Dự án Kênh Đào Funan Techo: Ứng Xử Giữa Việt Nam và Cam Bốt — Cảnh Đồng Sàng Dị Mộng

Lời giới thiệu: Hôm nay (23/4/2024) Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam (trụ sở ngoài Hà Nội) tổ chức một hội nghị tham vấn lần đầu tiên tại Cần Thơ về Dự án Kênh đào Funan Techo. Như thường lệ, các hội nghị là những diễn đàn để các quan chức tham luận bằng những ngôn từ lịch thiệp với nhau. Còn kết cục và tác động của các hội nghị như thế thì có thể đoán trước là không có gì.

Trong bối cảnh đó, tôi hân hạnh giới thiệu bài viết nhan đề “Dự án Kênh Đào Funan Techo: Ứng Xử Giữa Việt Nam và Cam Bốt — Cảnh Đồng Sàng Dị Mộng” của BS Ngô Thế Vinh, người đã gióng cảnh báo về Kênh đào Funan Techo từ năm ngoái khi mà báo chí VN chưa quan tâm. Anh ấy nói có thể xem bài này là một ‘tham luận từ xa’.

Trong bài viết, có BS Ngô Thế Vinh mô tả tầm nhìn của phía Cam Bốt rằng “con kênh còn có ý nghĩa khẳng định mức độ độc lập về kinh tế và cả về chính trị đối với quốc gia láng giềng phía đông [ám chỉ Việt Nam].”

Còn Việt Nam thì nói gì? Phát ngôn viên ngoại giao Việt Nam “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực“.

Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Cam Bốt cho rằng Việt Nam lo ngại là vì “Nỗi lo ngại thật sự của Việt Nam là sẽ mất đi quyền kiểm soát đất nước Cam Bốt” và gay gắt hỏi: “Hãy nhìn sang Việt Nam, bấy lâu họ vẫn chuyên chở lúa gạo qua các hệ thống kênh đào, có bao giờ họ báo trước cho chúng ta là họ sẽ đào những con kênh đó không? Không, không bao giờ họ nói ra điều ấy.”

Việt Nam và Cam Bốt “Đồng Sàng Dị Mộng” là vậy. NVT

***

Dự án Kênh Đào Funan Techo: Ứng Xử Giữa Việt Nam và Cam Bốt — Cảnh Đồng Sàng Dị Mộng

Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL bấy lâu

không được quyền có tiếng nói

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long  

NGÔ THẾ VINH

Hình 1: Tương Lai Đi về Đâu? Người đàn ông chụp thùng nhựa lên đầu đi qua một hồ cạn nước ở tỉnh Bến Tre ngày 19/03/2024. Hình ảnh một ĐBSCL nhiều nơi đất đai nứt nẻ khô mặn, sông rạch cạn nước, cả một vùng châu thổ sông Mekong vốn phì nhiêu nhất thế giới đang bị sa mạc hóa và từ từ tan rã là một tương lai không xa. [nguồn RFA / photo by AFP] 

THỨ TỰ THỜI GIAN DỰ ÁN FUNAN TECHO

_ 19/05/2023: Hai tháng trước khi rời chức Thủ Tướng, ông Hun Sen đã chủ trì một buổi họp nội các đưa ra quyết định về Dự án Đường Thủy Tonlé Bassac và Hệ Thống Hậu Cần” / “The Tonle Bassac Navigation and Logistics System Project” hay còn được gọi là Kênh Funan Techo, với một kế hoạch ban đầu được đưa ra bao gồm ngân sách, cấu trúc và khung thời gian thực hiện. Dự án được toàn thể Quốc Hội Cam Bốt trong khóa họp lần thứ VI thông qua và sau đó vào ngày 07/06/2023, Chính phủ Cam Bốt đã quyết định thành lập Ủy Ban Liên Bộ để triển khai dự án Kênh đào Funan Techo.

_ 08/08/2023: Chính phủ Cam Bốt gửi tới Ban Thư ký Ủy Hội Sông Mekong MRC Thông báo về Dự án Kênh đào Funan Techo. Con kênh có chiều dài 180 km, rộng 10 m, độ sâu 5,4 m, với 11 cây cầu, và 208 km đường lộ mới; con kênh có 3 âu tàu (ship locks) để điều hành mực nước, lượng nước xả, với mỗi âu tàu là 3,6 m3/ giây/ ngày – và CB cho rằng con kênh sẽ không ảnh hưởng trên dòng chảy sông Mekong [sic]. Dự án thủy vận nội địa cho tàu 1.000 DWT sẽ khởi công vào cuối năm 2024, sẽ hoàn tất và vận hành vào năm 2028.

_ 11/10/2023: Một lễ ký kết Khung Thỏa thuận đã diễn ra tại Phnom Penh, giữa ông Sun Chanthol – Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt – và ông Chu Dũng (Zhou Young) – đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC (China Road and Bridge Corporation) – về Dự án Đường Thủy Tonle Bassac và Hệ Thống Hậu Cần [The Tonle Bassac Navigation and Logistics System Project].

_ 17/10/2023: 6 ngày sau, là một lễ ký kết chính thức cấp chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ Tướng Hun Manet, cho phép các Công ty TQ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi của Dự án Kênh Funan Techo. Cũng vẫn ông Sun Chanthol – Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt – có mặt trong buổi ký kết với các đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC.

_ 25/10/2023: Dự án kênh Funan Techo đã được xúc tiến mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu nhậm chức Thủ Tướng của Hun Manet. Trước những bước tiến hành ồ ạt của Chính phủ CB về Dự án Kênh Funan Techo gần như Cam Bốt đặt Việt Nam trước một tình trạng đã rồi, trong khi VN thì vẫn kiềm chế không mạnh mẽ lên tiếng và chỉ bắt đầu giai đoạn thu thập ý kiến các chuyên gia, sau đó mới có một bản đúc kết để báo cáo lên TT Chính phủ đương nhiệm là ông Phạm Minh Chính.

_ 15/12/2023: Trong cuộc viếng thăm chính thức Hà Nội, TT Cam Bốt Hun Manet đã giải thích cho người đồng cấp VN TT Phạm Minh Chính rằng Dự án Funan Techo sẽ không ảnh hưởng tới hệ thống dòng chảy sông Mekong, do con kênh đào chỉ chuyển nước từ sông Bassac – mà ông gọi đó là một phụ lưu (tributary), trong khi chính danh sông Bassac là một phân lưu (distributary) của sông Mekong.

Trước một Thông báo không chính xác như vậy, KS Phạm Phan Long Hội Sinh Thái Việt (VEF) đã có một giải thích: “đó là một ‘lựa chọn cố ý’ có tính cách chiến lược để Cam Bốt né tránh một nghiên cứu đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới / TbEIA và phải tham vấn có sự đồng thuận của phía VN khi con kênh lấy nước từ dòng chính sông Mekong theo tinh thần Hiệp Định Sông Mekong 1995.”

_ 26/03/2024: Cựu TT Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng viện CB trong chuyến đi mới đây tới Đảo Hải Nam tham dự Hội nghị Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao 2024 (Boao Forum for Asia / BFA), với chủ đề “Châu Á và Thế giới: Thách thức chung, Trách nhiệm chung”, ông Hun Sen đã cố gắng củng cố thêm sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh liên quan tới dự án Kênh đào Funan Techo. Với mục đích đó Hun Sen đã gặp Triệu Lạc Tế, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản TQ, Hun Sen cũng điện đàm với ông Trần Trọng, Phó TGĐ Tập Đoàn Xây Dựng Giao Thông TQ (CCCC / China Communications Construction Company Ltd. ) và đã được ông Trần Trọng thông báo về tiến độ Kênh đào Funan Techo, cùng với các dự án đường cao tốc khác trên khắp lãnh thổ CB.

_ 09/04/2024: Cựu TT Hun Sen, nay là Chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt đã lên tiếng phủ nhận con kênh Funan Techo sẽ tạo thuận cho các  tàu quân sự TQ từ Căn cứ Hải Quân Ream đi lên dòng sông Mekong. Ông viết trên Diễn Đàn X: “Tại sao CB lại đưa quân TQ vào đất nước của mình, điều đó vi phạm Hiến Pháp. Và tại sao TQ lại đem quân vào CB, đi ngược với nguyên tắc tôn trọng sự độc lập của Cam Bốt.” Hun Sen đã đáp trả một bài báo tiếng Việt ra ngày 18/03/2024 cho rằng dự án Kênh Funan Techo có “công dụng kép”  (dual-use), tạo thuận cho sự hiện diện quân sự TQ vào sâu trong lãnh thổ CB, sát với biên giới VN. [The Straits Times 09/04/2024 ]

Hình 2: Cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu, là cảng cho các con tàu container lớn từ Biển Đông vào Việt Nam, và cũng là trạm trung chuyển hàng hóa của Cam Bốt lên giang cảng tự quản Phnom Penh. Dự trù tới năm 2028, Cam Bốt sẽ có con Kênh đào Funan Techo là một thủy lộ riêng cho các con tàu từ 3.000 DWT tới 5.000 DWT đi thẳng từ hải cảng Sihanoukville đi qua 4 tỉnh Kep, Kampot, Takeo, Kandal để tới Phnom Penh mà không cần qua cảng Cái Mép để vào Sông Tiền của Việt Nam để lên tới thủ đô Phnom Penh.

Hình 3: Tàu hàng container Evergreen từ cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu đang ngược dòng sông Tiền lên giang cảng tự quản Phnom Penh. Sông Tiền trong bấy lâu, là thủy lộ chính để Cam Bốt nhập cảng nguyên liệu và hàng hóa và xuất cảng nông phẩm và sản phẩm may mặc đi Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan và cả sang Mỹ.  [Hình 2 & 3 chụp từ màn hình của YouTuber Kim Ngân]

_ 11/04/2024: Trong cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao VN Đoàn Khắc Việt đã nêu quan điểm VN về Dự án kênh đào Funan Techo, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả bền vững nguồn nước sông Mekong. VN cũng đề nghị CB phối hợp chặt chẽ với VN và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và hệ sinh thái của ĐBSCL, để đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong lưu vực.

_ 23/04/2024: Lần đầu tiên Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ một Hội nghị cấp quốc gia để “Tham vấn về Dự án Kênh đào Funan Techo của Cam Bốt, và kết quả thực hiện Hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới của Ủy hội Mekong quốc tế” và Hướng dẫn TbEIA cùng với kết quả thực hiện Thủ tục Thông Báo, Tham vấn trước và thỏa thuận PNPCA với các dự án thủy điện Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.

Bài viết này như là một tham luận từ xa gửi tới Hội Nghị Mekong diễn ra tại Cần Thơ ngày 23/04/2024 trong tuần lễ tới.

Hình 4: Quatre Bras / Nơi hội tụ 4 nhánh sông: (1) Mekong Thượng, (2) Sông Tonlé Sap, (3) Mekong Hạ / có tên Sông Tiền (4) Sông Bassac / có tên là Sông Hậu khi chảy vào Việt Nam. Đường chỉ đỏ nối sông Bassac và tỉnh Kep là sơ đồ của con kênh Funan Techo của Cam Bốt sẽ khởi công vào năm 2024 và hoàn tất năm 2028. [nguồn RFA: Bản đồ cập nhật với ghi chú của Ngô Thế Vinh]

QUAN ĐIỂM CAM BỐT

_ Thủ Tướng Hun Manet khẳng định: “Cam Bốt không vay tiền Trung Quốc để xây dựng con kênh, nhưng việc tiến hành xây dựng sẽ do hợp tác với khu vực tư nhân / private sector với hình thức BOT”  [5]

Cần lưu ý, hai công ty ký kết với Cambodia để xây dựng con Kênh Funan Techo là CRBC (China Road and Bridge Corporation) và CCCC (China Communications Construction Company, Ltd.), trong đó CCCC có cổ đông chiếm đa số là của nhà nước Trung Quốc; còn CRBC là công ty con của CCCC.

