Mấy ngày qua, báo chí trở nên khá ồn ào chung quanh vấn đề lễ phục trong ngày lễ tốt nghiệp của Trường đại học Kinh tế thuộc ĐHQGHN. Tôi nghĩ người ta ồn ào không hẳn là lễ phục dành cho sinh viên, mà là lễ phục của hiệu trưởng trông có vẻ mang màu sắc tôn giáo. Tôi có vài lời chia sẻ dưới đây, và báo chí cũng có đăng. Nay viết lại cho đầy đủ hơn.

Lễ phục tốt nghiệp đại học rất đa dạng vì tuỳ thuộc vào quốc gia và truyền thống văn hoá. Ở các nước chịu ảnh hưởng Anh, hầu hết các lễ phục khoa bảng đều theo truyền thống của Đại học Oxford hay Đại học Cambridge. Hai đại học này đã đặt ra những qui định về lễ phục cho sinh viên tốt nghiệp và cho những giáo sư trong đại học từ thế kỉ 15. Sau này, các đại học Mĩ lại thay đổi một vài đặc điểm từ lễ phục của hai đại học trên. Rất khó tóm tắt các qui định về lễ phục tốt nghiệp đại học vì sự khác biệt rất lớn giữa các đại học trong một quốc gia và giữa các quốc gia.
Lễ phục cho sinh viên tốt nghiệp
Đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, lễ phục thường có 3 trang phục chính: áo choàng (gown), nón (mortarboard), và huy hiệu (hood). Mỗi trang phục có nhiều màu (hơn 20 màu) và hình dạng khác nhau. Do đó, tổng hợp màu sắc và hình dạng có thể lên đến hàng trăm loại lễ phục khác nhau cho từng ngành học và cấp học.
Áo choàng trong thực tế là lễ phục do các tu sĩ thời xưa bên Âu châu thiết kế. Vì thời tiết lạnh, nên áo choàng thường rất dày và khá nặng, và thường có màu đậm (như đen, nâu, tím đậm, nhưng cũng thỉnh thoảng có màu đỏ). Áo choàng là biểu tượng của dân chủ trong học thuật, tức là trong buổi lễ tốt nghiệp thì ai cũng mặc áo choàng, tức ‘ai cũng như ai’. Thế nhưng nếu chú ý kĩ thì sẽ thấy có sự khác biệt về độ dài và màu sắc giữa các ngành học. Chẳng hạn như người tốt nghiệp bằng Tiến sĩ Khoa học (Doctor of Science) thì mặc áo chòang dài màu đỏ thắm, nhưng cấp tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân thì thường là màu đen.
Nón cũng là một trang phục dùng để phân biệt bằng cấp. Thời La Mã, khi nô lệ được trả tự do, họ thường đội nón hình vuông; do đó, nón là biểu tượng của tự do. Đến thế kỉ 15, nón thường có hình vuông, tượng trưng cho sách vở, cho thành tựu trong sự học. Sau này, vài đại học có loại nón tròn hoặc bát giác, thường dành cho cấp tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Nhìn chung, nón là biểu tượng của tự do và học thuật.
Huy hiệu hayhoodtrong thực tế là một tấm vải đeo sau lưng nhưng được choàng ngang cổ. Màu của huy hiệu nói lên ngành học. Chẳng hạn như ở Đại học New South Wales (theo truyền thống Cambridge) thì huy hiệu màu tím dành cho ngành y, màu đỏ là ngành kĩ thuật, màu trắng là khoa học xã hội, v.v. Nhưng nếu trường đại học theo truyền thống Đại học Oxford thì màu của huy hiệu có thể khác.

