Tản mạn về tính khiêm cung và khoa học

Đối với nhiều bạn trẻ ngày nay, có lẽ họ chưa nghĩ tới tính khiêm cung, nhưng đó là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của các bạn trong tương lai. Tôi nghĩ mình đang ở trong một giai đoạn trong sự nghiệp khoa học có thể chia sẻ vài bài học về sự khiêm cung và thành công trong khoa học cùng các bạn. Tựu trung lại, tôi thấy có 5 điểm có thể chú ý: biết trên biết dưới, biết mình đang ở đâu, biết sự hạn chế của mình, biết mình sẽ sai, và biết tính chuyên nghiệp là gì.

Mấy năm trước, một em bác sĩ người Việt ở đây kể một câu chuyện về sự ảnh hưởng của tính khiêm cung. Câu chuyện về một bác sĩ ICU còn trẻ, nhưng chẳng hiểu sao người này có thói hay cãi và nói xấu các đồng nghiệp cao cấp hơn. Dĩ nhiên là nói xấu sau lưng thôi. Nhưng trong thế giới chuyên ngành thì trước sau gì cũng tới tai các đồng nghiệp cao cấp. Hậu quả là sau này chị bác sĩ đó đi đâu trong nước Úc đều không có bệnh viện nào nhận. Sự nghiệp của chị ấy coi như đi vào ngõ cụt.

Chuyện thứ hai về một em postdoc (hậu tiến sĩ) mà tôi biết khá rõ vì làm chung một viện. Em này là một postdoc từ Pháp, tôi đánh giá thuộc hạng ‘brilliant’ (tức thông minh và sáng tạo). Người có tài hay có tật, và em này đúng là như thế. Trong các seminar, ai mà nói dở hay nghiên cứu dở là anh ta tỏ thái độ làm lơ, xem thường. Anh ta tuy mới postdoc nhưng hay chê người cấp trên của anh là làm biếng, kĩ năng kém, đi lên nhờ các mối quan hệ. Dĩ nhiên, người cấp trên của anh biết hết, nhưng ông rất điềm tĩnh và lịch sự. Cái lịch sự của ông là đến thời gian phải kí hợp đồng mới, ông từ chối kí, và anh postdoc mất việc. Anh không thể xin việc ở Úc, nên đành phải bỏ cái mộng định cư ở Úc và quay về Pháp. Ngay cả ở Pháp, anh ta cũng không xin được việc. Lần sau cùng tôi gặp anh ở Mĩ thì biết anh ta đã bỏ academia ra đầu quân cho kĩ nghệ, và tỏ ra hối hận cái thời … nông nổi.

Một câu chuyện khác về một bác sĩ mà tôi quen rất thân. Anh ấy từ Việt Nam sang đây học tiến sĩ trong Viện tôi, học xong rồi học/thi lại lấy bằng bác sĩ bên này. Trong thời gian thực tập ở bệnh viện, anh ấy lấy cảm tình của tất cả ai tiếp xúc, từ cấp thấp đến cấp cao. Anh ấy còn dùng các ‘võ nghiên cứu khoa học’ giúp các đồng nghiệp cao cấp hơn nhưng không có bằng tiến sĩ để làm nghiên cứu, và trở thành ‘ngôi sao’ ở bất cứ chỗ nào anh đến. Bây giờ thì cho dù anh ta bỏ ra làm tư, nhưng tất cả đồng nghiệp ai cũng giữ kỉ niệm đẹp.

Qua 3 câu chuyện trên, tôi muốn nói rằng thái độ và cách cư xử của chúng ta lúc còn trẻ với các đồng nghiệp rất ư là quan trọng.

1.  Biết trên biết dưới

Khoa học cũng như ngoài xã hội, tức là có tôn ti trật tự, hiểu theo nghĩa có người trên kẻ dưới. Tôi hay nói đùa nhưng sự thật là mỗi chuyên ngành khoa học là một “bộ lạc”. Trong cái bộ lạc đó, bất cứ ở đâu, có những ‘trưởng lão’ hay ‘già làng’ được thành viên bộ lạc ghi nhận và công nhận; có những người cấp cao, cấp trung, và cấp thấp. Trong đại học cũng thế, có cấp khoa trưởng, giáo sư thực thụ, giáo sư dự bị, hậu tiến sĩ, tiến sĩ, v.v. Ngay cả trong cấp giáo sư, cũng có người cấp cao và cấp thấp, chớ không phải trung bình hoá.

Trong khoa học, trước khi bước vào một bộ lạc, các bạn cần nên ‘nhìn trước xem sau’. Phải biết người trước đã làm gì và thành tích ra sao. Không biết những điều này dễ dẫn đến những phát biểu xem thường người trước, và những cách hành xử ngông cuồng, thậm chí hỗn hào. Chúng ta đã biết trong y khoa có hệ thống vai vế, mà trong đó đàn em phải biết đối xử lịch thiệp với đàn anh. Trong khoa học cũng vậy.

