‘Yếu tố liên quan’ vs ‘yếu tố tiên lượng’

Một em nghiên cứu sinh hỏi tôi rằng trong các nghiên cứu cắt ngang (x-sectional study) có thể dùng thuật ngữ ‘yếu tố tiên lượng’ hay không? Xin mượn cái note này để giải thích.

Câu trả lời ngắn là ‘không.’

Câu trả lời tương đối dài là như vầy. Các nghiên cứu cắt ngang không thể dùng để tiên lượng bệnh tật được. Lí do là bệnh (Y) và yếu tố nguy cơ (X) được đo lường tại 1 thời điểm, chúng ta không biết X xảy ra trước hay Y xảy ra trước.

Thí dụ: khi tôi quan sát những người bị lao phổi có nồng độ vitamin D thấp, tôi không biết nồng độ thấp đó xảy ra trước (hay sau) khi mắc bệnh lao. Do đó, không thể nói vitamin D là ‘yếu tố tiên lượng’ (predictive variable) được.

Đối với các nghiên cứu cắt ngang, chúng ta chỉ có thể nói X có liên quan với Y (association between X and Y). Do vậy, yếu tố X nên gọi là ‘Yếu tố liên quan’, hay ‘associative factor’ hay ‘associated factor’.

Vậy trong trường hợp nào thì dùng thuật ngữ ‘yếu tố tiên lượng’? Các nghiên cứu đoàn hệ (cohort prospective study) có thể dùng để tiên lượng bệnh, bởi vì các yếu tố X được đo lường trước khi bệnh Y xảy ra. Do vậy, đối với các nghiên cứu đoàn hệ thì có thể dùng ‘yếu tố tiên lượng’.

Em nghiên cứu sinh cho biết thêm là có ý kiến rằng “cứ có phân tích hồi qui là ‘yếu tố tiên đoán’.” Tôi e rằng ý kiến này không đúng.

Các mô hình hồi qui chỉ là công cụ và chúng không biết … nói. Các mô hình thống kê này có thể áp dụng cho gần như bất cứ loại nghiên cứu nào. Nghiên cứu cắt ngang hay đoàn hệ đều có thể dùng mô hình hồi qui (nhưng ý nghĩa thì khác). Mặc dù trong thuật ngữ tiếng Anh, các mô hình hồi qui dùng chữ ‘predictor variable’, nhưng điều đó không có nghĩa là yếu tố tiên lượng, bởi vì thuật ngữ đó chỉ dùng cho các nghiên cứu theo dõi bệnh nhân theo thời gian.

Tóm lại, thuật ngữ ‘yếu tố liên quan’ (associated factors) chỉ thích hợp cho các nghiên cứu cắt ngang và bệnh chứng. Chỉ có nghiên cứu đoàn hệ, theo dõi bệnh nhân, và bệnh xảy ra sau khi đo lường các yếu tố nguy cơ thì thuật ngữ ‘yếu tố tiẻn lượng’ (predictive factors) mới thích hợp.

Mười điều những người thành đạt không làm

Đây là những gì tôi sưu tầm từ những cuốn sách tôi đọc được, đặc biệt là cuốn hồi kí của bà Katalin Karikó, và tự diễn giải thêm cho dễ theo dõi:

Một, không kêu ca. Than phiền hay kêu ca là thói quen làm cạn kiệt cho năng lượng. Than phiền không giải quyết vấn đề; thay vào đó, nên đi tìm giải pháp để làm cho sự việc tốt hơn.

Hai, không đổ thừa cho người khác. Phải học cách nhận lấy trách nhiệm tất cả trong đời, dù là thất bại, và đó chính là cách làm cho mình trưởng thành. Đổ thừa cho người khác cũng có nghĩa là che giấu sự thật về mình.

Ba, không tranh cãi vô bổ. Tranh cãi hiếm khi nào dẫn đến kết cục tốt. Thay vào đó, nên bình thản, bình tỉnh, tìm cách đối thoại để có cái điểm chung. Thảo luận là cách trao đổi kiến thức, tranh cãi là cách trao đổi sự dốt nát.

Bốn, không khoe khoang hay phô trương. Không cần phải phô trương hay khoác lác, hành động thực tế lúc nào cũng nói nhiều hơn con chữ. Người khoe khoang thường là người thiếu tự tin và thiếu thốn; người khiêm tốn là người tự tin và sáng dạ.

