Đột phá: cuộc đời khoa học của tôi (Katalin Karikó)

Tôi mới đọc xong cuốn hồi kí rất hấp dẫn của bà Katalin Karikó, người sáng chế ra vaccine mRNA, và xin có vài dòng chia sẻ nhanh như là một cách truyền cảm hứng.

Xin nhắc lại: Tiến sĩ Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman được trao giải Nobel Y Sinh Học năm 2023 vì có công phát triển vaccine mRNA đã cứu hàng triệu người trên thế giới trong đại dịch Vũ Hán vừa qua.

Trước khi được trao giải Nobel, bà Katalin Karikó có viết một cuốn hồi kí nhan đề “Breaking Through: My Life in Science” [1], tạm dịch là “Đột phá: cuộc đời khoa học của tôi”).

Cuốn hồi kí thuật lại hành trình khoa học của bà, từ một ‘đại học vô danh’ ở Hung Gia Lợi, lang thang qua bên Mĩ, bị chèn ép trong labo, thậm chí bị cho nghỉ việc vì không xin được tài trợ và công bố khoa học hơi kém. Bất cứ ai làm trong khoa học ở phương Tây, đặc biệt là người nhập cư (như tôi), sẽ thấy đồng cảm với những chia sẻ của Katalin. Rất đồng cảm. Đọc những câu chữ đơn sơ, không màu mè chút nào, tôi thấy hình như bà ấy viết cho … tôi.

Bà xuất thân từ ‘thành phần lao động’. Thân phụ bà làm nghề bán thịt, nhưng chỉ vì một câu nói mang tính ‘chống cộng sản’, ông bị thất nghiệp. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì đi học và tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Szeged (Hung Gia Lợi).

Sau tiến sĩ, bà làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trong một viện nghiên cứu sinh hoá cũng ở Hung. Năm 1985 bà bị mất việc và cùng chồng di cư sang Mĩ. Chồng bà là một thợ sửa máy, nhỏ hơn bà 5 tuổi.

Ở Mĩ, bà làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Temple (Philadelphia) và một trung tâm quân y ở Bethesda (88-89). Đến năm 1990, bà được bổ nhiệm làm giáo sư trợ lí thuộc Đại học Pennsylvania, nơi bà nghiên cứu ứng dụng mRNA trong điều trị bệnh. Bà không lên nổi chức danh giáo sư thực thụ vì đơn xin tài trợ của bà bị từ chối hết năm này sang năm khác. Chẳng những thế, bà còn bị giáng chức giáo sư trợ lí vào năm 1995!

Trong hồi kí, bà thuật một sự kiện làm nhói tim của độc giả. Vào giữa năm 2013, khi tới labo làm việc như mọi ngày, bà thấy đồ đạc trong labo của mình bị vứt ngoài hành lang! Nào là tài liệu nghiên cứu, posters, ống nghiệm, tất cả đều được cho vào cái thùng rác ngoài hành lang labo.

Một kĩ thuật viên còn đang vứt đồ đạc vào thùng rác, và bà nhận ra đúng là đồ đạc của mình, nên la lên: “Đồ của tôi mà!”

Họ đuổi bà. Họ hạ nhục bà. Họ không báo trước.

Lí do họ đuổi bà là vì bà không xin được tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ các nguồn danh giá như NIH. Trong văn hoá khoa học phương Tây, không xin được tài trợ từ các nguồn như thế có nghĩa là thất bại. Có người xấu miệng còn nói thẳng: bất tài. Không xin được tài trợ, thì bà không có lí do để chiếm cái diện tích labo, dù rất khiêm tốn, trong đại học.

Lúc đó, bà Katalin đã 50 tuổi. Công chưa thành, danh chưa toại. Bà hoang mang, chao đảo.

Bà chỉ tuyệt vọng thốt lên trước anh kĩ thuật viên rằng: “Một ngày nào đó cái labo này sẽ trở thành một viện bảo tàng.”

Không ngờ câu nói đó trở thành hiện thực. Mười năm sau (2023), bà và người thầy là GS Drew Weissman được trao giải Nobel vì những công trình bà làm trong labo mà bà từng bị đuổi. Cái labo đó, dù bây giờ không còn nữa, đúng là một viện bảo tàng.

Hồi kí của bà Katalin không có đoạn viết về giải Nobel, vì đơn giản là giải thưởng đó được công bố sau khi bà xuất bản cuốn sách.

