Về tôi

Tôi sanh ra và lớn lên ở Kiên Giang, nhưng nguyên quán Bình Định (vì Ba Má tôi đều là người Bình Định: Tuy Phước và Phù Mỹ). Tôi đến Úc vào ngày 26/1/1982 (tức ngày Quốc Khánh Úc) như là một người tị nạn. Tôi đã từng ở qua các trại tị nạn Budi (một làng chài), Songkhla và Panatnikhom ở miền nam Thái Lan vào năm 1981. Tôi có ghi lại vài nét về hành trình gian nan ở Thái Lan và cuộc sống ở Úc trong một bài trên trang blog bằng tiếng Việttiếng Anh. Tôi cũng thu thập vài hình ảnh kỉ niệm trong quãng đời đã qua.

Cuộc đời và sự nghiệp tôi xoay quanh ở Bệnh viện St Vincent’s, Viện nghiên cứu y khoa Garvan và vài đại học. Sau khi đến Sydney, tôi có thời gian làm phụ bếp ở Bệnh viện St Vincent’s và Khách sạn Regent, đồng thời theo học về dịch tễ học và thống kê học ở Đại học Macquarie và Sydney vào giữa và cuối thập niên 1980s. Đầu thập niên 1990, tôi vừa làm vừa học PhD ở Đại học Sydney, thì được nhận về làm việc và học PhD tại Viện Garvan (một viện nghiên cứu lớn của Bệnh viện St Vincent’s). Sau khi tốt nghiệp ở UNSW, tôi được bổ nhiệm chức Giáo sư dự bị (Associate Professor) của Trường Y, WSU (Ohio), nơi tôi và đồng nghiệp lập nhóm nghiên cứu về xương trong dự án Fels Longitudinal Study. Sau vài năm ở Mĩ, tôi quay về Viện Garvan và lập Labo nghiên cứu về di truyền loãng xương. Ngày 10/9/2021 tôi rời Viện Garvan sau đúng 30 năm gắn bó, và chuyển lab về Đại học Công nghệ Sydney (UTS).

Ngoài ra, tôi còn được bổ nhiệm giữ chức giáo sư từ 2008 thuộc các trường UNSW (Khoa Y, tôi là người Việt đầu tiên giữ chức này ở UNSW), UTS từ 2014 (Trường Biomedical Engineering) và Notre Dame (Trường Y) từ 2016. Tôi cũng là người Việt đầu tiên ở Úc được trao ghế Senior Fellow (2008) và Australia Fellow (2020) của Hội đồng quốc gia về y tế và y khoa (NHMRC). Tuy mang danh giáo sư, nhưng tôi rất rất ít lên lớp; tôi chỉ làm nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh là chánh. Tôi đã hướng dẫn 11 nghiên cứu sinh tiến sĩ y khoa và 5 nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Úc và 5 nghiên cứu sinh ở Việt Nam.

Tôi làm khá nhiều việc ở Úc, thế giới và Việt Nam. Từ điều hành labo nghiên cứu loãng xương, hướng dẫn nghiên cứu sinh, giảng trong các seminar và hội nghị, tư vấn cho các công ti dược, đóng vai trò lãnh đạo trong các hiệp hội loãng xương trên thế giới, biên tập khoa học cho một số tập san y khoa trên thế giới, chuyên gia bình duyệt, giám khảo luận án tiến sĩ, bình duyệt cho việc đề bạt các chức vụ giáo sư đại học, đóng góp cho Việt Nam qua các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, xuất bản sách, viết báo, giảng online, v.v. Dưới đây là một tóm tắt những đóng góp đó.

Nhóm nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu của tôi bao gồm 2 labo, một ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và một ở Việt Nam (ĐH Tôn Đức Thắng). Nhóm nghiên cứu bao gồm các post doc fellows, nghiên cứu sinh tiến sĩ, MPH, bác sĩ, chuyên gia về khoa học dữ liệu, thống kê, bioinformatics, di truyền học và sinh học phân tử. Các bạn có thể ghé qua lab của tôi để xem có dịp hợp tác.