Năm, không nói nhiều. Càng nói nhiều, càng có rủi ro nói bậy, nói điều sai quấy. Có những người nói nhiều nhưng chẳng có ý gì cả (tiếng Anh gọi là ‘talk too much but say too little’). Thay vì nói nhiều, hãy lắng nghe và hiểu người đối diện.

Sáu, không phán xét. Sự việc xảy ra lúc nào cũng có lí do và bối cảnh. Phán xét người khác chỉ nói lên cái tâm tánh và cái tầm của mình hơn là của người khác. Thay vì phán xét, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, tìm hiểu họ, và xây dựng mối quan hệ tốt.

Bảy, không bắt nạt. Không thể nào thành công với những hành vi lưu manh và ăn hiếp người khác. Thành công là hợp tác. Người phương Tây có câu ‘Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau.’

Tám, không nói dối. Nói dối có thể gíup thoát khỏi tình huống xấu trong nhứt thời, nhưng luôn gây vấn đề về lâu dài. Nói thật với người dù trong hoàn cảnh khó khăn để xây dựng niềm tin.

Chín, không đầu hàng. Cũng giống như lội ngược dòng nước, nếu không vượt qua thì sẽ bị bỏ lại. Tương tự, cuộc sống lúc nào có đầy nghịch cảnh, và nhiều người bỏ cuộc, nhưng chỉ có người quán quân mới vượt qua.

Mười, không bảo thủ. Tự chuyển hoá và tự chuyển biến là qui luật tự nhiên của nhân loại. Bạn không có nghĩa vụ phải làm người của hôm qua, thậm chỉ của 5 phút trước.

***

Bằng những đức tánh này, những người thành đạt xây dựng nền tảng vững chắc để đạt được thành tựu. Họ tập trung vào:

* giải pháp (không kêu ca);

* trách nhiệm (không đổ thừa);

* giao tiếp (không tranh cãi);

* khiêm tốn (không khoe khoang);

* lắng nghe (không nói nhiều);

* đồng cảm (không phán xét);

* hợp tác (không lưu manh);

* trung thực (không nói dối);

* kiên trì (không đầu hàng trước nghịch cảnh); và

* cách tân.

Bà Katalin Karikó (Giải Nobel Y Học 2023) là một người như vậy. Thành đạt không chỉ là đạt được mục tiêu cuộc sống, mà còn là cách đối xử tốt với người khác. Bằng cách tập trung vào hành vi tích cực và tránh những hành vi tiêu cực, mỗi người có thể tạo ra một cuộc sống thành công và viên mãn.

Điện thoại thông minh làm cho chúng ta đần độn hơn

Điện thoại càng thông minh, nó càng làm cho chúng ta ngu đần hơn. Nghịch lí này, có khi còn gọi là hiện tượng ‘Brain Drain’, nói lên rằng điện thoại thông minh là một mối đe doạ đến toàn nhân loại.

Ngày xưa, tôi có thể nhớ mấy chục số điện thoại của bạn bè trong đầu. Chỉ cần hỏi ‘Số của Sáu Lợi là gì’ là tôi có ngay. Bộ não mình như là một cơ sở dữ liệu gọn gàng, nên lấy những con số từ đó ra rất ư là nhanh và đơn giản. Ngày nay, tôi thậm chí còn không nhớ số điện thoại của chính tôi ở Việt Nam! Cứ mỗi lần hỏi số điện thoại của ai, tôi phải lấy cái iPhone ra và bấm bấm vài giây thì mới tìm ra.

Ngày xưa, tôi tính nhẩm rất nhanh. Những bài toán đơn giản hai chữ số (kiểu 15 nhân 31) là bao nhiêu tôi có thể tính trong vòng 5 giây. Những bài toán chia cũng thế. Còn cộng trừ thì tôi có thể cộng một dãy số và chính xác. Vậy mà ngày nay, tôi không tự tin làm một con toán đơn giản nào. Hễ đụng đến tính toán có số lẻ là tôi phải lấy iPhone ra tính. Tôi thật sự đã lệ thuộc vào cái điện thoại thông minh. Tôi chẳng cần động não gì cả.