_ Chhengpor Aun, là một học giả thuộc nhóm Nghiên Cứu Tương Lai Cam Bốt, nhận định: “Con kênh là sự bù đắp cho Giấc Mơ của Vương Quốc Khmer, một xoa dịu vết thương sâu đậm của Cam Bốt khi cả một vùng châu thổ Mekong bị sát nhập vào Việt Nam dưới thời thuộc địa Pháp từ 1949. Con kênh còn có ý  nghĩa khẳng định mức độ độc lập về kinh tế và cả về chính trị đối với quốc gia láng giềng phía đông [ám chỉ Việt Nam]. Nhưng sự độc lập đó chưa thể có khi TT Hun Manet chọn mô hình BOT / Build-Operate-Transfer khi con kênh ấy còn nằm trong tay Trung Quốc cả 5 thập niên nữa. Việc đi dây giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng không phải là dễ dàng đối với chính quyền mới của Cam Bốt hiện nay. Chặng đường tiến tới còn gập ghềnh và cả nguy hiểm.”[1]

_ Sok Touch, Chủ tịch Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Cam Bốt gay gắt đưa ra nhận xét: “Nỗi lo ngại thật sự của Việt Nam là sẽ mất đi quyền kiểm soát đất nước Cam Bốt, và như vậy rõ ràng Hà Nội chỉ chú tâm tới chuyện làm ăn của riêng mình / Hanoi shoud mind his own business. Hãy nhìn sang Việt Nam, bấy lâu họ vẫn chuyên chở lúa gạo qua các hệ thống kênh đào / waterway system, có bao giờ họ báo trước cho chúng ta là họ sẽ đào những con kênh đó không? Không, không bao giờ họ nói ra điều ấy. Sok Touch cay đắng nói tiếp: “Hãy đoái thương tới người Khmer chúng tôi / take pity on us!  Khi mà những việc chúng tôi làm chẳng ảnh hưởng gì tới các ông [Việt Nam] cả.” [1]

Hình 5: Ngày 17/10/2023lễ ký kết chính thức cấp chính phủ đã diễn ra ở Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của tân Thủ Tướng Hun Manet, cho phép các Công ty TQ thực hiện cuộc nghiên cứu tính khả thi của Dự án Kênh Funan Techo. Cũng vẫn ông Sun Chanthol (phải) Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Chủ tịch Hội đồng Phát triển Cam Bốt có mặt trong buổi ký kết với các đại diện Công ty Cầu Đường Trung Quốc / CRBC (trái). [nguồn: FreshnewsAsia 18/10/2023]

QUAN ĐIỂM VIỆT NAM

Việt Nam thấy rõ những thông tin ban đầu mà CB đưa ra rất thiếu sót, nếu không muốn nói là hỏa mù, có thể dẫn tới những nhận định đánh giá sai lạc. Điều này đã khiến KS Phạm Phan Long, Hội Sinh Thái Việt đã phải đặt tựa cho một bài viết: Thủ tướng Cam Bốt gây ngờ vực tại Hà Nội về dự án thủy lộ Phù Nam.” [6]  Với nhiều điều không được nói ra, trong Thông báo Phnom Penh gửi cho MRC, xác định con kênh Funan Techo chỉ là một thủy lộ để vận chuyển hàng hóa nội địa cho các con tàu 1.000 DWT nhưng thật ra thiết kế của dự án cho cả những con tàu 3000 DWT tới 5000 DWT. Họ cho biết chỉ chuyển nước cho các âu thuyền của con kênh nhưng không hề nói tới là họ còn sẽ chuyển nước phát triển thủy lợi trong thực tế Funan Techo sẽ là một con Kênh Đào Đa Năng / Multipurpose [7], ngoài thủy vận / navigation, còn có nhiều mục đích khác mà chính phủ Hoàng gia Cam Bốt không chính thức thông báo cho MRC nhưng chúng ta có thể kể: 

_ Con kênh nước ngọt ấy lấy nước từ con sông Mekong và con sông Bassac chảy qua 4 tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep với ngót 1,6 triệu dân sống hai bên kênh, và khi đã chuyển dòng và có được nguồn nước ngọt vô giá, con kênh không chỉ là một thủy lộ mà còn có những công dụng tiêu tưới / irrigation mở rộng diện tích canh tác / agriculture trên những vùng đất Cam Bốt từ trước tới nay vốn thiếu nước, và sẽ còn tạo thêm những hồ nước nuôi trồng thủy sản / aquaculture, bảo đảm lương thực và cải thiện đời sống của cư dân của 4 tỉnh trong vùng mà con kênh Funan Techo chảy qua. 

_ Rõ ràng là trong các cuộc bàn thảo của Diễn đàn Vận Tải và Hậu Cần 2023 (The Transport and Logistics Forum 2023), giới kinh doanh đầu tư Cam Bốt còn bàn tới giá trị gia tăng của đất đai và bất động sản ven con kênh, khi có thêm được những cảng phụ (subordinate ports) tạo thêm công ăn việc làm, đồng thời với phát triển các khu gia cư cùng với nhu cầu nguồn nước cho sinh hoạt. 

Như vậy, với con kênh đào 180 km chiều dài ấy đâu có phải chỉ cần có 80 triệu m3 nước với lượng nước xả từ mỗi âu tàu (ship lock) là 3,6 m3 / giây (trung bình mỗi ngày) để mà kết luận: con số đó là không đáng kể so với lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông Mekong. [7]

TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Biến Đổi Khí Hậu ĐH Cần Thơ với cái nhìn của một chuyên gia lâu năm về ĐBSCL, phát biểu: “Câu chuyện kinh đào Funan Techo của Cam Bốt cho tới nay (tháng 4/2024) thật khó mà đánh giá với tất cả những thách thức tiềm ẩn cho tương lai ĐBSCL vì có nhiều thông tin ban đầu chưa đầy đủ và cả chưa rõ ràng. Theo TS Lê Anh Tuấn, thì những việc cần làm để có thể giảm thiểu những tác hại là:

_ Ủy ban Sông Mekong, đặc biệt là Cam Bốt và Việt Nam cần có một đánh giá toàn diện các tác động về mặt kỹ thuật, kinh tế, môi trường và xã hội của dự án này đối với Cam Bốt và Việt Nam. Cần phải có một cơ chế chia sẻ thông tin thường xuyên về sự vận hành nguồn nước từ sông Bassac và con nh Funan Techo, bao gồm lưu lượng dòng chảy, chất lượng phù sa và biến động nguồn cá. 

_ Cần tính toán và thỏa thuận dòng chảy tối thiểu (hay dòng chảy môi trường / environmental flow) của dòng sông Bassac xuống ĐBSCL vào mùa khô. Sự bảo đảm dòng chảy tối thiểu nên có bằng một cam kết pháp lý và có thể giám sát công khai.

_ Dù khi đã có tuyến vận tải đường thủy Funan Techo trong tương lai, nhưng Cam Bốt vẫn phụ thuộc vào tuyến đường thủy sông Tiền xuyên ĐBSCL trong tuyến tàu hàng lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, kể cả nước Nga để lên Phnom Penh qua Biển Đông vì đoạn đường sẽ ngắn hơn là phải đi vòng qua Mũi Cà Mau vào Vịnh Thái Lan. Việt Nam có thể có những thương lượng ngoại giao với CPC về lợi thế này vì đến nay tuyến đường này vẫn không thu phí. 

BOT HAY BOOT CÒN NGUY HIỂM HƠN VAY NỢ

Để xoa dịu nỗi lo âu của dân chúng và vô hiệu hóa chỉ trích của các phe phái đối lập, cho rằng Cam Bốt đang rơi vào bẫy nợ của TQ, TT Hun Manet nói Cam Bốt không vay nợ 1,7 tỷ USD từ TQ chỉ là sang nhượng theo phương thức BOT. Với một ngôn từ giận dữ, TT Hun Manet nói tiếp: “Ai cho BOT là CB vay nợ TQ là ngu, KS Phạm Phan Long đã nhẹ nhàng phản bác lại rằng: “Không nhận thấy BOT là nợ trá hình vẫn phải trả tiền là còn thiếu trí tuệ hơn nữa”. Bởi vì khi TQ nắm toàn quyền vận hành thu phí suốt 50 năm, con kênh vẫn còn là sở hữu của họ, chứ không phải thuộc CB.

Vậy BOT là gì? Thay vì giản lược gọi là BOT,  nếu viết đầy đủ — phải là BOOT: Build – Own – Operate – Transfer / Xây-Sở Hữu-Vận Hành-Chuyển Giao. Nay giản lược gọi là BOT / Build – Operate – Transfer / Xây-Vận Hành-Chuyển Giao, không có chữ sở hữu, nhưng vẫn là thuộc quyền “sở hữu” của công ty nhà nước TQ trong vòng 50 năm. Điều đáng lo ngại nhất, là trong thời gian “nửa thế kỷ” chờ đợi tới ngày chuyển giao cho phía Cam Bốt vận hành thì chuyện kiểm soát nguồn nước đều theo các quy trình vận hành của TQ và thông tin vận hành rất khó có được chia sẻ công khai và minh bạch. Như vậy, tương lai trước mắt là Việt Nam – cụ thể hơn là vùng ĐBSCL, hoàn toàn bị động về nguồn nước và chịu thiệt hại kinh tế – môi trường – xã hội là không đoán trước được.

VIỆT NAM VÀ NHỮNG MỐI QUAN TÂM

Hình 6: Theo tin tình báo Mỹ, đã có hai Chiến hạm loại 056A của Quân đội Nhân Dân Trung Quốc bỏ neo đậu trong Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt trong suốt 4 tháng, khiến giới quân sự Mỹ và cả Việt Nam rất quan tâm. Căn cứ Hải quân Ream đã được TQ xây cất. Phnom Penh phủ nhận nguồn tin cho rằng đã có một thỏa thuận của Chính phủ Cam Bốt cho phép sự hiện diện thường trực của các chiến hạm TQ nơi đây. Từ Căn Cứ Hải quân Ream  tới các đảo Phú Quốc của Việt Nam chưa đến 30 km. [Photo: Weibo, South China Morning Post 19/04/2024]

Về phía VN còn có mối lo ngại thêm nữa, là trong nửa thế kỷ tới, khi mà TQ có quyền sở hữu và toàn quyền khai thác con Kênh Funan Techo, đó sẽ là thứ vũ khí môi sinh” có thể triệt tiêu nguồn nước — một yếu tố sống còn của kinh tế ĐBSCL và xa hơn thế nữa, theo nhận định của hai nhà nghiên cứu VN là Đinh Thiện và Thanh Minh thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (The Oriental Research Institute) thì Kênh Funan Techo có “công dụng kép” tạo thuận cho sự hiện diện quân sự TQ vào sâu trong lãnh thổ CB, sát với biên giới VN. [The Straits Times 09/04/2024 ], thêm một mối đe dọa về quân sự đối với an ninh lãnh thổ của VN. Ý kiến này đã bị ông Hun Sen phản bác mạnh mẽ mà ông cho là “bịa đặt / fabricate the story”. Trong khi chính phủ Mỹ cũng rất quan tâm về các tàu chiến TQ vẫn ra vào Căn cứ Hải quân Ream của CB, được xem như một tiền đồn mới của Bắc Kinh sát với Biển Đông đang là vùng tranh chấp với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa TQ và Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Qua truyền thông báo chí nhà nước, chính quyền Phnom Penh còn cố tình tạo mối lo trong dân chúng Khmer là CB sẽ mãi bị lệ thuộc vào VN nếu không có con kênh đào Funan Techo như một thủy lộ riêng. Họ còn kích động tự ái dân tộc – khơi dậy thứ tình cảm sâu kín chống VN của người Khmer bấy lâu. Nhưng thực sự giữa CB và VN đã có hiệp ước để hai bên tự do sử dụng Mekong cả sông Tiền và sông Hậu, không bị thu phí và ngăn chặn. Hiện tại Chính quyền CB đã không nói hết sự thật với chính người dân của họ.” Dù thuộc phe phái nào, nuôi dưỡng tình cảm Chống VN / Chống bọn Yuon, là tiếng khinh thị người Khmer gọi người Việt.  Bấy lâu chiêu bài chống VN vẫn được coi là “biểu tượng” của lòng yêu nước và cũng là mẫu số chung đoàn kết các phe phái của họ.   

CAM BỐT CŨNG THIỆT HẠI TỪ KÊNH FUNAN TECHO _ Thiệt hại về môi trường: Con kênh Funan Techo sẽ cắt ngang 4 tỉnh: Kandal, Takeo, Kampot, và Kep; bờ kênh sẽ như con đê chắn kiên cố cắt đôi những cánh đồng lũ tràn (flooded plains) bấy lâu của Cam Bốt. Hậu quả sẽ là: bên hữu ngạn con kênh không thoát nước được sẽ bị lụt lội và bên tả ngạn – bao gồm cả ĐBSCL sẽ mất nguồn nước tràn từ đồng lũ, nên sẽ thiếu nước. Chắc chắn, Cam Bốt sẽ phải chuyển nước từ con kênh Funan Techo và từ con sông Bassac sang tả ngạn để bù vào. Và như vậy nguồn nước xuống ĐBSCL cũng bị cắt giảm đáng kể, nhất là vào Mùa Khô. Người viết đã từng ví Biển Hồ như một trái tim và hệ thống sông Mekong như bộ máy tuần hoàn của một cơ thể sống.

Hình 7: Biển Hồ Tonlé Sap, Mùa Khô diện tích mặt hồ co lại (trái); Mùa Mưa do nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, sông Tonlé Sap đổi chiều chảy ngược vào Biển Hồ làm tràn bờ, khiến diện tích mặt hồ hơn đến 5 lần (phải). Hiện tượng co giãn của Biển Hồ càng ngày càng bị suy yếu, đang như một trái tim thiếu máu.  [Photo: Courtesy of Tom Fawthrop, Eureka Film]

Từ hai thập niên qua, do chuỗi đập thủy điện dòng chính trên thượng nguồn, Biển Hồ đang dần bị suy kiệt ngay cả vào Mùa Mưa, do sức mạnh dòng lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đã yếu đi, thời gian dòng nước sông Tonlé Sap chảy ngược vào Biển Hồ cũng ngắn hơn. Biển Hồ trở thành một trái tim thiếu máu – và nay lại phải rút thêm một lượng nước nữa, có thể thấy trước trong tương lai không xa, Trái Tim Biển Hồ sẽ lâm vào tình trạng suy kiệt (Heart Failure / Suy Tim). Không còn nhịp đập khỏe mạnh của Trái Tim Biển Hồ sẽ là một thảm họa cho cả hai vùng Châu Thổ Tonlé Sap — vựa lúa vựa cá của CB và của ĐBSCL VN.    

