Vaccine và ‘sốc phản vệ’ ở Thanh Hoá: một lí giải dịch tễ học

Sốc phản vệ (Anaphylaxis) là một phản ứng được dùng như là một nguyên nhân để giải thích 4 ca tử vong sau tiêm vaccine Verocell ở Thanh Hoá. Nhưng sốc phản vệ là gì và tại sao nó có vẻ xảy ra khá thường xuyên ở Việt Nam. Cái note này chỉ điểm qua y văn và cung cấp một so sánh dịch tễ học để cho thấy rằng xác suất sốc phản vệ xảy ra ở Thanh Hoá cao gấp 5 lần con số ở Mĩ. Và, điều đó rất đáng quan tâm.

Gần 70 người phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19 ở Thanh Hóa qua nguy kịch.” Đó là cái tít của vnexpress. Con số 70 ca có quá nhiều hay không? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải biết có bao nhiêu người đã được tiêm vaccine. Điều đáng nói là có 4 ca tử vong sau khi tiêm vaccine Verocell. Thông tin này gây hoang mang trong cộng đồng, bởi vì 4 ca là con số tương đối cao, nhứt là trong một tỉnh.

Nguyên nhân chết là gì? Các giới chức y tế cho rằng nguyên nhân là “sốc phản vệ sau tiêm vaccine Verocell.” Trước đây (năm 2015), một số ca sốc phản vệ cũng xảy ra đối với vaccine Quinvaxem cũng gây ra hoang mang cho công chúng. Thường, các giới chức y tế cũng chỉ giải thích đơn giản là “do sốc phản vệ”. Nhưng họ không giải thích hội chứng đó là gì và chứng cứ nào để nói rằng người ta bị sốc phản vệ và tử vong.

Trong cái note này tôi muốn đưa ra một lí giải về dịch tễ học để chúng ta cùng hiểu một chút về sốc phản vệ và mối liên quan đến tử vong. Tôi cũng sẽ điểm qua y văn để biết số ca tử vong và sốc phản vệ xảy ra ở Thanh Hoá là cao hay thấp. Nhưng trước hết, chúng ta cần phải biết sốc phản vệ là gì.

Sốc phản vệ  

Sốc phản vệ là một hội chứng rất chung chung. Y văn định nghĩa sốc phản vệ là một phản ứng cấp tính, toàn thân, và có thể gây tử vong [1]. “Toàn thân” ở đây có nghĩa là liên quan đến nhiều cơ phận, bao gồm hô hấp, tuần hoàn, dạ dày, và cả da. Thường, những ca nghi ngờ là sốc phản vệ, người ta thường đo nồng độ tryptase trong máu. Nồng độ tryptase là một trong những xét nghiệm quan trọng trong lãnh vực dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ. Không có xét nghiệm này thì rất khó đánh giá đúng về sốc phản vệ.

Sốc phản vệ có thể xảy ra sau khi cơ thể tiếp xúc với những chất dị ứng từ nhiều nguồn, kể cả thực phẩm, thuốc, vaccine. Hầu như bất cứ vaccine nào cũng có nguy cơ sốc phản vệ. Viện y học Hoa Kì sau khi điểm qua y văn đi đến kết luận rằng có chứng cớ về mối liên hệ nhân quả giữa vaccine và sốc phản vệ ở thiếu niên và trẻ em. Đó là những vaccine phòng bệnh sở, quai bị, cúm mùa, viêm gan B, HPV, HAV, v.v. Những thành phần của vaccine có thể tạo ra dị ứng là kháng nguyên của vaccine, các phần dư của protein động vật, các thuốc chống vi trùng, v.v.

Theo định nghĩa trên, các biểu hiện của sốc phản vệ bao gồm những dấu hiệu và triệu chứng sau đây:

  • Sưng đường hô hấp, hơi thở khò khè, có khi khó thở
  • Tụt huyết áp, tim đập nhanh, chóng mặt, có khi bất tỉnh
  • Tiêu chảy, đau bụng, ói mửa
  • Da nổi mày đay, ban đỏ, phù, ngứa
  • Tăng nồng độ tryptase trong máu

Theo một bài báo [2], những người sau đây có nguy cơ cao bị sốc phản vệ:

  • tiền sử quá nhạy với vaccine;
  • tiền sử sốc phản vệ;
  • bị hen suyễn;
  • mastocytosis (một bệnh da do có quá nhiều tế bào mast).

Sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong, nhưng xác suất thì rất thấp. Theo một công bố trên UpToDate thì xác suất tử vong từ sốc phản vệ là 0.7 đến 2% ca. Một tổng quan khác của nhóm tác giả Turner và đồng nghiệp thì cho rằng xác suất tử vong từ sốc phản vệ là dưới 1% [3]. Nói cách khác, cứ 100 ca sốc phản vệ, có chừng 1 đến 2 ca tử vong.

Nguy cơ sốc phản vệ?

Câu hỏi quan trọng là xác suất (nguy cơ) sốc phản vệ cao thấp ra sao? Một bài báo trên tập san về dị ứng [1] có câu trả lời này. Sau khi điểm qua y văn, nhóm tác giả ước tính rằng xác suất chung là 1.31 trên 1 triệu liều vaccine. Xác suất này không thay đổi đáng kể giữa các độ tuổi, nhưng nữ có nguy cơ cao hơn nam (1.45 vs 1.14 trên 1 triệu liều).

Họ còn quan sát rằng đa số các ca sốc phản vệ xảy ra trong vòng 30 phút (8 ca), 30 đến 120 phút (8 ca) và 2-4 giờ (10 ca), 4 đến 8 giờ (2 ca) và ngày kế tiếp (1 ca).

Họ không ghi nhận ca tử vong nào trong số 25 triệu liều vaccine [1].

Còn sốc phản vệ đối với vaccine chống Covid-19 thì sao? May mắn là đã có một nghiên cứu công bố trên JAMA [4]. Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu của gần 10 triệu liều vaccine mRNA từ 14/12/2020 đến 18/1/2021 ở Mĩ. Họ ghi nhận 66 ca sốc phản vệ. Tính trung bình, xác suất sốc phản vệ là 4.7 ca trên 1 triệu liều vaccine Pfizer.

Các tác giả không ghi nhận ca tử vong nào từ sốc phản vệ sau 10 triệu liều vaccine [4].

Tình hình ở Việt Nam

Quay lại tình hình Việt Nam, cho đến nay chúng ta không rõ có bao nhiêu ca gọi là ‘sốc phản vệ’ sau khi tiêm vaccine. Chỉ riêng ở Thanh Hoá, đã có 70 ca, trong đó có 4 ca tử vong. Báo chí còn cho biết Bắc Giang ghi nhận 4 ca sốc phản vệ và tử vong, và trong đó 1 ca tử vong.

Có thể nói rằng sốc phản vệ ở Việt Nam cao bất thường. Sốc phản vệ xảy ra một cách ngẫu nhiên (phân bố), hiểu theo nghĩa rải rác ở mọi nơi, chớ không tập trung vào một trung tâm như ghi nhận. Xác suất xảy ra như thế rất hiếm, nhứt là 4 ca tử vong vì sốc phản vệ tại một địa phương càng bất thường hơn.

Nhưng chúng ta phải xem xét con số sốc phản vệ với số liều vaccine đã tiêm chủng. Số liệu của tiemchungcovid19.vn cho thấy tính đến ngày 29/11/2021 có 2,639,672 liều vaccine đã được tiêm chủng.

Nếu chúng ta lấy xác suất sốc phản vệ (từ y văn là 5 ca trên 1 triệu – tôi lấy con số cao), thì với 2.64 triệu liều vaccine, chúng ta kì sẽ quan sát 13 ca sốc phản vệ. Thế nhưng ở Thanh Hoá chúng ta quan sát 70 ca, tức là cao hơn ‘kì vọng’ gấp 5.4 lần!

Như đề cập trên, xác suất tử vong từ sốc phản vệ là khoảng 1%. Với 70 ca sốc phản vệ, số ca tử cao lắm là 1. Thật ra, y văn chưa ghi nhận ai chết vì sốc phản vệ liên quan đến vaccine covid-19. Nhưng trong thực tế, Thanh Hoá có đến 4 ca tử vong!