Chức vụ

  • Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor), y khoa tiên lượng, School of Biomedical Engineering, Đại học UTS Australia.
  • Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế (Centre for Health Technologies), UTS (từ 2021).
  • Giáo sư (Adjunct) dịch tễ học và thống kê học, Trường Y, Đại học Notre Dame Australia.
  • Giáo sư (Adjunct) y khoa, St Vincent’s Clinical School và School of Public Health and Community Medicine, UNSW Sydney.
  • NHMRC Leadership Fellow. (Chức danh ‘Fellow‘ ở Úc rất khó dịch, nhưng có thể hiểu nôm na như là một ‘ghế học thuật‘ được một tổ chức khoa học trao tặng kèm theo một ngân sách cho nghiên cứu).

Lãnh vực nghiên cứu

Một cách ngắn gọn, các chương trình nghiên cứu của tôi nhằm khám phá các yếu tố gen và môi trường có liên quan đến loãng xương, và ứng dụng các khám phá đó vào việc tiên lượng và chẩn đoán bệnh tốt hơn. Tôi theo đuổi hai cách tiếp cận: dịch tễ học và di truyền học.

Trong chuyên ngành loãng xương, người ta biết đến tôi qua những đóng góp về đánh giá nguy cơ gãy xương và di truyền học. Labo tôi là nơi đầu tiên trên thế giới phát triển mô hình tiên lượng nguy cơ gãy xương và nay được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Nhóm chúng tôi cũng là nơi phát hiện các gen về loãng xương đầu tiên, và tạo ra chữ kí gen cho tiên lượng gãy xương. Ngoài ra, labo tôi còn đóng góp nhiều nghiên cứu cơ bản làm thay đổi nhận thức về loãng xương, chẩn đoán và điều trị loãng xương.

Tôi là ‘principal investigator’ của công trình nghiên cứu Dubbo Osteoporosis Epidemiology Study, được khởi xướng từ đầu thập niên 1990 và nay là một công trình nghiên cứu loãng xương lâu năm nhứt thế giới. Nhờ những tài trợ từ Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Úc, tôi duy trì được nghiên cứu này cho đến nay. Rất nhiều (hơn 100) bài báo khoa học đã được công bố, giúp thay đổi chánh sách y tế về bệnh loãng xương. Hơn 10 luận án tiến sĩ đã được hoàn thành từ công trình nghiên cứu này. Trong thời gian gần đây, tôi chuyển công trình Dubbo sang nghiên cứu hệ gen (genome) và hệ môi trường (exposome).

Chuyên môn / expertise

  • Loãng xương và các phenotypes liên quan đến xương
  • Đánh giá nguy cơ gãy xương và mất xương
  • Nghiên cứu dịch tễ học và hệ gen như genomewide association study (GWAS)
  • Phương pháp phân tích dữ liệu phức tạp và phương pháp Bayes
  • Mô hình tiên lượng

