Hôm thứ Hai (23/5/2022) ông Anthony Albanse, 59 tuổi, thuộc đảng Lao Động đã được Tổng toàn quyền tuyên thệ là Thủ tướng thứ 31 của Úc. Vậy là sau 9 năm làm đối lập trong bóng tối, đảng Lao Động đã quay lại cầm quyền, và có thể mở đầu một trang sử mới của nước Úc.

Link: https://cuoituan.tuoitre.vn/cuoc-song-muon-mau/bau-cu-uc-chon-an-sinh-tren-an-ninh-1648311.html
Ở Úc, tuy có nhiều đảng chính trị, nhưng chỉ có đảng Lao Động và đảng Tự Do luân phiên nhau cầm quyền. Đảng Lao Động cũng giống như đảng Dân Chủ bên Mĩ, tức thuộc thành phần cấp tiến và nghiêng về an sinh xã hội cho người nghèo. Đảng Tự Do có triết lí giống như đảng Cộng Hoà bên Mĩ, tức bảo thủ và nghiêng về lợi ích của doanh nghiệp.
Đa số những người theo đảng Tự Do thường là giai cấp trung lưu, và ngược lại, đa số những người theo đảng Lao Động thuộc giai cấp lao động hay thuộc công đoàn. Trong suốt chiều dài lịch sử của Úc, chưa có đảng nào khác ngoài hai đảng Tự Do và Lao Động cầm quyền.
Bối cảnh dẫn đến tổng tuyển cử
Lần tổng tuyển cử năm 2019, đảng Tự Do thắng cử với 77 ghế trong hạ nghị viện, và ông Scott Morrison làm thủ tướng. Ông được xem là một người bảo thủ nhưng ôn hoà, và rất được lòng dân.
Ba năm cầm quyền của ông gặp rất nhiều thách thức. Mới nhậm chức không lâu thì trận cháy rừng lịch sử xảy ra, gây thiệt hại khá lớn cho người dân Úc. Trong lúc rừng bị cháy khốc liệt và hàng vạn người dân lâm vào cảnh ‘màn trời chiếu đất‘ thì ông Morrison và gia đình đang nghỉ hè ở Hawaii. Mặc dù ông liên lạc hàng giờ với các thành viên trong Nội các để chỉ đạo khắc phục trận cháy rừng, nhưng sự vắng mặt của ông trong lúc ‘dầu sôi lửa bỏng’ đã làm cho công chúng rất giận. Cho dù ông đã lên tiếng xin lỗi, nhưng đối với công chúng, ông đã bắt đầu ‘mất điểm’ từ lúc đó.
Sau trận cháy rừng là đại dịch Covid-19. Tính đến nay, tổng số ca Covid-19 ở Úc là gần 7 triệu (dân số Úc là 25.7 triệu), và có gần 8100 người chết có liên quan đến Covid-19; tuyệt đại đa số những ca tử vong là trên 60 tuổi.
Mặc dù Úc dưới thời chánh phủ Morrison được giới khoa học thế giới đánh giá là đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19, nhưng con số 8100 ca tử vong đó đã làm cho công chúng Úc và đảng đối lập (Lao Động) có cái cớ để chỉ trích đảng Tự Do và ông thủ tướng Scott Morrison.
Thật ra, trong thời gian thực hiện những biện pháp đó cũng có một số sai lầm về dự báo, thậm chí chủ quan. Do đó, chính ông Morrison thú nhận rằng chánh phủ của ông đã phạm một số sai lầm trong thời gian chống dịch. Trong một lần gặp gỡ giới báo chí, khi được hỏi về trách nhiệm cá nhân, ông nói “Không phải tất cả những hành động tôi làm đều đúng. Và, tôi chấp nhận những phê bình về những sai lầm của tôi. Bị phê bình là một phần của công việc.”
Ngoài những sai sót và sơ suất trong việc đối phó với những thiên tai như trên, chánh phủ Morrison còn có vấn đề mất đoàn kết nội bộ. Vào đầu tháng 2/2022, báo chí Úc tiết lộ những tin nhắn giữa bà Thủ hiến tiểu bang New South Wales (thuộc đảng Tự Do) và một bộ trưởng liên bang trong chánh phủ Morrison, mà trong đó bà gọi ông Morrison là ‘tâm thần’, là hay tung tin giả để đánh bóng tên tuổi mình. Ông Barnaby Joyce là Phó thủ tướng cũng gởi vài tin nhắn cho đồng nghiệp cáo buộc rằng ông sếp của mình (thủ tướng Morrison) là một kẻ nói dối, một người lừa đảo. Khi nghe những tiết lộ này, ông Morrison nói rằng “Dĩ nhiên, tôi không hài lòng và bác bỏ những cáo buộc đó.” Nhưng ông không kỉ luật ông Phó thủ tướng vì ông xem đó chỉ là một lời nói bất bình trong lúc giận dữ.
