Vài kỉ niệm với Bs Phạm Văn Đởm (1949 – 2022)

Sáng nay, đang đi công tác ở Gold Coast, nghe hung tin: Bs Phạm Văn Đởm, cựu Giám đốc Bệnh viện Kiên Giang, mới qua đời, thọ 73 tuổi. Dù biết rằng với những căn bệnh hiểm nghèo thì việc anh ấy sẽ ra đi chỉ là vấn đề thời gian, nhưng nghe tin này tôi vẫn thấy buồn tiếc. Tôi chợt nhớ lại những kỉ niệm mà tôi có cùng với anh ấy cả 20 năm qua.

Hồi Tháng Tư năm nay, khi về Việt Nam công tác tôi có ghé qua Rạch Giá gặp bạn bè. Định gọi điện cho anh ấy đến chơi, nhưng ai cũng nói ‘không nên’, vì anh ấy đang mắc bệnh nặng. Trước đó, anh bị đột qụi nhưng qua khỏi, nhưng rồi lại phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo khác, rất có thể phải nhập viện. Vài ngày trước, một người bạn ở Bệnh viện Kiên Giang cho biết anh ấy đã nhập viện ở Chợ Rẫy và đamg trong cơn nguy kịch. Đến 9 giờ tối ngày 3/8 thì anh ấy trút hơi thở cuối cùng. Anh thọ 73 tuổi.

Tiến sĩ Phạm Văn Đởm (1949 – 2022)

Lần đầu gặp nhau: ít nói

Tôi và anh Đởm có nhiều kỉ niệm. Không nhớ lần đầu tôi gặp anh là năm nào, chỉ nhớ rằng đó là một dịp tôi về quê thăm nhà, và nhân tiện muốn ghé qua bệnh viện chơi, vì nghe nói bệnh viện mới có cái máy DXA. Tôi gọi điện cho anh và tự giới thiệu (nghĩ anh ấy làm gì biết tôi là ai). Nhưng không ngờ anh ấy biết khá rõ và còn nhắc lại những bài báo tôi đăng trên TT nữa! Anh ấy nói “Anh chờ đó chừng 3 tiếng, họp xong tôi sẽ đi đón anh.” Tôi nói tôi có thể lái Honda ra Rạch Giá, nhưng anh ấy gạt đi ý tưởng đó, nói rằng ‘nguy hiểm lắm‘.

Đúng 3 giờ sau, cái xe Corolla nhỏ màu xanh đậm đã đậu ở Chắc Kha. Lần đầu tiên gặp anh ấy tôi hơi ngạc nhiên, vì nhìn khá trẻ so với cái tuổi đời mà tôi nghe bạn bè nói. Anh Đởm từng là sinh viên thời trước 1975 (SPC); sau năm 1975 có thời đi lính đánh nhau bên Campuchea; rồi giãi ngủ và đi học ở trường y Sài Gòn. Sau đó là một quá trình làm việc ở nhiều nơi, và ghi danh học tiến sĩ. Sau khi có bằng tiến sĩ, rồi chẳng hiểu sao anh ấy ‘lưu lạc’ về Kiên Giang và được bổ nhiệm làm sếp bệnh viện. Tôi nói lưu lạc (trong ngoặc kép) là vì anh ấy không phải là dân Kiên Giang, mà là dân Ô Môn, Cần Thơ (cũng chẳng bao xa đối với Rạch Giá). Tuy nhiên, Kiên Giang xem anh ấy là một trong những người con ưu tú.

Anh Đởm là người rất ít nói, và điều này tôi ‘phát hiện’ khi ngồi trên xe. Suốt con đường chừng 30 phút anh ấy không nói gì nhiều, mà chỉ hỏi tôi về lâu chưa, thời tiết ở bên Úc ra sao (vì anh ấy có con định cư ở Melbourne). Tôi hỏi tình hình ở Kiên Giang ra sao thì anh ấy nói “Anh đi vòng vòng thì sẽ biết rõ hơn, chứ tôi nói thì làm sao đầy đủ được.” Tôi thì nghĩ có thể anh ấy cẩn thận với người có ‘yếu tố nước ngoài’, nên giữ lời.

