Tin vui từ ScholarGPS

Hôm nọ, tôi nhận email từ một tổ chức xa lạ ‘ScholarGPS’ báo tin rằng tôi đã được vinh danh là một ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’, tạm hiểu là học giả được xếp hạng cao trọn đời.

Ui chao, tin vui quá chớ. Sẵn đây, tôi xin chia sẻ về mấy công ti làm ăn trên công bố khoa học để các bạn hiểu thêm câu chuyện đằng sau.

Chuyện là người ta (các đại học, các nhà tài trợ cho nghiên cứu, tập san khoa học, v.v.) tìm cách phân nhóm các nhà khoa học, kiểu ‘chiếu trên, chiếu dưới’. Lí do đằng sau là ngày nay có quá nhiều nhà khoa học, và họ công bố rất nhiều / quá nhiều bài báo. Những bài báo này không phải có giá trị như nhau. Thành ra, cần phải có một thước đo để xếp hạng ai là ‘chiếu trên’ và ai là ‘chiếu dưới.’ Để làm gì? Để cấp tài trợ, để đề bạt, để trao giải thưởng, v.v.

Vậy là một kĩ nghệ ra đời. Cái kĩ nghệ này bao gồm các tập đoàn nổi tiếng như Scopus và Clarivate. Họ lập database của tất cả các nhà khoa học và tất cả những bài báo các nhà khoa học đã công bố. Họ đếm mỗi bài báo được trích dẫn bao nhiêu lần. Họ thậm chí đếm bao nhiêu lần trích dẫn là do tác giả tự trích dẫn (self-citation). Rồi dựa trên số trích dẫn, họ tính toán chỉ số H (còn gọi là Hirsch Index); ai có chỉ số H càng cao thì người đó được đánh giá là có ảnh hưởng cao.

Nhưng khổ nỗi khoa học ngày nay là loại đa ngành, và cái thời một bài báo chỉ có 1-2 tác giả như thời Einstein đã qua lâu rồi. Ngày nay, một bài báo có (trung bình) 4-5 tác giả. Lại có hiện tượng ‘tác giả quà’, ‘tác giả danh dự’, những người chẳng có đóng góp tri thức gì, nhưng vẫn đứng tên tác giả vì họ … quan trọng. Lại còn vị trí tác giả ở đâu. Trong y khoa, tác giả cuối có thể hiểu ngầm là ‘sếp’ (giám đốc labo), là người tìm ‘cơm gạo’ cho labo, còn tác giả đầu là người thực sự làm (doer). Thành ra, các nhóm nghiên cứu về trắc lượng khoa học (scientometrics) phải tìm cách để ‘cân đo đong đếm’ sao cho khách quan hơn.

Đó chính là sự ra đời của các nhóm như scholarGPS, research.com, QS, THE, ARWU, v.v. Mỗi nhóm có một phương pháp phân tích và xếp hạng riêng. Thành ra, một nhà khoa học có thể được xếp hạng 1 theo nhóm A, nhưng hạng 10 theo nhóm B.

Chẳng hạn như tôi. Theo Scopus năm 2024 tôi có chỉ số H là 98 và số trích dẫn là 36800 [1], không thấy xếp hạng. Còn theo PLoS Biology năm 2022, chỉ số H của tôi là 88 và số trích dẫn là 28000 [2], đứng hạng 451 trong chuyên ngành nội tiết học. Còn theo ScholarGPS năm 2022 thì tôi có chỉ số H là 83 và số trích dẫn là 27000 [3], đứng hạng 54 trong chuyên ngành loãng xương.

Như các bạn thấy, cũng là mình, nhưng những con số nó cứ nhảy nhót … tùm lum. Lí do là mỗi nhóm có cách đếm riêng. Chẳng hạn như Scopus và PLoS Biology họ đếm những bài báo của tôi có trong danh bạ Scopus (chừng 30,000 tập san), còn nhóm scholarGPS có vẻ đếm số bài báo có trong danh bạ của WoS (chừng 20,000 tập san). Ngoài ra, Scopus đếm cả số abstract, còn scholarGPS loại bỏ các bài abstract, review, các bài có hơn 20 tác giả, v.v. và đây chính là lí do họ bỏ sót hơn 50 bài của tôi. Thành ra, con số của scholarGPS thấp hơn Scopus. Tuy nhiên, tôi thích scholarGPS vì nó minh bạch, liệt kê tất cả cho mình xem.

Nói như vậy để thấy các chỉ số và xếp hạng này chỉ là vui thôi. Tất cả đều dựa vào con số trích dẫn, và đó là một nhược điểm vì chúng ta không biết bối cảnh của trích dẫn. Bài báo có thể sai và người ta trích dẫn để minh hoạ cái sai, nhưng bài báo đó lại có nhiều trích dẫn!

Các nhóm này dùng AI để tìm bài báo và trích dẫn từ các dữ liệu mở (open database). Vì AI có nhiều hạn chế, nên nó nhiều khi dẫn đến tình trạng ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’. Hôm kia, một phóng viên hỏi rằng có phải tôi còn có tên là Philippe Derreumaux. Trời! Tôi chỉ có một tên do ba má đặt thôi. Hoá ra, trang research.com liệt kê tôi là người của ĐH Tôn Đức Thắng là ‘Best Chemistry Scientists in Vietnam’ dưới cái tên Tây kia!  Bậy thiệt.

Quay lại cái tin vui của scholarGPS, nó đến đúng vào tuần lễ sanh nhựt của tôi mới hay chớ!  Vậy cái danh hiệu ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’ là gì? Tôi tìm hiểu trên trang nhà của họ thì thấy giải thích đại khái rằng: là những tác giả nổi bật (còn sống, nghỉ hưu, và đã qua đời) được xếp vào nhóm top 0.05% trên thế giới, và xếp hạng dựa vào 4 tiêu chuẩn:  toàn bộ các lãnh vực, lãnh vực, chuyên khoa, và chuyên ngành.

Ah há! Do đó, có những nhà khoa học tuy có nhiều trích dẫn và chỉ số H cao, nhưng không được xếp vào nhóm ‘Highly Ranked Scholar – Lifetime’ vì họ chưa đáp ứng tất cả 4 tiêu chuẩn.

Thôi thì dù sao cũng là tin vui đối với tôi. Cám ơn ScholarGPS.

____

[1] https://www.scopus.com/authid/detail.uri?authorId=7404371483

[2] https://elsevier.digitalcommonsdata.com/datasets/btchxktzyw/4

[3] https://scholargps.com/scholars/60950131216086/tuan-v-nguyen

[4] “Highly Ranked Scholars™ – Lifetime are eminent authors (active, retired, and deceased) whose Top Percentage Ranks places them in the top 0.05 % of all scholars due to their lifetime scholarly contributions in the following four categories: Overall (All Fields), with respect to their specific Field, with respect to their specific Discipline, and with respect to all Specialties with which they are associated.”