Đây là một trong những sai sót rất phổ biến ở những người trẻ, và tôi đã chứng kiến khá nhiều lần trong quá khứ. Có người mới tham gia nhóm, và muốn tạo tên tuổi cho mình, bèn vội vã đưa ra những ý tưởng mà họ nghĩ là mới, nhưng thật ra thì đã có người từng làm trước đây. Đáng lí ra là tìm hiểu và hợp tác, thì cách làm của người đó làm cho đồng nghiệp đánh giá nói theo tiếng Việt là ‘ngựa non háo đá’ và xem thường người đi trước. 

2. Biết mình đang ở giai đoạn nào trong chuyên ngành

Đây là điều quan trọng, vì như nói trên trong khoa học có hệ thống vai vế. Người mới tốt nghiệp tiến sĩ phải biết rằng họ chỉ mới học nghề xong, còn thấp hơn người hậu tiến sĩ; và người hậu tiến sĩ phải hiểu rằng họ chưa là nhà khoa học độc lập. Ngay cả có nhiều lecturer (giảng viên) và Associate Professor có khi cũng chưa là nhà khoa học độc lập. ‘Độc lập’ ở đây hiểu theo nghĩa ‘investigator’ và có labo nghiên cứu riêng và được tài trợ từ ngoài. Người độc lập có phát biểu với những trọng trách khác với người cấp thấp hơn.

Ngay cả trong hệ thống đẳng cấp khoa bảng, không phải ai mang chức danh ‘professor’ đều là như nhau. Trong cái hệ thống đó, chức danh không hẳn xác định vai vế của một cá nhân, mà là ‘track record’ (tạm hiểu là thành tích khoa học) mới là yếu tố quyết định. Người có kinh nghiệm chỉ cần nhìn qua ‘profile’ của một người là biết đẳng cấp người đó ở đâu.

Chức danh có thể hiểu sai lệch (hay nói theo tiếng Anh là ‘misleading’). Ở Úc này, người ta phân biệt chức danh chánh thức và chức danh danh dự. Chức danh chánh thức phải qua qui trình bổ nhiệm rất nghiêm túc và mất thì giờ, còn chức danh danh dự chỉ là một phương tiện ngoại giao, chẳng cần đánh giá gì nhiêu khê. Người có chức danh danh dự không thể sánh ngang hàng người có chức danh chánh thức, và hiểu sai điều này là không tốt chút nào.

Do đó, các đại học Úc yêu cầu người được bổ nhiệm chức danh danh dự phải đề rõ như thế trước tên họ. Chẳng hạn như họ không được quyền ghi là ‘Professor’, mà phải là ‘Honorary Professor’. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì người ta lẫn lộn, và người ta có khi bỏ qua sự phân biệt tinh tế đó, rồi gây hiểu lầm về vai vế trong chuyên ngành.

3. Biết cái kém cỏi và hạn chế của mình

Nói ra thì chỉ thừa, nhưng cần nhắc lại rằng cái học là mênh mông và không ai có thể thấu hiểu hết được. Mỗi chúng ta, dù ở bất cứ ngôi bậc nào trong khoa học, chỉ biết một chút xíu thôi. Mà, cái khổ là cái biết của chúng ta lại có khi phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của mình. Nhà khoa học có xu hướng nhìn hiện tượng theo cách hiểu của chúng ta, chớ không theo bản chất của hiện tượng như nó xảy ra.

Thành ra, nói nôm na là tất cả chúng ta đều … dốt. Dốt không hẳn là vấn đề, vì nếu chúng ta biết sửa thì dốt là cơ hội để học và làm tốt hơn. Vấn đề là người dốt không biết họ dốt, và họ làm khổ người khác. Mấy người này rất tự tin, và họ lúc nào cũng cho rằng họ là chuyên gia thông minh. Sự tự tin của họ có thể gây tác hại cho cộng đồng vì họ làm sai.

Richard Feynman có một câu nói để đời rằng: ‘Khi bạn chết đi, bạn không biết mình chết, nhưng là nỗi khổ cho người khác. Tương tự, khi bạn ngu, bạn không biết mình ngu, nhưng cái ngu của bạn làm người khác khổ sở(When you are dead, you don’t know you are dead. It’s pain only for others. It’s the same thing when you are stupid.)