Do đó, chúng ta phải nói rằng số ca sốc phản vệ ở Thanh Hoá là quá cao. Số ca tử vong liên quan đến sốc phản vệ cũng cao một cách bất thường. Tại sao cao bất thường thì không biết. Nhưng sự thật đó đủ để có một điều tra độc lập. Nhấn mạnh là ‘độc lập’. Những câu hỏi cần có trả lời là: (a) Những sốc phản vệ đã có xét nghiệm tryptase, và nếu có thì kết quả ra sao; (b) Nguyên nhân trực tiếp là gì; (c) Những bệnh đi kèm và tiền sử; (d) Qui trình bảo quản và kiểm tra chất lượng vaccine; (e) Qui trình sàng lọc và tiêm vaccine; và (f) Cần rút ra bài học và kinh nghiệm gì?

Tóm lại, sốc phản vệ là một biến chứng nguy hiểm sau khi tiêm vaccine, nhưng y văn cho thấy xác suất sốc phản vệ rất thấp (chỉ chừng 1-5 phần triệu) và nguy cơ tử vong càng thấp hơn. Tuy nhiên, sốc phản vệ sau tiêm vaccine ở Việt Nam thì lại xảy ra với tần số quá cao và có vẻ bất thường vì tập trung vào một loại vaccine (Verocell) và địa phương. Một điều tra khoa học có thể sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin cần thiết để hiểu hơn về sốc phản vệ ở Việt Nam và cũng là một đóng góp cho y văn thế giới.

______

[1] McNeil M, et al. J Allergy Clin Immunol. 2016 Mar; 137(3): 868–878.

[2] Marco Caminati et al. Who Is Really at Risk for Anaphylaxis Due to COVID-19 Vaccine? Vaccines (Basel). 2021 Jan; 9(1): 38.

[3] Turner PJ, et al. J Allergy Clin Immunol Pract. 2017 Sep-Oct; 5(5): 1169–1178. [4] Shimabukuro TT, et al. JAMA. 2021;325(11):1101-1102. doi:10.1001/jama.2021.1967

Tại sao vaccine Tàu có hiệu quả thấp?

Những nước sử dụng vaccine Tàu đang trải qua một đợt dịch mới [1], và nhiều chuyên gia nghi rằng vaccine Tàu kém hiệu quả. Hoá ra, sự nghi ngờ này phù hợp với chứng cớ khoa học: lượng kháng thể và thời gian tồn tại của kháng thể với vaccine Sinopharm hay Sinovac đều thấp hơn so với vaccine Tây.

1.  Hệ miễn dịch và kháng thể

Để hiểu chứng cớ khoa học, xin cho phép tôi giải thích ngắn gọn về cơ chế của hệ miễn dịch trong chúng ta. Ai cũng biết hệ miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại các mầm mống gây bệnh (như virus, bacteria). Cách hệ thống này bảo vệ là sản sinh ra một đội quân kháng thể, và kháng thể có nhiệm vụ tiêu diệt virus. Nói đơn giản vậy cho dễ hiểu, nhưng nếu muốn tìm hiểu thêm thì có thể đọc bài rất dễ hiểu này [2].

Có hai cách hệ miễn dịch sản sinh kháng thể: bị nhiễm virus và tiêm vaccine. Khi một người bị nhiễm nCov thì hệ miễn dịch người đó sẽ sản sinh ra kháng thể để chống trả lại virus trong tương lai. (Đó chính là lí do mà ông Thượng nghị sĩ Rand Paul nói rằng ông không tiêm vaccine vì đã bị nhiễm rồi). Do đó, vaccine chỉ là một cách để tạo ra kháng thể mà thôi. Và, lượng kháng thể trong cơ thể chúng ta là một ‘đội quân’ quan trọng chống nCov.

Cách thứ hai là tiêm vaccine. Nói ví von, vaccine có chức năng huấn luyện hệ miễn dịch chúng ta nhận ra ‘kẻ thù’ (virus, bacteria). Mỗi vaccine có một con virus đã bị làm suy yếu hay đã bị giết chết, hoặc một protein, hoặc một mảng RNA. Khi cơ thể chúng ta tiếp nhận vaccine, hệ thống miễn dịch nhận ra đây là những ‘kẻ ngoại lai’. Hệ miễn dịch phản ứng bằng cách sản sinh ra những tế bào kí ức và kháng thể nhằm bảo vệ chúng ta khỏi bị nhiễm trong tương lai. Nguyên lí của vaccine đơn giản như thế.

