Tánh cách của vua Gia Long (cởi mở) và Minh Mạng (bảo thủ)

Đa số sách sử viết về vua Gia Long một cách tiêu cực, thậm chí xấu xí. Ai cũng nghe câu ‘Cõng rắn cắn gà nhà’ được gán cho ông. Nhưng những ghi chép thú vị của tác giả Michel Đức Chaigneau [1] trong cuốn hồi ức nhan đề “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” [2] cho chúng ta một cái nhìn khác.

Đối với sử kí, những câu chuyện bên lề thỉnh thoảng hấp dẫn hơn những câu chuyện chánh thống. Chánh sử thường được các quan lại biên soạn và các dữ kiện trong đó chắc chắn là đã qua nhiều biên tập theo quan điểm, thậm chí thiên kiến, của triều đình đương thời. Còn những câu chuyện bên lề thường không có trong chánh sử, vì đó là những câu chuyện do người bên cuộc chứng kiến và ghi lại. Thành ra, đọc sách sử của tác giả Tạ Chí Đại Trường rất hấp dẫn, không chỉ vì văn phong vui, mà là những câu chuyện bên lề phản ảnh một phần nhân cách và tánh tình của các nhân vật lịch sử.

Cuốn “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” của tác giả Michel Đức Chaigneau là tập hợp những câu chuyện ngoài chánh sử trong những năm đầu của triều Nguyễn. Tác giả là người mang 2 dòng máu Pháp – Việt (thân phụ là một quan chức Pháp cấp bậc Đại Úy J. B. Chaigneau, và thân mẫu là người Huế). Ông J. B. Chaigneau từng có công giúp cho vua Gia Long đánh thắng quân Tây Sơn, nên sau này trở thành một bạn thân của vua Gia Long. Lúc đó, Michel Đức Chaigneau mới 8 tuổi, và thường được tháp tùng thân phụ vào Tử Cấm Thành để yết kiến vua Gia Long và sau này là vua Minh Mạng.

Trong những lần yết kiến đó, ông ghi lại khá chi tiết về nghi lễ, những đối thoại của hai vị vua triều Nguyễn. Tác giả viết cuốn hồi ức này sau khi đã về Pháp và không còn ràng buộc với triều đình Huế và do đó không sợ mang tiếng ‘khinh quân’. Trong điều kiện tự do đó, tác giả ghi lại những sự chuyện, những câu nói, hay có mà vụng về cũng có, của vua Gia Long và Minh Mạng.

Vua Gia Long

Đọc sách sử, chúng ta khó đoán được vóc dáng và thần sắc của vua Gia Long vì tất cả chỉ là những bức tranh do ai đó vẽ lại theo những gì họ ghi nhận trong kí ức. Những bức hoạ như thế mô tả vua Gia Long là người có chiều cao khiêm tốn, bộ râu lưa thưa và đen.

Trong hình này, hoạ sĩ mô tả vua Gia Long có râu đen. Nhưng trong cuốn Hồi ức, tác giả Michel Đức mô tả ông là người có thân thể cường tráng, cao trên trung bình, khuôn mặt trang nhã, “mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt ở dưới cằm.”

Trong cuốn Hồi ức này, tác giả Michel Đức mô tả ông là người có thân thể cường tráng, cao trên trung bình, khuôn mặt trang nhã, “mắt tinh anh, râu hoàn toàn bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành 2 lúm râu hai bên, điểm thêm cho chòm râu lớn nhưng tách biệt ở dưới cằm.”

Michel Đức nhận xét rằng tánh tình của vua Gia Long là “người vui tính nhất, dễ mến nhất của đất nước này: nhiều lúc nói chuyện với người tâm phúc theo kiểu thân tình, ngài có lối nói chuyện bông đùa dân dã đến mức làm người nghe đỏ cả mặt. ” Trong một lần tiếp kiến, ông thuật lại như sau:

“[…] sau đó nhà vua nói rất dông dài về cách con người duy trì nòi giống. Rồi để minh họa cho lời nói, ngài còn làm những cử chỉ mô tả thực tế theo kiểu trần tục, đến mức nếu tôi mà kể hết ra đây thì sẽ làm cho những ai có tâm hồn thánh thiện sẽ cảm thấy xấu hổ đến chết.”

