoa học; giảng dạy và đào tạo; và phục vụ cho chuyên ngành, xã hội, và tư cách lãnh đạo. Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua quá trình nghiên cứu và công bố khoa học, phẩm chất khoa học, và tầm ảnh hưởng. Không phải có hàng chục bài trên Nature hay Science hay có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm giáo sư; người ta phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.

Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các course học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cớ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). ‘Giảng dạy’ ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn sinh viên hậu đại học như nghiên cứu sinh, và hướng dẫn nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ.

Phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội, và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn về đóng góp cho chuyên ngành; đóng góp cho quốc gia nói chung; và vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học. Lãnh đạo tri thức và khoa học (‘intellectual leadership’ và ‘scientific leadership’) rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận và bình luận được các tập san mời viết. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các giải thưởng, các fellowship danh giá, và chức danh danh dự từ các đại học khác.

Do đó, để đề bạt giáo sư theo chuẩn mực quốc tế, thì cần phải soạn lại qui chuẩn. Bộ tiêu chuẩn về công bố khoa học phải phản ảnh sự khác biệt và công bằng giữa 2 ngạch giáo sư chuyên về nghiên cứu khoa học và giáo sư chuyên về giảng dạy. Điều quan trọng là giáo sư không phải chỉ là người công bố khoa học hay giảng dạy, mà còn phải có đóng góp cho xã hội (qua phản biện xã hội) cho chuyên ngành.

Tóm lại, những qui định về công bố khoa học trong việc xét duyệt công nhận chức danh giáo sư còn nhiều khiếm khuyết. Dựa vào các danh mục như Scopus và Pubmed hay ESCI một cách vô điều kiện dễ dẫn đến sai lầm về việc đánh giá và nhận dạng tập san dỏm. Ngay cả với tập san chánh thống, việc đánh giá theo ‘trung bình chủ nghĩa’ không chỉ vô lí mà còn gián tiếp khuyến khích nghiên cứu chất lượng thấp. Sự lệ thuộc vào số lượng bài báo làm lu mờ chất lượng là một khiếm khuyết dẫn đến sự bất công giữa các ứng viên. Những 5 đề nghị trình bày trong bài này nhằm khắc phục những thiếu sót đó và giúp việc xét duyệt chức danh giáo sư gần hơn với tiêu chuẩn ở các nước tiên tiến.

TB: Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần 8/11/2020

Vài ý kiến về xét duyệt công nhận chức danh giáo sư ngành y 2020

Đọc qua những tin không hay về việc xét công nhận chức danh giáo sư năm nay [1,2], đôi khi tôi cũng muốn có vài lời bình luận, vì thấy có gì đó không hợp lí hoặc hiểu lầm. Nhưng nghĩ lại thì thôi, không muốn nói nữa. Một cảm giác chán chường và thất vọng. Chỉ chia sẻ ở đây như là những cảm nghĩ cá nhân như là một trang nhựt kí.

Nguồn: https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

Trước hết là con số 16 ứng viên giáo sư, phó giáo sư ngành y và dược được cho là “khai gian dối các bài báo khoa học, không xứng đáng đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” [1]. Hai ngày sau, lại thêm 21 ứng viên được thông qua nhưng không đủ tiêu chuẩn [2]. Tức là có tổng cộng 37 ứng viên không đạt tiêu chuẩn nhưng đã được thông qua!

Hội đồng nói rằng sẽ rà soát lại. Nhưng nếu rà soát lần này thì tại sao không rà soát luôn các ứng viên của các năm trước? Các ứng viên sẽ đặt câu hỏi như thế.

Ai sẽ là người xem xét lại?

Chẳng lẽ để cho Hội đồng giáo sư xem xét lại những hồ sơ mà họ đã thông qua? Đây là vấn đề khó vì chẳng những đòi hỏi tính độc lập mà còn kĩ năng đánh giá các tập san khoa học.

Thật ra, tôi thấy ngay cả những người đánh giá và kết luận rằng các ứng viên ‘gian lận’ hay ‘đạt’ cũng có sai sót hiển nhiên. Chẳng hạn như có tập san họ đánh dấu là “OK” hay “Q1” [3], nhưng thật ra đó là tập san dỏm hay gần dỏm! Từ đó, ‘kết luận’ của họ cũng sai.

Do đó, cần phải đánh giá lại những kết luận của người ngoài ngành khác đã đánh giá. Theo tôi thì phải có hội đồng độc lập, mà thành viên là những người trong ngành y và có kinh nghiệm cao về công bố khoa học.

Đánh giá tập san?

Bình luận về vấn đề này, chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành y cho biết đại khái rằng “hạng của các tạp chí khoa học cũng thăng giáng liên tục. Giai đoạn COVID-19 vừa qua, ngay cả những tạp chí nổi tiếng bên Mỹ cũng tùm lum hết.” Tôi nghĩ là anh ấy đề cập đến bài báo trên New England Journal of Medicine và Lancet bị rút xuống. Nhưng sự rút xuống 2 bài báo đó không hề làm suy giảm uy tín của New England Journal of Medicine và Lancet, và cũng chẳng liên quan gì đến vấn đề mà báo chí đang nêu lên.

Nhưng ở đây, chúng ta không nói đến các tập san lừng danh đó; chúng ta nói đến những tập san mà các ứng viên đã công bố và gây ra tranh cãi. Tôi tò mò nhìn qua danh sách tập san mà các ứng viên công bố [3], và tôi nghĩ có thể nói rằng tất cả (danh sách dưới đây) đều có thể xem là phi chánh thống hay gần như phi chánh thống (hiểu theo nghĩa chẳng thuộc hiệp hội y khoa nào cả) hay không/hiếm ai trong chuyên ngành biết đến:

  • American Journal of Case Report
  • Archives of Pharmacy Practice
  • Asian Journal of Pharmaceutics
  • Biomedical Journal of Scientific and Technical Research
  • Catalysts
  • Child’s Quality of Life in Asia
  • Diabetes, Metabolic Syndrome and Obesity: Targets and Therapy
  • European Journal of Anatomy
  • Farm Sci Asian
  • Genetics and Molecular Research
  • International Journal of Pharmacy and Pharmaceutical Sciences
  • International Journal of Medical Sciences and Health Research
  • International Journal of Environmental Research and Public Health
  • Journal of Clinical and Diagnostic Research
  • Journal of Medical Sciences – Pakistan
  • Journal of the Pakistan Medical Association
  • Journal of Vascular Medicine and Surgery
  • Malaysian Journal of Medical Sciences
  • Open Dermatology Journal
  • Pharmaceutical Chemistry Journal
  • Research Journal of Pharmacy and Technology
  • Systematic Reviews in Pharmacy

Bất cứ ai có kinh nghiệm gian nan trong nghiên cứu và công bố khoa học chỉ cần nhìn qua vài bài báo tiêu biểu trên các ‘tập san’ trên cũng thấy … kì kì. Những đặc điểm chánh có thể rút ra từ những ‘tập san’ này là (tôi nghĩ đây không hẳn là tập san nghiêm chỉnh):

  • Tên tập san rất chung chung, như Journal of Medical Sciences, Genetics and Molecular Research, Biomedical Journal of Scientific and Technical Research, Journal of Clinical and Diagnostic Research, v.v.
  • Ban biên tập không biết nói sao. Có tổng biên tập là bác sĩ phẫu thuật, chưa bao giờ công bố một bài nào trên tập san chánh thống. Lại có tổng biên tập chưa bao giờ công bố trên tập san mà ông làm sếp. Còn ban biên tập có khi chỉ là … postdoc!
  • Giao diện internet của các tập san này rất đơn giản, như là một website cá nhân, chớ không giống một tập san khoa học.
  • Tiếng Anh thì rất kém, và có khi viết sai. Ví dụ như có ‘tập san’ viết là “Impact Factor An Index”, ai mà hiểu nổi có ý nghĩa gì.
  • Bài báo thì vô cùng đa dạng. Có khi tập san với tên là dược khoa nhưng cũng công bố bài về chất lượng cuộc sống.
  • Bài báo thì đa số là đơn giản. Có khá nhiều bài chỉ … 3 trang!
  • Thời gian từ lúc nộp bài đến lúc công bố có khi chỉ trên dưới 10 ngày.

“Gian lận”?

Kế đến là chữ “gian lận”. Tôi nghĩ dùng chữ đó cho đồng nghiệp là quá nặng nề. Bình tâm nghĩ và xem lại, các ứng viên đâu có gian lận. Họ khai đầy đủ bài báo họ công bố, tập san công bố, chi tiết về năm và số báo, v.v. Tôi nghĩ không thể nói các ứng viên gian dối được.

Vấn đề là đạo đức công bố (tức publication ethics) mà tôi nghĩ ở Việt Nam ít ai biết đến. Ở Đại học New South Wales bất cứ ai được bổ nhiệm chức vụ khoa bảng phải theo học một khoá học về Scientific Integrity (8 môn học), trong đó có môn Đạo đức Công bố. Học viên phải học cách phân biệt giữa tập san chánh thống và tập san dỏm, và qui ước là không công bố trên tập san dỏm. Công bố trên các tập san đó được xem là vi phạm đạo đức công bố. Các bạn có biết tại sao vi phạm?

Các ứng viên giáo sư lần này vì lí do gì đó công bố đã công bố trên một số tập san được xem là phi chánh thống. Cũng có thể xem đây là các tập san dỏm, và đó là vấn đề.

Open Access là dỏm?

Nhiều người trong các hội đồng giáo sư ở VN cho rằng các tập san Open Access (Mở) và các tập san có trả ấn phí để công bố là “kém chất lượng”. Quan điểm này rất sai. Cái sai lầm có lẽ là do lẫn lộn giữa thể loại tập san và mô thức công bố:

1. Các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại: chánh thống và phi chánh thống.

2. Mô thức công bố có thể là ‘Đóng’ hay ‘Mở’. Mô thức ‘Đóng’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. ‘Mở’ có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao, nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.