Một số dân biểu trong đảng Tự Do cho rằng ông Morrison là người ‘tàn nhẫn’ và hay ăn hiếp cấp dưới. Có dân biểu còn tuyên bố trên báo rằng mặc dù bà là người của đảng Tự Do nhưng bà sẽ không bầu cho Morrison tái đắc cử!
Tình hình còn trở nên bất lợi cho chánh phủ Morrison khi báo chí tiết lộ những bê bối liên quan đến vụ hãm hiếp và những ngược đãi phụ nữ ngay trong Hạ nghị viện. Giữa tháng 2/2022, một nữ nhân viên Hạ nghị viện tên là Brittany Higgins lên báo tố cáo rằng cô bị một đồng nghiệp nam hãm hiếp ngay trong văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng. Tiếp theo vụ tố cáo đó, hàng loạt nữ nhân viên lên tiếng rằng họ cũng là nạn nhân của những vụ bạo hành như thế trong Hạ nghị viện. Những tố cáo như thế trước khi xuất hiện trên báo chí đã được báo cáo cho các bộ trưởng liên quan, thế nhưng họ hoặc là im lặng hoặc là không xử lí thoả đáng.
Ông Morrison là thủ tướng nên cũng bị liên lụy vì những người tố cáo cho rằng ông quá thụ động trong việc lên tiếng và không có những biện pháp nhằm ngăn chận những sự việc như thế xảy ra trong tương lai. Ông Morrison sau này có lên tiếng xin lỗi nạn nhân, và đặc biệt là cô Higgins. Ông nói “Tôi xin lỗi. Chúng tôi xin lỗi. Tôi xin lỗi cô Higgins vì những sự việc xảy ra đối với cô ấy ngay tại đây. Những ngược đãi này phải chấm dứt.” Tuy nhiên, sự phản ứng chậm trễ của ông Morrison trước những ngược đãi như thế cũng làm cho ông ‘mất điểm’ trước công chúng.
Lựa chọn giữa an ninh và an sinh
Trong bầu không khí chánh trị nội bộ như thế, ông Morrison phải tìm cách khắc phục, và cách tốt nhứt là kêu gọi tổng tuyển cử. Có thể ông Morrison nghĩ rằng sau trận đại dịch và qua tổng tuyển cử thì công chúng sẽ ‘tha thứ’ những sai sót trong nhiệm kì chánh phủ của ông. Ngày 10/4/2022, Thủ tướng Morrison quyết định ngày tổng tuyển cử là 21/5/2022. Mỗi đảng có chừng 5 tuần để vận động và thuyết phục công chúng bầu cho họ.
Đảng Tự Do cố gắng thuyết phục cử tri rằng họ có kinh nghiệm tốt trong việc điều hành nền kinh tế (và bằng chứng là nền kinh tế Úc vẫn phát triển dù trong đại dịch), rằng họ ‘mạnh’ về an ninh quốc gia và quốc phòng. Họ chỉ trích đảng Lao Động là ‘yếu’ trong chánh sách ngoại giao và an ninh quốc gia. Ông Thủ tướng Morrison còn tuyên bố rằng người đứng đầu đảng Lao Động Anthony Albanese là “như tờ giấy trắng”, ý nói không có chánh sách hay viễn kiến gì. Họ lấy an ninh quốc gia như là một điểm nhấn trong cuộc tranh cử.
Một trong những sáng kiến mà chánh phủ Morrison rất tự hào là Thoả ước AUKUS giữa 3 nước Úc, Anh và Mĩ được tuyên bố vào giữa tháng 9/2021. Theo Thoả ước này, 3 quốc gia trên sẽ hợp tác phát triển các lãnh vực công nghệ như internet, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, siêu âm thanh, và chiến tranh điện tử. Một thoả thuận quan trọng trong Thoả ước AUKUS là Mĩ và Anh sẽ giúp Úc xây dựng tàu ngầm hạt nhân, và qua đó nâng cao khả năng phòng vệ của Úc.
