Vi tử và vi sống

Có lẽ hai chữ đó, vi tử vi sống làm các bạn ngạc nhiên trong năm mới, nhưng đó là một sự cố ý. Nhân dịp đầu năm, tôi xin chia sẻ cùng các bạn một cách nhìn về rủi ro trong cuộc sống qua hai chỉ số tôi tạm dịch là vi tử (micromort) và vi sống (microlife).

Chúng ta sống trong một thế giới đầy hiểm nguy. Hiểm nguy từ những hành vi và hành động hàng ngày. Chúng ta ăn thịt động vật, chúng ta hút thuốc lá và uống bia, rượu chát, tất cả những hành vi đó đều ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta ra ngoài nhà trên cái xe gắn máy hay xe đạp, thậm chí chúng ta đi bộ tập thể dục cũng có nguy cơ tử vong. Ô nhiễm không khí cũng giết chúng ta một cách dần dần, nhưng vô hình. Không nói ra thì ai cũng biết các bệnh phổ biến như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, tim mạch, v.v. đều tăng nguy cơ tử vong — không ít thì nhiều. Có thể nói không ngoa rằng mỗi hành vi và hành động chúng ta làm đều đe doạ đến cái chết của chính chúng ta.

Vấn đề là làm sao định lượng các nguy cơ để đi đến một quyết định tối ưu cho từng ngày. Giữa ăn chay và ăn thịt động vật, tôi chọn thói quen nào cho an toàn? Báo chí viết về những tai nạn kinh hoàng mà tất cả hành khách máy bay đều tử vong không tìm thấy dấu vết, vậy tôi có nên đi máy bay? Mùa dịch Vũ Hán ai cũng sợ vì nghĩ rằng hễ bị nhiễm virus là tương đương với án tử hình. Những nỗi sợ có khi dẫn đến những quyết định phi lí trong đời sống hàng ngày. Nhưng trong thực tế, chúng ta không thể nào loại bỏ các mối nguy cơ, bởi vì thế giới này là một sự hiểm nguy. Do đó, chúng ta cần phải có một phương pháp định lượng các mối nguy cơ hàng ngày để so sánh và có những quyết định sáng suốt.

Trước hết cần phải phân biệt 2 loại nguy cơ: cấp tính và mãn tính. Nguy cơ cấp tính như tên gọi là nguy cơ tử vong ngay khi một biến cố xảy ra. Chẳng hạn như nguy cơ tử vong khi xe auto bị tai nạn. Trường hợp của nghệ sĩ Chí Tài có thể xem là nguy cơ cấp tính vì anh chết ngay sau khi bị đột quị. Nguy cơ mãn tính là loại nguy cơ tích luỹ theo thời gian. Chẳng hạn như hút thuốc lá sẽ không giết chết bạn ngay, mà tuỳ thuộc vào lượng thuốc lá và thời gian bạn hút. Chúng ta đã thấy nhiều người hút thuốc lá nhưng họ có tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình (ví dụ như sống đến tuổi 80 hay 90). Tuy nhiên, nhìn chung người hút thuốc lá có xác suất (nguy cơ) tử vong cao hơn và sớm sớm hơn những người không hút thuốc lá. Đa số chúng ta đối phó với nguy cơ mãn tính qua các hành vi và hành động hàng ngày.

Vi tử

Ronald Howard là một giáo sư về hệ kinh tế thuộc Đại học Stanford, và ông rất quan tâm đến nguy cơ. Vào thập niên 1970s, ông đề xướng khái niệm micromort (viết tắt từ chữ micro-mortality) [1] mà tôi tạm dịch là vi tử. Một cách ngắn gọn, vi tử có nghĩa là xác suất tử vong 1 trên một triệu (1 / 1,000,000). Một vi tử bằng 1 phần triệu. Nếu hành vi của bạn liên quan đến một xác suất tử vong 10 trên 1 triệu, thì vi tử của hành vi này là 10. Chẳng hạn như ở Anh, trong thời gian 1998 – 2009 có chừng 12 triệu lượt lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) và trong cùng thời gian có 122 người tử vong; do đó vi tử của hành động này là 10.

Chúng ta có thể ứng dụng khái niệm vi tử vào thực tế để đánh giá tình hình trong nước. Theo báo chí, mỗi năm có khoảng 7700 ca tử vong vì tai nạn giao thông [2]. Dân số Việt Nam là 97 triệu, chúng ta có thể ước tính vi tử cho tai nạn giao thông là ~0.21:

7700 / (97 * 365) = 0.21

So với nhiễm virus Vũ Hán ra sao? Tính từ tháng 1/2020 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1456 ca nhiễm; trong số này có 35 người chết. Như vậy, vi tử liên quan đến dịch Vũ Hán là:

35 / (97 * 365) = 0.001

Nói cách khác, ở Việt Nam tai nạn giao thông ở Việt Nam nguy hiểm hơn nhiều so với nhiễm virus Vũ Hán. Cố nhiên, điều đó không có nghĩa là đánh giá thấp tác động của dịch bệnh, nhưng là một cách để so sánh nguy cơ tử vong ở cấp độ quần thể. Cần nói thêm rằng vi tử cho dịch Vũ Hán ở New York là … 50.