3. Tập san chánh thống (như Nature, Science, Lancet, New England) cho phép tác giả chọn mô thức công bố Đóng hay Mở.

4. Tất cả các tập san dỏm đều dùng mô thức xuất bản Mở.

Do đó, người ta có thể lầm ở điểm thứ 4 và đánh đồng Open Access là dỏm. Nhưng như các bạn thấy điểm thứ 3 giải thích rằng Open Access của các tập san chánh thống thì không thể xem là dỏm hay có phẩm chất thấp được (xem Giản đồ).

Thế nào là ‘bài báo khoa học’?

Một vấn đề khác nữa là khái niệm ‘bài báo khoa học’. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh giáo sư là 5 bài, còn phó giáo sư là 3 bài. Nhưng hội đồng không nói bài báo đó là gì! Có nhiều loại bài báo khoa học:

  • Bài nguyên gốc (original contribution), có nghĩa là bài từ nghiên cứu nghiêm chỉnh, dữ liệu lần đầu được công bố;
  • Bài case report (báo cáo ca lâm sàng), không phải là bài báo nghiêm chỉnh, vì chẳng có giả thuyết hay mục tiêu gì cả, mà chỉ là mô tả;
  • Bài tổng quan (review), tức là tổng quan y văn từ những bài đã công bố trước đây;
  • Bình luận, tức những “Letter to the Editor”, “Commentary”, “Debate”, “Editorial”.

Nếu xét đề bạt, người ta chỉ xem bài nguyên gốc. Còn các bài khác không được tính, nhưng được dùng để đánh giá ứng viên. Còn ở VN, bài nào cũng có giá trị như nhau, vì người ta chỉ quan tâm “công bố quốc tế”! Nếu ứng viên có 10 bài case report được xem hơn người có 3 bài nguyên thuỷ! Vô lí chưa. Do đó, khái niệm bài báo khoa học phải xem lại.

Tóm lại, đây không phải là gian lận công bố khoa học, mà là đạo đức công bố khoa học. Cách đánh giá tập san y khoa của hội đồng giáo sư ngành y và cả người đánh giá lại có vấn đề, vì lẫn lộn giữa tập san chánh thống, tập san phi chánh thống và tập san ‘săn mồi’. Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần phải có một hội đồng độc lập với những thành viên giàu kinh nghiệm về công bố khoa học thì mới công bằng. Vấn đề sau cùng là ở hội đồng, chớ không phải ứng viên.

***

[1] https://vnexpress.net/16-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-bi-to-cao-khai-gian-4180696.html

[2] https://tuoitre.vn/sau-con-so-16-nay-them-21-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-bi-to-20201024230639072.htm

[3] https://www.tienphong.vn/giao-duc/chi-tiet-16-ung-vien-gspgs-bi-to-gian-doi-va-ket-qua-tham-dinh-cua-gs-nguyen-ngoc-chau-1738811.tpo

Bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài như thế nào?

Năm nay báo chí lại ồn ào chuyện ‘phong giáo sư’ qua một ứng viên bị loại [1]. Nhân dịp này, xin chia sẻ với các bạn cách bổ nhiệm giáo sư ở nước ngoài (mà cụ thể là Úc, Mĩ, Anh) để các bạn có thể so sánh. Tôi sẽ ngắn gọn qua 30 điểm dưới đây về nguyên lí, qui trình, tiêu chuẩn và công bố khoa học. Tôi sẽ đối chiếu các tiêu chuẩn này với ứng viên bị loại để các bạn có thể tự nhận xét.

Nguyên lí

1. Giáo sư là một chức vụ. Giáo sư không phải là phẩm hàm hay ‘chức danh’. Chức vụ giáo sư gắn liền với công việc của một đại học, không có ‘giáo sư quốc gia’. Công việc có thể là nghiên cứu, giảng dạy, và/hoặc quản lí / lãnh đạo.

2. Để bạt lên chức vụ giáo sư là một hình thức ghi nhận đóng góp của ứng viên trong quá khứ và triển vọng đóng góp trong tương lai. Đề bạt giáo sư cũng có thể xem là một hình thức tưởng thưởng.

3. Bổ nhiệm chức vụ giáo sư là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Lãnh đạo thể hiện qua đa vai trò của ứng viên đó: là học giả, là nhà nghiên cứu, là thành viên của cộng hoà học thuật, là người có thẩm quyền, và là người phản biện xã hội. Một người chỉ có công bố khoa học mà thiếu những hình ảnh kia thì vẫn chưa thể là giáo sư. Một người có thể chỉ công bố 1-5 (thậm chí 0) bài báo khoa học, nhưng đáp ứng các hình ảnh trên có thể bổ nhiệm làm giáo sư.

4. Giáo sư là chức vụ có thời hạn, thường là 5 năm. Sau 5 năm họ phải được xem xét lại, có vài trường hợp phỏng vấn, để xem có còn xứng đáng với chức vụ giáo sư.

5. Đối với những giáo sư đã nghỉ hưu, một số người có thể dùng danh xưng “Emeritus Professor” (Cựu giáo sư) nếu được sự phê chuẩn của hội đồng khoa bảng của đại học.

Qui trình chung

6. Ở nước ngoài, các đại học tự tạo ra qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm và đề bạt giáo sư. Không có một hội đồng nhà nước hay cấp quốc gia.

7. Qui trình bổ nhiệm và đề bạt hoàn toàn dựa vào bình duyệt (peer-review) của đồng nghiệp trong chuyên ngành. Hồ sơ của ứng viên được gởi ra ngoài trường và nước ngoài để bình duyệt. Không có hội đồng ngành nào bình duyệt hồ sư của ứng viên.

8. Người bình duyệt được chọn sao cho họ có quá trình nghiên cứu thâm niên hơn (nói theo tiếng Anh là senior hơn) ứng viên. Chẳng hạn như giáo sư duyệt hồ sơ của phó giáo sư; phó giáo sư không thể duyệt hồ sơ của phó giáo sư.

9. Tiêu chuẩn khác biệt giữa các đại học. Bởi vì bổ nhiệm giáo sư là cho đại học, mà đại học thì có nhiều đẳng cấp khác nhau, nên tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng khác nhau giữa các đại học. Các đại học ít danh tiếng có tiêu chuẩn tương đối thấp hơn các đại học hàng ‘top’.

10. Ở Úc có 4 bậc giảng viên / giáo sư: lecturer, senior lecturer, associate professor, và professor. Ở Mĩ thì đơn giản hơn vì chỉ có 3 bậc và tất cả đều mang danh professor: assistant professor, associate professor, và professor. Các chức vụ danh dự và ngoại giao như ‘Honorary Professor’ không qua qui trình chung và tiêu chuẩn như các giáo sư chánh thức.

Ba trụ cột và tiêu chuẩn

11. Bộ tiêu chuẩn để đề bạt và bổ nhiệm giáo sư khác biệt cho các cấp bậc giáo sư, nhưng tựu trung lại bao gồm 3 trụ cột. Mỗi trụ cột có hàng loại tiêu chuẩn (dài đến 20 trang). Ba trụ cột đó ở trường UNSW (tiêu biểu) là:

  • Nghiên cứu khoa học
  • Giảng dạy và đào tạo
  • Phục vụ: hoạt động chuyên ngành, xã hội, lãnh đạo

12. Nghiên cứu khoa học được thể hiện qua (i) quá trình nghiên cứu và công bố khoa học; (ii) phẩm chất khoa học; (iii) và tầm ảnh hưởng. Không có bất cứ một qui định là phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được bổ nhiệm hay đề bạt. Không có bất cứ một con số nào về trích dẫn để nói là xứng đáng chức vụ giáo sư, bởi vì đây chỉ là 1 trong nhiều tiêu chuẩn. Không phải có hàng chục bài trên Nature hay Science hay có nhiều trích dẫn là tự động được bổ nhiệm giáo sư; người ta phải xét toàn diện quá trình nghiên cứu.

13. Giảng dạy và đào tạo được thể hiện qua các hoạt động như phụ trách các course học, thể hiện sự cách tân trong giảng dạy, kèm theo chứng cớ đánh giá của sinh viên. Giảng dạy còn bao gồm cả soạn sách giáo khoa (mặc dù tiêu chuẩn này không quan trọng cho giáo sư ngạch nghiên cứu). ‘Giảng dạy’ ở đây cũng có nghĩa là hướng dẫn sinh viên hậu đại học như nghiên cứu sinh, và hướng dẫn postdoc.

14. Phục vụ qua các hoạt động chuyên ngành, xã hội, và lãnh đạo bao gồm rất nhiều tiêu chuẩn về (a) đóng góp cho chuyên ngành; (b) đóng góp cho quốc gia nói chung; và (c) vai trò lãnh đạo về tri thức và khoa học.

15. Đóng góp cho chuyên ngành thể hiện qua các vai trò tình nguyện trong các hiệp hội cấp quốc gia và quốc tế, qua vai trò bình duyệt và biên tập trong các tập san khoa học chánh thống.

16. Đóng góp cho xã hội thể hiện qua (i) vai trò trong các hội đồng tư vấn cấp quốc gia cho chánh phủ và các tập đoàn kĩ nghệ; và (ii) tham gia tranh luận các vấn đề xã hội trên các diễn đàn cấp quốc gia và quốc tế.

17. Lãnh đạo tri thức và khoa học (‘intellectual leadership’ và ‘scientific leadership’) rất quan trọng, đặc biệt ở cấp giáo sư thực thụ. Lãnh đạo thể hiện qua các vai trò lãnh đạo trong hiệp hội và tập san khoa học. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các bài xã luận và bình luận được các tập san mời viết. Lãnh đạo khoa học còn thể hiện qua các giải thưởng, các fellowship danh giá, và chức danh danh dự từ các đại học khác.

18. Mỗi trụ cột (trong 3 trụ cột trên) được đánh giá một cách bán định lượng qua thang điểm 4 giá trị như sau:

  • Outstanding (điểm 3): xuất sắc
  • Superior (điểm 2): trên trung bình
  • Current performance (điểm 1): trung bình theo như kì vọng
  • Below current performance (điểm 0): dưới trung bình, thấp hơn kì vọng

19. Một ứng viên phải đạt 6 điểm hay cao hơn sẽ được đề bạt hay bổ nhiệm. Điều này có nghĩa là nếu 3 trụ cột trên có điểm 2 + 2 + 2, hay 3 + 3 + 0, hay 3 + 2 +1, v.v. thì sẽ được đề bạt và bổ nhiệm.

Về công bố khoa học

20. Không có đại học nào đặt ra số lượng bài báo khoa học phải bao nhiêu để được đề bạt hay bổ nhiệm. Số lượng chỉ nói lên mức độ hoạt động nghiên cứu, không phản ảnh phẩm chất khoa học và tầm ảnh hưởng. Vả lại, số lượng tuỳ thuộc vào chuyên ngành, không thể đưa ra bất cứ con số nào để làm chuẩn.

21. Phẩm chất khoa học là tiêu chuẩn quan trọng trong xét duyệt đề bạt và bổ nhiệm. Phẩm chất khoa học được thể hiện qua vị thế của tập san khoa học trong chuyên ngành (như impact factor), không phải Q1, Q2, Q3, Q4.

22. Những bài trên các tập san dỏm (predatory journals) sẽ không được xem xét. Ứng viên sẽ không bị ‘phạt’ nhưng các bài đó không gây ấn tượng tốt về đạo đức khoa học ở các chuyên gia bình duyệt.

23. Tầm ảnh hưởng của nghiên cứu thể hiện qua số lần trích dẫn độc lập (không phải tự trích dẫn), số lần được các hồ sơ cục quản lí bằng sáng chế USPTA trích dẫn, số lần được báo chí phổ thông nhắc đến, và chỉ số Almetric.

24. Chỉ số H có thể quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Trước đây, người ta hay có qui luật bất thành văn là ứng viên chức professor thực thụ phải có chỉ số H 20 trở lên (lấy ngành vật lí làm chuẩn) hay có ít nhứt 1,000 citations thì hồ sơ mới đáng được bình duyệt (cấp giáo sư thực thụ), chưa nói đến xứng đáng giáo sư hay không. Nhưng vì chỉ số này bị lạm dụng nhiều, nên ngày nay nó cũng mất đi cái giá, và nhiều chuyên gia chỉ xem nó như là một yếu tố tham khảo.

25. Có bài ‘highly-cited’ là một điểm cộng, nhưng ở Úc nó không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong việc xét duyệt bổ nhiệm chức giáo sư, vì người ta phải xét đến tầm ảnh hưởng của nghiên cứu. Tầm ảnh hưởng được đánh giá qua điểm #23.

26. Các chuyên gia bình duyệt sẽ không ‘ấn tượng’ với các ứng viên chỉ công bố trên các tập san trong chuyên ngành. Họ kì vọng ứng viên phải thoát ra được chuyên ngành ra ‘biển lớn’ qua công bố trên các tập san khoa học cao hơn và ngoài chuyên ngành (như Nature, Science, Cell, JAMA, NEJM, v.v.)

27. Các chuyên gia bình duyệt sẽ ‘ấn tượng’ với ứng viên có những đóng góp ngoài chuyên ngành, vì điều đó thể hiện cái mà họ gọi là ‘breadth and broad’ của ứng viên và khả năng vượt lên chính mình.

28. Vị trí của ứng viên trong bài báo khoa học đóng vai trò rất quan trọng. Ứng viên phải chứng minh mình đóng vai trò lãnh đạo trong nghiên cứu / bài báo, và đây là tiêu chuẩn quyết định. Vị trí lãnh đạo không phải chỉ là tác giả đầu, mà là tác giả correspondence và chứng thực qua “invited review”. Đứng tên trong hàng trăm bài báo mà không có vai trò chủ đạo (nói theo dân khoa học là ‘lính đánh bộ’) sẽ không được đánh giá cao.

29. Thời gian công bố khoa học cũng là yếu tố quan trọng. Tuyệt đại đa số đại học chỉ quan tâm đến:

  • công bố khoa học trong 5 năm qua;
  • 5 bài tốt nhứt trong sự nghiệp; và
  • 5 bài tốt nhứt trong 10 năm qua.

Đa số các bài còn lại gần như không xem xét đến. Có những ứng viên có số bài gia tăng nhanh một cách đột biến, và họ phải giải trình rõ ràng (có người không thèm giải trình), nhưng họ không bị ‘phạt’ vì người ta chỉ xem xét 5-15 bài chánh do ứng viên chọn.

Appeal (kháng nghị)

30. Có những ứng viên bị rớt (không được đề bạt hay bổ nhiệm). Nếu họ thấy quyết định của đại học không công bằng hay không thoả đáng, họ có quyền ‘kháng nghị’, và đại học phải tổ chức đánh giá lại một cách độc lập.

***

Trên đây là tóm tắt những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở các nước như Úc, Mĩ, Anh, mà tôi biết qua. Dĩ nhiên, các bạn nào quan tâm đọc cho biết người ta làm như thế nào thôi, chớ tôi không kì vọng rằng những nguyên lí, qui trình và tiêu chuẩn đó sẽ áp dụng vào Việt Nam, ngoại trừ các đại học được trao quyền tự chủ. Trong khi Tàu đã và đang theo những chuẩn mực đề ra như mô tả trên của Tây, thì Việt Nam vẫn còn đang loay hoay theo cách làm của Tàu của 20 năm trước và pha một chút dấu ấn của Pháp và Nga.

Ở Việt Nam, những tiêu chuẩn về ‘phong hàm’ rồi ‘công nhận’ giáo sư cứ thay đổi liên tục. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tiêu chuẩn thay đổi, nhưng ngạc nhiên là tính cứng nhắc lệ thuộc (đến mức nô lệ) vào con số. Phải đạt bao nhiêu bài này, bài kia thì mới được chức danh này hay chức vụ kia. Đề ra những tiêu chuẩn định lượng có cái hay là nó tương đối khách quan, nhưng cái dở là nó dễ bị lạm dụng. Trong giai đoạn khoa học còn đang phát triển và trong môi trường cạnh tranh, người ta sẽ làm bất cứ điều gì để đạt được con số cần thiết, và cái hi sinh ở đây là phẩm chất.

Nếu xét duyệt để đề bạt hay công nhận giáo sư mà chỉ dựa vào con số, thì tôi nghĩ đó là một sai lầm. Sự nghiệp của một người không thể nào tóm lược qua một con số, hay qua những tiêu chuẩn mang tính đơn biến được.

***

[1] Quay lại trường hợp ứng viên bị loại khỏi vòng xét duyệt công nhận chức danh giáo sư, chúng ta thử áp dụng các tiêu chuẩn trên để xem ứng viên đó có xứng đáng chức vụ giáo sư. Vài dòng tóm tắt về ứng viên:

  • Sanh năm 1976
  • 2010: Tốt nghiệp tiến sĩ về computation engineering từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS, hạng top 30 trên thế giới)
  • 2013: Phó giáo sư
  • 2017: Giáo sư thực thụ của ĐH Tôn Đức Thắng
  • Đã chủ trì 6 đề tài khoa học
  • Công bố khoa học từ 2007 – 2020: 103 bài; trong số này có 70 (68%) bài trên các tập san trong nhóm Q1.

Tuy nhiên, những thông tin trong cái form của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước không nói lên đầy đủ về ứng viên. Chẳng hạn như chúng ta không biết ứng viên đã có vị thế gì trong chuyên ngành trên thế giới, không biết tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu của ứng viên. Đó là vấn của cái form, vì nó không tạo điều kiện cho ứng viên trình bày đầy đủ về những đóng góp của mình. (Thật ra, tôi hơi ngạc nhiên về tính đơn giản của cái form đó).

Sau đây là những thông tin về đóng góp của ứng viên mà cái form trên không có. Những thông tin này thật ra là trích từ hồ sơ ứng viên được chọn để gởi ra bình duyệt và phỏng vấn cho chức vụ professor của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

  • Tổng số citations (trích dẫn): 3758 (Google Scholar); chỉ số H = 35.
  • Hướng dẫn 1 nghiên cứu sinh tiến sĩ và 44 thạc sĩ (masters)
  • 5 bài báo tốt nhứt trong sự nghiệp (tính đến 2017), trong đó có 2 bài ứnh viên là tác giả đầu. Tổng số trích dẫn của 5 bài này là 429 + 507 + 465 + 281 + 136 = 1818.
  • 5 bài tốt nhứt trong 5 năm qua do ứng viên đứng tên tác giả đầu có tổng số trích dẫn là 98 + 81 + 106 + 78 + 59 = 422.
  • Các giải thưởng: Silver medal upon graduation (Ho Chi Minh City University of Technology); PhD scholarship of National University of Singapore; President graduate fellowship of NUS (Singapore); Best PhD Thesis award (Singapore); Excellence research award of Vietnam National University; và Excellence research award of Ton Duc Thang University.
  • Đóng góp cho chuyên ngành: thành viên ban biên tập của Mathematical Problems in Engineering; chuyên gia bình duyệt của các tập san International Journal for Numerical Methods in Engineering (SCI); Computer Methods in Applied Mechanics and Engineering (SCI); KSCE Journal of Civil Engineering (SCIE); International Journal of Computational Methods (SCIE); Computers and Structures (SCI); Finite elements in analysis and design (SCI); Engineering Analysis with Boundary Elements (SCI); Computational Materials Science (SCI); European Journal of Mechanics – A/Solid (SCI); Thin Wall Structures (SCI); Expert Systems With Applications (SCI); Advances in Materials Science and Engineering (SCIE); Vietnam Journal of Mechanics.