2.  Hai yếu tố liên quan đến kháng thể

Do đó, hiệu quả của vaccine có thể đánh giá qua 2 khía cạnh: (a) lượng kháng thể trong cơ thể; và (b) thời gian mà lượng kháng thể đó tồn tại. Lượng kháng thể càng nhiều thì vaccine có hiệu quả càng tốt — đó là theo lí thuyết.

Nhưng nhiều cũng chưa đủ, mà lượng kháng thể phải tồn tại bao lâu để bảo vệ chúng ta. Nói cách khác, ‘kí ức’ của đội quân kháng thể này tồn tại bao lâu để còn nhận ra ‘kẻ thù’. Lượng kháng thể và thời gian là 2 yếu tố quan trọng.

Theo vài nghiên cứu mới công bố gần đây thì cả 2 khía cạnh này, vaccine của Tàu đều kém hơn vaccine phương Tây.

3.  Lượng kháng thể: vaccine Tàu và vaccine Tây

Theo một nghiên cứu từ Hồng Kông (Lancet Microbe 15/7/2021) thì ở những người được tiêm 2 liều vaccine Pfizer, lượng kháng thể trong người cao gấp 10 lần so với 2 liều Sinovac [3].

Biểu đồ 1: Lượng kháng thể sau khi tiêm vaccine Pfizer và Sinovac (Nguồn: Lancet Microbe 15/7/2021)

Ngay cả một liều vaccine Pfizer lượng kháng thể cũng tương đường với 2 liều Sinovac (xem Biểu đồ 1). Xin nói thêm rằng những người tình nguyện này là nhân viên y tế.

Còn vaccine Sinopharm thì sao? Một nghiên cứu trên hơn 13,000 người tuổi 60+ ở Hungary; trong số này hơn 50% dùng vaccine Sinopharm. Họ dùng ngưỡng kháng thể tối thiểu 50 AU/ml để xem như là có ‘hiệu quả’ [4].

Kết quả như sau: gần 26% những người được tiêm vaccine Sinopharm không đạt ngưỡng đó, trong khi đó chỉ có 1.1 – 1.6% ở người được tiêm vaccine Pfizer và Moderna. Vaccine của Nga cũng khá, với tỉ lệ là 3.2%.

Kết quả phân tích [4] còn cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine Sinopharm tương đối thấp ở người cao tuổi. Có đến gần 35% người trên 80 tuổi không có đủ lượng kháng thể chống lại virus. (Và, điều này rất nhứt quán với kết quả thử nghiệm lâm sàng mà tôi đã điểm qua trước đây, và tôi cũng nói không nên tiêm vaccine Sinopharm cho người cao tuổi).

4.  Thời gian: vaccine Tàu và vaccine Tây

Đó là lượng, còn thời gian tồn tại của kháng thể thì sao? Một nghiên cứu khác (từ Tàu) chưa qua bình duyệt những đã công bố trên một trạm medRxiv [5], thì lượng kháng thể của vaccine Sinovac suy giảm xuống ngưỡng vô hiệu quả sau 6 tháng tiêm chủng. Ở những người được tiêm 2 liều Sinovac cách nhau 2 tuần, chỉ có 17% có lượng kháng thể trên ngưỡng có thể phát hiện sau 6 tháng. Nếu cách nhau 4 tuần thì tỉ lệ khá hơn: 35% sau 6 tháng (xem biểu đồ dưới đây).

Nói cách khác, sau 6 tháng thì chừng 65% đến 83% người được tiêm vaccine Sinovac không còn được bảo vệ. Hiện nay, chưa có dữ liệu này cho vaccine Sinopharm.

Còn vaccine phương Tây? Theo như một nghiên cứu (mới công bố dưới dạng preprint), hiệu quả của vaccine Pfizer [6] đạt đỉnh (96%) sau 2 tháng tiêm chủng, 84% sau 4 tháng, và giảm dần chừng 6% mỗi tháng. Nhưng chú ý nghiên cứu này chỉ theo dõi tình nguyện viên trong 6 tháng mà thôi.

Còn theo một nghiên cứu khác thì tác giả ước tính rằng vaccine Pfizer và Moderna có thể sản sinh đủ lượng kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại virus nhiều năm [7]. Xin nói thêm là nghiên cứu này được công bố trên Nature, đủ nói lên tầm quan trọng của phát hiện này ra sao.