Một điều thú vị là vua Gia Long không thích được gọi là ‘Thiên tử’. Michel Đức thuật lại rằng trong lần yết kiến đầu tiên, ông được dạy là phải gọi vua là ‘Thiên tử’, nhưng ngay sau đó vua Gia Long cười vang và nói:

“Ê cái thằng nhỏ này, nhà ngươi vừa nói ta là thiên tử đó hả, haha. Ai bày vậy, chắc không phải là cha ngươi rồi, ông ấy có bao giờ nói mấy điều xằng bậy đó đâu. Ta mà là con trời ấy à, haha”.

Rồi vua giải thích:

“Ta đã nói với tất cả những ai gọi ta là con trời rằng ta cũng có một người cha và một người mẹ. Và cũng giống như tất cả mọi người, ta được sinh ra khi cha ta làm thế này và mẹ ta đã làm thế kia…”

Khổ thân với cung tần mĩ nữ

Như chúng ta biết các hoàng đế Việt Nam có rất nhiều cung tần mĩ nữ. Theo Bác sĩ Hocquard (trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”), chỉ riêng vua Tự Đức thôi mà đã có đến 104 phi tần, 579 thị nữ ở hậu cung, 455 a hoàn, tất cả đều ăn lương triều đình. Họ được sắp xếp theo thứ bậc và hưởng lương theo thứ bậc được trao. Mỗi ngày, Bác sĩ Hocquard cho biết, vua được 15 phi tần và 30 hầu gái phục vụ.

Nhưng những cung tần mĩ nữ này không thuận nhau. Họ cũng tỏ ra ganh tị và ghen tị với nhau. Trong những lần đàm đạo với cha của Michel Đức, vua Gia Long than rằng việc trị quốc đối với ông dễ hơn là cai quản các cung phi ở chốn cung cấm:

“Khanh nghĩ là ta đã hết việc khi giải quyết xong những gì đang đợi ta đàng kia (ngài chỉ tay về phía cung cấm), trong cung cấm khi ta rời khỏi đây. Ở đây bây giờ, ta cảm thấy thích thú khi trao đổi với những người hiểu biết, họ lắng nghe ta, hiểu ta, và nếu cần, thì nghe lời ta. Đàng kia (trong cung cấm), ta phải đối mặt với lũ đàn bà yêu quái, cãi cọ với nhau, đối xử tệ bạc, xâu xé nhau, rồi tất cả tới đòi ta phân xử công minh. Nếu ta mà xử đúng người đúng tội thì bọn họ không ai thoát tội hết, trong khi ta không biết chắc được ai trong bọn họ thua kém người kia về sự tàn độc”.

Khi được khuyên là vua nên giảm số cung tần mĩ nữ để bớt khổ thân vì họ, vua Gia Long nói đùa rằng:

“Suỵt, nói khẽ thôi, nói khẽ thôi […] Này ông, nếu như các quan lại đồng nghiệp của ông mà nghe được những lời ông vừa thốt ra thì ông sẽ là kẻ thù không đội trời chung với bọn họ. Nói nghe nè, gần như tất cả cung phi cung tần đều là con gái của các quan. Chẳng hạn mới đây có một vị đã đề nghị đưa con gái vào cung, ta đã lớn tuổi nhưng không thể từ chối được. Nếu từ chối thì ta sẽ làm ông ta không vui, vì ở xứ này đưa được con gái vào cung là một vinh dự, vừa tăng vị thế cho quan, còn ta thì đảm bảo được về sự trung thành của vị quan đó. Ta phải xử sự sao cho vừa lòng tất cả mọi người, nhất là các bà, vì các bà còn đáng sợ hơn cả phía các ông. Nếu như ta bỏ bê một trong các quý phi, thì ngay lập tức cô ấy sẽ than thở với cha của mình, rồi lão ta sẽ khéo léo đồn thổi cái gì đó để làm ta xấu mặt trước muôn dân”.

Vua Minh Mạng

Tác giả Michel Đức Chaigneau tỏ ra không có thiện cảm với vua Minh Mạng. Thật vậy, ông mô tả vua Gia Long là người anh minh và hào phóng bao nhiêu, thì ông dành cho vua Minh Mạng những nhận xét ngược lại. Ông mô tả vua Minh Mạng như là một nhà nho (và bao quanh với những nhà nho) chịu ảnh hưởng sâu đậm văn minh và văn hoá Trung Hoa, và không có đầu óc canh tân.