Trong hồi kí, bà Katalin có một đoạn mà tôi nghĩ nhiều nhà khoa học ái kỉ sẽ rất nhột. Bà viết [2]:

“Nhưng tôi đã học được rằng để thành công ở một viện nghiên cứu như Penn [ý nói Đại học Pennsylvania], bạn cần những kĩ năng chẳng liên quan gì đến khoa học. Bạn cần có khả năng bán mình và nghiên cứu của mình. Bạn cần thu hút tài trợ. Bạn cần khéo léo trong giao tiếp để được mời phát biểu tại các hội nghị, hoặc khiến người khác háo hức hướng dẫn và giúp đỡ bạn. Bạn cần biết cách làm những việc mà tôi chưa bao giờ có hứng thú (như nịnh bợ người khác, xã giao, đồng ý dù bạn không đồng ý, thậm chí khi bạn chắc chắn mình đúng 100%). Bạn cần biết cách leo lên những bậc thang chánh trị, coi trọng hệ thống phân tầng mà có vẻ chẳng có gì thú vị (và tệ nhứt là đi ngược lại với khoa học tốt). Tôi không hứng thú với những kĩ năng đó. Tôi không muốn chơi những trò chơi chánh trị. Tôi cũng không nghĩ mình nên làm như vậy. Chẳng ai dạy tôi những kĩ năng đó, và thành thật mà nói, tôi cũng không hứng thú với chúng.”

Bất cứ ai làm trong môi trường khoa học đều thấy những điều bà Katalin viết là trúng 100%.

Trong khoa học, có nhiều — nếu không muốn nói là rất nhiều — nhà khoa học mà nhìn qua lí lịch thì họ chẳng có gì nổi bật, nhưng lại giữ những vị trí quan trọng trong các thiết chế khoa học và được ca tụng như là những nhân vật xuất chúng. Họ đạt được những chức danh đó không phải qua miệt mài nghiên cứu khoa học, mà qua những ‘thủ thuật’ mà bà Katalin mô tả trên, những kĩ năng có thể tóm gọn trong một danh từ: ái kỉ.

Như các bạn thấy, thân phận của người làm khoa học gốc di dân trong thế giới khoa học phương Tây rất khổ. Bà Katalin Karikó là một trường hợp khá tiêu biểu. Có ý tưởng hay và đi tiên phong, nhưng đồng nghiệp không tin và không xin được tài trợ. Mà, trong thế giới khoa học phương Tây, có được tài trợ từ các nguồn uy tín là đồng nghĩa với vinh quang, còn không có tài trợ thì rất khó được thăng tiến trong sự nghiệp. Nhiều người phải ‘nghỉ hưu sớm’ vì không có được tài trợ. Bất cứ ai làm khoa học đều có thể cảm nhận nỗi khổ của bà.

Nhưng bà chẳng trách đời. Bà kiên trì theo đuổi ý tưởng và cuối cùng cũng đem đến kết cục ‘có hậu’. Công trình nghiên cứu vaccine mRNA đã cứu hàng triệu người trên thế giới trong đại dịch, và đó chính là một thành tựu quan trọng. Thành tựu này chắc chắn sẽ còn được ứng dụng trong tương lai để giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá trình tiến hoá và tại sao chúng ta mắc bệnh như ngày nay. Đóng góp của bà Katalin Karikó rất lớn và rất xứng đáng được trao giải thưởng Nobel.

___

[1] Hồi kí ‘Breaking Through: My Life in Science’ của Katalin Karikó, do Nhà xuất bản Penguin ấn hành năm 2023. Sách có 336 trang, giá bán 47 AUD.

[2] “But I was learning that suceeding at a research institution like Penn required skills that had little to do with science. You needed the ability to sell yourself and your work. You needed to attract funding. You needed the kind of interpersonal savvy that got you invited to speak at conferences or made people eager to mentor and support you. You needed to know how to do things in which I have never had any interest (flattering people, schmoozing, being agreeable when you disagree, even when you are 100 percent sure certain that you are correct). You needed to know how to climb a political ladder, to value hierarchy that had always seemed, at best, wholly uninteresting (and, at worst, antithetical to good science). I wasn’t interested in those skills. I didn’t want to play political games. Nor did I think I should have to. Nobody had ever taught me those skills, and frankly, I wasn’t interested in them anyway.

Leave a comment