Dựa vào những dữ liệu trên và đối chiếu với 3 trụ cột đề bạt chức vụ giáo sư ở Úc, chúng ta có thể rút ra vài nhận xét:

1. Về trụ cột thứ nhứt là nghiên cứu khoa học

Ứng viên đã chứng tỏ là một nhà khoa học có năng suất tương đối cao. Trong 13 năm, ứng viên công bố 103 bài báo khoa học, tức trung bình mỗi năm khoảng 8 bài. Đó là một năng suất đáng chú ý, nhứt là trong điều kiện hạn chế kinh phí ở Việt Nam.

Nhưng con số đó không nói lên rằng ‘chất lượng’ nghiên cứu khoa học của ứng viên thuộc vào nhóm ‘cao’ (high impact). Chứng cớ thứ nhứt là gần 70% các bài báo của ứng viên được công bố trên các tập san trong nhóm Q1. Con số 70% này thuộc vào nhóm ‘excellent’ của các ứng viên giáo sư Úc. Chứng cớ thứ hai là số lần trích dẫn 3758 lần, với chỉ số H là 35 (theo Google Scholar). Hãy cho là số trích dẫn ISI bằng 75% của Google, thì tổng số trích dẫn của ứng viên là 2818, và với số này, chúng ta có thể ước tính chỉ số H theo ISI của ứng viên là 0.54*sqrt(2818) = 29, tức vẫn cao hơn nhiều so với trung bình. Ngay cả chỉ tính 5 bài tốt nhứt của ứng viên thì số trích dẫn đã hơn 1800, tức là tương đương với các giáo sư thực thụ của một số đại học Úc.

Tuy nhiên, điểm tương đối yếu của ứng viên là chưa thoát ra được các tập san lớn trong khoa học, mà chỉ mới đóng khuôn trong các tập san chuyên ngành. Điều này là điểm yếu, nhưng cũng là vấn đề chung ở Việt Nam. Để thoát khỏi chuyên ngành hẹp ra ‘biển lớn’ rất ư khó khăn và đòi hỏi phải có những nỗ lực liên ngành cùng ngân sách dồi dào mà có lẽ ở Việt Nam rất khó có được. Tuy vậy, ứng viên được xếp vào nhóm một số rất ít nhà khoa học ‘most-cited’ của Việt Nam (theo PLoS Biology, 2019) và trên thế giới.

Do đó, điểm cho trụ cột 1 trong bối cảnh Việt Nam là 3.

2. Trụ cột thứ hai là giảng dạy.

Ứng viên là nhà nghiên cứu và công việc chánh là nghiên cứu khoa học, nên giảng dạy không phải là lãnh vực. Vả lại, ĐH Tôn Đức Thắng chỉ mới có chương trình đào tạo tiến sĩ gần đây. Tuy nhiên, ứng viên có hướng dẫn thành công 1 luận án tiến sĩ, và hơn 40 thạc sĩ. Đối với nước ngoài thì mức độ đào tạo như vậy là khiêm tốn, nhưng ở Việt Nam thì tôi nghĩ đóng góp cho đào tạo như vậy có thể xem là chỉ trên trung bình một chút của một giáo sư.

Điểm cho trụ cột 2 trong bối cảnh Việt Nam là 1.5.

3. Trụ cột thứ ba là engagement.

Trong lãnh vực này, ứng viên tỏ ra là khả năng leadership trong khoa học qua vai trò trong ban biên tập của tập san chuyên ngành. Ứng viên cũng được cộng đồng khoa học ghi nhận qua các giải thưởng trong chuyên ngành và qua thành công thu hút tài trợ cho nghiên cứu khoa học. Ứng viên cũng tỏ ra có đóng góp cho đại học qua vai trò lãnh đạo một viện nghiên cứu.

Tuy nhiên, điểm yếu của ứng viên là chưa có được những ‘invited lecture’ (mời giảng) hay ‘invited review’ (mời viết tổng quan), ‘invited editorial’ (mời viết xã luận), nhưng đây cũng là tình hình chung ở Việt Nam, vì đa số ít có cơ hội để vươn tầm quốc tế. Ứng viên cũng chưa có đóng góp vào các chánh sách công ở Việt Nam, nnhưng điều này thì có lẽ là ‘không thể’ ở Việt Nam.

Điểm cho trụ cột 3 trong bối cảnh Việt Nam là 1.5.

Dựa vào những phân tích trên từ một người ngoài cuộc và ‘ngoại đạo’ tôi nghĩ ứng viên đủ điểm để được đề bạt chức vụ giáo sư. Trong thực tế thì ngay cả những giáo sư nước ngoài trong chuyên ngành của ứng viên cũng đánh giá cao và cho rằng ứng viên xứng đáng chức vụ giáo sư. Thật ra, một số giáo sư ở Úc (ví dụ như [1,2]) cũng có thành tích khoa học như ứng viên thôi.

Nhưng chúng ta phải xem xét trong bối cảnh Việt Nam, không thể so với nước ngoài được. Cách so sánh đơn giản và thực tế nhứt là xem xét nghiên cứu khoa học của ứng viên so với các thành viên trong hội đồng xét công nhận chức danh giáo sư [3].

Trong hội đồng xét duyệt có vài người có nhiều công bố khoa học hơn ứng viên (tuy nhiên trích dẫn thì chưa rõ), nhưng đa số thì có ít công bố hơn ứng viên. Nếu tính trung bình thì số bài báo trên các tập san quốc tế của các thành viên trong hội đồng là 17 (median), nhưng dao động từ 8 đế 216 bài. Ứng viên có 103 bài.

Ở trên, tôi có nhận xét rằng ứng viên chưa vươn ra các tập san ‘biển lớn’ và chưa chứng tỏ ‘intellectual leadership’, nhưng cũng nên công bằng là chưa có ai trong hội đồng xét duyệt làm được như vậy. Do đó, nếu lấy thành tích nghiên cứu khoa học của hội đồng làm chuẩn thì ứng viên rõ ràng là đạt tiêu chuẩn chức vụ giáo sư.

***

[1] https://www.engineering.unsw.edu.au/electrical-engineering/staff/wei-zhang

[2] https://scholar.google.com.au/citations?user=AzZ3wp8AAAAJ&hl=en

[3] http://hdgsnn.gov.vn/…/2-HD%20Co%20hoc%20LLKH%202020

Tiêu chuẩn giáo sư: lượng và phẩm

Qui định mới về công nhận chức danh giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS) yêu cầu ứng viên giáo sư phải là tác giả của ít nhất 3 bài báo khoa học, và phó giáo sư 2 bài báo khoa học trên các tập san có bình duyệt. Có thể xem yêu cầu về công bố khoa học là một điểm ‘tiến bộ’, nhưng vẫn chưa đủ và chưa hợp lí, vì chưa xem trọng phẩm chất khoa học.

Có lẽ điểm mới và cũng có thể xem là tiến bộ là yêu cầu công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt. Tuy nhiên, sự tiến bộ này chỉ so với trước đây, chứ chưa phải so sánh với các đại học thuộc các nước tiên tiến trong vùng và trên thế giới. Theo Socrates, một trong những vai trò của giáo sư là học giả, hiểu theo nghĩa ‘scholar’ trong tiếng Anh. Chính cái ‘học giả tính’ này phân biệt giữa giáo sư đại học và thầy cô giáo trung học (cho dù cả hai nhóm đều hành nghề dạy học). Học giả hiểu theo nghĩa thông thường là người có kiến thức uyên thâm và sản sinh ra tri thức mới. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động sản sinh ra tri thức mới và giúp nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu. Do đó, công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt phải là điều kiện cần cho qui trình bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nhưng công bố khoa học quốc tế vẫn chưa phải là điều kiện đủ. Trên thế giới có hàng trăm ngàn tập san khoa học (journals) − không nói đến tạp chí (magazine) − nhưng trong số này chỉ có chừng 11000 đến 25000 được công nhận, tuỳ theo danh mục. Ngay cả trong số những tập san được công nhận, phẩm chất khoa học và uy tín cũng rất khác nhau. Chẳng hạn như tập san Medical Journal of Australia không thể xem ngang hàng với New England Journal of Medicine. Ngay cả trong một chuyên ngành cũng có nhiều tập san và uy tín cũng rất khác nhau. Do đó, đánh đồng “công bố quốc tế” giữa các tập san có thể dẫn đến đánh giá sai.

Những qui định cứng về con số bài báo (như 3 cho cấp giáo sư và 2 cho cấp phó giáo sư) có phần phiến diện, vì không phản ảnh phẩm chất. Như nói trên, một công trình trên những tập san như New England Journal of Medicine, Nature, Nature Genetics, Science, Cell có giá trị nhiều lần so với nhiều bài trên những tập san có uy tín thấp, bởi vì phẩm chất khoa học của các công trình trên những tập san lừng danh đó cao hơn nhiều so với tập san ‘làng nhàng’. Ngay cả trong cùng một chuyên ngành, người ta chỉ cần nhìn vào tên tập san là đã có ý tưởng về đẳng cấp và phẩm chất khoa học ra sao. Do đó, qui định cứng về con số bài báo sẽ dẫn đến tình trạng chạy số mà xao lãng phần phẩm chất nghiên cứu khoa học. Trong nhiều trường hợp, phẩm quan trọng hơn lượng.

Một trong những vấn nạn khoa học hiện nay là hiện tượng “tập san dỏm” hay “predatory journals”. Đây là những tập san không có tính chất học thuật, mà chỉ là các cơ sở làm tiền. Các trạm xuất bản này càng ngày càng biến hoá như vi khuẩn biến hoá, nên có khi rất khó phân biệt thật và giả. Trong nhiều trường hợp, chỉ có người trong chuyên ngành và có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học mới có thể phân biệt tập san dỏm và tập san chính thống. Trên thế giới ngày nay có đến hơn 12000 tập san dỏm và gần 1000 trạm xuất bản dỏm. Đa số những tập san dỏm đều có mã số ISSN, thậm chí có trong danh mục có tiếng như Scopus! Do đó, qui định “công bố trên tạp chí khoa học có mã số chuẩn quốc tế ISSN” chưa đủ phân định để loại bỏ các tập san dỏm.

Có lẽ trên thế giới chỉ có Việt Nam và một số đại học ở Việt Nam đưa ra những con số về bài báo khoa học để bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Ở các nước tiên tiến, không có một đại học nào đề ra những qui định định lượng cụ thể như thế. Vấn đề không phải là công bố khoa học, mà công trình khoa học có tác động hay không. Tác động trong chuyên ngành và tác động xã hội. Trong thực tế, có rất nhiều bài báo khoa học không bao giờ được trích dẫn (tức không có tác động), và số được triển khai trong thực tế càng ít hơn. Do vậy, không thể nào chỉ nhắm đến con số bài báo, mà còn phải xem xét đến tác động của nghiên cứu khoa học qua các chỉ số trắc lượng khoa học và đánh giá của chuyên gia trong chuyên ngành. Cái khiếm khuyết của định lượng hoá trong nghiên cứu khoa học là nó biến một ứng viên thành một con số. Nhưng con số thì không bao giờ phản ảnh đầy đủ đóng góp của một nhà khoa học.

Cần phải nói thêm rằng, khái niệm ‘giáo sư’ không chỉ là một nhà khoa học, mà còn là một lãnh đạo khoa học. Lãnh đạo thể hiện qua vai trò trong các hội đoàn quốc tế và quốc gia. Nói cách khác, giáo sư phải là một thành viên có đóng góp quan trọng cho nền ‘cộng hoà học thuật’ (mượn khái niệm ‘cộng hoà văn chương’). Dĩ nhiên, công bố khoa học chỉ là một thành tố quan trọng nhưng nó vẫn chưa đủ để tạo nên tư cách lãnh đạo của một giáo sư.

Tóm lại, những qui định mới về chức danh giáo sư và phó giáo sư tuy có một chút tiến bộ so với trước đây, nhưng vẫn còn một khoảng cách quá xa so với các nước trong vùng và các nước tiên tiến. Những tiêu chuẩn định lượng hoá tưởng là khoa học, nhưng thật ra là phi khoa học, bởi vì không ai có thể đánh giá một nhà khoa học qua những con số. Con số bài báo khoa học không thể phân biệt được phẩm chất khoa học và tác động của các công trình nghiên cứu, mà có thể giúp mở cánh cửa cho sự xâm nhập của các tập san dỏm vào môi trường học thuật ở Việt Nam.

Bài đã đăng trên VNexpress: https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-so-bai-bao-khoa-hoc-khong-phan-anh-chat-luong-giao-su-3811082.html

Bổ nhiệm giáo sư: 5 "nên" và 5 "không nên"

Mấy ngày qua, có thể nói là báo chí và công chúng ‘dậy sóng’ về chức danh giáo sư. Sau quyết định công nhận hơn 1200 giáo sư và phó giáo sư, ông Thủ tướng yêu cầu phải rà soát lại. Kết quả ra soát càng làm công chúng nghi ngờ thêm! Báo VNexpress hỏi tôi về qui trình bổ nhiệm giáo sư ở Úc và có đề nghị gì về qui chuẩn cho chức danh giáo sư ở Việt Nam. Tôi có 5 đề nghị “nên” và năm đề nghị “không nên”.

Bài phỏng vấn đã đăng hai kì trên VNexpress:

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-su-o-australia-duoc-bo-nhiem-nhu-the-nao-3717429.html

https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/gs-nguyen-van-tuan-khong-nen-bo-nhiem-quan-chuc-lam-giao-su-3717824.html

===

Phóng viên (PV): Quy trình phong hàm giáo sư ở Australia như thế nào?

NVT: Ở Úc, cũng như ở nhiều nước nói tiếng Anh như Mĩ, Canada, Anh, v.v., giáo sư được xem là một chức vụ trong hệ thống đại học. Vì là chức vụ, nên không có khái niệm tiến phong, chỉ có bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm giáo sư là do các đại học thực hiện thông qua một qui trình chuẩn. Qui trình này có 4 bước như sau:

  • Bước 1, ứng viên soạn thảo một hồ sơ khoa học, và đệ trình cho khoa trưởng. Hồ sơ bao gồm lí lịch khoa học, bản sao 10 bài báo quan trọng trong sự nghiệp và 5 bài báo trong 5 năm qua, kèm theo một văn bản giải thích tại sao ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra cho chức vụ giáo sư.

  • Bước 2, khoảng 2-3 tháng sau ngày đệ trình cho khoa, một hội đồng bổ nhiệm và đề bạt (committee of appointment and promotion) cấp khoa họp, xem xét hồ sơ, và gửi hồ sơ ra ngoài cho các giáo sư khác bình duyệt.

  • Bước 3, khoảng 2-3 tháng sau khi nhận được bình duyệt của các giáo sư ngoài, hội đồng bổ nhiệm và đề bạt cấp trường sẽ họp và phỏng vấn ứng viên (nếu ứng viên có cơ hội được mời phỏng vấn). Sau đó, hội đồng sẽ xem xét có nên bổ nhiệm hay đề bạt ứng viên.

  • Bước 4 là quyết định bổ nhiệm, thường là do hiệu trưởng đại học kí.

Đó là qui trình chung, nhưng qui trình này có khi còn tùy thuộc vào cấp giáo sư nữa. Ví dụ như đề bạt từ phó giáo sư lên giáo sư thực thụ thì còn phải qua hai lần phỏng vấn, chứ không phải một lần cho cấp phó giáo sư. Như có thể thấy qua qui trình trên, các thủ tục rất đơn giản và minh bạch. Đại học Tôn Đức Thắng cũng có qui trình tương tự như trên.

PV: Tiêu chí gì được chú trọng?

NVT: Tiêu chí thì giống nhau, nhưng tiêu chuẩn thì tùy thuộc vào trường đại học, cấp giáo sư và ngạch bổ nhiệm. Ở Úc có hai ngạch bổ nhiệm giáo sư: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Nhưng dù ở ngạch nào hay cấp nào thì ứng viên vẫn được xét duyệt dựa trên 5 tiêu chí chính:

  • Thành tích nghiên cứu khoa học;

  • Thành tích giảng dạy và đào tạo;

  • Đóng góp cho chuyên ngành trên bình diện quốc gia và quốc tế;

  • Đóng góp cho trường đại học;

  • Đóng góp cho cộng đồng xã hội và chính sách công.

Mỗi tiêu chí có một nhóm tiêu chuẩn. Chẳng hạn như trong tiêu chí về nghiên cứu khoa học, hội đồng sẽ xem xét đến phẩm chất và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên. Phẩm chất khoa học có đánh giá qua số trích dẫn (chứ không phải số bài báo), tập san công bố, tác động đến chuyên ngành, v.v. Không có những con số cụ thể bao nhiêu, bởi vì những chỉ số vừa kể chỉ có tính tham khảo. Tuy nhiên, có những con số “hiểu ngầm”, như ở các trường Go8 (tức thuộc nhóm 8 đại học nghiên cứu) thì một giáo sư phải có chỉ số H từ 20 trở lên, phó giáo sư phải có chỉ số H 15 trở lên. Kinh nghiệm tôi đã và đang ngồi trong các hội đồng này thì một giáo sư đạt được những ‘chuẩn’ đó thường có ít nhất 100 bài báo khoa học, còn phó giáo sư thì con số phải cỡ 40 trở lên. Đó là tiêu chuẩn cho ngạch giáo sư nghiên cứu, còn ngạch giáo sư giảng dạy thì có phần thấp hơn.

Mấy năm gần đây, một tiêu chuẩn quan trọng khác là thu hút tài trợ. Tôi thấy rất nhiều hồ sơ giáo sư nhấn mạnh đến số tiền (thường là bạc triệu USD) mà họ đem về cho trường. Lí do là mỗi đô la họ đem về cho trường thì trường được hưởng 30 cent. Do đó, thu hút tài trợ vừa là một thước đo đóng góp cho nhà trường mà vừa là một tín hiệu được đồng nghiệp ghi nhận.

Tiêu chí về nghiên cứu khoa học dù có thể quan trọng nhất, nhưng vẫn chưa đủ để được bổ nhiệm hay đề bạt chức vụ giáo sư. Một giáo sư thực thụ trước hết phải là một người “lãnh đạo khoa học”, và ứng viên phải chứng minh khả năng này qua các hoạt động khác như đóng vai trò quan trọng trong các hiệp hội chuyên môn cấp quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các hội đồng xét duyệt tài trợ khoa học, hội đồng biên tập của các tập san khoa học có uy tín. Ứng viên còn phải chứng minh mình được đồng nghiệp quốc tế công nhận qua các hình thức như được chủ tọa hay mời giảng trong các hội nghị quốc tế, được mời viết xã luận và tổng quan, v.v. Tất cả những tiêu chí này tuy chẳng có thước đo cụ thể, nhưng có khi lại là yếu tố quyết định cho sự thành bại trong bổ nhiệm và đề bạt!

Một tiêu chí khác cũng quan trọng không kém là đóng góp cho trường và cho xã hội. Một giáo sư, dù là cấp thấp hay cao, phải ý thức rằng mình có nhiệm vụ đóng góp cho trường và cho đất nước, chứ không phải chỉ ngồi trong ‘tháp ngà’ khoa bảng. Những đóng góp này có thể là qua hình thức viết báo phổ thông, phục vụ trong các ban tư vấn cho chính phủ, phục vụ trong các hội đồng cấp trường.