Năm 1821, Michel Đức theo cha J.B. Chaigneau trở lại Việt Nam, nhưng vua Gia Long đã qua đời năm 1820, nên ông ‘làm việc’ với vua Minh Mạng. Để yết kiến vua Minh Mạng, J.B. Chaigneau phải chuẩn bị lễ vật và quà cáp cho vua. Ông viết:

“Đúng ngày ấn định việc trao tặng phẩm và quốc thư của vua Louis XVIII, người trong cung đến để chuẩn bị theo sự điều động của cha tôi. Theo thông lệ, quốc thư được đặt trên một chiếc mâm gỗ nhỏ chạm lộng tinh xảo, phủ lên một tấm vải mỏng màu vàng. Vị quan chuyên trách việc nghi lễ đi ở giữa bưng mâm gỗ, hai bên có hai người cầm lọng che màu vàng. Các tặng phẩm khác thì đặt trên những chiếc bàn được bốn người phu khiêng, đi theo mỗi chiếc bàn như vậy đều có một người cầm lọng che. Tặng phẩm gồm có:

* 1 chiếc đồng hồ mạ vàng lớn;

* 2 cây đèn mạ vàng;

* 2 bình hoa bằng đồng ánh màu vàng bóng;

* 16 bức tranh họa lại những trận đánh của Đế chế;

* 1 khẩu súng hơi cùng với chiếc hộp đựng đẹp mắt phủ đầy các họa tiết trang trí cầu kỳ;

* 1 cặp súng ngắn nằm trong một chiếc hộp trang trí cầu kỳ khác;

* 1 tấm gương soi lớn.

Cha tôi đi theo sau vị quan nghi lễ mang chiếc mâm gỗ, những chiếc bàn đặt tặng phẩm được khiêng theo phía sau cha. Khi tới cửa cung điện, cha tôi nhận lại mâm gỗ, đích thân đem vào phòng thiết triều dâng cho Đức Vua. Đức vua trang trọng nhận lấy bức thư và tỏ vẻ hài lòng với các món tặng phẩm.

Vua Minh Mạng mở bức thư của vua Pháp, đưa cho cha tôi và yêu cầu ông dịch miệng ngay cho Ngài nghe trong khi đợi người dịch sang chữ Hán:

‘Thưa Quốc vương tối thượng, tối anh minh, hùng cường và nhân hậu, thưa bằng hữu thân mến và bao dung, cầu mong Thượng ban phúc lành cho uy danh của Ngài! Chúng tôi rất cảm kích khi biết rằng những người Pháp đến xứ sở của Ngài để giao thương đã được Ngài đón tiếp nồng hậu.

Sự đối đãi của Ngài với người Pháp là bằng chứng cho thấy Ngài vẫn bảo lưu những kỷ niệm đẹp về tình hữu nghị giữa Đức vua nước Pháp và Đức vua xứ Cochinchine.

Về phía vương quyền Pháp, chúng tôi cũng có những tình cảm tương tự, vì vậy cả hai bên chúng ta có thể hy vọng là từ đây sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu của thần dân hai nước, thông qua việc thiết lập và mở rộng dần các mối quan hệ. Với tầm nhìn này, chúng tôi nhận thấy sự phù hợp của việc cử một người đại diện cho chúng tôi, là ông J.B. Chaigneau, sĩ quan hải quân và là quan viên của xứ Cochinchine. Quyết định lựa chọn này xuất phát từ việc ông Chaigneau đã được Ngài biết rõ và nhận được sự yêu mến tin cậy từ Ngài.

Chúng tôi tin rằng, Ngài sẽ lắng nghe một cách thuận tiện khi có sự vụ liên quan đến người Pháp, cũng như trong lãnh vực giao thương và các chủ đề khác nữa. Theo đó, chúng tôi tin rằng, thần dân nước Pháp cũng sẽ được hưởng tấm lòng đức độ và anh minh của Ngài.

Nhân cơ hội này, chúng tôi thiết tha muốn bày tỏ với Ngài thành ý hữu nghị chân thành của chúng tôi. Chúng tôi cầu xin Thượng đế ban thêm ân phúc cho uy quyền của Ngài và mọi điều tốt lành khác cho Ngài.

Cung điện hoàng gia Tuileries,

ngày 12/10/1820.

Người bạn thân mến của Ngài.

Louis.’.