Đến nơi, anh ấy dẫn tôi đi một vòng và giới thiệu với ban giám đốc bệnh viện và những trưởng khoa, những người mà tôi vẫn giữ liên lạc cho đến nay. Rồi anh ấy dẫn tôi đi vòng bệnh viện, lúc đó rất ư là bận rộn và bề bộn, và sau cùng là đi xem cái máy DXA mới mua, trông rất ok, nhưng hình như máy được một quĩ nào đó ở nước ngoài tài trợ nên phải mua loại máy mà quĩ đó yêu cầu.

Anh ấy hỏi tôi có thể sử dụng máy này cho việc gì, và tôi vui vẻ trả lời và đưa ra một đề nghị (đùa) là dùng cái máy này để đo tỉ trọng mỡ ở các viên chức trong tỉnh. Không ngờ anh ấy nói điều đó hoàn toàn ok, vì các quan chức phải đi kiểm tra sức khoẻ theo định kì nên có thể làm. Tuy nhiên, nói vui thế thôi, chứ tôi đề nghị là nên xác định giá trị tham chiếu trước, rồi sau đó dùng nó cho việc chẩn đoán và theo dõi loãng xương.

Giống như ‘truyền thống’ miền Tây, tôi được giữ lại cho đến tối, rồi kéo nhau ra quán Gió Biển. Đó là lần đầu tiên tôi ghé qua quán này và thấy thích lắm. Ra đó một hồi thì những người bạn tôi gặp lúc trưa nay cũng kéo nhau ra đó. Hoá ra, hôm đó là tiệc đãi … tôi. Tôi đang nghĩ trong bụng mình chưa làm gì mà sao họ đãi mình. Nhưng vui trước cái đã.

Thật ra, buổi gặp mặt hôm đó là mở đầu cho hàng loạt việc làm sau này mà tôi và Bs Nguyễn Đình Nguyên thực hiện cho bệnh viện và đồng hương Kiên Giang. Những lớp huấn luyện về nghiên cứu khoa học, lớp CME loãng xương, và hàng loạt seminar nhỏ được tổ chức ở đây.

Sau này, cứ mỗi lần tôi về nhà là anh ấy đều kéo ra Rạch Giá, làm chuyện này việc kia. Có khi chẳng làm gì mà chỉ … nhậu. Nói ‘nhậu’ không là chưa đủ mà thật ra là bàn về chuyện đào tạo này nọ. Qua những lần gặp như thế tôi có nhiều kỉ niệm với anh ấy và các bạn ở Kiên Giang.

Từ trái sang phải: tôi, Bs Nguyên, và Bs Đởm. Hình này hình như cũng 15 năm rồi, chụp trong buổi kết thúc lớp học mà Bs Nguyễn Đình Nguyên (người đứng giữa, sau này tốt nghiệp tiến sĩ từ UNSW) và tôi phụ trách giảng. Anh Đởm đề nghị Uỷ ban tặng bằng khen cho tôi, nhưng tôi không chịu. Mà, không chịu cũng không được, nên vẫn có … bằng khen.

Kỉ niệm “Gặp ông Tây”

Có lần tôi có việc gấp nên cần đi máy bay từ Sài Gòn về Rạch Giá (vốn chỉ 35 phút thôi), nhưng khổ nỗi là không còn vé. Dạo đó, người Rạch Giá hay đi máy bay lên Sài Gòn, vì rất tiện và giá cả cũng tương đối mềm. Tôi bí quá, nên thử gọi điện cho anh Đởm xem có giúp gì được không.

Tôi biết anh ấy là người có nhiều quen biết ở Rạch Giá, nên chắc có thể có những kênh riêng để mua vé máy bay. Thật không ngờ là anh ấy vui vẻ nói ok. Tôi đang phân vân ‘OK là sao?’ nhưng không hỏi thêm. Anh ấy chỉ nói sáng ra phi trường là có vé, vì văn phòng bệnh viện sẽ lo hết. Anh nói trong các chuyến bay Sài Gòn – Rạch Giá, thường có một ghế dành cho lãnh đạo đi công tác gấp, và may mắn là hôm đó chẳng có lãnh đạo nào đi, nên tôi … đi.

Tuy nhiên, thay vì máy bay chở tôi đi Rạch Giá thì lại đi tuốt ra … Phú Quốc! Tôi còn đang thắc mắc, chưa biết chuyện gì xảy ra, thì máy bay hạ cánh. Người ra đón tôi là anh Đởm, vẫn tươi cười nhưng không giải thích gì cả.