_ Thiệt hại về kinh tế: Bảo rằng con kênh Funan Techo là một thủy lộ ngắn hơn, tiết kiệm cho CB về thời gian vận chuyển, tiết kiệm nhiên liệu hơn là phải đi qua con sông Tiền của ĐBSCL như hiện nay là không đúng. Trong thực tế, phần lớn các con tàu hàng container đi vào và ra CB là các quốc gia phía đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nhất là Trung Quốc và cả Mỹ, nên chặng đường bấy lâu là đi từ Biển Đông vào Cảng Cái Mép Bà Rịa Vũng Tàu rồi đi vào sông Tiền lên Phnom Penh vẫn ngắn hơn là phải đi một đường vòng xuống phía nam, qua Mũi Cà Mau mới tới Vịnh Thái Lan, rồi cảng Kep để vào được con Kênh Funan Techo lên Phnom Penh. Chặng đường vòng ấy sẽ diệu vợi và xa hơn là đi qua ĐBSCL rất nhiều: mất nhiều thời gian hơn, tốn nhiều nhiên liệu hơn cho các con tàu hàng.

Theo KS Phạm Phan Long thì, các thương thuyền từ Phnom Penh nếu đi theo tuyến Mekong VN ra vào bờ Biển Đông để hướng đến Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc hay Hoa Kỳ, những đối tác thương mại lớn nhất với Cam Bốt không dài hơn mà ngắn hơn một nửa, sẽ nhanh hơn và và rẻ hơn so với tuyến Funan Techo. Ngay cả các thương thuyền Trung Quốc trừ khi bị ép buộc, họ cũng sẽ không chọn tuyến Funan Techo vào Phnom Penh vì không phải trả phí BOT và chưa kể còn mất thời gian chờ đợi vượt ba âu tàu.  Funan Techo có thể sẽ là “cái mũi” biểu tượng thất bại kinh tế thủy vận của BRI (Belt and Road Initiative) trên đất Chùa Tháp mà Cha Con Hun Sen – Hun Manet đang ép buộc dân Khmer phải chấp nhận và gánh trả.

Hình 8: Bản đồ so sánh hai tuyến đường thủy cho các thương thuyền từ Phnom Penh ra Biển Đông qua ĐBSCL Việt Nam (đường màu xanh) và đường thủy qua Kênh Funan Techo vòng qua Mũi Cà Mau vào Vịnh Thái Lan (đường màu đỏ) chặng đường xa hơn gấp đôi. [Sơ đồ do KS Phạm Phan Long thiết kế và ghi chú]

_ Ngoại Giao Trong Vùng Xám: Triều đại Cha và Con Hun Sen và Hun Manet cùng có quyết tâm hoàn tất cho bằng được công trình Kênh Funan Techo, như một biểu tượng cho sự độc lập đối với VN, cộng thêm với sự quảng bá rầm rộ của báo chí nhà nước đang làm tăng uy tín lãnh đạo và cả được lòng dân Khmer của Hun Manet.

Nhưng với những khó khăn kinh tế của TQ hiện nay, theo Murray Hiebert, chuyên gia phân tích của TT Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc Tế có trụ sở tại Washington DC, lại tỏ ý nghi ngờ về Dự án này, “Tôi không thấy con Kênh ấy có lợi lộc gì nhiều cho phía TQ và cũng khó tưởng tượng được là TQ sẽ tung ra 1,7 tỷ USD vào công trình xây dựng này trong 4 năm tới đây.” [1]

Nhưng theo dự kiến của người viết, Dự án Kênh Funan Techo có tính cách lịch sử – như một biểu tượng cho lòng tự hào của dân tộc Khmer, chắc chắn bằng mọi giá, sớm hay muộn sẽ được hoàn thành – khi mà công trình vĩ mô ấy được coi như “Di Sản / Legacy” của một triều đại Hun Sen – Hun Manet.

TẦM NHÌN TỪ VIỆT NAM

Không thể không ghi nhận tầm nhìn xa của TT Hun Manet. Ngày 30/11/2023, sau khi chính thức tuyên bố hủy bỏ dự án nhà máy điện than Botum Sakor trị giá 1,5 tỷ USD công suất 700 MW tại một khu Bảo tồn, Hun Manet còn có thêm quyết định ngoạn mục khác là sẽ không tiến hành xây dựng 2 đập thủy điện lớn trên dòng chính sông Mekong nơi vùng đông bắc Cam Bốt: đập Sambor (2.600 MW) nơi tỉnh Kratié và đập Stung Treng (980 MW) nơi tỉnh Stung Treng. Đây là một quyết định sáng suốt và can đảm trong khi Cam Bốt đang thiếu điện cho phát triển, nhưng vẫn cố gắng hướng tới nguồn năng lượng xanh (còn được gọi là năng lượng tái tạo) mà không phá hủy hệ sinh thái lưu vực sông Mekong, trong đó có ĐBSCL.  

_ VN sẽ không bao giờ chống đối kế hoạch phát triển các cơ sở hạ tầng của Cam Bốt trong phát triển kinh tế xã hội, trong đó có Dự án Kênh đào Funan Techo. Tuy nhiên do con kênh đào lấy nước từ dòng chính sông Mekong Hạ và sông Bassac – khúc thượng nguồn của sông Hậu, VN có những mối lo ngại rất chính đáng về ảnh hưởng tác hại xuyên biên giới trên vùng châu thổ ĐBSCL.

_ VN sẽ không có đòi hỏi gì hơn, là sự hợp tác chặt chẽ và tin cậy để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của cả 4 quốc gia Mekong [Lào, Thái, Cam Bốt, Việt Nam] trong lưu vực trong vấn đề sử dụng nước. Và các điều khoản cơ bản trong Hiệp Định Sông Mekong 1995 cần được tôn trọng. Đó là: [I] Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận PNPCA [Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement], [II]  Đánh giá Tác động Môi trường Xuyên Biên giới TbEIA [Transboundary Environmental Impact Assessment], một cách khoa học, khách quan và độc lập, để từ đó, Ủy Hội Sông Mekong 4 nước – sau bước được Thông báo (1), MRC sẽ có đủ “dữ liệu cần và đủ” để hoàn tất tiến trình 2  bước còn lại của PNPCA, là Tham vấn trước (2), và cuối cùng là Thỏa thuận (3).

Hình 9: 45 năm sau thời kỳ Khmer Đỏ, từ những Cánh Đồng Chết /  The Killing Fields, là hình ảnh một xứ Chùa Tháp vực dậy từ tro than và đang hồi sinh. Dự án Kênh đào Funan Techo đang được tô vẽ như một biểu tượng phục hưng của Đế chế Funan-Angkor-Khmer, và cũng sẽ là Di sản của Triều đại Cha và Con Hun Sen-Hun Manet. [Khmer Times 12/23/2023]

KẾT LUẬN

Ở đây, người viết muốn nhắc tới ý kiến xác đáng và xây dựng của một học giả Cam Bốt, Chheang Vannarith, Chủ tịch Học Viện Viễn Kiến Á Châu (Asian Vision Institute). Ông viết: “Cam Bốt đang tiến sâu hơn nữa trong kết hợp vùng – với tin tưởng rằng tương lai của Cam Bốt không thể tách rời ra khỏi vùng. Chuyển đổi Cam Bốt thành một cửa ngõ, hay là một quốc gia cầu nối trong lưu vực sông Mekong là một nỗ lực lâu dài.”

Chheang Vannarith viết tiếp: “Chính sách ngoại giao láng giềng của Cam Bốt  phải bắt rễ từ những nguyên tắc cơ bản gồm 4 chữ M và 2 chữ P theo tiếng Anh (mà ông viết tắt là M4P2): Mutual respect / kính trọng nhau, Mutual understanding / hiểu biết nhau, Mutual trust / tin cậy nhau, và Mutual interest of Peace and Prosperity / cùng quan tâm tới Hòa Bình và Thịnh Vượng.” [4]

Phải nói rằng M4P2 là một nội dung cô đọng và hoàn hảo cho một Tinh Thần Sông Mekong / Mekong Spirit — như một mẫu số chung, hay một sợi chỉ đỏ nối kết mà chúng ta còn thiếu vắng bấy lâu giữa 4 quốc gia cùng sống trong một Lưu Vực. Nhưng với con Kênh Funan Techo, Cam Bốt không những không phát huy lý tưởng cao đẹp trên mà còn có thể rơi vào một cạm bẫy của Trung Quốc đang giăng ra để chia rẽ các quốc gia Đông Nam Á: trong đó có Việt Nam và Cam Bốt, nhằm khống chế toàn khu vực.

NGÔ THẾ VINH

April 21, 2024

Tham Khảo:

1/ Brook, Jack. Cambodia to divert Mekong trade via China-built canal, vexing Vietnam. Nikkei Asia Insight March 12, 2024.

2/ Borton, James. Funan Techo Project Calls for Joint Approach to Mekong Development. Geopolitical Monitor. Opinion. Jan 1, 2024.

3/ Sothearak Sok. Why is Vietnam Worried About Cambodia’s Mekong Canal Project? Diplomat, Asean Beat. Jan 02, 2024.

4/  Cambodia’s Neighbourhood Diplomacy, Navigating Turbulent Waters. Chheang Vannarith. Khmer Times Oct 25, 2023.  

5/ Cambodia Ministry of Information. Techo Funan Canal Project to be Developed Under Boot Contract. AKP Phnom Penh, Dec 27, 2023.

6/ Phạm Phan Long. Thủ tướng Cam Bốt gây ngờ vực tại Hà Nội về dự án thủy lộ Phù Nam. Viet Ecology Foundation, Dec 20, 2023.

7/  Ngô Thế Vinh. Từ Đế chế Phù Nam Khmer tới con kênh lịch sử Funan Techo của Vương quốc Cam Bốt. Oct 16, 2023.

Tháng Tư Nhớ Anh Hai

Nhiều lần tôi muốn viết về anh Hai tôi, người đã vĩnh viễn nằm dưới lòng Biển Đông 44 năm trước, nhưng cứ ngồi xuống viết thì thấy buồn buồn, nên thôi. Nhưng lần này thì tôi viết lại câu chuyện như là một nhựt kí và tư liệu cho những ai nghiên cứu về ‘Thuyền Nhân.’

Gia đình tôi có 7 anh chị em, 3 trai và 4 gái. Thật ra, chúng tôi có đến 9 anh chị em, nhưng người chị cả đã qua đời lúc mới sanh ra, và một người em trai qua đời lúc 6 tuổi trong một tai nạn trên sông. Ngày xưa ở miệt quê tôi, mỗi gia đình có 8-10 người con là bình thường. Do đó, đại gia đình tôi (tức kể cả những người tính từ ông bà cố trở xuống) có hơn 1000 người ở trong làng. Thời đó, một làng chưa tới 5000 dân, mà ít nhứt 1/5 là người trong đại gia đình!

Anh Hai tôi là một ngôi sao, một tấm gương về học hành trong đại gia đình. Anh là người đầu tiên trong làng đậu tú tài toàn phần và tốt nghiệp kĩ sư hoá học. Nói đúng ra, đại gia đình tôi còn có một ngôi sao khác và người đó là em họ tôi (nữ) cũng thi đậu tú tài toàn phần, nhưng nó không lên đại học. Thời đó, thập niên 1960, chỉ có 10-15% học sinh trung học thi đậu tú tài toàn phần mà thôi, và chỉ có 5-10% thí sinh dự thi tuyển được chọn vào học đại học. Có thể nói rằng hệ thống giáo dục thời đó thuộc loại ‘elite’, có nghĩa là chỉ chọn những người ưu tú và giỏi thật sự. Do đó, những người thi đậu đại học là một niềm vinh dự cho gia đình và cho cả làng xã.

Với tôi, anh Hai tôi cũng là một người thầy hơi đặc biệt. Ngày tôi lên trung học, tôi ở cùng nhà trọ với anh, và có thể nói đó là những ngày ‘khó khăn’ mà tôi khó quên được. Anh bắt tôi phải học, phải đọc sách nhiều. Bất cứ lúc nào anh ấy không thấy tôi cầm quyển sách là anh la rầy ngay: ‘Mày làm gì mà không đọc sách? Mày muốn đi hốt rác hả? Tôi đâu dám cãi. Tôi học không đến nỗi tệ, nhưng dưới mắt anh thì tôi lúc nào cũng chưa đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ anh dạy tôi giải phương trình bậc hai, tôi lúng túng chưa giải xong thì anh quát: học hành ngu như mày thì mai mốt làm được cái gì?! Lúc đó, tôi cũng ức lắm, nhưng không dám cãi lại. Có lần tôi đem bằng tưởng thưởng về để ngay trên ghế bố (hồi đó còn ngủ ghế bố), anh tôi đi ngang thấy và nói: mày chỉ giỏi trong đám mù thôi, chứ mày hơn ai. Nói tóm lại, anh không bao giờ khen thằng em khốn khổ này. Nhưng đương nhiên, đó là một cách anh ấy đặt tiêu chuẩn cao hơn để tôi phải phấn đấu, chứ không cho tự mãn. Anh đặt ra những cái bậc cao hơn để tôi nhảy, chứ không hẳn là chê bai gì.