Ngày xưa, khi lái xe tôi có một cái bản đồ vài trăm trang, và tôi chấm toạ độ, dò đường từ cái bản đồ đó. Tôi còn phải vận dụng trí nhớ mình rằng cái địa chỉ mình sắp tới nằm hướng nào trong thành phố. Ngày nay, tôi chỉ cần mở cái điện thoại thông minh là ‘nó’ hướng dẫn tôi đi tới nơi. Tôi chẳng cần suy nghĩ gì cả.

Nói cách khác, nếu chúng ta để cho cái điện thoại nó nhớ dùm, để cho AI suy nghĩ dùm, để cho AI tìm đường dùm cho chúng ta, thì chắc chắn năng lực cognitive của chúng ta sẽ suy giảm (hay nói cho thẳng ra là chúng ta sẽ trở nên đần độn hơn). Nhìn như thế tôi thấy sự lệ thuộc quá mức vào công nghệ tân tiến như hiện nay là rất nguy hiểm.

Cái điện thoại thông minh là một phương tiện giúp chúng ta kết nối với thế giới chung quanh. Không chỉ giúp, nó còn khuyến khích những hoạt động giải trí. Nói như Steve Job, điện thoại thông minh nó đặt cả thế giới trên bàn tay chúng ta. Và, ngày nay, nó là cái công cụ gần như lúc nào cũng ở bên cạnh chúng ta.

Nhưng chính vì lúc nào cũng ở bên cạnh, chiếc điện thoại thông minh làm cho não chúng ta bị suy giảm dần, một hiệu ứng có tên là ‘Brain Drain’ [1], tạm dịch là ‘Cạn Kiệt Não’. Giới nghiên cứu tâm lí học đã chỉ ra rằng điện thoại thông minh làm cho não bộ chúng ta bị suy giảm, ít vận dụng trí lực hơn, và có nguy cơ bị chứng mất trí nhớ.

Nhiều nghiên cứu về hiện tượng Cạn Kiệt Não, và kết quả chỉ ra rằng sự hiện diện của chiếc điện thoại, bất kể nó còn hoạt động hay đã tắt đi, nó chiếm lấy tài nguyên dành cho nhận thức, làm cho chúng ta giảm sự tập trung vào các vấn đề khác, và do đó suy giảm năng lực nhận thức. Càng lệ thuộc vào điện thoại thông minh, mức độ suy giảm năng lực nhận thức càng cao.

Thật ra, hiện tượng Cạn Kiệt Não này có lẽ không quá ngạc nhiên. Ai cũng biết rằng cách nhanh nhứt để làm cho một người ngu đần là chẳng cho người đó làm gì cả. Cách huỷ hoại tốt nhứt đối với một người là cứ để cho người đó nhàn rỗi.

Khi bộ não chúng ta nhàn rỗi thì chúng ta trở nên kém nhạy bén là điều không thể tránh khỏi. Nhàn rỗi có thể là một niềm hạnh phúc, nhưng quá nhàn rỗi kiểu lệ thuộc cái điện thoại thông minh là một tai họa.

Trên thế giới có 7.1 tỉ người dùng điện thoại thông minh. Hầu như bất cứ ai dùng loại điện thoại này đều trở nên ‘nô lệ’ chúng. Điều này có nghĩa là chính cái điện thoại này đã và đang khiến cho nhân loại trở nên kém thông minh hơn. Nhìn như vậy sẽ thấy tác hại của điện thoại thông minh là rất đáng báo động cho sự tồn vong của nhân loại.

___

[1] https://www.journals.uchicago.edu/doi/10.1086/691462

Đột phá: cuộc đời khoa học của tôi (Katalin Karikó)

Tôi mới đọc xong cuốn hồi kí rất hấp dẫn của bà Katalin Karikó, người sáng chế ra vaccine mRNA, và xin có vài dòng chia sẻ nhanh như là một cách truyền cảm hứng.

Xin nhắc lại: Tiến sĩ Katalin Karikó và Giáo sư Drew Weissman được trao giải Nobel Y Sinh Học năm 2023 vì có công phát triển vaccine mRNA đã cứu hàng triệu người trên thế giới trong đại dịch Vũ Hán vừa qua.

Trước khi được trao giải Nobel, bà Katalin Karikó có viết một cuốn hồi kí nhan đề “Breaking Through: My Life in Science” [1], tạm dịch là “Đột phá: cuộc đời khoa học của tôi”).