Hoạt động chuyên môn

  • Đồng chủ tịch uỷ ban nghiên cứu (research committee) của Hiệp hội loãng xương Úc và Tân Tây Lan.
  • Chủ tịch (Chair) Liên minh y sinh học châu Á – Thái Bình Dương (Pan Asia Biomedical Science Consortium), nhiệm kì 2018 – 2020.
  • Thành viên sáng lập Liên minh loãng xương châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Consortium on Osteoporosis, APCO)
  • Phó biên tập (Associate Editor) cho tập san Therapeutic Advances in Musculoskeletal Disease, Osteoporosis and Sarcopenia
  • Biên tập học thuật (Academic Editor) cho các tập san Scientific Reports, PLoS ONE, PeerJ.
  • Cựu phó biên tập (Associate Editor) của tập san J Bone Miner Res.
  • Thành viên Uỷ ban xuất bản của Hội loãng xương Hoa Kỳ (American Society of Bone and Mineral Research, nhiệm kì 2008 – 2012).  
  • Cựu thành viên biên tập cho các tập san Osteoporosis International, Journal of Endocrine Society, Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Bone, Osteoporosis and Sarcopenia.
  • Chuyên gia bình duyệt cho hơn 20 tập san y khoa trên thế giới, kể cả Nature, Lancet, BMJ, JAMA, New England Journal of Medicine, Annals of Internal Medicine.
  • Chuyên viên tư vấn cho các tập đoàn dược trên thế giới.
  • Phục vụ trong các hội đồng giám khảo chức vụ giáo sư cho một số đại học Mĩ (UCLA, UCSD, Harvard, Boston) và Úc.
  • Chuyên gia bình duyệt luận án tiến sĩ cho các đại học Mĩ, Phần Lan, Hà Lan, Pháp, Anh, Canada, và Úc.
  • Được mời giảng trong các hội nghị loãng xương khắp nơi trên thế giới.
  • Chair, Hội đồng đề bạt bổ nhiệm chức vụ học thuật cho Đại học Tôn Đức Thắng.
  • Chair, Hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin for Outstanding Publication của Hiệp hội Y khoa Thuỵ Sĩ – Việt Nam (HELVEMET).

Xuất bản và công bố khoa học

Tính đến nay (2019) tôi đã công bố hơn 300 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Trong số này, 67% tôi là tác giả chánh, và phần còn lại là hợp tác khoa học với các đồng nghiệp trên khắp thế giới (trong đó có chừng 50 bài với các đồng nghiệp từ trong nước do tôi hướng dẫn). Những nghiên cứu của tôi xoay quanh chủ đề loãng xương, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng công bố các nghiên cứu về béo phì, tiểu đường, thoái hoá khớp và ung thư. Tôi cũng có bài về trắc lượng khoa học (scientonetrics) được nhiều trích dẫn.

Đa số (>90%) những nghiên cứu của tôi được công bố trên các tập san hàng đầu trong chuyên ngành và khoa học. Các tập san chánh là J Bone Miner Res, J Clin Endocrinol Metab, Osteoporosis International, and Bone. Một số nghiên cứu quan trọng được công bố trên New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Ann Int Med, Nature, Nature Genetics, Nature Rev Endocrinol. Nói chung, các nghiên cứu của tôi được nhiều đồng nghiệp chào đón và ghi nhận qua hơn 30,000 trích dẫn. Chỉ số H của tôi hiện nay là 91 (Scopus), và tôi được xếp vào nhóm các nhà khoa học có nhiều trích dẫn (most-cited, PLoS Biol 2020) và nhiều trích dẫn (highly cited năm 2010) trên thế giới. 

Danh sách các bài báo nghiên cứu có thể xem qua trong trang ORCID.

Học vị

  • UNSW 1997: Tiến sĩ (PhD). Luận án: Contribution of Genetic and Environmental Factors to the Determination of Osteoporotic Fractures. Luận án dựa trên 14 bài báo khoa học được trao giải thưởng “Luận án xuất sắc” (Best thesis award) của UNSW.
  • UNSW 2016: Tiến sĩ (DSc). Luận án: Contributions to Osteoporosis Research. Học vị DSc dành cho các nhà khoa học sau 10 năm tốt nghiệp tiến sĩ và đã có đóng góp quan trọng và xuất sắc.  Tôi là người thứ 33 của UNSW và người Việt đầu tiên được trao học vị này.