Một ngày nào đó, các bạn ‘chuyên gia’ tre trẻ sẽ trưởng thành. Lúc đó họ sẽ nhận ra rằng họ không biết cái mà họ không biết. Họ sẽ nhận ra rằng càng biết nhiều hơn thì cũng là lúc không biết nhiều hơn. Lúc đó thì có thể họ sẽ ăn năn, nhưng đã muộn. Thành ra, ngay từ bây giờ, các bạn ấy nên học để nhận ra cái mình chưa biết, để ghi nhận rằng kiến thức và kinh nghiệm của mình vẫn còn rất hạn chế. 

Frank M. Waechter #vaccinated on Twitter: ""The more you know, the more you  know what you don't know! What you know is inside a circle, what you don't  know is outside of
Trích câu nói của Richard Feynman: “Khi bạn biết nhiều hơn cũng là lúc bạn biết rằng mình không biết! Những gì bạn biết nằm trong cái vòng tròn. Bạn không biết cái ngoài vòng tròn. Khi kiến thức của bạn tăng lên, cái vòng tròn cũng rộng ra” (The more you know, the more you know what you don’t know! What you know is inside a circle, what you don’t know is outside of it. The circumference is what you know you don’t know. As your knowledge grows, the circle grows and the circumference expands”).

4. Biết rằng mình sẽ sai

Đây là điều hết sức quan trọng. Tôi có thể nói rằng đa số những khám phá, phát hiện trong khoa học ngày nay đều sai. Đa số ở đây có thể là 95%. Khi nghe ai đó phát hiện cái gì quá hay, tìm ra cái gì quá tuyệt vời, bạn hãy nghĩ rằng xác suất 95% là họ sai. “Họ” đây kể cả tôi và các bạn đang làm trong khoa học.

Chúng ta phải học cách nói bất định. Đừng nói gì quá khẳng định để rồi mình sai. Đó là kinh nghiệm của tôi. Hồi mới bước chân vào khoa học, Thầy tôi luôn dạy như vậy: ổng nói đi nói lại rằng trong khoa học không có gì là “chứng minh” cả (chỉ có toán mới có, mà toán thì không phải là khoa học), và do đó mình đừng nói gì quá xác định. Phải cả 20 năm sau tôi mới hiểu ý của Thầy mình.

Nhưng cái khổ là trong thế giới này chúng ta phải sống với những kẻ quá tự tin. Lúc nào họ cũng ‘ăn to nói lớn’ lấn át tiếng nói khiêm tốn của người khác. Bởi vậy Richard Feynman từng nói rằng “Một trong những vấn đề lớn nhứt với thế giới là những kẻ ngốc lúc nào cũng chắc chắn và tự tin về bất cứ vấn đề gì, và kẻ thông minh thì đầy những lưỡng lự và bất định”.

5. Biết tính chuyên nghiệp là gì

Tính chuyên nghiệp trong khoa học vô cùng quan trọng, nhưng rất tiếc đây là cái mà nhiều người Việt thiếu. Chuyên nghiệp tính trong khoa học bao gồm hành vi và hành động (hay nói chung là ‘hạnh kiểm’) nhứt quán với nguyên tắc thành thật, khiêm tốn và xuất sắc.

Một đặc điểm của tính chuyên nghiệp là tinh thần trách nhiệm. Là người có chuyên môn họ phải chịu trách nhiệm về suy nghĩ, phát biểu và việc làm của mình. Nếu làm sai họ phải chịu trách nhiệm cho việc làm mà không đổ lỗi cho người khác. Chẳng hạn như Gs Neil Furguson khi làm sai ông xin từ chức cố vấn về Covid cho Chánh phủ Anh.

Một đặc điểm quan trọng khác là tôn trọng đồng nghiệp. Người chuyên môn lúc nào cũng tỏ ra kính trọng đồng nghiệp và những người xung quanh, bất kể họ giữ địa vị gì trong xã hội. Tôn trọng đồng nghiệp cũng có nghĩa là không nói xấu, và tuyệt đối không xúc phạm đồng nghiệp. Nhà khoa học giải Nobel Y học Peter Doherty khuyên rằng nếu không có gì tốt để nói về đồng nghiệp thì nên im lặng.

Tính chuyên nghiệp còn có nghĩa là nếu cần phê bình thì phê bình ý tưởng, chớ không phê bình cá nhân. Chúng ta bàn về ý tưởng, chớ không phải cá nhân người đó là ai, làm gì, cá tánh ra sao.  Thế nhưng trong thực tế người Việt lại có thói quen dùng tấn công cá nhân để hạ thấp ý tưởng của người phát biểu, và đó không chỉ là một nguỵ biện mà còn là vô cùng thiếu chuyên nghiệp.