Sau ngày 30/4/1975, anh Hai có thời gian làm kĩ sư kiểm nghiệm cho một công ti quốc doanh, nhưng chỉ một thời gian ngắn anh nghỉ việc. Không ai hỏi tại sao, nhưng tôi đoán chắc anh ấy không chịu nổi môi trường làm việc mới. Anh về quê sống với ngoại tôi. Khác với tôi và anh Ba là những người có thể làm nghề nông và cày cuốc, anh Hai chỉ quen với cuộc sống thị thành và không bao giờ đụng đến việc đồng áng. Có người gọi anh là ‘công tử’, vẫn còn xe Honda đi lại và ăn mặc ‘bảnh tỏn’ (thời đó hay bị gán cái nhãn ‘tiểu tư sản’). Ngoại tôi rất cưng anh hai, nên anh ấy được đặc quyền đặc lợi trong ngôi nhà cũ kĩ đó. Anh hay lái xe Honda ra Rạch Giá cà phê cà pháo với bạn bè cùng cảnh ngộ và tôi cũng hay gặp anh ngoài đó.

Những lúc nhìn tôi hăng say với công việc, anh ấy chỉ lắc đầu nói với Ba Má tôi là ‘thằng này bị tẩy não rồi’. Tôi nhớ có lần anh giới thiệu tôi với bạn của anh trong quán cà phê và phán một câu: ‘thằng này nó là em tao, nhưng nó không cùng ý thức hệ với tao, vì nó rất ư là left wing!’

Lúc đó tôi đâu còn nhỏ nữa, mà anh ấy hình như vẫn xem tôi như thời trẻ con, nên mới có cách giới thiệu sốc hông đó 🙂 Nhưng biết vai vế mình nên tôi cũng không muốn cãi lại.

Thật ra, sau này tôi mới biết là những ngày anh la cà ở Rạch Giá là để tìm đường … vượt biên. Một hôm, anh chủ động tới gặp tôi và nói là anh sẽ đi vượt biên nay mai, rồi hỏi: ‘Mày đi hông?’ Tôi hơi sốc về câu hỏi.

Thú thiệt là lúc đó tôi còn lí tưởng lắm và nghĩ đất nước rồi sẽ ok thôi, nên không nghĩ đến chuyện vượt biên. Tôi đã từng thấy bạn bè từ Sài Gòn về Rạch Giá tìm đường vượt biên. Ở chỗ làm, hễ không thấy ai đó vài ngày thì xác suất cao là người đó đã đi vượt biên. Có người đi thoát qua tận các nước trong vùng Đông Nam Á, rồi Mĩ và họ gởi thư về báo tin mừng. Nhưng cũng có không ít người bị bắt và giam trong các trại giam ở vùng U Minh Thượng. Những người bị giam một thời gian ngắn (vài tháng) rồi được thả ra, và họ lại tìm đường vượt biên vì không thể sống với xã hội mới. Tôi có những người bạn vượt biên và bị bắt đến 7 lần!

Khi thấy tôi không trả lời, anh Hai nói ‘Vậy là mày không đi?’ Nói rồi, anh giao cho tôi cái xe Honda và chiếc đồng hồ Seiko, và dặn về nhà báo cho Ba Má biết rằng anh đã quyết định đi vượt biên. Anh nói chuyện vượt biên nhẹ như đi … Sài Gòn.

Không ngờ hôm đó là lần cuối cùng anh em gặp nhau.

(Cũng xin mở ngoặc nói thêm rằng chính vì chiếc xe Honda và đồng hồ này mà sau này tôi đồng nghiệp kiểm điểm ‘lên bờ xuống ruộng’ đến nỗi không còn chịu được nữa nên tôi cũng ra đi).

Anh Hai tôi đi trên một cái tàu đánh cá mà ông chủ chẳng ai khác hơn là ông già vợ tương lai của anh. Lúc đó, anh đã đính hôn nhưng chưa làm đám cưới. Ông là người có trên 30 năm kinh nghiệm đi biển, và từng tự hào là nhắm mắt cũng lái từ biển về tới bến tàu Rạch Giá. Chuyến đi chỉ có 20 người, và toàn là người trong gia đình bên vợ tương lai của anh Hai tôi. Tôi không biết chính xác ngày anh Hai tôi rời Việt Nam, chỉ biết là cuối năm 1980.

Tất cả 20 người trên tàu đều mất tích.

Mất tích trên biển thì chỉ có thể nói là tất cả đều qua đời. Nhưng không ai biết nguyên nhân của sự mất tích. Do tai nạn? Do bão táp? Do cướp biển? Không ai biết. Má tôi thậm chí còn mời ‘thầy’ về xem để biết anh Hai tôi qua đời vào ngày nào, nhưng tất cả đều vô vọng. Cứ mỗi lần nhắc đến anh Hai là Má tôi khóc.

Sau này khi đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đi đăng tin tìm anh nhưng hoàn toàn vô vọng. Tôi tìm đến Hội Hồng Thập Tự, các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức thiện nguyện, những người đi cùng thời gian để tìm tung tích, nhưng tất cả đều không có thông tin.

Có lẽ anh Hai tôi đã vĩnh viễn nằm trong lòng biển cùng với hàng trăm ngàn người Việt Nam khác trong thập niên 1970-1980.

Theo Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong thời gian 1975-1995, có chừng 800,000 người Việt vượt biên bằng đường biển và chừng 100,000 bằng đường bộ [1]. Đa số là xảy ra trong thời gian 1975-1985 vì đó là ‘cao trào’ của làn sóng vượt biển. Theo một nghiên cứu trên những thuyền nhân tới Thái Lan thì đa số (trên 50%) thuyền tới Thái Lan bị hải tặc Thái Lan tấn công.

Vẫn theo Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, có ít nhứt 10% người vượt biển bỏ mạng ngoài khơi, ‘vĩnh viễn không bao giờ tới miền đất hứa’. Dựa vào đó, chúng ta có thể ước tính rằng có ít nhứt 100,000 người Việt đã nằm trong lòng Biển Đông; trong số này có anh Hai tôi. 100,000 người là bằng dân số của 10 xã ngày nay cộng lại.

Tiến sĩ Carina Hoàng [2], tác giả cuốn sách ‘Boat People’, nhận xét về thảm cảnh của người vượt biển như sau [3]: “Nỗi đau, vết thương của thuyền nhân Việt Nam sẽ không bao giờ lành. Một số những gia đình có người thân chết trên biển khơi hoặc chết trong trại tị nạn mà không được một nắm mồ. Nhưng đau khổ nhất là những người bị bắt cóc đi mà đến hôm nay gia đình cũng không biết nên để tang cho con cho vợ hay vẫn tiếp tục hy vọng tìm được họ. Có nhiều chuyện mà mỗi câu chuyện cho mình thấy những khía cạnh của thảm cảnh thuyền nhân Việt Nam. Oanh nghĩ không bao giờ mình sang trang được, trang lịch sử này sẽ tồn tại mãi mãi.”

___

[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Thuy%E1%BB%81n_nh%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam

[2] https://carinahoang.com

[3] https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/OverseasVietnamese/boat-poep-stori-nevr-fade-04302015054249.html

Câu chuyện thú vị về bột ngọt

Nói tới bột ngọt là nhiều người nghĩ rằng nó là loại thực phẩm … xấu. Nhưng câu chuyện về ‘cái xấu’ của bột ngọt bắt đầu từ một lá thư giả tạo trên tập san y khoa New England Journal of Medicine vào năm 1968.

Bột ngọt, có khi còn gọi là ‘mì chính’, có tên tiếng Anh là monosodium glutamate (viết tắt MSG). Một cách ngắn gọn, bột ngọt là một chất muối, chính xác hơn là muối natri. Đó là một chất ‘điều phối’ hương vị của thức ăn, và do đó, trước 1975 ở miền Nam nó còn có tên khá hay là ‘Vị Hương Tố’.

Trước năm 1975 ở miền Nam, bột ngọt (được gọi một cách mĩ miều là ‘Vị hương tố’) được công ti Thiên Hương sản xuất. Chuyện kể rằng sản phẩm vị hương tố của Thiên Hương từng đánh bật Ajinomoto và Vedan trên thị trường. Sau 1975 thì hãng Thiên Hương bị tịch thu và gia đình chủ hãng sang Mĩ định cư, kết thúc một thương hiệu Việt.

Nhiều người nghĩ rằng bột ngọt là chất gây tác hại cho sức khoẻ. Một số người cho rằng họ bị dị ứng với bột ngọt. Do đó, nhiều nhà hàng và món ăn thường làm cho thực khách an tâm với dòng chữ quen thuộc ‘Không dùng bột ngọt’.

Vậy câu chuyện bột ngọt gây tác hại cho sức khoẻ xuất phát từ nghiên cứu nào? Chẳng có nghiên cứu nào cả. Tất cả đều xuất phát từ cuối thập niên 1960, và câu chuyện như sau:

Ngày 11/7/1968, tập san y khoa New England Journal of Medicine (NEJM) công bố một lá thư ngắn nhan đề “Chinese Restaurant Syndrome” (Hội chứng Nhà hàng Tàu) của tác giả “Robert Ho Man Kwok” thuộc “National Biomedical Research Foundation, Silver Spring, Md.” [1] Sẽ giải thích tại sao danh tánh tác giả và nơi công tác để trong ngoặc kép.

Lá thư chỉ có 3 đoạn văn ngắn. Trong đoạn văn đầu, tác giả cho biết ông bị một hội chứng lạ sau khi ăn uống trong một nhà hàng Tàu ở Mĩ. Hội chứng này bao gồm tê cứng ở gáy, lan dần ra cả hai tay và lưng, kèm theo triệu chứng toàn thân bị yếu đuối và tim đập nhanh. Hai đoạn văn sau đó, tác giả suy đoán rằng nguyên nhân của hội chứng này có thể do thức ăn có nhiều muối, hoặc vài hương vị trong nước tương, hoặc rượu dùng để nấu nướng. Rồi sau đó, tác giả cho biết rằng “Có người cho rằng” hội chứng mà ông kinh qua có thể do bột ngọt được sử dụng để tăng vị giác trong các nhà hàng Tàu (“that it may be caused by the monosodium glutamate used to a great extent for seasoning in Chinese restaurants.”) Trong đoạn cuối của lá thư, tác giả kêu gọi các bác sĩ khác nên làm nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân của hội chứng là gì. Lá thư kí tên như sau:

“Robert Ho Man Kwok, MD, Senior Research Investigator, National Biomedical Research Foundation, Silver Spring, Md.”

Như có thể thấy ở trên (qua lá thư trên NEJM), tác giả hoàn toàn không trình bày một nghiên cứu khoa học nào cả, và suy đoán cũng … linh tinh. Toàn bộ lá thư hoàn toàn không có bất cứ một thông tin khoa học nào. Điều đáng kinh ngạc là một tập san thuộc hàng ‘Kinh thánh y khoa’ công bố một lá thư như thế!

Sau khi lá thư được công bố, có nhiều hồi đáp liên quan đến ‘hội chứng’ mà tác giả thuật lại. Một số lá thư mô tả nỗi khổ của họ sau khi ăn thức ăn Tàu và thậm chí còn có giọng điệu mỉa mai. Một chủ đề nổi bật trong những lá thứ hồi đáp là sự kì thị chủng tộc chống lại người Hoa và văn hoá ẩm thực của họ.

Năm 2017, một giáo sư về ngôn ngữ học là Jennifer LeMesurier (thuộc Đại học Colgate, New York) sưu tầm những lá thư hồi đáp và viết thành một bài báo nhan đề “Uptaking Race: Genre, MSG, and Chinese Dinner” [2], công bố trên tập san Poroi: An Interdisciplinary Journal of Rhetorical Analysis and Invention. Trong bài báo, GS LeMesurier lí luận rằng những bình luận mang tính kì thị chủng tộc dựa trên bột ngọt đã lan sang truyền thông và gây nên một sự hoảng loạn về vị hương tố đó cho đến ngày hôm nay.

Năm 2018, GS LeMesurier thuật lại một câu chuyện còn thú vị hơn có liên quan đến tác giả lá thư trên NEJM. Bà cho biết một hôm đi làm về, bà nghe một tin nhắn qua điện thoại bàn. Người nhắn tin tự nhận là Bác sĩ Howard Steel, một cựu sinh viên của Đại học Colgate. Tin nhắn nói rằng [3]:

“Boy, have I got a surprise for you. I am Dr. Ho Man Kwok.” (tạm dịch: “Chà, tôi có điều bất ngờ dành cho chị. Tôi là Bác sĩ Ho Man Kwok đây”.)