Nhưng vua Minh Mạng không mấy mặn mà với hiệp ước thương mại Việt – Pháp. Nhà vua nghĩ rằng vì Pháp ở xa quá, Việt Nam thì không có tàu lớn vượt đại dương, nên không cần đến hiệp ước đó. Nhà vua cho biết Việt Nam sẵn sàng mua bán với Pháp với điều kiện là Pháp “cần họ tôn trọng phong tục tập quán của chúng ta.”

Khi JB Chaigneau tâu rằng nếu vua Minh Mạng khước từ hiệp ước thì sợ vua Louis sẽ phiền lòng, thì vua Minh Mạng trả lời:

“Họ không thể vì việc này mà giận chúng ta được vì chúng ta chẳng được lợi gì từ một hiệp ước như vậy. Trong thực tế, chúng ta không cản trở việc buôn bán của người Pháp, ta đối xử với họ một cách tử tế, đúng mực thì họ còn đòi hỏi gì hơn nữa ở chúng ta? Với lại, việc khanh có mặt ở đây chẳng phải là để đảm bảo quyền lợi cho họ [người Pháp] và thông báo cho chúng ta biết những nhu cầu của họ sao?”

Tác giả Michel Đức mô tả kết cục buổi yết kiến với thất vọng:

“Buổi tiếp kiến khiến cho cha tôi cảm thấy vô cùng phiền muộn. Thái độ thờ ơ của vua Minh Mạng cùng vẻ lạnh lùng trầm ngâm của Ngài trái ngược hoàn toàn với sự cởi mở và thiện ý của vua Gia Long.”

***

Ngoài những sự việc trên, cuốn “Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX” còn cung cấp nhiều thông tin rất thú vị về hoàng hậu, về sinh hoạt trong kinh thành Huế và các địa phương lân cận. Có những đoạn tác giả mô tả rất chi tiết về sắc diện, phẩm phục, thủ tục yết kiến, và phát ngôn.

Có một chi tiết khá thú vị là vua và hoàng hậu rất ám ảnh về cái đẹp của phụ nữ. Khi được diện kiến hoàng hậu (Gia Long), Michel Đức thuật lại rằng hoàng hậu hỏi “Phụ nữ Pháp có đẹp không?” và “Công tử có thấy phụ nữ xứ này là đẹp không? Hoàng hậu đảo mắt nhìn những người phụ nữ đứng chung quanh.” Đáp lại, tác giả cũng tỏ ra biết nịnh khi trả lời: “Tâu Hoàng hậu, con nghĩ là khó mà tìm thấy người đẹp hơn, duyên dáng hơn những quý bà ở đây.”

Trong một lần yết kiến vua Minh Mạng, Michel Đức thẳng thắn nhận xét rằng quân đội Đại Nam không bằng Pháp. Một vị đại thần đi theo rất kinh ngạc và nhắc nhở tác giả rằng:

“Này, thiếu gia trẻ, thiếu gia có mất trí hay không mà lại tâu với Hoàng thượng là binh đội của Ngài thua kém quân đội của người Pha – lan – cha [Pháp], rồi cung điện đền đài xứ sở của Hoàng thượng thua kém những kiến trúc nhà cửa ở Châu Âu?”.

Michel Đức đáp:

“Thì đó là sự thật mà. Chẳng lẽ tôi phải nói láo trước mặt Đức vua mới được à?”

Viên đại thần:

“Đúng vậy! Phải biết nói láo còn hơn là làm Hoàng thượng phật lòng”.

___

PS: tôi viết bài điểm sách này cả 2 năm rồi, nhưng vẫn chưa hài lòng với đoạn cuối nên cứ chần chừ hoài. Thôi thì tôi chia sẻ ở đây để các bạn góp ý.

[1] Michel Đức Chaigneau (1803 – 1894), còn có tên là Nguyễn Văn Đức, là con trai của ông Jean Baptiste Chaigneau, một quan chức Pháp ở Việt Nam, và bà Hồ Thị Huề. Ông Đức sanh ra và lớn lên tại Phú Cam, Kinh thành Huế trong hơn 20 năm đầu của thế kỷ XIX, dưới triều Gia Long và Minh Mạng.

[2] Cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX do Nhà xuất bản Thái Hà xuất bản năm 2020. Dịch giả là Tiến sĩ Lê Đức Quang, giảng viên thuộc Đại học Huế.