Ngoài tôi, anh ấy còn đến chào đón một ông khách Tây (tên Paolo, nếu tôi nhớ không lầm) trên chuyến bay, rồi anh ấy quay sang tôi nói rằng ông Tây này đại diện cho một tổ chức y tế bên Âu châu đến thăm bệnh viện Kiên Giang với hảo ý cho một cái máy cho khoa ung thư. Tôi hỏi “rồi sao tôi có mặt ở đây“, anh ấy cười bí hiểm nói “Đi nhậu trước rồi nói chuyện sau.

Địa điểm nhậu có tên là “Quán biên thuỳ”. Chủ quán là người Rạch Giá ra đây lập nghiệp, và anh quen biết rất nhiều trong giới Nhà nước và doanh nghiệp. Chủ quán là người rất văn nghệ, có sẵn cây đờn và sẵn sàng ca vọng cổ phục vụ khách quen. Khi tới quán thì đã có vài người trong bệnh viện ở đó. Anh Đởm giới thiệu tôi là “Thầy” từ Úc về chơi, và ông Tây là “Nhà hảo tâm”, rồi quay sang chủ quán anh nói “Anh đãi cho hai thượng khách này món nào coi được cái nghen“.

Tôi nghĩ trong bụng mình có là thượng khách gì đâu, mình chỉ … ăn ké thôi. Hoá ra, đó là món nhum biển, nó như con sò nhưng có gai chung quanh, và người ta hay nạo lấy thịt ăn sống với tái chanh. Lần đầu tiên tôi ăn món đó và thấy ngon. Ông Tây (là dân Ý) nói rằng ở Ý người ta cũng ăn sống như ở Phú Quốc này.

Chiều về đi tắm biển anh ấy mới nói rằng anh ấy muốn đãi ông Tây kia trước khi làm việc chánh thức vào ngày mai (tức Thứ Hai), và đúng vào lúc tôi về thăm nhà nên anh ấy “bắt cóc” tôi làm thông dịch luôn vì tôi khá rành bệnh viện này trước đây và cũng là người con của Kiên Giang. Dĩ nhiên là tôi vui vẻ nhận lời.

Tối về khách sạn, tôi lại gặp thằng em là Bs Mẫn (lúc đó nó mới du học đâu bên Mĩ về và làm việc cho Bệnh viện Kiên Giang) đang lúi húi soạn slides. Tôi hỏi slides cho chuyện gì, thì nó nói là để cho buổi buổi họp ngày mai với ông Tây kia. Tôi nói rằng “nếu em muốn ca bài khó khăn, thì em phải có những con số về dân số của tỉnh, số giường bệnh viện, số bệnh nhân, số bệnh nhân ung thư, v.v. vì Tây họ rất ư là định lượng. Nói khơi khơi họ không ‘phê’ đâu.” Cuối cùng thì tôi cũng giúp cho nó có một bộ slides hoàn chỉnh để nói chuyện và ca bài ‘khó khăn’.

Kỉ niệm buổi họp ‘lịch sử’

Ngay trong đêm đó chúng tôi soạn cái itinerary cho ông Tây, chính xác đến từng phút. Giờ nào, phút nào ổng làm gì, đi đâu, v.v. đều nằm trong cái itinerary. Ổng rất ‘ấn tượng’ với cách làm việc này và cám ơn rối rít.

Chúng tôi đi tàu từ Phú Quốc về Rạch Giá chuyến sớm nhứt. Sau buổi ăn sáng bún cá ngon ơi là ngon, anh Đởm và tôi dẫn ông Tây đi vòng bệnh viện. Ui chao, bệnh nhân nằm la liệt từ trong ra ngoài, và chiếm luôn cả mấy gốc cây.

Ông Tây hỏi tôi “Họ là thân nhân hả?” Tôi nói “Họ là bệnh nhân”. Ông ấy mở mắt kinh ngạc nói chưa bao giờ ông ta thấy cảnh tượng quá ‘upset’ như thế này trong đời. Ttôi nói “Chút xíu nữa vào họp anh sẽ biết tại sao.” Ông ấy vẫn lắc đầu.

Dẫn ông ấy đến khoa ung thư, nơi mà tổ chức y tế của ổng muốn xem xét tài trợ cho cái máy quan trọng. Em trưởng khoa hình như tên là Bs Tuấn, nói chuyện thật thà rặc miền Tây. Tôi đóng vai thông dịch. Tôi nói bằng tiếng Việt với em bác sĩ rằng ông này đến đây với ý định cho máy, em nhớ ca bài ‘khó khăn’ nghen. Tôi nháy mắt cho em ấy, nhưng hình như em ấy không hiểu ý tôi. Tôi quay sang ông Tây và giới thiệu đây là bác sĩ trưởng khoa, người sẽ giới thiệu hoạt động của khoa.