BS Howard Steel cho biết thêm rằng ông là một bác sĩ phẫu thuật xương khớp tại Bệnh viện Shriner và cũng là một giáo sư tại Đại học Temple ở Philadelphia. Đồng nghiệp của ông là Bác sĩ Bill Hanson thường chọc ghẹo rằng các bác sĩ phẫu thuật xương khớp như BS Howard Steel là quá ngu xuẩn để có thể công bố trên một tập san danh giá như NEJM. BS Hanson cá với BS Steel là nếu BS Steel công bố được trên NEJM, ông sẽ được tặng 10 USD. Đó là câu chuyện BS Steel thuật lại trước khi ông qua đời ở tuổi 97.

Vào lúc đó, một buổi cuối tuần, BS Steel và BS Hanson ăn uống tại một nhà hàng Tàu có tên là Jack Louie. Hôm đó, họ uống rất nhiều bia và ăn rất nhiều. Sau đó, họ cảm thấy đau bụng. Từ triệu chứng đó, BS Steel có cảm hứng để viết một lá thư cho NEJM. Ông nói “Tôi quyết định viết một bài báo nhỏ và gởi cho tập san New England Journal of Medicine”. BS Steel nói thêm rằng: “Tôi sẽ làm cho lá thư hiển nhiên đến mức mà ban biên tập sẽ lập tức biết rằng đó là sự giả tạo.” Sau khi viết lá thư nổi tiếng đó, ông kí tên là “Robert Ho Man Kwok”.

Tại sao Robert Ho Man Kwok?

Có suy luận rằng đó là một cách chơi chữ. Trong một lá thư hồi đáp trên NEJM, BS William C. Porter viết rằng ông không tin câu chuyện của tác giả Robert Ho Man Kwok, và cho rằng tác giả muốn dùng lá thư để chọc cười độc giả của tập san NEJM. BS Porter còn chỉ ra rằng cái danh tánh Kwok là một cách chơi chữ từ “Crock”, có nghĩa là ‘hoàn toàn vô lí’. Ông yêu cầu tập san NEJM hãy tiết lộ danh tánh của Robert Ho Man Kwok, nhưng NEJM im lặng.

BS Steel (người thú nhận rằng ông vào vai Ho Man Kwok) lí giải rằng ông chọn cái tên đó từ một cách chiết tự dùng để chỉ một kẻ ngu ngốc. Nếu ai đó cần thêm một chứng cớ rằng lá thư là một trò đùa, BS Steel còn tạo ra một viện nghiên cứu hoàn toàn ảo: “National Biomedical Research Foundation of Silver Spring, Md” (Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia của Silver Spring, Maryland). Trong thực tế, không có một viện nghiên cứu nào với cái tên trên.

Vài tuần sau khi công bố lá thư, BS Steel đến nhận quà (10 USD) từ BS Hanson, và ông liên lạc ngay với Tổng biên tập NEJM và bạn thời thiếu niên là Franz Ingelfinger. BS Steel báo cho ông Ingelfinger biết rằng lá thư là một “a big fat lie” (một lời nói láo trắng trợn). BS Franz Ingelfinger không trả lời. Sau đó, BS Steel gởi một lá thư cho một biên tập khác của tập san NEJM rằng “Tôi nói với anh ta rằng đó chỉ là một đống rác, toàn bộ đều giả tạo, toàn bộ đều bịa đặt, và anh ta cúp điện thoại ngay trước mặt tôi” (“I told him it was a bunch of junk, it was all fake, it was all made up, and he hung up the phone on me”).

Kể từ khi lá thư của tác giả Robert Ho Man Kwok (hay Howard Steel?) công bố trên NEJM năm 1968, bột ngọt đã trở thành một ‘kẻ xấu’ trong thức ăn. Biết bao nhiêu câu chuyện về bột ngọt gây ra chứng nhức đầu, ói mửa, tim đập nhanh, nóng bừng, khó thở, v.v. và v.v. Nhiều câu chuyện đến nổi hể nói đến bột ngọt là người ta nghĩ ngay đến một chất độc hại.

Nhưng có thật bột ngọt độc hại? Không có một bằng chứng khoa học nào đủ thuyết phục để cho rằng nấu ăn với bột ngọt gây tác hại xấu đến sức khoẻ. Người viết note này đã điểm qua khá nhiều bài báo trong Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) và không tìm thấy chứng cớ khoa học để nói rằng bột ngọt gây bệnh hen suyễn hay bất cứ triệu chứng nào thuộc cái-gọi-là Hội chứng Nhà hàng Tàu.

Dĩ nhiên, cũng như bất cứ chất nào, nếu dùng thái quá thì sẽ gây tác hại, nhưng nếu dùng với liều lượng vừa phải thì có hiệu quả làm cho món ăn thêm phần hương vị. Ở Úc, Food Australia cho rằng bột là chất an toàn, và chỉ có một số ít người trong cộng đồng có thể dị ứng với bột ngọt nếu họ dùng nhiều bột ngọt trong bữa ăn. Ngày nay, nhiều đầu bếp nổi tiếng trên thế giới công khai khuyến khích dùng bột ngọt, với liều lượng vừa phải (khoảng 1-3 g/ngày), trong nấu nướng.

Tóm lại, câu chuyện về tác hại của bột ngọt hay ‘vị hương tố’ bắt đầu từ một lá thư ngắn công bố trên tập san New England Journal of Medicine vào năm 1968, với những thông tin giả tạo về tác hại của bột ngọt, và tác giả cũng như nơi công tác cũng đều là giả tạo. Điều đáng kinh ngạc là sau hơn 50 năm mà tập san New England vẫn chưa rút lại lá thư tai hại đó!

Câu chuyện cho thấy công chúng cần phải xem xét và đánh giá các thông tin trên các tập san y khoa một cách công tâm và khoa học, chứ nếu không thì rất dễ bị dẫn dắt một cách sai lạc.

____

[1] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25276867

[2] https://pubs.lib.uiowa.edu/poroi/article/id/3395

[3] Câu chuyện của Howard Steel ở đây: https://news.colgate.edu/magazine/2019/02/06/the-strange-case-of-dr-ho-man-kwok

và xem thêm đối thoại ở đây: https://www.thisamericanlife.org/668/transcript

Cơ giới hoá nông thôn miền Tây

Chuyến về quê hôm trước làm tôi thấy vui trong bụng vì thấy bà con nông dân đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ mới vào việc đồng áng.

Băng ngang một cánh đồng ở huyện Châu Thành, tôi thấy vài cái flycam / drone bay lòng vòng. Tôi tưởng là mấy đứa con nít chơi drone, chứ có ngờ đâu bà con nông dân dùng nó để xạ lúa! Anh tài xế chỉ cho tôi những thửa ruộng mà lúa mới mọc rất đều, và nói đó là nhờ drone. Nông dân ngày nay còn ‘ứng dụng’ drone để rải thuốc trừ sâu, thậm chí rải phân.

Mấy năm trước, tôi đã thấy những máy gặt lúa do bà con miền Tây sáng chế. Hồi xưa, bà con phải đi gặt lúa rất vất vả, nhưng ngày nay những cái máy này đã giảm gánh nặng cho họ. Tuy nhìn đơn giản nhưng những cái máy này rất hữu hiệu và giúp nghề làm ruộng nhẹ nhàng hơn.

Rồi máy đập lúa. Hồi xưa, gặt lúa xong là phải đập lúa, cũng là một việc vất vả. Nhưng ngày nay bà con nông dân đã sáng chế ra những máy tuốt lúa (thực chất là đập lúa). Lại có những máy vừa gặt lúa vừa đập lúa luôn!

Ngày xưa, nghề nông là một nghề đơn giản và vất vả. Từ xạ lúa, phun thuốc trừ sâu, gặt lúa, đến đập lúa, tất cả đều làm thủ công. Đến thập niên 1970s (?) mới có máy cày thay cho con trâu, và thời đó ba má tôi có 2 chiếc máy cày rất xịn phục vụ cho cả vùng trong bán kính 20 km. Thời đó, tuy nông dân không giàu nhưng có cuộc sống khá thoải mái. Sau 1975 thì cái mô hình ‘hợp tác xã’ trời đánh thánh đâm (dân miền Tây hay nói vậy) làm cho nghề nông bị tê liệt một thời gian đến nổi từ một vùng xuất khẩu gạo trở thành thiếu gạo ăn!

Làm ruộng xưa (hình bên tay trái) và nay (bên tay phải): từ xạ lúa, gặt lúa, và đập lúa đã dần dần được cơ giới hoá. Tất cả những sáng chế này đều do nông dân làm, chứ không phải của ‘sư sĩ’ nào.

Mãi đến vài chục năm sau thì tình hình mới khá hơn, nhưng nông dân vẫn vất vả vì làm ruộng thủ công là chánh. Thời đó, nhìn sang Thái Lan tôi thấy người ta đã cơ giới hoá nông nghiệp rồi, và ước gì Việt Nam mình cũng như họ. Và, mãi đến nay thì đồng ruộng miền Tây mới được cơ giới hoá một cách đơn sơ. Chúng ta đã sau Thái Lan chừng 30 năm.

Nhưng chậm còn hơn không. Tôi nghĩ nông dân Việt Nam rất sáng tạo và nếu môi trường thuận lợi, họ chẳng thua kém bất cứ ai. Bằng chứng là trong thời gian qua, quá trình cơ giới hoá đều do nông dân thực hiện, chứ không phải do các vị sư sĩ làm. Nông dân sáng chế ra máy móc và ứng dụng ngay trên những cánh đồng họ canh tác, chứ chẳng nhờ vào ‘đề tài cấp quốc gia’ nào.

Máy gặt lúa và đập lúa luôn. Tuy không hiện đại như bên Nhật hay các nước Âu châu, nhưng nó làm được việc và giảm gánh nặng cho nông dân. Trong tương lai thì chắc sẽ hoàn thiện hơn và những cái máy này sẽ có thương hiệu.

Câu chuyện OJ Simpson và xác suất trong toà án

Ngày hôm qua, ngôi sao banh banh bầu dục và có thời làm tài tử điện ảnh là OJ Simpson (hình) qua đời ở tuổi 76. Câu chuyện của anh ấy cho ra nhiều bài học, trong đó có một bài học về diễn giải xác suất trong toà án vốn là chủ đề của biết bao bài báo và bài giảng cho sinh viên thời đó. Tôi tóm tắt ‘câu chuyện’ như sau:

Năm 1995, O.J Simpson bị truy tố về tội giết Nicole Brown Simpson (vợ cũ của anh ấy), và Ron Goldman (là bạn trai của vợ cũ anh ấy). Cả hai nạn nhân đều bị phát hiện có nhiều vết dao. Điều đáng ngạc nhiên là toà án đã kết luận rằng OJ Simpson vô tội trong vụ án. Tuy nhiên, sau này một phiên toà dân sự kết luận rằng anh ấy phải ‘chịu trách nhiệm’ về cái chết của người vợ cũ.

Đã có nhiều bình luận chung quanh lời tuyên vô tội của toà án. Người ta bàn về sự thiên vị cảm tính của bồi thẩm đoàn đến sự thiếu năng lực của bên truy tố. Nhưng một vấn đề quan trọng là cách diễn giải xác suất trong phiên toà.

Công tố viên bỏ ra 10 ngày đầu của phiên tòa để trình bày chứng cứ cho thấy OJ Simpson có tiền sử bạo hành vợ cũ của mình. Họ lập luận rằng có mối liên quan giữa bạo hành và động cơ sát nhân. Họ cũng lí giải rằng OJ Simpson là thủ phạm giết vợ cũ và bạn trai của vợ cũ.

Luật sư Alan Dershowitz đại diện cho OJ Simpson phản bác lập luận của công tố viên. Ông Dershowitz cho rằng các cáo buộc của công tố viên không có liên quan gì cả. Ông đưa ra con số xác suất rằng cứ 2500 người đàn ông bạo hành vợ thì chỉ có 1 người sát hại vợ của họ. Nói cách khác, xác suất mà một người như OJ Simpson giết vợ là 1/2500 (0.0004), tức là rất thấp. Con số này có vẻ thuyết phục bồi thẩm đoàn.

Cách lí giải của Dershowitz thuộc hạng ‘thông minh’, và con số ông đưa ra cũng không sai (ông dựa vào thống kê của ngành tư pháp Mĩ). Nhưng Dershowitz đã đưa ra một câu hỏi sai. Ông ấy hỏi:

‘Trong số những người bạo hành vợ, có bao nhiêu người sẽ sát hại vợ’

Nhưng câu hỏi đó sai. Sai là vì không phải là ‘sẽ’ mà là ‘đã’. Nói cách khác, sự việc ĐÃ xảy ra rồi. Do đó, câu hỏi đúng và hợp lí là:

‘Xác suất một người đàn ông ĐÃ sát hại vợ, nếu anh ta trước đó đã có tiền sử bạo hành, và cô ấy đã bị ai đó sát hại’.

