Kể chuyện đi nhận Huân chương Australia

Hôm nay (13/5) là một ngày đáng nhớ trong đời: tôi đi dự lễ investiture (thụ phong) ở Phủ Toàn Quyền [1] để nhận Huân chương Australia. Buổi lễ diễn ra khá đơn giản nhưng trang trọng, và để lại nhiều cảm xúc trong tôi. Tôi đóng vai phóng viên báo chí mô tả buổi lễ để các bạn biết một chút về nước Úc.

Hôm nay, lễ thụ phong ‘Order of Australia’ do Toàn quyền tiểu bang New South Wales, bà Margaret Beazley QC AC, chủ trì. Xin nói thêm rằng Úc không/chưa phải là nước cộng hoà, nên người đứng đầu quốc gia không phải là tổng thống, mà là Nữ Hoàng Anh. Người đại diện cho Nữ Hoàng cấp quốc gia là Governor-General (Tổng Toàn quyền), còn người đại diện cho Nữ Hoàng cấp tiểu bang là Governor (Toàn quyền). Trên danh nghĩa chánh thức, Huân chương Australia là do Nữ Hoàng trao, nhưng bà ấy ở xa (và mới bị Covid) nên các vị Toàn quyền thay bà làm việc lễ nghi đó.

Đây là hình chụp từ vimeo với bà Toàn quyền tiểu bang New South Wales tên là Margaret Beazley QC AC trong buổi lễ thụ phong ngày 13/5/2022. Buổi lễ được livestream tại https://livestream.com/blive/investitureceremonymay2022/videos/231096959 (Phần của tôi là từ phút 14:10 đến 16:20)

Lễ thụ phong

Buổi lễ diễn ra khá đơn giản, nhưng không kém phần trang trọng. Mỗi người được trao huân chương có thể mời 2 người thân vào lễ đường. Ban tổ chức rất cẩn thận, họ in thiệp mời cho từng khách mời và khách phải có thiệp này mới được cho vào lễ đường. Nhà tôi đi 4 người, nhưng chỉ có 2 người là được vào lễ đường, còn 2 người thì ngắm hoa và biển hay theo dõi qua livestream.

Khi bước vào đại sảnh thì người ta tách ra 2 khán phòng. Phòng đầu dành cho thân nhân, phòng sau dành cho những người nhận huân chương. Cách sắp xếp này có ý nghĩa rằng những người có vinh dự hôm nay là nhờ sự hỗ trợ và chăm sóc của người thân trong gia đình, và do đó người thân phải được ưu tiên ngồi khán phòng đầu.

Hôm nay có 28 người được trao huân chương. Trong số này, 1 người là AO, 5 người là AM, và số còn lại là OAM và huân chương trao cho những cá nhân can đảm cứu người. Nhóm người AM/AO thì được xếp ngồi hàng ghế đầu trong khán phòng dành cho người nhận huân chương. Tôi ngồi bên cạnh cô Catherine Cox (một ngôi sao thể thao) và ông Nicolas Parkhill (người có công trong việc chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS).

Danh sách những người được trao Huân chương Australia vào ngày 13/5/2022 tại Phủ Toàn Quyền New South Wales. Trong số 28 người được trao Huân chương, có 1 người nhận Huân chương AO, 5 người AM. Trong số 5 người nhận AM, có hai ông chánh án toà án tối cao.

Chúng tôi được hướng dẫn rất kĩ về nghi thức buổi lễ. Họ có người đóng vai bà Toàn quyền và người đóng vai nhận huân chương. Hai ‘diễn viên’ này diễn cách chào bà Toàn quyền như thế nào, cách đi đứng, và cách xưng hô sao cho đúng. Trước khi gặp bà Toàn quyền, người ta còn kiểm tra một lần nữa quần áo có chỉnh chu chưa. Cái cô lo phận sự này chỉnh sửa cái trouser của tôi thẳng thóm đâu ra đó. Tôi nghĩ thầm ‘Gặp bà Toàn quyền chứ ai mà quan trọng thế’. Nghĩ vậy thôi, chứ tôi vẫn để cho cô ấy làm phận sự của mình.