Cuốn hồi kí thuật lại hành trình khoa học của bà, từ một ‘đại học vô danh’ ở Hung Gia Lợi, lang thang qua bên Mĩ, bị chèn ép trong labo, thậm chí bị cho nghỉ việc vì không xin được tài trợ và công bố khoa học hơi kém. Bất cứ ai làm trong khoa học ở phương Tây, đặc biệt là người nhập cư (như tôi), sẽ thấy đồng cảm với những chia sẻ của Katalin. Rất đồng cảm. Đọc những câu chữ đơn sơ, không màu mè chút nào, tôi thấy hình như bà ấy viết cho … tôi.

Bà xuất thân từ ‘thành phần lao động’. Thân phụ bà làm nghề bán thịt, nhưng chỉ vì một câu nói mang tính ‘chống cộng sản’, ông bị thất nghiệp. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì đi học và tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Szeged (Hung Gia Lợi).

Sau tiến sĩ, bà làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ trong một viện nghiên cứu sinh hoá cũng ở Hung. Năm 1985 bà bị mất việc và cùng chồng di cư sang Mĩ. Chồng bà là một thợ sửa máy, nhỏ hơn bà 5 tuổi.

Ở Mĩ, bà làm nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Temple (Philadelphia) và một trung tâm quân y ở Bethesda (88-89). Đến năm 1990, bà được bổ nhiệm làm giáo sư trợ lí thuộc Đại học Pennsylvania, nơi bà nghiên cứu ứng dụng mRNA trong điều trị bệnh. Bà không lên nổi chức danh giáo sư thực thụ vì đơn xin tài trợ của bà bị từ chối hết năm này sang năm khác. Chẳng những thế, bà còn bị giáng chức giáo sư trợ lí vào năm 1995!

Trong hồi kí, bà thuật một sự kiện làm nhói tim của độc giả. Vào giữa năm 2013, khi tới labo làm việc như mọi ngày, bà thấy đồ đạc trong labo của mình bị vứt ngoài hành lang! Nào là tài liệu nghiên cứu, posters, ống nghiệm, tất cả đều được cho vào cái thùng rác ngoài hành lang labo.

Một kĩ thuật viên còn đang vứt đồ đạc vào thùng rác, và bà nhận ra đúng là đồ đạc của mình, nên la lên: “Đồ của tôi mà!”

Họ đuổi bà. Họ hạ nhục bà. Họ không báo trước.

Lí do họ đuổi bà là vì bà không xin được tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ các nguồn danh giá như NIH. Trong văn hoá khoa học phương Tây, không xin được tài trợ từ các nguồn như thế có nghĩa là thất bại. Có người xấu miệng còn nói thẳng: bất tài. Không xin được tài trợ, thì bà không có lí do để chiếm cái diện tích labo, dù rất khiêm tốn, trong đại học.

Lúc đó, bà Katalin đã 50 tuổi. Công chưa thành, danh chưa toại. Bà hoang mang, chao đảo.

Bà chỉ tuyệt vọng thốt lên trước anh kĩ thuật viên rằng: “Một ngày nào đó cái labo này sẽ trở thành một viện bảo tàng.”

Không ngờ câu nói đó trở thành hiện thực. Mười năm sau (2023), bà và người thầy là GS Drew Weissman được trao giải Nobel vì những công trình bà làm trong labo mà bà từng bị đuổi. Cái labo đó, dù bây giờ không còn nữa, đúng là một viện bảo tàng.

Hồi kí của bà Katalin không có đoạn viết về giải Nobel, vì đơn giản là giải thưởng đó được công bố sau khi bà xuất bản cuốn sách.

Trong hồi kí, bà Katalin có một đoạn mà tôi nghĩ nhiều nhà khoa học ái kỉ sẽ rất nhột. Bà viết [2]:

