Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021)

Sáng nay đọc báo mới biết một trong những nhà văn quan trọng nhứt sau 1975 Nguyễn Huy Thiệp qua đời ở tuổi 71. Ông là tác giả của cuốn tiểu thuyết ‘Tướng về hưu’ (1988), từng nổi tiếng một thời và gây ra nhiều tranh cãi kịch liệt. Tôi nhớ đến nhà văn là qua cuốn tiểu thuyết đó.

Thời đó (giữa thập niên 1980s), những người ở hải ngoại như tôi rất khó đọc được những tác phẩm văn học từ Việt Nam. Lí do là cấm vận, là thù hận cao ngất, nên các tác phẩm từ Việt Nam không được chào đón ở ngoài này, mà chỉ có một số ít mê văn học tìm đọc mà thôi. Mà, các tác phẩm gọi là ‘văn học’ thời đó cho oai, chớ chẳng có gì là văn học cả, mà toàn là tuyên truyền.

May be a black-and-white image of 1 person
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950 – 2021). Ông được sanh ra ở Thái Nguyên, nhưng quê gốc ở Thanh Trì – Hà Nội. 

Tuy nhiên, sự ra đời của ‘Tướng về hưu’ làm thay đổi nhận thức của vài người ở hải ngoại. Hoá ra, trong nước vẫn có người sáng tác không theo cái motif và framework có sẵn. Người đó là Nguyễn Huy Thiệp, người đi ra ngoài cái khuôn sáo của loại văn chương dạy đời và tuyên truyền, hay nói theo tiếng Anh là ‘thinking outside the box’.

May be an image of text that says 'Tưáng LOC TRUYỆN NGĂN CHỌN vehuu TUẦN BÁO VĂN NGHỆ NHÀ XUẤT BẢN ĐÀ NĂNG 1988'

‘Tướng về hưu’ tiểu thuyết hoá một gia đình ngoài Bắc thời mới ‘Đổi Mới’. Gia đình đó có ông Thuấn, là một tướng về hưu; bà vợ bị lẩn; người con trai nhu nhược làm việc ở Viện Vật Lí và cô dâu làm nghề bác sĩ chuyên nạo phá thai. Dưới đây là một đoạn mô tả gia đình đó bằng những câu chữ ngắn và có vẻ thô:

Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn […] Tôi ba mươi bẩy tuổi, là kỹ sư, làm việc ở Viện vật lý. Thủy, vợ tôi, là bác sĩ, làm việc ở bệnh viện sản. Chúng tôi có hai con gái, đứa mười bốn, đứa mười hai. Mẹ tôi lẫn lộn, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ.”

Đó là những câu chuyện về mâu thuẫn giữa giá trị đạo đức truyền thống và thời ‘Đổi Mới’ mà đồng tiền ngự trị và chi phối mọi sanh hoạt xã hội. Ông tướng về hưu cảm thấy mình lạc lõng trong cái xã hội mới. Trong Tướng về hưu, có một chi tiết làm tôi kinh ngạc (hay kinh tởm) là cô dâu của ông Thuấn hay đem nhau thai, có khi nguyên hình người, về nhà cho chó ăn. Dưới đây là đoạn mô tả kinh dị đó để các bạn thưởng lãm (khó đọc nghen):

Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn. Thực ra điều này tôi biết nhưng cũng bỏ qua, chẳng quan trọng gì. Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc. Ông cầm phích đá ném vào đàn chó béc giê: Khốn nạn! Tao không cần sự giàu có này. Đàn chó sủa vang. Ông bỏ lên nhà. Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?!’ ông Cơ bảo: Cháu quên, cháu xin lỗi mợ.

Cố nhiên, đó chỉ là tiểu thuyết thôi. Nhưng dù là tiểu thuyết, Tướng về hưu vẽ lên một bức tranh rất đen tối trong cuộc sống ở miền Bắc trước thời ‘Đổi Mới’. Đối với dân miền Nam như tôi, đọc những chi tiết về thời đen tối đó thấy khó tin sao có những con người vô đạo đức như thế, nhưng hoá ra là thật.

‘Tướng về hưu’ còn có nhiều chi tiết hay khác nữa, những chi tiết mà có lẽ giới kiểm duyệt và văn chương phải đạo không thích. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể rằng trong bản thảo có câu đối thoại:

Cái Vy hỏi: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm có phải không ông?”. Cha tôi chửi: “Mẹ mày! Láo!”.

Nhưng biên tập viên sửa chữ ‘tếu’ thành ‘láo’.

Không ngạc nhiên khi ‘Tướng về hưu’ mới vừa được xuất bản là đã gây tranh cãi. Bản thân tác giả hứng nhận nhiều chỉ trích gay gắt từ các nhà văn khác. Sau này ông giải thích rằng “Đến Chúa Jesus còn bị hắt hủi tại quê nhà cơ mà. Tôi thì ăn thua gì“, và “Bây giờ nghĩ lại, vào những năm 1988-1992, việc người ta phản ứng dữ dội với sáng tác của tôi là chuyện bình thường. Cũng giống như ngày xưa, khi cả xã hội đang mặc đồ bộ đội, một cô gái đột nhiên xuất hiện với chiếc quần bò sẽ làm người khác ngứa mắt. Sau này rồi thì người ta sẽ quen dần đi. Nhưng điều tệ hại là trong cuộc tranh luận văn nghệ đó, có những ý kiến không thuần văn chương, của những người ngoài giới, thậm chí còn có những vu cáo phi văn học.”

Tác phẩm ‘Tướng về hưu’ được trao nhiều giải thưởng văn học, nhưng đa phần là ở nước ngoài. Điều đáng buồn là ông giấu kín việc được trao giải thưởng. Khi được hỏi tại sao, Nguyễn Huy Thiệp cho biết vì ông sợ cái thói ganh tị của người Việt và những kẻ ganh ghét ông sẽ đàm tiếu. Điều này làm tôi nhớ đến chuyện trong nhóm nghiên cứu của tôi, có vài thành viên được trao giải thưởng danh giá về khoa học, nhưng họ không dám ‘khoe’ ra, vì họ nói rằng ở VN ai mà khoe có giải thưởng là thế nào cũng bị ganh ghét!

Nếu năm 1986 là cái mốc về đổi mới chánh trị, thì sự ra đời của tác phẩm ‘Tướng về hưu’ được ví von là mở đầu cho thời kí ‘đổi mới’ trong văn học sau 1975. Nay thì người mở đầu cuộc đổi mới đó đã về cõi vĩnh hằng, và quên đi những tháng ngày ‘úp mặt vào núi’. Là một kẻ ngưỡng mộ văn tài của ông (chớ không quen biết gì với ông), người viết cái note này mong ông thanh thản nơi miền Cực Lạc.

____

Các bạn có thể đọc thêm bài viết của Nhạc sĩ Tuấn Khanh về Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ở đây: https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/10158199521973181