***

Tóm lại, cả hai vaccine Tàu (Sinopharm và Sinovac) có lượng kháng thể thấp hơn (có thể thấp đến 1/10) so với vaccine mRNA như Pfizer. Ngoài ra, thời gian bảo vệ của vaccine Tàu (Sinovac) có vẻ ngắn hơn so với vaccine của Pfizer. Hai yếu tố này có thể là giải thích tại sao hiệu quả cộng đồng (effectiveness) của vaccine Sinovac và Sinopharm thấp, và giải thích một phần sự bộc phát dịch ở những nước dùng vaccine Tàu trong thời gian qua.

PS: Có bạn cho rằng tôi chỉ trích dẫn dữ liệu ‘xấu’ về vaccine Tàu để nói lên thiên kiến của mình. Tôi nghĩ nhận xét như vậy là thiếu trách nhiệm. Tôi trích dẫn các nghiên cứu nghiêm chỉnh (và có tiêu chuẩn hẳn hoi), và tôi cũng chẳng có thiên kiến gì với mấy dữ liệu đó. Thật ra, chẳng có dữ liệu nào xấu hay tốt cả; dữ liệu từ nghiên cứu là thế, vấn đề là mình hiểu nó như thế nào, và để hiểu nó thì phải có một chút kiến thức về RCT và dịch tễ học. Nếu các bạn biết được nguồn dữ liệu nào tốt hơn thì hãy chia sẻ và diễn giải cho bà con biết, chớ nói ‘khơi khơi’ vậy thì rất ư là unprofessional.

Qua câu chuyện chung quanh vaccine Tàu, tôi thấy hình như có nhiều người ở Việt Nam (toàn giới có học khá) bảo vệ vaccine Tàu hơn cả giới khoa học Tàu! Trớ trêu. Giới khoa học Tàu công bố dữ liệu (theo tôi) là khá nghiêm chỉnh (ví dụ như bài này [5]), và họ đâu có hung hãn bảo vệ vaccine của họ là tốt như vài người Việt đâu. Ngay cả Giám đốc Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Tàu cũng nói vaccine của họ không có hiệu quả cao mà. Có lẽ điều này phản ảnh một phần sự khác biệt về văn hoá khoa học giữa Việt Nam và Tàu?

_______

[1] https://www.nytimes.com/2021/06/22/business/economy/china-vaccines-covid-outbreak.html

[2] https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1876034120305670

[3] So sánh lượng kháng thể giữa Sinovac và Pfizer: https://www.thelancet.com/journals/lanmic/article/PIIS2666-5247(21)00177-4/fulltext#coronavirus-linkback-header

[4] So sánh lượng kháng thể giữa Sinopharm và Pfizer: https://budapest.hu/Lapok/2021/a-fovarosi-onkormanyzat-altal-szervezett-antitestvizsgalat_eredmenyei.aspx

[5] Hồ sơ kháng thể của vaccine Sinovac:  https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.07.23.21261026v1

[6] Hồ sơ kháng thể của vaccine Pfizer: https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.07.28.21261159v1.full.pdf

[7] https://www.nature.com/articles/s41586-021-03738-2

Hiệu quả của vaccine trong cộng đồng và ý nghĩa miễn dịch cộng đồng

Có một hiểu lầm rất phổ biến: người ta lấy con số ‘hiệu quả vaccine’ để biện minh rằng vaccine của Sinopharm cũng có hiệu quả như hay hơn vaccine phương Tây. Nhưng đó là một so sánh rất sai. Trong thực tế thì có 2 hiệu quả: hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng và hiệu quả trong cộng đồng. Chưa ai biết hiệu quả của vaccine Sinopharm trong cộng đồng.

1. Một so sánh ‘misleading’

Có bạn trích dẫn con số hiệu quả vaccine Sinopharm (mà một nhóm ở VN nhập về và ‘tặng’ cho TP HCM) là có hiệu quả cao hơn 1.5 lần so với vaccine của Sinovac. Đây cũng là một con số được nhiều bạn trích dẫn và biện minh cho vaccine của Sinopharm. Nhưng cách so sánh đó hoàn toàn sai, hay nói theo tiếng Anh là rất ư ‘misleading‘.

Misleading là vì các quần thể tình nguyện viên của mỗi thử nghiệm lâm sàng hoàn toàn độc lập với nhau. Tỉ lệ nhiễm trong mỗi quần thể cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu (sẽ giải thích dưới đây). Đặc điểm bệnh lí và hồ sơ sức khoẻ của các tình nguyện viên cũng rất khác nhau giữa các nghiên cứu. Quan trọng hơn là tiêu chuẩn để định nghĩa thế nào là nhiễm rất khác nhau giữa nghiên cứu Sinopharm và Sinovac. Vì những khác biệt đó, không thể so sánh hiệu quả vaccine giữa các thử nghiệm lâm sàng. So sánh như vậy là rất rất sai.

Để các bạn biết cách người ta tính hiệu quả vaccine mà tôi trình bày hôm qua [1], tôi mô tả đơn giản như sau:

  • trước hết, tính xác suất nhiễm trong nhóm vaccine, gọi là P1;
  • sau đó, tính tính xác suất nhiễm trong nhóm chứng, gọi là P0;
  • và hiệu quả vaccine được ước tính là VE = 1 – (P1 / P0).

Nhưng vì thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi tình nguyện viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn chọn vào và tiêu chuẩn loại trừ rất khắt khe. Nhưng nhìn chung, các nghiên cứu như thế, kể cả của Sinopharm và Sinovac, chỉ chọn những người khoẻ mạnh (như nhân viên y tế chẳng hạn). Tức là P0 của họ thường thấp, và do đó hiệu quả vaccine (VE) thường cao hơn thực tế.

“Thực tế” là gì?

Thực tế ở đây có nghĩa là nếu vaccine được triển khai trong cộng đồng. Trong cộng đồng có rất rất nhiều những nhóm người rất khác nhau về hồ sơ sức khoẻ. Chẳng hạn như có nhóm người khoẻ mạnh, nhóm người cao tuổi, nhóm người mắc những bệnh nền, v.v. Thành ra, hiệu quả vaccine trong cộng đồng nó phản ảnh đúng thực tế hơn là trong thử nghiệm lâm sàng.

Thuật ngữ khoa học gọi hiệu quả vaccine trong cộng đồng là “effectiveness”, còn trong thử nghiệm lâm sàng là “efficacy”. Đối với người làm hoạch định chiến lược y tế, effectiveness quan trọng hơn efficacy. Tôi sẽ đề cập đến effectiveness là ‘hiệu quả trong cộng đồng‘.

2.  Hiệu quả vaccine trong cộng đồng

Vậy hiệu quả trong cộng đồng của các vaccine ra sao? Rất khó có câu trả lời cho câu hỏi này, bởi vì việc triển khai tiêm vaccine đại trà chỉ mới thực hiện từ khoảng tháng 3/2021. Có vài quốc gia (như Chile chẳng hạn) làm sớm hơn, nhưng thời gian cũng chỉ trên dưới 1 năm. Tuy nhiên, tôi cũng đã cố công điểm qua những nghiên cứu như thế để có câu trả lời (xem Bảng số 1).

Về giảm lây nhiễm, chúng ta thấy rõ ràng là các vaccine như Pfizer, Moderna, AZ và cả CoronaVac có hiệu quả giống nhau, sau khi đã hiệu chỉnh cho dao động mẫu. Các vaccine vừa kể giảm nguy cơ lây nhiễm chừng 60 đến 75%.

Về giảm nguy cơ nhập viện, các vaccine đều có hiệu quả tuyệt vời. Nhưng về con số thì khác nhau, từ 43% (Pfizer) đến 94% (AZ).

Về giảm nguy cơ tử vong, vaccine Pfizer có hiệu quả cộng đồng rất tốt, giảm nguy cơ tử vong đến 72%. Ngay cả CoronaVac qua báo cáo ở Chile cũng giảm nguy cơ tử vong đến 86%.

3.  Không thể so sánh hiệu quả vaccine

Các bạn chú ý cho bảng số liệu này: vaccine CoronaVac của Tàu có vẻ quá tốt. Cả 3 chỉ số về hiệu quả, CoronaVac đều tốt hơn các vaccine như Pfizer Moderna hay AZ! Người với ý nghĩ “In China We Trust” thì đây là chứng cớ quá tốt. Cái gì quá tốt thì đều đáng … nghi ngờ.