Ông Tây hỏi khoa có bao nhiêu bệnh và bao nhiêu giường, bác sĩ Tuấn trả lời bằng tiếng Việt và đưa ra những con số khá thấp. Tôi nhắc khéo là em nghĩ trong tương lai con số sẽ tăng rất cao, gấp 2-3 lần con số này, nhưng em ấy không hiểu mà vẫn nói “Dạ, mấy con số đó là chính xác thầy.” Tôi nói thì dĩ nhiên là chính xác, nhưng chúng ta đang xin máy mà em nói vậy thì chưa đủ lí do để ổng cho mình.

Tôi quay sang ông Tây nói bằng tiếng Anh kèm theo mấy con số cao gấp 2 lần, làm ông ấy kinh ngạc nói “Trời ơi! Cái mày cũ kĩ này mà phục vụ cho bao nhiêu người đó ư?” Tôi gật đầu nói “Ừ. Tôi đã nói với ông rồi: đây là nơi nghèo khó mà.”

Sau đó là vào phòng họp để nghe báo cáo về tình hình quá tải của bệnh viện và y tế nói chung ở tỉnh. Sau báo cáo của Bs Mẫn đến phiên tôi nói về tình hình hình y tế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo những con số cụ thể làm ông Paolo rất ấn tượng. Tôi nói chỉ có 5 phút mà điệp khúc ‘khó khăn’ lặp lại 5 lần. Tôi có ý nói vậy để nhấn mạnh. Kết qủa mĩ mãn là bệnh viện được tài trợ cho cái máy mà anh Đởm muốn.

Đúng theo lịch trình sắp xếp trong itinerary, ông Tây được đưa về sân bay để quay về Sài Gòn. Hình như ổng còn đi đâu nữa trong chuyến viếng thăm Việt Nam.

Kỉ niệm làm thông dịch  

Có năm tôi về thăm nhà và cận dịp Tết, nên chỉ muốn tiêu thời gian trong quê với bà con thôi. Nhưng chẳng hiểu sao anh Đởm biết tôi có mặt ở Kiên Giang, nên gọi điện nói rằng sẽ có xe đến đón tôi trong 2 giờ nữa. Để chi vậy? Anh ấy nói có chuyện quan trọng cần đến tôi.

Hình này đã 15 năm rồi. Hôm đó là buổi họp dành cho người nước ngoài đầu tư ở Kiên Giang và cả Việt kiều. Kiên Giang là nơi xuất phát của rất nhiều ‘Thuyền Nhân’ vào thập niên 1970s và 1980s, nên có rất nhiều Việt kiều ở đây. Hôm đó tôi được Bs Phạm Văn Đởm đề cử làm thông dịch viên cho ông đồng hương người Úc đang đầu tư vào một dự án lớn ở tỉnh Kiên Giang.

Hoá ra, “chuyện quan trọng” là một buổi liên hoan cuối năm mà tỉnh tổ chức cho các nhà đầu tư và NGO ở nước ngoài đang hoạt động ở Kiên Giang. Trong số các nhà đầu tư này có khá nhiều người Úc và người Úc gốc Việt. Anh Đởm là trưởng ban tổ chức buổi lễ, và muốn tôi phát biểu vài câu và sẵn dịp làm thông dịch luôn.

Dĩ nhiên là tôi không có lựa chọn nên phải nhận lời. Tôi làm thông dịch cho ông Úc, nhưng thật ra tôi chỉ nghe ổng nói gì rồi nói lại theo cách tôi hiểu, chớ không dịch từng chữ. Có những câu ổng nói dài dòng, tôi dịch ngắn ngủn. Khi xuống khán đài tôi giải thích cho ổng hiểu là tiếng Việt gọn lắm, mình có khi nói cả chục chữ nhưng tiếng Việt chỉ cần 2 chữ. Ổng gật gù.