“Nhưng tôi đã học được rằng để thành công ở một viện nghiên cứu như Penn [ý nói Đại học Pennsylvania], bạn cần những kĩ năng chẳng liên quan gì đến khoa học. Bạn cần có khả năng bán mình và nghiên cứu của mình. Bạn cần thu hút tài trợ. Bạn cần khéo léo trong giao tiếp để được mời phát biểu tại các hội nghị, hoặc khiến người khác háo hức hướng dẫn và giúp đỡ bạn. Bạn cần biết cách làm những việc mà tôi chưa bao giờ có hứng thú (như nịnh bợ người khác, xã giao, đồng ý dù bạn không đồng ý, thậm chí khi bạn chắc chắn mình đúng 100%). Bạn cần biết cách leo lên những bậc thang chánh trị, coi trọng hệ thống phân tầng mà có vẻ chẳng có gì thú vị (và tệ nhứt là đi ngược lại với khoa học tốt). Tôi không hứng thú với những kĩ năng đó. Tôi không muốn chơi những trò chơi chánh trị. Tôi cũng không nghĩ mình nên làm như vậy. Chẳng ai dạy tôi những kĩ năng đó, và thành thật mà nói, tôi cũng không hứng thú với chúng.”

Bất cứ ai làm trong môi trường khoa học đều thấy những điều bà Katalin viết là trúng 100%.

Trong khoa học, có nhiều — nếu không muốn nói là rất nhiều — nhà khoa học mà nhìn qua lí lịch thì họ chẳng có gì nổi bật, nhưng lại giữ những vị trí quan trọng trong các thiết chế khoa học và được ca tụng như là những nhân vật xuất chúng. Họ đạt được những chức danh đó không phải qua miệt mài nghiên cứu khoa học, mà qua những ‘thủ thuật’ mà bà Katalin mô tả trên, những kĩ năng có thể tóm gọn trong một danh từ: ái kỉ.

Như các bạn thấy, thân phận của người làm khoa học gốc di dân trong thế giới khoa học phương Tây rất khổ. Bà Katalin Karikó là một trường hợp khá tiêu biểu. Có ý tưởng hay và đi tiên phong, nhưng đồng nghiệp không tin và không xin được tài trợ. Mà, trong thế giới khoa học phương Tây, có được tài trợ từ các nguồn uy tín là đồng nghĩa với vinh quang, còn không có tài trợ thì rất khó được thăng tiến trong sự nghiệp. Nhiều người phải ‘nghỉ hưu sớm’ vì không có được tài trợ. Bất cứ ai làm khoa học đều có thể cảm nhận nỗi khổ của bà.

Nhưng bà chẳng trách đời. Bà kiên trì theo đuổi ý tưởng và cuối cùng cũng đem đến kết cục ‘có hậu’. Công trình nghiên cứu vaccine mRNA đã cứu hàng triệu người trên thế giới trong đại dịch, và đó chính là một thành tựu quan trọng. Thành tựu này chắc chắn sẽ còn được ứng dụng trong tương lai để giúp chúng ta hiểu sâu hơn về quá trình tiến hoá và tại sao chúng ta mắc bệnh như ngày nay. Đóng góp của bà Katalin Karikó rất lớn và rất xứng đáng được trao giải thưởng Nobel.

___

[1] Hồi kí ‘Breaking Through: My Life in Science’ của Katalin Karikó, do Nhà xuất bản Penguin ấn hành năm 2023. Sách có 336 trang, giá bán 47 AUD.

[2] “But I was learning that suceeding at a research institution like Penn required skills that had little to do with science. You needed the ability to sell yourself and your work. You needed to attract funding. You needed the kind of interpersonal savvy that got you invited to speak at conferences or made people eager to mentor and support you. You needed to know how to do things in which I have never had any interest (flattering people, schmoozing, being agreeable when you disagree, even when you are 100 percent sure certain that you are correct). You needed to know how to climb a political ladder, to value hierarchy that had always seemed, at best, wholly uninteresting (and, at worst, antithetical to good science). I wasn’t interested in those skills. I didn’t want to play political games. Nor did I think I should have to. Nobody had ever taught me those skills, and frankly, I wasn’t interested in them anyway.

Tin vui từ ScholarGPS

Hôm nọ, tôi nhận email từ một tổ chức xa lạ ‘ScholarGPS’ báo tin rằng tôi đã được vinh danh là một ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’, tạm hiểu là học giả được xếp hạng cao trọn đời.

Ui chao, tin vui quá chớ. Sẵn đây, tôi xin chia sẻ về mấy công ti làm ăn trên công bố khoa học để các bạn hiểu thêm câu chuyện đằng sau.