Câu trả lời cho câu hỏi này phải cần đến Định lí Bayes. Mô tả Định lí Bayes bằng công thức thì nhiêu khê lắm và có thể làm cho các bạn rối rắm, nên tôi sẽ mô tả bằng chữ cho dễ hiểu. Tưởng tượng tình huống như sau:

Một quần thể gồm 100,000 người phụ nữ bị chồng bạo hành. Theo con số của Alan Dershowitz (1/2500), trong số này sẽ có 40 người bị sát hại mỗi năm. Nhưng có 5 trường hợp bị sát hại mà thủ phạm không phải là chồng. Như vậy, chúng ta kì vọng có 45 phụ nữ bị sát hại, và trong số này 40 là do chồng sát hại. Do đó, xác suất chồng là thủ phạm là 40 / 45 = 0.89. Thật ra, cách tính chính xác hơn cho ra kết quả 97%.

Nói cách khác, dựa vào con số thực tế, xác suất một người có tiển sử bạo hành vợ như OJ Simpson đã sát hại vợ cũ là 97%.

Thế nhưng khổ nỗi trong phiên toà không ai biết cách đặt câu hỏi một cách logic như trên, mà họ bị thuyết phục bởi câu hỏi sai của luật sư. Đặt câu hỏi sai thì câu trả lời cũng sai. Giáo sư IJ Good đã gởi một lá thư cho luật sư Alan Dershowitz và toà án và chỉ ra rằng họ đã sai, nhưng sau khi xem xét chứng cớ DNA và cái găng tay, cuối cùng thì OJ Simpson vẫn được phán quyết là vô tội. Phán quyết đó chẳng thuyết phục được ai vì ai cũng nghĩ OJ Simpson có tội.

Câu chuyện cho thấy hiểu sai xác suất có thể dẫn đến những phán quyết sai trong toà án. Ở Mĩ mà còn vậy, chẳng biết Việt Nam thì sao.

______

TB: Các bạn có thể đọc câu chuyện này qua bài báo của IJ Good trên Nature 1995:

https://www.nature.com/articles/375541a0

Note kĩ thuật:

Gọi K là sự việc chồng sát hại vợ; B là sự việc chồng bạo hành vợ. Dershowitz lí giải rằng P(K | B) = 1/2500. Nhưng trong trường hợp này, sự việc sát hại đã xảy ra (gọi đó là M), và do đó, cái xác suất mà chúng ta cần tính là P(K | B, M). Theo Định lí Bayes:

P(K | B, M) = P(M | K, B) * P(K | B) / [P(M | K, B) * P(K | B) + P(M | B, not K) * P(not K | B)]

trong đó:

P(M | K) = P(M | K, B) = 1

Năm 1994, có 5000 phụ nữ Mĩ bị sát hại, trong số này 1500 trường hợp mà chồng là thủ phạm. Với dân số chừng 100 triệu phụ nữ, chúng ta có:

P(M | notK) = 3500 / (100,000,000) = 1 / 30000

P(K | B) = 1/2500 (số của luật sư)

P(notK | B) = 999/2500

Do đó: P(K | M, B) = (1 * 1/2500) / (1/2500 + 1/30000 * 999/2500) = 0.9677

Peter Higgs (1929 – 2024)

Một nhà khoa học thuộc vào hàng ‘đa đề’ trên thế giới vừa từ giã cõi trần ngày hôm qua, nhưng ông để lại cho đời một phát hiện quan trọng mang tên ông: Higgs Boson (Hạt Higgs).

Ông là Peter Higgs, cựu giáo sư vật lí thuộc Đại học Edinburgh và Khôi nguyên Giải Nobel Vật Lí 2013. Đằng sau hào quang Nobel đó là một sự nghiệp khá chông chênh, và là một bài học về phẩm và lượng trong nghiên cứu khoa học.

Ông sanh ra trong một gia đình bậc trung ở Anh, thân phụ làm nghề kĩ sư âm thanh cho đài BBC. Năm 17 tuổi ông theo học toán ở City of London School, và sau đó (1950) tốt nghiệp vật lí từ King College London. Ông theo học tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Charles Coulson và Christopher Longuet-Higgins, và tốt nghiệp năm 1954.

Sau khi xong tiến sĩ, ông làm Research Fellow tại Đại học Edinburgh, rồi ‘lang thang’ qua các đại học lừng danh như Imperial College London (ICL) và University College London (UCL). Mãi đến 1974 (45 tuổi), ông mới được đề bạt chức danh ‘Reader’ (giống như ‘Phó giáo sư’) và trở thành Fellow của Royal Society of Edinburgh. Năm 1980, lúc đã 51 tuổi, ông mới được đề bạt chức Giáo sư của Đại học Edinburgh.

Công trình làm nên tên tuổi ông và dẫn đến giải Nobel được xuất bản vào năm 1964 [1]. Trước khi được công bố, bài báo bị một tập san từ chối vì ban biên tập nghĩ là ‘không liên quan’. Ông cho biết ý tưởng của ông là lấy cảm hứng từ nhà vật lí Mĩ gốc Nhật Yoichiro Nambu. Trước ông vài tháng, François Englert và Robert Brout cũng công bố một công trình cùng ý tưởng [2]. Sau này, Robert Brout qua đời. Do đó, giải Nobel Vật Lí năm 2013 được trao cho François Englert and Peter Higgs.

Nhưng mãi đến thập niên 1980s thì người ta mới nhận ra tầm quan trọng của công trình của Higgs. Năm 1980 ông được đề cử giải Nobel Vật Lí. Năm 1983, ông được bầu làm Fellow của Royal Society (Hoàng gia học viện), một vinh dự và ghi nhận lớn.

Ông cho biết sau công trình ‘đột phá’ vào năm 1964 cho tới 2013, ông chỉ công bố chưa tới 10 bài báo khoa học. Với ‘năng suất’ khoa học đó, đối với Đại học Edinburgh, ông là một nỗi … xấu hổ.

Ông cho biết cứ mỗi lần mấy người quản trị đại học yêu cầu các giáo sư liệt kê những công trình công bố trong năm, ông thường trả lời trên giấy là “None” (không có công trình nào).

Đại học Edinburgh nhiều lần đã có ý định ‘đuổi’ ông ra khỏi đại học. Tuy nhiên, họ nghe ngóng rằng ông là một ứng viên của giải Nobel, nên họ nghĩ cứ chờ vài năm xem sao, nếu sau vài năm mà vẫn chưa có giải Nobel thì đuổi ông cũng không muộn. Năm 1980 ông đã từng được đề cử giải Nobel Vật Lí, nhưng mãi đến năm 2013 thì ông được chọn để trao giải Nobel. Thế là Đại học Edinburgh ra thông cáo báo chí ăn mừng, xem ông như là một Hoàng Nhân của đại học!

Năm 1999, ông được đề cử Huân chương cao nhứt của Hoàng gia Anh, nhưng ông khước từ. Ông cho biết ông không ‘mặn mà’ gì với hệ thống tưởng thưởng của Hoàng gia Anh. Tuy nhiên, năm 2012 ông nhận Huân chương Companion of Honour (viết tắt là CH). Người ta hỏi CH sau tên ông có nghĩa là gì, ông hài hước trả lời rằng ông là công dân danh dự của … Thuỵ Sĩ.

Hành trình khoa bảng của ông, như có thể thấy ở trên, là khá gập ghềnh. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông cứ lang thang qua các viện đại học, nhưng không có nơi nào ông trụ được dài hạn. Nhưng trớ trêu thay, trong thời gian lang thang đó, ông lại có một khám phá để đời dẫn đến giải Nobel (đó là Higgs Boson). Mãi đến năm 51 tuổi ông mới được đề bạt chức danh giáo sư. Bài học là không nên đánh giá một nhà khoa học qua mấy con số bài báo hay tần số trích dẫn, mà hãy đánh giá tầm ảnh hưởng và chất lượng nghiên cứu của họ.

Chất lượng cần thời gian và làm giảm số lượng. Trong thế giới hiện đại, những người theo đuổi chất lượng thường bị thiệt thòi vì những tổ chức đặt nặng các chỉ số định lượng (như KPI). Giáo sư Peter Higgs suýt là một nạn nhân của loại tổ chức chạy theo lượng hơn là phẩm.

___

[1] Higgs PW. (1964). Broken symmetries, massless particles and gauge fields. Physics Letters 12 (2): 132–201.

[2] Englert F, Brout R (1964). Broken Symmetry and the Mass of Gauge Vector Mesons. Physical Review Letters 13 (9): 321.

Whataboutism: thói quen nguỵ biện

Whataboutism là cách viết liền 2 chữ what about và thêm ism cho nó … oai. Whataboutism là một thói nguỵ biện có thể hiểu ‘Anh cũng vậy thôi.’

Hôm trước, thấy những người tức giận với ông Huấn luyện viên Philippe Troussier cố tình đọc tên ông ấy thành ‘Trâu Dê’, một anh bạn bình luận rằng viết và nói như vậy là kém văn minh. Thế nhưng anh ấy lại bị những người khác chỉ trích là viết sai chánh tả tiếng Việt mà đòi sửa lỗi tiếng Pháp của người khác. Đây là một dạng whataboutism vậy: người ta sai, nhưng anh cũng sai.

Đó là một thói quen nguỵ biện khá tiêu biểu ở người Việt. Nguỵ biện là vì lỗi của mình thì không sửa hay không nhận, mà quay sang bắt lỗi người khác. Dưới đây là 9 câu nói tôi thấy hay xuất hiện:

1. Nhìn lại mình cái đã, rồi hãy nói người khác.

2. Đã làm được gì cho đất nước mà to mồm thế.

3. Nếu anh là họ, anh làm được thì hãy nói.

4. Làm được như người ta đi đã, rồi hãy nói.

5. Nước nào mà chẳng có tham nhũng, nước ta tham nhũng thì cũng bình thường thôi.

6. Nếu không hài lòng thì hãy cút ra ngoài mà sinh sống.

7. Đồ ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó tiêu luôn đi.

8. Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới biết là người cần cù xây dựng đất nước.

9. Tại sao anh dám nói chúng tôi sai. Anh là một tên phản bội dân tộc.

Những nguỵ biện này nằm trong 2 nhóm gọi là distraction, làm xao lãng hay đánh lạc hướng vấn đề. Cách làm xao lãng vấn đề thứ nhứt là kiểu whataboutism, và một hình thức phổ biến của whataboutism là tấn công cá nhân (ad hominem). Cách nói phổ biến là “Anh đã làm gì cho đất nước này” là một loại nguỵ biện cá nhân vì nó chất vấn cá nhân có đóng góp gì, mà không bàn đến phê bình mà cá nhân đó phát biểu.

Cách thứ hai là dùng cảm tính (argumentum ad passiones). Cách nói tiêu biểu là ‘Anh phải để cho bao nhiêu người nữa chết mới cho dùng thuốc này?’ Họ không bàn vấn đề là thuốc có hiệu quả hay không mà chỉ lấy những sự kiện cảm tính để che lấp vấn đề cần bàn luận. Đó là nguỵ biện.

Xin mời các bạn theo dõi 9 nguỵ biện qua giọng đọc và diễn giải của Kí giả Đinh Quang Anh Thái (Tự Lực Bookstore)

Tánh cách của vua Gia Long (cởi mở) và Minh Mạng (bảo thủ)

Đa số sách sử viết về vua Gia Long một cách tiêu cực, thậm chí xấu xí. Ai cũng nghe câu ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ được gán cho ông. Nhưng những ghi chép thú vị của tác giả Michel Đức Chaigneau [1] trong cuốn hồi ức nhan đề “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” [2] cho chúng ta một cái nhìn khác.

Đối với sử kí, những câu chuyện bên lề thỉnh thoảng hấp dẫn hơn những câu chuyện chánh thống. Chánh sử thường được các quan lại biên soạn và các dữ kiện trong đó chắc chắn là đã qua nhiều biên tập theo quan điểm, thậm chí thiên kiến, của triều đình đương thời. Còn những câu chuyện bên lề thường không có trong chánh sử, vì đó là những câu chuyện do người bên cuộc chứng kiến và ghi lại. Thành ra, đọc sách sử của tác giả Tạ Chí Đại Trường rất hấp dẫn, không chỉ vì văn phong vui, mà là những câu chuyện bên lề phản ảnh một phần nhân cách và tánh tình của các nhân vật lịch sử.

Cuốn “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của tác giả Michel Đức Chaigneau là tập hợp những câu chuyện ngoài chánh sử trong những năm đầu của triều Nguyễn. Tác giả là người mang 2 dòng máu Pháp – Việt (thân phụ là một quan chức Pháp cấp bậc Đại Úy J. B. Chaigneau, và thân mẫu là người Huế). Ông J. B. Chaigneau từng có công giúp cho vua Gia Long đánh thắng quân Tây Sơn, nên sau này trở thành một bạn thân của vua Gia Long. Lúc đó, Michel Đức Chaigneau mới 8 tuổi, và thường được tháp tùng thân phụ vào Tử Cấm Thành để yết kiến vua Gia Long và sau này là vua Minh Mạng.