Tuy nhiên, như tôi nói lúc đầu, mỗi trường có một bộ tiêu chuẩn khác nhau, bởi vì nó phụ thuộc vào quá trình phát triển của trường. Những trường lâu năm và danh tiếng thường có bộ tiêu chuẩn cao hơn và qui trình gắt gao hơn những trường đang trong giai đoạn củng cố và phát triển. Có khi họ yêu cầu ứng viên phải chỉ ra là ứng viên tương đương với giáo sư nào trên thế giới. Do đó, chức vụ và chức danh giáo sư rất phụ thuộc vào trường.

Đó là chưa kể đến những trường hợp được bổ nhiệm ‘thần tốc’ hay chẳng qua qui trình chuẩn trên, nhưng những trường hợp này không nhiều. Chẳng hạn như vài ngày trước, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) bổ nhiệm một nhà báo kì cựu chức giáo sư và giám đốc Trường báo chí, dù nhà báo này chưa từng giảng dạy và cũng chưa từng nghiên cứu khoa học có công bố quốc tế. Những trường hợp như thế tuy hiếm nhưng càng ngày càng nhiều, vì sự thay đổi nhận thức về chức vụ giáo sư ở các đại học phương Tây.

PV: Mục đích của việc phong hàm giáo sư là gì?

NVT: Mục đích số 1 của việc bổ nhiệm (chứ không phải “tiến phong”) giáo sư là nhằm thu hút và giữ nhân tài. Hai chữ ‘nhân tài’ ở đây phải hiểu là những nhà khoa học có những thành tích và thành tựu khoa học và giảng dạy giúp nâng cao uy danh của trường đại học trên trường quốc tế. Tiếng Anh gọi mục đích này là ‘visibility’, tức là ‘điểm nổi’. Trường đại học có nổi hay không là nhờ vào những giáo sư và những đóng góp của họ.

Mục đích thứ hai là ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học. Ghi nhận qua việc bổ nhiệm họ vào vị trí tương xứng. Vị trí tương xứng trong khoa bảng, xã hội, và tài chánh. Do đó, có thể nói rằng mục đích thứ hai của việc bổ nhiệm giáo sư là tưởng thưởng.

PV: Anh đánh giá thế nào về số lượng giáo sư, phó giáo sư Việt Nam tăng đột biến năm vừa qua?

NVT: Báo chí và nhiều người trong giới học thuật đã nhận xét rằng con số giáo sư và phó giáo sư năm nay tăng một cách “đột biến” so với năm trước. Tôi xem lại con số thì sự gia tăng chủ yếu là ở nhóm phó giáo sư (tăng gần 80%, từ 638 đến 1141), còn nhóm giáo sư thì tăng 30% (từ 65 lên 85 người). Đúng là có tăng bất thường.

Nhưng tôi nghĩ nếu nhìn lại quá khứ thì cũng đã có những đợt tăng đột biến như thế. Có thể xem biểu đồ dưới đây để thấy xu hướng tôi vừa đề cập. Qui chế phong giáo sư ở Việt Nam bắt đầu từ 1980, và năm đó có đến 83 người được phong giáo sư và 347 người là phó giáo sư. Hai năm sau, số GS và PGS lần lượt là 117 và 664, tính ra tăng 82% so với năm 1980. Năm 1992, Nhà nước phong chức danh giáo sư cho 247 người, và con số này là kỉ lục trong suốt 38 năm qua. Ngay cả những năm 1984, 1992, 1996 và 2002, con số GS dao động trong khoảng 115 đến 210 người! Do đó, có thể nói con số giáo sư được công nhận năm nay (2017) không phải là quá cao.

Tuy nhiên, con số phó giáo sư được công nhận năm 2017 thì đúng là cao một cách bất thường so với suốt thời gian từ 1980 đến 2016.

Để thấy những con số GS/PGS của Việt Nam là bất bình thường, chúng ta phải nhìn sang Thái Lan để so sánh. Số liệu năm 2015 của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết các đại học hiện có 6376 associate professor (tức phó giáo sư) và 754 professor (tức cấp “giáo sư” của Việt Nam). Tính chung, các đại học Thái Lan có khoảng 7130 giáo sư và phó giáo sư. Ở Việt Nam, chỉ tính từ 2001, đã có 981 giáo sư và 8074 phó giáo sư, tức tổng số cao hơn Thái Lan khoảng 27%!

Biểu đồ thể hiện số giáo sư (màu hồng) và phó giáo sư (màu xanh) được phong hay công nhận từ năm 1980 đến 2017.

PV: Ở Australia có trường hợp cụ thể nào được phong hàm giáo sư trọn đời như ở Việt Nam không ạ? (theo em được biết thì ở nhiều nước, chức danh giáo sư thường gắn với thời gian làm việc ở trường đại học)

NVT: Bởi vì giáo sư được xem là chức vụ, nên không ai giữ chức này suốt đời, và do đó không thể dùng chức danh giáo sư suốt đời. Khi được bổ nhiệm chức vụ giáo sư, nhiệm kì thường là 5 năm. Ví dụ như ông John Hewson (cựu giáo sư kinh tế của Đại học New South Wales) khi ông rời khoa bảng và tham gia chính trường thì ông không còn chức danh “giáo sư” trước tên nữa. Tuy nhiên, các đại học Úc có qui chế phong tặng chức danh “Emeritus Professor” cho những giáo sư đã nghỉ hưu nhưng từng có công lớn với trường trong thời gian tại chức. Phong tặng chức danh “Emeritus Professor” phải do một hội đồng khoa bảng của trường đại học xem xét và hiệu trưởng phê chuẩn.

PV: Ở Australia có qui chế giới hạn một giáo sư hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh hay không? Chất lượng hướng dẫn được đánh giá như thế nào? Hiện dư luận Việt Nam đang xôn xao vì giáo sư (là quan chức nhà nước) dù bận rộn nhưng vẫn hướng dẫn cho rất nhiều nghiên cứu sinh và việc đó được quy đổi thành điểm.

NVT: Như tôi có đề cập trong phần tiêu chí đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư, đào tạo và giảng dạy là một trong 5 tiêu chí quan trọng. Đối với các giáo sư ngạch giảng dạy thì chất lượng giảng dạy và viết sách giáo khoa (được xuất bản bởi các nhà xuất bản có uy tín như Wiley, Springer, Elsevier) được xem là một tiêu chuẩn. Nhưng đối với các giáo sư ngạch nghiên cứu thì hướng dẫn sinh viên cấp tiến sĩ và thạc sĩ là một tiêu chuẩn để xem xét đề bạt. Có thể nói 100% các phó giáo sư và giáo sư Úc đều có thành tích hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ, chỉ khác nhau là số lượng mà thôi.

Dĩ nhiên là có giới hạn số nghiên cứu sinh mà một giáo sư có thể hướng dẫn. Thông thường tôi thấy một giáo sư chỉ có thể hướng dẫn 5 sinh viên cùng một lúc, không thể hơn được. Lí do là vì ở Úc, các nghiên cứu sinh là những người làm nghiên cứu toàn thời gian (y như người đi làm), và theo qui định, mỗi tuần giáo sư phải giành ra ít nhất 1 giờ cho một nghiên cứu sinh. Trong thực tế thì nhiều hơn, vì giáo sư phải thường xuyên có mặt để nghiên cứu sinh có thể tham vấn. Đó là chưa tính đến thời gian biên tập bản thảo cho nghiên cứu sinh, họp lab, họp seminar, v.v. Vả lại, cứ mỗi 6 tháng thì đại học họ mời cả thầy và trò gặp hội đồng đào tạo của trường để báo cáo tiến độ, và nếu có vấn đề thì tìm biện pháp khắc phục. Cũng có vài trường hợp khi giáo sư không gặp nghiên cứu sinh thường xuyên thì hội đồng sẽ chuyển nghiên cứu sinh sang một nhóm khác dưới sự hướng dẫn của một giáo sư mới.

Chất lượng hướng dẫn nghiên cứu sinh được đánh giá qua 3 chỉ tiêu. Thứ nhất là nghiên cứu có công bố được bài báo khoa học hay không, và nếu có thì công bố ở những tập san có ảnh hưởng cao hay không. Thứ hai là nghiên cứu sinh có được trao những giải thưởng của các hiệp hội chuyên ngành. Thứ ba là sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu sinh có tìm được vị trí nghiên cứu hậu tiến sĩ (postdoc), và nếu tìm được thì ở trường thuộc hạng “top” hay không. Không chỉ nghiên cứu sinh, mà giáo sư còn phải có khả năng thu hút nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ, và sau khi xong huấn luyện thì sự nghiệp của họ như thế nào. Họ đến “đầu quân” từ tiền của họ hay của labo cũng là một tín hiệu ngầm về uy tín của giáo sư. Tất cả những chi tiết này đều được trình bày trong hồ sơ bổ nhiệm.

PV: Trách nhiệm của giáo sư sau khi được phong hàm là gì? Hoạt động của giáo sư được theo dõi như thế nào? Nếu không thực hiện đúng hoặc đủ thì xử lý ra sao? (miễn nhiệm hay không)

NVT: Câu trả lời tuỳ thuộc vào loại giáo sư. Thường, trong một đại học có nhiều loại giáo sư. Có những giáo sư ở cấp ‘thấp’ nhất là không giữ chức vụ nào quan trọng, còn gọi là ‘giáo sư trơn’. Có những giáo sư là giám đốc điều hành các labo nghiên cứu, nhóm nghiên cứu; có những giáo sư là chair (chủ nhiệm) của một chuyên ngành hay một bộ môn; có những giáo sư giữ chức quản lí như giám đốc một trường, một viện nghiên cứu, hay thậm chí khoa trưởng.

Sau khi được bổ nhiệm hay đề bạt thì các giáo sư vẫn tiếp tục làm công việc nghiên cứu hay giảng dạy, nhưng trường kì vọng họ phải làm tốt hơn nữa. Tốt hơn ở đây có thể hiểu là nâng cao chất lượng nghiên cứu nhiều hơn nữa, tham gia vào các hiệp hội chuyên môn quốc tế ở vai trò cao hơn nữa, tham gia vào các hội đồng biên tập với vai trò cao hơn nữa, v.v. Ngoài ra, trường cũng kì vọng giáo sư đem nhiều tiền về cho trường qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động quốc tế. Như tôi nói trên, mỗi giáo sư — nhất là cấp giáo sư thực thụ — phải là một ‘leader’ hay nhà lãnh đạo. Lãnh đạo ở đây cũng có nghĩa là nâng cái visibility của đại học trên trường quốc tế.

Rất ít khi nào giáo sư bị miễn nhiệm, vì nhiệm kì chỉ có 5 năm. Có những giáo sư sau khi được bổ nhiệm thì thành tích khoa học bắt đầu tuột dốc, và không còn năng lực thu hút tài trợ nữa, nên họ khó có thể gia hạn nhiệm kì sau. Bên cạnh đó, trong thực tế cũng có vài trường hợp bị miễn nhiệm do những hành động hay vi phạm ngoài khoa học, như sách nhiễu tình dục hay vi phạm điều lệ an toàn trong labo gây tai nạn nghiêm trọng cho cộng sự.

Nhưng nhìn chung, các giáo sư có mức độ độc lập rất cao so với những chức vụ khác. Chẳng hạn như tôi có ngân sách riêng, có quyền tuyển dụng nhân sự (như sinh viên tiến sĩ, hậu tiến sĩ, hay phụ tá nghiên cứu), có quyền hợp tác với bất cứ nhóm nghiên cứu nào trên thế giới, có quyền thương lượng với các công ti kĩ nghệ, v.v. Nói chung, mỗi giáo sư có chức vụ cụ thể giống như là giám đốc của một doanh nghiệp khoa học và đào tạo.

PV: Anh có đề xuất gì cho Việt Nam về quy trình phong hàm giáo sư để kết quả thuyết phục hơn hay không?

NVT: Tôi thấy đã có rất nhiều tiếng nói tâm huyết đề nghị cải cách qui trình và tiêu chuẩn cho các chức vụ giáo sư. Ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại những ý kiến mà tôi từng phát biểu (có lẽ quá nhiều lần) trước đây. Tôi có 10 đề nghị, 5 đề nghị “nên” và5 đề nghị “không nên”:

1. Nên thay đổi nhận thức về giáo sư. Chúng ta nên theo qui chế của đa số các đại học trên thế giới và xem giáo sư là một chức vụ, chứ không phải là chức danh hay phẩm hàm.

2. Nên giao việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư cho trường đại học. Điều này đã được các nhà khoa học nêu lên rất nhiều trong thời gian gần đây. Nếu chấp nhận giáo sư là một chức vụ, mà chức vụ thì gắn liền với một đại học, nên một cách hợp lí là nên chuyển việc xét duyệt chức vụ giáo sư cho trường đại học. Tuy nhiên, tình hình ở Việt Nam là có nhiều đại học chưa có năng lực độc lập để bổ nhiệm giáo sư. Do đó, tôi đề nghị chỉ giao cho các đại học có công bố quốc tế thuộc nhóm [chẳng hạn như] “top 10” bổ nhiệm chức vụ giáo sư. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quản lí qui trình và tiêu chí, chứ không nên can thiệp vào các hội đồng bổ nhiệm của đại học.

3. Nên mở rộng 3 cấp giáo sư: assistant professor (giáo sư trợ lí), associate professor (phó giáo sư) và professor (giáo sư). Đây là xu hướng chung ở các đại học Âu Mĩ. Ngay cả ở Úc, nơi từng theo hệ thống của Anh, nay cũng bắt đầu chuyển sang hệ thống ba cấp giáo sư như Mĩ. Các nước trong vùng như Mã Lai, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Singapore, và Hàn Quốc cũng đều theo hệ thống 3 bậc giáo sư như Mĩ. Chuyển sang hệ thống này giúp cho các nhà khoa học Việt Nam “dễ ăn nói” với các đồng nghiệp nước ngoài.

4. Nên tạo ra hai ngạch giáo sư: nghiên cứu khoa học và giảng dạy & đào tạo. Trong thực tế có những nhà khoa học chỉ làm nghiên cứu khoa học, nhưng cũng có nhiều người tập trung vào việc giảng dạy và đào tạo. Cả hai nhóm cần được ghi nhận đúng mức. Dĩ nhiên, tiêu chuẩn cho hai ngạch giáo sư cũng cần phải uyển chuyển để phản ảnh đúng đặc thù cho từng ngạch.

5. Nên có giáo sư nước ngoài bình duyệt (đối với một số ngành khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên). Để cho người được bổ nhiệm chức vụ giáo sư cảm thấy mình xứng đáng đứng trong ‘hàng ngũ’ giáo sư trên thế giới, tôi đề nghị mỗi hồ sơ của ứng viên phải có ít nhất một giáo sư nước ngoài bình duyệt. Các giáo sư nước ngoài phải được chọn cẩn thận (như thuộc các trường đại học “top 500”) và có thành tích khoa học tốt. Điều này có thể khó lúc đầu, nhưng Đại học Tôn Đức Thắng đã làm và khá thành công.

6. Không nên bổ nhiệm các quan chức làm giáo sư. Việt Nam có lẽ là một trong vài nơi công nhận chức danh giáo sư cho các quan chức. Tôi nghĩ có thể có cách làm khác như cách làm ở Úc. Thay vì công nhận chức danh giáo sư cho họ, có thể tạo ra một chức vụ mới gọi là “Giáo sư kiêm nhiệm” hay “Conjoint Professor” (có khi gọi là “Adjunct Professor”), và theo qui chế này họ có quyền dùng chức danh “Giáo sư kiêm nhiệm” nhưng không được dùng chức danh “Giáo sư”.

7. Không nên có những tiêu chuẩn cứng nhắc như viết sách. Viết sách có thể xem là một tiêu chuẩn, nhưng không nên xem đó là yếu tố quyết định cho các chức danh giáo sư. Thành tựu khoa học của một cá nhân không thể chỉ phản ảnh qua sách. Thật ra, ở Úc một số ngành người ta không xem việc biên sọan sách là một tiêu chuẩn quan trọng.

8. Không nên theo đuổi những tính toán máy móc như điểm bài báo trên các tập san có bình duyệt ở nước ngoài tương đương hay cao hơn một chút so với những bài báo công bố trên các tập san ở trong nước. Các tập san khoa học nước ngoài, dù là có bình duyệt, cũng “thượng vàng hạ cám”, tức là rất khác nhau về phẩm chất. Một công trình trên tập san New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, Nature, Science, Cell thì không thể xem tương đương với hay cao hơn chỉ 1-2 điểm so với một tập san như Medical Journal of Australia hay Y học thực hành được.

9. Không nên “bình quân hóa” trong xét duyệt công trạng khoa học.Hiện nay, một số ngành có xu hướng đánh đồng công trạng trong công trình nghiên cứu khoa học, mà theo đó rất nhiều ứng viên không đóng vai trò quan trọng trong bài báo vẫn được tính điểm như các tác giả khác (kể cả tác giả chủ trì). Cần nhớ rằng bổ nhiệm chức vụ giáo sư là nhận dạng và khuyến khích tính độc lập của nhà khoa học, nên cần phải đòi hỏi họ phải là tác giả chính các công trình khoa học quan trọng, chứ không thể “ăn theo” mà vẫn có điểm. Điều này có ý nghĩa quốc gia, bởi vì hơn 70% các bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là do hợp tác với nước ngoài và thường do người nước ngoài chủ trì; chúng ta phải thay đổi tình hình này bằng cách thay đổi tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư.

10. Không nên quá chú trọng vào lượng. Nhiều người có xu hướng quan trọng hóa số lượng bài báo quốc tế, số chức danh ‘danh dự’ như “giáo sư thỉnh giảng” hay số giải thưởng. Tuy nhiên, vấn đề không phải là lượng mà là phẩm. Những ứng viên với vài công trình quan trọng trên các tập san đỉnh hay có nhiều trích dẫn là những người cần phải được quan tâm hơn là những người công bố nhiều nhưng không có tác động. Những chức danh mang tính ngoại giao như “giáo sư thỉnh giảng” không có ý nghĩa hay trọng lượng gì trong việc bổ nhiệm giáo sư cả, nhưng những người được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế tầm vài ngàn người chính là những người cần được ghi nhận.

Những ngộ nhận về giáo sư

Mấy tuần nay, các diễn đàn báo chí ồn ào chung quanh vấn đề phong (hay ‘công nhận’) chức danh giáo sư. Người ta ngạc nhiên về con số tăng “đột biến”, và từ đó đặt dấu hỏi về tiêu chuẩn giáo sư. Báo Tuổi Trẻ có nhã ý mời tôi viết 2 bài để giải thích ý nghĩa và tiêu chuẩn chức danh (hay chức vụ) giáo sư. Bài này bàn về 10 ngộ nhận rất phổ biến ở trong nước.

https://tuoitre.vn/nhung-ngo-nhan-ve-giao-su-20180124083725667.htm

Những ngộ nhận về giáo sư

TTO – Ở nhiều nước, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học.

Những ngày qua, vấn đề công nhận chức danh giáo sư thu hút nhiều sự chú ý của giới báo chí và công chúng. Từ con số giáo sư và phó giáo sư (gọi chung là “giáo sư”) được xem là tăng đột biến, có nhiều câu hỏi về qui trình và tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư.

Đã có nhiều ý kiến bàn về chức danh giáo sư ở nước ngoài, chủ yếu ở các nước Âu châu, Mỹ và Úc. Tuy nhiên tôi thấy có nhiều ngộ nhận cần phải được giải thích lại cho rõ ràng hơn.

Ngộ nhận 1: Giáo sư là phẩm hàm, chức danh hay chức vụ? Trước đây, ở các nước xã hội chủ nghĩa bên Đông Âu, giáo sư trong các đại học được xem là một phẩm hàm (honour hay order) do Nhà nước ban tặng và đương sự giữ hàm đó suốt đời.

Nếu xem giáo sư là một phẩm hàm thì chữ “chức danh giáo sư” có thể dùng. Nhưng ngày nay, nhiều đại học Đông Âu đã theo mô hình đại học Mỹ, nơi mà giáo sư được xem là một chức vụ khoa bảng (academic position), thường do trường đại học đề bạt hoặc bổ nhiệm.

Người ta bổ nhiệm hay đề bạt một cá nhân, chứ không ai “bổ nhiệm chức danh.” Do đó, ở Mỹ và Úc không có trường nào “công nhận chức danh giáo sư”; họ chỉ bổ nhiệm hay đề bạt “chức vụ giáo sư” như là một hình thức công nhận những đóng góp quan trọng và xuất sắc của các ứng viên.

Ngộ nhận 2: Chỉ có hai bậc giáo sư? Ở Việt Nam chỉ có hai bậc giáo sư là “Phó giáo sư” và “Giáo sư”, nhưng nhiều đại học trên thế giới có 3 bậc giáo sư: Giáo sư trợ lí (Assistant Professor), Giáo sư dự bị (Associate Professor), và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Ở Úc có thời theo hệ thống của Anh, nên một số đại học còn duy trì hệ thống 4 bậc: Giảng viên (Lecturer), Giảng viên cao cấp (Senior Lecturer), Giáo sư dự bị (Associate Professor) hay Reader, và Giáo sư thực thụ (Full Professor).

Lưu ý rằng tuy mang danh là “Giáo sư trợ lí” nhưng những người giữ chức vụ này không phải là phụ tá cho giáo sư nào cả, mà họ là những nhà khoa học độc lập.

Ngộ nhận 3: Giáo sư chỉ dành cho người giảng dạy? Trong thực tế, chức vụ giáo sư có thể dành cho người giảng dạy đại học, nhưng cũng dành cho những người chuyên làm nghiên cứu khoa học, hoặc những người vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học.

Các đại học phương Tây đề bạt chức vụ giáo sư theo 2 ngạch: nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cũng là chức vụ và danh xưng “giáo sư”, nhưng mỗi ngạch có những tiêu chuẩn khác nhau. Những giáo sư theo ngạch nghiên cứu rất ít giảng dạy; nếu có giảng dạy thì qua hướng dẫn nghiên cứu sinh. Trong khi đó, những giáo sư theo ngạch giảng dạy vẫn phải làm nghiên cứu khoa học.

Ngộ nhận 4: Giáo sư phải là người của đại học? Không hẳn như thế. Đa số giáo sư là người của trường đại học (hiểu theo nghĩa trường đại học trả lương); tuy nhiên, một số không ít các nhà khoa học làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc bệnh viện vẫn có thể giữ chức vụ giáo sư nhưng không do đại học trả lương.

Ở Đức, có cả 5 “con đường”, kể cả giảng dạy, nghiên cứu khoa học và lãnh đạo khoa học, để một ứng viên được thăng tiến và đề bạt vào chức vụ giáo sư.

Đó là chưa kể một số giáo sư kiêm nhiệm, nhưng họ phải đề chức danh trước tên là “Adjunct Professor” chứ không được đề là “Professor”. Một số người sau khi rời đại học và không còn giảng dạy (có thể là nghỉ hưu) vẫn có thể được quyền dùng danh xưng giáo sư, nhưng kèm theo chữ “Emeritus”.

Danh xưng “Emeritus Professor” không phải “tự động” sau khi nghỉ hưu, mà phải do hội đồng khoa bảng của đại học quyết định trao tặng cho những người đã có những đóng góp quan trọng cho trường đại học khi còn tại chức.

Ngộ nhận 5: Mỗi bộ môn trong đại học chỉ có một giáo sư? Điều này không đúng với thực tế. Ở nhiều nước, kể cả Mỹ, Úc, Canada, Đức, Anh, mỗi bộ môn có thể có nhiều giáo sư thực thụ. Dĩ nhiên, mỗi bộ môn chỉ có một giáo sư trưởng bộ môn.

Cần nói thêm rằng ở nước ngoài, nhiều giáo sư không muốn làm trưởng bộ môn vì họ không muốn những công việc hành chính làm ảnh hưởng đến nghiên cứu của họ và do đó, nhiều nơi có chế độ luân lưu trưởng bộ môn.

Ngộ nhận 6: Công bố nhiều bài báo khoa học mới xứng đáng giáo sư? Bổ nhiệm chức vụ giáo sư không tuỳ thuộc vào năng suất nghiên cứu khoa học (thể hiện qua số bài báo khoa học đã công bố), mà tuỳ thuộc rất lớn vào chất lượng và tác động xã hội của nghiên cứu khoa học. Do đó, công bố nhiều bài báo không bao giờ được xem là yếu tố quyết định trong đề bạt các chức vụ khoa bảng.

Cũng cần phải nói thêm rằng bài báo khoa học chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn khác như đóng góp cho trường, đóng góp cho quốc gia, đóng góp cho chuyên ngành, uy tín trong chuyên ngành ở tầm quốc tế và phụng sự xã hội.

Ngộ nhận 7: Công bố một hay vài bài báo khoa học trên tập san “đỉnh” là xứng đáng chức vụ giáo sư? Chất lượng nghiên cứu khoa học không phải chỉ thể hiện qua một hay vài báo báo quan trọng. Do đó, có nhiều người ở nước ngoài dù có các công trình trên các tập san hàng đầu như Science, Nature, Cell… nhưng vẫn chưa đủ chuẩn để được đề bạt lên chức vụ giáo sư.

Khi đề bạt chức vụ giáo sư, hội đồng phải xem xét cả quá trình dài của ứng viên, chứ không phải chỉ vài trường hợp cá biệt hay ngoại lệ.

Ngộ nhận 8: Giỏi chuyên môn và viết nhiều sách mới xứng đáng giáo sư? Có nhiều người hiểu lầm rằng hễ giỏi chuyên môn là xứng đáng chức vụ giáo sư, nhưng quan điểm này không đúng và không khoa học. Vấn đề là ai đánh giá và dựa vào tiêu chí gì để đánh giá là “giỏi”.

Như có đề cập trên, trình độ chuyên môn chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để đề bạt hay bổ nhiệm chức vụ giáo sư.

Nói chung, viết sách không phải là một tiêu chuẩn cần thiết để được đề bạt chức danh giáo sư. Tuy nhiên, có vài nơi và vài chuyên ngành, người ta xem sách là một chứng cứ về nghiên cứu khoa học nên vẫn được xem xét như là một tiêu chuẩn để đề bạt.

Ngộ nhận 9: Giáo sư phải có bằng tiến sĩ? Ngày nay, đa số các giáo sư có bằng tiến sĩ, nhưng chỉ có một số ít tiến sĩ trở thành giáo sư. Tuy nhiên, văn bằng tiến sĩ không phải là điều kiện cần để trở thành giáo sư. Trong thực tế, ở các nước đang phát triển và ngay cả ở các nước tiên tiến, có nhiều bác sĩ và không ít nhà khoa học với bằng cao học (masters) vẫn có thể được bổ nhiệm làm giáo sư.

Ngộ nhận 10: Tiêu chuẩn đề bạt hay bổ nhiệm giáo sư giống nhau giữa các đại học? Ở các nước Âu Mỹ, các đại học có những tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm chức vụ giáo sư rất khác nhau.

Các đại học càng danh tiếng có những tiêu chuẩn càng cao so với các đại học kém nổi tiếng. Chẳng hạn các đại học trong nhóm “G8” (Úc) hay các đại học trong nhóm “Ivy League” (Mỹ) có tiêu chuẩn cao hơn các đại học vùng hay đại học trong nhóm “state university”.

Tóm lại, giáo sư là một chức vụ khoa bảng và chức vụ này được bổ nhiệm hoặc đề bạt theo hai ngạch giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học, với những tiêu chuẩn khác nhau.

Tiêu chuẩn không chỉ giới hạn trong số lượng hay chất lượng nghiên cứu khoa học, mà còn bao gồm những khía cạnh đóng góp cho chuyên ngành, cho xã hội, cho trường và cho quốc gia.

Mỗi nước có một hệ thống giáo dục đại học riêng, do đó các tiêu chuẩn về chức vụ giáo sư cũng rất khác nhau giữa các nước. Tuy nhiên, có một mẫu số chung ở các nước Âu Mỹ là các quan chức trong chính phủ không giữ chức vụ giáo sư. Họ có thể được trao tặng danh hiệu “giáo sư”, nhưng họ không phải là giáo sư thực thụ.

Vài năm trước ở Anh có một quan chức rất cao cấp dùng danh xưng “Professor” trước tên bà, nhưng hai đại học Úc đã nhắc nhở rằng bà chỉ có quyền dùng danh xưng “Adjunct Professor” (để người ta biết rằng đó không phải là một chức vụ chính thức).

Việt Nam, sau lần công nhận chức danh giáo sư năm nay, đã có hơn 12.000 giáo sư và phó giáo sư. Đó là một con số khá lớn so với nước láng giềng. Ở Thái Lan, số liệu năm 2015 cho thấy cả nước có 6.343 phó giáo sư và 754 giáo sư.

Tuy nhiên, Thái Lan chỉ có khoảng 150 đại học, trong đó có 14 đại học tự chủ. Nhưng mỗi năm Thái Lan công bố được gần 10.000 bài báo khoa học, cao gấp 2 lần Việt Nam.