Chuyện là người ta (các đại học, các nhà tài trợ cho nghiên cứu, tập san khoa học, v.v.) tìm cách phân nhóm các nhà khoa học, kiểu ‘chiếu trên, chiếu dưới’. Lí do đằng sau là ngày nay có quá nhiều nhà khoa học, và họ công bố rất nhiều / quá nhiều bài báo. Những bài báo này không phải có giá trị như nhau. Thành ra, cần phải có một thước đo để xếp hạng ai là ‘chiếu trên’ và ai là ‘chiếu dưới.’ Để làm gì? Để cấp tài trợ, để đề bạt, để trao giải thưởng, v.v.

Vậy là một kĩ nghệ ra đời. Cái kĩ nghệ này bao gồm các tập đoàn nổi tiếng như Scopus và Clarivate. Họ lập database của tất cả các nhà khoa học và tất cả những bài báo các nhà khoa học đã công bố. Họ đếm mỗi bài báo được trích dẫn bao nhiêu lần. Họ thậm chí đếm bao nhiêu lần trích dẫn là do tác giả tự trích dẫn (self-citation). Rồi dựa trên số trích dẫn, họ tính toán chỉ số H (còn gọi là Hirsch Index); ai có chỉ số H càng cao thì người đó được đánh giá là có ảnh hưởng cao.

Nhưng khổ nỗi khoa học ngày nay là loại đa ngành, và cái thời một bài báo chỉ có 1-2 tác giả như thời Einstein đã qua lâu rồi. Ngày nay, một bài báo có (trung bình) 4-5 tác giả. Lại có hiện tượng ‘tác giả quà’, ‘tác giả danh dự’, những người chẳng có đóng góp tri thức gì, nhưng vẫn đứng tên tác giả vì họ … quan trọng. Lại còn vị trí tác giả ở đâu. Trong y khoa, tác giả cuối có thể hiểu ngầm là ‘sếp’ (giám đốc labo), là người tìm ‘cơm gạo’ cho labo, còn tác giả đầu là người thực sự làm (doer). Thành ra, các nhóm nghiên cứu về trắc lượng khoa học (scientometrics) phải tìm cách để ‘cân đo đong đếm’ sao cho khách quan hơn.

Đó chính là sự ra đời của các nhóm như scholarGPS, research.com, QS, THE, ARWU, v.v. Mỗi nhóm có một phương pháp phân tích và xếp hạng riêng. Thành ra, một nhà khoa học có thể được xếp hạng 1 theo nhóm A, nhưng hạng 10 theo nhóm B.

Chẳng hạn như tôi. Theo Scopus năm 2024 tôi có chỉ số H là 98 và số trích dẫn là 36800 [1], không thấy xếp hạng. Còn theo PLoS Biology năm 2022, chỉ số H của tôi là 88 và số trích dẫn là 28000 [2], đứng hạng 451 trong chuyên ngành nội tiết học. Còn theo ScholarGPS năm 2022 thì tôi có chỉ số H là 83 và số trích dẫn là 27000 [3], đứng hạng 54 trong chuyên ngành loãng xương.

Như các bạn thấy, cũng là mình, nhưng những con số nó cứ nhảy nhót … tùm lum. Lí do là mỗi nhóm có cách đếm riêng. Chẳng hạn như Scopus và PLoS Biology họ đếm những bài báo của tôi có trong danh bạ Scopus (chừng 30,000 tập san), còn nhóm scholarGPS có vẻ đếm số bài báo có trong danh bạ của WoS (chừng 20,000 tập san). Ngoài ra, Scopus đếm cả số abstract, còn scholarGPS loại bỏ các bài abstract, review, các bài có hơn 20 tác giả, v.v. và đây chính là lí do họ bỏ sót hơn 50 bài của tôi. Thành ra, con số của scholarGPS thấp hơn Scopus. Tuy nhiên, tôi thích scholarGPS vì nó minh bạch, liệt kê tất cả cho mình xem.

Nói như vậy để thấy các chỉ số và xếp hạng này chỉ là vui thôi. Tất cả đều dựa vào con số trích dẫn, và đó là một nhược điểm vì chúng ta không biết bối cảnh của trích dẫn. Bài báo có thể sai và người ta trích dẫn để minh hoạ cái sai, nhưng bài báo đó lại có nhiều trích dẫn!

