Người Việt: nghệ sĩ tính hơn khoa học tính

Đó là nhận xét của Gs Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975) trong cuốn ‘Văn minh Việt Nam’ mà tôi đọc ngấu nghiến trong chuyến bay Sài Gòn – Sydney tối qua.

Ông là một nhà khoa học xã hội, với sở trường nghiên cứu văn hoá Việt Nam. Ông còn là một quan chức cao cấp trong ngành giáo dục dưới thời VNDCCH.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ từ Đại học Sorbonne (1935?), ông về nước và dạy học ở trường trung học Bưởi (tức Chu Văn An). Một thời gian sau, ông chuyền sang làm cho Viện Viễn Đông Bác Cổ trong vai trò khiêm tốn là ‘member’, giống như hậu tiến sĩ ngày nay. Trong thời gian làm việc ở Viễn Đông Bác Cổ, ông tiếp cận nhiều tài liệu nghiên cứu về người Việt và văn hoá Việt, và viết cuốn “Văn minh Việt Nam” bằng tiếng Pháp (1944). Mãi đến thập niên 1990 mới có bản tiếng Việt.

Cuốn Văn minh Việt Nam viết rất hay. Hay từ nội dung súc tích đến văn phong mạch lạc, rất khoa học và rất … Tây. Đọc lên, dù là văn dịch, nhưng qua cách bố cục câu văn dễ nhận ra ngay rằng tác giả là một nhà khoa học nghiêm cẩn và được đào tạo từ phương Tây. Trong đó, tôi chú ý đoạn ông viết về đặc tính người Việt như sau:

“Môi trường vật chất độc hại và làm sa sút sức khoẻ cũng tác động đến tính chất người Việt Nam. Tác động trực tiếp nhất và cũng bền bỉ nhất của sức nóng thường xuyên, đó là thần kinh uể oải làm cho con người buồn ngủ và lười nhác. Người ta hay nhận xét, và chẳng phải không có lý, rằng nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là lười biếng, hay ít nhất cũng dễ có khuynh hướng buông trôi.

Xu hướng biếng nhác này càng trầm trọng thêm về phương diện tinh thần do một nền giáo dục truyền thống chưa bao giờ có phương pháp. Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trao dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống.

Thành ra ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Nhà nho xưa kia, ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chất đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến sự trau dồi trí tuệ nữa. Họ già trước tuổi. Hoặc là, họ can đảm chịu nhẫn nhục để khỏi bị một ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là, họ sa đà vào một thú chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng để làm cạn kiệt đi nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học.

Dù sao, nói chung, người Việt có chất nghệ sĩ nhiều hơn chất khoa học. Họ nhạy cảm hơn là có lý tính. Họ yêu thích văn học và trang trí. Đa số chỉ mong ước nghề làm quan là con đường đã vạch sẵn, không đòi hỏi nhiều cố gắng độc đáo, mà lại đem đến nhiều vinh hiển nhất.”

Những nhận xét trên — được viết ra đúng 80 năm trước bằng một văn phong lạnh lùng và khách quan — vẫn còn mang tính thời sự ngày nay. Thời tiết khắc nghiệt. Xu hướng uể oải, biếng ngác, buông trôi. Giáo dục nhồi sọ. Thiếu năng lực khoa học. Cảm tính hơn lí trí. Thích làm quan. Nhưng ông cũng cẩn thận lưu ý là không nên khái quát hoá quá đáng. Chỉ một đoạn ngắn mà tác giả đã mô tả khá đúng về tánh cách của chúng ta.

——

Ghi thêm: tác giả Nguyễn Văn Huyên từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục VNDCCH suốt 28 năm (1946-1975) nhưng điều đặc biệt là ông không vào đảng. Một nguồn tin khác cho biết ông viết đơn xin vào đảng, nhưng CT Hồ Chí Minh khuyên ông nên ở ngoài đảng thì mới đóng góp nhiều hơn.