Trong những lần yết kiến đó, ông ghi lại khá chi tiết về nghi lễ, những đối thoại của hai vị vua triều Nguyễn. Tác giả viết cuốn hồi ức này sau khi đã về Pháp và không còn ràng buộc với triều đình Huế và do đó không sợ mang tiếng ‘khinh quân’. Trong điều kiện tự do đó, tác giả ghi lại những sự chuyện, những câu nói, hay có mà vụng về cũng có, của vua Gia Long và Minh Mạng.

Vua Gia Long

Đọc sách sử, chúng ta khó đoán được vóc dáng và thần sắc của vua Gia Long vì tất cả chỉ là những bức tranh do ai đó vẽ lại theo những gì họ ghi nhận trong kí ức. Những bức hoạ như thế mô tả vua Gia Long là người có chiều cao khiêm tốn, bộ râu lưa thưa và đen.

Trong hình này, hoạ sĩ mô tả vua Gia Long có râu đen. Nhưng trong cuốn Hồi ức, tác giả Michel Đức mô tả ông là người có thân thể cường tráng, cao trên trung bình, khuôn mặt trang nhã, “mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt ở dưới cằm.”

Trong cuốn Hồi ức này, tác giả Michel Đức mô tả ông là người có thân thể cường tráng, cao trên trung bình, khuôn mặt trang nhã, “mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt ở dưới cằm.”

Michel Đức nhận xét rằng tánh tình của vua Gia Long là “người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc nói chuyện với người tâm phúc theo kiểu thân tình, ngài có lối nói chuyện bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt. ” Trong một lần tiếp kiến, ông thuật lại như sau:

“[…] sau đó nhà vua nói rất dông dài về cách con người duy trì nòi giống. Rồi để minh họa cho lời nói, ngài còn làm những cử chỉ mô tả thực tế theo kiểu trần tục, đến mức nếu tôi mà kể hết ra đây thì sẽ làm cho những ai có tâm hồn thánh thiện sẽ cảm thấy xấu hổ đến chết.”

Một điều thú vị là vua Gia Long không thích được gọi là ‘Thiên tử’. Michel Đức thuật lại rằng trong lần yết kiến đầu tiên, ông được dạy là phải gọi vua là ‘Thiên tử’, nhưng ngay sau đó vua Gia Long cười vang và nói:

“Ê cái thằng nhỏ này, nhà ngươi vừa nói ta là thiên tử đó hả, haha. Ai bày vậy, chắc không phải là cha ngươi rồi, ông ấy có bao giờ nói mấy điều xằng bậy đó đâu. Ta mà là con trời ấy à, haha”.

Rồi vua giải thích:

“Ta đã nói với tất cả những ai gọi ta là con trời rằng ta cũng có một người cha và một người mẹ. Và cũng giống như tất cả mọi người, ta được sinh ra khi cha ta làm thế này và mẹ ta đã làm thế kia…”

Khổ thân với cung tần mĩ nữ

Như chúng ta biết các hoàng đế Việt Nam có rất nhiều cung tần mĩ nữ. Theo Bác sĩ Hocquard (trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”), chỉ riêng vua Tự Đức thôi mà đã có đến 104 phi tần, 579 thị nữ ở hậu cung, 455 a hoàn, tất cả đều ăn lương triều đình. Họ được sắp xếp theo thứ bậc và hưởng lương theo thứ bậc được trao. Mỗi ngày, Bác sĩ Hocquard cho biết, vua được 15 phi tần và 30 hầu gái phục vụ.

Nhưng những cung tần mĩ nữ này không thuận nhau. Họ cũng tỏ ra ganh tị và ghen tị với nhau. Trong những lần đàm đạo với cha của Michel Đức, vua Gia Long than rằng việc trị quốc đối với ông dễ hơn là cai quản các cung phi ở chốn cung cấm:

“Khanh nghĩ là ta đã hết việc khi giải quyết xong những gì đang đợi ta đàng kia (ngài chỉ tay về phía cung cấm), trong cung cấm khi ta rời khỏi đây. Ở đây bây giờ, ta cảm thấy thích thú khi trao đổi với những người hiểu biết, họ lắng nghe ta, hiểu ta, và nếu cần, thì nghe lời ta. Đàng kia (trong cung cấm), ta phải đối mặt với lũ đàn bà yêu quái, cãi cọ với nhau, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả tới đòi ta phân xử công minh. Nếu ta mà xử đúng người đúng tội thì bọn họ không ai thoát tội hết, trong khi ta không biết chắc được ai trong bọn họ thua kém người kia về sự tàn độc”.

Khi được khuyên là vua nên giảm số cung tần mĩ nữ để bớt khổ thân vì họ, vua Gia Long nói đùa rằng:

“Suỵt, nói khẽ thôi, nói khẽ thôi […] Này ông, nếu như các quan lại đồng nghiệp của ông mà nghe được những lời ông vừa thốt ra thì ông sẽ là kẻ thù không đội trời chung với bọn họ. Nói nghe nè, gần như tất cả cung phi cung tần đều là con gái của các quan. Chẳng hạn mới đây có một vị đã đề nghị đưa con gái vào cung, ta đã lớn tuổi nhưng không thể từ chối được. Nếu từ chối thì ta sẽ làm ông ta không vui, vì ở xứ này đưa được con gái vào cung là một vinh dự, vừa tăng vị thế cho quan, còn ta thì đảm bảo được về sự trung thành của vị quan đó. Ta phải xử sự sao cho vừa lòng tất cả mọi người, nhất là các bà, vì các bà còn đáng sợ hơn cả phía các ông. Nếu như ta bỏ bê một trong các quý phi, thì ngay lập tức cô ấy sẽ than thở với cha của mình, rồi lão ta sẽ khéo léo đồn thổi cái gì đó để làm ta xấu mặt trước muôn dân”.

Vua Minh Mạng

Tác giả Michel Đức Chaigneau tỏ ra không có thiện cảm với vua Minh Mạng. Thật vậy, ông mô tả vua Gia Long là người anh minh và hào phóng bao nhiêu, thì ông dành cho vua Minh Mạng những nhận xét ngược lại. Ông mô tả vua Minh Mạng như là một nhà nho (và bao quanh với những nhà nho) chịu ảnh hưởng sâu đậm văn minh và văn hoá Trung Hoa, và không có đầu óc canh tân.

Năm 1821, Michel Đức theo cha J.B. Chaigneau trở lại Việt Nam, nhưng vua Gia Long đã qua đời năm 1820, nên ông ‘làm việc’ với vua Minh Mạng. Để yết kiến vua Minh Mạng, J.B. Chaigneau phải chuẩn bị lễ vật và quà cáp cho vua. Ông viết:

“Đúng ngày ấn định việc trao tặng phẩm và quốc thư của vua Louis XVIII, người trong cung đến để chuẩn bị theo sự điều động của cha tôi. Theo thông lệ, quốc thư được đặt trên một chiếc mâm gỗ nhỏ chạm lộng tinh xảo, phủ lên một tấm vải mỏng màu vàng. Vị quan chuyên trách việc nghi lễ đi ở giữa bưng mâm gỗ, hai bên có hai người cầm lọng che màu vàng. Các tặng phẩm khác thì đặt trên những chiếc bàn được bốn người phu khiêng, đi theo mỗi chiếc bàn như vậy đều có một người cầm lọng che. Tặng phẩm gồm có:

* 1 chiếc đồng hồ mạ vàng lớn;

* 2 cây đèn mạ vàng;

* 2 bình hoa bằng đồng ánh màu vàng bóng;

* 16 bức tranh họa lại những trận đánh của Đế chế;

* 1 khẩu súng hơi cùng với chiếc hộp đựng đẹp mắt phủ đầy các họa tiết trang trí cầu kỳ;

* 1 cặp súng ngắn nằm trong một chiếc hộp trang trí cầu kỳ khác;

* 1 tấm gương soi lớn.

Cha tôi đi theo sau vị quan nghi lễ mang chiếc mâm gỗ, những chiếc bàn đặt tặng phẩm được khiêng theo phía sau cha. Khi tới cửa cung điện, cha tôi nhận lại mâm gỗ, đích thân đem vào phòng thiết triều dâng cho Đức Vua. Đức vua trang trọng nhận lấy bức thư và tỏ vẻ hài lòng với các món tặng phẩm.

Vua Minh Mạng mở bức thư của vua Pháp, đưa cho cha tôi và yêu cầu ông dịch miệng ngay cho Ngài nghe trong khi đợi người dịch sang chữ Hán:

‘Thưa Quốc vương tối thượng, tối anh minh, hùng cường và nhân hậu, thưa bằng hữu thân mến và bao dung, cầu mong Thượng ban phúc lành cho uy danh của Ngài! Chúng tôi rất cảm kích khi biết rằng những người Pháp đến xứ sở của Ngài để giao thương đã được Ngài đón tiếp nồng hậu.

Sự đối đãi của Ngài với người Pháp là bằng chứng cho thấy Ngài vẫn bảo lưu những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa Đức vua nước Pháp và Đức vua xứ Cochinchine.

Về phía vương quyền Pháp, chúng tôi cũng có những tình cảm tương tự, vì vậy cả hai bên chúng ta có thể hy vọng là từ đây sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu của thần dân hai nước, thông qua việc thiết lập và mở rộng dần các mối quan hệ. Với tầm nhìn này, chúng tôi nhận thấy sự phù hợp của việc cử một người đại diện cho chúng tôi, là ông J.B. Chaigneau, sĩ quan hải quân và là quan viên của xứ Cochinchine. Quyết định lựa chọn này xuất phát từ việc ông Chaigneau đã được Ngài biết rõ và nhận được sự yêu mến tin cậy từ Ngài.

Chúng tôi tin rằng, Ngài sẽ lắng nghe một cách thuận tiện khi có sự vụ liên quan đến người Pháp, cũng như trong lãnh vực giao thương và các chủ đề khác nữa. Theo đó, chúng tôi tin rằng, thần dân nước Pháp cũng sẽ được hưởng tấm lòng đức độ và anh minh của Ngài.

Nhân cơ hội này, chúng tôi thiết tha muốn bày tỏ với Ngài thành ý hữu nghị chân thành của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin Thượng đế ban thêm ân phúc cho uy quyền của Ngài và mọi điều tốt lành khác cho Ngài.

Cung điện hoàng gia Tuileries,

ngày 12/10/1820.

Người bạn thân mến của Ngài.

Louis.’.

Nhưng vua Minh Mạng không mấy mặn mà với hiệp ước thương mại Việt – Pháp. Nhà vua nghĩ rằng vì Pháp ở xa quá, Việt Nam thì không có tàu lớn vượt đại dương, nên không cần đến hiệp ước đó. Nhà vua cho biết Việt Nam sẵn sàng mua bán với Pháp với điều kiện là Pháp “cần họ tôn trọng phong tục tập quán của chúng ta.”

Khi JB Chaigneau tâu rằng nếu vua Minh Mạng khước từ hiệp ước thì sợ vua Louis sẽ phiền lòng, thì vua Minh Mạng trả lời:

“Họ không thể vì việc này mà giận chúng ta được vì chúng ta chẳng được lợi gì từ một hiệp ước như vậy. Trong thực tế, chúng ta không cản trở việc buôn bán của người Pháp, ta đối xử với họ một cách tử tế, đúng mực thì họ còn đòi hỏi gì hơn nữa ở chúng ta? Với lại, việc khanh có mặt ở đây chẳng phải là để đảm bảo quyền lợi cho họ [người Pháp] và thông báo cho chúng ta biết những nhu cầu của họ sao?”

Tác giả Michel Đức mô tả kết cục buổi yết kiến với thất vọng:

“Buổi tiếp kiến khiến cho cha tôi cảm thấy vô cùng phiền muộn. Thái độ thờ ơ của vua Minh Mạng cùng vẻ lạnh lùng trầm ngâm của Ngài trái ngược hoàn toàn với sự cởi mở và thiện ý của vua Gia Long.”

***

Ngoài những sự việc trên, cuốn “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” còn cung cấp nhiều thông tin rất thú vị về hoàng hậu, về sinh hoạt trong kinh thành Huế và các địa phương lân cận. Có những đoạn tác giả mô tả rất chi tiết về sắc diện, phẩm phục, thủ tục yết kiến, và phát ngôn.

Có một chi tiết khá thú vị là vua và hoàng hậu rất ám ảnh về cái đẹp của phụ nữ. Khi được diện kiến hoàng hậu (Gia Long), Michel Đức thuật lại rằng hoàng hậu hỏi “Phụ nữ Pháp có đẹp không?” và “Công tử có thấy phụ nữ xứ này là đẹp không? Hoàng hậu đảo mắt nhìn những người phụ nữ đứng chung quanh.” Đáp lại, tác giả cũng tỏ ra biết nịnh khi trả lời: “Tâu Hoàng hậu, con nghĩ là khó mà tìm thấy người đẹp hơn, duyên dáng hơn những quý bà ở đây.”

Trong một lần yết kiến vua Minh Mạng, Michel Đức thẳng thắn nhận xét rằng quân đội Đại Nam không bằng Pháp. Một vị đại thần đi theo rất kinh ngạc và nhắc nhở tác giả rằng:

“Này, thiếu gia trẻ, thiếu gia có mất trí hay không mà lại tâu với Hoàng thượng là binh đội của Ngài thua kém quân đội của người Pha – lan – cha [Pháp], rồi cung điện đền đài xứ sở của Hoàng thượng thua kém những kiến trúc nhà cửa ở Châu Âu?”.