Các nhóm này dùng AI để tìm bài báo và trích dẫn từ các dữ liệu mở (open database). Vì AI có nhiều hạn chế, nên nó nhiều khi dẫn đến tình trạng ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’. Hôm kia, một phóng viên hỏi rằng có phải tôi còn có tên là Philippe Derreumaux. Trời! Tôi chỉ có một tên do ba má đặt thôi. Hoá ra, trang research.com liệt kê tôi là người của ĐH Tôn Đức Thắng là ‘Best Chemistry Scientists in Vietnam’ dưới cái tên Tây kia!  Bậy thiệt.

Quay lại cái tin vui của scholarGPS, nó đến đúng vào tuần lễ sanh nhựt của tôi mới hay chớ!  Vậy cái danh hiệu ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’ là gì? Tôi tìm hiểu trên trang nhà của họ thì thấy giải thích đại khái rằng: là những tác giả nổi bật (còn sống, nghỉ hưu, và đã qua đời) được xếp vào nhóm top 0.05% trên thế giới, và xếp hạng dựa vào 4 tiêu chuẩn:  toàn bộ các lãnh vực, lãnh vực, chuyên khoa, và chuyên ngành.

Ah há! Do đó, có những nhà khoa học tuy có nhiều trích dẫn và chỉ số H cao, nhưng không được xếp vào nhóm ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’ vì họ chưa đáp ứng tất cả 4 tiêu chuẩn.

Thôi thì dù sao cũng là tin vui đối với tôi. Cám ơn ScholarGPS.

____

[1] https://www.scopus.com/authid/detail.uri?authorId=7404371483

[2] https://elsevier.digitalcommonsdata.com/datasets/btchxktzyw/4

[3] https://scholargps.com/scholars/60950131216086/tuan-v-nguyen

[4] “Highly Ranked Scholars™ – Lifetime are eminent authors (active, retired, and deceased) whose Top Percentage Ranks places them in the top 0.05 % of all scholars due to their lifetime scholarly contributions in the following four categories: Overall (All Fields), with respect to their specific Field, with respect to their specific Discipline, and with respect to all Specialties with which they are associated.”

Thầy Minh Tuệ qua lí giải của LM Phạm Quang Hồng

Mấy hôm nay, tôi theo dõi sự việc ông Minh Tuệ, nhưng chẳng có ý kiến gì đáng nói ra. Hôm qua, đi trên xe lửa, tôi nghe một bài giảng của LM Phạm Quang Hồng [1], mà trong đó ông có nhắc đến ông Minh Tuệ. Tôi thấy LM lí giải quá hay, nên ghi lại những đoạn quan trọng, trước là cho tôi, và sau là chia sẻ cùng các bạn:

“Tôi bàn qua một chuyện thời sự một chút, không phải để nói ý kiến của mình, nhưng nói lên tâm tư của những người theo dõi chuyện thời sự. Hiện tượng về một người đi khất thực từ Bắc xuống Nam, đi trong 6 năm nay, là thầy Minh Tuệ. Tôi không dùng chữ ‘Thích’ vì chính ông cũng không nói ông là ‘Thích Minh Tuệ’.

Chỉ trong 26 ngày vừa qua thôi, trên mạng truyền thông thống kê như sau:

Cái tên Minh Tuệ được Google truy cập 90 triệu lần, không phải trong nước mà thôi, mà nước ngoài nữa.

Chưa đầy một tuần, người nổi tiếng nhất trên tất cả các TikTok, YouTube, Facebook, Viber, Instagram là Minh Tuệ.

Là người được chú ý nhất ở nước Việt Nam hiện giờ, hơn cả những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ chính trị hay văn hóa.

Chưa đầy một tháng mà đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ để làm tượng, vẽ tranh, làm phim, làm bài hát. Người ta may quần áo giống như vậy, và làm thơ ca, v.v.

Có lẽ chỉ có một cái nồi cơm điện mà hàng chục triệu người đã phải nhắc đến. Rất nhiều người phải run sợ vì cũng có thể sợ mất miếng ăn.

Là người đi bộ khắp đất nước đứng đầu ở Việt Nam. Vì trong 6 năm rồi, ông đã đi ra, đi vào nhiều lần.

Là người ngủ ngoài trời, ngủ trong nghĩa địa, trong nhà hoang, ở nơi hoang vắng, bị mũi cắn nhiều nhất Việt Nam.

Là người ăn xin duy nhất ở Việt Nam chỉ xin ăn một bữa thôi, không nhận tiền không nhận vải vóc, hàng hóa.