Đến phiên tôi phát biểu, anh Đởm còn dặn nói gì để cho thấy Kiên Giang mình … khác. Tôi nói Kiên Giang là một Việt Nam trong Việt Nam, hiểu theo nghĩa có một chút Vịnh Hạ Long, một chút rừng, biển mênh mông, và dĩ nhiên là ruộng đồng phì nhiêu. Tôi trích con số tỉ lệ tăng trưởng GDP giữa An Giang co hơn Kiên Giang, và nói Kiên Giang có thể phát triển hơn nữa. Bởi vì An Giang chẳng có biển mà họ lại là nơi chế biến hải sản từ Kiên Giang!

Phóng viên có mặt hôm đó rất thích phát biểu của tôi, nên họ kéo tôi ra ngoài và phỏng vấn và ghi hình. Họ kêu tôi nói lại lời phát biểu hồi nãy, và tôi làm y chang cộng với vài dữ liệu khác. Họ nói tối nay sẽ phát hình và tôi nhớ đón xem.

Tôi gọi điện về nhà hân hoan báo cho mấy người em và bà con là “Tối nay coi tao trên truyền hình Kiên Giang”. Ai cũng theo dõi, nhưng đến phút cuối cùng của bản tin thì chẳng thấy tôi đâu.

Hoá ra, có người trong uỷ ban hôm đó đã không vui khi nghe tôi so sánh Kiên Giang với An Giang, nên họ quyết định không phát đi lời phát biểu đó. Anh Đởm thì không ngạc nhiên, và cho rằng đó chỉ là cách truyền thông người ta làm việc thôi.

Kỉ niệm khô cá sặc

Nhớ lần anh ấy rủ tôi đi Cần Thơ gặp một quan chức cao cấp (cấp thứ trưởng) để vận động xin tài trợ cho bệnh viện. Đến Cần Thơ thì đã 8 giờ tối, và chúng tôi được sắp xếp cho ở Nhà khách chánh phủ, nguyên là một trung tâm chỉ huy hải quân thời VNCH. Phòng ốc vẫn còn rất tốt và chỉnh chu.

Đói bụng quá, nên tôi kêu đồ ăn. Nhưng đây là quán của Nhà nước, nên vận hành y như Nhà nước, tức là chậm chạp, hành chánh hoá. Tôi kêu vài món trên thực đơn, nhưng món nào cũng nhận câu “Hết rồi chú ơi.” Bí quá tôi kêu món khô cá sặc và xoài, nhưng vẫn câu trả lời “Hết rồi chú ơi!”

Anh Đởm nãy giờ không nói gì đột nhiên nói một câu: “Mày nói sao cho nghe được coi. Miền Tây mà không có khô cá sặc sao? Còn hết thì mày phải tìm cách làm cho có, như ra ngoài mua đem về đây.” Nghe sếp Đởm nói có lí, anh chàng bồi bàn chạy vào trong ‘hội ý’ gì đó, rồi đi ra nói “Dạ, gần hết giờ làm việc rồi. Mấy chú thông cảm.

Tôi cười ha hả nói: Thôi mình ra bến Ninh Kiều thì chắc ăn hơn.

***

Sau này tôi còn gặp anh Đởm nhiều lần ở Rạch Giá, Cần Thơ và trong các hội nghị y khoa ở Việt Nam, và một lần ở Úc. Thật ra, tôi nghe biết rằng mấy năm gần đây anh Đởm bị đột quị, rồi kéo theo là những di chứng nguy hiểm làm cho sức khoẻ càng ngày càng suy kém.

Cuối năm 2019 tôi về Việt Nam ăn Tết và gặp anh ấy ở Rạch Giá. Lúc đó thì nhìn bề ngoài anh ấy vẫn ok, nhưng anh than phiền là sức khoẻ kém quá, nên chỉ đến đây nói chuyện, không ăn uống gì đâu. Không ngờ hôm đó là lần gặp mặt sau cùng, vì sau đó là Covid-19 và phong toả suốt 2 năm không đi đâu được. Ngay cả tháng 4 vừa qua tôi cũng không có dịp gặp anh ấy. Đúng là “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.” Nay thì anh ấy đã giã biệt cõi trần và chuyển nghiệp. Xin mượn cái note này để vừa ôn kỉ niệm xưa vừa nói lời chia tay với anh Đởm. Tôi chắc rằng là bác sĩ anh ấy biết quá rõ qui luật sinh lão bệnh tử mà phàm là người thì ai cũng phải trải qua. Mong anh được siêu thoát về với cõi lãnh. Xin san sẻ nỗi buồn với chị Đởm và gia đình.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s