Thầy Minh Tuệ qua lí giải của LM Phạm Quang Hồng

Mấy hôm nay, tôi theo dõi sự việc ông Minh Tuệ, nhưng chẳng có ý kiến gì đáng nói ra. Hôm qua, đi trên xe lửa, tôi nghe một bài giảng của LM Phạm Quang Hồng [1], mà trong đó ông có nhắc đến ông Minh Tuệ. Tôi thấy LM lí giải quá hay, nên ghi lại những đoạn quan trọng, trước là cho tôi, và sau là chia sẻ cùng các bạn:

“Tôi bàn qua một chuyện thời sự một chút, không phải để nói ý kiến của mình, nhưng nói lên tâm tư của những người theo dõi chuyện thời sự. Hiện tượng về một người đi khất thực từ Bắc xuống Nam, đi trong 6 năm nay, là thầy Minh Tuệ. Tôi không dùng chữ ‘Thích’ vì chính ông cũng không nói ông là ‘Thích Minh Tuệ’.

Chỉ trong 26 ngày vừa qua thôi, trên mạng truyền thông thống kê như sau:

Cái tên Minh Tuệ được Google truy cập 90 triệu lần, không phải trong nước mà thôi, mà nước ngoài nữa.

Chưa đầy một tuần, người nổi tiếng nhất trên tất cả các TikTok, YouTube, Facebook, Viber, Instagram là Minh Tuệ.

Là người được chú ý nhất ở nước Việt Nam hiện giờ, hơn cả những người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ chính trị hay văn hóa.

Chưa đầy một tháng mà đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ để làm tượng, vẽ tranh, làm phim, làm bài hát. Người ta may quần áo giống như vậy, và làm thơ ca, v.v.

Có lẽ chỉ có một cái nồi cơm điện mà hàng chục triệu người đã phải nhắc đến. Rất nhiều người phải run sợ vì cũng có thể sợ mất miếng ăn.

Là người đi bộ khắp đất nước đứng đầu ở Việt Nam. Vì trong 6 năm rồi, ông đã đi ra, đi vào nhiều lần.

Là người ngủ ngoài trời, ngủ trong nghĩa địa, trong nhà hoang, ở nơi hoang vắng, bị mũi cắn nhiều nhất Việt Nam.

Là người ăn xin duy nhất ở Việt Nam chỉ xin ăn một bữa thôi, không nhận tiền không nhận vải vóc, hàng hóa.

Là người bị khen chê, ca ngợi, tung hô, đảnh lễ, tức là cúi đầu nhiều nhất Việt Nam. Hiện giờ gây bão xôn xao trên mạng xã hội.

Là người không sân si với đời, mà đời lại tự sân si với ông.

Là người không có trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà lại bị Giáo hội lên tiếng có ý kiến.

Là người không hề muốn nổi tiếng, mà lại nổi tiếng không lường cho nên trở thành đại nghiệp.

Là người đàn ông duy nhất ở Việt Nam không lấy vợ, bỏ nhà đi ăn xin, mà rất nhiều người đàn ông khác có vợ lại muốn đi theo để trải nghiệm hiện thời xem ra sao.

Cái kỷ lục này đang còn tăng lên không phải vì ông ta là một người bình thường, nhưng là vì tâm trạng của những người đi theo đã nhìn thấy một sự khao khát cái gì đó nơi ông.

Đó là Lê Anh Tú, con trai thứ hai trong gia đình bốn người con, sinh năm 1981, còn rất trẻ.  Năm Tân Dậu, nơi sanh là ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1994 gia đình ông di cư vào Gia Lai, Tây Nguyên, rồi ông nhập ngủ trong Quân đội Nhân dân, cấp bậc Thượng sĩ, trung đội phó.

Rồi sau đi làm công ty đo đạt ở tỉnh Đắk Lắc. Rồi bỏ hết mọi chuyện để đi tìm con đường Khổ Hạnh, con đường mà nhà phật gọi là ‘hạnh đầu đà’, mà Đức Phật đã đi tìm trước khi được giác ngộ.

[…]

Người ta hỏi ông ‘Nếu có người đánh thầy thì thầy phản ứng ra sao?’  Ông trả lời rất khiêm tốn ‘Con sẽ đứng cho người ta đánh và con không hề tránh né cũng không hề trách móc.’ 

Tâm ổng bình an.

Nếu có người giết thầy thì thầy sao?’

Thân xác này là trò bụi giết đi để được trở về với chánh đạo, được giải thoát, con không kết án người đó‘.

Mình thử hỏi tâm hồn ổng bình an không? Ổng bình an thật.

Hôm nay, tôi nghe nhà ổng có một cái vườn trồng sầu riêng đó. Cha mẹ nghe ông đến tỉnh gần nhà mình, bèn cho người đem sầu riêng biếu ổng. Ổng không ăn. Ổng đem cho người khác, những người đứng chung quanh.

Tâm hồn bình an như vậy, thư thái như vậy là hạnh phúc, là phần thưởng ông ấy nếm được.

Tôi không biết cuộc sống rồi sẽ ra sao đối với một người như vậy. Nhưng tôi đặt cái vấn đề đây ông bỏ hết mọi chuyện. Bây giờ ông ấy được cái gì? Cái phần thưởng tâm linh.

Tôi hiểu ở đời này rằng cái phần thưởng trong tâm hồn mình là một phần thưởng mà không có tiền bạc nào mua được, không có vật chất nào bù lại bằng, cái đó mới là cái đáng suy nghĩ hơn.

Hãy thử đi tìm đi! Bởi vì ngày hôm nay con người đi tìm cái vật chất, cái lợi lộc cho cá nhân, cho gia đình, cho tập thể của mình, cho bản thân mình.

[…]

Người ta ngưỡng mộ chúa Giêsu cũng ngưỡng mộ sự từ bỏ của các môn đệ. Nhưng Chúa dặn phải tự bỏ chính mình, vác Thập Giá mà đi theo. Tôi lặp lại: đó là điều kiện người ta ngưỡng mộ, bởi vì giữa một thế giới vật chất của đất nước chúng ta, mà vật chất nó cai trị đến mức độ đánh mất lương tâm thì người ta thấy một gương đang khao khát tâm linh.”

Hết trích.

Tôi cũng nghĩ ông Minh Tuệ là người khao khát tâm linh. Trong một video, khi được hỏi về việc đi miệt mài như thế, ông trả lời rất thực tế và đơn giản: “Tập bộ hành để rèn luyện sức khoẻ. Đi để tập chánh niệm, cho nó tỉnh táo, đừng có mê mờ là được. Mình đi trên mỗi bước chân để đạt thức tỉnh.”