Mở đầu buổi lễ là một người Trợ lí Toàn quyền làm Master of Ceremony (MC). Người MC lần này tên là Michael Miller mời các khách đứng lên để chào đón bà Toàn quyền vào lễ đường để bắt đầu buổi lễ.

Bà Toàn quyền, bằng một ngôn ngữ người thổ dân, ghi nhận chủ nhân truyền thống của mảnh đất mà bà đang đứng. Kế đến, bà nói về lịch sử và ý nghĩa của Huân chương Australia. Bà cho biết Huân chương Australia chỉ mới được thiết lập từ ngày 14/2/1975 (tức trước ‘biến cố 1975’ ở Việt Nam chỉ 3 tháng). Cần nói thêm rằng trước đó thì công dân Úc chỉ nhận huân chương bên … Anh. Người đề nghị Nữ Hoàng thiết lập Huân chương Australia chính là Thủ tướng Gough Whitlam, một người thuộc đảng Lao Động. Theo tầm nhìn của ông Whitlam, Úc cần có một hệ thống tưởng thưởng và vinh danh những công dân Úc có những thành tựu quan trọng hay phụng sự xã hội xuất sắc. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng huân chương đó phải có chữ ‘Australia’, và do đó, mới có danh hiệu ‘Order of Australia’.

Có lẽ các bạn tò mò muốn thấy cái Huân chương Australia nó ra làm sao, nên tôi chụp hình cho các bạn xem. Như các bạn thấy Huân chương Australia giống như cái huy hiệu gồm 2 phần: phần trên là cái Emblem, và phần dưới là cái Insignia. Cái emblem có hình cái vương miện có tên là Crown of Saint Edward (có nghĩa là ‘Vương miện của Thánh Edward’). Cái Insignia thì phần chính là hai vòng tròn có hai cành mimosa phía trên, và khắc chữ ‘Australia’ ở phía dưới.
Đây là tờ ‘testamur’ về Huân chương Australia. Tạm dịch: Với sự phê chuẩn của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Nữ Hoàng của Australia và Chủ Quyền của Huân Chương Australia, tôi hân hạnh bổ nhiệm ông làm Thành Viên Dân Sự của Huân Chương Australia.
 
Với những chữ trên văn bản này, tôi bổ nhiệm ông làm Thành Viên Dân Sự của Huân Chương đã đề cập trên và cho quyền ông được giữ và thụ hưởng tước vị của sự bổ nhiệm cùng với thành viên của Huân chương và tất cả đặc quyền kèm theo Huân chương.
 
Được chứng thực tại Phủ Toàn Quyền, Canberra dưới dấu thị thực của  Huân Chương Australia vào Ngày Hai Mươi Sáu của Tháng Một Năm 2022.
 
Thừa lệnh của Tổng Toàn Quyền
 
 
Thư kí Hội đồng Huân Chương Australia

Bà Toàn quyền nói gì với tôi?

Sau đó là phần trao huân chương, và đây cũng chính là lúc bà Toàn quyền vất vả nhứt. Cứ mỗi người được trao huân chương, người MC xướng danh người đó và đọc bản ‘citation’ ngắn về công trạng trong khi người đó đứng ở ‘cánh gà’; sau đó đương sự được mời ra đứng bên cạnh bà Toàn quyền để bà gắn huân chương trên áo. Cái citation là do họ soạn, và họ không thể nào đọc hết những thành tích hay chức vụ, nên họ chỉ chọn những thông tin cần nhấn mạnh theo ưu tiên và cái nhìn của họ.

Sau khi gắn huân chương, bà Toàn quyền nói vài câu ngoại giao với người được ‘thụ phong’, nhưng hình như không được phát thanh, nên chỉ có hai người biết mình nói gì. Trong trường hợp của tôi, bà chúc mừng về những ‘achievements’ liên quan đến loãng xương và những việc bên đại học; tôi đáp lời rằng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để giảm tử vong ở những bệnh nhân loãng xương. Bà quay sang chủ đề loãng xương rồi hỏi đùa rằng (tôi dịch nôm na):

“Ông thấy tôi như vầy có cần phải chạy bộ mỗi ngày không?”