Là người bị khen chê, ca ngợi, tung hô, đảnh lễ, tức là cúi đầu nhiều nhất Việt Nam. Hiện giờ gây bão xôn xao trên mạng xã hội.

Là người không sân si với đời, mà đời lại tự sân si với ông.

Là người không có trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà lại bị Giáo hội lên tiếng có ý kiến.

Là người không hề muốn nổi tiếng, mà lại nổi tiếng không lường cho nên trở thành đại nghiệp.

Là người đàn ông duy nhất ở Việt Nam không lấy vợ, bỏ nhà đi ăn xin, mà rất nhiều người đàn ông khác có vợ lại muốn đi theo để trải nghiệm hiện thời xem ra sao.

Cái kỷ lục này đang còn tăng lên không phải vì ông ta là một người bình thường, nhưng là vì tâm trạng của những người đi theo đã nhìn thấy một sự khao khát cái gì đó nơi ông.

Đó là Lê Anh Tú, con trai thứ hai trong gia đình bốn người con, sinh năm 1981, còn rất trẻ.  Năm Tân Dậu, nơi sanh là ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1994 gia đình ông di cư vào Gia Lai, Tây Nguyên, rồi ông nhập ngủ trong Quân đội Nhân dân, cấp bậc Thượng sĩ, trung đội phó.

Rồi sau đi làm công ty đo đạt ở tỉnh Đắk Lắc. Rồi bỏ hết mọi chuyện để đi tìm con đường Khổ Hạnh, con đường mà nhà phật gọi là ‘hạnh đầu đà’, mà Đức Phật đã đi tìm trước khi được giác ngộ.

[…]

Người ta hỏi ông ‘Nếu có người đánh thầy thì thầy phản ứng ra sao?’  Ông trả lời rất khiêm tốn ‘Con sẽ đứng cho người ta đánh và con không hề tránh né cũng không hề trách móc.’ 

Tâm ổng bình an.

Nếu có người giết thầy thì thầy sao?’

Thân xác này là trò bụi giết đi để được trở về với chánh đạo, được giải thoát, con không kết án người đó‘.

Mình thử hỏi tâm hồn ổng bình an không? Ổng bình an thật.

Hôm nay, tôi nghe nhà ổng có một cái vườn trồng sầu riêng đó. Cha mẹ nghe ông đến tỉnh gần nhà mình, bèn cho người đem sầu riêng biếu ổng. Ổng không ăn. Ổng đem cho người khác, những người đứng chung quanh.

Tâm hồn bình an như vậy, thư thái như vậy là hạnh phúc, là phần thưởng ông ấy nếm được.

Tôi không biết cuộc sống rồi sẽ ra sao đối với một người như vậy. Nhưng tôi đặt cái vấn đề đây ông bỏ hết mọi chuyện. Bây giờ ông ấy được cái gì? Cái phần thưởng tâm linh.

Tôi hiểu ở đời này rằng cái phần thưởng trong tâm hồn mình là một phần thưởng mà không có tiền bạc nào mua được, không có vật chất nào bù lại bằng, cái đó mới là cái đáng suy nghĩ hơn.

Hãy thử đi tìm đi! Bởi vì ngày hôm nay con người đi tìm cái vật chất, cái lợi lộc cho cá nhân, cho gia đình, cho tập thể của mình, cho bản thân mình.

[…]

Người ta ngưỡng mộ chúa Giêsu cũng ngưỡng mộ sự từ bỏ của các môn đệ. Nhưng Chúa dặn phải tự bỏ chính mình, vác Thập Giá mà đi theo. Tôi lặp lại: đó là điều kiện người ta ngưỡng mộ, bởi vì giữa một thế giới vật chất của đất nước chúng ta, mà vật chất nó cai trị đến mức độ đánh mất lương tâm thì người ta thấy một gương đang khao khát tâm linh.”

Hết trích.

Tôi cũng nghĩ ông Minh Tuệ là người khao khát tâm linh. Trong một video, khi được hỏi về việc đi miệt mài như thế, ông trả lời rất thực tế và đơn giản: “Tập bộ hành để rèn luyện sức khoẻ. Đi để tập chánh niệm, cho nó tỉnh táo, đừng có mê mờ là được. Mình đi trên mỗi bước chân để đạt thức tỉnh.”