Ngay sau khi kí Thoả ước AUKUS, Morrison tuyên bố huỷ hợp đồng với Pháp trong việc xây dựng tàu ngầm. Cần nói thêm rằng Pháp có hợp đồng sản xuất tàu ngầm cho Úc trị giá 90 tỉ đôla. Việc huỷ hợp đồng này làm cho chánh phủ Pháp Macron rất giận với Úc. Tổng thống Emmanuel Macron nói: “[Úc] và Pháp đã chung vai trong nhiều cuộc chiến bảo vệ tự do. Chúng ta chia sẻ cùng giá trị. Tôi tôn trọng lựa chọn mang tính chủ quyền của các ông. Nhưng các ông cũng phải tôn trọng đồng minh và bạn bè. Thế nhưng các ông đã không tỏ ra tôn trọng. Tôi cho rằng sự việc này [huỷ hợp đồng] sẽ gây tác hại đến danh tiếng của Úc và ngài thủ tướng.” Ông Macron còn nói rằng ông Morrison là một kẻ nói dối. Hai người không thể nói chuyện trong các cuộc họp quan trọng sau đó.
Đảng Lao Động ở thế yếu hơn trong thời gian vận động tranh cử, vì những lôi thôi trong nội bộ trước đây và chưa có cơ hội để chứng minh khả năng điều hành quốc gia. Các chiến lược gia đảng Lao Động vạch đường hướng tranh cử bằng cách tập trung vào các vấn đề an sinh xã hội để phân biệt họ với đảng Tự Do.
Một trong những vấn đề được đảng Lao Động ‘làm lớn chuyện’ là giá sinh hoạt hàng ngày ở Úc càng ngày càng cao, làm cho đời sống người lao động càng ngày càng khó khăn hơn, và họ hứa sẽ kiểm soát giá cả sao cho công chúng có cuộc sống dễ thở hơn. Tập trung vào vấn đề thiết thực này, đảng Lao Động đã làm cho cử tri tạm thời xao lãng vấn đề an ninh quốc gia.
Một vấn đề khác mà đảng Lao Động tạo ra được một sự khác biệt rõ nét với đảng Tự Do là vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, 16% dân số Úc tuổi 65 trở lên, tức ‘cao tuổi’. Nhu cầu chăm sóc những người này trở thành một vấn đề chánh trị, nhứt là sau một báo cáo của Hoàng gia Uỷ ban chi ra rằng hệ thống y tế Úc đã thất bại trong việc chăm sóc những người cao tuổi ở các nhà dưỡng lão. Không phải chánh phủ Morrison không quan tâm đến vấn đề này, nhưng vì họ tập trung vào các vấn đề an ninh quốc gia nên xem nhẹ vấn đề gần với người dân hơn. Có thể nói rằng chiến lược tập trung vào vấn đề chăm sóc người cao tuổi đã nâng cao uy tín của đảng Lao Động trước mắt công chúng.
Ngoài các vấn đề an sinh xã hội, đảng Lao Động còn lấy điểm cử tri trước vấn đề biến đổi khí hậu. Ông Scott Morrison dù rất quan tâm đến biến đổi khí hậu, nhưng đa số công chúng xem đảng Tự Do quá gần với giới doanh nghiệp vốn mang tiếng là kém thân thiện với môi trường. Ngược lại, ông Anthony Albanese thì tỏ ra rất dứt khoát với những hứa hẹn sẽ có hành động để giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Phản ứng của báo chí trước ngày bầu cử nói chung là ngiêng về đường lối của đảng Lao Động. Những tờ báo nổi tiếng có xu hướng thiên tả (như The Age, Sydney Morning Herald, The Guardian Australia) có những bài xã luận ủng hộ đảng Lao Động, nhưng phê bình rằng cả hai đảng đều thiếu viễn kiến lớn cho nước Úc. Tờ ‘The Age’ không dấu diếm gì quan điểm kêu gọi thay đổi chánh phủ để khôi phục tính liêm chánh trong chánh trị và đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, những tờ báo được xem là ‘bảo thủ’ (như The Australian, Australian Financial Review) ca ngợi sự lãnh đạo của Morrison trong những thời gian khó khăn nhứt, và do đó họ vẫn ‘trung thành’ ủng hộ đảng Tự Do của ông Morrison.