Vi sống

Một thước đo nguy cơ khác có tên là microlife, mà tôi tạm dịch là vi sống. Ý tưởng microlife là một sáng kiến của Giáo sư David Spiegelhalter, một chuyên gia thống kê học và giáo sư về hiểu nguy cơ thuộc Đại học Cambridge. Microlife là một cách định lượng sự tác động của một hành vi, hành động hay một yếu tố nguy cơ (risk factor) đến tuổi thọ con người. Trong một bài báo trên BMJ [3], ông định nghĩa rằng mỗi vi sống tương đương với 30 phút giảm hay tăng tuổi thọ.

Để hiểu cách mà Spiegelhalter đi đến định nghĩa đó, chúng ta có thể xem qua một ca tiêu biểu như sau. Tuổi thọ trung bình của một thanh niên 22 tuổi ở Anh là 79. Do đó, đối với một thanh niên 22 tuổi, anh ta sẽ sống thêm 57 năm nữa. Tính chi tiết thêm: 57 năm là 20,800 ngày, hay 500,000 giờ. Nói cách khác, một thanh niên 22 tuổi kì vọng sống 1 triệu nửa giờ. Do đó, 30 phút tuổi thọ được xem là 1 vi sống.

Vi sống là một thước đo lí tưởng cho các nguy cơ mãn tính vì các nguy cơ này tích luỹ theo thời gian. Chẳng hạn như nếu bạn hút 2 điếu thuốc lá mỗi ngày, thì hành vi này tương đương với 1 vi sống mỗi ngày. Tương tự, mỗi 5 kg tăng cân nặng sẽ làm bạn mất 1 vi sống mỗi ngày. Ngược lại, mỗi 20 phút (mỗi ngày) thể dục giúp bạn có thêm 2 vi sống [4]. 

Bởi vì nguy cơ tử vong ở nam giới khác với nữ giới, nên vi sống cho mỗi hành vi cũng khác nhau giữa 2 giới tính. Vi sống cũng thay đổi theo địa lí. Sau đây là vi sống cho một số hành vi hàng ngày:

Hành viVi sống cho nam giiVi sống cho nữ giới
Hút thuốc lá 15 – 25 điếu-10-9
Uống 10 g alcohol+1+1
Mỗi 5 kg/m2 tăng BMI trên 22.5-3-3
Ăn thịt đỏ 1 phần (85 g)-1-1
Ăn trái cây và rau xanh (5 serving)+4+3
Uống 2-3 tách cà phê+1+1
Tập thể dục 20 phút ở liều lượng trung bình+2+2
Dùng statin mỗi ngày+1+1
Sống vào thập niên 2010 so với 1980+8+5
Ví dụ cách diễn giải: người hút thuốc lá 15-25 điếu mỗi ngày sẽ có tuổi thọ giảm 10 vi sống mỗi ngày (ở nam) và 9 vi sống (ở nữ). Nhưng người uống 2-3 cà phê mỗi ngày thì có vi sống tăng 1 đơn vị (30 phút) mỗi ngày.
Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Microlife#cite_note-bmj-1

Các bạn có thể vào trang web này để tự tính toán vi sống cho mình:

https://web.archive.org/web/20161007003115/https://journals.bmj.com/site/microlives

Tóm lại, kể từ giây phút chúng ta được sanh ra, mỗi giây phút trôi qua đều tăng nguy cơ tử vong. Nói đúng ra, theo quan điểm sinh học phân tử, các cơ phận trong người chúng ta chết đi và sống lại trong từng giây phút. Đây là một qui luật tự nhiên. Chúng ta phải sống với qui luật này, tức sống với nguy cơ (bởi vì chúng ta không bao giờ loại bỏ được nguy cơ); vấn đề là phải sống với nó một cách sáng suốt.

Bảng số liệu trên giúp chúng ta sống sáng suốt. Nếu bạn muốn cải thiện ‘vi sống’ thì nên sống thân thiện với thiên nhiên hơn: tập ăn chay hay ăn trái cây thường xuyên hơn, tập thể dục chừng 20 phút mỗi ngày, hạn chế 2-3 tách cà phê mỗi ngày, và duy trì cân nặng ở mức vừa phải.

____

[1] Fry AM, et al. Micromorts—what is the risk? Br J Oral Maxillofac Surg 2016;54:230-1.

[2] https://thanhnien.vn/thoi-su/nam-2019-moi-ngay-21-nguoi-chet-vi-tai-nan-giao-thong-1164358.html

[3] Spiegelhalter D. Using speed of ageing and “microlives” to communicate the effects of lifetime habits and environment. BMJ 2012;345:e8223-e8223.

[4] https://en.wikipedia.org/wiki/Microlife#cite_note-bmj-1