Lễ phục cho hiệu trưởng và giáo sư
Hiệu trưởng đại học (ở Anh và Úc gọi là ‘Vice-Chancellor’) thường có phẩm phục khác với sinh viên, tuy nhiên về màu sắc và hình dạng thì vẫn theo qui định như tôi mô tả trên. Điều này có nghĩa là nếu họ tốt nghiệp tiến sĩ và từ ngành y chẳng hạn và nếu theo truyền thống Cambridge thì phẩm phục vẫn là áo choàng, viền tím, và nón bát giác. Nhưng điểm khác chủ yếu là phẩm phục của hiệu trưởng có thêm vằn hay vạch (thường màu vàng). Có vài đại học, hiệu trưởng mặc áo choàng màu đỏ (nếu họ có bằng Tiến sĩ Khoa học) và viền vàng.

Điểm khác biệt thứ hai là trong buổi lễ tốt nghiệp có sự hiện diện của hiệu trưởng thì phải có người vác quyền trượng dẫn đầu. Theo truyền thống Anh, quyền trượng là biểu tượng của uy quyền, và nó được đặt trong trong các buổi họp Quốc hội, Hội đồng thành phố, v.v. Bởi vì đại học là ‘chủ nhân’ học thuật và là thiết chế duy trì truyền thống học thuật và uy quyền đối với những người đến đó theo học, nên buổi lễ tốt nghiệp phải có quyền trượng. Sự hiện diện của cái trượng trong buổi lễ có nghĩa là có người với chức vụ cao nhứt trong buổi lễ. Trước khi bắt đầu buổi lễ, có người vác quyền trượng đi trước và hiệu trưởng theo sau. Nhưng khi hành lễ quyền trượng phải được đặt trên giá nằm ngang, ý nói là chỉ sử dụng quyền lực một cách công minh.
Ở các đại học Úc tôi không thấy các hiệu trưởng đeo collar (cái vòng xích choàng ngang cổ). Vòng xích này có lịch sử từ thế kỉ 15 (hay 16?) thường làm bằng vàng, là biểu tượng của chức vụ cao nhứt. Do đó, các thị trưởng thành phố thường đeo vòng xích để khách biết rằng đó là người có chức vụ cao nhứt trong buổi lễ. Đối với đại học thì sự hiện diện của quyền trượng là biểu tượng của quyền uy cáo nhứt, nên các hiệu trưởng không đeo vòng xích.
Như mô tả trên, lễ phục khoa bảng rất đa dạng (và khá màu mè), nhưng mỗi cái áo choàng, mỗi cái nón, và mỗi huy hiệu đều có lịch sử và ý nghĩa đằng sau. Nếu không rõ những ý nghĩa của các trang phục này mà ‘biến chế’ thì rất dễ dẫn đến ngộ nhận không cần thiết. Tưởng cần nhắc lại là trước đây, cụ Phan Châu Trinh đã từng phê bình vua Khải Định về trang phục chẳng giống ai như sau: “Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới, tự mặc ra để ra Triều. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính vài ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á, lại trên nón vua thời thêu thêm những hình rồng phụng sáng ngời”.
Câu hỏi đặt ra là các đại học Việt Nam nên cho sinh viên mặc lễ phục như ở phương Tây? Tôi nghĩ rằng không cần. Việt Nam có một nền văn hiến và truyền thống khoa bảng lâu đời. Các phẩm phục dành cho trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn đã có từ xa xưa, và (theo tôi) cũng trang trọng. Tại sao không sử dụng các lễ phục thời xưa, và nếu cần, chỉ thay đổi vì chi tiết về màu sắc và thiết kế là có một bộ lễ phục đậm chất Việt Nam cho sinh viên và giáo sư Việt Nam.
____
[1] https://tuoitre.vn/le-phuc-tot-nghiep-o-truong-dai-hoc-nen-the-nao-20220801230428484.htm
Lễ phục tốt nghiệp ở trường đại học nên thế nào?
[2] https://vnexpress.net/quyen-truong-va-le-phuc-cua-cac-dai-hoc-tren-the-gioi-4495155.html
One thought on “Lễ phục tốt nghiệp đại học”