Kết cục thay đổi chánh phủ
Kết quả tổng tuyển cử ngày 21/5 vừa qua cho thấy đảng Lao Động đã có thể lập chánh phủ. Tuy số phiếu đã đếm được chiếm 73% tổng số phiếu bầu, nhưng đảng Lao Động đã chiếm được 74 ghế, còn liên đảng Tự Do và Quốc Gia chỉ 56 ghế. Đảng Tự Do và ông Morrison cũng chấp nhận rằng họ đã thất cử. Ngày 23/5, Tổng toàn quyền Úc đã làm lễ thụ phong Thủ tướng thứ 31 cho ông Anthony Albanese.
Đảng Tự Do đã cầm quyền 9 năm, và họ đã bắt đầu vừa mệt mỏi vừa ngạo mạn. Chính ông Morrison cũng thấy điều đó. Do đó, một sự thay đổi là rất cần thiết và cũng hợp với qui luật tự nhiên.
Chiến lược tập trung vào an ninh quốc gia và kinh tế của đảng Tự Do không đủ thuyết phục cử tri. Càng không thuyết phục khi Trung Quốc kí thoả thuận với quốc đảo Solomon về an ninh, vì sự việc cho thấy chánh phủ Morrison đã thất bại, hay nếu không thất bại thì cũng chẳng hơn gì so với đảng Lao Động.
Năng lực quản lí kinh tế của đảng Tự Do cũng không đủ thuyết phục cử tri khi họ đã và đang phải đau khổ vì giá sinh hoạt tăng chóng mặt trong những năm gần đây. Theo điều tra xã hội, giá sinh hoạt là mối quan tâm số 1 của cử tri, và vẫn theo kết quả điều tra đó, 32% cử tri nghĩ rằng đảng Lao Động có khả năng giải quyết vấn đề này hơn là đảng Tự Do.
Người dân đã chọn an sinh hơn là an ninh. Có vẻ ông Morrison cũng nhận ra điều này. Trong bài nói chuyện trước những người ủng hộ ông và đảng Tự Do, ông Scott Morrison chúc mừng ông Albanese và nói rằng: “Tôi luôn luôn tin vào phán xét của người dân Úc, và tôi luôn luôn chấp nhận quyết định của họ“.
____
Box 1: Những câu nói đáng chú ý của hai ứng cử viên thủ tướng
“Một bộ phận quan trọng của tiến bộ là đối thoại với những người không cùng quan điểm. Mọi chuyện khác chỉ là nguyên trạng.” Anthony Albanese phát biểu về sự nguy hiểm ‘chủ nghĩa bộ lạc’
“Điều mà người Úc kì vọng ở giới lãnh đạo chánh trị là một chút chánh trực”. Anthony Albanese nói câu này được xem là một cách chỉ trích gián tiếp ông cựu thủ tướng Scott Morrison.
“Tôi có thể hiểu rằng những người có quan điểm rất khác tôi xuất phát từ những động cơ trong sạch. Tôi chỉ xin họ nên gạt bỏ những nghi ngờ rằng những người mà họ bất đồng quan điểm có động cơ xấu”. Phát biểu của cựu thủ tướng Scott Morrison nói về những người chỉ trích ông.
“Là thủ tướng, bạn rót tấm lòng và linh hồn vào công việc mỗi ngày. Không phải tất cả những việc bạn làm đều đúng. Tôi không giả vờ rằng tôi đã đúng trong mọi vấn đề. Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm trong quyền lực và khả năng của mình.” Ông cựu thủ tướng Scott Morrison phát biểu câu này khi ông bị chỉ trích là đã sai lầm trong chống dịch Covid-19 và trận cháy rừng lịch sử.
____

Box 3: Người gốc Việt đầu tiên đắc cử dân biểu liên bang Úc
Người gốc Việt đã làm nên lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Bà Dai Le (Lê Thị Trang Đài) là một ứng cử viên độc lập ra tranh cử với bà Kristina Keneally cựu Thủ hiến tiểu bang New South Wales tại đơn vị Fowler vùng Tây Nam Sydney. Bà Trang Đài đến Úc vào năm 1975 lúc 11 tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học, bà làm phóng viên cho đài truyền hình quốc gia ABC của Úc và được xem là một phóng viên xuất sắc.
Bà là người hoạt động cộng đồng tích cực, và được bầu làm Phó Thị Trưởng thành phố Fairfield. Bà tham gia đảng Tự Do và ra tranh cử vào năm 2019 nhưng bị thất cử. Lần này (2022) bà rời đảng Tự Do và ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập và đã thắng cử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Úc có một người gốc Việt được bầu vào Hạ nghị viện.