***

Những người làm việc trong các labo đàng hoàng được giáo dục về cách hành xử với đồng nghiệp. Anh bác sĩ chiếm lòng mọi người mà tôi đề câp chính là người làm trong labo nghiên cứu có văn hoá tử tế. Tuần nào họp labo, học cái nói, cách cư xử với người trên kẻ dưới riết thì cũng trưởng thành theo. Còn những người xong tiến sĩ hay thạc sĩ mà không có cơ hội làm việc trong các labo thì không thể nào biết hết được những ‘văn hoá’ khoa học, và họ có thể có những hành vi không khéo. ‘Không khéo’ là nói cho nhẹ, chớ trong thực tế nhiều người hành xử rất ư là kém chuyên nghiệp và hầu như không biết đến 5 tính khiêm cung trên là gì. Dễ thấy mấy người này trên báo chí.

Nhớ thời của tôi ở ĐH Sydney, giáo sư trong một bộ môn là người rất quan trọng và được kính nể. Có hôm đám sinh viên tụi tôi đang ngồi ăn trưa và tán dóc, thì Giáo sư AW bước vào pha cà phê, và như là một thói quen tất cả đều đứng dậy chào. Nhưng thầy AW rất bình đẳng, ổng bảo sinh viên ngồi xuống, và đừng có làm vậy, vì lần sau ổng không dám vào pha cà phê nữa. Mặc ổng nói gì thì nói, tụi tôi từ nghiên cứu sinh đến cấp giảng viên đều tỏ lòng kính trọng thầy.

Nhưng tôi quan sát trong thời gian chừng 30 năm qua ở Úc có sự thay đổi lớn trong văn hoá khoa học. Ngày nay, được đề bạt giáo sư dễ hơn ngày xưa (thời đó mỗi bộ môn chỉ có 1 giáo sư), một phần vì khoa học tiến bộ hơn và thế hệ mới có thành tích khoa học tốt hơn các bậc thầy ngày xưa. Nhưng dù có thành tích tốt hơn, chúng tôi vẫn phải giữ sự kính trọng các thầy cô mình, chớ không được xem thường. Tôi từng nghe một câu của thầy tôi nói ra có lẽ hơi ngẫu nhiên thôi (vì lúc đó ông đang giận một nghiên cứu sinh trẻ) rằng “Không dạy bọn này từ nay thì mai mốt chúng mang thêm cái danh ‘doctor’ chúng sẽ làm khổ biết bao nhiêu người.

Tôi hay đi đây đó, và quan sát văn hoá khoa học ở các nước thì thấy ở vài nước người ta vẫn còn giữ tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’. Ở Nhật tôi thấy giáo sư có quyền uy ghê gớm, và mỗi lần họ xuất hiện là y như giáo sư AW mà tôi kể trên. Bên Hàn Quốc cũng giống như bên Nhật, các giáo sư được kính trọng và họ còn có vẻ phân chia giai cấp nữa. Trong buổi tiệc họ chia ra cấp giáo sư thấp ngồi bàn riêng, còn giáo sư cao hơn ngồi bàn riêng, y như ‘chiếu trên chiếu dưới’ ở VN chúng ta. Tôi thú thiệt là không thích cách phân chia đó chút nào. Còn ở Thái Lan, giáo sư có địa vị cao trong xã hội vì hình như chức danh đó được vua phong hay ban cho. Tôi nhớ hoài kỉ niệm ở một bệnh viện lớn Khon Kaen, những ngày đầu họ không biết tôi là ai, nên phải chen chút trong thang máy để lên lầu 10; nhưng sau đó 1 tuần thì họ biết qua seminar nên mỗi lần tôi đứng chờ thang máy là họ nhường ưu tiên cho tôi. Tôi dĩ nhiên không thích kiểu ưu tiên đó, nhưng họ nhứt định không vào thang máy nếu tôi không vào trước thì biết sao giờ … 🙂

Còn ở Việt Nam thì sao? Tôi nghĩ đa số thì vẫn như ở các nước Đông Á và Thái Lan thôi, tức là vẫn giữ tinh thần ‘tôn sư trọng đạo’. Có lẽ vài người trẻ ngày nay theo ‘Tây học’ không thích cái tinh thần đó. Tuy nhiên, tôi xin nói rằng tôi đây cũng là dân Tây học từ thời trung học, và cũng từng không thích cái câu nói đó, nhưng càng sống trong xã hội phương Tây và hiểu chút về xã hội đó, tôi thấy tinh thần đó rất ư là quan trọng và đáng duy trì.

2 thoughts on “Tản mạn về tính khiêm cung và khoa học

  1. Thực ra thì lịch sử nhân loại vẫn có nhiều cá nhân & tập thể những người xuất chúng, họ đã phá vỡ các ‘vòng tròn’ hay “khối cầu tri thức”, họ không nắm giữ hay làm tăng trưởng các “vòng-tròn/khối-cầu tri thức” ấy & cũng chẳng còn cái nào tương tự như thế có thể bao lấy họ được nữa. Kính chúc GS luôn vui khoẻ!

    Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s