Nhưng không phải như vậy, không thể và không nên so sánh như vậy.

Lí do không thể so sánh giữa các con số về hiệu quả cộng đồng thì nhiều, nhưng tựu trung lại là 3 lí do chánh như sau:

Khác quần thể. Mỗi vaccine được triển khai một quần thể khác nhau, ví dụ như Chile khác với quần thể bên Anh và Do Thái, những nơi có hệ thống y tế rất khác nhau và hệ thống báo cáo cũng khác nhau. Do đó, các con số không thể so sánh trực tiếp được.

Cái gọi là ‘hiệu quả vaccine’ không chỉ phản ảnh tác động của vaccine, mà còn các biện pháp giãn cách xã hội. Hầu như ở bất cứ nước nào, triển khai tiêm chủng vaccine đều đi kèm theo các biện pháp giãn cách xã hội, thậm chí lockdown. Thành ra, con số đơn giản đó không cho chúng ta biết có thật sự là do vaccine hay do giãn cách xã hội, hay cả hai. Nhưng vì mỗi nơi có chánh sách và qui định giãn cách xã hội khác nhau, nên các con số không thể so sánh trực tiếp được.

Định nghĩa về ca nhiễm và tử vong cũng khác nhau giữa các nước. ‘Số ca nhiễm’ ở đây thật ra đa số là số ca dương tính xét nghiệm PCR (ở Chile) nhưng ở Anh thì còn thêm cả xét nghiệm xác định. Ngay cả định nghĩa thế nào là tử vong vì Covid cũng rất khác nhau giữa các nước. Do đó, con số hiệu quả giảm tử vong ở Chile (86%) hoàn toàn không có nghĩa là vaccine của Sinovac tốt hơn Pfizer (72%). Hoàn toàn không. Vạn lần không. Triệu lần không. 🙂

4.  Ý nghĩa miễn dịch cộng đồng

Mục tiêu của tiêm vaccine là tạo ra một cộng đồng miễn dịch. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, một phần trăm dân số phải/nên được tiêm chủng và/hay bị nhiễm. Ở Việt Nam con số phần trăm đó hay được nhắc đến là 70%, nhưng tôi không rõ lí do và cách tính toán ra sao. Tuỳ vào cách tính, con số này có thể dao động từ 30% đến 83%.

Con số phần trăm (tạm kí hiệu P) để đạt miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào 2 tham số: hệ số lây lan (R) và hiệu quả của vaccine (VE). Công thức rất đơn giản [2]:

P = (1 – 1/R) / VE

Hệ số lây lan dao động lớn giữa các quần thể, và ở Việt Nam, tôi ước tính từ số ca dương tính ở TPHCM, thì R có thể dao động trong khoảng 1.23 đến 1.50. Nếu hiệu quả vaccine là 60% (tức VE = 0.6, con số của AZ) thì P = 0.31, tức 31% dân số cần phải được tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng với điều kiện R = 1.23.

Tuy nhiên, nếu R = 1.50, thì thành phố phải tiêm chủng AZ cho 56% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng. Còn nếu R = 2.0 thì thành phố phải tiêm chủng cho 83% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Hệ số lây lan, như các bạn thấy, rất quan trọng. Biện pháp để giảm hệ số lây lan chủ yếu là giãn cách xã hội.

Ý nghĩa của những tính toán trên là: song song với triển khai tiêm vaccine thành phố vẫn phải duy trì giãn cách xã hội để đạt miễn dịch cộng đồng.

Tóm lại, con số về hiệu quả vaccine trong thử nghiệm lâm sàng thường cao hơn con số hiệu quả trong cộng đồng. Hiện nay, chúng ta chỉ biết hiệu quả của vaccine Pfizer, Moderna, AZ (và CoronaVac) trong cộng đồng, còn vaccine Sinopharm thì chưa có. Tất cả so sánh về hiệu quả của các vaccine đều không có ý nghĩa gì cả. Tỉ lệ dân số TPHCM cần tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng có lẽ chỉ 56%?

_____

[1] https://nguyenvantuan.info/2021/08/01/vaccine-tau-sinopharm-va-sinovac-co-hieu-qua-ra-sao

[2] https://tuanvnguyen.medium.com/?p=bf72ffc3e138