Tôi cũng trả lời vừa đùa vừa thật:

“Tôi thấy bà ok lắm, nhưng sống trong cái khung cảnh tuyệt vời này, tại sao bà không chạy bộ quanh vườn mỗi sáng và mỗi chiều?”

Bà cười nói “Good idea” (Ý tưởng hay). Rồi bà bảo tôi quay về ống kính để chụp hình lưu niệm.

Sau buổi lễ là một buổi tiệc nhẹ do bà Toàn quyền thiết đãi tất cả những thân nhân và người nhận huân chương (chắc cỡ 100 người). Thực đơn bao gồm những đặc sản của Úc, đặc biệt là New South Wales, và rượu vang.

Trong buổi tiệc, bà Toàn quyền tìm đến gặp tôi để hỏi han thêm. Bà hỏi tôi đi đến Úc bằng ghe lớn hay ghe nhỏ; tôi nói ghe nhỏ. Bà cười nói “Vậy ông là ‘thuyền nhân’ hả?” Tôi tự hào nói “Yes”. Bà nói rằng thời thập niên 1980 bà làm trạng sư (bà là luật sư cấp QC) và rất quan tâm đến vấn đề tị nạn và thuyền nhân từ Việt Nam. Bà biết vài trường hợp thuyền nhân con nít đến đây hoàn toàn chẳng có tiếng Anh tiếng U gì, mà sau này đều thành tài, có người hành nghề luật sư như bà. Còn gặp thuyền nhân ‘academic’ như tôi thì bà mới gặp lần đầu.

Bà Toàn quyền tiết lộ rằng một vị đại sứ Úc ở Việt Nam từng nói với bà là có nhiều ‘thuyền nhân’ ở Úc không bao giờ quay về Việt Nam, và việc tôi quay về quê hương thứ nhứt và có những việc làm có ý nghĩa là một ‘welcome development’ (phát triển đáng mừng). Tôi giải thích cho bà biết tại sao nhiều thuyền nhân ở Úc không về lại Việt Nam (vì họ hoặc là không còn thân nhân bên đó, hoặc là họ không thích thể chế chánh trị bên đó, hoặc là họ ra đi trong hoàn cảnh quá bi đát). Tôi thì nói tôi về là vì công việc hợp tác giữa các đại học và hợp tác khoa học, chứ tôi thì đã là công dân Úc 40 năm nay rồi và biết rất rõ tại sao mình là công dân Úc.

Buổi lễ và tiệc diễn ra đúng 120 phút. Sau đó là ‘bà con’ đi tham quan trong dinh thự của bà Toàn quyền, tha hồ chụp hình. Người thì ra ngoài vườn chụp hình, người thì chụp trong phòng, và làm quen với nhau. Nói chung, những người nhận huân chương Australia là thuộc thành phần elite của xã hội Úc, nên họ cũng muốn kết bạn với nhau và hỗ trợ khi cần.

Anh tôi thì nói đùa rằng ở Úc cả 40 năm, đây là lần đầu được Toàn Quyền New South Wales thiết đãi thì tội gì không uống một li rượu để làm kỉ niệm. Chắc sẽ khó có lần thứ hai được uống rượu miễn phí từ Phủ Toàn Quyền :).

Riêng tôi thì vì còn 2 người em chờ ngoài kia, nên sau buổi tiệc là ra ngoài để đón hai đứa đi Opera House, và sau đó là đi ăn mừng trong nhà hàng nổi tiếng ‘Meat and Wine’ (Khách sạn InterContinental).

Ở trên tôi có viết là dự buổi lễ này để lại nhiều cảm xúc. Năm nay có hai sự trùng hợp có ý nghĩa. Ngày ông Tổng toàn quyền công bố Huân chương Australia (26/1/2022) cũng là ngày tôi tới Úc 40 năm trước (26/1/1982). Ngày đi dự lễ thụ phong thì chỉ 1 tuần sau sinh nhật của tôi, và cũng là tuần tôi được trao chức danh mới. Còn gì có ý nghĩa hơn để kỉ niệm 40 năm trên quê hương mới bằng Huân chương Australia.

Sẵn đây xin giới thiệu các bạn một cuộc phỏng vấn của cô Thuỳ Linh thuộc đài SBS ở Úc nhân ngày tôi được huân chương.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s