Michel Đức đáp:

“Thì đó là sự thật mà. Chẳng lẽ tôi phải nói láo trước mặt Đức vua mới được à?”

Viên đại thần:

“Đúng vậy! Phải biết nói láo còn hơn là làm Hoàng thượng phật lòng”.

___

PS: tôi viết bài điểm sách này cả 2 năm rồi, nhưng vẫn chưa hài lòng với đoạn cuối nên cứ chần chừ hoài. Thôi thì tôi chia sẻ ở đây để các bạn góp ý.

[1] Michel Đức Chaigneau (1803 – 1894), còn có tên là Nguyễn Văn Đức, là con trai của ông Jean Baptiste Chaigneau, một quan chức Pháp ở Việt Nam, và bà Hồ Thị Huề. Ông Đức sanh ra và lớn lên tại Phú Cam, Kinh thành Huế trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long và Minh Mạng.

[2] Cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX do Nhà xuất bản Thái Hà xuất bản năm 2020. Dịch giả là Tiến sĩ Lê Đức Quang, giảng viên thuộc Đại học Huế.

Người Việt: nghệ sĩ tính hơn khoa học tính

Đó là nhận xét của Gs Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975) trong cuốn ‘Văn minh Việt Nam’ mà tôi đọc ngấu nghiến trong chuyến bay Sài Gòn – Sydney tối qua.

Ông là một nhà khoa học xã hội, với sở trường nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông còn là một quan chức cao cấp trong ngành giáo dục dưới thời VNDCCH.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Sorbonne (1935?), ông về nước và dạy học ở trường trung học Bưởi (tức Chu Văn An). Một thời gian sau, ông chuyền sang làm cho Viện Viễn Đông Bác Cổ trong vai trò khiêm tốn là ‘member’, giống như hậu tiến sĩ ngày nay. Trong thời gian làm việc ở Viễn Đông Bác Cổ, ông tiếp cận nhiều tài liệu nghiên cứu về người Việt và văn hoá Việt, và viết cuốn “Văn minh Việt Nam” bằng tiếng Pháp (1944). Mãi đến thập niên 1990 mới có bản tiếng Việt.

Cuốn Văn minh Việt Nam viết rất hay. Hay từ nội dung súc tích đến văn phong mạch lạc, rất khoa học và rất … Tây. Đọc lên, dù là văn dịch, nhưng qua cách bố cục câu văn dễ nhận ra ngay rằng tác giả là một nhà khoa học nghiêm cẩn và được đào tạo từ phương Tây. Trong đó, tôi chú ý đoạn ông viết về đặc tính người Việt như sau:

“Môi trường vật chất độc hại và làm sa sút sức khoẻ cũng tác động đến tính chất người Việt Nam. Tác động trực tiếp nhất và cũng bền bỉ nhất của sức nóng thường xuyên, đó là thần kinh uể oải làm cho con người buồn ngủ và lười nhác. Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý, rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi.

Xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm về phương diện tinh thần do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp. Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trao dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống.

Thành ra ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Nhà nho xưa kia, ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chất đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến sự trau dồi trí tuệ nữa. Họ già trước tuổi. Hoặc là, họ can đảm chịu nhẫn nhục để khỏi bị một ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là, họ sa đà vào một thú chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng để làm cạn kiệt đi nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học.

Dù sao, nói chung, người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính. Họ yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mong ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển nhất.”

Những nhận xét trên — được viết ra đúng 80 năm trước bằng một văn phong lạnh lùng và khách quan — vẫn còn mang tính thời sự ngày nay. Thời tiết khắc nghiệt. Xu hướng uể oải, biếng ngác, buông trôi. Giáo dục nhồi sọ. Thiếu năng lực khoa học. Cảm tính hơn lí trí. Thích làm quan. Nhưng ông cũng cẩn thận lưu ý là không nên khái quát hoá quá đáng. Chỉ một đoạn ngắn mà tác giả đã mô tả khá đúng về tánh cách của chúng ta.

——

Ghi thêm: tác giả Nguyễn Văn Huyên từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục VNDCCH suốt 28 năm (1946-1975) nhưng điều đặc biệt là ông không vào đảng. Một nguồn tin khác cho biết ông viết đơn xin vào đảng, nhưng CT Hồ Chí Minh khuyên ông nên ở ngoài đảng thì mới đóng góp nhiều hơn.

Muối: bạn hay thù

Thấy tôi chan thêm nước mắm vào dĩa cơm tấm, anh bạn nhìn tôi bằng ánh mắt ái ngại.

Ăn nhiều muối = nguy hiểm

Anh ấy ái ngại là phải. Bởi vì suốt nửa thế kỉ qua trong các trường y, các giáo sư dạy rằng ăn nhiều muối là có hại cho sức khoẻ, thậm chí … c.h.ế.t. sớm. Sinh viên sau khi họ tốt nghiệp, họ cũng lặp lại những gì được xem là lí thuyết chánh thống.

Chẳng những các trường y mà báo chí đại chúng cũng truyền đi một thông điệp như thế: ăn nhiều muối là có hại cho sức khoẻ. Cái thông điệp căn bản là:

Ăn nhiều muối —> Tăng huyết áp

Tăng huyết áp —> Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch —> chết sớm

Đặc biệt là từ đầu thập niên 1980 trở đi, muối được xem là một khoáng chất nguy hiểm. Tạp chí phổ thông Time in ngay trên trang đầu trong số xuất bản năm 1982 rằng muối là một ‘New Villain’ đối với sức khoẻ con người.

Bao nhiêu muối là ‘nhiều’?

Nhưng thế nào là ‘nhiều’ và thế nào là ‘ít’? Thật khó trả lời câu hỏi này, bởi vì mối liên quan giữa muối và bệnh tật là một hàm số liên tục. Hàm số liên tục có nghĩa là không có một ngưỡng nào để định nghĩa ít hay nhiều. Nhưng do nhu cầu thực tế trong lâm sàng, các chuyên gia phải đưa ra một cái ngưỡng để khuyến cáo công chúng.

Hiệp hội tim mạch Hoa Kì khuyến cáo rằng tất cả chúng ta nên giới hạn lượng muối thấp hơn 2300 mg/ngày, và một cách lí tưởng, nên giảm xuống <1500 mg/ngày, tức tương đương với 1 muỗng cà phê muối.

Tuy nhiên, Viện Y khoa Hoa Kì (IoM) thì lại kết luận rằng giảm lượng muối bình quân xuống dưới ngưỡng 2300 mg/ngày là có thể gây tác hại đến sức khoẻ. Năm 2013, IoM sau khi đã điểm qua y văn họ đi đến kết luận rằng bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa muối và sức khoẻ không nhất quán với những nỗ lực khuyến khích cộng đồng giảm lượng sodium trong khẩu phần ăn uống xuống 1500 mg/ngày. (“The evidence on health outcomes is not consistent with efforts that encourage lowering of dietary sodium in the general population to 1500 mg/day”)

IoM quá lịch sự. Câu kết luận đó có nghĩa là cái khuyến cáo mà Hiệp hội tim mạch Hoa Kì đưa ra là không có chứng cớ khoa học!

Cần nói thêm rằng năm 1972, trên tập san New England Journal of Medicine có một bài xã luận bàn về tác hại của việc khuyến cáo giảm tiêu thụ muối quá đáng. Bài xã luận cảnh báo rằng nếu giảm lượng muối tiêu thụ thì có thể giảm cao huyết áp, nhưng có thể làm tăng rennin và aldosterone và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.

Hai khuyến cáo của hai hiệp hội chuyên môn này rất khác nhau. Vậy chúng ta nên tin vào hiệp hội nào?

Biểu đồ này (từ nghiên cứu INTERSALT) là cơ sở cho khuyến cáo giảm liều lượng muối xuống <2300 mg/ngày. Nhưng nếu chú ý, các bạn sẽ thấy biểu đồ này có vấn đề. Vấn đề là có 4 cộng đồng có lượng tiêu thụ muối rất thấp (Papua New Guinea, Kenya, Xingu, và Yamomamo). Trong ngôn ngữ thống kê, đây là những outliers – giá trị ngoại vi. Nếu tác giả loại bỏ 4 giá trị ngoại vi này thì không còn mối liên quan giữa lượng muối tiêu thụ và huyết áp. Nói cách khác, cái lời khải huyền về muối và huyếp áp thoạt đầu đã được xây dựng trên số liệu rất rất mong manh. 

Chứng cớ khoa học

Chúng ta thử xem qua vài dữ liệu để biết một chút về mối liên quan giữa tiêu thụ muối và cao huyết áp.

* Ở Mĩ: lượng muối tiêu thụ trung bình đầu người là 3400 mg/ngày; tỉ lệ cao huyết áp: 48%.

* Pháp: lượng muối tiêu thụ trung bình đầu người là 7000-9000 mg/ngày; tỉ lệ cao huyết áp: 23-37%

* Úc: lượng muối tiêu thụ trung bình đầu người là 5500 mg/ngày; tỉ lệ cao huyết áp: 30%

* Nhật: lượng muối tiêu thụ trung bình đầu người là 10,000 mg/ngày (cao gần gấp 3 Mĩ); tỉ lệ cao huyết áp: 45%.

* Việt Nam: lượng muối tiêu thụ trung bình đầu người là 9400 mg/ngày (cao hơn Mĩ 6000 mg/ngày); tỉ lệ cao huyết áp: 30%.

Những con số trên cho thấy những nơi tiêu thụ muối nhiều (như Nhựt và Việt Nam) có tỉ lệ cao huyết áp không cao hơn, thậm chí thấp, so với nơi tiêu thụ muối thấp (như Mĩ).

Dữ liệu trên cũng cho thấy mối liên quan giữa muối và cao huyết áp không giống như những gì được mô tả trong lí thuyết chánh thống.

Một phân tích tổng hợp [từ 27 nghiên cứu quan sát trước đây] cho thấy tỉ lệ tử vong tăng cao ở nhóm <2650 mg/ngày và >4950 mg/ngày. Nhóm có lượng tiêu thụ muối bình quân trong khoảng 2650 đến 4950 mg/ngày có tỉ lệ tử vong thấp nhứt.

Nói cách khác, mối liên quan giữa lượng muối tiêu thụ và nguy cơ tử vong tuân theo hàm số chữ U. Một số nghiên cứu khác cũng quan sát hàm số chữ U này.

Kết quả nghiên cứu NHANES cũng không nhứt quán với lời khuyến cáo muối = huyết áp. Thật ra, kết quả cho thấy ngược lại: những người ăn uống ít muối có nguy cơ tử vong CAO hơn 18% so với nhóm ăn nhiều muối. Chưa hết, một nghiên cứu khác của NHANES tái xác nhận kết quả trên: ăn uống ít muối có liên quan đến 15.4% tăng nguy cơ tử vong.

Có lẽ lượng muối (bình quân đầu người) ‘tối ưu’ là từ 2500 mg/ngày đến 6000 mg/ngày.

Thế nhưng phác đồ hướng dẫn ăn uống năm 2015 vẫn khuyến cáo giảm lượng tiêu thụ muối xuống dưới 2300 mg/ngày, và không cao hơn 1500 mg/ngày đối với những người có huyết áp cao, người da đen, và người lớn.

Chúng ta cần muối

Một số người tin rằng chúng ta tiến hóa từ các sinh vật đơn bào đơn trong đại dương cổ đại của Trái đất. Khi chúng ta phát triển thành đa tế bào và chuyển lên cạn, chúng ta cần mang theo một phần của đại dương dưới dạng ‘nước mặn’ bên trong tĩnh mạch, và do đó muối (gồm 2 thành tố chánh là sodium và chloride) chiếm phần lớn các điện giải trong máu. Ở trạng thái bình thường, máu chúng ta hàm chứa chừng 140 mmol/L sodium và 100 mmol/L chloride (so với chỉ 4 mmol/L potassium và 2.2 mmol/L calcium).

Không nói ra, ai cũng biết muối là loại chất khoáng rất quan trọng cho cơ thể chúng ta. (Nhiều cuộc chiến tranh thế giới xảy ra cũng chỉ vì tranh chấp nguồn muối.) Nếu cơ thể thiếu muối, chúng ta sẽ bị ói mửa, mất năng lượng, rối loạn nhận thức, co giật, thậm chí bất tỉnh và tử vong.

Trở lại câu hỏi ‘muối là bạn hay thù’, câu trả lời tuỳ thuộc vào liều lượng. Cơ thể chúng ta rất cần muối, nhưng vấn đề là liều lượng bao nhiêu là hợp lí. Bằng chứng khoa học cho thấy những khuyến cáo ‘chánh thống’ (dưới 2500 mg/ngày) thiếu thuyết phục và có thể nói là thiếu khoa học tính.

Việt Nam rất cần một nghiên cứu để trả lời câu hỏi chúng ta nên ăn uống bao nhiêu muối mỗi ngày.