Giải thưởng và danh dự  

  • Được Tổng toàn quyền Úc đại diện Nữ Hoàng Anh trao Huân chương Australia (Member of the Order of Australia), 2022.
  • Trao danh hiệu Distinguished Professor, Đại học Công nghệ Sydney (UTS) 2022.
  • Được bầu làm viện sĩ (Elected Fellow) của Royal Society of New South Wales (2022). Royal Society là một hàn lâm viện lâu đời nhứt của Úc, thành lập năm 1821.
  • Leadership Fellow, Australian National Health and Medical Research Council (NHMRC, 2020). Trước đây được gọi là Australia Fellowship. Đây là phần thưởng danh giá nhứt và cao nhứt trong hệ thống nghiên cứu y khoa của Hội đồng Quốc gia về y tế và y khoa Úc dành cho các nhà khoa học xuất sắc của Úc. Cho đến nay tôi là người gốc Việt đầu tiên có may mắn được giải thưởng này.
  • Elected Fellow (viện sĩ) của Viện hàn lâm y học Úc (Australian Academy of Health and Medical Sciences, AAHMS, 2019), ghi nhận những đóng góp xuất sắc cho y khoa và y tế nước Úc. Ở Việt Nam fellow viện hàn lâm được gọi là ‘viện sĩ’, và tôi vinh dự được làm người Việt đầu tiên bầu vào AAHMS.
  • Elected Fellow của Hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research, 2018), ghi nhận những đóng góp xuất sắc hơn 20 năm trong chuyên ngành loãng xương và Hội loãng xương Hoa Kì (American Society for Bone and Mineral Research). Tôi cũng vinh dự làm người Việt đầu tiên được bầu làm fellow của ASBMR.
  • Huân chương nhà nghiên cứu ngoại hạng (Medal of Exceptional Research), Đại học Công nghệ (UTS) Sydney 2018. Huân chương ghi nhận nhà nghiên cứu xuất sắc nhứt của đại học. Tôi là người Việt thứ 2 có vinh dự này (người đầu tiên là Gs Nguyễn Thế Hùng, cựu khoa trưởng engineering của UTS).
  • Senior Research Fellowship của Hội đồng Quốc gia về y tế và y khoa Úc (2008). Phần thưởng cho các nhà nghiên cứu y khoa cấp cao và xuất sắc nhứt của Úc.
  • Luận án tiến sĩ xuất sắc, Đại học New South Wales 1998. Phần thưởng dành cho luận án tiến sĩ xuất sắc trong năm.
  • Giải thưởng cho nghiên cứu xuất sắc do Hội loãng xương Hoa Kì trao năm 1997. Vinh danh nghiên cứu xuất sắc trong năm cấp quốc tế.
  • Giải thưởng cho nghiên cứu xuất sắc do Hội loãng xương Úc và New Zealand trao năm 1995. Vinh danh nghiên cứu xuất sắc trong năm cấp quốc tế.
  • Giải thưởng Sandoz cho nghiên cứu xuất sắc do Hội loãng xương Hoa Kì trao năm 1994. Vinh danh nghiên cứu xuất sắc trong năm cấp quốc tế.
  • Giải thưởng cho nghiên cứu xuất sắc do UNSW và Bệnh viện St Vincent’s trao 2 lần (năm 1995 và 1997). Vinh danh nghiên cứu xuất sắc trong năm cấp quốc gia.

Giải thưởng ở Việt Nam

  • Bằng Khen về đóng góp xuất sắc cho giáo dục và khoa học trong nhiều năm, UBND TPHCM 10/1/2020.
  • Được trao chức danh Giáo sư Danh sự của Đại học Đà Nẵng (2020).
  • Được trao chức danh Giáo sư Danh sự của Đại học Dược Hà Nội (QĐ 844, 1/8/2018).
  • Được trao chức danh Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) của Đại học Tôn Đức Thắng (2018).
  • Bằng khen “Vinh Danh Cống Hiến” của Hội Loãng xương TPHCM  (2016) về “xây dựng và phát triển ngành loãng xương thông qua đào tạo, nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế“.
  • Giải thưởng Sách Hay của Hội Xuất Bản Việt Nam (sách “Tự sự của người làm khoa học“). Hà Nội 17/12/2014.
  • Giải thưởng Sách HayĐi vào Nghiên cứu Khoa học” của IRED, 2013.
  • Bằng khen của Hội Y học TPHCM vì “thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội” (QĐ 029/GK-HYH 2010).
  • Bằng khen của Uỷ Ban Nhân dân TPHCM vì “những đóng góp trong sự nghiệp kinh tế –  xã hội” (QĐ 357/QĐUB 26/1/2007).
  • Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam vì đã “có nhiều đóng góp thiết thực cho ngành giáo dục đại học và y học” (Bằng khen số 59/22/QĐ, 4/1/2006).
  • Giải thưởng “Vinh Danh Nước Việt 2005”, Hà Nội 5/2/2006 của UB Người Việt ở Nước ngoài và Báo Vietnamnet.

Việc làm ở Việt Nam

Tôi đã làm rất nhiều việc ở Việt Nam suốt 20 năm qua. Nhiều đến nổi tôi không nhớ hết. Những việc làm này chủ yếu liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực khoa học và hợp tác nghiên cứu. Có cơ duyên như vậy là nhờ sự bảo trợ của một số công ti dược, và nhân đây tôi xin tỏ lời cảm ơn chân thành. Những đóng góp cụ thể của tôi ở VN có thể xem qua trang sau đây: Những việc làm và đóng góp cho Việt Nam

Phỏng vấn về những việc làm của tôi

Trong hơn 20 năm qua, tôi có cơ duyên tiếp xúc và hợp tác với một số tờ báo trong và ngoài nước. Một số tờ báo có nhã ý phỏng vấn tôi về những việc làm trong nước và kỉ niệm cùng khó khăn trong quá trình sanh sống ở nước ngoài. Tôi không giữ các bài phỏng vấn (vì một số còn thời báo giấy, chưa có online), nhưng dưới đây là vài bài phỏng vấn trong vài năm qua.

Tạp chí Sức khoẻ (2020) “Trò chuyện cùng Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn: Khắc tên Việt trong thế giới loãng xương

Người lao động (2020): “Tôi là người Việt Nam“.

Tạp chí Quê hương (2020) “Tôi cố gắng tạo một dấu ấn Việt Nam về chuyên ngành loãng xương trên trường quốc tế”.

Tuổi Trẻ (2007) và VNexpress (2017)

Báo Sức khoẻ và Đời sống (2008): Người khắc tên Việt Nam trong thế giới loãng xương.

Báo Sài Gòn Tiếp Thị (2005): Cảm xúc mới trong không gian mới.

Báo Bình Định (2008): Trên hết, tôi là một người con đất Việt

Báo Người Viễn Xứ (2009): Phía bên kia” là quê hương tôi

Báo The Guardian (2017, Anh) nhân dịp Tuần Lễ Tị Nạn: From refugee to the heights of Australian medical research (từ tị nạn đến đỉnh cao y khoa Úc).

Garvan Institute (bản tin ngày 16/6/2017) nhân dịp tôi được trao học vị D.Sc. Bản tiếng Anh ở đây.

Garvan Institute (2018): Bài viết về tôi nhân dịp kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Garvan.

Radio SBS (Australia), tiếng Việt, 2018

Radio SBS (Australia) phỏng vấn nhân dịp nhận Huân chương Australia

Radio RFI (Pháp), tiếng Việt, 2009

Lễ trao Huân chương Australia (13/5/2022), từ phút 14:10

Đài VTC (2019)

Lễ tốt nghiệp và xướng danh DSc

One thought on “Về tôi

  1. Con chào Giáo sư,
    Tụi con đến từ Nxb Anh Xe Ôm, để kỷ niệm ngày Sài Gòn kết thúc lệnh phong toả. Tụi con đã chuyển ngữ cuốn sách “Your Facebook Friends Are Wrong About The Lockdown” của tác giả Tom Woods

    Sẽ rất vinh dự cho tụi con nếu được Giáo sư xem qua và góp ý. Sách có thể tải về tại đây: https://drive.google.com/file/d/1I4uSMda21X50TwLfvn9z8RrhB38Jwoil/view?usp=drivesdk

    Xin kích chúc thầy nhiều sức khoẻ!

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s