Kĩ năng ‘mềm’

Ba hoạt động gắn liền với nghiên cứu khoa học là công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt (peer-reviewed publication), dự hội nghị hay hội thảo (conference, seminar, workshop), và bình duyệt nghiên cứu của đồng nghiệp (peer review). Nhưng đa số sinh viên và nghiên cứu sinh gốc Việt chúng ta không được huấn luyện về kĩ năng của 3 hoạt động này. Và, theo kinh nghiệm của tôi, thiếu những kĩ năm mềm đó là một thiệt thòi nghiêm trọng trong sự nghiệp.

Tôi không muốn các bạn như tôi trong mấy mươi năm trước. Do đó, trong phần này, tôi chia sẻ cùng bạn đọc một số kinh nghiệm trong việc soạn bài báo khoa học, cách chọn tập san để công bố kết quả nghiên cứu, cáchbình duyệt, cách đặt câu hỏi trong hội thảo, cách bình duyệt bài báo của đồng nghiệp, và kĩ năng tiếng Anh. Những bài này thật ra cũng trích từ một số sách tôi đã công bố trước đây, nhưng một số là từ các note trong blog cá nhân.

Tôi hi vọng các bạn tìm thấy nhiều thông tin và kĩ năng có ích trong loạt bài này. Danh sách bài giảng như sau:

Kĩ năng công bố khoa học

Cách soạn một bài báo khoa học

Đây là tập tài liệu tôi soạn để dùng trong các khóa học (workshop) về cách viết và công bố bài báo khoa học cho các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Các khóa học này thật ra là xuất phát từ các ‘workshop’ bên Úc và Thái Lan, nơi tôi có giảng một loạt bài về công bố quốc tế và kinh nghiệm trong việc soạn thảo bài báo khoa học. Các workshop này thường có khoảng 8 bài giảng, xoay quanh phương pháp đặt tựa đề; cách viết phần dẫn nhập, phương pháp, kết quả, và bàn luận; văn phong tiếng Anh trong khoa học; cách trả lời bình duyệt (peer review); và các tiêu chuẩn chọn tập san công bố. Tập tài liệu này được soạn từ nhiều năm trước, và cứ mỗi khóa học là được chỉnh sửa cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các đồng nghiệp trong nước. Tập tài liệu này được cấu trúc thành 6 phần như sau:

1. Cách đặt tựa đề (trang 2);

2. Cách viết phần dẫn nhập (trang 8);

3. Cách viết phần phương pháp (trang 14);

4. Cách viết phần kết quả (trang 24);

5. Cách viết phần bàn luận (trang 35); 6. Cách viết phần tóm tắt (trang 45).

Lí do bài báo khoa học bị từ chối

Đối với người mới vào nghiên cứu khoa học, khi nhận được lá thư báo bài báo của mình bị từ chối là một trải nghiệm buồn bã và căng thẳng. Nhưng đối với người đã hoạt động nghiên cứu khoa học lâu năm, thì bị từ chối là một … sự thật của cuộc đời. Nhưng dù là người mới vào nghề hay là người đã ở trong nghề lâu năm thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là “tại sao bài báo của tôi bị từ chối?” Bài này sẽ mách cho các bạn vài lí do chính, và khi biết lí do thì cũng có nghĩa là biết được cách cải tiến để bài báo có cơ may được chấp nhận tốt hơn.

Tiếng Anh trong khoa học

Viết văn khoa học vừa là một nghệ thuật nhưng cũng là một khoa học. Tính nghệ thuật trong văn chương khoa học liên quan đến việc chọn chữ, “điệu văn” (tone), và duyên dáng. Tính khoa học trong văn chương khoa học liên quan đến cấu trúc nội dung, từ đoạn văn đến câu văn, phải sao cho trong sáng. Để đạt được yêu cầu trong sáng, tôi đề nghị tuân theo 4 nguyên tắc có thể gọi tắt là IDEA: Idea + Data + English + Art. Bốn nguyên tắc này có thể tóm lược như sau:

(a) Idea: có ý tưởng, biết mình viết cái gì, đạt mục tiêu gì;

(b) Data: có sẵn dữ liệu, tức là phải đọc các nghiên cứu trước, đọc rất nhiều;

(c) English: có kĩ năng tiếng Anh, tức là cách chọn chữ, cấu trúc câu văn; và

(d) Art: phải có một chút nghệ thuật, tức phải tập khiếu thẩm mĩ trong văn chương.

Cách đọc bài báo khoa học

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nhận được email hỏi cách đọc một bài báo khoa học như thế nào. Đọc phần nào trước, và cần có kĩ năng gì để lĩnh hội nội dung của một bài báo khoa học. Tôi nghĩ câu trả lời tuỳ thuộc vào vai trò của người đọc, là đọc tham khảo hay vai trò của editor của tập san. Trong cái note này tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, có nghĩa là từ vai trò của người đọc để tham khảo.

Vấn nạn tập san dỏm (tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam)

Một trong những vấn đề lớn của công bố khoa học hiện nay là sự ra đời các tập san mạo danh khoa học. Nhiều nhà khoa học coi đây là sự “khủng hoảng” đang làm tổn hại đến tính liêm chính của nghiên cứu khoa học toàn cầu. Một số nhà khoa học Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của kỹ nghệ công bố khoa học “dởm”. Trong bài viết, tác giả phân tích về sự ra đời, phát triển của những “tập san dởm” và các đặc điểm để nhận dạng. Qua đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác quản lý khoa học.

Công bố quốc tế của KHVN 2001-2015 (tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam)

Liên quan đến ấn phẩm (hay năng suất) khoa học của Việt Nam, có ba câu hỏi được đặt ra: (1) Xu hướng công bố quốc tế của Việt Nam trong thời gian gần đây so với các nước trong vùng ra sao? (2) Đã có một sự biến chuyển tích cực nào về nội lực khoa học trong thời gian qua? (3) Chất lượng nghiên cứu khoa học của Việt Nam có gia tăng theo số lượng hay không? Thông qua việc phân tích các dữ liệu chủ chốt, tác giả góp phần trả lời các câu hỏi trên, đồng thời đưa ra một số nhận xét liên quan đến vấn đề đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN).

Kĩ năng hội nghị khoa học

Những sai sót phổ biến trong trình bày powerpoint

Đã dự rất nhiều hội nghị khoa học lớn và nhỏ ở nhiều nơi, kể cả ở Việt Nam, tôi thấy một số sai lầm phổ biến trong cách trình bày bằng powerpoint (PPT). Những sai lầm này thường liên quan đến cách soạn slide, nội dung, và cách trình bày. Thật ra, ngày xưa, lúc mới bước vào học, tôi cũng từng phạm phải những sai lầm như thế, nhưng nhờ có thầy chỉnh sửa và hướng dẫn, nên đã tránh được những sai lầm đó và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Nay đã đến lúc tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân cùng các bạn.

Những nguyên tắc soạn biểu đồ

Một trong những vấn đề hay thấy trong các bài báo khoa học ở Việt Nam là cách trình bày dữ liệu bằng biểu đồ. Những biểu đồ được thiết kế quá đơn giản (phần lớn là cắt và dán từ các phần mềm máy tính) và vi phạm hầu như bất cứ nguyên tắc nào của trình bày dữ liệu mà có lẽ tác giả chưa làm quen. Trong chương này, tôi sẽ bàn qua những nguyên tắc trình bày dữ liệu trong biểu đồ.

Cách đặt câu hỏi trong hội nghị

Trong các hội thảo khoa học chúng ta biết rằng có diễn giả và khán giả (và chủ toạ). Diễn giải nói, khán giả đặt câu hỏi, chủ toạ điều phối hội thảo và trao đổi giữa diễn giả và khán giả. Đặt câu hỏi và bình luận trong hội thảo tôi nghĩ cũng chẳng khác mấy “comment” trên các diễn đàn xã hội như facebook và blog. Có người hành xử lịch sự, người làm ra vẻ “ta đây” cái gì cũng biết hết, kẻ thì trịch thượng, người lại thích thoá mạ người khác, v.v. Nghiêm chỉnh mà nói, cách hỏi trong hội nghị cũng là cả một nghệ thuật. Dưới đây là vài kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn ở đây.

Kĩ năng bình duyệt

Cách bình duyệt bài báo khoa học

Bất cứ nhà khoa học nào cũng có lần đóng vai trò duyệt bài cho đồng nghiệp. Duyệt bài của người khác là một trong những đặc quyền (và đặc lợi) của nhà khoa học, nên nhiệm vụ này phải được nhận lãnh một cách nghiêm túc.

Cách trả lời bình duyệt (response to reviewers’ comments).

Bình duyệt của đồng nghiệp (peer review) là bước thứ hai trong qui trình xuất bản bài báo khoa học. Bước thứ nhất là nộp bài, và nếu bài báo có triển vọng thì sẽ được ban biên tập gửi cho 2-3 chuyên gia trong ngành bình duyệt. Bước thứ hai, sau khi nhận được bình duyệt, tác giả (hay nhóm tác giả) có nhiệm vụ phải trả lời những bình luận, những phê bình, hay đề nghị của các chuyên gia. Nếu tác giả trả lời đạt, thì ban biên tập có thể quyết định chấp nhận bài báo; nếu trả lời chưa đạt thì bài báo có thể gửi trả lại (tức là bác bỏ). Do đó, bước này (trả lời bình duyệt) rất quan trọng, không thể xem thường được.

Sách về kĩ năng mềm: